QUÂN TỬ TẠO MỆNH: ĐOÁN GIẢI THIÊN CƠ - CHIẾN THẮNG THIÊN MỆNH - NIỀM HY VỌNG VINH QUANG

CÁC DỊCH VỤ TƯ VẤN CÁ NHÂN VÀ DOANH NGHIỆP
KHẨU HIỂU:
TÌM CÁT TRÁNH HUNG - CẢI MỆNH NHƯ Ý - NGŨ PHÚC LÂM MÔN

+ XEM SỐ MỆNH VÀ TV PHÁP CẢI MỆNH CÁT TƯỜNG - VUN BỒI HY VỌNG: Xem tại đây

+ MỞ LỚP HỌC DỰ ĐOÁN TỨ TRỤ VÀ QUẺ DỊCH THƯỜNG XUYÊN: Xem tại đây

+ PHÁP TU PHÁT TRIỂN TRÍ TUỆ TOÀN DIỆN - THÀNH BẬC THIÊN TÀI. Xem tại đây

+ NHẬN TƯ VẤN THIẾT KẾ THEO PHONG THỦY VĂN PHÒNG VÀ NHÀ Ở HỢP MỆNH VẬN.

+ MỞ LỚP TU "THIỀN TRÀ" VÀ TU THIỀN LẬP HẠNH GIÚP XA LÌA TÀ DỤC THƯỜNG XUYÊN

+ HỘI QUÁN CAFE PHONG THỦY: HỎI - ĐÁP VỀ BỒI CÁT TRÁNH HUNG - GIẦU CÓ AN KHANG - XA LÌA TÀ DỤC - PHÁT TRIỂN TRÍ TUỆ .... 

* Dịch vụ và Hỏi - Đáp tại số 301 Minh Khai, tầng 4 tòa nhà TTTM Thanh Ngọc, Đông Ngàn, Từ Sơn, Bắc Ninh: Xem tại đây

* TƯ VẤN MIỄN PHÍ vào Sáng thứ bảy hàng tuần, kính xin liên hệ trước để chúng tôi tiếp đón quý khách được chu đáo!

 Kính chúc quí vị luôn bình an, hạnh phúc, vạn sự cát tường như ý - Niềm hy vọng vinh quang!

+ Kính xin mời đọc kỹ: Hướng dẫn Dịch vụ

Sách Dưới Chân Thầy

SÁCH DƯỚI CHÂN THẦY
ALCYONE
(J. Krishnamurti)

DƯỚI CHÂN THẦY
(At the feet of the Master)

LỜI TỰA

Với tư cách là một huynh trưởng, tôi được trao đặc quyền viết lời giới thiệu cho quyển sách nhỏ này, là tác phẩm đầu tay của một huynh đệ trẻ tuổi, trẻ về thể xác nhưng không trẻ về mặt linh hồn. Lời giáo huấn trong sách này là do Chân Sư truyền dạy trong lúc chuẩn bị cho em được điểm đạo và được em ghi nhớ trong trí để viết lại − một cách chậm chạp và cần mẫn, vì trình độ Anh ngữ của em năm ngoái kém xa mức lưu loát hiện nay của em. Phần lớn là sự lặp lại chính lời dạy của Chân Sư, còn lại là ý tưởng của Chân Sư do em diễn đạt lại. Hai câu bị bỏ sót đã được Ngài thêm vào. Hai từ bị thiếu cũng đã được bổ sung. Ngoài điều này ra, quyển sách hoàn toàn là của Alcyon, món quà đầu tiên mà em tặng cho thế gian.
Quyển sách này có thể giúp ích cho mọi người cũng như những lời dạy đã giúp đỡ em − đó là hy vọng mà vì thế em đã cống hiến quyển sách này. Nhưng lời giáo huấn chỉ có thể có kết quả nếu nó được tuân theo, cũng như nó đã được em tuân thủ từ khi những lời ấy thốt ra từ Chân Sư. Nếu mẫu mực được chấp hành như giới luật thì đối với người đọc cũng như đối với người viết, Cửa Đền vĩ đại sẽ từ từ mở ra và người ấy sẽ đặt chân lên Thánh Đạo.

ANNIE BESANT Tháng 12 năm 1910
(Lời tựa trên đây được viết khi ông J. Krishnamurti được 15 tuổi và vẫn còn dưới sự giám hộ của Tiến Sĩ Annie Besant − Nhà xuất bản)

Kính tặng những người gõ cửa

Dưới chân Thầy

Từ cõi giả,
Xin dẫn dắt tôi đến cõi Chân
Từ bóng tối,
Xin dẫn dắt tôi đến nơi Ánh sáng
Từ cõi tử,
Xin dẫn dắt tôi đến cõi Bất Tử

LỜI NÓI ĐẦU

Những lời này không phải của tôi mà là của Chân Sư đã dạy tôi. Không có Ngài, tôi không thể làm gì cả; nhưng nhờ sự giúp đỡ của Ngài, tôi đã đặt chân lên Thánh Đạo. Anh cũng muốn bước chân vào Đường Đạo thì những lời Ngài đã dạy tôi cũng sẽ giúp được anh, nếu anh vâng theo chúng. Nói rằng những lời này chân thật và đẹp đẽ thì không đủ; người muốn thành công phải làm đúng theo những gì đã được dạy bảo. Nhìn thức ăn mà nói rằng nó ngon thì không làm một người đói lòng thỏa mãn; anh ta phải bóc lấy nó và ăn. Vì thế, nghe thấy lời Chân Sư thì không đủ; anh phải thực hành những gì Ngài nói, chú ý đến từng chữ, nắm bắt cho được từng gợi ý bóng gió. Nếu một gợi ý không được thực hiện, nếu một từ bị bỏ lỡ, nó sẽ bị mất vĩnh viễn vì Chân Sư không nói lại lần thứ hai.

Bốn đức tính phải có trên Đường đạo:

Sự phân biện.
Lòng không ham muốn.
Hạnh kiểm tốt.
Lòng bác ái.

Tôi sẽ cố gắng truyền đạt cho anh những gì mà Chân Sư đã dạy tôi về mỗi điều trên đây.

DƯỚI CHÂN THẦY
PHẦN I: SỰ PHÂN BIỆN

Đức tính đầu tiên là Sự Phân Biện, và đức tính này thường được hiểu như là sự phân biện giữa điều chân và điều giả để dẫn con người bước vào đường Đạo. Như vậy cũng đúng, nhưng nó còn nhiều hơn nữa; và nó phải được thực hành, không chỉ lúc mới bắt đầu đường Đạo, mà hằng ngày, ở mỗi bước của nó cho đến cuối con đường. Con theo Đạo bởi vì con biết rằng chỉ ở đó con mới có thể tìm thấy những điều đáng có. Người không hiểu biết làm việc để được giàu sang và quyền thế, nhưng những cái này chỉ dùng nhiều nhất là cho một đời người, và vì thế chúng là giả tạm. Có những việc lớn lao hơn những việc này − những điều chân thật và bền lâu; một khi con đã nhìn thấy những điều này thì con không còn muốn điều gì khác nữa.

Trên khắp thế giới chỉ có hai hạng ngườingười hiểu biết và người không hiểu biết; và sự hiểu biết này mới là đáng kể. Một người theo tôn giáo nào hay thuộc chủng tộc nào là những điều không quan trọng; việc quan trọng thực sự là sự hiểu biết này − sự hiểu biết về Thiên Cơ dành cho con người. Bởi vì Trời có một thiên cơ và thiên cơ đó là sự tiến hóa. Một khi con người đã thấy nó và thật sự giác ngộ về nó, người đó không thể nào không làm việc vì nó và tự đồng nhất với nó, bởi vì nó quá huy hoàng, quá đẹp đẽ. Vì thế, nhờ giác ngộ, con người thuận theo Thiên Ý, đứng về phía điều phải và chống lại việc xấu, làm việc cho sự tiến hóa chứ không phải cho lòng ích kỷ.

Nếu một người thuận theo Thiên Ý, thì người ấy là một thành viên trong chúng ta, cho dù anh ta tự cho mình là một người Ấn giáo hay Phật giáo, một người Thiên Chúa Giáo hay Hồi giáo, cho dù anh ta là người Ấn hay người Anh, người Hoa hay người Nga, điều đó không quan trọng chút nào. Những người thuận theo Thiên Cơ biết vì sao họ theo như vậy và điều gì họ nên làm, và họ đang cố gắng làm điều đó; còn tất cả những người khác chưa biết điều gì nên làm và vì thế họ thường hành động một cách dại dột, họ cố tìm những cách mà họ cho là sẽ làm cho họ vui sướng, không hiểu rằng vạn vật đồng nhất thể, và do đó chỉ điều gì mà Đấng Duy Nhất muốn mới có thể thật sự làm vui lòng mọi người. Họ đang theo đuổi sự giả tạm chứ không phải sự chân thật. Chỉ đến khi nào họ học cách phân biệt giữa hai điều này, họ mới có thể hành động theo Thiên Ý, và vì thế tính phân biện này là bước đầu tiên.

Nhưng ngay cả khi đã lựa chọn xong, con vẫn còn phải nhớ rằng có nhiều biến thể của sự chân và sự giả và phải phân biện giữa điều đúng và điều sai, điều quan trọng và điều không quan trọng, điều hữu ích và điều vô ích, điều thật và điều giả, điều ích kỷ và điều vị tha.
Không có gì khó để chọn giữa cái đúng và cái sai vì những người mong muốn đi theo Chân Sư đã nhất quyết chọn cái đúng với bất cứ giá nào. Nhưng cái thể xác và con người (the man) là hai cái khác nhau, và ý muốn của con người không phải luôn luôn là điều mà thể xác muốn. Khi thể xác con muốn điều gì đó, hãy dừng lại và suy nghĩ xem con có thật sự muốn nó hay không. Bởi vì con là Thượng Đế, và con sẽ chỉ muốn điều mà Thượng Đế muốn; nhưng con phải đào sâu vào trong chính con để tìm vị Thượng Đế bên trong và lắng nghe tiếng nói của Ngài, vốn là tiếng của con đó. Đừng lầm tưởng các thể của con là con − thể xác cũng không phải, thể cảm dục cũng không, thể trí cũng không. Mỗi thể sẽ giả vờ là Chân Ngã để đạt cái mà nó muốn.
Nhưng con phải biết tất cả chúng, và biết con là chủ của chúng.

Thể xác

Khi có việc phải làm, thể xác muốn nghỉ ngơi, đi dạo chơi, ăn và uống; và người không hiểu biết tự nói rằng: “Tôi muốn làm những việc này và tôi phải làm chúng”. Nhưng người hiểu biết nói: “Không phải tôi muốn những thứ đó, nó phải chờ một lát.” Thường khi có dịp để giúp đỡ người khác, thể xác cảm thấy: “Việc này sẽ làm phiền tôi quá; hãy để người khác làm nó đi”. Nhưng con người trả lời với thể xác: “Mi không được ngăn ta làm điều phải”.
Thể xác là con thú con nuôi − Là con ngựa cho con cưỡi. Vì thế con phải đối xử tử tế với nó và chăm sóc nó cho chu đáo; con không được bắt nó làm việc quá sức, con phải nuôi nó vừa phải chỉ bằng thức ăn và thức uống tinh khiết và giữ cho nó luôn luôn thật sạch sẽ, không dính ngay cả một vết dơ thật nhỏ bé. Bởi vì nếu không có một thể xác hoàn toàn khỏe mạnh và sạch sẽ, con không thể làm được những công việc chuẩn bị khó nhọc, con không thể chịu đựng nổi những sự căng thẳng liên tục của việc chuẩn bị này. Nhưng chính con phải là người luôn luôn kiểm soát cái thể xác đó chứ không phải nó kiểm soát con.

Thể cảm dục

Thể cảm dục có những ham muốn của nó − hàng tá những ham muốn; nó muốn con giận dữ, nói những lời gây tổn thương, ghen ghét, tham lam tiền bạc, ganh tỵ với tài sản của người khác, sinh ra ngã lòng. Nó muốn tất cả những việc này, và còn nhiều nữa, không phải vì nó muốn làm hại con mà vì nó thích những rung động dữ dội và thích thay đổi chúng thường xuyên. Nhưng con không muốn điều nào trong những điều này, và vì vậy con phải phân biện giữa những ham muốn của con với ham muốn của thể cảm dục.

Thể trí

Thể trí của con thích nghĩ rằng nó tách biệt với người khác một cách kiêu ngạo, nghĩ nhiều cho bản thân nó và ít quan tâm đến người khác. Ngay cả khi con đã rời bỏ những sự vật thế gian, nó vẫn cố tính toán cho bản ngã, làm cho con lo toan cho sự tiến bộ của riêng con thay vì lo cho công việc của Chân Sư và lo giúp đỡ người khác. Khi con tham thiền, nó sẽ cố làm cho con nghĩ tới nhiều việc khác mà nó muốn thay vì việc duy nhất mà con muốn. Con không phải là cái trí này, nhưng nó dành cho con sử dụng; vì thế ở đây lại một lần nữa sự phân biện là cần thiết. Con phải canh chừng luôn luôn, nếu không con sẽ bị thất bại.

Thiện và ác

Huyền bí học biết là không có sự thỏa hiệp giữa thiện và ác. Dù với bất cứ giá nào, con phải làm điều phải và không được làm điều quấy, mặc cho những kẻ vô minh nghĩ hay nói gì. Con phải nghiên cứu thâm sâu những luật ẩn tàng của Thiên Nhiên, và khi đã biết chúng, hãy sắp xếp cuộc sống của con cho phù hợp với chúng bằng cách luôn luôn sử dụng lý trí và lương tri.
Con phải phân biện giữa việc quan trọng và không quan trọng. Hãy vững như đá đối với việc phải và trái, hãy luôn luôn nhân nhượng kẻ khác trong những việc không quan trọng. Bởi vì con phải luôn luôn tao nhã và tử tế, biết điều và sẵn lòng giúp đỡ, để cho người khác được hoàn toàn tự do như sự tự do mà con đòi hỏi cho con.
Hãy cố tìm xem việc gì đáng làm; và hãy nhớ rằng con không được đánh giá bằng vẻ ngoài của sự vật.
Một việc nhỏ mà hữu ích trực tiếp trong công việc của Chân Sư đáng làm hơn nhiều so với một công việc lớn lao mà thế gian cho là tốt. Con phải phân biệt không chỉ việc hữu ích với việc vô ích, mà còn phải phân biệt việc hữu ích nhiều với việc hữu ích ít hơn. Nuôi ăn một người nghèo là việc làm hữu ích, cao quý và tốt đẹp; tuy nhiên, nuôi dưỡng linh hồn của họ thì cao quý hơn và hữu ích hơn việc nuôi dưỡng thể xác của họ. Người giàu nào cũng có thể nuôi dưỡng thể xác, nhưng chỉ người giác ngộ mới có thể nuôi dưỡng linh hồn. Nếu con giác ngộ, con có bổn phận giúp đỡ cho kẻ khác cũng giác ngộ.

Cho dù con đã rất khôn ngoan, con vẫn còn phải học hỏi nhiều trên đường Đạo; và ở đây cũng cần phải có sự phân biện rất nhiều, và con phải suy nghĩ cẩn thận điều gì đáng học hỏi. Mọi kiến thức đều hữu ích, và một ngày kia con sẽ biết tất cả; nhưng khi con chỉ có một phần, hãy làm sao cho phần đó hữu ích nhất. Thượng Đế là Minh Triết và cũng là Bác Ái; và con càng giác ngộ chừng nào thì Ngài càng biểu lộ nơi con chừng ấy. Vì thế hãy học hỏi, nhưng trước nhất hãy học điều gì giúp ích cho con nhất trong việc giúp đỡ người khác. Hãy bền chí học hỏi, không phải để cho người ta nghĩ là con khôn ngoan, cũng không phải để hưởng hạnh phúc là người khôn ngoan, nhưng bởi chỉ có người khôn ngoan mới có thể giúp đời một cách khôn ngoan. Cho dù con muốn giúp đời nhiều đến thế nào đi nữa, nếu con ngu dốt thì con có thể làm hại hơn làm tốt cho đời.
Con phải phân biệt giữa việc chân và việc giả; con phải học để được hoàn toàn chân chính (true), trong tư tưởng, lời nói và việc làm.

Chân chính trong tư tưởng

Trước nhất là sự chân chính trong tư tưởng; và điều này không phải là dễ, bởi vì trên thế gian có nhiều tư tưởng không đúng, nhiều sự dị đoan ngu dốt và người nào làm nô lệ cho nó thì không thể tiến bộ được. Vì thế con không được có ý tưởng nào chỉ vì có nhiều người cùng nghĩ như thế, không chỉ bởi nó đã được người ta tin tưởng hàng nhiều thế kỷ, cũng không phải vì nó đã được viết trong vài cuốn sách mà người ta cho là sách thánh; con phải tự con suy nghĩ về vấn đề và tự con phán đoán xem nó có hợp lý hay không. Hãy nhớ rằng dù cho cả ngàn người đồng ý về một vấn đề, nếu họ không biết chút gì về nó thì ý kiến của họ là vô giá trị. Người muốn bước trên Thánh đạo phải học cách tự mình suy nghĩ lấy, vì sự dị đoan là một trong những tội ác lớn nhất trên thế gian, một trong những xiềng xích mà con phải hoàn toàn tự giải thoát mình ra khỏi nó.
Ý tưởng của con về người khác phải chân chính; con không được nghĩ về người khác điều mà con không biết. Đừng cho rằng họ luôn luôn nghĩ về con. Nếu một người làm một điều mà con nghĩ là sẽ làm tổn thương con, hay nói một lời mà con cho là ám chỉ đến con, đừng nghĩ ngay rằng: ”Anh ấy có ý làm hại tôi”. Rất có thể anh ta chẳng nghĩ về con chút nào cả, bởi vì mỗi linh hồn có những khó khăn riêng của nó và tư tưởng của nó chủ yếu xoay quanh chính nó. Nếu một người nói với con một cách giận dữ, đừng nghĩ rằng: “Anh ấy ghét tôi, anh ấy muốn làm tổn thương tôi”. Có lẽ một người hay một việc gì khác đã làm anh ta nổi giận và vì tình cờ gặp con, anh ta trút cơn giận vào con. Anh ta đang hành động một cách ngu xuẩn, bởi vì mọi sự giận dữ đều là ngu xuẩn, nhưng con không được vì thế mà nghĩ điều không đúng cho anh ta.
Khi con trở thành đệ tử của Chân Sư, con luôn luôn có thể thử sự chân chính của tư tưởng bằng cách đặt nó bên cạnh tư tưởng của Ngài. Vì đệ tử đồng nhất với Sư Phụ, và anh ta chỉ cần đặt lại tư tưởng của mình vào trong tư tưởng của Sư Phụ để thấy ngay lập tức nó có phù hợp hay không. Nếu không phù hợp thì nó là sai và anh ta thay đổi nó ngay, vì tư tưởng của Chân Sư là chính xác vì Ngài biết tất cả. Người chưa được nhận làm đệ tử của Ngài không thể làm như thế này; nhưng họ có thể tự giúp mình rất nhiều bằng cách thường xuyên dừng lại để suy nghĩ: “Chân Sư sẽ nghĩ gì về việc này? Ngài sẽ nói gì hay làm gì trong trường hợp này?” Bởi vì con không bao giờ làm, nói hay nghĩ điều mà con không thể tưởng tượng là Chân Sư làm, nói hay nghĩ như thế.

Chân chính trong lời nói

Con cũng phải chân chính trong lời nói nữa − chính xác và không quá lố. Đừng bao giờ gán ghép động cơ cho người khác; chỉ Sư Phụ của anh ta mới biết tư tưởng của anh ta, và anh ta có thể hành động với những lý do mà con không bao giờ nghĩ tới. Nếu con nghe một câu chuyện không tốt về người khác, đừng lặp lại nó; nó có thể không đúng sự thật, mà cho dù nó đúng đi nữa, không nói về nó thì nhân từ hơn. Hãy suy nghĩ kỹ trước khi nói, nếu không con có thể phạm phải sự sai lầm.

Chân chính trong hành động

Hãy chân chính trong hành động; đừng bao giờ giả vờ khác với con người thật của mình, vì mọi sự giả dối là chướng ngại đối với ánh sáng tinh khiết của chân lý, ánh sáng đó nên chiếu xuyên qua con như ánh sáng mặt trời chiếu xuyên qua tấm kính trong trẻo.
Con phải phân biện giữa điều ích kỷ và điều không ích kỷ. Vì sự ích kỷ có nhiều hình thức, và khi con nghĩ con đã hoàn toàn tiêu diệt nó trong hình thức này, nó lại trổi dậy trong một hình thức khác cũng mạnh mẽ như trước. Nhưng dần dần nơi con sẽ đầy ắp tư tưởng dành cho sự giúp đỡ người khác đến nỗi sẽ không còn chỗ, không còn thời gian cho tư tưởng nào dành cho con nữa.
Tuy vậy con còn phải phân biện theo cách khác nữa. Hãy học phân biệt Thượng Đế trong mọi người và mọi vật, bất kể người ấy hay vật ấy có vẻ ngoài xấu xa như thế nào đi nữa. Con có thể giúp đỡ người anh em của con thông qua cái mà con có chung với anh ta, đó là Sự Sống Thiêng Liêng; hãy học cách khơi dậy nó trong anh ta, hãy học cách kêu gọi nó trong anh ta; nhờ thế con sẽ cứu vớt vị huynh đệ của con khỏi tội lỗi.

DƯỚI CHÂN THẦY
PHẦN II - TÍNH KHÔNG HAM MUỐN

Loại bỏ tham vọng

Đối với nhiều người, tính Không Tham Vọng là một đức tính khó vì họ cảm thấy những ham muốn đó là họ − rằng nếu những ham muốn nhất định nào đó, những cái thích và không thích của họ bị lấy đi mất, họ sẽ không còn bản ngã nữa. Nhưng đó chỉ là những người chưa từng thấy Chân Sư; trong ánh sáng của sự Hiện Diện Thánh Thiện của Ngài, mọi ham muốn đều mất ngoại trừ sự ham muốn được giống như Ngài. Tuy nhiên, trước khi có hạnh phúc tiếp kiến Ngài mặt đối mặt, con vẫn có thể đạt đến tính vô sở cầu nếu con quyết chí muốn.
Tính phân biện đã chỉ cho con thấy rằng những việc mà đa số người ham muốn, chẳng hạn như sự giàu sang và quyền thế, là không đáng để có; khi người ta thật sự cảm thấy được điều này, không chỉ là nói suông, thì mọi ham muốn về chúng không còn nữa.

Ước muốn tốt lành duy nhất

Cho đến giờ mọi thứ đều đơn giản, chỉ cần là con có thể hiểu. Nhưng có vài người từ bỏ sự theo đuổi những mục đích trần tục chỉ để đạt đến thiên đường, hoặc để đạt được sự giải thoát khỏi sự luân hồi cho cá nhân họ; con không được phạm vào sự lỗi lầm này. Nếu con đã hoàn toàn quên bản ngã, con không thể nào nghĩ đến việc khi nào bản ngã này sẽ được giải thoát, hoặc cõi trời nào mà nó sẽ đến. Hãy nhớ rằng mọi ham muốn ích kỷ đều trói buộc, cho dù cho mục tiêu của nó cao đến đâu đi nữa, và chỉ đến khi con đã rũ sạch được nó, con mới hoàn toàn tự do để hiến mình cho công việc của Chân Sư.
Khi mọi ham muốn cho bản ngã đã hết, vẫn còn có một ham muốn là thấy được kết quả của công việc mình làm. Nếu con giúp ai, con muốn thấy con đã giúp cho anh ta đến bao nhiêu; có lẽ ngay cả việc con muốn anh ta cũng thấy điều đó và biết ơn con. Nhưng đây vẫn còn là ham muốn, và cũng là thiếu lòng tin. Khi con ra sức giúp đỡ, kết quả nhất định phải có dù con có thấy hay không; nếu con biết Thiên Luật, con biết sự việc phải như thế. Vì thế con phải làm điều lành chỉ vì đó là điều lành, không phải vì mong cầu một phần thưởng; con phải làm việc chỉ vì đó là công việc, không phải vì mong thấy kết quả, con phải hết lòng phụng sự thế gian vì con yêu thích việc đó, và con không thể nào ngăn con làm việc đó.

Các quyền năng tâm linh

Đừng ham muốn các quyền năng tâm linh, chúng sẽ đến khi Chân Sư biết rằng việc có chúng là điều tốt nhất cho con. Cố tập luyện để có chúng quá sớm thường mang lại nhiều rắc rối; người sở hữu chúng thường bị các tinh linh thiên nhiên tinh quái làm cho lạc lối, hoặc trở nên tự phụ và cho rằng anh ta không thể phạm sai lầm nữa, và trong nhiều trường hợp, thời gian và sức lực để có chúng lẽ ra có thể dành cho việc phụng sự người khác. Chúng sẽ đến trong tiến trình phát triển − chúng phải đến; và nếu Chân Sư thấy rằng việc có chúng sớm hơn sẽ giúp ích cho con, Ngài sẽ chỉ bảo con cách thức an toàn để khai mở chúng. Từ giờ cho đến lúc đó, tốt hơn là con không có chúng.

Tính không ham muốn
Các ham muốn nhỏ nhen

Con cũng phải coi chừng vài ham muốn nhỏ nhen thông thường trong đời sống hằng ngày. Đừng bao giờ muốn nổi bật hoặc tỏ ra khôn ngoan; đừng ham nói. Nói ít thì tốt; tốt hơn nữa là không nói gì cả trừ khi con hoàn toàn chắc rằng điều con muốn nói là chân thật (true), tử tế (kind) và hữu ích (helpful). Trước khi nói, hãy suy nghĩ cho kỹ điều con sắp nói có đủ ba phẩm tính đó không; nếu không thì đừng nói.
Tốt hơn là tập thói quen suy nghĩ cho kỹ trước khi nói ngay từ bây giờ; vì khi con được Điểm Đạo, con phải canh chừng từng chữ, kẻo con có thể nói điều không được phép nói. Nhiều cuộc nói chuyện thông thường là không cần thiết và ngu xuẩn, khi nó là sự nói hành thì nó trở thành độc ác. Vì thế hãy tập thói quen nghe hơn là nói; đừng đưa ra ý kiến trừ khi người ta trực tiếp yêu cầu. Một câu nói bao gồm các Đức Tính như sau: tri (hiểu biết – to know), đảm (can đảm – to dare), nguyện (quyết chí – to will) và mặc (im lặng – to be silent), và cái cuối cùng là cái khó nhất trong tất cả chúng.

Hãy chú tâm vào công việc của con

Một ham muốn thông thường khác mà con phải kiên quyết khắc phục là việc muốn xen vào việc của người khác. Việc người khác làm, nói hay tin tưởng không liên quan gì đến việc của con, và con phải học để cho người khác hoàn toàn độc lập. Một người có toàn quyền tự do nghĩ, nói và hành động chừng nào mà anh ta không gây trở ngại cho người khác. Chính con yêu cầu sự tự do để làm điều mà con nghĩ là đúng, con phải cho phép người đó một sự tự do tương tự, và khi anh ta làm điều đó, con không có quyền nói về anh ta.
Nếu con cho là anh ta đang làm sai và con có thể tạo cơ hội riêng tư và rất lịch sự bảo với anh ta vì sao con nghĩ như thế, có lẽ con có thể khuyên can được anh ta; nhưng trong nhiều trường hợp, điều đó cũng là sự can thiệp không thích hợp. Dù sao con cũng không được đem chuyện ấy nói lại với người thứ ba vì đó là hành động vô cùng xấu xa.
Nếu con thấy một trường hợp độc ác đối với một đứa trẻ hay một con vật, con có bổn phận can ngăn. Nếu con thấy người nào phạm pháp, con nên báo cho những người có thẩm quyền của nhà nước. Nếu con chịu trách nhiệm giáo huấn một người, nhiệm vụ của con là bảo cho anh ta biết lỗi một cách dịu dàng. Ngoại trừ trường hợp đó ra, hãy chú tâm vào công việc của con và tập đức tính im lặng.

DƯỚI CHÂN THẦY
PHẦN III - HẠNH KIỂM TỐT

Chân Sư đưa ra sáu vấn đề hạnh kiểm đặc biệt phải có là:

1. Tự chủ đối với thể trí.
2. Tự chủ trong hành động.
3. Sự khoan dung.
4. Niềm an lạc.
5. Sự nhất tâm.
6. Đức tin.

(Tôi biết vài điều trên đây thường được dịch khác, cũng như đối với tên gọi của các phẩm hạnh; nhưng trong mọi trường hợp, tôi chỉ dùng những tên mà chính Chân Sư đã dùng khi giảng giải chúng cho tôi.)

1. Sự tự chủ đối với Thể Trí

Đức tính Không Ham Muốn trình bày rằng phải kiểm soát thể cảm dục; phần này cho thấy cũng phải làm thế đối với thể trí. Ý ta muốn nói là kiểm soát tính khí sao cho con không còn cảm thấy nóng giận hay thiếu kiên nhẫn; kiềm chế chính thể trí sao cho tư tưởng luôn luôn bình lặng và trầm tĩnh; và (thông qua thể trí) kiềm chế trạng thái thần kinh sao cho chúng càng ít kích động càng tốt. Điều cuối cùng khó làm vì khi con cố gắng tự chuẩn bị để bước vào đường Đạo, con không thể ngăn cho thể xác con nhạy cảm hơn, vì thế mà trạng thái thần kinh của nó dễ dàng bị xáo trộn bởi một âm thanh hay một va chạm, và cảm giác nhạy bén với bất cứ áp lực nào; nhưng con phải cố làm hết sức của con.
Cái trí tĩnh lặng cũng có nghĩa là sự dũng cảm, để con có thể đối mặt một cách không sợ hãi với những thủ thách và khó khăn trên đường Đạo; nó cũng có nghĩa là tính kiên định, để con có thể làm nhẹ đi những trở ngại đến trong đời sống mọi người và tránh sự lo lắng không ngớt về những việc nhỏ nhặt làm người ta mất phần lớn thì giờ vào chúng. Chân Sư dạy rằng những việc từ bên ngoài xảy đến cho một người thì chẳng quan trọng chút nào: sự buồn rầu, sự rắc rối, bệnh hoạn, mất mát − tất cả những việc này phải chẳng là gì cả đối với anh ta, và chúng phải không được phép gây ảnh hưởng lên sự yên tịnh của thể trí của anh ta. Chúng là kết quả của những việc trong quá khứ và khi chúng đến, con phải chịu đựng chúng một cách hoan hỷ, vì biết rằng mọi điều xấu là tạm thời và bổn phận của con là vẫn luôn luôn vui vẻ và trầm tĩnh. Chúng thuộc về những kiếp trước của con chứ không phải kiếp này; con không thể thay đổi chúng, vì thế thật là vô ích khi bận tâm về chúng. Tốt hơn là hãy nghĩ về những gì con đang làm hiện nay, cái mà sẽ tạo ra những biến cố cho kiếp sau của con, bởi vì con có thể biến đổi chúng.
Đừng bao giờ cho phép con buồn rầu hay nản lòng. Sự nản lòng là tội lỗi vì nó ảnh hưởng đến những người khác và làm cho cuộc sống của họ khó khăn hơn, là điều mà con không có quyền làm. Vì thế, mỗi khi chúng xảy đến với con, hãy loại bỏ nó ngay lập tức.
Tuy vậy, theo một cách khác nữa, con phải kiểm soát tư tưởng của con; con không được để nó đi lan man. Dù đang làm gì, hãy đặt hết tư tưởng vào đó để làm nó thật hoàn hảo; đừng để trí con trống rổng, nhưng hãy luôn để sẵn trong trí những tư tưởng tốt đẹp, sẵn sàng đem ra mỗi khi trí rảnh rang.
Hãy sử dụng năng lực trí tuệ hằng ngày cho những mục đích tốt đẹp; hãy là một lực lượng trên con đường tiến hóa. Mỗi ngày, hãy nghĩ đến một người nào đó mà con biết là đang buồn phiền, hay đau khổ, hoặc đang cần giúp đỡ, và hãy rót tư tưởng thương yêu lên người đó.
Hãy giữ lòng không kiêu căng vì kiêu căng do ngu dốt sinh ra. Người không hiểu biết cho họ là quan trọng, rằng họ đã làm điều vĩ đại này, điều vĩ đại nọ; người khôn ngoan biết rằng chỉ có Thượng Đế là vĩ đại, rằng mọi công cuộc tốt lành đều do một mình Thượng Đế làm ra.

2. Tự chủ trong hành động

Nếu tư tưởng của con đúng đắn, con sẽ ít bị rắc rối trong hành động. Nhưng hãy nhớ rằng, để hữu ích cho nhân loại, tư tưởng phải thể hiện thành hành động. Không được lười biếng mà phải thường xuyên làm điều tốt. Nhưng đó phải là làm những bổn phận riêng của con chứ không phải của người khác, trừ khi được người đó cho phép và do con muốn giúp đỡ người đó. Hãy để mỗi người tự lo công việc riêng của họ theo cách riêng của họ; luôn luôn sẵn sàng trợ giúp khi cần, nhưng không bao giờ xen vào. Đối với nhiều người, việc khó nhất trên đời mà họ phải học là chú tâm vào công việc riêng của họ; nhưng đó chính là việc mà con phải làm.
Do con cố gắng để đảm đương công việc cao hơn, con không được quên những bổn phận thông thường của con, bởi vì chỉ đến khi các bổn phận này được làm xong thì con mới rảnh rang cho cơ hội phụng sự khác. Con không nên đảm nhận những bổn phận thế gian mới, nhưng với những bổn phận mà con đang có, con phài hoàn thành một cách hoàn hảo − mọi bổn phận hợp lý và rõ ràng mà chính con nhận thức được, nghĩa là, không phải là những bổn phận tưởng tượng mà những kẻ khác cố áp đặt lên con. Nếu con muốn theo Ngài, con phải làm công việc thông thường giỏi hơn những người khác, chứ không phải tệ hơn; bởi vì con phải làm thế cũng là nhân danh Ngài.

3. Tính khoan dung

Con phải hoàn toàn rộng lượng với tất cả mọi người, và một sự quan tâm thật tình đối với tín ngưỡng của những người thuộc tôn giáo khác, nhiều cũng như đối với tín ngưỡng của riêng con. Bởi vì tôn giáo của họ là một con đường dẫn đến Đấng Tối Cao, cũng như tôn giáo của con vậy. Và để giúp đỡ được tất cả mọi người thì con phải hiểu tất cả họ.
Nhưng để có được một sự khoan dung hoàn toàn này, chính con phải không còn cố chấp và mê tín dị đoan nữa. Con phải hiểu rằng không có nghi lễ nào là cần thiết; nếu không con sẽ cho rằng dù gì con cũng giỏi hơn những người không hành lễ. Tuy nhiên con không được chỉ trích những người vẫn còn giữ mãi những nghi lễ. Hãy để họ làm theo ý họ; họ chỉ không được quấy rầy con, vì con đã biết chân lý − họ không được cố áp đặt lên con những gì mà con đã vượt qua. Hãy thông cảm cho mọi việc: hãy sẵn lòng với mọi thứ.
Bây giờ thì mắt con đã mở ra, vài niềm tin xưa kia của con, vài nghi lễ xưa kia của con có thể có vẻ ngớ ngẩn đối với con; mà thật vậy, có lẽ chúng thật sự là thế. Tuy nhiên, dù con có thể không còn tham gia vào những việc đó, hãy tôn trọng chúng vì lợi ích của những linh hồn tốt lành kia, vì chúng vẫn còn quan trọng đối với họ. Chúng có vị trí của chúng, chúng có chỗ dùng của chúng; chúng giống như những hàng đôi trước kia đã giúp cho con viết thẳng và đều chữ khi con còn là đứa trẻ, cho đến khi con đã học viết đẹp hơn và thoải mái hơn, dù không có chúng nữa. Đã có một thời con cần đến chúng; nhưng giờ đây thời ấy đã qua.
Một vị Đại Huấn Sư đã từng viết: “Khi còn là một đứa trẻ, tôi nói như trẻ con, tôi hiểu như trẻ con, tôi suy nghĩ như trẻ con; nhưng khi tôi đã thành người lớn, tôi bỏ hết những thứ trẻ con đó.” Nhưng người đã quên tuổi thơ của mình và không còn thiện cảm với trẻ con thì không phải là người có thể dạy dỗ hay giúp đỡ chúng. Vì thế hãy đối xử với mọi người một cách nhân ái, dịu dàng và bao dung; nhưng hãy xem mọi người đều như nhau, dù đó là người theo Phật giáo hay Ấn giáo, đạo Jaina hay đạo Do Thái, đạo Thiên Chúa hay đạo Hồi.

4. Sự an lạc

Con phải chịu đựng nghiệp quả của con một cách vui vẻ, dù cho nó có như thế nào đi nữa, lấy làm vinh dự là sự đau khổ đã đến với con, vì nó chứng tỏ rằng các Đấng Nghiệp Quả cho rằng con đáng được giúp đỡ. Tuy nghiệp quả có khó khăn nhưng hãy tạ ơn là nó đã không xấu hơn. Hãy nhớ rằng chỉ đến khi nghiệp quả xấu của con đã được trang trải, con được tự do thì con mới có thể hữu dụng hơn đối với Chân Sư. Khi hiến mình cho Chân Sư, con đã cầu xin cho con có thể trả quả nhanh hơn, và vì thế bây giờ chỉ trong một hay hai kiếp, con trả hết những gì đáng lẽ phải trải ra trên cả trăm kiếp. Nhưng để có kết quả tốt nhất từ việc đó, con phải chịu đựng nó một cách sẵn lòng, vui vẻ.
Nhưng còn một vấn đề khác nữa, con phải từ bỏ mọi ý tưởng sở hữu. Nghiệp quả có thể lấy đi của con những vật mà con quyến luyến nhất − ngay cả người mà con yêu mến nhất. Ngay cả khi đó, con phải vui vẻ − sẵn sàng rời bỏ bất cứ thứ gì và tất cả mọi thứ. Thường thường Chân Sư cần rót thần lực của Ngài cho những người khác xuyên qua bầy tôi của Ngài; Ngài không thể làm điều đó nếu người tôi tớ xuống tinh thần. Vì thế mà sự an lạc phải là quy luật.

5. Chỉ một mục tiêu duy nhất

Việc duy nhất mà con phải đặt trước con là làm công việc của Chân Sư. Ít nhất là con không bao giờ được quên điều đó dù cho có việc phải làm khác đến với con. Tuy nhiên không có việc gì khác có thể đến với con vì tất cả công việc vị tha, hữu ích đều là công việc của Chân Sư, và con phải làm việc đó vì Ngài. Và con phải đặt hết chú ý vào mỗi phần việc mà con làm, để nó có thể là công việc tốt nhất của con. Vị Huấn Sư cũng đã viết: “Dù con làm việc gì, hãy làm nó một cách nhiệt tình như làm cho Thượng Đế, không phải cho con người”. Hãy nghĩ xem con sẽ làm công việc đó như thế nào nếu con biết rằng Chân Sư sẽ đến ngay để xem nó; con phải làm mọi công việc của con theo cùng cách đó. Những người thông tuệ nhất sẽ biết rõ nhất toàn bộ ý nghĩa của đoạn văn trên. Và còn một câu nữa giống như vậy, nhưng xưa hơn: “Dù tay con làm gì, hãy làm nó với hết sức của con”.
Một mục tiêu duy nhất cũng có nghĩa là không điều gì có thể làm con rời bỏ đường Đạo mà con đã theo, dù chỉ trong phút chốc. Không sự cám dỗ nào, không thú vui trần tục nào, không cả tình cảm thế gian nào kéo được con đi lệch hướng. Bởi vì chính con phải hợp nhất với Đạo; nó phải là phần bản thể của con nhiều cho đến nổi con theo nó mà không cần nghĩ về nó, và không thể rời bỏ nó được. Con, vị Chân Thần, đã quyết định như thế; rời bỏ nó sẽ là rời bỏ chính con.

7. Đức tin

Con phải tin vào Chân Sư của con; con phải tin vào chính con. Nếu con đã từng nhìn thấy Chân Sư, con sẽ tuyệt đối tin Ngài dù trải qua nhiều kiếp chết đi sống lại. Nếu con chưa từng thấy Ngài, con vẫn phải cố hình dung ra Ngài và tin Ngài, vì nếu không, ngay cả Ngài cũng không thể giúp con được. Không có sự tin tưởng hoàn toàn thì luồng bác ái và thần lực không thể chảy qua hoàn toàn được.
Con cũng phải tin chính con nữa. Con nói rằng con biết con rất rõ? Nếu con cảm thấy như vậy thì là con không biết con đâu; Con chỉ biết cái vỏ ngoài yếu đuối, thường bị rơi vào vũng bùn. Còn con − con người thật của con − con là một điểm linh quang của Thượng Đế, và Thượng Đế, vốn là Đấng Toàn Năng, ngự trong con, và vì thế, nếu con quyết chí thì không có việc gì mà con không thể làm. Hãy tự nói với chính con: “Điều gì mà con người đã làm, con người có thể làm lại nó. Tôi là con người, nhưng cũng là Thượng Đế trong con người; Tôi có thể làm việc này, và tôi quyết sẽ làm được”. Bởi vì nếu con muốn đi trên đường Đạo, ý chí của con phải giống như thép đã trui vậy.

DƯỚI CHÂN THẦY
PHẦN IV - LÒNG BÁC ÁI

Trong tất cả các đức hạnh, Bác ái là đức hạnh quan trọng nhất vì nếu nó đủ mạnh nơi một người, nó thúc đẩy người ấy hoạch đắc tất cả những đức hạnh còn lại, và tất cả những đức hạnh còn lại mà thiếu nó thì sẽ không bao giờ là đủ. Nó thường được diễn dịch ra như là một ước muốn mãnh liệt được giải thoát khỏi vòng sinh tử, và được hợp nhất với Thượng Đế. Nhưng hiểu nó theo cách đó nghe có vẻ ích kỷ và chỉ là một phần ý nghĩa của nó. Nó không phải là sự ước muốn mà đúng hơn là sự quyết chí, sự quyết tâm, sự quyết định. Để việc đó có được kết quả, sự quyết tâm này phải tràn đầy cả bản thể của con đến đổi không còn chỗ cho bất cứ cảm xúc nào khác. Thật vậy, nó là sự quyết chí hợp nhất với Thượng Đế, không phải để con thoát khỏi sự buồn chán và đau khổ, mà là để con có thể hành động cùng với Ngài và như Ngài vì tình yêu sâu đậm của con đối với Ngài. Ngài là Bác Ái nên, nếu con muốn trở nên hợp nhất với Ngài, con cũng phải chất đầy lòng con với sự vị tha và tình yêu hoàn toàn.
Trong đời sống hằng ngày, điều này muốn nói đến hai việc: thứ nhất, con sẽ cẩn thận để không gây tổn thương cho bất cứ sinh vật nào; thứ hai, con sẽ luôn luôn tìm kiếm cơ hội để giúp đỡ mọi người.

Việc thứ nhất, không gây thương tổn. Có ba tội nặng gây tổn hại hơn mọi thứ khác trên đời này − nói hành, sự hung ác, và sự mê tín − vì chúng là tội ác chống lại lòng bác ái. Người muốn có tình yêu của Thượng Đế tràn ngập trong tim thì phải luôn luôn canh chừng không để phạm ba tội này.

Sự nói hành

Hãy xem những gì mà sự nói hành làm. Nó bắt đầu với tư tưởng xấu, và là một tội ác nơi chính nó. Vì trong mọi người và trong mọi vật có cả điều tốt lẫn điều xấu. Chúng ta có thể làm cho mỗi điều này mạnh lên bằng cách nghĩ về nó, và bằng cách này, chúng ta có thể giúp đỡ hoặc cản trở sự tiến hóa; chúng ta có thể thực hiện ý chí của Thượng Đế hoặc chúng ta có thể chống lại Ngài. Nếu con nghĩ về điều xấu nơi một kẻ khác, con đang làm cùng một lúc ba việc ác:
(1) Con đang làm tràn ngập xung quanh con với những tư tưởng xấu thay vì là những tư tưởng tốt lành và vì thế con đang tạo thêm điều buồn khổ cho đời.
(2) Nếu trong người đó có tính xấu mà con nghĩ, con đang làm cho nó mạnh lên và nuôi dưỡng nó; và vì thế con đang làm cho huynh đệ của mình xấu hơn thay vì tốt hơn. Nhưng thường thì không có điều xấu nơi người đó và chỉ là do con đã tưởng tượng ra nó; và ý tưởng xấu của con xúi dục huynh đệ của con làm điều xấu, bởi vì nếu người ấy chưa trọn lành, con có thể làm người ấy trở thành như điều mà con đã nghĩ cho anh ta.
(3) Con đã làm tràn ngập tâm trí của riêng con những tư tưởng xấu thay vì tốt; và vì thế con gây cản trở cho sự phát triển của riêng con, và làm cho con thành, đối với những người có thể nhìn thấy, một vật thể đáng chán và xấu xí thay vì là một thực thể đáng yêu và xinh đẹp.
Không bằng lòng với việc gây ra tất cả những tai hại này cho chính mình và cho nạn nhân của mình, kẻ nói hành còn cố hết sức để làm cho nhiều người khác tham gia vào tội ác của mình. Anh ta hăm hở đem kể câu chuyện độc ác của mình cho họ, hy vọng rằng họ sẽ tin nó; và rồi cả bọn tuôn đổ tư tưởng xấu lên kẻ nạn nhân đáng thương. Và việc này tiếp tục ngày này qua ngày khác, và được làm không phải bởi một người mà là bởi hàng ngàn người. Con có bắt đầu thấy tội ác này quá hèn hạ, quá tồi tệ như thế nào không? Con phải tránh nó hoàn toàn. Không bao giờ nói xấu bất cứ người nào; từ chối nghe khi có người nói xấu người khác nhưng hãy nói một cách nhã nhặn: “Có lẽ việc đó không có thật, mà cho dù có thật đi nữa, tốt hơn là đừng nói về nó”.

Sự hung ác

Bây giờ nói tới sự hung ác. Sự hung ác có hai loại, cố ý và vô ý. Hung ác cố ý là gây đau đớn cho một sinh vật còn sống khác một cách có chủ đích; và đó là tội ác lớn nhất trong tất cả các tội ác − là việc làm của một con quỷ chứ không phải của con người. Con sẽ nói rằng không ai lại làm một việc như thế; nhưng con người đã thường làm điều đó và hiện nay vẫn đang làm điều đó hằng ngày. Các quan tòa ở tòa án dị giáo đã làm nó, nhiều tín đồ sùng tín đã làm nó nhân danh tôn giáo của họ. Những người mổ xẻ thú vật sống để thí nghiệm làm nó; nhiều thầy giáo làm nó thường xuyên. Tất cả những người này cố biện minh cho sự độc ác của họ bằng cách nói rằng đó là tập tục, nhưng một tội ác không phải hết còn là một tội ác vì có nhiều người phạm nó. Karma không quan tâm đến tập tục; và karma của sự hung ác thì khủng khiếp nhất. Ở Ấn Độ không có sự tha thứ chút nào cho những tập tục như thế vì mọi người đều biết bổn phận không được gây tổn hại. Định mệnh của sự độc ác cũng dành cho những người đi vui chơi dụng ý giết hại những sinh vật của Thượng Đế và gọi nó là “thể thao”.

Ta biết là con sẽ không làm những việc như thế; và vì lòng bác ái của Thượng Đế, khi có cơ hội, tất nhiên con sẽ lên tiếng chống lại chúng. Nhưng còn có sự độc ác trong lời nói cũng như trong hành động; và một người cố tình nói một lời gây tổn thương cho người khác là phạm vào tội ác này. Việc này con cũng sẽ không làm đâu; nhưng đôi khi một lời bất cẩn cũng gây thương tổn như một lời độc ác vậy. Vì thế con phải giữ cho con không gây ra tội ác do vô tình.

Nó thường đến do sự thiếu suy nghĩ. Một người đầy tham lam và keo kiệt đến nổi anh ta không bao giờ nghĩ đến sự đau khổ mà anh ta gây ra cho người khác khi trả lương quá ít, hoặc là để vợ con ăn thiếu thốn. Một người khác chỉ nghĩ đến lòng tham dục của riêng mình mà ít quan tâm đến việc bao linh hồn và thể xác bị anh ta hủy hoại trong khi thỏa mãn nó. Chỉ để tránh cho mình vài phút phiền toái, một người không trả lương cho thợ của mình đúng ngày, không nghĩ gì đến những khó khăn mà anh ta gây ra cho họ. Quá nhiều sự đau khổ xảy ra chỉ do bởi sự vô ý − do bởi quên nghĩ đến việc một hành động sẽ ảnh hưởng đến những người khác như thế nào. Nhưng nghiệp quả không bao giờ quên, và nó không màng đến việc người ta quên. Nếu con muốn bước vào đường Đạo, con phải nghĩ đến hậu quả của việc con làm kẻo con sẽ phạm tội vô ý làm ác.

Sự mê tín dị đoan

Sự mê tín dị đoan là một tội ác lớn lao khác, và đã gây ra nhiều sự hung ác khủng khiếp. Người làm nô lệ cho nó coi thường những người khôn ngoan hơn mình, tìm cách thúc đẩy họ làm như mình. Hãy nghĩ đến sự tàn sát dễ sợ gây ra bởi sự mê tín dị đoan khi cho rằng phải hiến tế bằng súc vật, và bởi sự mê tín còn độc ác hơn nữa là vẫn còn cho rằng con người cần thịt để làm thức ăn. Hãy nghĩ dến cách đối xử mà sự mê tín đã tạo ra cho những đẳng cấp thấp kém trong xứ Ấn Độ thân yêu của chúng ta, và hãy xem ở nơi đó giai cấp cao quý xấu xa này có thể gây ra sự độc ác đầy nhẫn tâm như thế nào ngay cả giữa những người đã biết bổn phận của tình huynh đệ. Nhiều tội ác mà con người đã phạm nhân danh Thượng Đế của lòng Bác Ái, bị kích động bởi cơn ác mộng của sự mê tín dị đoan; vì vậy hãy vô cùng cẩn thận để nơi con không còn một chút vết tích nào của sự mê tín dị đoan.
Con phải tránh ba tội ác lớn lao này vì chúng nguy hại cho mọi sự tiến bộ, bởi vì chúng phạm tội chống lại lòng bác ái.

Lòng phụng sự

Nhưng không phải chỉ tránh làm điều ác, con còn phải tích cực làm điều lành. Con phải tràn đầy ước muốn phụng sự mãnh liệt đến nỗi con luôn chực chờ để phụng sự tất cả quanh con − không chỉ con người, mà ngay cả đến loài vật và cỏ cây. Con phải phụng sự trong những việc nhỏ nhặt hằng ngày cho thành thói quen để không bỏ lỡ cơ hội hiếm hoi khi gặp việc phụng sự lớn lao cần phải làm. Vì nếu con ao ước được hợp nhất với Thượng Đế, đó không phải vì lợi ích của riêng con, mà chính là vì con có thể thành một vận hà, qua đó tình yêu của Ngài tuôn chảy đến đồng loại của con.
Người đang ở trên đường Đạo, không sống vì mình mà vì mọi người; người ấy đã tự quên mình để có thể phục vụ người khác. Người ấy như cây viết trong tay Thượng Đế, qua đó tư tưởng của Ngài có thể tuôn chảy, và tìm cho nó sự biểu lộ ở cõi dưới này; nếu không có cây viết thì tư tưởng của Ngài không thể biểu lộ được. Đồng thời, người ấy cũng là một tia lửa sống động, tỏa chiếu khắp thế gian Tình Bác Ái Thiêng Liêng đang tràn ngập trong tâm mình.

Minh triết làm con có khả năng giúp đỡ, ý chí điều khiển minh triết, bác ái linh cảm ý chí − đây là những đức tính của con. Ý chí, Minh Triết và Bác Ái là ba trạng thái của Thượng Đế; còn con, muốn hiến thân để phụng sự Ngài, thì con phải thể hiện ba trạng thái này nơi cõi thế.

Đăm đắm dõi theo Lời Chân Sư,
Đăm đắm dõi theo Ánh Sáng Ẩn Tàng;
Lắng tai để bắt được mệnh lệnh của Ngài Nơi chính trung tâm ánh sáng;
Nhìn thấy dấu hiệu tế vi nhất của Ngài
Ngang qua đầu của đám đông;
Nghe thấy tiếng thì thào thoảng nhẹ nhất của Ngài Phía trên bài hát ầm ĩ nhất của thế gian.

+ Nguồn: Nhóm dịch sách Minh Triết Thánh Đoàn - MFVN. Xem thêm trang: minhtrietmoi.org

+ Xem thêm bản giảng lý sách Dưới Chân Thầy của Hội Thông Thiên Học Hoa Kỳ: Xem tại đây