QUÂN TỬ TẠO MỆNH: ĐOÁN GIẢI THIÊN CƠ - CHIẾN THẮNG THIÊN MỆNH - NIỀM HY VỌNG VINH QUANG

CÁC DỊCH VỤ TƯ VẤN CÁ NHÂN VÀ DOANH NGHIỆP
KHẨU HIỂU:
TÌM CÁT TRÁNH HUNG - CẢI MỆNH NHƯ Ý - NGŨ PHÚC LÂM MÔN

+ XEM SỐ MỆNH VÀ TV PHÁP CẢI MỆNH CÁT TƯỜNG - VUN BỒI HY VỌNG: Xem tại đây

+ MỞ LỚP HỌC DỰ ĐOÁN TỨ TRỤ VÀ QUẺ DỊCH THƯỜNG XUYÊN: Xem tại đây

+ PHÁP TU PHÁT TRIỂN TRÍ TUỆ TOÀN DIỆN - THÀNH BẬC THIÊN TÀI. Xem tại đây

+ NHẬN TƯ VẤN THIẾT KẾ THEO PHONG THỦY VĂN PHÒNG VÀ NHÀ Ở HỢP MỆNH VẬN.

+ MỞ LỚP TU "THIỀN TRÀ" VÀ TU THIỀN LẬP HẠNH GIÚP XA LÌA TÀ DỤC THƯỜNG XUYÊN

+ HỘI QUÁN CAFE PHONG THỦY: HỎI - ĐÁP VỀ BỒI CÁT TRÁNH HUNG - GIẦU CÓ AN KHANG - XA LÌA TÀ DỤC - PHÁT TRIỂN TRÍ TUỆ .... 

* Dịch vụ và Hỏi - Đáp tại số 301 Minh Khai, tầng 4 tòa nhà TTTM Thanh Ngọc, Đông Ngàn, Từ Sơn, Bắc Ninh: Xem tại đây

* TƯ VẤN MIỄN PHÍ vào Sáng thứ bảy hàng tuần, kính xin liên hệ trước để chúng tôi tiếp đón quý khách được chu đáo!

 Kính chúc quí vị luôn bình an, hạnh phúc, vạn sự cát tường như ý - Niềm hy vọng vinh quang!

+ Kính xin mời đọc kỹ: Hướng dẫn Dịch vụ

Nhân Quả Với Bệnh Nạn

TỔNG HỢP
NHÂN QUẢ VỚI BỆNH NẠN

I- THEO KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT

Ðức Phật bảo bốn vị Thiên Vương rằng: "Bồ Tát Ðịa Tạng từ bao kiếp lâu xa cho đến nay, độ thoát chúng sanh vẫn còn chưa mãn nguyện. Bồ Tát từ bi thương xót những chúng sanh tội khổ ở đời này, lại quán thấy vô lượng kiếp về sau, nghiệp nhân cứ lây dây chẳng dứt; vì lẽ đó nên lại phát trọng nguyện. Bồ Tát ở Ta Bà Thế Giới, trong cõi Diêm Phù Ðề, dùng trăm ngàn vạn ức phương tiện để giáo hóa.

Lược giảng:

Ðức Phật bảo bốn vị Thiên Vương rằng: "Bồ Tát Ðịa Tạng từ bao kiếp lâu xa cho đến nay, độ thoát chúng sanh vẫn còn chưa mãn nguyện. Bồ Tát Ðịa Tạng đã từng độ thoát rất nhiều chúng sanh trong Lục Ðạo; song, cho đến nay hạnh nguyện của Bồ Tát vẫn chưa được hoàn tất trọn vẹn. Bồ Tát từ bi thương xót những chúng sanh tội khổ ở đời này trong Ta Bà Thế Giới, lại quán thấy vô lượng kiếp về sau, nghiệp nhân cứ lây dây chẳng dứt.

"Nghiệp nhân cứ lây dây chẳng dứt" nghĩa là liên miên bất tận—dây dưa như loài cỏ dại, cứ sống dai dẳng năm này qua năm khác mà mỗi năm mọc mỗi cao hơn, um tùm hơn. Ðây là tiêu biểu cho nghiệp lực của chúng ta—mỗi đời tích lũy mỗi nhiều thêm, nặng nề hơn, chẳng khác nào cỏ dại, "cứ lây dây chẳng dứt"!

Vì lẽ đó nên lại phát trọng nguyện. Ðức Phật dạy tiếp: "Chính vì thế mà Bồ Tát Ðịa Tạng lại lập thệ nguyện trọng đại. Bồ Tát ở Ta Bà Thế Giới, trong cõi Diêm Phù Ðề, dùng trăm ngàn vạn ức phương tiện để giáo hóa, độ thoát tất cả chúng sanh.

Bây giờ chúng ta nói thêm về vấn đề "nghiệp nhân cứ lây dây chẳng dứt" vừa đề cập ở trên. Nếu đời này chúng ta tạo một ít nghiệp, rồi đời sau lại tạo một ít nghiệp nữa, và cứ như thế thì nghiệp tội của chúng ta càng ngày càng gia tăng, càng ngày càng chồng chất thêm lên—nghiệp tội như thế gọi là "lây dây chẳng dứt." Nghiệp tội của chúng ta cứ mỗi ngày một thâm trọng, thì đức hạnh của chúng ta sẽ càng ngày càng kém cỏi. Người thiếu đức hạnh hoặc không có đức hạnh, thì không thể thành Phật được, và nếu nghiệp chướng nặng nề thì sẽ phải làm quỷ.

Thế thì, phải như thế nào mới được làm Phật? Muốn làm Phật thì chúng ta cần phải "vạn đức viên dung," tất cả đức hạnh đều viên mãn, tròn đầy.

Vì sao phải làm quỷ? Vì ác nghiệp đầy dẫy, vì bị muôn vạn ác nghiệp giăng mắc bủa vây, cho nên phải làm quỷ. Có một số người do vô tri vô thức, không hiểu biết, nên mới nói rằng không có quỷ; chứ thật ra, người nào mà nói như thế thì chẳng bằng ngay cả một đứa con nít! Bởi với con nít, nếu quý vị giảng giải cho chúng nghe về đạo lý này, thì chúng đều tin tưởng lãnh hội.

Những người không tin có quỷ thần thường nói: "Hoàn toàn không có quỷ!" Thế nhưng, nếu không có quỷ, thì cũng không có Phật! Làm quỷ hay làm Phật, tất cả chỉ do ở một chữ "chuyển"—chuyển được thì thành Phật, chuyển không được thì thành quỷ, mà con người thì ở giữa mức chuyển được và chuyển không được đó. Do vậy, nếu nghiệp chướng bình thường, vừa phải, thì làm người; nếu ác nghiệp sâu dày thì làm quỷ—đây là điều không có gì phải nghi ngờ nữa cả!

Kinh văn:

Này bốn ông Thiên Vương!
Bồ Tát Ðịa Tạng nếu gặp kẻ sát sanh, thì dạy rõ quả báo vì ương lụy đời trước mà phải chết yểu.

Nếu gặp kẻ trộm cắp, thì dạy rõ quả báo bần cùng khổ sở.

Nếu gặp kẻ tà dâm, thì dạy rõ quả báo làm chim se sẻ, bồ câu, uyên ương.

Nếu gặp kẻ nói lời thô ác, thì dạy rõ quả báo quyến thuộc kình chống nhau.

Lược giảng:

Ðức Phật dạy tiếp: "Này bốn ông Thiên Vương! Bồ Tát Ðịa Tạng nếu gặp kẻ sát sanh thì dạy rõ quả báo. Khi gặp những kẻ có tánh hiếu sát, thường hay giết hại sinh vật, Bồ Tát Ðịa Tạng liền nói cho họ biết về quả báo của sự sát sanh. Quả báo ấy như thế nào? Ðó là họ sẽ vì ương lụy đời trước mà phải chết yểu.

Nếu đời này quý vị thích sát sanh, thì đời sau quý vị sẽ phải chịu rất nhiều bệnh tật đau đớn; chẳng những ốm đau khổ sở mà còn bị chết sớm, thọ mạng ngắn ngủi nữa. Vì sao thọ mạng ngắn ngủi? Ðó là vì đời trước đã trót phạm tội sát sanh! Quý vị tước đoạt mạng sống của người khác, khiến họ không được sống lâu hơn, cho nên tánh mạng của chính quý vị rồi cũng không được lâu dài—quý vị phải nhận lãnh quả báo đoản mệnh, chết yểu.

Nếu gặp kẻ trộm cắp, thì dạy rõ quả báo bần cùng khổ sở. Thế nào gọi là "trộm"? Lấy đồ đạc của kẻ khác một cách lén lút, chẳng để cho ai trông thấy; tức là "trộm." Thế nào gọi là "cắp"? Như người ta vốn không có ý muốn cho quý vị món đồ đó, nhưng quý vị thừa lúc họ không chú ý bèn đoạt lấy—đó là "cắp."

Nếu gặp những kẻ thường hay ăn cắp ăn trộm đồ đạc của người khác, thì Ðịa Tạng Vương Bồ Tát sẽ nói gì? Ngài sẽ giảng cho họ nghe về quả báo bần cùng khổ sở: "Bây giờ anh ăn trộm tiền bạc của người ta, khiến cho người ta bị lâm vào cảnh túng thiếu, thì đời sau, chính bản thân anh cũng sẽ bị nghèo nàn cơ cực."

Quý vị thử nhìn xem, trên thế gian này có biết bao người nghèo khổ, thiếu trước hụt sau, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm; đó chẳng qua là quả báo do đời trước họ đã phạm tội trộm cướp mà ra. Bởi trước kia đã trộm cắp đồ đạc hoặc cướp đoạt tiền bạc của người khác, cho nên đời này họ phải sống trong sự bần cùng nghèo khổ! Càng trộm càng nghèo; càng sợ không có thì lại càng không có! Như vậy, đối với hạng người đầu trộm đuôi cướp này, Ðịa Tạng Vương Bồ Tát giảng về quả báo "bần cùng khổ sở"—bần cùng, túng thiếu là khổ sở nhất!

Nếu gặp kẻ tà dâm... Sinh hoạt tính dục giữa vợ chồng chính thức thì không phải là tà dâm. "Tà dâm" là chỉ những kẻ ngoại hôn, không phải là vợ chồng chính thức, song chỉ vì tham đắm khoái lạc nhất thời mà phạm tà hạnh; và như thế là sai lầm, là tội lỗi. Cho dù là vợ chồng chính thức, nếu có thể giảm bớt sự hành dâm thì vẫn tốt hơn! Chớ cho rằng là vợ chồng thì không xem là phạm tội mà sanh ra tùy tiện; cần phải biết rằng thứ hành vi này làm cho con người bị ngu si, mê muội. Càng mê đắm sắc dục thì con người càng trở nên ngu si một cách tệ hại hơn, và cũng không còn hào quang nữa. Vì sao có hào quang? Do không có thứ hành vi tính dục này cho nên có được trí huệ chân chánh, sáng suốt và có hào quang.

Nếu phạm tà hạnh, có hành vi tính dục nam nữ không chánh đáng—thì đó là phạm Giới. Ðối với hạng người này thì Ðịa Tạng Vương Bồ Tát giảng những gì? Thì dạy rõ quả báo làm chim se sẻ, bồ câu, uyên ương. Ngài nói cho họ biết về quả báo phải đầu thai làm cầm thú.

Chim se sẻ là một giống chim rất dâm dật, song chưa bằng chim bồ câu. Bồ câu là loài chim dâm dật nhất, mỗi tháng nó ấp ra một tổ bồ câu con đông lúc nhúc. Thông thường, các loài chim khi giao hợp thì con trống ở trên, duy có bồ câu thì con mái lại ở trên; bởi tính dục của chim mái mạnh, cho nên mỗi tháng nó ấp nở rất nhiều bồ câu con. Còn chim uyên ương thì sao? Uyên ương thì quá nặng về mặt tình cảm, quá giàu tình cảm—chim trống và chim mái dù đáp xuống đất hay bay trên trời cũng đều đi cặp với nhau, từng đôi từng đôi không lúc nào rời nhau. Loài chim tuy nói là tự do song vẫn chỉ là một hạng súc sanh, chẳng có gì tốt đẹp cả.

Vậy, những kẻ hành tà dâm thì đời sau sẽ phải đầu thai làm chim se sẻ, bồ câu, uyên ương.

Nếu gặp kẻ nói lời thô ác, thì dạy rõ quả báo quyến thuộc kình chống nhau. "Nói lời thô ác" (ác khẩu) tức là mắng chửi người khác; trong đó bao gồm cả nói đôi chiều (lưỡng thiệt), nói thêu dệt (ỷ ngữ), nói dối (vọng ngôn). Nếu Ðịa Tạng Vương Bồ Tát gặp những kẻ độc ác, hay mắng chửi người khác, thì Ngài giảng về quả báo đời sau bà con thân thuộc của họ luôn xích mích, bất hòa.

Kinh văn:

Nếu gặp kẻ hay hủy báng, thì dạy rõ quả báo không lưỡi, miệng lở.

Nếu gặp kẻ nóng giận, thì dạy rõ quả báo xấu xí, bệnh hoạn, tàn tật.

Nếu gặp kẻ bỏn xẻn, thì dạy rõ quả báo sở cầu không toại nguyện.

Nếu gặp kẻ ăn uống vô độ, thì dạy rõ quả báo đói, khát, cổ họng đau đớn.

Nếu gặp kẻ săn bắn buông lung, thì dạy rõ quả báo kinh cuồng, mất mạng.

Nếu gặp kẻ ngỗ nghịch với cha mẹ, thì dạy rõ quả báo trời đất đánh chết.

Nếu gặp kẻ đốt núi rừng cây cối, thì dạy rõ quả báo cuồng mê đến chết.

Lược giảng:

Nếu gặp kẻ hay hủy báng, thì dạy rõ quả báo không lưỡi, miệng lở. Nếu Ðịa Tạng Vương Bồ Tát gặp những kẻ không tiếc lời chê bai Phật, Pháp, Tăng, thì Ngài nói với họ rằng: "Nếu đời này anh cứ nói năng hồ đồ, khinh chê kẻ khác, hủy báng Tam Bảo như thế, thì đời sau anh sẽ phải chịu quả báo không có lưỡi, không nói được, hoặc miệng thường bị ung nhọt, chữa trị mãi vẫn không lành."

Quý vị thử nghĩ xem, vì sao có những người bị câm, không nói ra tiếng được? Ðó là quả báo do họ đã từng hủy báng, khinh chê Tam Bảo. Tại sao có nhiều người miệng thường bị mụt nhọt lở loét, thuốc thang chạy chữa cách mấy vẫn không trị dứt được, ngay cả "thần y" cũng đành phải bó tay? Chính là vì đời trước họ đã hủy báng Tam Bảo, cho nên nay phải gánh chịu quả báo "không lưỡi, miệng lở."

Nếu gặp kẻ nóng giận, tánh tình hết sức nóng nảy, rất dễ nổi giận, dễ "phát hỏa," những kẻ có đầy đủ tánh nết của loài A Tu La, chẳng kém một chút nào, thì Ðịa Tạng Vương Bồ Tát dạy rõ quả báo xấu xí, bệnh hoạn, tàn tật. Quý vị thử nhìn một người đang cơn tức giận xem—mặt mày đỏ bừng, phùng mang trợn mắt, huơ tay huơ chân...—hình dáng bộ điệu rất hung hãn, rất khó coi. Theo tiếng Trung Hoa, chữ "long" có nghĩa là bệnh hoạn, ốm đau quặt quẹo luôn luôn; và cũng có nghĩa là bệnh bí tiểu tiện. Do đó, "long tàn" (bệnh hoạn, tàn tật) cũng có thể giải thích là bệnh về đường tiểu, hoặc là chân bị bệnh tật, không đi đứng được.

Vậy, nếu quý vị thường hay nổi nóng, thì đời sau dung mạo của quý vị sẽ rất xấu xí, lại còn bị tật nguyền và cả trăm thứ bệnh hành hạ xác thân nữa!

Nếu gặp kẻ bỏn xẻn... "Bỏn xẻn" tức là keo kiệt, không đành lòng xả bỏ. Những người có tánh bỏn xẻn chỉ thích cầm tiền trong tay mà xoay tới xoay lui, mân mê ngắm nghía, thậm chí tiền có chảy thành nước, họ vẫn không bỏ tay ra! Hạng người keo kiệt này không xả bỏ được nên không muốn làm hạnh bố thí, hễ có tiền là bo bo giữ chặt, chẳng chịu buông ra.

Thì dạy rõ quả báo sở cầu không toại nguyện. Khi Ðịa Tạng Vương Bồ Tát gặp những chúng sanh bỏn xẻn như thế, thì Ngài nói cho họ biết về quả báo mọi điều cầu xin đều không được thỏa mãn, mọi sự mong mỏi đều không được như ý.

Nếu gặp kẻ ăn uống vô độ... Có nhiều người có thói háu ăn, hễ nhìn thấy đồ ăn là ăn ngấu ăn nghiến, ăn rồi lại ăn thêm, ăn xong lại ăn nữa, món này sang món khác, không điều độ, không tiết chế gì cả. Hạng người này rất thích ăn uống; suốt ngày họ không làm gì cả, đầu óc lúc nào cũng bận rộn suy nghĩ về chuyện ăn, cứ ăn rồi ngủ, ngủ dậy lại ăn—đó gọi là "ăn uống vô độ," ăn uống không giờ giấc, không điều độ.

Ðối với hạng người ăn uống vô độ như thế, thì Ðịa Tạng Vương Bồ Tát dạy rõ quả báo đói, khát, cổ họng đau đớn. Ngài giảng cho họ nghe rằng: "Bây giờ quý vị cứ ăn uống vô độ, ăn rồi lại ăn như thế, thì đến đời sau quý vị sẽ không bao giờ được no bụng, muốn uống miếng nước cũng uống không được, vì sao ư? Vì khi đó quý vị bị bệnh ở cổ họng, không nuốt được thức ăn. Bấy giờ, quý vị muốn ăn lắm, nhưng thức ăn vào tới cổ thì mắc nghẹn, nuốt không xuống được; thậm chí ngay cả nước cũng uống không trôi được. Ðó là quả báo do sự ăn uống vô độ vậy.

Nếu gặp kẻ săn bắn buông lung... Vì sao người ta đi săn? Ở đời, có nhiều người lấy việc săn bắn làm thú vui giải trí—thấy con nai đang nhởn nhơ chạy nhảy liền bắn "đoành" một phát, con nai kia tức thì ngã lăn ra, nằm yên bất động; kẻ đi săn thì vui vẻ reo lên: "Xem kìa, tôi bắn rất chính xác! Chỉ một phát là chết ngay!"

"Buông lung" tức là không giữ quy củ một chút nào cả, chẳng câu chẳng thúc, muốn gì làm nấy. Ðối với những người săn bắn buông lung, chỉ biết săn bắn cho thỏa thích, thì Ðịa Tạng Vương Bồ Tát nói cho họ nghe điều gì? Thì dạy rõ quả báo kinh cuồng, mất mạng. Mắc bệnh kinh cuồng thì có thể bị "hoạnh tử," tức là chết một cách bất ngờ. (Những cái chết bất ngờ như bị tai nạn xe cộ, rớt máy bay, hoặc bị xe lửa hay xe buýt đụng phải mà chết, ... đều gọi là "hoạnh tử.")

Ðịa Tạng Vương Bồ Tát giảng cho những kẻ thích săn bắn nghe rằng: "Bây giờ anh giết hại chúng sanh, tước đoạt sanh mạng của chúng sanh, thì đời sau anh sẽ mắc phải chứng bệnh kinh hãi điên cuồng. Nếu bây giờ anh bắn giết người ta, thì sau này anh sẽ bị xe đụng mà thiệt mạng." Nghe Ngài giảng về nhân quả như thế, họ ngẫm nghĩ: "Ồ! Như thế thì nguy hiểm thật!" Và nhờ đó, họ không đi săn nữa.

Bồ Tát Ðịa Tạng gặp người nào thì giảng dạy thứ pháp tương ưng với căn cơ của người đó. Nếu quý vị nhớ được những sự báo ứng nhân quả tuần hoàn này, rồi khi gặp người khác quý vị lại có thể tùy duyên giảng nói cho người đó nghe, thì quý vị chính là hóa thân của Bồ Tát Ðịa Tạng vậy. Bấy giờ, Ðịa Tạng Vương Bồ Tát cùng quý vị hợp tác, mở một công ty cổ phần, song Ngài không bao giờ đòi chia cổ phần với quý vị!

Sau khi nghe giảng Kinh Ðịa Tạng, biết được sự nhân quả báo ứng rồi, thì quý vị không nên làm những việc sai lầm nữa.

Nếu gặp kẻ ngỗ nghịch với cha mẹ, thì dạy rõ quả báo trời đất đánh chết. Ðối với những kẻ bất hiếu, đánh đập chửi mắng cha mẹ, thì Ðịa Tạng Vương Bồ Tát khuyên răn: "Anh không được bất hiếu với cha mẹ. Kẻ làm con mà không hiếu thảo với cha mẹ tất sẽ bị trời tru đất diệt—bị sét đánh chết, bị cuồng phong thổi cho cây cối ngã đổ đè chết, hoặc nhà sập xuống đè chết." Ðó gọi là quả báo "trời đất đánh chết," tức là trời đất ra tay giết chết để trừng phạt. Phàm những người bị chết vì sét đánh, hoặc bị mưa to gió lớn làm sập nhà đè chết, đều là quả báo do không hiếu thảo với cha mẹ.

Nếu gặp kẻ đốt núi rừng cây cối, thì dạy rõ quả báo cuồng mê đến chết. Ðịa Tạng Vương Bồ Tát nói với những người ưa nổi lửa đốt rừng núi, cây cối, rằng: "Anh không nên nổi lửa thiêu hủy núi rừng; bằng không, đời sau sẽ bị cuồng mê, tự tìm cái chết."

Như thế, Ðịa Tạng Vương Bồ Tát đi khắp nơi giáo hóa chúng sanh, giảng cho chúng sanh hiểu những đạo lý về nhân quả báo ứng.

Kinh văn:

Nếu gặp kẻ làm cha mẹ trước hoặc cha mẹ sau độc ác, thì dạy rõ quả báo sanh trở lại hiện đời bị roi vọt.

Nếu gặp kẻ đặt lưới, giăng bẫy để bắt các sinh vật còn non yếu, thì dạy rõ quả báo cốt nhục chia lìa.

Nếu gặp kẻ hủy báng Tam Bảo, thì dạy rõ quả báo đui, điếc, câm, ngọng.

Nếu gặp kẻ khinh chê giáo pháp, thì dạy rõ quả báo ở mãi trong ác đạo.

Nếu gặp kẻ phá hoại của Thường Trụ, thì dạy rõ quả báo ức kiếp luân hồi nơi địa ngục.

Nếu gặp kẻ ô nhục phạm hạnh và vu báng Tăng Già, thì dạy rõ quả báo ở mãi trong loài súc sanh.

Nếu gặp kẻ làm bỏng, đốt, chém, chặt, hoặc đả thương sinh vật, thì dạy rõ quả báo phải luân hồi đền trả lẫn nhau.

Lược giảng:

Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy tiếp: Nếu gặp kẻ làm cha mẹ trước hoặc cha mẹ sau mà độc ác, thì dạy rõ quả báo sanh trở lại hiện đời bị roi vọt.

Ở đời, tùy theo cảnh ngộ mà con cái có thể phải sống với "cha trước, mẹ trước," với "cha trước, mẹ sau," với "cha sau, mẹ trước," hoặc với "cha sau, mẹ sau" của mình. Thế nào gọi là "cha trước" và "mẹ trước"? "Cha trước" tức là cha ruột (cha đẻ), và "mẹ trước" tức là mẹ ruột (mẹ đẻ) của mình. Tuy là cha mẹ ruột song cũng có trường hợp cha mẹ có lòng thiên vị đối với con cái, yêu ghét không đồng đều.

Lại còn có "cha sau" và "mẹ sau" nữa. Nếu cha mất sớm, mẹ tái giá với người đàn ông khác, thì người đàn ông đó là "cha sau" (cha kế, cha ghẻ) của mình; còn "mẹ sau" là thế nào? Ðây là trường hợp mẹ không may qua đời sớm, nên cha tục huyền với người đàn bà khác, thì người đàn bà đó là "mẹ sau" (mẹ kế, mẹ ghẻ) của mình. Ví dụ như cảnh ngộ của Ðại Thuấn ở Trung Hoa, là sống với cha ruột và mẹ ghẻ vậy. Thói thường, cha ghẻ và mẹ ghẻ yêu thương con cái không đồng đều—có đứa yêu, có đứa ghét.

Ở Trung Hoa có một người tên là Mẫn Tử Khiên, vốn là học trò của Ðức Khổng Tử. Mẫn Tử Khiên có cha làm quan Ðại Phu, mẹ chẳng may mất sớm nên cha tục huyền với một người đàn bà khác; và người mẹ kế này thường xuyên ngược đãi Mẫn Tử Khiên. Tiết trời mùa đông giá rét căm căm mà bà chỉ cho Mẫn Tử Khiên mặc áo kép bằng vải thô độn hoa cỏ lau; trong khi đó, con ruột của bà thì sao? Con của bà sinh ra thì được mặc áo kép lót bông mềm mại, ấm áp. Loại áo độn hoa cỏ lau thì không thể nào đủ ấm được, chỉ có áo bông mới có thể chịu đựng nổi với cái giá rét mùa đông.

Một hôm, Mẫn Ðại Phu, cha của Mẫn Tử Khiên, có việc cần đi bèn bảo Mẫn Tử Khiên đánh xe. Thấy Mẫn Tử Khiên run cầm cập, người cha giận dữ quát: "Này! Mày làm sao thế? Hôm nay trời không lạnh lắm, sao lại lóng cóng thế kia?" Nói rồi ông giật phăng cái roi đánh xe và quất mạnh lên mình Mẫn Tử Khiên, làm cho chiếc áo Mẫn Tử Khiên đương mặc bị rách và để lộ lớp hoa cỏ lau độn bên trong. Ðây gọi là "tiên đả lô hoa" (quất ra hoa lau).

Trước cảnh tượng ấy, người cha chợt hiểu tất cả; ông ta ôm mặt khóc và tự trách: "Ta thật có lỗi với đứa con này. Thì ra mẹ ghẻ của nó đối xử tệ bạc, nên nó mới bị lạnh cóng như thế." Và ông tự hứa với mình là sau khi xong việc, về đến nhà nhất định sẽ bỏ vợ, đuổi đi.

Về nhà, Mẫn Ðại Phu đòi đuổi vợ đi thật. Mẫn Tử Khiên thấy vậy bèn quỳ xuống trước mặt cha, người cha ngạc nhiên hỏi: "Tại sao con làm như vậy?"

Mẫn Tử Khiên thưa: "Xin cha đừng đuổi kế mẫu!"

Người cha hỏi: "Tại sao?"

Mẫn Tử Khiên đáp: "Mẹ ở lại mình con chịu lạnh, mẹ đi rồi hai trẻ bơ vơ." Ý nói là kế mẫu ở lại thì chỉ có một mình Mẫn Tử Khiên chịu lạnh chịu rét; nếu kế mẫu ra đi tất cha lại cưới vợ khác, đến lúc ấy thì cả hai người con đều phải chịu giá lạnh đơn côi. Cha của Mẫn Tử Khiên nghĩ ngợi, rồi không đuổi vợ nữa. Còn người kế mẫu nghe Mẫn Tử Khiên nói như thế thì rất cảm động, tự nhủ: "Ồ! Ðứa bé này hiền huệ biết bao!" Và từ đó bà cũng yêu thương Mẫn Tử Khiên như con ruột, chẳng còn phân biệt nữa.

Ngoài ra, vì sao còn có trường hợp là con có cả "cha sau, mẹ sau" hoặc "cha ghẻ, mẹ ghẻ"? Giả sử cha mất sớm, mẹ đi tái giá, thì con có "cha ghẻ." Nếu sau đó mẹ lại qua đời và người cha ghẻ cưới vợ khác, thì con lại có "mẹ ghẻ"—bấy giờ người con thành ra có "cha ghẻ, mẹ ghẻ."

Trong những tình cảnh như thế, con cái thường phải chịu nhiều đau khổ, thiệt thòi. Làm con mà gặp phải hoàn cảnh như thế thì rất là bi đát, khổ sở! Ở nước Mỹ thì không biết có tình trạng đó hay không, chứ ở Trung Hoa thì xảy ra rất nhiều. Nói tóm lại, thói thường, nếu không phải là con do mình đẻ ra thì người ta chẳng những không thương, mà còn hất hủi, ngược đãi nữa.

Ðối với những người, bất luận là cha ruột mẹ ruột hay cha ghẻ mẹ ghẻ, mà ăn ở độc ác, khắc nghiệt với con cái, hoặc ngược đãi con riêng của chồng, hành hạ con riêng của vợ, thì Bồ Tát Ðịa Tạng giảng nhân quả báo ứng như thế nào? Ngài cho họ biết là đời sau họ sẽ phải chịu quả báo bị đòn roi.

Nếu gặp kẻ đặt lưới, giăng bẫy để bắt các sinh vật còn non yếu, thì dạy rõ quả báo cốt nhục chia lìa. Nếu quý vị làm những việc như giăng lưới đánh cá, giăng bẫy để bắt chim chóc, thú vật (đặc biệt là những động vật mới sanh mới nở như cá con, chim non...), thì đời sau quý vị sẽ gặp cảnh cốt nhục bị phân ly, ruột thịt phải chia lìa. Ví dụ, do gặp phải chuyện gì đó nên những người cùng trong một gia đình đều không thể chung sống gần gũi, có khi phải lưu lạc xứ người, không thể gặp mặt nhau—đó là quả báo "cốt nhục chia lìa."

Nếu gặp kẻ hủy báng Tam Bảo, cố tình bôi nhọ Phật Pháp Tăng, thì dạy rõ quả báo đui, điếc, câm, ngọng. Gặp những người bị đui, điếc, câm, ngọng, thì không hỏi, quý vị cũng có thể biết được rằng trong đời trước hoặc vô lượng kiếp về trước họ đã từng hủy báng Tam Bảo! Những kẻ hủy báng Tam Bảo đều phải đọa địa ngục trong trăm nghìn muôn ức kiếp mới được thoát ra. Ra khỏi địa ngục rồi thì họ phải làm thân súc sanh; và phải trải qua không biết bao nhiêu lần đầu thai làm ngựa, trâu, dê, gà, chó, heo... nữa, rồi mới được thác sanh làm người trở lại. Bấy giờ, tuy được mang thân người, song phải làm người thuộc hạng bần cùng, hạ tiện, hoặc phải chịu mù, điếc, câm, ngọng. Ðó là tội báo do hủy báng Tam Bảo.

Nếu gặp kẻ khinh chê giáo pháp, xem thường Phật Pháp hoặc có lòng kiêu mạn đối với Phật Giáo, thì Ðịa Tạng Vương Bồ Tát dạy rõ quả báo ở mãi trong ác đạo—vĩnh viễn ở trong địa ngục mà chịu tội.

Nếu gặp kẻ phá hoại của Thường Trụ... "Phá hoại của Thường Trụ" tức là làm hư đồ đạc hoặc những vật dụng chung của Thường Trụ (tức là của chùa chiền)—như vô cớ giẫm lên một tờ giấy, hay vô cớ làm hư tổn một mảnh gỗ. Ðối với những người phá hoại của Thường Trụ như thế, thì Ðịa Tạng Vương Bồ Tát dạy rõ quả báo ức kiếp luân hồi nơi địa ngục.

Nếu gặp kẻ ô nhục phạm hạnh và vu báng Tăng Già... "Ô nhục phạm hạnh" tức là phá hoại phạm hạnh của người khác, làm ô uế hạnh thanh tịnh của người tu Ðạo. "Vu báng" là cố ý đặt điều, nói xấu để bôi nhọ thanh danh người khác. Thí dụ vị Sư nọ vốn không hề lấy trộm vật gì cả, mà có người lại nói: "Chính mắt tôi thấy ông ấy ăn cắp đấy!" Hoặc là vị Sư kia không hề sát sanh, nhưng có kẻ lại hô hoán lên: "Chính tôi nhìn thấy ông ta sát sanh!" Hoặc có kẻ còn dám bịa đặt những điều tệ hại khác: "Tôi thấy Thầy nàỵ ăn thịt. Tôi thấy Thầy đó đến nơi nọ nơi kia uống rượu. Tôi bắt gặp Thầy kia cợt nhả với người nữ..."

Nếu Ðịa Tạng Vương Bồ Tát gặp những kẻ không duyên không cớ, tự dưng đặt điều nói xấu, cố tình vu khống chư Tăng như thế, thì dạy rõ quả báo ở mãi trong loài súc sanh. Người nào phá hoại hạnh thanh tịnh của kẻ khác và vu oan giá họa cho Tăng Già, thì trong tương lai chắc chắn sẽ bị đọa địa ngục, và sau khi ra khỏi địa ngục thì đầu thai vĩnh viễn làm thân súc sanh.

Nếu gặp kẻ làm bỏng, đốt, chém, chặt, hoặc đả thương sinh vật... Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni lại bảo bốn vị Ðại Thiên Vương rằng: "Nếu Ðịa Tạng Vương Bồ Tát gặp những kẻ dùng nước sôi để giết hại sinh vật, dùng lửa để thiêu đốt sanh mạng, dùng dao để chém đứt mạng sống của chúng sanh, dùng chùy để đập nát sanh mạng của chúng sanh, hoặc gây thương tích cho chúng sanh, thì dạy rõ quả báo phải luân hồi đền trả lẫn nhau.

Ðịa Tạng Vương Bồ Tát nói với những người đó rằng: "Quý vị dùng nước sôi làm bỏng người ta, thì sau này quý vị cũng bị người ta dùng nước sôi làm bỏng lại. Quý vị dùng lửa đốt người khác thì đời sau quý vị cũng bị người khác đốt lại. Quý vị dùng dao chém người khác thì đời sau quý vị cũng bị người khác chém lại. Ðó gọi là "đền trả lẫn nhau" vậy.

"Ðền trả lẫn nhau" cũng có nghĩa là luân hồi tới lui, hỗ tương trao qua trả lại. Quý vị giết người ta, người ta giết lại quý vị; người ta giết quý vị, quý vị lại giết người ta—đó gọi là quả báo hỗ tương đền trả qua lại.

Kinh văn:

Nếu gặp kẻ phá giới phạm trai, thì dạy rõ quả báo làm thân cầm thú đói khát.

Nếu gặp kẻ phá hủy vật dụng một cách phi lý, thì dạy rõ quả báo mọi sở cầu đều thiếu hụt.

Nếu gặp kẻ kiêu mạn cống cao, thì dạy rõ quả báo làm nô dịch hèn hạ.

Nếu gặp kẻ nói hai lưỡi gây xích mích, thì dạy rõ quả báo không lưỡi hoặc trăm lưỡi.

Nếu gặp kẻ tà kiến, thì dạy rõ quả báo thọ sanh ở vùng biên địa.

Lược giảng:

Nếu gặp kẻ phá giới phạm trai, thì dạy rõ quả báo làm thân cầm thú đói khát. Phàm đã thọ giới rồi thì phải giữ giới, tuyệt đối không được phá giới. Thế nào gọi là "phá giới"? Ðó là trường hợp "minh tri cố phạm"—biết rõ là sai mà vẫn cố ý vi phạm. Trước kia quý vị vì không biết nên mới phạm sai lầm, thì còn tha thứ được; nhưng một khi quý vị đã biết rõ như thế là sai mà vẫn cố ý làm, thì tội lỗi lại càng nặng thêm.

Thí dụ, quý vị đã thọ giới Không Sát Sanh rồi mà vẫn còn đi sát sanh, như thế là quý vị đã phạm giới; đã thọ giới Không Trộm Cướp rồi mà lại đi ăn trộm ăn cướp, thì đó là phạm giới; đã thọ giới Không Tà Dâm mà sau đó lại làm điều dâm loạn, thì đó là phạm giới; đã thọ giới Không Vọng Ngữ rồi mà còn nói dối nói vọng, thì đó là phạm giới; đã thọ giới Không Uống Rượu mà còn rượu chè say sưa, thì đó là phạm giới. Những sự vi phạm như vậy thì đều rõ rệt, chỉ nhìn qua sự việc cũng biết được là phạm giới rồi.

Ngoài ra, có những trường hợp phạm giới mà khó thể thấy rõ được—bởi tuy là phạm giới mà vẫn có vẻ như không phạm; thế nhưng, cho dù người ta không thể nào biết được đi nữa thì mình cũng là kẻ phạm giới rồi! Về sự phạm giới thì có loại "hữu hình" (có hình tướng) và cũng có loại "vô hình" (không có hình tướng). Sự phạm giới thuộc loại "hữu hình" thì mọi người đều thấy rõ; riêng loại "vô hình" thì trong Phật Pháp cho là phạm giới, còn đa số người đời thì không hề biết tới.

Có bốn trường hợp phạm giới mà dường như không phạm:

1) Trường hợp thứ nhất, là vị Tỳ Kheo có thể thọ trì cấm giới, có thể giữ gìn Giới Pháp, đồng thời cũng có thể thực hành đầy đủ; nhưng trong sự trì giới của vị ấy còn có sự hiện hữu của "ngã tướng"—vị ấy vẫn còn thấy có một cái "tôi" biết thọ giới, cái "tôi" biết trì giới, cái "tôi" biết giữ giới! Nói tóm lại là vị ấy luôn luôn thấy có một cái "tôi" hiện diện bên trong, và đó chính là lòng chấp trước.

Như vậy, tuy chưa chính thức phạm giới, song vị Tỳ Kheo này cũng đã không giữ giới một cách chân chánh rồi. Trong việc giữ giới, quý vị cần phải không biết mình là người đang giữ giới, và phải không cảm thấy là mình cao siêu hơn người khác mới được!

2) Trường hợp "phạm mà dường như không phạm" thứ hai, là vị Tỳ Kheo có thể tụng trì Kinh, Luật, và có thể thủ hộ Giới Pháp, nhưng đối với "thân kiến" thì lại "chẳng rời, chẳng động"—lúc nào cũng thấy có sự tồn tại của một cái "thân kiến," và cứ luôn nói về cái thân thể này của mình. Vị này thì không nói về cái "ngã" hay cái "tôi," mà lại bám chấp vào cái "thân" của mình!

Chấp trước cái thân này như thế nào? Ðó là không chịu "cải biến thân thể," không chịu sửa đổi các tập khí cũ của mình—như thích giải đãi thì cứ giải đãi, thích lười biếng thì cứ lười biếng. Nói tóm lại là không muốn bắt cái thân này phải chịu cực chịu khổ một chút nào cả, suốt ngày cứ chăm chút, lo toan cho cái thân này mà thôi—và đó gọi là "thân kiến."

Vậy, tuy vị ấy có thể thủ hộ Giới Luậtdường như không vi phạm gì cả, song trên thực tế thì vị ấy đã không tuân thủ, không giữ vững Giới Luật.

3) Trường hợp "phạm mà dường như không phạm" thứ ba, thì có liên quan đến những vị Tỳ Kheo thực hành Mười Hai Hạnh Ðầu Ðà. "Ðầu-đà" là tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là "đẩu tẩu tinh thần," có nghĩa là tinh thần phấn chấn, hăng hái chiến đấu với sự lười biếng.

Chẳng hạn, vị Tỳ Kheo tu khổ hạnh có thể nghĩ rằng: "Tôi không thấy buồn ngủ cũng không thấy đói chút nào cả. Thay vì nằm ngủ thì tôi ngồi tham Thiền. Người ta thì cần ăn uống, chứ tôi thì ngay cả nước lã tôi cũng chẳng đụng đến nữa!"

Trong trường hợp này, vị Tỳ Kheo tu hành Mười Hai Hạnh Ðầu Ðà, nhưng lại chưa nhận thức được "nhân không, Pháp không," vẫn còn thấy tất cả các pháp là hiện hữu. Bởi vị đó chưa đạt được cảnh giới "chư pháp không tướng," lại còn cho rằng hết thảy các pháp đều hiện hữu, cho nên, nhìn thì có vẻ như vẫn đang thủ giới, song thực tế thì công phu giữ giới của vị ấy không được viên mãn.

4) Trường hợp "phạm mà dường như không phạm" thứ tư, là vị Tỳ Kheo có tâm từ bi đối với hết thảy chúng sanh, nhưng nếu nghe được rằng "pháp bổn vô sanh tướng," tất cả các pháp đều là không, chẳng có sanh mà cũng chẳng có diệt, thì vị ấy liền sanh lòng hoang mang, sợ hãi. Do đó, giới hạnh của vị đó cũng không được viên mãn.

Trên đây là bốn trường hợp tuy rằng không phạm giới một cách cụ thể, song cũng không phải là thủ giới một cách chân chánh!

Bây giờ chúng ta nói đến vấn đề "phạm trai." "Trai" có nghĩa là chay tịnh, không ăn thịt; vậy, "phạm trai" tức là ăn thịt. Tuy nhiên, không phải chỉ ăn thịt mới gọi là "phạm trai," mà ngay cả "ăn phi thời" (ăn trái giờ) cũng xem là "phạm trai."

Thế nào gọi là "ăn phi thời"? Nếu quý vị đã phát nguyện là quá giờ ngọ hay quá trưa rồi thì không ăn gì nữa (quá ngọ bất thực), nhưng sau giờ ngọ rồi mà quý vị vẫn cứ ăn, thì đó là "ăn phi thời." "Ăn phi thời" còn bị kết vào tội trộm cắp; bởi quý vị đã nguyện là "quá ngọ bất thực," thế mà nói xong lại không giữ lời, quá ngọ rồi mà vẫn cứ lấy thức ăn để ăn, do đó phạm giới trộm cắp. Như thế, quý vị chẳng những phạm giới "không ăn quá ngọ," lại còn phạm luôn cả giới "không trộm cắp" nữa. Rồi đến khi có người hỏi là quý vị đã ăn gì chưa, nếu quý vị tìm cách che đậy: "Ồ, tôi chưa ăn gì cả!"—như thế là quý vị phạm luôn giới "không vọng ngữ." Như vậy, tổng cộng quý vị đã phạm đến ba giới.

Ngoài ra, kẻ nào cung cấp thức ăn cho người phạm giới, thì chính bản thân kẻ ấy cũng phạm cùng những giới như vậy, và cũng bị kết vào những tội giống như phạm nhân vậy.

Ðức Phật có dạy rằng: "Những kẻ phạm giới đều không phải là đệ tử của Phật!"

Những kẻ phạm giới thì như thế nào? Họ ví như loài chim ó vậy. Loài chim này có tiếng kêu rất kỳ quái, những người nghe thấy tiếng kêu của chúng đều lấy làm lạ. Những kẻ phạm giới lại ví như loài quỷ đói chuyên ăn phẩn vậy; bởi đói khát mà không có gì ăn, chúng đành phải ăn những đồ dơ dáy như thế.

Những kẻ "phá giới phạm trai" là hạng người hạ cấp, bần tiện nhất trong xã hội loài người, và đời sau họ chắc chắn phải chịu quả báo làm thân cầm thú, súc sanh. Do đó, nếu gặp những người phá giới phạm trai thì Ðịa Tạng Vương Bồ Tát dạy cho họ biết rằng đời sau họ sẽ phải làm loài cầm thú và luôn bị đói khát, thiếu thốn thức ăn.

Nếu gặp kẻ phá hủy vật dụng một cách phi lý, thì dạy rõ quả báo mọi sở cầu đều thiếu hụt.

"Phi lý" tức là không hợp lý. Tất cả mọi thứ đồ đạc như cái ly, cái chén..., toàn là những đồ còn dùng được, mà quý vị lại cầm lên rồi vô duyên vô cớ ném một cái "xoảng" cho vỡ đi, thì đó gọi là "phá hủy một cách phi lý"—không có lý do chánh đáng để đập bể đồ đạc. Không riêng gì một cái ly, cái chén, mà hết thảy mọi vật dụng thuộc về Thường Trụ, tài sản của nhà chùa, chúng ta đều không được phung phí phá hoại; và ngay cả những đồ đạc của tư nhân, chúng ta cũng không nên phá hủy. Bằng không, nếu quý vị hủy hoại một cách bừa bãi, thì đời sau phải chịu quả báo mong cầu cái gì cũng không được toại ý, và thường phải chịu đựng nỗi khổ "cầu mà không được" (cầu bất đắc khổ).

Nếu gặp kẻ kiêu mạn cống cao, thì dạy rõ quả báo làm nô dịch hèn hạ. "Cống cao" tức là thấy mình là tài giỏi hơn người, tự đánh giá mình quá cao.

Những kẻ mà đời này có "ngã kiến" nặng nề, cái gì cũng "tôi" cả, coi cái "tôi" này còn to lớn hơn cả núi Tu Di, ngông nghênh ngạo mạn, thì đời sau phải làm kẻ tôi đòi hèn hạ, nô lệ cho người khác.

Nếu gặp kẻ nói hai lưỡi gây xích mích, thì dạy rõ quả báo không lưỡi hoặc trăm lưỡi. "Nói hai lưỡi" (lưỡng thiệt) tức là xúi xiểm, gây xích mích để ly gián. Những kẻ ưa nói lời đâm thọc, khích bác, khiến cho xảy ra chuyện thi phi gây gỗ, thì đời sau sẽ bị quả báo không có lưỡi, không thốt ra tiếng được, hoặc phải làm thân chim se sẻ.

Nếu gặp kẻ tà kiến, thì dạy rõ quả báo thọ sanh ở vùng biên địa. "Tà kiến" tức là không tuân giữ quy củ phép tắc. Những người không tuân theo quy củ, chẳng giữ gìn phép tắc đều là hạng người có tà kiến, có kiến giải sai lầm. Ðối với hạng người này, Bồ Tát Ðịa Tạng bảo cho họ biết rằng đời sau họ sẽ chịu quả báo thác sanh vào vùng biên địa hạ tiện, nơi bần cùng nghèo khổ nhất.

Kinh văn:

Trăm ngàn sự báo ứng kết quả bởi tập khí xấu ác từ thân khẩu ý nghiệp của chúng sanh trong cõi Diêm Phù Ðề như thế, nay chỉ nói sơ lược đó thôi.

Nghiệp cảm của chúng sanh trong chốn Diêm Phù Ðề sai biệt như thế, nên Bồ Tát Ðịa Tạng phải dùng trăm ngàn phương tiện để giáo hóa. Các chúng sanh ấy, trước tiên phải thọ lãnh các quả báo như thế, sau đó lại đọa vào địa ngục, trải qua nhiều kiếp không có kỳ hạn thoát ra. Vì thế cho nên, các Ông phải hộ nhân hộ quốc, chớ để những nghiệp chướng đó làm mê hoặc chúng sanh."

Bốn vị Thiên Vương nghe xong, rơi lệ than thở, chắp tay lễ Phật mà lui ra.

Lược giảng:

Ðức Phật lại bảo bốn vị Thiên Vương rằng: Trăm ngàn sự báo ứng kết quả bởi tập khí xấu ác từ thân khẩu ý nghiệp của chúng sanh trong cõi Diêm Phù Ðề như thế, nay chỉ nói sơ lược đó thôi.

Vừa rồi, Ðức Phật nói về vấn đề nhân duyên quả báo, song đó chỉ là nói sơ lược mà thôi. Tất cả chúng sanh ở cõi Nam Diêm Phù Ðề gây tạo ác nghiệp qua thân, khẩu và ý; đó là những ác nghiệp gì? Thân, khẩu và ý có thể gây ra mười ác nghiệp; trong đó, thân có ba ác nghiệp là sát sanh, trộm cắp, tà dâm; khẩu (miệng) có bốn ác nghiệp là nói lời hung ác, nói đôi chiều, nói thêu dệt, nói dối; và ý có ba ác nghiệp là tham lam, sân hận, si mê.

Chúng sanh do tập nhiễm tánh ác, lâu dần trở thành thói quen ác độc, kết quả là đời sau phải hứng chịu vô số quả báo khổ sở, sự báo ứng có đến cả trăm ngàn loại khác nhau. Song, bây giờ Ðức Phật chỉ nói sơ lược đó thôi, chứ không đi sâu vào chi tiết một cách tường tận.

Nghiệp cảm của chúng sanh trong chốn Diêm Phù Ðề sai biệt như thế, nên Bồ Tát Ðịa Tạng phải dùng trăm ngàn phương tiện để giáo hóa. Nghiệp ác do tất cả chúng sanh ở cõi Nam Diêm Phù Ðề gây tạo vốn không giống nhau, cho nên quả báo do các nghiệp dữ đó cảm vời ra cũng có nhiều khác biệt; vì thế Ðịa Tạng Bồ Tát đã phải dùng trăm phương ngàn chước để dạy dỗ, cảm hóa những chúng sanh này.

Các chúng sanh ấy, trước tiên phải thọ lãnh các quả báo như thế, sau đó lại đọa vào địa ngục, trải qua nhiều kiếp không có kỳ hạn thoát ra. Những chúng sanh ở cõi Nam Diêm Phù Ðề này, trước hết là phải chịu các quả báo nói trên. Sau khi đã thọ lãnh xong những quả báo đó, họ lại bị đọa vào địa ngục, trải qua vô lượng kiếp số, mãi mãi không bao giờ ra khỏi được.

Vì thế cho nên, các Ông—bốn vị Thiên Vương—phải hộ nhân hộ quốc, chớ để những nghiệp chướng đó làm mê hoặc chúng sanh."

Ðức Phật dặn dò bốn vị Thiên Vương phải phù hộ những chúng sanh này và bảo vệ các cõi nước này, đừng để cho các quả báo ác nghiệp bủa vây, khiến cho chúng sanh bị trầm luân mê muội.

Bốn vị Thiên Vương nghe xong, rơi lệ than thở, chắp tay mà lui ra. Sau khi nghe Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng giải về những nhân duyên quả báo xong, bốn vị Thiên Vương đều bùi ngùi xúc động, rơi lệ thở dài; vì sao? Vì họ một mặt thì thương xót những chúng sanh phải chịu thống khổ, mặt khác họ tự thấy hổ thẹn bởi chính mình chưa làm tròn trách nhiệm, chưa bảo hộ chúng sanh tới nơi tới chốn. Chính vì có những cảm tưởng như vậy, cho nên họ mới rơi lệ và thở dài xót xa. Rồi cả bốn vị Thiên Vương đồng cung kính chắp tay đảnh lễ Ðức Phật và lui sang một bên.

Nguồn: Kinh Địa Tạng Bồ Tát - Phầm 4 - HT Tuyên Hóa giảng giải