Bát Nhã Tâm Kinh - Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh - HT Tuyên Hóa giảng

+ Thủ Ấn/ Đát Điệt Tha trong câu 18. Đát điệt tha - án (Nguồn: HT Tuyên Hóa giảng về Thần Chú Đại Bi)
Trong Bát nhã tâm kinh có nói: “Cố thuyết Bát nhã Ba la mật đa chú, tức thuyết chú viết...”
Đát điệt tha Hán dịch là “tức thuyết chú viết”. Còn dịch là “Sở vị”. Bồ – tát Quán Thế Âm dùng Tâm đại bi mà nói ra chơn ngôn này, nói bằng các chủng tự của Phạm Thiên.
Đát điệt tha còn có nghĩa là “thủ ấn” nghĩa là kết ấn bằng tay. Cũng gọi là “trí nhân” nghĩa là khai mở con mắt trí tuệ của chúng sinh.....

+ Bát Nhã Tâm Kinh Ba La Mật Đa:
Kinh này được phân ra thành hai phần : 1/ Giải thích tổng quát về danh đề . 2/ Giải thích riêng về văn nghĩa.
Phần giải thích về danh đề được phân làm hai : Kinh đề và nhân đề.
Bàn về đề mục của kinh, trong ba tạng kinh điển, mười hai phần giáo có bảy loại lập đề.

Đoạn mở đầu: "Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm bát nhã ba la mật đa thời chiếu kiến ngã uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách. Xá Lợi Tử, sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc. Thọ tưởng hành thức diệc phục như thị. Xá Lợi Tử, thị chư pháp không tướng, bất sanh bất diệt bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm, thị cố không trung vô sắc, vô thọ tưởng hành thức, vô nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý. Vô sắc thanh hương vị xúc pháp, vô nhãn giới, nãi chí vô ý thức giới, vô vô minh diệc, vô vô minh tận, nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận, vô khổ tập diệc đạo, vô trí diệc vô đắc, dĩ vô sở đắc cố. Bồ đề tát đỏa y bát nhã ba la mật đa cố, tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng cứu cánh niết bàn, tam thế chư Phật y bát nhã ba la cố đắc a nậu đa la tam miệu tam bồ đề cố tri bát nhã ba la mật đa, thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhất thiết khổ, chân thật bất hư, cố thuyết bát nhã ba la mật đa chú, tức thuyết chú viết, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha.

(Bộ tâm kinh là tâm trong tâm bát nhã, tuy chỉ có hai trăm sáu mươi chữ mà lấy chữ tâm trong kinh bát nhã làm chủ thể, nên gọi tâm trong tâm)
Thứ nhất là giải thích danh nghĩa.
"Diệu trí phương hà đạt bỉ ngạn, (dùng diệu trí mới đạt bờ giác)".
Sao gọi là diệu trí ? Bát Nhã là diệu trí. Đạt đến bờ bỉ ngạn (bờ giác) tức là bát nhã ba la mật đa. Vì thế, chư vị dùng trí bát nhã thì mới đạt đến bờ giác.
"Chân tâm tự năng khế giác nguyên, (chân tâm tự khế hợp nguồn giác)".
Chân tâm này là chữ tâm, cũng là bát nhã. Chư vị có trí huệ vi diệu bát nhã. Khi có chân tâm này, thì tự nhiên năng khế hợp với nguồn giác, cũng là tương hợp với bổn giác của chư Phật, đắc được thể của bổn giác. Khế hợp được tức là tương hợp được, cùng hiệp thành một khối.
" Pháp dụ lập danh vượt đối đãi, (lập danh pháp dụ vượt đối đãi)".
Tâm kinh bát nhã ba la mật đa lấy pháp và dụ mà lập danh đề. Bát nhã ba la mật đa là pháp. Tâm là dụ. Bát nhã là gì ? Bát nhã có ba loại văn tự bát nhã, quán chiếu bát nhã, thật tướng bát nhã. Dùng văn tự bát nhã mà xuất sanh quán chiếu bát nhã. Dùng quán chiếu bát nhã mà khế hợp với thật tướng bổn giác bát nhã. Cùng tột thật tướng bát nhã chính là trí huệ, tức là trí huệ vi diệu, cũng gọi là trí huệ triệt để. Trí huệ này thật triệt liễu, là trí huệ để mình trở về quê nhà, tức là trí huệ của chư Phật.
Sao nói như thế ? Vì trí huệ bát nhã chính là chân tâm. Chân tâm cũng là trí huệ. Chữ 'bát nhã' được dịch là 'chân tâm'. Kinh này nói về tâm trong tâm. Đây là tâm mà sáu trăm quyển bát nhã luôn đề cập tới. Bộ kinh này nói về tâm trong tâm. Bát nhã là tâm, cũng là tâm trong tâm. Tâm trong tâm nghĩa là tâm, nên gọi là tâm kinh. Vì chữ 'bát nhã' được dịch là 'nhất chân tâm', nên kinh đại bát nhã cũng gọi là kinh 'đại chân tâm'. Tâm này không phải là tâm giả dối, mà là diệu lý thật dụng.
Bộ tâm kinh là tâm trong tâm bát nhã, tuy chỉ có hai trăm sáu mươi chữ mà lấy chữ tâm trong kinh bát nhã làm chủ thể, nên gọi tâm trong tâm. Nay lại nói chữ tâm này, chính là tâm trong tâm, nên gọi là tâm kinh. Chân tâm biểu hiện chân tâm, nên dùng một chữ tâm. Pháp này là bát nhã ba la mật đa, cũng là pháp đạt đến bờ giác. Tâm là dụ. Kinh này lấy tâm trong một đời người làm chủ thể, nên tuyệt không và vượt ngoài đối đãi. Pháp tuyệt không đối đãi này cũng không có pháp nào đối đãi được, siêu việt, vượt ngoài cảnh giới đối đãi.

Thể của Kinh này là gì:  Thứ hai là hiển thể.
"Không chư pháp tướng thể tuyệt ngôn, (pháp tướng vốn không, thể không lời)".
Tức là không có tướng của các pháp, cũng là các pháp không tướng. Không tướng tức không có tướng thật. Không chư pháp tướng được dùng làm thể của kinh. Tuyệt ngôn ngữ tức là không chi nói được. Thể đó là không chư pháp tướng; việc chi cũng không có, cho đến lời nói hay ho của chư vị cũng thế. Thể đã tuyệt ngôn ngữ tức là kinh xa lìa tướng của ngôn ngữ lời nói. Xa rời tâm thường duyên theo hình tướng, xa lìa tướng văn tự, xa rời tất cả tướng, tức xa rời tất cả pháp.

Phá trừ các Chướng ngại - Các chướng nạn:
Thứ tư là luận bàn về dụng.
"Lực dụng khu trừ tam trược, (dùng lực dẹp trừ ba chướng trược".
Dùng lực gì ? Ðể làm gì ? Dùng tâm kinh bát nhã ba la mật đa để làm chi ?
Tức là dùng lực dụng của kinh này để phá trừ ba chướng. Ba chướng là gì ?
Một là báo chướng. Hai là nghiệp chướng. Ba là phiền não chướng.
1. Báo chướng có hai loại là chánh báo và y báo. Sao gọi là chánh báo, y báo?
Chánh báo tức là chúng ta đang thọ báo trong hiện tại, cũng là thân thể chính mình. Y báo tức là y cứ theo cuộc sống mà thọ báo, như y phục, thức ăn, chỗ ở, v.v... Chánh báo của con người là thân thể đẹp xấu, khỏe mạnh hay bịnh tật, tướng mạo anh tuấn hay xấu xí, người người trông thấy đều hoan hỷ, ái kính hay ghét bỏ. Hoặc giả người có trí huệ, hay có thiện căn. Tuy nhiên trong mỗi hạng, cũng phân làm hai:

Thứ nhất, người có trí huệ mà không có thiện căn. Vì sao thế ? Những hạng người này đa số đều từ quỷ quái yêu ma mà sanh ra trên thế gian. Như sơn tinh ở núi lâu năm thành yêu quái, là loài si mị võng lượng (quỷ xuất sanh từ gỗ đá). Những loại quỷ thần đầu trâu mặt ngựa này là những yêu tinh lâu năm thường ăn thịt người, hay những yêu quái đã chết lâu rồi, nay trở lại làm người. Chúng rất thông minh như những người khác. Tuy nhiên, chúng làm việc gì cũng đều không thông minh, luôn làm những việc sai lầm, chuyên môn không giữ luật lệ. Những việc có hại đến người khác thì chúng đều làm. Chúng thường nói những điều làm loạn trật tự xã hội, vì sợ thiên hạ không bị loạn. Loại người này có trí huệ mà không có thiện căn.

Lại nữa, người có thiện căn mà không có trí huệ. Có thiện căn là vì đời trước có làm những việc lành, nhưng không nghiên cứu kinh điển, nên không có trí huệ, rất ngu si. Bàn về chánh báo, có người tướng mạo đầy đủ, thọ mạng lâu dài, được phú quý. Lại có người tướng mạo xấu xí, thọ mạng ngắn ngủi, chết lúc tuổi còn nhỏ. Tất cả đều do tiền nhân hậu quả, (nhân trước quả sau).

Y báo là y phục, thức ăn, nhà cửa v.v...Y báo cũng là quả báo của đời quá khứ. Ðời trước trồng nhân lành thì đời này được quả báo tốt. Ðời trước trồng quả ác thì đời này chịu quả báo xấu. Tương lai có thể còn chịu quả báo xấu nữa. Ðó là báo chướng.

Bàn về nghiệp chướng thì nghiệp tức là sự nghiệp, công nghiệp. Không luận người xuất gia hay tại gia, nhất định đều có sự nghiệp. Tạo ra sự nghiệp rồi thì nhiều vấn đề khó khăn phát sanh. Khi có khó khăn thì liền sanh phiền não, rồi gặp bao việc không vui. Ðó gọi là nghiệp chướng.

Nói về phiền não chướng thì chúng ta ai ai cũng có ít nhất một loại phiền não. Phiền não này phát sanh từ đâu ? Nó do tâm tham, tâm sân, tâm si phát khởi ra. Sao chư vị phát sanh phiền não ? Vì có tâm tham, nên tham không được liền sanh phiền não. Vì có tâm sân hận nóng giận, mọi sự tình đều không hợp với tâm ý chư vị, liền phát sanh phiền não. Vì tâm ngu si, không sáng suốt, nên phát sanh phiền não. Vì còn tâm ngã mạn, kiêu căng, nên xem thường người khác, nên phát sanh phiền não. Vì tâm nghi, đối với tất cả sự tình đều phát sanh hoài nghi. Do có hoài nghi nên tạo ra phiền não. Lại vì còn tà kiến, nên kiến giải của chư vị không chánh đáng, nên phát sanh phiền não. Nếu có chánh tri chánh kiến, tức có trí huệ chân chánh thì đối với mọi việc, chư vị đều hiểu rõ ràng. Vì thông suốt từ đầu đến cuối nên không sanh phiền não. Vì vậy, phiền não do tâm tham lam, sân hận, si mê, ngã mạn, tà kiến phát khởi lên.

Bộ tâm kinh này năng phá trừ được ba chướngbáo chướng, nghiệp chướng và phiền não chướng. Làm sao phá trừ được ? Do có trí huệ chân chánh, trí huệ vi diệu, tâm như như bất động, và chân tâm nên phá trừ được ba chướng. Chúng ta hiểu rõ giáo nghĩa tâm kinh bát nhã ba la mật đa thì mới có trí huệ chân chánh, dẹp trừ được ba chướng......

Kinh là gì: ví dụ: Bát nhã ba la mật đa là pháp. Tâm là ví dụ. Kinh là bộ kinh này. Kinh có thông danh và biệt danh. Thông danh là thống nhiếp hết mọi bộ kinh. Biệt danh là mỗi bộ kinh có danh tự riêng biệt, những bộ kinh khác không có tên giống nhau. Tâm kinh bát nhã ba la mật đa là biệt danh của bộ kinh này. Bộ tâm kinh bát nhã ba la mật đa này thuộc trong bộ Bát Nhã, biểu thị tâm trong tâm.
Sao gọi là kinh ? Kinh tức là kinh pháp thường bất chuyển, không thể thay đổi. Một chữ cũng không thể bỏ được, hay cũng không một chữ được. Đó là kinh pháp thường bất biến.
Lại "kinh" là một con đường, nghĩa là tu hành phải đi qua một con đường nhất định. Chư vị có muốn tu hành à ? Nhất định chư vị phải đi trên đường đạo này. Nếu chư vị không đi trên đường đạo này thì sẽ bị lạc vào rừng rậm hoang vu. Chư vị phải nên đi trên đường tu hành thì không bị lạc đường. Ngày này qua ngày nọ đều được bình an, sáng suốt. Sao gọi là đi lạc ? Vì chư vị xưa nay quên mất, không biết tụng niệm kinh này. Qua ba bốn tháng, không tụng niệm nên quên mất, mới đi lạc.....

"Quyện chi tắc thối tạng ư mật, (cuộn lại giữ gìn trong bí mật)".
Bộ kinh này phải nên để nơi thanh tịnh, không nên để nơi bất kính. Chư vị phải tôn kính bộ kinh này.
"Phóng chi tắc di lục giáp trung, (mở ra chấn động khắp thế gian)".
Một khi mở kinh ra thì trí huệ Bát Nhã phóng quang đầy khắp sáu phương (tức đông tây nam bắc và trên dưới). Chư vị có thấy pháp môn Bát Nhã vi diệu lắm không ?
+++ Đoạn đầu: Mời đọc Kinh gốc tại: Bát Nhã Tâm Kinh - HT Tuyên Hóa giảng

+++ Đoạn 1: giảng về Tánh Không - Diệu hữu - Đại diệu dụng của Tánh Phật - Phật tánh trong con người

Hành đạo tu thân chớ tìm ngoài
Tự tánh Bát nhã nhân thâm mật
Bọt trắng tiêu, sóng đen dừng
An nhiên bước lên bờ Niết Bàn
Thời qua thời chớ đánh mất dịp
Thận trọng thận trọng giữ thiên chân
Mờ mờ ảo ảo thông tin tức
Vội vội vàng vàng thấy bổn tôn."

Hành tức là tu hành. Thâm là đối ngược với thô thiển mà gọi là thâm.
Bát nhã là trí huệ. Ba la mật đa là đạt đến bờ giác. Thời là thời gian.
Đoạn này nói về Bồ Tát Quán Tự Tại tu hành thâm nhập bát nhã, chớ không phải tu bát nhã thô thiển.
Sao gọi là thâm bát nhã ? Đó là diệu trí huệ.
Sao gọi là bát nhã thô thiển ? Đó là giáo pháp tiểu thừa, bốn diệu đế, mười hai nhân duyên. Nhờ diệu trí huệ chân chánh mới đạt đến bờ giải thoát....
Vì sao thế ? Tâm chúng ta cũng chính là tánh. Một khi quay về liền hợp xứ. Hợp tức là tương hợp. Tương hợp với gì ? Cùng tương hợp với Phật tánh. Chư vị cùng Phật tánh tương hợp, rồi trở về cội gốc, lại xuất sanh diệu dụng. Diệu dụng này chính giúp thành tựu Phật quả, gọi là trở về nhất lai, cũng là ông Phật của chư vị.
"Thấy sắc tức không thọ nạp thế".
Thấy sắc tức không, nghĩa là thấy được sắc mà sắc vốn là không. Sao nói sắc vốn không ? Phàm phu chúng ta đều chấp trước sắc này. Chấp vào sắc gì ? Tổng thể của sắc. Sắc pháp tuy có nhiều loại, mà tổng thể của sắc chính là thân thể chúng ta, gọi là sắc thân. Sao sắc thân lại là không? "Thật sự thân này có mà !"
Chư vị biết mặc đồ, ăn uống, ngủ nghỉ, sao chẳng biết không ? Nếu chư vị hiểu rõ sắc thân này được hình thành như thế nào thì chư vị sẽ hiểu rõ tánh không của nó. Vì vậy nên giảng về chân không tích pháp, cũng là pháp phân tích. Thân này là tổng tướng của sắc. Đất nước gió lửa là biệt tướng (tướng riêng) của sắc. Thân thể của chúng ta do đất nước gió lửa hợp thành. Xương cốt thịt thà chính là đất. Nước mắt, nước mũi, máu, tiểu tiện, mồ hôi, là nước. Thân thể được ấm áp là nhờ có lửa. Vận động hô hấp nhờ thân thể có gió. Bốn đại hòa hợp thì thân thể còn. Chúng phân tán thì thân thể mất. Đất trở về đất đá. Nước trở về nước. Gió trở về gió. Lửa trở về lửa. Mỗi đại đều trở về cội gốc, nên không thật có. Vì thế, mọi người chấp trước vào thân thể, tự cho là có, thật là sai lầm. Sao thân thể không phải là mình ? Thân thể không phải là mình. Mình là gì ? Có thể giữ gìn thân thể, có thể thấy, nghe, ngửi, biết, nhận thức bằng tri giác. Tri giác này cũng là mình. Thân thể là gì ? "Thân thể chính là mình, mình là thân thể".
Không thể cho rằng thân thể chính là mình được, vì thân thể chỉ giống như nhà ở. Chư vị không thể cho rằng nhà mình ở chính là mình. Chư vị gọi nhà ở chính là mình thì sợ rằng người ngoài cười cho. Nhưng nói thân thể chính là mình thì không ai cười cả. Sao không ai cười chư vị ? Vì ai cũng cho rằng thân thể chính là mình, tức là chấp nhà ở chính là mình. Thấy, nghe, ngữi, nếm, giác, biết đều là Phật tánh. Phật tánh cũng chính là tự tánh của chư vị. Thân thể bất quá chỉ do nhân duyên hòa hợp. Nhân duyên ly biệt thì thân thể phân tán. Thế nên, chư vị đừng cho rằng thân thể chính là mình. Mình ở trong nhà, những việc bên ngoài không thể biết. Thế nên đừng chấp trước nhà ở chính là mình.
Bàn về sắc, chư vị hãy phân tích rõ, nó cũng là không. Do từ không mà biến thành sắc pháp. Đất nước gió lửa hợp thành thân thể mà có người lại nói rằng thượng đế tạo ra người. Dùng gì để tạo ra ? Cũng dùng đất nước gió lửa mà tạo thành. Chúng ta cũng có thể dùng một chút đất, nước, gió, lửa để tạo ra thân người. Ai ai cũng đều tạo ra người khác được. Con người do nhân duyên hòa hợp tạo thành. Nhân duyên biệt ly thì thân thể phân tán. Thế nên đừng gọi thân thể là mình. Sắc tức là không. Chư vị nếu hiểu rõ sắc tức là không thì không chấp trước thân thể là mình. Tất cả vật dụng thuộc về mình, mình đều bảo tồn, phụ trợ. Đó là làm nô lệ cho thân mình. Tâm của chư vị chính là tánh tri giác. Chư vị phải hiểu rõ thân thể là sắc pháp, là giả hợp, đừng nên chấp trước. Nếu không chấp trước thân thể tức là phá được sắc uẩn. Khi phá được sắc uẩn rồi thì nó biến thành không.
Thọ nạp như thế. Thọ uẩn cũng giống như sắc uẩn, là không thật có.
"Vọng tưởng quyện lưu hạnh nghiệp an bài, (vọng tưởng chuyển lưu, nghiệp an bài)".
Vọng tưởng là tưởng uẩn. Quyện lưu tức là hành uẩn. Hành nghiệp an bài là hành uẩn được an bài cùng hành nghiệp.
"Thức nãi liễu biệt ngũ âm cụ, (thức cũng liễu biệt đủ năm ấm)".
Liễu biệt là thức uẩn. Phân biệt đầy đủ năm ấm. Năm ấm là sắc thọ tưởng hành thức.
"Cảnh hoa thủy nguyệt liễu trần ai, (hoa gương trăng nước tuyệt bụi trần)".
Năm ấm: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức, giống như hoa hiện trong gương, như trăng hiện trên mặt nước. Tuyệt bụi trần tức là không còn một vết ô nhiễm bụi trần. Nói lên ý nghĩa là năm uẩn đều không.
"Không nhi bất không minh đại dụng, (không mà chẳng không rõ đại dụng)".
Chư vị phải hiểu rõ năm uẩn đều không. Lúc không hiểu rõ năm uẩn là không thì có nhiều phiền não, vọng tưởng. Hiểu rõ được thì chuyển thức thành trí. Khi ấy đắc đại diệu dụng phi thường. Hiểu rõ diệu dụng này tức thấy mà như chưa thấy thì an lạc sung sướng.
"Kiến do vị kiến lạc khoái tai, (thấy như chưa thấy, vui vô vàn)".
Nơi chân không xuất sanh ra diệu hữu, cùng đại dụng. Khi ấy chư vị thấy rõ mà cũng đồng như chưa thấy. Không bị cảnh giới chuyển. Có thế, chư vị mới đắc được an lạc chân chánh. Vì vậy nói rằng vui vẻ vô vàn....

Chân không bát nhã chính là diệu hữu - Diệu hữu phi hữu chính là chân không:
Trong không chẳng có sắc. Đó là bàn tiếp về đoạn văn ở trên. Bên trên, không sanh không diệt, không dơ không sạch, không tăng không giảm. Vì chân không chẳng có sắc thọ tưởng hành thức. Bổn thể của thọ tưởng hành thức vốn là không. Sáu căn, mắt tai mũi lưõi thân ý cũng không có. Sáu trần, sắc thanh hương vị xúc pháp chẳng có luôn. Sáu thức, thức của mắt tai mũi lưỡi thân ý đều là không.
Tâm kinh này đàm luận về lý không tức chân không bát nhã. Chân không bát nhã chính là diệu hữu. Diệu hữu phi hữu tức là chân không. Do đó bảo rằng chân không không ngăn ngại diệu hữu, diệu hữu không ngăn ngại chân không, chân không là diệu hữu, diệu hữu cũng là chân không. Vì thế, bên trên kinh cũng nói rằng sắc không khác không, không chẳng khác sắc.
(Nguồn: Bát Nhã Tâm Kinh - 1 - HT Tuyên Hóa giảng)