QUÂN TỬ TẠO MỆNH: ĐOÁN GIẢI THIÊN CƠ - CHIẾN THẮNG THIÊN MỆNH - NIỀM HY VỌNG VINH QUANG

CÁC DỊCH VỤ TƯ VẤN CÁ NHÂN VÀ DOANH NGHIỆP
KHẨU HIỂU:
TÌM CÁT TRÁNH HUNG - CẢI MỆNH NHƯ Ý - NGŨ PHÚC LÂM MÔN

+ XEM SỐ MỆNH VÀ TV PHÁP CẢI MỆNH CÁT TƯỜNG - VUN BỒI HY VỌNG: Xem tại đây

+ MỞ LỚP HỌC DỰ ĐOÁN TỨ TRỤ VÀ QUẺ DỊCH THƯỜNG XUYÊN: Xem tại đây

+ PHÁP TU PHÁT TRIỂN TRÍ TUỆ TOÀN DIỆN - THÀNH BẬC THIÊN TÀI. Xem tại đây

+ NHẬN TƯ VẤN THIẾT KẾ THEO PHONG THỦY VĂN PHÒNG VÀ NHÀ Ở HỢP MỆNH VẬN.

+ MỞ LỚP TU "THIỀN TRÀ" VÀ TU THIỀN LẬP HẠNH GIÚP XA LÌA TÀ DỤC THƯỜNG XUYÊN

+ HỘI QUÁN CAFE PHONG THỦY: HỎI - ĐÁP VỀ BỒI CÁT TRÁNH HUNG - GIẦU CÓ AN KHANG - XA LÌA TÀ DỤC - PHÁT TRIỂN TRÍ TUỆ .... 

* Dịch vụ và Hỏi - Đáp tại số 301 Minh Khai, tầng 4 tòa nhà TTTM Thanh Ngọc, Đông Ngàn, Từ Sơn, Bắc Ninh: Xem tại đây

* TƯ VẤN MIỄN PHÍ vào Sáng thứ bảy hàng tuần, kính xin liên hệ trước để chúng tôi tiếp đón quý khách được chu đáo!

 Kính chúc quí vị luôn bình an, hạnh phúc, vạn sự cát tường như ý - Niềm hy vọng vinh quang!

+ Kính xin mời đọc kỹ: Hướng dẫn Dịch vụ

Các Loài Ma Quỷ Bùa Chú Chướng ngại Tu

TỔNG HỢP TÓM LƯỢC CÁC BÀI GIẢNG GIẢI
CÁC LOẠI THIÊN MA - QUỶ THẦN - BÙA CHÚ CHƯỚNG NGẠI NGƯỜI TU HÀNH

I- MA QUỶ CÓ THẬT HAY KHÔNG
Quý Vị Có Biết Quỷ Là Gì Không -
H.T. Tuyên Hóa

Quỷ có rất nhiều loại. Một số người đều cho rằng là có bộ mặt hung ác đáng sợ, mặt xanh, răng nhọn, kỳ thật không phải nhất định giống như thế. Có lúc quỷ hóa ra người, mới xem thời tưởng như người thật, kỳ thật là quỷ. Nếu quý vị là người đã khai mở Ngũ Nhãn, quỷ không thể lừa phỉnh quý vị. Quỷ lại có thể biến làm súc sanh như ngựa, trâu, dê, chó, các loài cá, thỏ con... Vì sao nó lại có thể biến hóa như thế? Bởi chúng có thần thông. Hoặc biến làm con kiến, con muỗi, con trùng, con ruồi, con chim sẻ, ong mật... Ví như lúc mùa xuân trăm hoa đua nở, trong hoa có hàng trăm ong đến hút mật, trong đó có nhiều quỷ hóa thân. Trong đám hoa có ong thiệt, cũng có ong giả. Ong hút thiệt là do nghiệp thọ quả báo, ong giả là do quỷ biến hóa. Chúng nó đi đến các nơi hút nhụy hoa, uống sương hoa. Cho nên đừng cho rằng quỷ nhất định không thể thấy được. Quý vị hằng ngày đối diện với nó, nhưng không nhận biết nó. Người ta nói "Gặp mặt không biết là Quán Thế Âm", cũng có thể nói tương tợ như thế: "Ðối diện không biết quỷ"!

Hiện tại có người nói: "Pháp sư, thầy giảng như thế, tôi thật không dám tin!" Ô! Ông không tin thời thôi, sao gọi là không dám tin? Tôi cũng không cưỡng ép ông tin, chỉ nói đạo lý, mong ông đề cao cảnh giác, để khỏi ngày ngày chung đụng với quỷ mà không biết. Có người nói: "Eo ơi! Thầy nói như thế, chỉ làm con lo sợ, tối đến không dám ngủ." Thế thời không cần ngủ nữa, tu Bát-chu Tam-muội tốt hơn. (Phương pháp tu niệm Phật không gián đoạn trong 90 ngày, trong ba tháng không ngủ nghĩ, không ngã lưng hay ngồi xuống).
Tôi giảng chuyện thật, quý vị nhất định không tin, cho nên ít nói chuyện thật, thế thì cần nói chuyện giả không? Không phải vậy, lời giả càng không cần nói. Nói một ít lời thật, còn lời giả một chút cũng chớ nói. Lời thật nói nhiều, người ta cũng không tin.

Lại nữa, yêu ma quỷ quái cũng biết biến ra thành chủng chủng động vật. Quý vị còn nhớ năm 1976, lúc dọn đến Vạn Phật Thánh Thành lần đầu tiên, lúc đó có vị cư sĩ mua một số rùa đen đem phóng sanh. Trong đó có một con lật qua lật lại, bốn chân giơ lên trời. Cư sĩ Phùng Phùng cũng đang có mặt tại đó. Ông thấy một người mặc y phục màu xanh, hướng về ông cầu cứu mạng. Phùng Phùng bèn đến tận nơi quan sát, phát hiện một chú rùa đen đang lật qua lật lại. Thấy rõ chưa, con rùa đen cũng có linh tánh, biết hướng về Phùng Phùng kêu cứu mạng. Thế nhưng nhiều năm qua không mấy ai chú ý đến chuyện nầy, nhưng từ đó nên biết rằng, tất cả chúng sanh, ai cũng có quyến thuộc. Ðó là vật cùng loại thời tụ họp lại, khí cơ tương dẫn, đó là đạo lý y theo loại hiển hình.

Hiện tại, mọi người ở đây để tâm nghiên cứu chú Lăng Nghiêm, mới biết quỷ cũng có muôn ngàn khác nhau, đủ hình đủ dáng, chúng nó đều là do cảm quả thọ báo, tùy theo loại mà hiện. Trong chú Lăng Nghiêm có nêu danh nhiều vị vua của quỷ thần, trong đó có quỷ Dạ Xoa, quỷ La Sát, quỷ giữ hồn, quỷ giữ thi, quỷ Tỳ Xá (quỷ hớp tinh khí), quỷ Cưu Bàn Trà (quỷ làm người tê liệt, hay còn gọi là bóng đè, ma đè), quỷ Ðại Thân, quỷ Ðiên, quỷ Xú, quỷ Phú Ðan Na (quỷ có mùi hôi độc), quỷ Nhiệt, quỷ Hàn, quỷ Ảnh, quỷ Âm Nhạc..., ngoài ra có quỷ ăn hoa, quỷ ăn sanh sản, quỷ ăn thai, quỷ ăn hài nhi, quỷ ăn mỡ, quỷ ăn đèn, quỷ ăn ngũ cốc... Sự biến hóa của chúng vô cùng vô tận, vô lượng vô biên.

Khi chưa nghe chú Lăng Nghiêm, không biết quỷ có nhiều như thế. Sau khi nghe rồi mới biết rất có nhiều giống loại. Ðương nhiên, quỷ so với người thì đông hơn. Người tạo nghiệp tội, bị đọa xuống làm quỷ, không thể tự thoát khỏi được. Khi Phật còn tại thế, có lần hốt nắm đất hỏi đệ tử: "Các ông xem đất trên bàn tay ta nhiều, hay đất trên đại lục nầy nhiều?" Ðệ tử thưa: "Ðương nhiên đất trên đại lục nhiều, dĩ nhiên là đất trên bàn tay Thế Tôn rất ít". Thế Tôn nói: "Làm được thân người như đất trong bàn tay, mất thân người như đất trong đại lục!" Làm mất thân người như đất trên đại lục, vậy thời khi mất thân người, đi làm gì vậy? Ðương nhiên là làm quỷ! Còn hỏi gì nữa? Cho nên quỷ so với người đông hơn, dùng điện não (computer) thống kê cũng tính không nổi, trừ phi dùng thần não. Thần não còn gọi là thiên não. Có người nói: "Bao giờ thầy sáng chế ra thiên não đây?" Không phải tôi phát minh. Quý vị không tin, cố gắng lên trời xem thử tốt hơn. Thiên não tự nhiên có, luôn luôn tồn tại. Loại thiên não nầy không cần người quản lý, không dùng tay ấn xuống keyboard. Khi quý vị muốn biết, chỉ cần một ý niệm, tự nhiên tính xong rồi, một tơ hào không sai trật. Tâm quý vị nghĩ thế nào, nó biết ngay. Bởi nó huyền diệu thông linh nên gọi là "THẦN". Nhưng số lượng của quỷ e rằng thần não tính cũng không xuể, bởi quá nhiều. Vừa mới tính xong, nó tăng lên hàng ngàn hàng trăm triệu. Sau một giây gia tăng thêm hàng ngàn trăm triệu nữa, cho nên không cách nào tính chính xác. Hơn nữa, bởi quỷ có thể hốt nhiên lên trời, hốt nhiên xuống đất, nên không có cách nào đếm chính xác được.

Quỷ cũng có quyến thuộc, bằng hữu. Khi nó biết chỗ nào có gì ăn, bèn mời bạn bè cùng đến ăn. Ví như loại quỷ ăn hoa, hay hóa làm ong mật, bươm bướm, đến đâu ăn nhụy hoa, uống sương hoa đến đó. Quỷ đói là do cảm ứng quả báo, thường bị lửa đốt, không bao giờ ngừng. Trong thân nó có lửa, bên ngoài cũng có lửa, trong ngoài đều có lửa, hai lửa giao nhau hừng hừng thiêu đốt, thống khổ khó tả. Vì sao có quả báo như thế? Vì khi làm người hay giận dữ, nên khi chết làm con quỷ khổ sở, ngày đêm bị thiêu đốt, vĩnh viễn không có kỳ hạn, muốn tránh tránh không khỏi. Nhưng khi ăn được một ít mật hoa, sương hoa có thể giảm bớt khí nóng tại não. Dầu rằng cầu mát mẽ độ một giây thôi, nó cầu mong cũng không được. Cho nên thiện ác, nhân quả, như bóng theo hình, không bao giờ sai chạy. Quý vị hãy cẩn thận!

Lại có một giống quỷ, chuyên ăn trái cây. Trước hết giải thích sơ lược về bốn loại ăn uống. Tất cả chúng sanh đều nhờ ăn để sống. Ăn có bốn loại: Thứ nhất là phần đoạn thực. Chúng sanh hữu tình, phàm có khí huyết hình tướng, đều là phần đoạn thực. "Phần" là anh có phần của anh, tôi có phần của tôi. "Ðoạn" là từng khúc từng khúc, hoặc là từng bửa từng bửa. Giống như ăn sáng, ăn trưa, ăn tối. Khoảng giữa hai bửa ăn gọi là đoạn. Người và súc sanh đều là phần đoạn thực. Còn ba loại khác là xúc thực, tư thực, thức thực. Xúc thực là đụng chạm tiếp xúc là ăn được rồi. Quỷ thuộc loại xúc thực. Tư thực, chỉ cần nghĩ tới bèn no. Người cảnh trời thuộc tư thực. Thức thực là cả ý nghĩ cũng không cần dùng, vì chuyện ăn uống nầy xảy ra ở thức thứ tám. Chư thiên ở Tứ Không Thiên thuộc thức thực.

Súc sanh đều có đồng loại với nhau. Lấy chim làm ví dụ, đồng loại thời sống chung hòa bình. Không đồng loại, nếu muốn đến nhà loài khác làm khách thời không được, sẽ bị đánh đuổi đi. Còn nhớ tại Vạn Phật Thánh Thành, ở tại khu rừng Vạn Thánh Lâm có lúc bầy bạch hạc đánh nhau với chim ưng. Năm qua một con bạch hạc bị đánh trọng thương, hoặc từ trên ổ cao té xuống thọ thương. Chú tiểu Quả Ðà trước kia từng làm bạn với nó. Có lẽ kiếp trước Quả Ðà cũng là chim hạc, nhưng nó nhờ nghe được một chút kinh Phật, cho nên kiếp nầy chuyển làm người. Khi Quả Ðà thấy chim hạc bạn bè với cậu thọ nạn, không nhẫn tâm, bèn mang chim đến y viện chửa trị, cả đoàn bác sĩ bó tay vô phương cứu chửa, kết quả phải trả nó về gốc cây, mặc dầu có chim bạch hạc lớn đứng canh bảo hộ, nhưng cuối cùng cũng bị chim ưng bắt đi. Do đó nên biết, tất cả chúng sanh, giống nào theo giống nấy, mỗi giống đều có quyến thuộc.

Trở lại đề tài chính, chúng sanh đều nương vào ăn để sống. Ví như ăn trái cây, mới trên cây hái xuống, nó vốn là hai trái. Ví như một trái táo (apple), nó đơn thuần không phải một trái. Trên mặt trái táo còn có một trái táo khác. Có người nói: "Làm sao tôi không thấy được trái đó?" Nếu quý vị thấy được thời lén ăn mất làm sao! Hai trái táo nầy, trong đó một trái là hình bóng, còn gọi là "TÁNH" của trái táo. Giống như vậy, mỗi cá nhân không phải đơn thuần một con người, mà còn có một linh tánh tùy thân. Nhưng linh tánh của con người ẩn náu bên trong thân thể, không lộ diện. Nếu linh tánh nầy đi ra ngoài, sẽ bị yêu tinh ma quái ăn mất.
Vô luận giống chi biến thành người, phía sau lưng nó vẫn còn lưu cái bóng, gọi cái đó là "quỷ hồn". Con người có ba hồn bảy vía. Ví như kiếp trước làm ngựa, phía sau lưng có bóng ngựa. Lúc trước sanh làm con lừa, cho đến trâu, dê, gà, heo, chó, dĩ nhiên phía sau lưng đều có bóng của những con nầy. Người đã mở Ngũ Nhãn, nhìn qua là biết ngay: "A! Nguyên lai người nầy kiếp trước là con chó!" Nhưng không phải ai ai cũng đều có thể mở Ngũ Nhãn. Bởi e người ta biết được kiếp trước rồi đem ra xoi bói, cho nên"thiên cơ bất khả lậu" là vậy đó.
Trái cây không phải là động vật, nó không có khí huyết, nhưng nó là một sanh vật. Có sanh mạng là có "tánh", Ðem trái cây cúng quỷ thần, quỷ thần ăn tánh của hoa quả, quỷ không cầm trái cây cắn vào miệng, nó chỉ cần đụng đến hoa quả là ăn tánh của hoa quả rồi. Do đó trái cây đem cúng quỷ thần, nếu quý vị lấy xuống ăn mùi vị không như trái cây mới hái.

Quê tôi thuộc miền núi ở Ðông Bắc (tức Mãn Châu), có một giống gấu lớn. Nó ăn món gì không cần cắn xé, nó chỉ nuốt trửng thứ đó. Trên núi có giống lê rất cao, gọi là thiết đàn lê, nó cứng lắm. Gấu không cần nhai, chỉ ngoạm một miếng nuốt ngay xuống bụng. Rất là kỳ diệu, khi đại tiện nó cho ra nguyên trái y như hình dáng lúc chưa nuốt, không một chút gì sứt mẻ. Nhưng trái cây nầy không còn mùi vị. Bởi khi trái cây chạy qua xưởng hóa chất (cái bụng con gấu), hệ thống tiêu hóa nầy đã hút hết tinh hoa rồi, cho nên tuy hình tượng vẫn y nguyên, mà tánh đã mất. Từ câu chuyện nầy có thể hiểu được tình hình Phật, Quỷ, Thần ăn trái cây như thế nào. Trái cây cúng Phật không nên để lâu vì nó mau hư thối. Cũng giống như con người, lúc sanh thời linh hồn còn trong đó, một mai chết đi, hồn lìa khỏi xác, thi thể rất mau hôi thúi. Trái cây lúc còn sanh tánh không thể chóng hư thối như thế, nhưng khi bị mất đi sanh tánh mới mau hư như vậy.

Trong bốn cách ăn trên, quỷ chỉ cần ngửi một cái, chạm một cái, là đã ăn xong. Không giống như con người chúng ta, phải nhai một miếng rồi chờ chúng xuống bụng, rất là phiền phức. Có người hỏi: "Vì sao thầy biết rõ chuyện như thế?’ Ðiều đó là do kiếp trước tôi từng làm quỷ, nên ngày nay còn nhớ! Quỷ thuộc loại xúc thực, trời người thuộc tư thực, chư thiên ở bốn cõi trời Tứ Không thuộc loại thức thực.
Nghiệp báo của mọi loại quỷ thần đều do nhân duyên sở cảm. Nhân nào, quả nấy. Nên nói: "Khởi hoặc, tạo nghiệp, thọ báo". Vì vậy phải biết, làm lành phước đi theo, làm ác họa theo đuổi, giống như tiếng vang của âm thanh, chịu khổ cảm lạc, tự mình tạo duyên, chớ có ai khác đâu! Quý vị không muốn làm quỷ, thời không nên tạo nghiệp làm quỷ.

Hôm nay chỉ giảng một đoạn nhỏ về kiếp xa xưa tôi làm quỷ. Quý vị nếu không chán nghe, tương lai tôi cho quý vị biết, ngày xưa tôi làm kiến như thế nào, làm muỗi như thế nào, ở địa ngục thế nào, súc sanh làm sao... không sót chi tiết nào hết.
Tất cả quỷ thần vương đều có đại oai đức, có thể trảm yêu trừ hại, chế phục ngoại đạo. Họ dùng pháp Chiết Phục, hàng phục tất cả bàng môn tả đạo, ma mị quỷ quái, quỷ trâu, thần rắn; phàm bọn tà tri tà kiến, tà thuật tà pháp, bọn hại phá quần chúng, các ngài đều có khả năng hàng phục, các ngài có thể sanh thiện, trừ ác, diệt tà, phá ma. Ác ma giống như người không màng chi đến đạo lý. Phàm kẻ ngang ngược không biết đạo lý, ngang bướng, hống hách, đều là ác ma chuyển thế. Quý vị xử tốt với chúng nhiều lần, nhưng chúng không biết là quý vị tốt. Thậm chí quý vị đem cả xác thịt hy sinh cho chúng, chúng không cho là đủ, không cám ơn, lòng tham không chán. Tại sao vậy? Bởi họ trải qua nhiều kiếp huân tập thói ác, thâm căn cố đế, vô minh ngoan cường không chịu cải sửa tánh xấu.

Trong Chú Lăng Nghiêm, có các vị vua của quỷ thần chúng, các vị nầy suất lãnh quyến thuộc, thiên binh, thiên tướng, thiên tào, kim cang lực sĩ... trấn giữ các phương bảo vệ người tu hành và ủng hộ chùa chiền, làm cho đạo tràng hưng thịnh. Như trên đã giảng các loại quỷ thần và quyến thuộc, nên biết tất cả chúng sanh, mỗi loại cũng đều có "quỷ hồn". Chó có quỷ hồn chó, mèo có quỷ hồn mèo, đại chúng sanh, tiểu chúng sanh cũng đều có quỷ hồn riêng. Tuy người thường nói sợ quỷ, kỳ thật người và quỷ vốn chẳng phân khai; quỷ ở âm gian, người ở dương gian, nhưng âm dương vốn là một thể, không chia thấp cao tốt xấu, không có giới hạn. Quỷ tham sân si nặng nề, người thời giới định huệ nhiều hơn một chút. Do đó quỷ là đám âm khí, còn người và súc sanhbẩm thọ khí mà thành hình. Vì sao có hình tướng? Bởi có mọi thứ chấp, cho nên bị nhốt trong cái lồng ngũ uẩn, trốn không khỏi phạm vi sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Cái lưới ngũ uẩn làm chướng ngại cho tự tánh của chúng ta như đám mây đen che lấp mặt trời. Thực ra âm dương vốn đồng một thể, nhưng nay bị những từng mây ngũ uẩn phân chia ra mà thôi. Con người bị mặt trận ngũ uẩn làm khốn nhiểu, quỷ cũng bị rừng cây ngũ uẩn làm mờ mịt, cho nên lặn hụp trong biển nghiệp, sanh sanh tử tử, tử tử sanh sanh. Sanh thời làm người, chết biến ra quỷ. Nhưng nếu chịu tu hành thì khỏi phải làm quỷ. Khi tu hành thành công, có thể thành Phật, thành Bồ Tát, hoặc chứng quả A La Hán.

Như trì ngũ giới, tu thập thiện thời có thể sanh lên trời làm thần. Năm giới đó là không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không dùng những chất say. Không sát sanh là từ bi. Không trộm cắp là đạo nghĩa. Không tà dâm là chánh nhân quân tử. Không vọng ngữ là ngay thật tin cẩn (trung tín). Không uống rượu là không bị cuồng loạn. Kẻ sát sanh, sanh lại bị báo oan ương đoản mạng. Kẻ trộm cắp bị báo bần cùng khổ sở. Kẻ tà dâm bị báo làm chim sẻ, chim bồ câu uyên ương. Loài chim sẻ đều thích bay cao xa, bởi kiếp trước có hành vi tư thông gian dâm, phá hoại đạo đức, mới có nghiệp báo biểu thị. Tôi thường nói với quý vị, nhưng quý vị không mấy chú ý, cho nên tôi không ngại lại nhấn mạnh lần nữa:
Không nên sát sanh! Tất cả chúng sanh từ vô thủy kiếp lại đây, đều là cha mẹ, bạn bè, quyến thuộc của ta. Cha mẹ ta đời trước tạo nghiệt tội, nay sanh làm heo, ngựa, trâu, dê. Giả như quý vị không dung mà sát sanh là gián tiếp giết cha mẹ của quý vị.

Trộm cắp: Có câu rằng: "Việc gì mình không muốn, đừng làm người khác". Quý vị không muốn ai trộm cắp hay cướp đoạt tài vật của quý vị, thế thì trước hết quý vị không nên trộm cắp của kẻ khác.
Tà dâm: Trên phương diện nhân quả, tà dâm là tội nặng nhất, trừng phạt thật tệ hại. Nếu hai vợ chồng, hai bên ly hôn, rồi lại kết hôn, căn cứ trên luật nhân quả, khi lâm chung, thân thể bị cắt làm hai phần. Bởi lúc sống có quan hệ cả đôi bên, cho nên khi chết nghiệp báo hiện ra cái cưa, cắt từ trên đầu xuống chân xẻ làm hai. Sanh tiền tà dâm bao nhiêu lần, sau khi chết cũng bị cắt bấy nhiêu lần, sanh tiền kết hôn trăm lần, chết xuống bị cắt trăm lần, cho đến mỗi người chia từng chút một. Thế thì ly thân ly dị có gì tốt đâu? Phân ra từng miếng, từng miếng nhỏ, đem linh tánh tập họp lại một nơi rất khó, cả trăm nghìn kiếp khó trở lại làm người. Bấy giờ sanh hóa linh tàn, cùng với cây cỏ mục nát, biến thành vô tình thảo mộc. Bổn tánh phân tán, không dễ gì làm chúng sanh. Nếu muốn thành chúng sanh, ví như thân một cá nhân có thể biến hóa tám vạn bốn ngàn côn trùng, muốn tập họp tám vạn bốn ngàn côn trùng tụ hội lại thời không phải dễ. Côn trùng đa số sanh lại côn trùng, sanh đó chết đó, sanh tử luân hồi, không biết quay lưng với bụi trần mà hợp lại với giác ngộ, bỏ mê quay về chánh. Cho nên: "Nhất thất nhân thân, vạn kiếp bất phục", một lần mất thân người, muôn kiếp khó được lại. Quý vị xét rõ ý nghĩa sâu sắc, thật đáng sợ lắm thay!

Giảng ngày 5 tháng 2 năm 1981. Xem nguồn: Mời xem tại đây

+ Mời xem thêm: Giảng về Ma và Ngạ quỷ

II- NÓI VỀ CÁC THỨ MA CHƯỚNG
TRONG KHI THAM THIỀN TU THIỀN
ĐỊNH

+ NÓI VỀ CÁC THỨ MA CHƯỚNG TRONG KHI TU THIỀN
Nếu chúng sanh nào căn lành mỏng ít, bị các tà ma ngoại đạo, hoặc quỷ thần làm não loạn, trong khi hành giả tham thiền, chúng hiện các hình tướng ghê sợ, hoặc hiện kẻ trai người gái xinh đẹp v.v...thì phải quán Duy tâm, lúc bấy giờ các ma này tiêu diệt, không còn làm gì nữa được.
Hoặc chúng hiện hình chư Thiên, Bồ Tát, Phật, cũng đủ các tướng tốt;
Hoặc nói thần chú, nói pháp bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ;
Hoặc nói pháp bình đẳng, không, vô tướng, vô nguyện, không oán, không thân, không nhơn, không quả, rốt ráo trống không vắng lặng, gọi đó là Niết bàn.
Hoặc chúng làm cho hành giả biết được đời trước của mình (túc mạng thông) hoặc biết những việc quá khứ vị lai, biết đặng tâm người (tha tâm thông) biện tài vô ngại. Chúng làm cho hành giả tham luyến danh lợi ở thế gian v.v...
Hoặc ma làm cho hành giả tánh không chừng đỗi, hay giận, hay cười, ưa ngủ, nhiều bịnh, hoặc nhiều thương xót, tâm hay giải đãi; hoặc có khi rất tinh tấn, có lúc lại bê tha hoặc sinh tâm nghi ngờ không tin, và nhiều lo nghĩ; hoặc bỏ pháp tu căn bản, trở lại tu các tạp hạnh;
Hoặc đắm nhiễm các việc triền phược ở thế gian; hoặc làm cho hành giả đặng chút ít phần tương tợ như các pháp tam muội, song đó là cảnh bị chứng của ngoại đạo, không phải thật tam muội; hoặc làm cho hành giả ở trong Định, từ một ngày hoặc đến bảy ngày, tự nhiện đặng món ăn thơm ngon, thân tâm vui thích, không biết đói khát; khiến cho hành giả rất ưa thích.
Hoặc làm cho hành giả ăn không chừng đỗi, khi nhiều khi ít, sắc mặt biến đổi luôn.

Khi gặp những cảnh như vậy, hành giả phải thường dùng trí huệ quán sát, siêng năng giữ gìn Chánh niệm, không nên chấp thủ, chớ để cho tâm mình đoạ vào lưới tà. Phải như thế hành giả mới xa lìa được các ma chướng. (Nguồn: Giảng về Tín Tâm trong Tu hành)

III- NÓI VỀ NĂM MƯƠI ẤM MA
Hòa Thượng Tuyên Hóa
GIẢNG NGÀY 2 – 12 – 1993
Trích từ The Shurangama Sutra – The Fifty Skandha-Demon States, published by DRBA/DRBU/BTTS. pp 551 – 559

+ LỜI GIẢNG GIẢI VÀ Ý NGHĨA VÀ CÁCH HIỂU ĐÚNG VỀ LỜI GIẢNG

Hòa Thượng giảng “Năm Mươi Ngũ Ấm Ma” trong Kinh Lăng Nghiêm vào năm 1968 tại Phật Giáo Giảng Đường, San Francisco. Năm 1988, tại Vô Ngôn Đường, Vạn Phật Thánh Thành, quý Thầy Cô cùng các vị Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di bắt đầu hiệu đính lại bản dịch (Anh ngữ) dưới sự chủ trì của Hòa Thượng; khi hiệu đính, Hòa Thượng có giảng giải thêm cho một số chỗ trong kinh văn, đồng thời trả lời những nghi vấn của đệ tử. Những đoạn giảng thêm và vấn đáp gồm có 42 đoạn, dài ngắn khác nhau, được kết tập lại dưới mục Notes hay Ghi Chú cho quyển “Ngũ Ấm Ma Thiển Thích”. Khi hiệu đính đến cảnh giới Tưởng Ấm Ma thứ nhất, chỗ Kinh văn: “Nhĩ thời thiên ma, hậu đắc kỳ tiện, phi tinh phụ nhân, khẩu thuyết kinh pháp” (Khi ấy thiên ma chờ được cơ hội thuận tiện, cho tinh thần gá vào người khác, dùng miệng người đó giải thuyết kinh pháp). Hòa Thượng giảng thêm cũng như trả lời thắc mắc. Đó là “Ghi Chú #14” dưới đây”:
Vấn đề này quí vị đừng nên hiểu một cách cứng nhắc, lời kinh dạy ra sao, đều chỉ là một cách diễn đạt để người nghe hiểu, chứ không nhất định phải là như vậy. Quí vị cần phải biết rằng ở đây không phải chỉ có năm mươi loại, mà đến năm trăm loại, năm ngàn loại, năm vạn loại, nhiều không nói hết được. Năm mươi hiện tượng ấm ma này là một cách nói tổng quát. Quí vị cũng đừng nên suy tưởng nó cao thâm huyền diệu ra sao, mà hãy xem như là lời nói chuyện của một người bình thường, không nên gắng sức chia chẻ chi li.
Tôi giảng kinh đều gọi là ‘thiển thích’ (giải thích sơ lược), tôi không ‘thâm thích’ (giải thích thâm sâu). Tôi giảng kinh chủ yếu làm sao cho người khác hiểu, ý của tôi với ý của người, mọi người cùng nhau hiểu, không nên suy nghĩ quá sâu xa. Vì gạn tìm đến chỗ sâu xa thì không ai nói hết được. Không nên đập đầu vỗ trán, nhất định phải tìm cho ra lẽ, ý này rốt cuộc là nghĩa gì. Đặc biệt là công việc phiên dịch, không nhất định phải theo từng chữ từng từ, không được thêm hay bớt. Hán văn và Phạn văn đều có cái cần thêm cần bớt. Do đó, quí vị nắm được cái ý tổng thể mà phiên dịch là đã đạt yêu cầu. Không nên đòi hỏi quá chi li, mất thời gian trên chữ nghĩa.

+ HỎI - ĐÁP_HT Tuyên Hóa
Đệ tử: Đạt đến tưởng ấm, thiên ma không thể nhiễu loạn tâm của người tu một cách trực tiếp nữa, mà sẽ dựa vào thân của người khác để đến nhiễu loạn định lực của người tu.
Hòa Thượng: Trường hợp này cũng giống người tu đạo như quí vị đây, thường hay gặp những kẻ bị ma nhập đến thuyết pháp cho quí vị nghe hoặc để so tài hơn thua với quí vị.
Quý vị có lẽ không biết, ở Vạn Phật Thành có một sinh viên của trường Đại Học Berkeley, có rất nhiều rắn đi theo anh ta. Quý vị thì không thấy, nhưng Quả Chân (*) thì thấy bầy rắn này đấu pháp với tôi tại Chùa Kim Sơn. Chao ôi! Oai phong lắm. Anh ta đến đây, bầy rắn theo anh ta đến để đấu với tôi. Đã hơn 10 năm rồi, ở Vạn Phật Thành thì bệnh anh ta thuyên giảm dần dần, nhưng khi trở về Berkeley thì bệnh lại tái phát. Anh ta cũng tự biết trên mình có rất nhiều rắn đeo theo. Những con rắn này từng bị anh ta giết, bây giờ chúng đến đòi mạng. Tôi đang dùng thiện pháp để điều hòa chúng, giảng hòa với chúng. Chúng có nghe, tôi cũng dùng cách này, chúng không nghe tôi cũng dùng cách này. Cứ từ từ… Hơn 10 năm nay, bầy rắn bỏ đi cũng khá nhiều, giờ chỉ còn lại vài con còn đeo theo anh ta. Đây cũng là một trường hợp như trên.

Đệ tử: Nếu sống tại Vạn Phật Thành thì chắc những thứ ấy không dám tìm đến.
Hòa Thượng: Chẳng phải không dám đâu! Chúng cũng đến. Quí vị thử xem, lúc đấu pháp với tôi thần khí của chúng hung hăng vô cùng. Ban đầu anh ta (người bị ma rắn nhập) quỳ, quỳ một hồi rồi đứng dậy, trợn mắt nhìn tôi, rồi vung tay múa chân, hơi thở khì khè, rồi kêu rin rít lên. Ôi, còn hung tợn hơn cả tiếng mèo gào.

Đệ tử: Rồi Sư Phụ làm sao? Mắng cho chúng một trận?
Hòa Thượng: Tôi không mắng nhưng vờ như không có việc gì xảy ra. Chúng nhìn tôi trông như chẳng có việc gì, nhưng thật ra thì tôi đã độ chúng rồi. Chúng thù nghịch tôi, nhưng tôi không thù nghịch chúng. Không như lúc trước tôi hay dùng Pháp “hàng phục”, bây giờ thì không, giờ tôi dùng Pháp “tức tai”

Đệ tử: Khi sắc ấm đã hết, tà ma không thể nhập vào người tu đạo mà phải nhập vào một người khác, nhưng cũng có một cách nói khác, là chúng có thể trực tiếp nhập vào thân của người tu đạo?
Hòa Thượng: Vấn đề này thiên biến vạn hóa, hoặc nó có thể nhập vào một con mèo. Chỉ có điều là mình có biết được nó hay không mà thôi. Nó cũng có thể nhập vào thân của bất cứ một loài vật nào.

Đệ tử: Còn đối với bản thân người tu thì sao?
Hòa Thượng: Không nhập vào được.

Đệ tử: Nhưng lúc trước Sư Phụ giảng về năm mươi ấm ma, nói rằng chúng có thể nhập vào thân của người tu đạo?
Hòa Thượng: Không, lúc nãy tôi đã nói rồi! Vấn đề này không nhất định, đó chỉ là nêu ra một trường hợp ví dụ, nhưng cũng chẳng phải là chỉ như thế, nó biến hóa khôn cùng, mỗi một trường hợp lại có nhiều biến tướng.

Đệ tử: Nhưng lúc nãy Sư Phụ cũng vừa nói, nó không nhập vào thân của người tu đạo được thì thế nào?
Hòa Thượng: Nếu là người chân chánh tu đạo thì chúng không nhập vào được, vì có Hộ Pháp bảo vệ.

Đệ tử: Nếu người tu đạo khởi vọng tưởng, thế thì…?
Hòa Thượng: Vậy thì chúng đến rồi!

Đệ tử: Như chúng con sống ở Vạn Phật Thánh Thành, nếu biết giữ đúng quy củ của Sư Phụ thì chúng không làm gì được. Còn nếu chúng con không giữ đúng quy tắc thì chúng sẽ tìm đến.
Hòa Thượng:nhiều người bên ngoài đến Vạn Phật Thánh Thành, trên thân đã mang theo tà ma ngoại đạo, yêu ma quỷ quái, nhưng Bồ Tát và Hộ Pháp ở đây cũng không ngăn cản mà không cho họ vào. Vì chúng ta từ bi nên ở đây chúng ta không phòng ngự nghiêm ngặt, tôi cũng không có gì phòng thủ cả.

Đệ tử: Cho nên người tu hành một cách chân chánh thì ma không thể nhập vào được, còn nếu không tu hành mà lại khởi vọng tưởng thì chúng sẽ tìm đến.
Hòa Thượng: Phải! Đó gọi là tà chiêu tà!

Đệ tử: Chẳng phải nói không nhập vào được thì vĩnh viễn không thể vào được. Như trường hợp của Ngộ Đạt Quốc Sư [2]. Ngay khi ngài khởi lên một niệm cống cao…
Hòa Thượng: Đúng! Là thế đấy. Đó là một dẫn chứng thật rõ ràng.

Đệ tử: Vốn đã trải qua 10 kiếp vẫn chưa vào được, kết cuộc chỉ một niệm sai lầm thì đã bị nhập vào.
Hòa Thượng: Thì nó tìm đến để đòi mạng!

Đệ tử: Cho nên Sư phụ nói nhập vào được hay không nhập vào được, đều chưa chắc chắn. Tu hành chân chánh thì không nhập vào được, không tu hành thì nó sẽ nhập vào.
Hòa thượng: Đúng thế, không nhất định. Vì bất cứ điều gì có thể diễn đạt bằng lời (ngôn thuyết) đều mất đi ý nghĩa chân xác (thật nghĩa) của nó. Một khi quý vị đã hiểu được lẽ này rồi, thì không nên tìm tòi quá chi li trên từng lời nói. Như tôi vừa nói, bên trong có vô số sự biến hóa. Năm mươi hiện tượng ấm ma này có thể biến thành năm trăm, năm ngàn, cho đến cả năm vạn. Đừng mất thời gian trên con số ví dụ ước lượng này. Đây là cách nêu lên một mặt của vấn đề, còn lại quí vị phải tự tìm hiểu những mặt khác, những biến hóa của nó.

Tóm lại, bất cứ điều gì nói lên được đều thiếu ý nghĩa chân xác, chỉ có ngôn thuyết chứ không có thật nghĩa. Cho nên quý vị có thể nói rằng tất cả kinh điển đều là giả, thế nhưng cần phải biết từ nơi cái giả ấy tìm ra chân lý. Bất cứ bộ kinh nào có hàm chứa đạo lý, đều có thể tin; không có đạo lý, không chân xác, thì không nên tin.

Ghi chú của Ban Phiên Dịch Việt Ngữ VPTT:
(*) Thầy Hằng Thật

[1] Tức tai Pháp, Hàng phục Pháp, Tăng ích Pháp, Thành tựu Pháp và Câu Triệu Pháp năm loại công năng căn bản của Thần Chú.

Tức tai Pháp (Pháp giải trừ tai ương). Ví như một khi chúng ta trì Chú Lăng Nghiêm thì hết thảy tai ương đều được giải trừ.
Hàng phục Pháp (Pháp làm cho hàng phục). Bất luận đối phương là thứ thiên ma ngoại đạo gì chăng nữa, một khi chúng ta trì Chú Lăng Nghiêm thì pháp lực của chúng ma liền bị phá vỡ, chúng sẽ bị hàng phục dễ dàng.
Tăng ích Pháp (Pháp giúp tăng trưởng lợi ích). Thí dụ chúng ta tu đạo, Chú Lăng Nghiêm sẽ giúp chúng ta tăng trưởng trí tuệ, tăng trưởng bồ đề tâm, tăng trưởng nguyện lực; mọi thứ đều tăng trưởng. Ðó là pháp làm gia tăng sự lợi ích.
Thành tựu Pháp (Pháp giúp cho được thành tựu). Chúng ta trì Chú Lăng Nghiêm, thì bất luận chúng ta tu pháp môn gì, chú này cũng sẽ giúp chúng ta được thành tựu.
Lại còn một loại nữa là Câu triệu Pháp (Pháp thâu tóm về). Pháp này có thể dùng khi chúng ta gặp thiên ma ngoại đạo và muốn bắt chúng, cũng như trên thế gian cảnh sát bắt kẻ phạm tội vậy. Bất luận là thiên ma hay ngoại đạo, nếu chúng ta muốn bắt giữ chúng thì hết thảy Hộ Pháp Thiện Thần, Thiên Long Bát Bộ, và tám muôn bốn ngàn Kim Cang Tạng Bồ Tát tức khắc bắt giữ chúng. Ðó là Câu Triệu Pháp.
[2] Trong Từ bi Thuỷ sám pháp. (Nguồn: Ghi chú và hỏi đáp về bào giảng 50 loại Ấm Ma)