QUÂN TỬ TẠO MỆNH: ĐOÁN GIẢI THIÊN CƠ - CHIẾN THẮNG THIÊN MỆNH - NIỀM HY VỌNG VINH QUANG

CÁC DỊCH VỤ TƯ VẤN CÁ NHÂN VÀ DOANH NGHIỆP
KHẨU HIỂU:
TÌM CÁT TRÁNH HUNG - CẢI MỆNH NHƯ Ý - NGŨ PHÚC LÂM MÔN

+ XEM SỐ MỆNH VÀ TV PHÁP CẢI MỆNH CÁT TƯỜNG - VUN BỒI HY VỌNG: Xem tại đây

+ MỞ LỚP HỌC DỰ ĐOÁN TỨ TRỤ VÀ QUẺ DỊCH THƯỜNG XUYÊN: Xem tại đây

+ PHÁP TU PHÁT TRIỂN TRÍ TUỆ TOÀN DIỆN - THÀNH BẬC THIÊN TÀI. Xem tại đây

+ NHẬN TƯ VẤN THIẾT KẾ THEO PHONG THỦY VĂN PHÒNG VÀ NHÀ Ở HỢP MỆNH VẬN.

+ MỞ LỚP TU "THIỀN TRÀ" VÀ TU THIỀN LẬP HẠNH GIÚP XA LÌA TÀ DỤC THƯỜNG XUYÊN

+ HỘI QUÁN CAFE PHONG THỦY: HỎI - ĐÁP VỀ BỒI CÁT TRÁNH HUNG - GIẦU CÓ AN KHANG - XA LÌA TÀ DỤC - PHÁT TRIỂN TRÍ TUỆ .... 

* Dịch vụ và Hỏi - Đáp tại số 301 Minh Khai, tầng 4 tòa nhà TTTM Thanh Ngọc, Đông Ngàn, Từ Sơn, Bắc Ninh: Xem tại đây

* TƯ VẤN MIỄN PHÍ vào Sáng thứ bảy hàng tuần, kính xin liên hệ trước để chúng tôi tiếp đón quý khách được chu đáo!

 Kính chúc quí vị luôn bình an, hạnh phúc, vạn sự cát tường như ý - Niềm hy vọng vinh quang!

+ Kính xin mời đọc kỹ: Hướng dẫn Dịch vụ

Chúng sinh Địa ngục

TRÍCH TÓM LƯỢC
CÁC LOẠI THIÊN MA QUỶ THẦN

Kinh văn - Kinh Địa Tạng Bồ Tát:

Lại có những vị thần ở các cõi nước phương khác cùng thế giới Ta Bà, như Thần biển, Thần sông cái, Thần sông con, Thần cây, Thần núi, Thần đất, Thần suối và ao đầm, Thần cây con và hạt giống, Thần ngày, Thần đêm, Thần hư không, Thần trên trời, Thần ăn uống, Thần cỏ cây và gỗ; các vị thần như thế đều đến hội họp.

HT Tuyên Hóa Lược giảng:

Lại có những vị thần ở các cõi nước phương khác cùng thế giới Ta Bà... "Phương khác" tức là các thế giới khác, các quốc độ khác. Không phải chỉ có quỷ thần từ thế giới phương khác, mà luôn cả quỷ thần ở cõi Ta Bà cũng lũ lượt đến cung trời Ðao Lợi để tham gia Pháp Hội.

Như Thần biển, Thần sông cái, Thần sông con. Thế nào gọi là biển, sông cái, sông con? Ðây đều là những nơi có nước. Trong Kinh Trường A Hàm có nói đến nguồn gốc của biển, sông, hồ. Ðó là bởi thế gian này có sự hiện diện của mặt trời - từ mặt trời phát ra một nguồn nhiệt lực gây nóng bức khiến cho vạn vật đều tiết "mồ hôi"; chính lượng "mồ hôi" này tích tụ lại và hình thành sông, hồ, ao, biển... Không phải chỉ riêng con người mà ngay cả đất đai, cây cối cũng có "mồ hôi" - tất cả chúng sanh đều có "mồ hôi." Mặt trời dọi đến đâu thì tỏa sức nóng đến đó, và sức nóng này gọi là "chích" (nướng). Thế giới này vì có quá nhiều "mồ hôi" - nhiều nước - nên có rất nhiều sông, hồ.

Nước hiện hữu khắp nơi - tận hư không, khắp Pháp Giới, đâu đâu cũng có nước cả. Trong Kinh Lăng Nghiêm có chép về việc cầm hạt châu thủy tinh hướng lên không trung để hứng nước trong ánh trăng vào giữa đêm trăng sáng. Ðiều này chứng tỏ rằng khắp nơi đều có nước. Tuy nhiên, cũng có những nơi chúng ta không thấy có sự hiện diện của nước, là vì những nơi đó chỉ có "tánh" của nước chứ không có "thể" của nước. Ðiều này cũng tương tự như việc mọi người đều có Phật tánh, nhưng chúng ta không thấy được Phật tánh mà chỉ thấy được hình thể con người thôi vậy. Tánh của nước là ẩm ướt; hầu như mọi nơi đều có khí ẩm, do vậy có thể nói rằng mọi nơi đều có nước. Ðồng thời, mọi nơi đều có lửa.

Tánh nước và tánh lửa vốn hỗ tương hợp tác, chứ không xung khắc lẫn nhau; vậy thì tại sao nước không tràn ngập khắp mọi nơi? Bởi giữa trời, đất và nước có sự tương quan, gắn bó mật thiết với nhau. Vả lại, Tứ Ðại Thiên Vương còn có viên ngọc "trị nước" (tỵ thủy châu); nếu không nhờ viên ngọc này thì khắp cả thế giới sẽ toàn là nước, tất cả đều bị chìm trong biển nước mênh mông. Cho nên, không phải khắp nơi đều có sự hiện hữu rõ rệt của nước.

Cái gì là biển? "Biển" (hải) có thể giảng theo nghĩa của chữ "hối," có nghĩa là đen tối. Ðó là vì "biển" là nơi tối tăm, u ám; khi ở trong biển, quý vị có mở to mắt cũng không nhìn thấy được gì cả. Biển thì mênh mông rộng lớn vô cùng - quý vị không thể biết được biển sâu bao nhiêu, rộng tới đâu, và lớn đến chừng nào. Do đó, "biển" còn tiêu biểu cho sự rộng lớn bao la; và cũng hàm nghĩa ngu muội, không sáng suốt.

Ở biển có rất nhiều thần; Long Vương cũng là một vị thần biển vậy. Trong các thần biển, có một vị tên là Hải Nhược và một vị tên là Dương Hòa. Thần Hải Nhược là vị thần tối cao ở biển, và vốn là loài thú chứ không phải loài trùng. Vị thần này có mười tám cái đuôi, tám chân, và tám đầu; mặt mày thì trông cũng giống như loài người vậy. Ngoài ra, còn có rất nhiều vị thần biển khác nữa. Nếu trong lúc tọa Thiền mà thấy cảnh giới có các vị thần hình thù quái dị như thế hiện ra thì quý vị chớ sợ hãi, bởi đó là các thần biển đến để cúng dường quý vị đấy.

Còn "sông" thì thế nào? "Sông" và "biển" khác nhau ra sao? Sông cái tuy rộng mà không sâu lắm; sông con thì không rộng bằng sông cái. Biển thì rộng lớn hơn hết và là "vạn lưu chi chủ" - chủ tể của cả muôn vạn dòng nước. Mọi sông hồ đều đổ về biển cả; bất luận bao nhiêu dòng sông, lưu lượng nhiều ít thế nào, thì biển cũng đều dung nạp hết thảy. Biển sẵn sàng dung chứa muôn vạn dòng nước mà chẳng ngại nhiều. Sông thì không như vậy - sông luôn luôn lưu chuyển và còn tẽ nhánh tạo thành sông con, trong khi nước biển thì không chảy đi nơi khác.

Chữ "sông" (giang) có thể được giải thích theo nghĩa của chữ "công"; ngụ ý rằng sông rất công bằng. "Sông" còn có một nghĩa khác nữa là "cống"; bởi thời xưa ở nước Trung Hoa, những sản vật của sông hồ đều phải được "tiến cống," dâng nạp cho nhà vua. Như vậy, "sông" có nghĩa là "công," và cũng có nghĩa là "cống."

"Sông con" (hà) còn được định nghĩa là "chưởng," tức là lòng bàn tay; bởi lúc không có gió thì mặt sông êm ả, phẳng lặng như gương hoặc như lòng bàn tay vậy.

Các thần biển, thần sông cái, thần sông con đều là những vị thần dưới nước.

Thần cây (thụ thần). Ở những cây to đều có thần linh cư ngụ. Theo tiếng Trung Hoa, chữ "thụ" này đồng âm với chữ "thụ" có nghĩa là đứng thẳng hoặc dựng đứng.

Thần núi (sơn thần). Chữ "sơn" (núi) có thể được định nghĩa như chữ "sản" hoặc chữ "sanh" vậy, bởi vì núi non cũng là nơi mọi vật có thể sanh trưởng.

Thần đất (địa thần). Chữ "địa" (đất) cũng hàm ý là chỗ thấp nhất. Tuy là ở dưới tất cả nhưng đất lại có thể sản sanh vạn vật, chuyên chở muôn loài.

Thần suối và ao đầm. "Suối" là dòng nước chảy xuyên qua đất, xuyên qua những nơi vốn không có nước. "Ao, đầm" cũng là những nơi có nước.

Thần cây con và hạt giống. Cây con là thứ cây còn non, mới nhú, mới nẩy mầm, như mạ non, mầm đậu...

Thần ngày, Thần đêm. Thần ngày (trú thần) là vị Thần cai quản ban ngày; và Thần đêm (dạ thần) là vị Thần cai quản ban đêm. Thời khắc thuộc ngày và đêm được phân định như sau: sau mười hai giờ khuya là bắt đầu thuộc về ban ngày, và sau mười hai giờ trưa là bắt đầu thuộc về ban đêm.

Vào mười hai giờ khuya thì tuy là chưa có ánh mặt trời nhưng khí dương đã bắt đầu sanh xuất. Cho nên, con người thường khởi tâm dâm dục vào trước lúc bình minh, khoảng từ ba đến năm giờ sáng, bởi đó là lúc dương khí đang thịnh. Tuy nhiên, nếu quý vị không khởi dâm tâm thì khí lực đó sẽ chuyển hóa thành trí huệ. Ở đây, quý vị cũng đối diện với một "ngả ba," tương tự như trường hợp của Vô Tưởng Thiên và Quảng Quả Thiên vậy - quý vị rẽ về hướng này thì có được tư tưởng chánh đáng, giúp ích cho sự phát triển của trí huệ; còn rẽ sang hướng kia thì lại khiến cho lòng tham dục của mình trở nên nặng nề thêm.

Sau mười hai giờ trưa thì khí âm sanh xuất, và đến tối con người cũng khởi lòng tham dục. Nếu quý vị không chiều theo dục vọng của mình, không chọn "con đường" dâm dục, tất có thể đi theo "con đường" trí huệ. Âm và dương là hai lối rẽ, tất cả đều tuỳ thuộc vào sự quyết chọn của chính quý vị.

Thần hư không. Thần hư không (không thần) là ai? Thần hư không chính là vị Thuấn Nhã Ða được nhắc đến trong bài kệ tụng của ngài A Nan ở phần đầu Chú Lăng Nghiêm:

"Thuấn Nhã Ða tánh khả tiêu vong,

Thước Ca La tâm vô động chuyển."

Quý vị nghe giảng kinh điển thì không nên chỉ nghe rồi là xong, chẳng nghĩ tới nữa; và cũng đừng cho rằng như thế tức là mình không có lòng tham, ngay cả Pháp mình cũng không tham! Quý vị không tham Phật Pháp, thì cũng phải không tham thế gian pháp. Nếu quý vị không tham cầu Phật Pháp nhưng lại đi tham cầu các pháp của thế gian, từ sáng đến tối chỉ biết bận rộn đếm tiền, thì đó cũng là một sự phiền não vậy!

Thần trên trời, Thần ăn uống. Việc ăn uống của chúng ta đều có thần linh trông coi. Chúng ta mỗi ngày, cho dù uống một hớp nước, ăn một mẩu trái cây hay một miếng bánh, đều là do thần linh quản lý cả. Quý vị tin là có vị thần này, thì thần hiện hữu; quý vị không tin là có thần, thì thần cũng vẫn tồn tại như thường, chẳng qua là quý vị không nhận biết được mà thôi. Chớ nên cho rằng cái gì mình không tin thì không có thật, bởi suy nghĩ như thế là rất ngu xuẩn! Phải biết rằng, bất luận quý vị tin hay không tin, vị thần này vẫn luôn luôn hiện hữu!

Trước kia, ở Bắc Kinh (Trung Hoa), có một người tên là Ðoạn Chánh Nguyên, mà người đương thời quen gọi là Ðoạn Sư Tôn. Vị Ðoạn Sư Tôn này đã từng được gặp một người chuyên lo về phân lượng ăn uống hằng ngày của nhân gian - mỗi ngày mỗi người ăn uống những thức gì, tiêu thụ bao nhiêu thức ăn, uống hết bao nhiêu nước, đều có sự nhất định cả.

Người ấy làm việc như thế nào ư? Anh ta chỉ ngủ suốt ngày! Cha anh ta làm quan và là một vị Liên Trưởng hay Doanh Trưởng gì đó; dưới quyền có khoảng bốn, năm trăm người. Vị Liên Trưởng này thấy con bấy giờ đã hai, ba mươi tuổi rồi mà không chịu làm việc, cứ nằm ngủ suốt ngày, thì rất bực dọc. Một hôm, không dằn được, ông trách mắng anh con trai: "Cha đã năm, sáu mươi tuổi rồi mà còn phải làm lụng kiếm tiền nuôi con; còn con thì đã hai, ba chục tuổi đầu rồi mà lại không chịu đi làm để mưu sinh! Con không chịu làm một công việc nào cả, thì cuộc đời con còn có ý nghĩa gì nữa chứ?"

Anh con trai đáp: "Cha à, cha làm quan ở nhân gian, còn con thì làm quan ở âm phủ đấy!"

-Hử? Con làm chức quan gì ở âm phủ?

-Mỗi ngày người nhân gian được ăn uống thức gì, phân lượng bao nhiêu, đều do một tay con tính toán, phân phối cả!

Vị Liên Trưởng gắt lên: "Con nói cái gì? Ăn uống mà còn phải đợi kẻ khác phân phối, định đoạt sao? Thật là hoang đường! Vậy thì ngày mai cha được con phân phối cho ăn những gì, con nói cha nghe thử xem."

Người con thưa: "Chưa được đâu, cha ạ. Con cần phải ngủ một giấc, khi thức dậy con sẽ nói cho cha rõ, vì hiện giờ con vẫn chưa biết chắc được."

Người cha nghe thế thì trong lòng giận lắm, song chỉ biết lắc đầu ngao ngán, cho rằng con mình chỉ nói nhảm, chứ làm gì có chuyện mình ăn thức gì cũng phải đợi nó phân phối, sắp đặt!!! Người con, sau khi ngủ dậy, nói với cha rằng: "Ngày mai cha sẽ không có cơm ăn đâu, cha ạ."

Cha anh ta cười lớn: "Cha làm quan chức quyền lớn như vầy mà lại không có cơm ăn sao? Như thế thì cha sẽ được ăn cái gì?"

Anh con trai trả lời: "Ngày mai cha chỉ có được một quả trứng thối và nửa bát cháo cám thiu mà thôi. Phần ăn của cha vào ngày mai chỉ có thế!"

Người cha đùng đùng nổi giận, quát lớn: "Hừ! Cha đường đường là một vị Liên Trưởng có tiền của, có quyền thế, thì tại sao phải ăn uống ít ỏi như thế, mà lại là đồ hư đồ thối nữa chứ? Thật là phi lý hết sức!"

Sáng sớm ngày hôm sau, vị Liên Trưởng đốc thúc gia nhân giết gà, giết vịt, chuẩn bị một bữa ăn thật linh đình. Nào ngờ, lúc ông sắp sửa ngồi vào bàn để ăn thì nhận được lệnh khẩn của cấp trên, bảo ông phải tức tốc xuất binh đi dẹp loạn, không được chậm trễ. Thế là thức ăn thì đã nấu nướng xong xuôi, nhưng ông ta không thể đụng đến được vì phải gấp rút ra đi.

Giao tranh hơn nửa ngày trời, vị Liên Trưởng đánh tan được bọn cướp. Bấy giờ, ông cảm thấy đói và mệt lả bởi suốt ngày chưa có gì vào bụng cả; trong khi đó, thuộc hạ của ông thì vì không phải chờ đợi một bữa ăn thịnh soạn, cho nên từ sớm, trước khi xuất binh, họ đều đã ăn uống đầy đủ cả rồi. Vất vả lắm mới tìm thấy một ngôi nhà có người ở, vị Liên Trưởng bèn vào hỏi mua thức ăn. Thế nhưng, không ngờ đó lại là một gia đình nghèo túng vào bậc nhất trong thiên hạ!

Người chủ nhà nói với vị Liên Trưởng: "Chúng tôi chẳng còn cái gì có thể ăn được cả. Gạo thì hết mà rau cũng chẳng còn. Cả nhà chỉ còn vỏn vẹn có một quả trứng thối với nửa bát cháo cám đã thiu. Ðó là phần để dành cho người sản phụ sắp sanh kia; nhưng nếu ông không chê thì xin cứ tự nhiên, không sao cả!"

Vị Liên Trưởng vì ruột gan cồn cào, đói chịu không nổi, liền nhận lấy quả trứng thối và nửa bát cháo cám thiu ấy. Ðương ăn, ông sực nhớ lại lời tiên đoán của anh con trai ngày hôm qua. Quả thật hôm nay ông đã ăn những thứ đúng như anh ta "phân phối"! Từ đó, vì biết rằng con mình thực sự đang làm quan ở âm phủ nên ông cũng để tùy anh ta, không còn la rầy trách mắng như trước nữa.

Thần cỏ cây và gỗ. Cỏ có thần cỏ (thảo thần), gỗ có thần gỗ (mộc thần), và cây có thần cây (thụ thần).

Ở Nam Thiệm Bộ Châu (Nam Diêm Phù Ðề) có cây "thụ vương" (vua của cây cối), là cây to nhất. Khi cây cối trở nên to lớn, già cỗi, thì được gọi là "quỷ thần thôn," tức là chỗ trú ẩn của quỷ thần, vì quỷ thần thường chọn những cây đại thụ làm nơi nương náu. Nếu không có các loại đại thụ này thì quỷ thần sẽ rất khốn khổ; bởi chỉ có nương náu nơi những cây to, um tùm, thì quỷ thần mới cảm thấy an ổn và vui sướng. Vì thế, những cây cổ thụ to lớn được gọi là "quỷ thần thôn."

Thời Tam Quốc, có một cây đại thụ lâu năm được mọi người gọi là "thần thụ" (cây thần). Tào Tháo bấy giờ chẳng những không tin, lại còn sai người đến đốn cây ấy đi. Sau đó, Tào Tháo bỗng dưng bị mắc chứng đau đầu dữ dội, suốt ngày đau đớn khổ sở; về sau phải mời Hoa Ðà đến chữa trị cho. Ấy là do ông ta đã đắc tội với quỷ thần - thần cây - mà ra vậy.

Trong Tứ Phần Luật có nói rằng Tỳ Kheo không được phép đốn hoặc chặt những cây cối to lớn, um tùm, vì ở những cây đại thụ như thế đều có quỷ thần cư ngụ. Ðiển hình là tại Trung Hoa, ở chùa Nam Hoa thì có cây long não (chương thụ) xin thọ Giới với Lão Hòa Thượng Hư Vân; và ở chỗ của Nam Nhạc Tân Sơn Lão Nhân, có một cây quả trám (bạch quả) cũng được thọ Giới. Các thần cây được thọ Giới kể ra thì rất nhiều - đây quả là thứ cảnh giới không thể nghĩ bàn vậy!

Vừa rồi tôi có nói rằng nếu quý vị tin là có thần, thì thần tồn tại;không tin là có thần, thì thần cũng vẫn tồn tại! Có nhiều người cho rằng "tin thì có, không tin thì không có"; nhưng trong trường hợp này thì "tin cũng có, không tin cũng vẫn có" như thường! Thí dụ dưới đất có mỏ vàng, thì bất luận quý vị biết hay không biết, tin hay không tin, mỏ vàng vẫn nằm sờ sờ ở đó. Quý vị tin, tức là quý vị biết rằng có thần; còn quý vị không tin, có nghĩa là quý vị không biết rằng có những vị thần như thế, chứ không phải là không có thần! Ðó chẳng qua là vì quý vị hoàn toàn không có tri thức, không có trí huệ để nhận biết mà thôi. Vì vậy, chúng ta phải thận trọng, không nên hùa theo những kiến giải sai lầm, lệch lạc của người khác!

Các vị thần như thế đều đến hội họp. Không phải chỉ có những vị thần kể trên mà còn có đông đảo những vị thần khác nữa, và tất cả đều tấp nập tựu về cung trời Ðao Lợi để nghe Ðức Phật thuyết Pháp.

Tại thành phố Cựu Kim Sơn (San Francisco) hiện nay xảy ra rất nhiều thiên tai nhân họa; mới gần đây lại có cơn bão gây thiệt mạng cho hơn chín mươi người. Ðó cũng là do ác nghiệp của chúng sanh đã tới lúc chín muồi nên mới sanh ra những việc như thế.

Có người nói rằng vào tháng năm năm ngoái, căn cứ theo dự liệu của các nhà khoa học, thì có nạn động đất xảy ra. Tôi bèn làm "giấy bảo đảm," cam đoan rằng chỉ cần tôi còn ở tại thành phố San Francisco thì sẽ không có chuyện động đất xảy ra; tuy nhiên, nếu tôi đi sang nơi khác, không có mặt ở San Francisco nữa, thì tôi chẳng thể làm gì hơn được!

Tôi không muốn có nạn động đất xảy ra để rồi phải bị rơi xuống biển, và tôi cũng không muốn những người bên cạnh tôi bị rơi xuống biển nữa. Vì sao ư? Vì tôi không muốn gặp mặt Long Vương, cũng chẳng thích kết bạn với vị Thần Biển (hải thần) có tám đầu, tám chân và mười tám cái đuôi. Tám cái đầu này là gồm bốn đầu nam và bốn đầu nữ - từ một thân thể mà mọc ra tám cái đầu của bốn cặp vợ chồng, trông rất là quái dị. Ðã thế, Thần Biển còn làm những việc rất kỳ quặc và rất đặc biệt; cho nên tôi không muốn kết giao với vị thần này, và tôi lại càng không muốn để cho những người cùng sống với tôi đi gặp thần nữa. Ðây không phải là tôi ích kỷ, bởi có gặp vị thần này thì cũng chẳng làm nên được việc gì tốt đẹp cả!

Ðầu năm nay (1969), có người báo cho tôi biết là vào khoảng tháng ba hoặc tháng tư lại có trận động đất nữa. Thế thì lần này, tôi có lại mở "công ty bảo hiểm" để mọi người có thể đến "mua bảo hiểm" nữa hay không? Vẫn y như vậy! Nói tóm lại, quý vị đừng quên những lời tôi nói hồi năm ngoái! Hễ tôi còn ở thành phố San Francisco ngày nào, thì bảo đảm ngày đó sẽ không có nạn động đất lớn (đại địa chấn) xảy ra; song le, các vấn đề nho nhỏ thì tôi không thể đoan chắc được.

Trong thời Mạt Pháp này, thiên tai nhân họa sẽ còn xảy ra rất nhiều; cho nên tôi hy vọng mọi người đều chuyên cần trì niệm danh hiệu của Quán Thế Âm Bồ TátÐịa Tạng Vương Bồ Tát. Ðược như thế thì thành phố San Francisco này sẽ vững chãi như núi Thái Sơn, và sẽ không có vấn đề gì nghiêm trọng xảy ra cả!

Kinh văn:

Lại có chư đại quỷ vương ở các cõi nước phương khác cùng thế giới Ta Bà, như Ác Mục Quỷ Vương, Ðạm Huyết Quỷ Vương, Ðạm Tinh Khí Quỷ Vương, Ðạm Thai Noãn Quỷ Vương, Hành Bệnh Quỷ Vương, Nhiếp Ðộc Quỷ Vương, Từ Tâm Quỷ Vương, Phước Lợi Quỷ Vương, Ðại Ái Kính Quỷ Vương..., các quỷ vương như thế đều đến hội họp.

Lược giảng:

Lại có chư đại quỷ vương ở các cõi nước phương khác cùng thế giới Ta Bà... Vì sao nói là "lại có"? Bởi vì không phải chỉ có chư Bồ Tát cùng Thiên Long Bát Bộ như đã kể trên mà thôi, mà còn có rất đông đảo các vị từ các cõi nước phương khác cũng đến cung trời Ðao Lợi nữa.

"Các cõi nước phương khác" tức là các quốc độ, các cõi nước của chư Phật khác ở thế giới khác, chứ không phải là của thế giới Ta Bà.

"Ta Bà" là Phạn ngữ; Trung Hoa dịch là "kham nhẫn," ngụ ý rằng chúng sanh ở nơi này có thể nhẫn chịu sự thống khổ.

"Chư đại quỷ vương." Thông thường, người ta giảng chữ "chư" này là đồng nghĩa với chữ "đa," và có nghĩa là "nhiều"; nhưng tôi thì lại khác. Khác như thế nào ư? Theo tôi, chữ "chư" không đồng nghĩa với chữ "đa" mà là đồng nghĩa với chữ "thiểu," tức là "ít"; và "ít" tức là chỉ có "một" mà thôi!

Có người nghe thế thì bất bình, nói rằng: "Thầy lầm rồi! Theo tiếng Trung Hoa thì chữ 'chư' đồng nghĩa với chữ 'đa'; sao Thầy lại giảng thành chữ 'thiểu,' rồi rốt cuộc lại biến thành chữ 'nhất,' tức là 'một' được?"

Chính thế, tôi thích quy nạp tất cả về "một"; vì sao ư? Bởi vì tôi vốn rất dốt toán, số mục nhiều quá thì không thể nào nhớ nổi; vả lại, tôi thấy rằng "một" là dễ nhớ nhất, chứ sang đến "hai" là bắt đầu phải động não, nghĩ ngợi rồi! Quý vị nói chữ "chư" đồng nghĩa với chữ "đa," tức là "nhiều"; thế "nhiều" thì rốt cuộc là bao nhiêu? Chẳng có một con số cụ thể nào cả! Không có một con số đích xác thì rất rắc rối, cho nên tôi giảng thành "một" để đơn giản hóa vấn đề vậy. "Chư" chính là "nhất," mà "nhất" cũng là "chư"; "nhiều" tức là "một," mà "một" cũng chính là "nhiều." Cho nên, đây là điểm khác biệt của tôi trong vấn đề giảng Kinh.

Như vậy, "chư" đại quỷ vương thì tôi nói là "một" đại quỷ vương; thế thì đó là ám chỉ vị đại quỷ vương nào? Bây giờ tôi cứ giảng tới vị quỷ vương nào thì vị đó chính là "một" đại quỷ vương! Ở đây có Ác Mục Quỷ Vương, Nhiếp Ðộc Quỷ Vương, Từ Tâm Quỷ Vương, vân vân...; tôi sẽ đề cập tới từng quỷ vương một, chứ không gộp chung lại một cách lộn xộn.

Vì sao tôi lại giảng chữ "chư" này thành chữ "nhất"? Ðó là cách giảng "bất chấp lý lẽ" của tôi, và bây giờ tôi sẽ giải thích cho quý vị nghe; bởi vì nếu tôi không giải thích thì quý vị sẽ không "tâm phục, khẩu phục," và có thể còn ngờ rằng tôi giảng sai nữa. Thế nên, bây giờ tôi sẽ cắt nghĩa cho quý vị rõ.

Chúng ta nói về chữ "nhiều," vậy do đâu mà thành "nhiều"? Cái "nhiều" này là từ đâu đến? Thử truy tìm nguồn gốc của "nhiều," thì quý vị sẽ thấy rằng "nhiều" vốn từ nơi "một" mà ra; thậm chí cả "một" cũng không hiện hữu nữa. Vậy, "nhiều" vốn dĩ phát xuất từ "một." Quý vị hãy thử bắt đầu từ "một" mà tính lên, hễ quý vị nhớ được cái thứ nhất, thì có thể biết được cái thứ hai, lại có thể biết cái thứ ba...; cứ thế mà suy ra thì có thể nói rằng "một" là vô lượng, mà vô lượng rốt ráo cũng chỉ là "một." Ðó chính là cảnh giới:

Nhất bổn tán vi vạn thù,

Vạn thù nhưng quy nhất bổn.

(Một gốc phân tán thành muôn vàn,

Muôn vàn quy nạp về một gốc.)

Cho nên, chúng ta tu hành thì đều phải quy nạp về "một." Tu hành là "tu" cái gì? Chính là tu sửa cái tâm của mình. Tâm chúng ta cần phải như thế nào? Tâm cần phải chuyên nhất; chúng ta phải tu sao cho chỉ còn duy nhất "một" cái tâm mà thôi! Có câu:

Ðắc nhất vạn sự tất.

(Ðược "một" thì muôn việc đều xong.)

Nếu quý vị đạt được cái "một" này, thì mọi sự kể như hoàn tất, không còn việc gì nữa cả. Tu hành chính là tu cái "một" này, phải tập luyện sao cho ý niệm của mình trở nên chuyên nhất, chỉ còn có "một" mà thôi; bởi ý niệm có chuyên nhất thì trí huệ mới khai mở. Nếu niệm không chuyên nhất thì sao? Thì đó là "hướng ngoại trì cầu," tức là quý vị vẫn còn bôn ba tìm kiếm ở ngoài. Nếu quý vị có thể không khởi một niệm nào cả thì lại càng vi diệu hơn nữa; bởi:

Nhất niệm bất sanh toàn thể hiện,

Lục căn hốt động bị vân già.

(Một niệm chẳng sanh, toàn thể hiện,

Sáu căn chợt động, mây liền che.)

Mặc dù trong kinh văn kể ra nhiều quỷ thần như vậy, nhưng nếu quý vị có thể "nhất niệm bất sanh," thì sẽ không có ma quỷ nào cả. Thậm chí, chẳng những không có ma quỷ mà ngay cả một vị thần cũng không có nữa. Thật ra, chẳng những không có thần mà ngay cả một đức Phật, một vị Bồ Tát, cũng không có nữa - tất cả đều không hiện hữu! Tất cả đều "không" - đây mới là lúc mà tất cả đều thực sự hiện tiền! Bấy giờ, Ðức Phật hiện đến, Bồ Tát cũng đến, Thanh Văn, Duyên Giác, Bích Chi Ca La... tất cả đều hiện thân đến. Vì sao các ngài hiện đến? Bởi vì quý vị có thể "nhất niệm bất sanh"! Nếu quý vị vẫn còn khởi tâm động niệm thì các ngài sẽ không hiện đến. Ðiều vi diệu là ở điểm này và cũng chính là ở chữ "chư" này; cho nên, đây đích thật là thứ cảnh giới không thể nghĩ bàn.

Ở đây, quý vị đừng giải thích chữ "chư" này theo nghĩa "nhiều," mà hãy dùng theo nghĩa "một"; và rồi ngay cả "một" cũng không tồn tại. Như thế, "chư" đại quỷ vương tức là "một" đại quỷ vương; và rồi ngay cả một vị quỷ vương cũng không có nữa - tất cả đều cao bay xa chạy hết. Không còn quỷ vương thì thế giới này cũng không tồn tại. Thế giới này đã không tồn tại, thế thì quý vị còn gì để lo âu nữa? Chẳng lo chẳng buồn, không quái không ngại; lúc đó gọi là:

"Tánh tận văn tịch tham Thiên Ðịa."

Một khi quý vị đạt tới cảnh giới "tận nhân tánh, tận kỷ tánh, tận vật tánh," tức là không còn thấy có tánh người, tánh mình, và tánh của sự vật, thì lúc bấy giờ, quý vị chính là trời đất và trời đất chính là quý vị; đồng thời, quý vị là chư Phật và chư Phật chính là quý vị - không hai không khác. Nào có cái gì gọi là "bạn," là "tôi," hoặc là "hắn"? Nào có cái gì gọi là "tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả"? Không có gì cả! Tất cả đều không tồn tại, thế thì quý vị còn gì để phiền não nữa chứ? Bấy giờ, phiền não gì cũng đều tiêu tan cả - lúc đó thật là "thanh tịnh chí vô dư," trong sạch đến cực điểm; và quả thật là:

"Nhất niệm bất sanh toàn thể hiện,

Lục căn hốt động bị vân già."

Quý vị xem, cảnh giới này thật là "diệu bất khả ngôn," vi diệu đến chẳng thể nói hết được! Ðã "chẳng thể nói hết được," thế thì không cần phải nói, không cần phải giảng nữa sao? Vẫn cần phải giảng! Bởi vì tôi thích giảng và vẫn muốn tiếp tục giảng nữa! Bây giờ chúng ta nói về "chư đại quỷ vương." Các đại quỷ vương này rất hung ác, bởi vì là quỷ mà! Chân của loài quỷ rất dài; dài khoảng bao nhiêu ư? - ! Tôi cũng không biết là dài bao nhiêu nữa, có lẽ độ chừng vài "trượng." Thật ra, ngay cả các học giả, các professors của Trung Hoa cũng chẳng biết nhiều về quỷ vì chân của loài quỷ quá dài, dài đến nỗi người ta không thể thấy được bọn chúng đang ở nơi đâu!

Theo tiếng Trung Hoa, chữ "quỷ" này đồng âm với chữ "quy," có nghĩa là "trở về." Người ta thường nói: "Chết tức là trở về." Về đâu? Về lại nơi mà mình đã phạm tội! "Quỷ" tức là "quy" - tức là trở về lại trong địa ngục; bởi loài quỷ cho rằng địa ngục là nhà của chúng, là nơi mà chúng phải quay về. Vì sao chúng nghĩ như vậy? Vì mê muội!

Bây giờ tôi lại giải thích chữ "quỷ" theo tiếng Anh. Theo Anh ngữ, "quỷ" tức là "ghost," và đồng âm với chữ "go" hoặc "goes" có nghĩa là "đi." Ði đâu và để làm gì? Loài quỷ cho rằng đi đây đi đó vui chơi là tuyệt nhất; nhưng thật ra, chúng đi đâu? Ði đến núi đao, rừng kiếm, chảo dầu! Suốt ngày cứ "go, goes, ghost"; rốt cuộc là "go" tới địa ngục, "go" tới cõi ngạ quỷ, "go" tới cõi súc sanh!

Như vậy, chữ "quỷ" giảng theo tiếng Trung Hoa thì ngụ ý là "quy" (quay về); còn giảng theo tiếng Anh thì ngụ ý là "go" (đi). Ðây là cách giải thích đơn giản của tôi.

Như Ác Mục Quỷ Vương (chúa quỷ mắt dữ). Loài quỷ này có chân rất dài, mắt thì chứa đầy vẻ hung ác đến nỗi vừa nhìn thấy mắt của chúng là người ta liền phát run cầm cập!

Ðạm Huyết Quỷ Vương (chúa quỷ uống máu). Loài quỷ này chuyên uống máu của chúng sanh; hễ nơi nào có máu là chúng đều tìm đến để uống.

Ðạm Tinh Khí Quỷ Vương (chúa quỷ hút tinh khí); tiếng Phạn gọi là "Tỳ Xá Già." Trong Chú Lăng Nghiêm có nhắc tới "Tỳ Xá Già," đó chính là Ðạm Tinh Khí Quỷ Vương này vậy. Loài quỷ này chỉ thích hút lấy tinh khí của con người và tinh túy của ngũ cốc. Tinh khí của loài người chúng ta vì sao vô hình trung bị suy kém? Chính là vì bị loài quỷ này hút mất vậy.

Ðạm Thai Noãn Quỷ Vương (chúa quỷ ăn thai noãn). Loài quỷ này chuyên ăn những thai nhi chưa thành hình. Khi có các trường hợp như sẩy thai, đẻ non, thai nhi chết trong bụng mẹ xảy ra, thì lúc nhau thai rơi xuống là loài quỷ này liền chụp lấy để ăn. "Noãn" tức là trứng; loài quỷ này cũng ăn cả trứng nữa, như trứng gà chẳng hạn.

Tại sao bị làm loài quỷ này? Ðó là bởi đời trước, loài quỷ này vốn là những kẻ thích việc sát sanh; và thịt của những thú vật mà họ giết được thì đừng nói gì người khác, ngay cả vợ của họ mà họ cũng không cho ăn nữa! Chẳng những không cho thịt con vật, mà luôn cả huyết của nó họ cũng không chia cho ai cả. Họ tự sát sanh, rồi một mình ăn, một mình uống. Ngay cả vợ của họ mà họ còn không chia xẻ cho, huống hồ là người khác! Ðối với người khác thì họ lại càng cho không đành nữa! Ðiều này thể hiện thói keo kiệt, bỏn sẻn của họ. Cho nên, sau khi chết, họ phải làm loài quỷ ăn thai noãn, chỉ ăn toàn đồ dơ; đó là do thói tham lam, keo kiệt từ đời trước mà ra.

Hành Bệnh Quỷ Vương (chúa quỷ gây bệnh tật). Loài quỷ này đi đến đâu là gieo rắc các bệnh dịch, bệnh truyền nhiễm đến đó - chúng đem mầm bệnh đến khắp nơi.

Nhiếp Ðộc Quỷ Vương (chúa quỷ hút khí độc). Ðây là một loài quỷ tốt bụng, chứ không phải độc ác, hại người. Nếu quý vị bị nhiễm phải khí độc, loài quỷ này có thể giúp quý vị hút chất độc ra, bởi chúng là loài quỷ cứu người. Nhiếp Ðộc Quỷ Vương chính là hóa thân của Bồ Tát, thị hiện đến để cứu độ chứ không phải để đầu độc chúng sanh. Bất luận là ai bị trúng độc, Nhiếp Ðộc Quỷ Vương đều có thể hút chất độc ra để giải cứu cho người ấy - đây là một vị quỷ vương tốt bụng, có lòng hảo tâm.

Từ Tâm Quỷ Vương (chúa quỷ có lòng nhân từ). Vị quỷ vương này thì đầy lòng từ bi. Tuy rằng làm quỷ, song mục đích của Từ Tâm Quỷ Vương là muốn lọt vào cõi giới của quỷ để dễ bề cứu độ và khiến cho loài quỷ phát Bồ Ðề tâm.

Phước Lợi Quỷ Vương (chúa quỷ làm phúc lợi). Vị quỷ vương này chính là vị Thần Tài giúp tăng phước, ban tài lộc.

Ngoài ra, còn có vị quỷ vương tên là Ðại Ái Kính Quỷ Vương (chúa quỷ đại ái kính).

Các quỷ vương như thế đều đến hội họp. Tất cả các quỷ vương kể trên đều hớn hở đến cung trời Ðao Lợi để nghe Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết Kinh Ðịa Tạng. (Nguồn: HT Tuyên Hóa giảng Kinh Địa Tạng)