QUÂN TỬ TẠO MỆNH: ĐOÁN GIẢI THIÊN CƠ - CHIẾN THẮNG THIÊN MỆNH - NIỀM HY VỌNG VINH QUANG

CÁC DỊCH VỤ TƯ VẤN CÁ NHÂN VÀ DOANH NGHIỆP
KHẨU HIỂU:
TÌM CÁT TRÁNH HUNG - CẢI MỆNH NHƯ Ý - NGŨ PHÚC LÂM MÔN

+ XEM SỐ MỆNH VÀ TV PHÁP CẢI MỆNH CÁT TƯỜNG - VUN BỒI HY VỌNG: Xem tại đây

+ MỞ LỚP HỌC DỰ ĐOÁN TỨ TRỤ VÀ QUẺ DỊCH THƯỜNG XUYÊN: Xem tại đây

+ PHÁP TU PHÁT TRIỂN TRÍ TUỆ TOÀN DIỆN - THÀNH BẬC THIÊN TÀI. Xem tại đây

+ NHẬN TƯ VẤN THIẾT KẾ THEO PHONG THỦY VĂN PHÒNG VÀ NHÀ Ở HỢP MỆNH VẬN.

+ MỞ LỚP TU "THIỀN TRÀ" VÀ TU THIỀN LẬP HẠNH GIÚP XA LÌA TÀ DỤC THƯỜNG XUYÊN

+ HỘI QUÁN CAFE PHONG THỦY: HỎI - ĐÁP VỀ BỒI CÁT TRÁNH HUNG - GIẦU CÓ AN KHANG - XA LÌA TÀ DỤC - PHÁT TRIỂN TRÍ TUỆ .... 

* Dịch vụ và Hỏi - Đáp tại số 301 Minh Khai, tầng 4 tòa nhà TTTM Thanh Ngọc, Đông Ngàn, Từ Sơn, Bắc Ninh: Xem tại đây

* TƯ VẤN MIỄN PHÍ vào Sáng thứ bảy hàng tuần, kính xin liên hệ trước để chúng tôi tiếp đón quý khách được chu đáo!

 Kính chúc quí vị luôn bình an, hạnh phúc, vạn sự cát tường như ý - Niềm hy vọng vinh quang!

+ Kính xin mời đọc kỹ: Hướng dẫn Dịch vụ

Pháp Môn Đốn Ngộ - Minh Tâm Kiến Tánh

LỤC TỔ ĐÀN KINH
PHÁP MÔN TU HÀNH ĐỐN NGỘ - MINH TÂM KIẾN TÁNH
(Hòa Thượng Tuyên Hóa Giảng Giải)

 

PHẦN MỘT
Pháp truyền Tâm ấn - Pháp Đốn ngộ - Minh Tâm Kiến Tánh

Chư Thiện tri thức! Ta có một bài tụng "Vô Tướng," các ông nên tụng đọc. Người tại gia hay xuất gia cũng phải y theo bài tụng nầy mà tu hành. Nếu tự mình chẳng tu, mà chỉ nhớ lời ta nói, thì cũng không có ích gì. Hãy nghe ta tụng...

Giảng:

Quý vị Thiện tri thức! Tôi có một bài kệ Vô Tướng, các ông cần nên tụng niệm, bất luận là người tại gia, hay người xuất gia đều có thể y theo bài kệ tụng này tu hành. Nếu không tự mình thực hành, tự mình tu hành, chỉ ghi nhớ bài kệ mà tôi nói thì không có ích lợi gì.

Thuyết thông cập tâm thông,

Như nhật xử hư không.

Duy truyền kiến tánh pháp,

Xuất thế phá tà tông.

Thuyết thông tâm cũng thông,

Như mặt nhựt trên không.

Chuyên truyền pháp thấy tánh,

Xuất thế phá tà tông.

Thuyết thông, tức là hiểu rõ giảng kinh thuyết pháp. Tâm thông tức là tông thông, tông môn Thiền tông, thông đạt pháp môn tâm địa. Quý vị hiểu rõ giảng kinh thuyết pháp, cũng hiểu rõ tham thiền tu đạo. Cảnh giới này, cũng giống như thái dương trên hư không, không chỗ chấp trước mà ánh sáng chiếu khắp mọi nơi. Pháp môn mà tôi truyền chính là muốn quý vị có thể minh tâm kiến tánh. Quý vị minh tâm thì không có việc gì khó, kiến tánh rồi thì không còn lo âu. Hiểu rõ bổn lai diện mục, mới là hiểu rõ Phật pháp. Pháp môn này chuyên giảng những đạo lý xuất thế, là tôn chỉ phá trừ bàng môn tả đạo, ngoại đạo.

Pháp tức vô đốn tiệm,

Mê ngộ hữu trì tật.

Chỉ thử kiến tánh môn,

Ngu nhân bất khả tất.

Pháp vốn không đốn tiệm,

Mê ngộ có chậm mau.

Chỉ môn thấy tánh ấy,

Kẻ muội chẳng kham vào.

Pháp vốn không có sự sai khác của đốn và tiệm, nhưng đối với người mê cần phải dạy cho họ pháp môn tiệm tu, đối với người trí thì có thể dạy họ pháp môn đốn ngộ, cho nên người mê chậm một chút, người có căn tánh lanh lợi thì có thể khai ngộ nhanh một chút.

Sao gọi là đốn giáo? Tôi hôm nay nói cho quý vị những lời chân thật. Lời nói thật thì không thể nói nhiều, mà nói ít thì sợ rằng quý vị không tin, huống chi là nói nhiều quý vị càng không tin nữa. Vì không ai thích nghe những đạo lý thật, cũng không ai thích tu hành một cách chân thật nên tôi không có cách nào nói chơn pháp cho quý vị. Tôi đành phải đợi cơ hội, hôm nay cơ hội đã đến, vì giảng đến bài kệ này thì đạo lý chân thật (mà tôi muốn nói) liền được công bố tỏ rõ ra.

Đốn pháp là gì? Đốn chính là bảo quý vị phải đoạn. Đoạn cái gì? Đoạn lòng dâm dục. Quý vị có thể làm được không? Quý vị không tin à! Điểm này chính là mấu chốt quan trọng. Cần phải mau chóng đoạn trừ vô minh, vô minh cũng chính là lòng dâm dục. Vậy, có đoạn được không? Nếu đoạn không được, quý vị đừng nghĩ đến việc nghe chân pháp. Nếu quý vị có thể đoạn, thì có thể đắc được pháp môn đốn giáo. Tiệm có nghĩa là chậm, nếu đoạn không được, không thể buông bỏ thì biến thành tiệm. Người thông minh, chỉ thị một chút họ liền có thể đoạn. Người ngu si, bỏ không được, buông không xong, dù có thuyết pháp cho họ nghe, họ cũng không tin tưởng pháp môn đốn giáo này. Cho nên bình thường tôi không nói. Nếu quý vị có lòng tin tưởng thì sớm đã thành Phật rồi!

Vì quý vị không tin tưởng, cho nên đến hôm nay vẫn còn xoay chuyển mãi trong vòng luân hồi lục đạo. Quý vị muốn luân chuyển thì cứ việc luân chuyển, không có ai có thể ép buộc được.

Mê và ngộ chỉ là vấn đề nhanh chậm mà thôi, quý vị nay không đoạn, sau này thành Phật nhứt định phải đoạn. Quý vị nay không muốn làm Phật cho nên không muốn đoạn. Đốn pháp này là cửa kiến tánh. Nếu quý vị có thể đoạn trừ lòng dâm dục thì có thể minh tâm kiến tánh. Không nên giảng pháp này cho người ngu si nghe, họ không thể hiểu được, dù quý vị giảng cho họ nghe, họ cũng không tin tưởng đâu.

Thuyết tức tuy vạn ban,

Hợp lý hoàn quy nhất.

Phiền não ám trạch trung,

Thường tu sinh tuệ nhật.

Nói tuy có muôn thứ,

Lý hợp một không hai.

Phiền não trong nhà tối,

Thường phải sanh huệ nhật.

Giảng nói đạo lý có rất nhiều cách, nhiều phương pháp. Và đạo lý nói ra nhiều đến muôn ngàn. Nhưng bao nhiêu pháp môn cũng đều để đối trị phiền não, vô minh. Nếu hiệp về cội nguồn, thì chỉ có một đạo lý căn bản, tức là đốn pháp này, chính là pháp dạy quý vị đốn đoạn vô minh mà hiển hiện pháp tánh. Phiền não giống như ở trong phòng đen tối. Nếu quý vị có trí huệ, thì giống như ánh sáng mặt trời chiếu sáng huy hoàng.

Tà lai phiền não chí,

Chánh lai phiền não trừ.

Tà chánh câu bất dụng,

Thanh tịnh chí vô dư.

Tà sanh phiền não dấy,

Chánh đến não phiền tan.

Chánh tà đều chẳng dụng,

Thanh tịnh chứng Niết Bàn.

Tà lai, chính là lòng dâm dục phát sanh, phiền não tự nhiên theo đó phát sanh. Không nên cho rằng nó là niềm vui hay happiness. Nó chính là căn bổn của phiền não. Chánh có nghĩa là trí huệ Bát nhã, vô minh đã bị phá vỡ, phiền não sẽ bị diệt trừ. Lúc tà chánh đều không có, đó chính là Vô dư Niết Bàn. Tà chánh mà ở đây nói đến đều không dùng. Có người nói: "Tà cứ để cho nó tà, chánh cứ để cho nó chánh, không màng đến nó!" Không màng đến, thì quý vị vẫn ở trong phòng tối đen. Tà chánh đều không dùng — nghĩa là đã vượt qua rồi, đã là người từng trải, cho nên tà cũng không có, chánh cũng không tồn tại. Tại sao có chánh? Vì có tà nên mới hiển chánh. Tại sao có tà? Vì có chánh nên mới hiển tà. Lúc tà chánh đều không có, đó chính là Vô dư Niết Bàn thanh tịnh.

Bồ đề bổn tự tánh,

Khởi tâm tức thị vọng.

Tịnh tâm tại vọng trung,

Đản chánh vô tam chướng.

Bồ đề là tự tánh,

Tâm động tức vọng mông.

Tịnh tâm trong chỗ vọng,

Thường chánh ba chướng vong.

Bồ đề tự tánh không nên tìm cầu bên ngoài, vì trí huệ Bát nhã tự tánh vốn đầy đủ. Quý vị vừa khởi tâm động niệm thì chính là vọng niệm. Bổn lai thanh tịnh vô dư Niết Bàn thì không có tất cả niệm, nó là vô ý, vô niệm, vô vọng. Vô ý chính là giới cụ túc, vô niệm là định cụ túc, vô vọng là huệ cụ túc. Cho nên tâm tịnh ở trong vọng, giống như trong băng có nước, trong nước cũng có thành phần của băng đá. Nếu thường tu hành chánh pháp sẽ rời được tam chướng – nghiệp chướng, báo chướng, phiền não chướng. Nghiệp chướng tức là những nghiệp chướng đã tạo làm chướng ngại. Báo chướng tức là thân thọ quả báo mà gây chướng ngại. Phiền não chướng tức là tất cả phiền não làm chướng ngại mình.

Thế nhân nhược tu Đạo,

Nhất thiết tận bất phòng.

Thường tự kiến kỷ quá,

Dữ Đạo tức tương đương.

Người đời nếu tu đạo,

Pháp nào cũng vô ngại.

Thường tự thấy lỗi mình,

Cùng đạo tức tương ưng.

Người thế gian nếu muốn tu đạo, pháp môn nào cũng có thể thành tựu đạo nghiệp, nếu quý vị chân chánh hiểu rõ chánh pháp, thì đi đứng nằm ngồi đều có thể tu hành. Đầu tiên quý vị phải nhìn thấy những lỗi lầm của chính mình, không nên chỉ nhìn thấy những cái sai của người khác, giống như gương soi chỉ soi bên ngoài, mà không thể tự mình hồi quang phản chiếu. Không nên nhìn thấy những lỗi lầm của người khác, mà không tự hỏi mình có thể giữ gìn trong sạch ngũ giới hoặc có khởi lên các vọng tâm tà niệm hay không. Nếu có thể thường thấy lỗi của mình, thì tương ưng với đạo, mà không đi ngược với đạo.

Bài kệ này nếu ghi nhớ vào lòng thì trọn đời thọ dụng không cùng. Lục Tổ Đại sư nói hay quá, vừa đơn giản vừa rõ ràng, mọi người đều dễ dàng hiểu được. Nếu có thể hiểu được ý này thì đối với việc tu đạo có rất nhiều lợi ích.

Sắc loại tự hữu đạo,

Các bất tương phòng não.

Ly đạo biệt mích đạo,

Chung thân bất kiến đạo.

Sắc loài tự có đạo,

Hỗ tương nào não ngại,

Lìa đạo mà tìm đạo,

Chung thân đạo khó vào.

Sắc tức là hữu hình hữu tướng. Nếu trong cái sắc hữu hình hữu tướng này, quý vị có thể hiểu rõ, khai ngộ, đoạn trừ ái dục, mà không chấp vào sắc tướng, tự nhiên sẽ có đạo, không cần phải rời đạo mà đi tìm đạo bên ngoài. Nếu quý vị nhận biết, mà không bị nó làm cho mê mờ, đó chính là "đôi bên không bị phiền não chướng ngại." Nếu quý vị rời đạo mà tìm đạo ở bên ngoài, đây là việc vô ích, cho nên nói "Kiến sự tỉnh sự xuất thế gian, kiến sự mê sự đọa trầm luân." Nhìn sự việc mà tỉnh ngộ sự việc gọi là xuất thế, nếu gặp sự việc mà sanh tà kiến, kiến hoặc thì gọi là đọa lạc.

Đến với đạo, nhưng quý vị đang tu đạo gì? Tức là từ sáng đến tối những việc mình làm đều như pháp, không làm những việc bất chánh, sai lầm, đó chính là mình tu đạo. Còn nếu ly khai những việc thường ngày mà tìm cầu đạo bên ngoài thì không bao giờ quý vị tìm được đạo.

Ba ba độ nhất sinh,

Đáo đầu hoàn tự áo.

Dục đắc kiến chân đạo,

Hạnh chánh tức thị đạo.

Bôn ba qua một kiếp,

Rốt cuộc não phiền còn.

Muốn thấy nền chơn đạo,

Hạnh chánh ấy đạo chơn.

Ba ba có nghĩa là khổ cực, quý vị khổ cực suốt một đời, đến già bèn hối hận. Lúc đó tự than tự trách: "Ôi, tôi đã để thời gian trôi qua một cách vô ích, để hôm nay trong lòng tràn ngập hối hận ăn năn. Nếu tôi không uống nhiều rượu như thế, thì làm sao ngu muội đến chừng này? Nếu tôi một đời không đánh bạc thì làm sao nghèo đến nước này. Cuộc đời của tôi, nếu có người đến khuyên nhắc tôi, tôi cũng có thể tu hành mà, không đến nỗi gặp phải cảnh như hôm nay! Nhưng vì không gặp được Thiện tri thức, dù có gặp Thiện tri thức cũng không nhận biết."

Dù Thiện tri thức có dạy bảo, quý vị cũng xem như gió thoảng bên tai, cũng không có sửa đổi những tập khí tật xấu của mình. Cho nên cuối cùng vẫn là tự mình hối hận mà thôi.

Quý vị muốn gặp được đạo chân chánh, cần phải nỗ lực tinh tấn tu hành, không nên chứa chấp tà niệm, không nên chỉ nhìn thấy lỗi lầm của người, tát nước lạnh vào sự nhiệt tình của kẻ khác, tật đố chướng ngại, chỉ vì sợ người khác giỏi hơn mình.

Tự nhược vô đạo tâm,

Ám hành bất kiến đạo.

Nhược chân tu đạo nhân,

Bất kiến thế gian quá.

Đạo tâm mình chẳng có,

Làm quấy đạo lìa xa,

Người thật lòng hành đạo,

Lỗi đời khá bỏ qua.

Nếu tự mình không có đạo tâm, không tu đạo, chỉ biết làm những việc tội lỗi, không dám cho người khác biết, thì đó không phải là đạo. Người chân chánh tu đạo không nhìn thấy những lỗi lầm của người thế gian. Có người nói:

– Nay thời mạt pháp quá xấu xa, đã không còn Phật pháp. Dù có tu hành cũng không chứng quả.

Tại sao quý vị không chứng quả? Pháp vốn không mạt, không có tà không có chánh. Nếu quý vị tu trì chánh pháp, thì đó là thời đại chánh pháp. Nếu không nhìn thấy lỗi lầm của thế gian, nhìn thấy mọi người đều là Phật, thì mình chính là Phật. Nếu nhìn thấy tất cả chúng sanh đều là ma, thì mình cũng là ma. Cho nên nói: "Nhược chân tu đạo nhân, bất kiến thế gian quá (nếu là người chân chánh tu hành học đạo thì không nhìn thấy lỗi lầm của kẻ khác)."

Nhược kiến tha nhân phi,

Tự phi khước thị tả.

Tha phi ngã bất phi,

Ngã phi tự hữu quá.

Nếu thấy người lầm lỗi,

Ấy mình lỗi chẳng sai.

Người lỗi, ta không lỗi,

Ta lỗi bởi chê bai.

Nhược kiến tha nhân phi, chính là nhìn thấy người khác không đúng. Tự phi khước thị tả, nếu biết người khác có lỗi lầm, thì bản thân mình cũng lầm lỗi. Hãy nhìn Đức Phật: Ngài có thấy lỗi lầm của ai không? Phật nhìn tất cả chúng sanh đều là Phật. Quý vị không nên cùng người khác làm việc sai lầm. Nếu nhìn thấy cái sai của người khác thì chính mình cũng tự có phần tham gia vào đó, chính mình cũng đã sai lầm. Người khác sai lầm, nhưng mình không nên sai lầm, không nên nhìn thấy cái sai lầm của người khác mà cần phải phát huy tâm đại từ đại bi. Đối với bất cứ người nào, ta cũng nên có tâm từ bi, thương xót chúng sanh mà phát nguyện độ họ thành Phật.

Đản tự khước phi tâm,

Đả trừ phiền não phá.

Tắng ái bất quan tâm,

Trường thân lưỡng cước ngọa.

Hãy trừ lòng tưởng quấy,

Phiền não phá tiêu tan.

Ghét yêu đừng để dạ,

Duỗi cẳng nghỉ thanh nhàn.

Nếu trừ đi những tâm niệm sai lầm của mình, thì phiền não không còn nữa.

Tắng ái bất quan tâm: Tắng có nghĩa là ghét bỏ, ái tắng đều là một loại tình cảm. Người tu đạo cần phải chân chánh dụng tâm từ bi thương xót tất cả chúng sanh, phát nguyện độ tất cả chúng sanh thành Phật. Nếu chúng sanh không thành Phật tôi nguyện cũng không thành Phật. Hôm nay có người quy y. Sau khi quy y rồi cần phải giữ gìn giới luật. Người tin Phật không nên có những hành vi sai lầm trước kia, nếu không như vậy người ta sẽ nói: "Người đó tin Phật mà vẫn làm những điều sai lầm như lúc trước." Điều đó khiến cho người chung quanh không tin Phật. Cho nên tôi phát nguyện, phàm những người quy y tôi, nếu không thành Phật, tôi sẽ đợi họ, khi nào họ thành Phật tôi mới thành Phật. Vì tôi không còn cách nào khác, chỉ có phát nguyện đợi quý vị thành Phật. Người nào sau khi quy y rồi, cần phải mau mau tu hành, không nên để tôi phải đợi chờ. Tôi chờ đợi các vị lâu quá tôi cũng chán ngán, lúc đó tôi sẽ không muốn đợi nữa.

Trường thân lưỡng cước ngọa: Duỗi thẳng đôi chân nằm ngủ, đây thật hợp với những người làm biếng. Nhưng câu này không phải dạy chúng ta nằm ngủ, mà là biểu thị sự tự do, không bị ràng buộc, không bị chướng ngại, đó mới có thể rời xa điên đảo đạt cứu cánh Niết Bàn. Không nên nghe Lục Tổ dạy rằng "Trường thân lưỡng cước ngọa" bèn suốt ngày nằm ngủ là không đúng.

Dục nghĩ hóa tha nhân,

Tự tu hữu phương tiện.

Vật linh bỉ hữu nghi,

Tức thị tự tánh hiện.

Muốn toan lo độ thế,

Phương tiện phải sẵn sàng.

Chớ để người nghi hoặc,

Tự tánh mới quang minh.

Nếu muốn giáo hóa chúng sanh, thì tự mình phải có pháp môn phương tiện quyền xảo, đối với chúng sanh nào thì phải biết thuyết những pháp môn nào, không nên chấp trước, không nên khiến chúng sanh sau khi nghe pháp khởi lòng nghi hoặc, đó chính là tự mình phải biết vận dụng tự tánh của chính mình, từ đó tự tánh trí huệ quang minh của mình sẽ hiển hiện.

Phật pháp tại thế gian,

Bất ly thế gian giác.

Ly thế mích Bồ đề,

Kháp như cầu thố giác.

Phật pháp ở trần thế,

Không lìa thế gian giác.

Bỏ đời tìm đạo chánh,

Sừng thỏ kiếm sao ra.

Phật pháp là gì? Phật pháp cũng chính là pháp thế gian, pháp xuất thế cũng chính là Phật pháp. Thế gian pháp là những pháp thế tục thông thường, mà Phật pháp là pháp tại thế gian mà lại xuất thế gian, thế nên nói Phật pháp tại thế gian không rời khỏi trí huệ Bát nhã của thế gian. Nếu rời khỏi thế gian đi tìm Bồ đề, điều này cũng giống như muốn thỏ mọc sừng, thì không bao giờ có được, đi bất cứ nơi nào cũng không thể tìm kiếm ra.

Chánh kiến danh xuất thế,

Tà kiến thị thế gian.

Tà chánh tận đả khước,

Bồ đề tánh uyển nhiên.

Chánh kiến là xuất thế,

Tà kiến ấy thế gian,

Chánh tà đều phá hết,

Giác tánh hiện rõ ràng.

Có chánh kiến, đó gọi là pháp xuất thế. Chánh kiến chính là giác ngộ: lòng dâm dục của mình cần phải đoạn trừ. Tà kiến chính là cho rằng có thể tùy thuận theo dục vọng mà khiến cho nó phát triển: loại tà tri tà kiến, cái dục tâm này gọi là pháp thế gian. Tà chánh đều bị quét sạch, lúc đó tánh Bồ đề sẽ hiện tiền, mà không phải giong ruổi bên ngoài tìm tánh Bồ đề.

Thử tụng thị đốn giáo,

Diệc danh đại pháp thuyền.

Mê văn kinh lụy kiếp,

Ngộ tắc sát na gian.

Tụng này là Đốn giáo,

Cũng kêu đại Pháp thuyền.

Mê, nghe kinh lũy kiếp,

Ngộ, thấy Phật tâm liền.

Tôi nay thuyết bài kệ là pháp môn đốn giáo, là pháp môn thành Phật. Đoạn kệ này cũng có thể gọi là con thuyền pháp lớn, có thể chuyên chở tất cả chúng sanh từ bờ sanh tử bên này, vượt qua dòng phiền não mà đến bờ Niết Bàn bên kia. Nếu quý vị mê hoặc không hiểu rõ, thì cần phải trải qua một thời gian rất dài mới có thể khai ngộ; còn nếu quý vị không thể đốn ngộ, thì hãy buông bỏ tất cả dục niệm. Như thế trong một sát-na ngắn ngủi, quý vị liền có thể khai ngộ mà nhận thức một cách chân chánh.

Đại sư lại nói: "Nay tại chùa Đại Phạm, ta nói pháp Đốn giáo nầy, phổ nguyện chúng sanh trong Pháp giới, vừa nghe pháp rồi, đều liền thấy tánh thành Phật."

Lúc ấy Vi Thứ sử và các viên quan, chức sắc, cùng với các người đạo, tục, nghe Đại sư nói pháp, cả thảy đều giác ngộ, đồng làm lễ một lượt mà khen rằng: "Hay thay! Nào dè ở xứ Lãnh Nam có Phật ra đời!"

Giảng:

Lục Tổ Đại sư lại nói:

– Tôi nay giải thuyết pháp môn đốn ngộ tại Chùa Đại Phạm, tôi cũng phát nguyện, nguyện pháp giới chúng sanh, lúc giảng bài kệ tụng này, tất cả đều kiến tánh thành Phật.

Lúc đó Thứ sử Vi Cừ cùng với quan viên, đạo sĩ, cư sĩ nghe Lục Tổ Đại sư nói bài tụng Vô Tướng xong, mọi người đều phản tỉnh khai ngộ, và đồng thời hướng về Lục Tổ Đại sư đảnh lễ tạ pháp, hoan hỷ tán thán:

– Hay thay! Hay thay! Thật không ngờ xứ Lĩnh Nam quê mùa lại có Phật ra đời.

PHẦN HAI
Bài Kệ giành cho người tại gia tu hành

Sư nói: Chư Thiện tri thức! Muốn tu hành thì ở nhà tu cũng đặng, chẳng cần ở chùa. Ở nhà mà thường tu hành, thì cũng như người Đông phương có lòng lành. Ở chùa mà chẳng tu, thì cũng như người Tây phương có lòng dữ, nếu lòng trong sạch, thì tánh mình tức là Tây phương vậy."

Vi Thứ sử lại hỏi: Ở nhà tu hành như thế nào, xin Đại sư chỉ dạy."

Sư nói: "Ta nói cho đại chúng một bài kệ Vô Tướng. Nếu y theo đó mà tu, thì cũng như thường ở cùng ta một chỗ không khác. Bằng chẳng tu theo đó mà thế phát xuất gia, thì đối với Đạo nào có ích gì!"

Giảng:

Lục Tổ Đại sư lại nói:

–Quý vị Thiện tri thức! Nếu muốn tu hành, tại gia cũng được, không nhất định phải ở Chùa.

Tại sao Lục Tổ Đại sư thuyết như thế? Vì Ngài hiện thân thuyết pháp, trước khi Ngài xuất gia, cùng ở chung với đám người thợ săn mười lăm năm, trong thời gian này Ngài đều dụng công tu hành, vì thế Ngài nói không cần ở Chùa.

Người tại gia có thể tu hành, giống như người Đông phương có tâm lành. Xuất gia mà không tu hành cũng giống như người Tây phương tâm ác. Đây chỉ là ví dụ, không nên cho rằng người Tây phương tâm ác. Quý vị thanh tịnh tâm mình (tự tịnh kỳ ý), đó chính là tịnh độ tự tánh.

Thứ sử Vi Cừ lại hỏi: "Người tại gia làm sao tu hành ? Cúi mong Hòa Thượng dạy bảo cho con?"

Đại sư nói: "Tôi nay nói cho các ông nghe bài kệ Vô Tướng, các ông nương theo phương pháp này tu hành thì thường thường ở bên cạnh tôi không sai khác. Nếu các ông không y theo bài kệ này tu hành, thì dù cho xuất gia thế phát, đối với đạo có lợi ích gì?" Cho nên nói: "Đạo cần phải thực hành, không hành làm sao dụng đạo? Đức cần phải làm, không làm thì sao có đức?" Cần phải y theo phương pháp này tu hành mới có điều ích lợi.

Tụng rằng:

Tâm bình hà lao trì giới,

Hạnh trực hà dụng tu thiền!

Ân tắc hiếu dưỡng phụ mẫu,

Nghĩa tắc thượng hạ tương lân,

Nhượng tắc tôn ti hòa mục,

Nhẫn tắc chúng ác vô huyên.

Nhược năng toản mộc xuất hỏa,

Ứ nê định sinh hồng liên.

Khổ khẩu đích thị lương dược,

Nghịch nhĩ tất thị trung ngôn.

Cải quá tất sanh trí huệ,

Hộ đoản tâm nội phi hiền.

Nhật dụng thường hành nhiêu ích,

Thành đạo phi do thí tiền.

Bồ đề chỉ hướng tâm mích,

Hà lao hướng ngoại cầu huyền!

Thính thuyết y thử tu hành,

Thiên đường chỉ tại mục tiền.

HT Tuyên Hóa Dịch nghĩa bài kệ

Lòng bình đẳng đâu cần giữ giới,

Làm việc ngay há phải tu thiền!

Ân, song thân hiếu dưỡng cần chuyên,

Nghĩa, huynh đệ dưới trên tương ái,

Nhượng, hòa mục tôn ti đối đãi,

Nhẫn, muôn điều ác hại chớ gây.

Nếu bền tu như lấy lửa cọ cây,

Nơi bùn lấm nở đầy sen đỏ.

Đắng miệng ấy thuốc trừ bịnh khổ,

Nghịch tai là lời độ chánh trung.

Sửa lỗi lầm trí huệ phát sung,

Binh tội quấy tâm tùng đọa ác.

Năng làm phước, giúp người lợi lạc,

Đạo nào do thí bạc mà thành!

Vốn Bồ đề cầu ở tâm thanh,

Ngoài mộng ảo, muội manh nhọc kiếm.

Nghe nói pháp, lòng vâng tu niệm,

Cõi Thiên đường mầu nhiệm thấy liền.

Giảng:

Lòng bình đẳng đâu cần giữ giới: Bình chính là không có tham sân si. Tại sao quý vị cần phải trì giới, vì có tam độc tham sân si. Nếu năng trì giới luật, thì không bị tam độc làm hại. Nếu tâm bình, chính là trong tâm không có sóng, không có sóng chính là không có vô minh. Không có vô minh, thì cần gì phải cực khổ trì giới.

Làm việc ngay há phải tu thiền: Hành vi công bình chính trực, đó chính là thiền, thiền cũng chính là dạy quý vị trừ đi tất cả tập khí tật xấu. Có người nói: "Tâm bình không cần trì giới, vậy tôi không trì giới nữa," nhưng tâm của quý vị đã bình hay chưa? Quý vị không kể tâm mình bình hay chưa, liền không trì giới. Tâm của quý vị cần phải bình mới có thể không trì giới, nếu tâm không bình thì làm sao có thể không trì giới? Nếu dối gạt người nói tâm tôi đã bình rồi, nhưng khi làm việc gì thì không công bình, lại tự tư, tự lợi, ích kỷ, tật đố chướng ngại, loại người này tâm làm sao có thể bình được.

Ân, song thân hiếu dưỡng cần chuyên: Nói đến báo ân thì cần phải hiếu dưỡng Cha Mẹ, vì ân sanh thành dưỡng dục của Cha Mẹ như trời cao biển rộng, cho nên phải hết lòng hiếu thảo thờ kính cung dưỡng Cha Mẹ.

Nghĩa, huynh đệ dưới trên tương ái: Như Cha Mẹ thương con cái, đó chính là lòng từ bi lân mẫn, thuộc về nghĩa.

Nhượng, hòa mục tôn ti đối đãi: Cùng nhau khiêm tốn nhường nhịn thì trên dưới hòa hiệp, nhìn thấy kẻ tôn quý người hạ tiện đều bình đẳng như nhau, hòa hòa hiệp hiệp thì không có tranh chấp phát sanh.

Nhẫn, muôn điều ác hại chớ gây: Nhẫn chính là không nên ở sau lưng nói xấu người, hoặc là nói việc riêng của người, không nên chuyên môn đi phá hoại người, tật đố chướng ngại người, không nên phao những tin đồn bậy bạ xuyên tạc phá hoại sự tịnh tu và danh dự của người. Người cần phải che giấu điều ác, biểu dương điều thiện; không nên che giấu điều thiện, biểu dương điều ác, như vậy thì tất cả được hòa bình an ổn.

Nếu bền tu như lấy lửa cọ cây, Nơi bùn lấm nở đầy sen đỏ: Trung Quốc xưa kia muốn lấy lửa phải cọ xát gỗ mới lấy được lửa, và bùn sanh hoa sen đó là nói quý vị không cần phải xuất gia, nếu có thể đoạn trừ dục tâm, tại gia cũng có thể thành tựu như người xuất gia.

Đắng miệng ấy thuốc trừ bịnh khổ, Nghịch tai là lời độ chánh trung: Nếu có người khuyên bảo quý vị, chỉ ra chỗ sai lầm của quý vị, đó chính là Thiện tri thức của mình. Giống như quý vị mắc bệnh, thuốc uống tuy đắng, nhưng lại lợi ích cho bệnh của quý vị. Cho nên nói "Đắng miệng là thuốc hay, nghịch tai nhất định là lời trung thật." Giống như Sư phụ thường chỉ trích sai lầm của đồ đệ: "Con không nên làm biếng! Không nên tham ngủ!" Nhưng với điều này, người đời lại nói: "Tại sao lại để ý việc của tôi?" Nhất là người Mỹ, tự do quen rồi, không muốn nghe người khác chỉ huy, lúc nào cũng duy ngã độc tôn, nói: "Bất luận tôi xấu hay tốt, tôi cũng không muốn nghe người ta, tôi chỉ nghe chính mình, dù tôi là khúc gỗ, ngu ngốc không hiểu biết, tôi cũng muốn nghe chính mình, tôi muốn độc lập." Tôi biết đây là tư tưởng của người Mỹ, không muốn nghe những lời trái tai.

Sửa lỗi lầm trí huệ pháp sung, Binh tội quấy tâm tùng đọa ác: Nếu quý vị có thể sửa đổi sai lầm, thì nhất định sanh trí huệ, nếu không sửa đổi đó chính là ngu si. Nếu quý vị cứ một mực bào chữa cho cái sai của mình, có tật xấu, mà sợ người nói, lại tự mình làm luật sư cho chính mình, dù người khác có chỉ ra tật xấu của mình, quý vị cũng không thừa nhận. Loại đồ đệ này tôi gặp nhiều rồi, nó cho rằng có thể dối gạt được tôi.

"Năng làm phước, giúp người lợi lạc, Đạo nào do thí bạc mà thành! Vốn Bồ đề cầu ở tâm thanh, Ngoài mộng ảo, muội manh nhọc kiếm. Nghe nói pháp, lòng vâng tu niệm, Cõi Thiên đường mầu nhiệm thấy liền.": Việc làm thường ngày cần phải có lợi ích cho chúng sanh, cần giúp đỡ, lợi ích cho người, không nên chỉ đối tốt với chính mình, cần phải biết thành Phật không phải nói tôi bố thí bao nhiêu vạn đồng, mua ông Phật lại làm, mà cần tự quý vị tu hành mới được. Bồ đề giác tánh, giác đạo cần phải tìm trong nội tâm, quý vị làm sao có thể hướng bên ngoài đi tìm cầu sự huyền diệu được? Nếu quý vị nghe lời này rồi, y giáo tu hành, thì Thiên đường ở ngay trước mặt.

Sư lại nói: "Chư Thiện tri thức! Cả thảy phải y theo bài kệ nầy mà tu hành và tự thấy tánh mình, thì chắc thành Phật đạo. Pháp chẳng đợi chờ, các người giải tán, ta về Tào Khê. Nếu có điều chi nghi ngờ, hãy đến đó mà hỏi."

Bấy giờ Vi Thứ sử cùng các thiện nam tín nữ tại hội, tâm tánh đều được mở mang tỏ sáng. Cả thảy đồng cung kính và vâng làm theo lời dạy.

Giảng:

Lục Tổ Đại sư lại nói:

–Quý vị Thiện tri thức! Các ông cần phải ghi nhớ, thường y theo bài kệ này tu hành, mọi người cần phải nhận thức bổn tâm, thấy được bổn tánh, năng minh tâm kiến tánh mới có thể trực chỉ thành Phật đạo. Pháp môn này thì không ai có thể thay thế cho ai, ai cũng không thể đợi ai. Các ông cần biết: ông tu ông đắc, bà tu bà đắc, tự mình ăn cơm tự mình no, tự mình sanh tử tự mình liễu. Các ông cần phải tự mình dụng công. Mọi người nay trở về nhà tự mình dụng công, tu hành, tự tịnh kỳ tâm. Tôi nay trở về Chùa Nam Hoa ở Tào Khê. Các ông nếu có thắc mắc gì thì có thể đến đó hỏi tôi.

Lúc đó Thứ sử Vi Cừ cùng với các quan viên, thiện nam tín nữ, mỗi người đều khai ngộ, tín thọ phụng hành.

Quý vị không nên để ý họ khai ngộ như thế nào, mà quý vị nên phải nghĩ ra cách để cho mình được khai ngộ mới đúng!

(Nguồn: Lục Đàn Kinh - HT Tuyên Hóa giảng)