+ Nghe danh hiệu của Địa Tạng, lễ bái hình tượng của Địa Tạng. Lợi ích thọ trì Kinh Địa Tạng - Phật pháp nhiệm mầu.
Lại nữa, này Hư Không Tạng Bồ Tát! Như hàng trời, rồng, quỷ thần ở hiện tại và vị lai, nghe danh hiệu của Địa Tạng, lễ bái hình tượng của Địa Tạng, hoặc nghe các việc về bổn nguyện tu hành của Địa Tạng, mà ngợi khen chiêm lễ, thì sẽ được bảy điều lợi ích.”
“Một là mau vượt thánh địa.” Thế nào gọi là “vượt”? Ví dụ từ địa vị thứ nhất tiến thẳng lên địa vị thứ ba, bỏ qua địa vị thứ nhì ở giữa; từ địa vị thứ ba nhảy vọt lên địa vị thứ năm; hoặc từ địa vị thứ năm tiến luôn đến địa vị thứ tám... –như thế gọi là “vượt,” bỏ quãng mà tiến lên. “Vượt” ngụ ý là tiến rất nhanh, rất mau.
“Hai là ác nghiệp được tiêu trừ.” Mọi người tại sao chưa thành Phật? Đều là vì có ác nghiệp không thanh tịnh. “Ác nghiệp” là nghiệp nhiễm ô, cũng chính là những nghiệp tội không trong sạch mà quý vị đã trót gây ra; và còn gọi là “hắc nghiệp.” “Ác nghiệp” chính là “hắc nghiệp”; “hắc nghiệp” là nghiệp hắc ám, rất đen tối, mờ ám. Phàm người làm việc gì cũng thường hay lén lén lút lút, không muốn cho ai biết đến, nên mới gây ra nghiệp này. Nếu quý vị thành tâm trì niệm danh hiệu Bồ Tát Địa Tạng thì ác nghiệp sẽ được tiêu trừ.
“Ba là chư Phật đến ủng hộ.” Điều lợi ích thứ ba là sẽ được chư Phật khắp mười phương giáng lâm đến trước mặt để che chở hộ trì.
“Bốn là Bồ Đề không thối thất.” Tâm Bồ Đề giác đạo của quý vị sẽ càng ngày càng tăng trưởng, càng ngày càng có tiến bộ—chỉ có tiến chứ không có lùi. Tâm Bồ Đề này vừa phát khởi thì quý vị liền hăng hái: “Hôm nay tôi sẽ thọ Ngũ Giới, ngày mai tôi phát nguyện xuất gia; còn ngày mốt ư? Tôi nhất định sẽ làm một vị cao tăng. Ngày kế nữa tôi nhất định sẽ thành vị Tổ Sư. Ngày kế tiếp nữa tôi sẽ hành trì đạo Bồ Tát, và chẳng bao lâu nữa thì tôi sẽ thành Phật!”
Tuy nhiên, điều thiết yếu ở đây là tâm Bồ Đề của quý vị phải không thối chuyển mới được! Quý vị chớ nên hôm nay phát tâm muốn thọ Ngũ Giới, song dùng dằng nghĩ tới nghĩ lui rồi đổi ý: “Thọ giới rồi mà lỡ phạm giới thì thật là xấu hổ. Người ta biết được mình phạm giới thì mất mặt quá! Chi bằng, tốt nhất là mình đừng thọ một giới nào cả!”; và thế là không muốn thọ giới nữa. Nếu lại nghe người ta kháo nhau là đời sống của người xuất gia rất khắc khổ, nên quý vị ngần ngừ, không muốn nghĩ tới chuyện xuất gia nữa; đó cũng là do quý vị chưa có được cái tâm “Bồ Đề không thối thất” vậy
“Năm là bổn lực được tăng trưởng.” “Bổn lực” tức là sức mạnh vốn có của mình, là sức mạnh của bổn lai Phật tánh, là năng lực thành Phật và cơ hội thành Phật vốn có trong mỗi chúng sanh. Thế nhưng, quý vị cứ ngăn che Phật tánh của mình, khiến sanh ra phiền não, vô minh. Bây giờ quý vị phá bỏ được bức màn vô minh rồi thì phiền não cũng đoạn dứt, cho nên bổn lực liền hiện ra và tăng trưởng thêm.
“Sáu là việc đời trước đều rõ biết.” Điều thứ sáu là biết được đời trước mình đã làm gì, đời trước nữa mình ra sao ... Nói chung là quý vị có thể truy cứu và biết rõ được mọi việc xảy ra trong nhiều đời nhiều kiếp, thậm chí đến tám vạn đại kiếp về trước. Những thánh nhân đã chứng quả A-la-hán tuy biết được việc đời trước, nhưng ngoài phạm vi tám vạn đại kiếp thì các ngài không thể biết được. Ở đây, biết rõ được việc đời trước tức là đắc Túc Mạng Thông rồi.
Thí dụ, quý vị có thể biết được rằng: “Tôi đã từng có một đời sanh làm thân kiến! Lúc ấy thì thân thể vô cùng nhỏ bé, đến bây giờ làm thân người thì biến thành to lớn dềnh dàng như thế này. Có lẽ là tôi từ thân kiến biến thành con ong mật, từ ong mật biến thành bươm bướm, từ con bướm biến thành con chim nhỏ, từ con chim nhỏ lại biến thành con chim ưng lớn. Rồi nhờ lúc mang thân chim ưng lớn tôi lại ăn chay chứ không ăn thịt, do đó tu tạo được phước báo, có được cái nhân thành Phật nên nay được làm người—làm người thì trong tương lai sẽ được thành Phật.”
Người đã chứng đắc Túc Mạng Thông thì nếu mình từng làm thân kiến, hoặc làm loài trùng nào, loài cầm thú nào... cũng đều rõ biết được cả. Cho nên, đằng sau cái xác thân hiện tại này, còn có sự biến hóa vô cùng của rất nhiều thân thể.
“Bảy là rốt ráo thành Phật.” Sớm muộn gì rồi quý vị cũng đều được thành Phật cả. Điều này cũng tương tự như điều lợi ích thứ hai mươi tám đã nói ở trước. (Nguồn: Kinh Địa Tạng - P13 - HT Tuyên Hóa giảng)