+ Tùy hỷ được phước lớn:
Đức Phật dạy: "Thấy người tu đạo bố thí mà hoan hỷ trợ giúp thì sẽ được phước rất lớn."
Có thầy Sa-môn hỏi rằng: "Phước ấy hết chăng?"
Đức Phật đáp: "Ví như lửa của một cây đuốc, dù có vài trăm ngàn người ai nấy đều mang đuốc đến chia nhau mồi lấy lửa để về nấu ăn và xua tan bóng tối, thì ngọn đuốc kia vẫn y như cũ. Phước báo cũng như thế!"
Lược giảng:
Chương thứ mười là giảng về công đức của sự tùy hỷ. Biết tùy hỷ thì mình và người đều được lợi lạc, và phước báo sẽ vô cùng vô tận.
Đức Phật dạy: "Thấy người tu đạo bố thí, nếu trông thấy người khác thực hành hạnh bố thí, mà hoan hỷ trợ giúp thì sẽ được phước rất lớn." Có ba loại bố thí là tài thí, pháp thí và vô-úy thí:
1) Tài thí là bố thí tài sản. "Tài thí" còn được gọi là "tư-sanh-thí." Thế nào gọi là "tư-sanh-thí"? Đó là sự bố thí vật chất nhằm giúp người khác được đủ sống. Về tài sản thì có nội tài và ngoại tài. Nội tài là tài sản bên trong bao gồm những cơ phận trong thân thể như đầu, mắt, não, tủy, da, máu, thịt, gân, xương...; và sự bố thí nội tài được gọi là "nội thí." Ngoại thí là tài sản bên ngoài tức là vàng, bạc, châu báu, quốc gia, thành trì, vợ chồng, con cái...; và sự bố thí ngoại tài được gọi là "ngoại thí."
Nếu quý vị có vàng thì có thể bố thí vàng; có bạc thì có thể bố thí bạc; có châu báu thì có thể bố thí châu báu; có quốc gia thì có thể nhường quốc gia cho người khác; có thành trì thì có thể bố thí thành trì cho người khác; có vợ hay chồng thì có thể bố thí vợ hay chồng mình cho người khác; và có con cái thì cũng có thể bố thí con cái của mình cho người khác. Đó đều là ngoại thí. Nếu quý vị có thể cho kẻ khác đầu, mắt, não, xương tủy, da, máu, thịt, gân, xương... của bản thân mình, thì đó là nội thí vậy. Trên đây là nói về tài thí.
2) Pháp thí là bố thí Pháp. "Pháp thí" tức là giảng giải ba môn học Giới-Định-Huệ, mang những giáo pháp này ra bố thí, khiến cho người khác được vô số lợi ích.
3) Vô-úy thí là bố thí sự không sợ hãi. Khi có người gặp cơn hoạn nạn hoặc có điều gì lo sợ, mà quý vị có thể làm vơi bớt nỗi thống khổ vì sợ hãi cho họ, thì đó là vô-úy thí.
Khi thấy người khác thực hành hạnh bố thí mà quý vị có thể vui mừng theo và khen ngợi, khuyến khích họ, thì quý vị sẽ được phước báo vô cùng lớn lao. Những kẻ ngu si có thể sẽ nói rằng: "ồ! Tôi đứng ra bố thí, còn người khác chỉ tùy hỷ, ủng hộ thôi mà cũng được phước báo to lớn, vậy thì phước báo của tôi hết mất sao?" Vì e rằng có kẻ ngu si nghĩ ngợi lẩn thẩn như thế nên mới có cuộc vấn đáp sau đây:
Có thầy Sa-môn hỏi rằng: "Bạch Đức Thế Tôn! Phước ấy hết chăng? Phước ấy có thể bị mất không?" Ý nói là người đứng ra bố thí thì được phước, kẻ có lòng tùy hỷ cũng được phước rất lớn; như thế thì phước của người bố thí vẫn còn đó hay là bị kẻ kia đoạt mất rồi?
Đức Phật đáp: "Ví như lửa của một cây đuốc, dù có vài trăm ngàn người ai nấy đều mang đuốc đến chia nhau mồi lấy lửa. Thí dụ chỉ có độc nhất một mồi lửa, mà lại có tới cả trăm ngàn người dùng chung, cùng chia nhau mồi lấy lửa để về nấu ăn và xua tan bóng tối." "Nấu ăn" tức là dùng lửa này để nhóm bếp mà nấu thức ăn. "Xua tan bống tối" tức là lấy lửa này làm đèn để soi sáng chỗ tối tăm u ám.
"Thì ngọn đuốc kia vẫn y như cũ. Ngọn lửa của cây đuốc chính vẫn nguyên vẹn như lúc ban đầu, tuyệt nhiên không bị lu mờ hoặc dập tắt. Phước báo cũng như thế, không khác!"
Thí dụ này ngụ ý rằng những người tu Đạo bằng cách thực hành hạnh bố thí, thì trong tương lai vẫn có thể chứng đắc quả vị. "Nấu ăn" là một tỷ dụ, ám chỉ sự chứng đắc quả vị. "Xua tan bóng tối" tức là quét sạch mọi mê hoặc do tam chướng - nghiệp chướng, báo chướng và phiền não chướng - gây ra.
Vậy, nhờ công đức tu hạnh bố thí mà quý vị có thể chứng được quả vị, dứt trừ tam-chướng, và đồng thời những người có lòng tùy hỷ, ủng hộ quý vị cũng chứng được quả vị, dứt trừ được tam-chướng - không ai là không có phần trong công đức này cả. (Nguồn: Kinh 42 Chương - HT T.Hóa)
+ Tu phước và tu huệ: Phước, Huệ là hai mục tiêu lớn mà tu học Phật pháp yêu cầu. Trong lúc chúng ta truyền thụ tam quy, đã đọc câu thệ nguyện: “Quy y Phật, nhị túc tôn”, “Nhị” chính là phước và huệ, túc chính là đầy đủ, viên mãn. Do đó có thể thấy, thành Phật chính là tu học viên mãn phước và huệ, cho nên được sự tôn kính của thế, xuất thế gian. Kinh điển Phật giáo là dung thông: Viên dung, thông đạt không có chướng ngại, cho nên một kinh thông, thì tất cả các kinh đều thông. Không chỉ kinh giáo là dung thông, pháp thế gian và xuất thế gian cũng là dung thông, vì đều là từ trong chân tâm bổn tánh biến hiện ra, cho nên là cùng một cội nguồn, không có đạo lý nào là không thông. ... (Nguồn: PS Tịnh Không giảng)
+ Xem thêm Tooltip: Tu phước đức