SINH KHÍ VŨ TRỤ - PRANA
I- SINH KHÍ - SINH KHÍ CẦU
+ Cảm giác:
- Cảm giác là phản xạ của dục vọng (LVLCK, 661)
- Trạng thái Hoạt Động (Activity-aspect) của Chân Thần tự biểu lộ trên cõi cảm dục dưới hình thức cảm giác (sensation). (KCVTT 244)
+ Hệ thống cảm giác - Thần kinh: .... Bản thân các trung khu thần kinh dĩ nhiên do thể xác tức “cái túi cơm” cung ứng, nhưng Prana là năng lượng kềm chế tác động thông qua các trung khu thần kinh, khiến cho cái túi cơm ấy phải vâng lời và uốn nắn nó theo mục đích yêu cầu của bản ngã vốn ngự trong trí tuệ cao siêu.
Thật quan trọng mà lưu ý thấy rằng mặc dù các dây thần kinh ở trong thể xác nhưng tự thân thể xác không có khả năng cảm giác. Với vai trò là một lớp vỏ, thể xác không hề cảm giác: nó chỉ tiếp nhận các ấn tượng thôi. Cơ thể nơi ngoại giới tiếp nhận tác động, nhưng khả năng cảm nhận đau khổ và vui sướng ở nơi chính các tế bào, ngoại trừ thể hiện một cách rất mơ hồ, đờ đẫn và mang tính “tập thể”, sinh ra những cảm giác lơ mơ bàng bạc, chẳng hạn như cảm giác mệt mỏi nói chung.
Những sự tiếp xúc của thể xác được Prana truyền vào bên trong, những tiếp xúc ấy thật sắc xảo, đau nhói, nhức nhối, chuyên biệt, khác hẳn với những cảm giác bàng bạc nặng nề bắt nguồn từ chính các tế bào. Như vậy là trong mọi trường hợp Prana đều sinh ra hoạt động cảm giác cho các cơ quan của thể xác, nó truyền rung động từ bên ngoài tới cho các trung khu cảm giác vốn ở nơi Kāma, tức lớp vỏ kế tiếp với Prana, đó là Manomayakosha. Chính nhờ có thể Phách thì Prana mới chạy dọc theo các dây thần kinh trong cơ thể, khiến cho chúng có thể tác động chẳng những chuyển di các tác động từ bên ngoài mà còn chuyển tiếp lực phát động bắt nguồn từ bên trong.
Chính tác động của các dòng Sinh khí trong thể Phách của các loài khoáng vật, thực vật và động vật đã khiến cho vật chất cõi Trung giới tham gia vào cấu trúc của phân tử và nguyên tử chuyển từ dạng tiềm tàng sang dạng hoạt động; nhờ vậy nó tạo ra một “sự rung rẩy” khiến cho Chơn Thần trong hình tướng thu hút được các vật liệu cõi Trung giới, vốn được các tinh linh thiên nhiên xây dựng thành ra một khối có cấu tạo lỏng lẻo tức là thể Vía trong tương lai.
Nơi loài khoáng vật, vật chất cõi Trung giới ít hoạt động đến nỗi không nhận thức được tác động từ cõi Trung giới lên cõi Hồng trần. Nơi loài thực vật cao cấp hoạt động tăng cường của vật chất Trung giới ảnh hưởng tới thể Phách và thông qua đó tác dụng lên vật chất thô trược. Nơi loài động vật, tâm thức cõi Trung giới còn lớn hơn nữa, ảnh hưởng tới thể Phách của chúng nhờ vào những rung động trong cõi dĩ thái mới xây dựng được hệ thần kinh bị kích thích mà ở loài thực vật mới chỉ lờ mờ được báo trước thôi.
Như vậy, chính những xung lực do tâm thức phát động – sẵn lòng trải nghiệm – để gây ra những rung động trên cõi Trung giới, đến lượt chúng tạo ra các rung động trong vật chất cõi dĩ thái: xung lực vốn từ tâm thức mà ra, nhưng việc thực sự xây dựng hệ thần kinh (mà tâm thức ở giai đoạn này không thể đảm đương được) là do các tinh linh thiên nhiên của cõi dĩ thái thực hiện dưới quyền điều động của các Đấng Quang Minh thuộc giới Tinh hoa Ngũ hành thứ Ba và Thượng Đế hoạt động thông qua Hồn Khóm.....
Như ta thấy, hệ thần kinh giao cảm được các xung lực xây dựng trước hết từ các tế bào thần kinh này, đó là xung lực bắt nguồn từ cõi Trung giới; sau này thì hệ thần kinh não tủy được xây dựng do các xung lực bắt nguồn từ cõi Trí tuệ.
Hệ thần kinh giao cảm luôn luôn vẫn còn có quan hệ trực tiếp với các trung tâm lực của thể Vía; nhưng điều quan trọng mà ta cần lưu ý là các trung tâm lực của thể Vía này không phải là các luân xa của thể Vía (sau này ta sẽ nói tới các luân xa ấy) mà chỉ là khối tập hợp trong thể Vía tạo thành phần sơ khởi của những trung tâm lực vốn sẽ kiến tạo nên các cơ quan trong thể xác. Mãi cho tới một thời kỳ rất lâu sau này trong cơ tiến hóa thì các luân xa của thể Vía mới được tạo dựng.
Thế là từ các trung tâm lực này – không phải là các luân xa – mười cơ quan của thể xác được tạo thành: năm cơ quan để tiếp nhận ấn tượng tức Jnanendriyas, “giác quan hiểu biết”, tức trung tâm cảm giác của bộ óc, rốt cuộc có liên quan tới mắt, tai, lưỡi, mũi và da cùng với năm cơ quan chuyển rung động từ tâm thức ra ngoại giới, Karmendriyas, “giác quan hành động”, tức trung tâm cảm nhận gây ra tác động; đó chính là các trung khu vận động trong bộ óc, có liên quan tới các cơ quan cảm giác ở tay, chân, cổ họng, cơ quan sinh dục và cơ quan bài tiết.
Học viên phải cẩn thận lưu ý là Prana chạy dọc theo các dây thần kinh vốn khác hẳn và riêng biệt với cái gọi là từ khí hoặc lưu chất thần kinh của con người, lưu chất này được sản sinh ra trong nội bộ cơ thể y. Lưu chất thần kinh tức từ khí này giữ cho vật chất dĩ thái lưu chuyển dọc theo các dây thần kinh hoặc nói chính xác hơn, là dọc theo một lớp vỏ bằng chất dĩ thái bao xung quanh mỗi dây thần kinh cũng giống như máu tuần hoàn qua các tĩnh mạch. Và cũng như dòng máu chuyển oxy tới cho cơ thể, cũng vậy dòng lưu chất thần kinh chuyển Prana.
Vả lại, cũng giống như các hạt của xác phàm thường xuyên thay đổi và được thay thế bằng những hạt mới rút ra từ thức ăn, nước và không khí; cũng vậy các hạt của thể Phách thường xuyên thay đổi và bị thay thế bởi các hạt dĩ thái mới mẻ, những hạt này được thu nhận vào trong cơ thể qua thức ăn, qua những khí hít vào và qua Prana dưới dạng mà ta gọi là Sinh Khí Cầu, và bây giờ ta sẽ miêu tả.
Prana tức Sinh Khí tồn tại trên mọi cõi: cõi trần, cõi Trung giới, cõi Trí tuệ v.v. . . Prana là Sự Sống Nhất Như, là cái “trục bánh xe có gắn bảy cái căm của bánh xe vũ trụ”. (Thánh Ca về Prana trong Artharva Veda XI, 4). Tuy nhiên, ở đây ta chỉ quan tâm tới dáng vẻ và phương thức hoạt động của nó trên cõi thấp nhất tức cõi Hồng trần.
Ta cũng phải lưu ý rằng Prana trên cõi Hồng trần vốn thất bội, nghĩa là có bảy biến thể của nó.
Ta đã thấy rằng nó hoàn toàn riêng biệt và riêng rẽ với ánh sáng, nhiệt v.v. . . ; tuy nhiên biểu lộ của nó trên cõi Hồng trần dường như tùy thuộc vào ánh nắng mặt trời bởi vì khi ánh nắng chói chang thì dường như Prana cũng xuất hiện nhiều còn khi thiếu ánh nắng thì Prana cũng bị thiếu hụt.
Prana xuất hiện từ mặt trời rồi nhập vào một số cực vi tử hồng trần vốn trôi nổi hằng hà sa số trong bầu khí quyển của trái đất. Mặc dù ta bảo rằng lực Prana này “nhập vào” nguyên tử cõi trần, nhưng nó không từ bên ngoài nhập vào: nó nhập vào từ một chiều đo cao hơn, chiều đo thứ tư, và như vậy nhà thần nhãn thấy nó có vẻ trào dâng từ bên trong nguyên tử.
Như vậy có hai lực nhập vào nguyên tử từ bên trong: 1- lực Ý Chí của Thượng Đế giữ nguyên tử lại đúng hình dạng của nó; 2- lực Prana. Ta nên lưu ý rằng Prana xuất phát từ Ngôi Hai của Thái Dương Thượng Đế, trong khi lực Ý Chí xuất phát từ Ngôi Ba.
Tác dụng của Prana đối với các nguyên tử khác hẳn tác dụng của điện, ánh sáng, nhiệt hoặc các biểu hiện khác của Fohat. Khi điện lướt xẹt qua các nguyên tử thì nó làm lệch hướng các nguyên tử giữ chúng lại theo một cách nào đó, cũng như truyền cho chúng một nhịp độ rung động riêng biệt và cá biệt. Bất cứ biến thể nào của Fohat chẳng hạn như điện, ánh sáng hoặc nhiệt, đều gây ra một dao động của nguyên tử xét chung, dao động ấy có kích thước khổng lồ so với kích thước của chính nguyên tử, dĩ nhiên các lực ấy tác động lên nguyên tử từ bên ngoài.
Học viên huyền bí học ắt đã quen thuộc với hình dáng và cấu trúc của cực vi tử hồng trần, tức hạt vật chất nhỏ nhất trên cõi hồng trần, tổng hợp của nó tạo ra đủ thứ chất mà ta gọi là chất đặc, chất lỏng, chất hơi v.v. . . Vì vậy trong những hình vẽ của tài liệu này người ta chỉ phác họa các cực vi tử hồng trần thôi.
Bấy giờ lực Prana xạ ra từ mặt trời, nhập vào một số nguyên tử trong bầu khí quyển và gây cho chúng chói sáng. Như vậy, một nguyên tử được tích thêm sự sống, có năng lực hấp dẫn lục bội, sao cho nó ngay tức khắc thu hút sáu nguyên tử khác xung quanh mình. Nó sắp xếp những thứ này theo một hình dạng nhất định, tạo ra cái được gọi là một siêu việt sơ nguyên tố (a hyper-meta-proto-element) trong Hóa Học Huyền Bí, tức là một tổ hợp vật chất trên cảnh giới dưới nguyên tử. Tuy nhiên, tổ hợp này khác với mọi tổ hợp khác đã được quan sát cho đến nay ở chỗ lực tạo ra nó và giữ nó lại với nhau xuất phát từ Ngôi Hai của Thái Dương Thượng Đế thay vì từ Ngôi Ba. Dạng này được gọi là Sinh Khí Cầu và được trình bày trong hình vẽ đính kèm theo đây vốn là hình mở rộng của hình ở trang 45 của quyển Hóa Học Huyền Bí.
Vì các Sinh Khí Cầu chói sáng và cực kỳ linh động cho nên hầu hết mọi người bõ công nhìn kỹ đều có thể thấy chúng bay lượn trong bầu khí quyển hằng hà sa số, nhất là vào ngày trời nắng. Cách tốt nhất để thấy chúng là quay lưng về phía mặt trời, mắt tập trung cách xa độ vài bộ (feet), nhìn bầu trời trong trẻo dùng làm nền. Sinh Khí Cầu vốn chói sáng và hầu như không có màu sắc, nó có thể so sánh được với ánh sáng trắng.
Người ta đã nhận xét rằng mặc dù lực làm linh hoạt những Sinh Khí Cầu này khác hẳn với ánh sáng, tuy nhiên nó lại có vẻ tùy thuộc vào ánh sáng về khả năng biểu lộ. Khi ánh sáng chói chang thì sinh khí này thường xuyên trồi lên mới mẻ và các Sinh Khí Cầu được sản sinh ra hằng hà sa số, nhưng khi thời tiết u ám thì số Sinh Khí Cầu được tạo ra giảm đi nhiều và trong đêm tối thì tác động này dường như hoàn toàn ngưng lại. Vì vậy, trong đêm đen, có thể nói là ta sống dựa vào dự trữ được sản sinh ra trong ngày hôm trước và mặc dù nó có vẻ thực tế là chẳng bao giờ cạn kiệt song dự trữ ấy hiển nhiên là xuống thấp khi có sự nối tiếp lâu dài của những ngày mây u ám.
Dĩ nhiên, tinh linh thể xác có công việc là bảo vệ cơ thể và đồng hóa sinh khí (ta sẽ miêu tả tỉ mỉ điều này ở Chương kế tiếp) để cho thể xác được hồi sức. Trong khi thể xác thức giấc thì các dây thần kinh và cơ bắp được giữ cho căng thẳng sẵn sàng hành động ngay tức khắc. Khi thể xác ngủ yên thì tinh linh ngũ hành để cho các dây thần kinh và cơ bắp được thư giản rồi dồn hết chú tâm đặc biệt vào công việc đồng hóa sinh khí. Điều này giải thích cho việc giấc ngủ có năng lực làm hồi sức rất mạnh ngay cả chỉ là một giấc chợp mắt ngắn ngủi ban trưa.
Tinh linh ngũ hành làm việc thành công nhất trong phần sơ khởi của đêm đen, khi có sự cung cấp dồi dào sinh khí. Trong chu kỳ hằng ngày thì việc cung cấp các Sinh Khí Cầu xuống mức thấp nhất vào khoảng 3 – 4 giờ sáng trước khi mặt trời mọc, và đây là một lý do tại sao biết bao nhiêu tỉ lệ người chết lại xảy ra vào những giờ ấy. Cũng vì thế mà ngạn ngữ bảo rằng một giờ ngủ trước nửa đêm đáng giá bằng hai giờ ngủ sau sau nửa đêm. Dĩ nhiên cũng như vậy, sự cung ứng Prana ở mực thấp nhất vào mùa đông so với vào mùa hè.
Hơn nữa, Prana được tuôn ra, chẳng những trên cõi Hồng trần mà còn trên mọi cõi xúc động, trí năng và tâm linh. Nó sẽ đạt mức độ tốt nhất khi trời trong trẻo với sự trợ giúp vô giá của ánh nắng. Ta cũng có thể nói thêm rằng ngay cả các màu sắc của Prana dĩ thái cũng tương ứng với những màu sắc tương tự trong một chừng mực nào đó trên cõi Trung giới. Vì thế cho nên xúc động đúng đắn và tư tưởng trong sáng phản tác động lên thể xác, giúp cho thể xác đồng hóa Prana và thế là duy trì sức khỏe dồi dào. Như vậy ta tìm thấy một ánh sáng thú vị soi chiếu cho mối quan hệ mật thiết giữa sức khỏe tâm linh, trí tuệ và xúc động với sức khỏe của thể xác; điều này cũng nhắc ta nhớ tới câu nói nổi tiếng của Đức Phật theo đó bước đầu tiên trên con đường tiến tới Niết Bàn là sức khỏe toàn bích.
Một khi đã được tích năng lượng thì Sinh Khí Cầu vẫn còn là một yếu tố dưới nguyên tử và nó dường như không phải chịu bất cứ sự thay đổi hoặc mất thần lực nào trừ phi và cho đến khi nó được hấp thụ bởi một tạo vật linh hoạt nào đó.
Trước khi tiến hành việc nghiên cứu đề tài cực kỳ thú vị và quan trọng về việc hấp thụ Prana trong thể xác thì trước hết ta phải nghiên cứu cơ chế trong thể Phách giúp ta thực hiện quá trình này. (Nguồn: Prana - Sinh khí vũ trụ)