QUẢ BÁO TU HÀNH BỐ THÍ
BÔA THÍ TÀI - BỐ THÍ PHÁP - BỐ THÍ VÔ ÚY
* TU CHỮ "XẢ" TRONG TỨ VÔ LƯỢNG TÂM TỪ - BI - HỶ - XẢ
+ Tứ Vô Lượng Tâm là điều kiện cơ bản mà mỗi người tu nên có. Sao gọi là Tứ Vô Lượng Tâm? Tức là từ, bi, hỷ, xả. Vô lượng là không có hạn lượng, có nghĩa là không bỏ dở nửa chừng, hoặc không đến giữa đường rồi tự vạch mức giới hạn cho mình, không muốn tiến tới. Như mới được chút đỉnh đó thì lấy làm đủ và nghĩ là xong rồi. Thật ra, Từ Bi Hỷ Xả không có lúc nào là đủ cả, mà có được càng nhiều thì càng tốt. Chúng ta nên mở rộng, tăng cường từ bi hỷ xả cho đến khi đạt đến cảnh giới toàn thiện mới thôi.
4. Xả là tâm buông xả. Chúng ta có tâm buông xả không? Nếu có, vậy là lớn hay nhỏ? Là nhất thời hay là vĩnh viễn? Xả cái gì? Là phát tâm cho chúng sanh sự vui vẻ, bạt trừ cái khổ của chúng sanh và giúp họ trong hoàn cảnh nguy khốn. Nếu làm được như thế, chúng ta sẽ sanh lòng hoan hỷ đến mức vô hạn, nhưng chúng ta đừng nên chấp vào đó - làm xong việc rồi nên quên hết chứ đừng lưu giữ trong tâm thức. Nếu chúng ta chấp mà không quên được, đó không phải là hạnh nguyện của Bồ Tát. Chúng ta nên có tinh thần thi ân bất cầu báo thì mới được xem là người Phật tử chân chánh.
Xả có bốn thứ:
- Xả Tài/ Thí Tài: Đem cho người ta đồ vật, của cải thời gọi là “tài xả”;
- Xả pháp/ Thí Pháp: Đem giáo pháp, giáo lý cho người thời gọi là “pháp xả”.
- Xả vô úy/ Thí vô úy: Đem đức không sợ hãi cho người thời gọi là “vô uý xả”.
- Xả phiền não: Còn tự mình xả bỏ tất cả các mối phiền não thời gọi là “phiền não xả”. (Nguồn: HT Tuyên Hóa khai thị)
+ Trong công đức có phước đức: “Công đức” và phước đức có khác biệt, chúng ta cần phải nhận biết cho rõ ràng. Công là công phu, chính mình phải có công phu tu học chân thật. Công phu thu hoạch được gọi là công đức. Thí dụ trì giới có công, thiền định chính là đức. Bạn trì giới mà được định thì đó gọi là công đức. Nếu bạn trì giới rất tốt, thế nhưng không thể được định, thì trì giới của bạn có được lợi ích gì không? Có! Nhưng trì giới đó của bạn không gọi là công đức gọi mà gọi là phước đức. Bạn trì giới trì được rất tốt, rất tinh nghiêm thì bạn được phước báo của nhân thiên, đời sau hưởng phước, không phải công đức. Công đức có thể đoạn phiền não, có thể chứng được Bồ Đề, còn phước đức thì không thể. Phước đức không thể đoạn phiền não, cũng không thể chứng Bồ Đề, chỉ có thể mang đến cho bạn phước báo. Chúng ta nhất định phải phân biệt rõ ràng công đức và phước đức. Tu định có công, trí tuệ liền khai. Khai huệ là đức. Tu định mà không thể khai huệ thì cái định đó là phước đức, không phải công đức. Phước đức này ở trong cõi trời Tứ Thiền mà hưởng phước, không thể đoạn kiến tư phiền não, không thể siêu việt ba cõi sáu đường. Cho nên công đức và phước đức khác biệt nhau rất lớn, chúng ta phải nên biết.
Phải tu như thế nào mới có công đức? Công đức không hề rời khỏi phước đức. Tu phước mà không dính mắc thì chính là công đức. Tu phước mà dính mắc thì đó chính là phước đức. Bạn tu tài bố thí, hy vọng tương lai được giàu có, vậy thì liền biến thành phước đức. Nhưng bạn tu tài bố thí “tam luân thể không”[Không thấy mình thí - Không thấy vật thí - Không thấy người nhận thí], không có bất cứ mong cầu nào thì liền biến thành công đức. Mặc dù bạn không có bất cứ mong cầu nào nhưng ở ngay trong cuộc sống thường ngày của bạn cũng không thiếu bất cứ thứ gì, vì trong công đức có phước đức, nhưng trong phước đức không có công đức...... (Trích từ: Kinh Vô Lượng Thọ Lần 10, năm 1998, tập 14- HT. Tịnh Không chủ giảng)
+ Vun bồi Phước đức:
Phước đức là phước báo, hạnh phúc có được nhờ đức hạnh. Từ tâm đức và hạnh đức ấy mà con người nhận lãnh phước báo. Ai gieo trồng nhân phước đức thì gặt quả phước đức. Nhân phước đức ở đây là những suy nghĩ, lời nói và việc làm thiện lành, gọi chung là thiện nghiệp.
Trong kinh Phước đức, một bài kinh trong kinh Tập, thuộc Tiểu bộ kinh, Đức Phật dạy mười điều vừa là nhân mà cũng vừa là quả phước đức.
1. Lánh xa kẻ xấu ác, luôn thân cận người hiền, tôn kính bậc đáng kính.
2. Sống trong môi trường tốt, được tạo tác nhân lành, được đi trên đường chánh.
3. Có học - có nghề hay, biết hành trì giới luật, biết nói lời ái ngữ.
4. Được cung phụng cha mẹ, yêu thương gia đình mình, được hành nghề thích hợp.
5. Sống ngay thẳng - bố thí, giúp quyến thuộc thân bằng, hành xử không tì vết.
6. Tránh không làm điều ác, không say sưa nghiện ngập, tinh cần làm việc lành.
7. Biết khiêm cung - lễ độ, biết đủ và nhớ ơn, không bỏ dịp học đạo.
8. Biết kiên trì phục thiện, thân cận giới xuất gia, dự pháp đàm học hỏi.
9. Sống tinh cần tỉnh thức, học chân lý nhiệm mầu, thực chứng được Niết-bàn.
10. Hành xử trong nhân gian, tâm không hề lay chuyển, phiền não hết - an nhiên.
Đức Phật dạy: “Ai sống được như thế, đi đâu cũng an toàn, tới đâu cũng vững mạnh, phước đức của tự thân” (HT. Thích Nhất Hạnh dịch).
Khi thực hành mười điều trên là chúng ta đang sống trong hạnh phúc, đang thọ hưởng phước đức, đồng thời cũng là đang gieo trồng phước đức để tiếp tục thọ hưởng trong tương lai, đời sau. Đây chính là những thiện nghiệp sinh ra phước đức làm cho đời sống các chúng sinh được nhiều an vui, hạnh phúc. Chính vì thế mà mười phương cách vun bồi phước đức trong bài kinh còn được gọi là mười điều phước đức hay mười điều hạnh phúc. (Nguồn: Kinh Phước đức - HT Thích Nhất Hạnh giảng)
+ Nghệ thuật Bố thí - Đầu tư: Cho đi đúng pháp để được Quả báo cát tường và nhiệm mầu
Biết bố thí với tâm niệm bình đẳng
Biết phụng sự những bậc đắc đạo
Biết tôn quý những kẻ đáng tôn quý trong hai giới nhân và thiên
Đó là điềm lành lớn nhất.
Đẳng tâm hành bố thí: Đẳng tâm là tâm niệm bình đẳng, biết phụng sự những bậc đắc đạo, biết tôn quý những bậc đáng quý trong hai giới trời và người, đó là điềm lành lớn nhất. Đẳng tâm là tâm niệm không kỳ thị, coi tất cả mọi loài đều bằng nhau. Khi cứu giúp người thì mình không kỳ thị, không phân biệt chủng tộc, màu da, tôn giáo. Giúp là giúp thôi, tại người ta khổ nên mình giúp đó gọi là đẳng tâm hành bố thí.
Bố thí là một phép thực tập, nó đem lại cho mình hạnh phúc, nó là một trong sáu sự thực tập có thể đưa mình từ bến bờ khổ đau, hệ lụy đi sang bến bờ thảnh thơi, an lạc, gọi là Lục Ba La Mật (Six Paramitas)......
Biết phụng sự những bậc đắc đạo: Đây là vấn đề đầu tư. Mình biết bố thí một cách bình đẳng không kỳ thị rồi nhưng mình cũng biết đầu tư nữa. Những bậc đắc đạo, những người có trí sáng thì sự có mặt của những vị đó rất có lợi cho quần chúng, cho nhân gian, tại vì có mặt của những người đó là có nhiều ánh sáng, có nhiều trí tuệ vì vậy giúp người ta sẽ không đi lầm đường, lạc lối, xuôi về ba nẻo xấu ác. Do đó mình phải đặc biệt yểm trợ những bậc đắc đạo, mình không kỳ thị, nhưng mình đặc biệt chú trọng tới các vị ấy, đó là vấn đề đầu tư. Đây là giá trị đạo đức, giá trị trí tuệ. Ở trong kinh Tứ Thập Nhị Chương có một đoạn khi mình mới nghe thì giống như là bố thí không có bình đẳng, đoạn đó nói rằng cho một người ác ăn cơm, không có công đức bằng cho một người hiền ăn cơm. Tại vì cho người hiền ăn cơm tức là đầu tư vào người hiền, người hiền đó có thể giúp được rất nhiều người. Cố nhiên là người ác khi đói cũng khổ, cho nên cũng cho họ ăn cơm, nhưng nếu mình có cơ hội cho người hiền ăn cơm thì công đức còn nhiều hơn nữa. Nó có nghĩa không phải là mình không cho người ác ăn cơm, nhưng trong khi bố thí thì có sự đầu tư vào trong đó. Thành ra hai cái không chống đối với nhau, nó có thể đi đôi với nhau, một bên là tâm không kỳ thị, một bên là ý hướng muốn đầu tư, nó tế nhị lắm.
Biết tôn qúy những kẻ đáng tôn qúy trong hai giới nhân và thiên: Nó cũng nằm trong tinh thần đó, nghĩa là mình phải có sự đối xử đặc biệt, tôn kính đối với người đáng tôn kính, tại vì những người đó có đạo hạnh, họ có trí tuệ. Mình yểm trợ cho những người đó thì nó có lợi lạc nhiều cho thế giới của mình.... (Nguồn: Kinh Cát tường/ Phước đức - HT Thích Nhất Hạnh)
I- TRÍCH TOOLTIP
+ Quả báo hành Bố thí tùy theo Ruộng phước điền : Bố thí với Tâm bình đẳng, thì tùy theo Ruộng phước điền người đó gieo hạt giống Bố thí mà gặt hái quả báo khác nhau..... Phật bảo Thủ Ca: Tất cả chúng sinh có liên quan với nghiệp, nương tựa nơi nghiệp, theo nghiệp tự chuyển. Do nhân duyên ấy có phân ra: thượng, trung, hạ, sai khác chẳng đồng, ví dụ: ... Ví như có chúng sinh chưa từng bố thí, gặp thiện tri thức tạm thực hành một lần bố thí vào được phước điền tốt (Tam Bảo, Cha Mẹ), do phước điền thù thắng nên tài sản đầy đủ, trước chẳng từng tập nên tuy giàu mà xan tham. (Nguồn: Phật Nói Kinh Nghiệp Báo Sai Biệt)
+ CÔNG ĐỨC BỐ THÍ THEO KINH ĐỊA TẠNG
I- So sánh công đức bố thí: "So sánh" là cân nhắc, đo lường, so bì với nhau để biết được sự khác biệt. "Bố thí" nghĩa là đem cho cùng khắp; và gồm có ba loại là tài thí, Pháp thí và vô úy thí.
1) Tài thí (bố thí tài sản). "Tài thí" là gì? "Tài" là tài sản, tiền của; và được phân làm hai loại là nội tài và ngoại tài. "Nội tài" (tài sản bên trong) là thân tâm, tánh mạng; còn "ngoại tài" (tài sản bên ngoài) tức là vàng, bạc, châu báu...
2) Pháp thí (bố thí Pháp). "Pháp thí" tức là học được Phật Pháp rồi thì không "hoài kỳ bảo nhi mê kỳ bang." Câu này nghĩa là gì?
3) Vô úy thí (bố thí sự vô úy). "Vô úy thí" là an ủi, đem lại sự không sợ hãi cho người khác. Khi thấy có những người rủi ro gặp hoạn nạn hoặc mắc phải tai bay vạ gió, khiến họ phải hoảng hốt lo sợ, mà quý vị ân cần hỏi han, dùng lời dịu dàng trấn an, làm cho họ không còn sợ hãi nữa, thì đó chính là "vô úy thí" vậy.
Lúc đó, Ðịa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát nương oai thần của Ðức Phật, từ chỗ ngồi đứng dậy, quỳ gối, chắp tay bạch Phật rằng: "Bạch Ðức Thế Tôn! Con xem xét chúng sanh trong nghiệp đạo, so sánh về sự bố thí thì có nhẹ có nặng. Có người hưởng phước trong một đời; có người hưởng phước trong mười đời; có người hưởng phước lợi lớn trong trăm đời, ngàn đời. Những việc này là như thế nào? Cúi xin Ðức Thế Tôn chỉ dạy cho con rõ."
Ðức Phật bảo Bồ Tát Ðịa Tạng rằng: "Ở cõi Nam Diêm Phù Ðề, có các Quốc Vương, hàng Tể Phụ, Ðại Thần, Ðại Trưởng Giả, Ðại Sát Lợi, Ðại Bà La Môn v.v... gặp những kẻ bần cùng thấp kém nhất, cả đến những kẻ gù lưng, tàn phế, ngọng, câm, điếc, ngu si, không mắt, những người không được vẹn toàn như thế; khi các Ðại Quốc Vương đó muốn bố thí và nếu có thể đủ lòng đại từ bi, mỉm cười hạ mình, tự tay bố thí cùng khắp hoặc sai bảo người khác bố thí, lại dùng lời ôn hòa, dịu dàng an ủi; thì các Quốc Vương đó sẽ được phước lợi bằng phước lợi của công đức cúng dường cho chư Phật nhiều như số cát một trăm sông Hằng .
Vì cớ gì? Bởi các Quốc Vương đó đã phát tâm đại từ bi đối với những kẻ bần cùng thấp kém nhất cùng những người khuyết tật kia, cho nên được quả báo phước lợi như thế, trong trăm ngàn đời thường được đầy đủ những đồ thất bảo, huống là những thứ thọ dụng như y phục, đồ ăn thức uống!"
"Lại nữa, này Ðịa Tạng! Trong đời vị lai, nếu có các Quốc Vương cho đến hàng Bà La Môn v.v... gặp chùa tháp thờ Phật, hoặc hình tượng Phật, cho đến tượng Bồ Tát, Thanh Văn hoặc Bích Chi Phật, bèn đích thân thu xếp sửa sang, cúng dường, bố thí, thì các Quốc Vương đó sẽ được trong ba kiếp làm thân Ðế Thích, thọ hưởng sự vui sướng thù thắng, vi diệu. Nếu có thể đem phước lợi bố thí này hồi hướng cho Pháp Giới, thì các Ðại Quốc Vương đó, trong mười kiếp thường được làm vị Ðại Phạm Thiên Vương.
Lại nữa, này Ðịa Tạng! Trong đời vị lai, nếu có các Quốc Vương cho đến hàng Bà La Môn v.v..., gặp tháp miếu của chư Phật thuở trước, hoặc cả kinh điển, hình tượng bị hủy hoại, rách nát, liền có thể phát tâm tu bổ lại. Các Quốc Vương đó, hoặc tự mình lo liệu sửa sang, hoặc khuyến hóa người khác, thậm chí cả trăm ngàn người cùng bố thí để kết Pháp duyên; thì các vị Quốc Vương đó trong trăm ngàn đời thường được làm thân Chuyển Luân Vương, còn những người cùng chung làm việc bố thí đó, trong trăm ngàn đời thường được làm thân Tiểu Quốc Vương.
Nếu lại có thể ở trước chùa tháp mà phát tâm hồi hướng, thì các Quốc Vương cho đến những người đó, thảy đều thành Phật Ðạo, bởi quả báo ấy là vô lượng vô biên."
"Lại nữa, này Ðịa Tạng! Trong đời vị lai, như có các vị Quốc Vương cùng hàng Bà La Môn v.v..., gặp những người già yếu, tật bệnh và kẻ phụ nữ sinh đẻ, nếu trong một niệm mà đầy đủ lòng đại từ, đem thuốc men, đồ ăn thức uống, mền chiếu... bố thí cho, khiến cho họ được an vui, thì phước lợi đó không thể nghĩ bàn—trong một trăm kiếp thường được làm Thiên Chủ trời Tịnh Cư, trong hai trăm kiếp thường được làm Thiên Chủ cõi Lục Dục Thiên và rốt ráo sẽ được thành Phật, vĩnh viễn không còn đọa vào ác đạo, thậm chí trong trăm ngàn đời, tai không hề nghe đến tiếng khổ.
Lại nữa, này Ðịa Tạng! Trong đời vị lai, như có các vị Quốc Vương cùng hàng Bà La Môn v.v..., có thể làm những việc bố thí như thế, sẽ được vô lượng phước lành. Nếu lại có thể đem hồi hướng, thì không kể là nhiều hay ít, rốt ráo đều sẽ thành Phật; huống gì là những quả báo Thích, Phạm, Chuyển Luân! Vì thế, này Ðịa Tạng, ông nên khuyến hóa chúng sanh đều phải học theo như thế!"
"Lại nữa, này Ðịa Tạng! Trong đời vị lai, nếu có kẻ thiện nam người thiện nữ nào ở trong Phật Pháp mà gieo trồng chút ít thiện căn chừng bằng mảy lông, sợi tóc, hạt cát, hạt bụi, thì phước lợi được thọ hưởng sẽ không thể ví dụ thế nào cho được.
Lại nữa, này Ðịa Tạng! Trong đời vị lai, nếu có kẻ thiện nam người thiện nữ nào gặp hình tượng Phật, hình tượng Bồ Tát, hình tượng Bích Chi Phật, hình tượng vua Chuyển Luân mà bố thí cúng dường, thì sẽ được vô lượng phước báo, thường ở cõi người, cõi trời, hưởng sự vui thù thắng, vi diệu. Như có thể đem hồi hướng cho Pháp Giới, thì phước lợi của người ấy sẽ không thể ví dụ thế nào cho được.
Lại nữa, này Ðịa Tạng! Trong đời vị lai, nếu có kẻ thiện nam người thiện nữ nào gặp kinh điển Ðại Thừa, hoặc nghe thấy một bài kệ, một câu kinh, rồi phát tâm ân cần trân trọng, cung kính ngợi khen, bố thí cúng dường, thì người ấy sẽ được đại quả báo vô lượng vô biên; nếu có thể đem hồi hướng cho Pháp Giới, thì phước báo này sẽ không thể ví dụ thế nào cho được."
"Lại nữa, này Ðịa Tạng! Trong đời vị lai, như có kẻ thiện nam người thiện nữ nào gặp chùa tháp thờ Phật và kinh điển Ðại Thừa—nếu còn mới thì bố thí cúng dường, chiêm ngưỡng, lễ lạy, khen ngợi, chắp tay cung kính; nếu đã cũ kỹ hoặc hư hoại thì sửa sang tu bổ, hoặc riêng mình phát tâm, hoặc khuyên nhiều người khác cùng phát tâm. Như những người này, trong ba mươi đời thường được làm Tiểu Quốc Vương; còn vị Ðàn Việt thì thường làm Luân Vương, lại dùng thiện pháp mà giáo hóa các Tiểu Quốc Vương.
Lại nữa, này Ðịa Tạng! Trong đời vị lai, nếu có kẻ thiện nam người thiện nữ nào ở trong Phật Pháp đã gieo trồng thiện căn—hoặc là bố thí cúng dường, hoặc là tu bổ chùa tháp, hoặc sửa sang kinh điển, cho đến chừng bằng một mảy lông, một hạt bụi, một hạt cát, một giọt nước...; những thiện sự như thế mà đều có thể đem hồi hướng cho Pháp Giới, thì công đức của người này sẽ là trong trăm ngàn đời đều được hưởng sự vui sướng vi diệu, tối thượng.
Còn như chỉ hồi hướng cho thân quyến trong gia đình hoặc cho lợi ích của riêng mình, thì quả báo là sẽ được hưởng sự vui sướng trong ba đời, cứ thí xả một thì được báo đáp vạn lần trội hơn.
Cho nên, này Ðịa Tạng! Những nhân duyên của sự bố thí là như thế!" (Nguồn: Kinh Địa Tạng - P10 - HT Tuyên Hóa giảng)
II- Công đức bố thí cúng dường kẻ sống người chết
"Như có người nam hoặc người nữ nào, lúc sống đã không tu thiện nhân mà lại tạo nhiều nghiệp tội, sau khi mạng chung lại được hàng quyến thuộc vì người chết mà tu tạo phước lợi lớn nhỏ; thì tất cả Thánh sự, trong bảy phần công đức, người chết được một phần, còn sáu phần thuộc về người sống hiện lo tu tạo đó.
Vì thế cho nên, các thiện nam thiện nữ ở hiện tại và vị lai, nghe lời nói vừa rồi đó nên cố gắng tự tu hành, thì được hưởng trọn phần công đức.
Ðại quỷ Vô Thường không hẹn mà đến, thần hồn vơ vẩn mịt mờ, chưa rõ là tội hay phước, trong bốn mươi chín ngày như ngây như điếc, hoặc ở tại các ty sở để biện luận về nghiệp quả, sau khi thẩm định xong thì cứ y theo nghiệp mà thọ sanh.
Trong lúc chưa biết ra sao đó thì đã ngàn muôn sầu khổ, huống là phải bị đọa vào các ác đạo!
Người chết đó khi chưa được thọ sanh, ở trong bốn mươi chín ngày luôn luôn trông ngóng hàng cốt nhục quyến thuộc tu tạo phước lực để cứu vớt cho. Quá ngày ấy rồi thì cứ theo nghiệp mà thọ báo.
Nếu là tội nhân thì phải trải qua trong trăm ngàn năm, không có ngày được giải thoát; còn nếu là tội Ngũ Vô Gián thì phải đọa vào đại địa ngục, chịu mãi những sự đau khổ trong ngàn kiếp muôn kiếp."
"Lại nữa, này ông Trưởng Giả! Sau khi những chúng sanh gây nghiệp tội như thế mạng chung, hàng cốt nhục quyến thuộc vì họ mà làm chay cúng dường để trợ giúp nghiệp đạo, thì khi thức ăn chưa làm xong cùng trong lúc đang làm, chớ có đem nước gạo, lá rau đổ vung vãi nơi đất, cho đến các thứ đồ ăn chưa dâng cúng cho Phật và chư Tăng thì chẳng được ăn trước.
Nếu ăn trái phép và không được tinh sạch kỹ lưỡng, thì người chết đó trọn không được trợ lực nào cả.
Nếu có thể kỹ lưỡng giữ gìn tinh sạch đem dâng cúng cho Phật cùng Tăng, thì trong bảy phần công đức, người chết hưởng được một phần.
Này ông Trưởng Giả! Vì thế nên những chúng sanh trong cõi Diêm Phù, sau khi cha mẹ hay người quyến thuộc chết, nếu có thể thiết trai cúng dường, chí tâm cầu khẩn, thì những người như thế, kẻ còn lẫn người mất đều được lợi ích cả."
Nói lời này xong, tại cung trời Ðao Lợi có ngàn muôn ức na-do-tha quỷ thần của cõi Diêm Phù Ðề đều phát tâm Bồ Ðề vô lượng.
Ông Trưởng Giả Ðại Biện làm lễ mà lui ra. (Nguồn: Kinh Địa Tạng - P7 - HT Tuyên Hóa giảng)
+ 409. MƯỜI BỐN LOẠI BỐ THÍ RIÊNG (Tùy loại ruộng phước điền)
1) Thiện nam tử hay thiện nữ có tín nhân bố thí cho Đức Như Lai, bố thí cho Duyên giác, bố thí cho A-la-hán, bố thí cho A-la-hán hướng, bố thí cho A-na-hàm, bố thí cho A-na-hàm hướng, bố thí cho Tư-đà-hàm, bố thí cho Tư-đà-hàm hướng, bố thí cho Tu-đà-hoàn, bố thí cho Tu-đà-hoàn hướng, bố thí cho Tiên nhân ngoại đạo ly dục, bố thí cho người tinh tấn, bố thí cho người không tinh tấn, bố thí cho súc sanh.
2) Bố thí cho súc sanh được phước trăm lần hơn.
3) Bố thí cho người không tinh tấn được phước ngàn lần hơn.
4) Bố thí cho người tinh tấn được phước trăm ngàn lần hơn.
5) Bố thí cho Tiên nhân ngoại đạo ly dục được phước ức trăm ngàn lần hơn.
6) Bố thí cho vị Tu-đà-hoàn hướng được phước vô lượng.
7) Bố thí cho vị đắc Tu-đà-hoàn được phước vô lượng.
8) Bố thí cho vị Tư-đà-hàm hướng được phước vô lượng.
9) Bố thí cho vị đắc Tư-đà-hàm được phước vô lượng.
10) Bố thí cho vị A-na-hàm hướng được phước vô lượng.
11) Bố thí cho vị đắc a-na-hàm được phước vô lượng.
12) Bố thí cho vị A-la-hán hướng được phước vô lượng.
13) Bố thí cho vị đắc A-la-hán được phước vô lượng.
14) Huống nữa là bố thí cho Đức Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác.
Đây là mười bốn loại bố thí riêng cho từng người, sẽ được đại phước, được đại quả, được đại công đức, được đại quảng báo. Nguồn: mục 409- (Trung A Hàm, Kinh Cù-đàm-di, Phẩm 14, số 180)
+ BẢY LOẠI BỐ THÍ CHO TĂNG CHÚNG (Ruộng Phước điền tốt)
1) Thiện nam tử hay thiện nữ nhân có tín tâm, sau khi Thế Tôn nhập Niết-bàn không lâu, bố thí cho cả hai bộ chúng;
2) Bố thí cho chúng Tỳ-kheo,
3) Bố thí cho chúng Tỳ-kheo-ni;
4) Đi vào tinh xá Tỳ-kheo bạch với chúng rằng ‘Mong trong chúng ở đây cử ra một số Tỳ-kheo để chúng con được bố thí’;
5) Đi vào tinh xá Tỳ-kheo-ni bạch với chúng rằng ‘Mong trong chúng ở đây cử ra một số Tỳ-kheo-ni để chúng con được bố thí’.
Như vậy gọi là loại bố thí thứ năm cho Tăng chúng, sẽ được đại phước, được đại quả, được đại công đức, được quả báo rộng lớn.
6) Tỳ-kheo thuộc loại danh tánh, khoác áo cà-sa mà không tinh tấn, vị ấy đã không tinh tấn, không tinh cần mà vẫn được bố thí vì có ở trong chúng, duyên nơi chúng, ở trên chúng, nhân nơi chúng, Ta nói lúc bấy giờ thí chủ sẽ được phước vô lượng không thể đếm, không thể kể, được thiện, được lạc;
7) Bố thí cho Tỳ-kheo thành tựu hành sự, thành tựu trừ sự, thành tựu cả hành sự và trừ sự, thành tựu chất trực, thành tựu nhu nhuyến, thành tựu cả chất trực và nhu nhuyến, thành tựu nhẫn, thành tựu lạc, thành tựu cả nhẫn và lạc, thành tựu tương ưng, thành tựu kinh kỹ, thành tựu cả tương ưng và kinh kỹ, thành tựu oai nghi, thành tựu hành lai du, thành tựu cả oai nghi và hành lai du, thành tựu tín, thành tựu giới, thành tựu đa văn, thành tựu thí, thành tựu tuệ, thành tựu cả tín, giới, đa văn, thí, tuệ. Như vậy gọi là loại bố thí thứ bảy cho Tăng chúng, sẽ được đại phước, được đại quả, được đại công đức, được quả báo rộng lớn.
Đó gọi là bảy loại bố thí cho Tăng chúng sẽ được đại phước, được đại quả, được đại công đức, được quả báo rộng lớn. (Trung A Hàm, Kinh Cù-đàm-di, Phẩm 14, số 180)
+ Kinh Phân biệt Bố thí, Ðức Phật dạy (Tùy loại ruộng phước điền):
- "Cho 100 người ác ăn không bằng cho 01 người thiện ăn.
- Cho 1.000 người thiện ăn không bằng cho 01 người thọ ngũ giới ăn.
- Cho một vạn người thọ ngũ giới ăn không bằng cho một vị Tu Ðà Hoàn ăn.
- Cho một trăm vị Tu Ðà Hoàn ăn không bằng cho một vị Tư Ðà Hàm ăn.
- Cho một ngàn vạn vị Tư Ðà Hàm ăn không bằng cho một vị A Na Hàm ăn.
- Cho một ức vị A Na Hàm ăn không bằng cho một vị A La Hán ăn.
- Cho mười ức vị A La Hán ăn không bằng cho một vị Bích Chi Phật ăn.
- Cho một trăm ức vị Bích Chi Phật ăn không bằng cho một vị Phật ba đời ăn (Tam thế Phật).
- Cho một ngàn ức vị Phật ba đời ăn không bằng cho một vị Vô niệm, Vô trụ, Vô tu, Vô chứng ăn". (Xem thêm: Kinh phân biệt bố thí)
II- QUẢ BÁO BỐ THÍ CHI TIẾT
1- Bố thí tài vật
Cúng thí lọng báu được mười thứ công đức,
Cúng thí chuông linh được mười thứ công đức,
Cúng thí y phục được mười thứ công đức,
Cúng thí bát đũa được mười thứ công đức,
Cúng thí thức ăn nước uống được mười thứ công đức,
Cúng thí giầy dép được mười thứ công đức,
Cúng thí hương hoa được mười thứ công đức,
Cúng thí đèn sáng được mười thứ công đức,
Cúng thí cung kính chắp tay được mười thứ công đức.
2- MƯỜI CÔNG ĐỨC ẤN TỐNG KINH, TƯỢNG PHẬT
1- Một là, những tội lỗi đã tạo từ trước, nhẹ thì được tiêu trừ, nặng thì chuyển thành nhẹ.
2- Hai là, thường được các thiện thần ủng hộ, tránh được tất cả tai ương hoạn nạn, ôn dịch, nước, lửa, trộm, cướp, đạo binh, ngục tù.
3- Ba là, vĩnh viễn tránh khỏi những quả báo phiền khổ, oán cừu oan trái của đời trước cũng như đời này.
4- Bốn là, các vị hộ pháp thiện thần thường gia hộ nên những loài dạ xoa ác quỷ, rắn độc hùm beo tránh xa không dám hãm hại.
5- Năm là, tâm được an vui, ngày không gặp những nguy khốn, đêm ngủ không thấy ác mộng. Diện mạo hiền sáng, mạnh khỏe an lành, việc làm thuận lợi, được kết quả tốt.
6- Sáu là, chí thành hộ pháp, tâm không cầu lợi, tự nhiên y phục đầy đủ, gia đình hòa thuận , phước lộc đời đời.
7- Bảy là, lời nói việc làm trời người hoan hỷ, đến đâu cũng được mọi người kính mến khen ngợi.
8- Tám là, ngu chuyển thành trí, bệnh lành mạnh khỏe, khốn nghèo chuyển thành thịnh đạt. Nếu nhàm chán nữ thân, mệnh chung liền được nam thân.
9- Chín là, vĩnh viễn lìa xa đường ác, sanh vào cõi thiện, tướng mạo đoan nghiêm, tâm trí siêu việt, phước lộc tròn đầy.
10- Mười là, hay vì tất cả chúng sanh trồng các căn lành. Lấy tâm cầu của chúng sanh làm phước điền cho mình. Nhờ công đức ấy đạt được vô lượng phước quả thù thắng. Sanh ra nơi nào cũng thường được thấy Phật, nghe Pháp, phước huệ rộng lớn, chứng đạt lục thông, sớm thành Phật quả.
ẤN QUANG TỔ SƯ DẠY: Ấn tống kinh, tượng Phật được công đức thù thắng như vậy, nên gặp khi chúc thọ, thành hôn, cầu phuớc, thoát nạn, sám hối, cầu tiêu trừ tật bệnh, cầu siêu độ hương linh, hãy tin tấn phát tâm Bồ Đề ấn tống, để trồng cội phước đức cho mình và thân bằng quyến thuộc. (Nguồn: Xem tại đây)
+ 108. CÁC PHÁP THÍ
Người tinh tấn thí người không tinh tấn
Thí đúng pháp được tâm hoan hỷ
Vì tin có nghiệp và quả báo
Loại thí này thí chủ thanh tịnh.
Không tinh tấn thí người tinh tấn
Không đúng pháp, không tâm hoan hỷ
Vì không tin nghiệp và quả báo
Loại thí này người nhận thanh tịnh.
Người giải đãi thí không tinh tấn
Không đúng pháp, không tâm hoan hỷ
Vì không tin nghiệp và quả báo
Loại thí này không được quảng báo.
Người tinh tấn thí người tinh tấn
Là đúng pháp, được tâm hoan hỷ
Vì tin có nghiệp và quả báo
Loại thí này đạt được quảng báo.
Kẻ nô tỳ và kẻ bần cùng
Hoan hỷ tự mình làm bố thí
Vì tin có nghiệp, có quả báo
Bố thí như vậy thiên nhân khen.
Khéo léo giữ gìn cả thân miệng
Đưa tay cầu xin đúng Chánh pháp
Người ly dục thí người ly dục
Đó chính là tài thí đệ nhất. Nguồn: (Trung A Hàm, Kinh Cù-đàm-di, Phẩm 14, số 180)
+ Phước đức - Phước báu
+ Tu Phước Đức/ Phúc không bị mất do sân hận: Tôi đã làm rất nhiều việc tốt, việc tốt là phước đức, phước đức còn đó. Phước đức không bị sân hận chướng ngại (Làm mất). Bạn hằng ngày nổi giận, phước báo bạn tu vẫn còn đó. Phật ở trong kinh nói cho chúng ta biết, A-tu-la phước báo rất lớn. A-tu-la tu thành như thế nào vậy? Đều là ở trong cửa Phật tu phước. Giống như một số người chúng ta hiện nay vậy, mỗi ngày đang tu phước, phước báo tu rất lớn, giận rất lớn, tâm ngạo mạn rất lớn, cái gì cũng không muốn thua người khác. Ngay cả thắp nhang cũng muốn thắp trước người ta, không chịu ở sau người ta. Bỏ tiền công đức, bạn bỏ ra 1 vạn, tôi bỏ ra một vạn rưởi, tôi nhất định cao hơn bạn, giống như thi đấu vậy. Người như vậy tương lai họ được quả báo thế nào? Vua A-tu-la. Là họ đi làm cái này, hưởng phước báo lớn, hưởng phước báo lớn, phước báo lớn nhân thiên này. Công đức thì rất khó dữ được, vì Nóng giận là đốt mất hết rừng công đức. (Nguồn: Trích từ Kinh KIM CANG giảng ký - HT Tịnh Không)
+ 59. BẢY LOẠI PHƯỚC THẾ GIAN
Có bảy loại phước thế gian, có phước hựu lớn, có quả báo lớn, có danh dự lớn, có công đức lớn. Những gì là bảy?
1) Có thiện nam, Tín nữ có tín tâm cúng thí phòng xá, nhà gác cho đại chúng Tỳ-kheo. Đó là loại phước thế gian thứ nhất, có phước hựu lớn, có quả báo lớn, có danh dự lớn, có công đức lớn.
2) Có thiện nam, Tín nữ có tín tâm, ở trong các phòng xá, cúng thí giường nằm, đồ ngồi, đệm lông, thảm dệt, chăn len, ngọa cụ trong các phòng xá.
3) Có thiện nam, Tín nữ có tín tâm, ở trong các phòng xá, cúng thí y phục mới mẽ, sạch sẽ, đẹp đẽ.
4) Có thiện nam, Tín nữ có tín tâm, ở trong các phòng xá, thường xuyên cúng thí chúng tăng cháo buổi sáng,
5) Cúng dường thức ăn buổi trưa,
6) Cung cấp người làm vườn để sai bảo;
7) Hoặc gió, mưa, tuyết, lạnh, tự mình thân đến khu vườn mà cúng thí chu cấp thêm. Khiến các Tỳ-kheo sau khi ăn, không lo gió, mưa, tuyết lạnh khiến y phục bị ướt át, mà ngày đêm yên vui, tư duy thiền tọa vắng lặng. Châu-na, đó là loại thế gian phước thứ bảy, có phước hựu lớn, có quả báo lớn, có danh dự lớn, có công đức lớn.
Ví như nước sông Hằng-già từ nguồn chảy ra, tuôn vào đại hải, ở vào khoảng giữa càng lúc càng sâu, càng lúc càng rộng. Cũng vậy, Châu-na, tộc tánh nam hay tộc tánh nữ có tín tâm ấy, đã tạo được bảy loại phước thế gian này rồi thì hoặc đi, hoặc đến, hoặc ngồi, hoặc ngủ, hoặc thức, hoặc ngày, hoặc đêm, phước đức ấy càng sinh, càng lúc càng thêm, càng lúc càng rộng. (Trung A Hàm, Kinh Thế Gian Phước, Phẩm 1, số 7)
+ 60. BẢY LOẠI PHƯỚC XUẤT THẾ GIAN
1) Có thiện nam, Tín nữ có tín tâm, nghe Như Lai hoặc đệ tử Như Lai đang trú ở nơi nào đó. Sau khi nghe, liền hoan hỷ, trong lòng rất phấn khởi.
2) Có thiện nam, Tín nữ có tín tâm, nghe Như Lai hoặc đệ tử Như Lai sẽ từ nơi kia đến đây, nghe rồi vui vẻ, trong lòng rất phấn khởi.
3) Có thiện nam, Tín nữ có tín tâm, nghe Như Lai hoặc đệ tử Như Lai sẽ từ nơi kia đến đây, nghe rồi vui vẻ, trong lòng rất phấn khởi.
4) Với tâm thanh tịnh, đích thân tới thăm viếng,
5) Đích thân tới lễ kính,
6) Đích thân tới cúng dường.
7) Sau khi cúng dường, thọ pháp ba tự quy, đối với Phật, Pháp và Chúng Tỳ-kheo mà thọ giới cấm.
Đó là loại phước xuất thế gian thứ bảy, có phước hựu lớn, có quả báo lớn, có danh dự lớn, có công đức lớn.
Ví như từ châu Diêm-phù có năm con sông: Một là Hằng-già, hai là Dao-vưu-a, ba là Xá-lao-phù, bốn là A-di-la-bà-đề và năm là Ma-xí, đều chảy về đại hải. Ở khoảng giữa của chúng, không thể tính được số nước của bao nhiêu thăng hộc. Chỉ có thể nói là số nước nhiều không thể hạn, không thể lượng, và không thể biết được.
Cũng vậy, tộc tánh nam hay tộc tánh nữ có tín tâm, nếu tạo được bảy loại phước thế gian này và lại có bảy loại phước xuất thế gian, thì phước của người kia không thế tính được, có chừng ấy phước, có chừng ấy kết quả của phước, có chừng ấy phước báo. Chỉ có thể nói là không thể hạn, không thể lượng, và không thể biết được con số đại phước. Nguồn: (Trung A Hàm, Kinh Cù-đàm-di, Phẩm 14, số 180)
THÍ DỤ VỀ BỐ THÍ ĐÚNG NHƯ PHÁP - QUẢ BÁO VÔ CÙNG
+ Ví dụ Về Tu Phước Bố Thí Được Phước Báu Vô Cung Vi Diệu Nhiệm mầu: 527. PHƯỚC BÁO CÚNG DƯỜNG
- Khi ta mang đồ lượm mót về đến nhà, bỏ gánh xuống và quay lại nhìn thì thấy Bích-chi-phật Vô Hoạn đi đến, theo sau tôi bén gót, như bóng theo hình. Tôi thấy ngài, liền nghĩ: ‘Sáng sớm, lúc đi ra, mình thấy vị Tiên nhân này đi vào thành khất thực. Bây giờ vị Tiên nhân này có lẽ chưa có gì ăn. Ta hãy sớt bớt phần ăn của mình cho Tiên nhân này’. Nghĩ như vậy xong, tôi liền mang phần cơm bố thí cho Đức Bích-chi-phật và bạch rằng: ‘Mong Tiên nhân biết cho, cơm này là phần ăn của con. Vì lòng từ mẫn, mong ngài thương xót nhận cho’. Bấy giờ, vị Bích-chi-phật tức thì trả lời tôi rằng: ‘Cư sĩ nên biết, năm nay hạn hán, sương móc và trùng hoàng làm cho ngũ cốc không thể chín được. Nhân dân túng thiếu, kiếm xin khó được. Thí chủ có thể bớt phân nửa bỏ vào trong bát của ta và dùng phân nửa kia, cả hai cùng được sống còn. Như vậy đã là tốt rồi’. Tôi lại thưa rằng: ‘Tiên nhơn, xin biết cho, trong nhà con sẵn có chảo, có bếp, có củi, có thóc gạo, ăn uống sớm muộn cũng chẳng cần đúng giờ giấc. Tiên nhơn, xin hãy thương xót con mà nhận hết thức ăn này’. Bấy giờ Tiên nhân vì lòng từ mẫn mà nhận hết.
Tôi nhân phước bố thí cho Tiên nhân kia một bát cơm mà bảy lần tái sanh vào cõi trời, được làm Thiên vương; bảy lần tái sanh vào loài người lại làm bậc nhân chủ.
Tôi nhân phước bố thí cho Tiên nhân kia một bát cơm mà được sanh vào dòng họ Thích như thế này, giàu có cùng tột, súc vật chăn nuôi vô số, phòng hộ, thực ấp, của cải vô lượng, châu báu đầy đủ. (Nguồn: mục 527- (Trung A Hàm, Kinh Thuyết Bổn, Phẩm 6, số 66)