CHUYỂN HÓA VẬT CHẤT VŨ TRỤ
TIÊN THIÊN KHÍ VÀ HẬU THIÊN KHÍ - SINH KHÍ
PHẦN BỐN
NHÂN QUẢ - KARMA VÀ DI TRUYỀN TRONG LUÂN HỒI TÁI SANH
[LUẬN VỀ LỬA CÀN KHÔN - TẬP II - TR 887/ 357]
4. Các hỏa tinh linh, tức tiểu thần kiến tạo.
a/ Mở đầu
Giờ đây, trong việc nghiên cứu của chúng ta về các Thần Kiến Tạo, lớn lẫn nhỏ, của thái dương hệ, điều hiển nhiên là từ trước đến giờ chúng ta đã gần như hạn chế chính chúng ta vào những người vốn là các nhân sự hoạt động trong ba cõi nỗ lực của nhân loại. Chúng ta đã bàn vắn tắt về các Thần Tạo Tác trên cung tiến hóa giáng hạ, các thực thể vĩ đại, các vị đã vượt qua giới nhân loại, ..... Giờ đây, chúng ta tiến đến xem xét các thần tạo tác hạ đẳng trong ba cõi thấp, tức các thần tiêu biểu cho trạng thái âm (tiêu cực) của thần lực, vốn đang ở trên cung tiến hóa giáng hạ, do đó các thần này là các tác nhân thu nhận năng lượng và các ảnh hưởng. Các thần này được hoạch định bởi năng lượng, và qua hoạt động của các Thần Tạo Tác cấp cao, được thúc đẩy vào các hướng khác nhau trong không gian, được kiến tạo thành các hình hài khác nhau. Như được biết rõ, năng lượng tác động vào các thần này phát ra từ Ngôi Hai, và trong toàn thể của chúng, chúng hợp thành Mẹ vĩ đại (great Mother).
Tôi muốn nhắc nhở mọi đạo sinh chú ý đến sự kiện là các thần tạo tác cấp thấp này, theo nghĩa đen là một “bể lửa” mà dựa vào đó luồng đại khí vận (great breath), hay là AUM, phát huy tác dụng. Mỗi tia lửa, hay là nguyên tử (qua tác động của Linh Ngôn), trở nên linh hoạt với sự sống mới, và được thấm nhuần bằng một loại năng lượng khác hẳn. Trong sự hợp nhất của sự sống của chính chất liệu nguyên tử với những gì khiến cho các nguyên tử kết hợp lại và tạo thành các hiện thể thuộc loại này hoặc loại khác, có thể được thấy biểu hiện ra “Con của Thượng Đế”. Nơi đây có ẩn tàng lưỡng nguyên chủ yếu của mọi biểu lộ; lưỡng nguyên này sau đó được bổ sung bằng sự sống của Đấng Duy Nhất (One) chính Ngài phát ra Linh Ngôn. Thế là cuộc lâm phàm vũ trụ đã xảy ra với ba yếu tố tiến nhập vào. Điều này được bàn đến đầy đủ trong các trang sau.
Nhiều điều cần được nói đến sẽ có bản chất biểu liệt kê, và cách duy nhất mà các đạo sinh có thể kiểm soát sự chính xác gần đúng của những gì được truyền đạt sẽ là một sự suy tưởng thận trọng về:
a/ Định Luật về các Tương Ứng.
b/ Các xác suất có thể hiểu được.
c/ Các chỉ dẫn trong văn liệu huyền linh học về một bản chất dùng để xác minh (corroborative nature).
Đạo sinh nên nhớ rằng chúng ta đang bàn về vật chất tiến hóa giáng hạ, hay là vật chất nguyên tử. Vật chất nguyên tử này là vật chất đang sống (living substance), mỗi nguyên tử vốn là một sự sống tí hon đang đập nhịp theo sức sống của Thượng Đế Ngôi Ba. Vốn là năng lượng âm, các sự sống này đáp ứng với đối cực (polar opposite) của chúng, và có thể (theo Định Luật Hút và Đẩy) được kiến tạo thành hình hài vốn là biểu lộ của Ngôi Hai. Sau rốt, đến phiên chính các hình hài trở thành và đáp ứng với một loại thần lực tĩnh lặng khác, trở thành các tác nhân lĩnh nhận sự sống của Thượng Đế Ngôi Một khi giới thứ tư hay là giới nhân loại được đạt đến.
Bộ Luận này tìm cách chứng minh rằng trong giới thứ tư, ba lửa đáp ứng:
a/ Lửa do ma sát, hay Trạng Thái âm của Brahma, tức Ngôi Ba.
b/ Lửa thái dương, hay Trạng Thái âm dương của Vishnu, Ngôi Hai.
c/ Lửa điện, hay Trạng Thái dương của Shiva, Ngôi Một.
Dù là hữu thức hay vô thức, trong ba cõi thấp, con người tóm tắt lại tiến trình của Thượng Đế và trở thành một kẻ sáng tạo tác động trong vật chất qua yếu tố năng lượng dương của con người. Y mong muốn, y suy tưởng, y nói năng, và kết quả là tạo ra các hình tư tưởng. Vật chất nguyên tử bị thu hút vào kẻ phát ngôn từ /ý tưởng (enunciator). Các sự sống rất nhỏ cấu tạo bằng vật chất đó được thúc ép (do năng lượng của chủ thể suy tưởng) thành hình tướng, để rồi tự chúng linh hoạt, sống động và mạnh mẽ. Những gì mà con người tạo ra thì hoặc là một tạo vật có ích/tốt lành, hoặc là một tạo vật độc hại tùy theo ham muốn, động cơ hoặc mục tiêu nằm bên dưới.
Điều cốt yếu là chúng ta cố gắng thực hành những gì được đưa ra ở đây, vì vô ích cho người nào muốn nghiên cứu các nhóm thần tạo tác cấp thấp, chức năng và danh xưng các thần đó, nếu như con người không biết rằng nhiều thần trong số đó có một liên quan mật thiết với con người, vì chính con người là một trong các nhà tạo tác vĩ đại và là một kẻ sáng tạo bên trong hệ hành tinh này. Con người nên nhớ rằng qua sức mạnh của các tư tưởng và các ngôn từ được phát ra của họ, họ dứt khoát tạo ra các hiệu quả trên những người khác đang hoạt động trên ba cõi tiến hóa của nhân loại và trên toàn bộ giới động vật. Các tư tưởng chia rẽ và ác độc của con người chịu trách nhiệm phần lớn cho bản chất hung dữ của dã thú và tính chất tàn phá của một số tiến trình của thiên nhiên, kể cả một số hiện tượng như là dịch bệnh và đói kém.
Không chút giá trị gì cho con người khi biết được tên gọi của một “đạo quân âm thanh” nào đó nếu con người không hiểu được mối liên hệ của y với đạo quân đó, nếu con người không hiểu được trách nhiệm của y là phải trở thành một tác nhân sáng tạo tốt lành, hoạt động theo định luật bác ái, và không bị thúc đẩy đến hành vi sáng tạo do ham muốn ích kỷ, hoặc hoạt động thiếu kiềm chế.
b/ Các tinh hoa chất cõi trần (physical plane elementals).
Cần nên nhớ rằng các devas mà chúng ta đang nghiên cứu là các tác nhân phát khởi xung lực và là các tác nhân vận dụng năng lượng ở trình độ riêng của các thần đó và trên cõi riêng của họ. Do đó, người ta nhận thấy liên quan với các thần này là các tác nhân thụ nhận thần lực, hay là vô số các sự sống có bản chất tinh hoa chất, chúng hợp thành toàn thể vật chất của một cõi. Các sự sống này lan ra trên các làn sóng năng lượng, do sự thôi thúc của Linh Khí (Breath) và theo kết quả của tác động rung động, đi vào mọi hình hài theo như chúng ta biết trên cõi trần. Do đó, liên quan với biểu lộ trên cõi trần, các devas có thể được chia thành ba nhóm :
1. Các thiên thần truyền chuyển Thiên Ý, tức là các thần khởi xướng (originators) hoạt động trong thần chất. Đây là các Thần Tạo Tác cao cấp thuộc các nhóm khác nhau.
2. Các thiên thần vận dụng năng lượng khởi đầu. Đây là vô số các thần hoạt động với thần lực, đến phiên họ, các thần này truyền chuyển xung lực đến linh khí tinh hoa chất (elemental essence). Họ là các thần tạo tác cấp thấp, chỉ ở trên cung tiến hóa giáng hạ dưới hình thức nhóm thứ nhất.
3. Các tác nhân thụ nhận thần lực (recipients of force), tức là toàn bộ chất liệu linh hoạt của một cõi. Các sự sống này vốn thụ động trong các bàn tay của các Thần Tạo Tác cấp cao hơn.
Ba nhóm cần xem xét là :
1. Các tinh hoa chất của vật chất thô đặc nhất.
2. Các tinh hoa chất của chất lỏng.
3. Các tinh hoa chất của chất khí.
Khi nghiên cứu ba nhóm này, chúng ta phải nhớ rằng chúng ta không bàn đến các tác nhân truyền đạt (transmitter), mà là bàn đến các tác nhân vận dụng (manipulators) và bàn đến các tác nhân thụ nhận năng lượng.
1. Các tinh hoa chất của vật chất thô đặc nhất. Đây là các thần hoạt động và tạo tác có liên quan với các phần cụ thể và thuộc ngoại cảnh của mọi biểu lộ. Trong toàn bộ các thần này, theo nghĩa đen, họ tạo ra những gì mà con người có thể sờ được, thấy được và tiếp xúc được bằng vật chất. Trong khi cứu xét các vấn đề này, chúng ta đừng bao giờ phân tích các nhóm khác nhau trong trí theo sát nghĩa quá, vì tất cả các nhóm đó đều hòa nhập nhau và phối trộn lại, giống như cách mà thể xác con người được trộn lẫn bằng chất đặc, chất lỏng, chất khí và chất dĩ thái vậy. Từ một cái đơn nhất, thiên hình vạn trạng được nhìn thấy khắp nơi; đạo sinh huyền linh học cần phải luôn luôn ghi nhớ sự kiện này khi nghiên cứu các hình thức sự sống dưới nhân loại. Có một nguy hại rõ ràng trong mọi bảng phân loại, vì chúng có khuynh hướng tạo ra các phân chia cứng nhắc và thiếu linh hoạt, trong khi mà cái đơn nhất (unity) có mặt trong mọi vật.
Trong số các devas đang hoạt động thuộc phân cảnh thấp nhất của cõi vật chất trọng trược, người ta thấy có một số hình thức sự sống ngầm dưới đất (subterranean form of existence), mà các cổ thư và sách về huyền bí học có nói bóng gió đến. Người ta tìm thấy trong tận lòng đất một hệ thống tiến hóa có bản chất đặc biệt, có sự tương đồng chặt chẽ với con người. Chúng có các thân thể (bodies) thuộc loại thô kệch/thô sơ (gross) đặc biệt, có thể được xem như thuộc vật chất rõ rệt theo như cách chúng ta hiểu từ ngữ đó. Chúng trú trong các chỗ ở (settlements) hoặc các nhóm, dưới hình thức cai trị thích hợp với nhu cầu của chúng trong các hang động chính yếu sâu nhiều dặm dưới vỏ trái đất. Công việc của chúng có liên quan chặt chẽ với giới khoáng thạch và các “agnichaitans” của các đám lửa chính yếu đều ở dưới sự kiểm soát của chúng. Cơ thể của chúng được cấu tạo với mục đích chịu đựng được áp suất lớn và chúng không tùy thuộc vào sự lưu thông không khí một cách thông thoáng như con người, chúng cũng không phiền hà gì về sức nóng dữ dội có bên trong địa cầu. Ở đây chỉ có thể truyền đạt chút ít về các sinh linh này, vì chúng có liên quan với các phần tử/đoạn (portions) ít quan yếu hơn của thể xác của Hành Tinh Thượng Đế, giống như sự tương đương về mặt tiểu thiên địa của các sinh linh đó nơi bàn chân và ống chân của một con người. Chúng là một trong các yếu tố giúp cho hoạt động quay theo lũy tiến của một hành tinh có thể xảy ra.
Kết hợp với chúng có nhiều nhóm thực thể ở tầng lớp thấp khác, mà vị trí của chúng cứ theo kiểu này thì chỉ có thể được mô tả như có liên hệ với các chức năng hành tinh thô thiển hơn. Một vài sự việc có thể có được nhờ bàn rộng về các sinh linh này và công việc của họ. Bằng bất cứ cách nào con người cũng không thể tiếp xúc được với họ, cũng như không nên trông đợi việc đó. Khi họ theo đuổi chu kỳ tiến hóa của họ, họ sẽ chiếm vị trí của họ ở chu kỳ sau trong hàng ngũ của một số cơ thể thiên thần vốn có liên quan với giới động vật (892).
Thông thường, người ta tưởng là mọi tiên nữ (fairies), thổ tinh linh (gnomes), thảo tinh linh (elves) và đại loại các tinh linh thiên nhiên chỉ có trong chất dĩ thái, nhưng không phải như thế. Chúng có trong các thể bằng chất hơi (bodies of gaseous) và cũng có trong vật chất lỏng (liquid substance) nữa, nhưng nhầm lẫn phát xuất từ lý do là nền tảng của tất cả những gì có thể thấy lộ ra bên ngoài đều là cấu trúc dĩ thái, còn các sinh linh bé tí và luôn bận rộn này thường che đậy các hoạt động vật chất trọng trược của chúng do sự tác động của huyễn cảm (glamour) và đưa ra một màn che qua biểu lộ bên ngoài của chúng. Khi có được nhãn thông dĩ thái, bấy giờ có thể nhìn thấy được các sinh linh này, vì như chúng ta biết, huyễn cảm chỉ là một bức màn vắt qua những gì hữu hình.
Trong giai đoạn này, các đạo sinh phải nhớ rằng mọi hình hài vật chất trọng trược, dù là của một thân cây, một con thú, một chất khoáng, một giọt nước, hoặc một đá quý, chính chúng đều là các sự sống tinh hoa chất (elemental lives) được cấu tạo bằng vật chất sinh động (living substance) bởi sự giúp sức của các tác nhân điều khiển sinh động (living manipulators), hoạt động dưới sự hướng dẫn của các nhà thiết kế sáng suốt. Lập tức, điều sẽ trở nên hiển nhiên là tại sao bằng bất cứ cách nào cũng không thể lập ra bảng biểu liên quan đến nhóm thấp nhất một cách đặc biệt này. Một viên kim cương xinh xắn, một thân cây oai vệ, hoặc một con cá trong nước, sau rốt chỉ là các thiên thần. Đó là nhận thức về nguồn sống chủ yếu vốn tạo ra sự kiện căn bản trong mọi sưu khảo huyền linh học, và là cái bí nhiệm của mọi pháp thuật tốt lành. Do đó, mục đích của tôi không phải là bàn một cách cụ thể hơn đến các hình thức thấp kém nhất này của sự sống thiêng liêng, trừ phi để truyền đạt hai sự kiện, và như thế đưa ra chỉ dẫn về cách giải quyết hai vấn đề vốn thường gây bối rối đạo sinh bậc trung. Thứ nhất, đây là vấn đề về mục tiêu của mọi sự sống loài bò sát, và, thứ hai, mối liên hệ đặc biệt của sự tiến hóa của chim với giới thiên thần.
Bí mật của giới bò sát là một trong các bí mật của cuộc tuần hoàn thứ hai và có một ý nghĩa sâu xa liên quan với biểu hiện “minh triết xà” vốn được áp dụng cho tất cả các cao đồ (adepts) của thiên luật. Giới bò sát có một vị trí lý thú trong mọi thần thoại học và mọi hình thức truyền đạt chân lý cổ xưa và điều này không có lý do vũ đoán nào cả. Không thể bàn rộng về chân lý ẩn bên dưới, vốn được che giấu trong lịch sử nghiệp quả của Hành Tinh Thượng Đế chúng ta và được tiết lộ như một phần của giáo lý được dạy ra cho các điểm đạo đồ cấp hai.
Xung lực sự sống vĩ đại thứ hai, hay làn sóng sinh hoạt (life wave), do Hành Tinh Thượng Đế chúng ta khai mở, khi được đưa vào kết hợp với xung lực sự sống vĩ đại thứ nhất, là nền tảng của loại hoạt động mà chúng ta gọi là năng lượng tiến hóa thăng thượng; nó dẫn đến kết quả trong việc trải ra từ từ, hay là khai mở, hình thức thiêng liêng. Con thiên xà đã hiển lộ, được tạo ra từ quả trứng và đã bắt đầu các khúc cuộn của nó, đạt được uy lực và vẻ oai vệ, đồng thời tạo ra qua sự phong phú vô biên của nó, hàng triệu “con rắn” nhỏ hơn. Giới bò sát là thành phần quan trọng nhất của giới động vật ở một số khía cạnh, nếu một câu nói mâu thuẫn ở bề ngoài như thế có thể được đưa ra. Vì mọi sự sống động vật có thể được thấy đang trải qua giới bò sát trong giai đoạn tiền sinh, hoặc quay trở lại giới đó khi hình hài ở trong trạng thái phân hủy vì tuổi già. Sự liên quan không thuần là một liên quan vật chất, mà cũng có liên quan về tâm linh nữa. Khi bản chất thực sự và phương pháp của Kundalini hay hỏa xà, được nhận ra, mối liên hệ này sẽ được hiểu rõ hơn, và lịch sử về cuộc tuần hoàn thứ hai sẽ có một tầm quan trọng mới.
Bí ẩn của sự sống ẩn giấu trong giai đoạn rắn – không phải sự sống của Tinh Thần, mà là sự sống của linh hồn, và điều này sẽ được tiết lộ khi “con rắn của ánh sáng cảm dục” được tiếp cận thực sự và được nghiên cứu thích đáng. Một trong bốn Thần Quân Lipika, Đấng có vị thế gần nhất với Hành Tinh Thượng Đế chúng ta, được gọi là “Linh Xà Sinh Động” (“The Living Serpent”) , và biểu tượng của Ngài là một con rắn có một mắt xanh, có dạng một viên hồng ngọc (ruby) ở trên đầu rắn. Các đạo sinh nào thận trọng sẽ đưa biểu tượng học đi xa thêm một ít, có thể liên kết ý tưởng này với “con mắt của Shiva” vốn thấy và biết tất cả, và ghi chép mọi sự, giống như con mắt nhân loại đang làm ở cấp độ nhỏ hơn; tất cả đều được thu hình trên cảm dục quang (astral light), giống như mắt con người nhận được các ấn tượng trên võng mô. Cũng ý tưởng đó thường được diễn đạt trong Thánh Kinh Cơ Đốc giáo, với nhận thức của người Hebrew và người Cơ Đốc về toàn-nhãn-thông của Đức Chúa Trời. Sự áp dụng và giá trị của các ngụ từ được đưa ra ở đây có thể rõ rệt nếu đề tài về con mắt thứ ba được nghiên cứu, và liên hệ của nó với xương sống và các luồng hỏa ở xương sống được điều nghiên. Con mắt thứ ba này là một trong các mục tiêu của việc làm linh hoạt kundalini, và trong khu vực hoạt động của cột sống, trước tiên có bí huyệt ở đáy xương sống, trú sở của luồng hỏa đang nằm im. Kế đến chúng ta có vận hà tam phân mà luồng hỏa sẽ chạy dọc đó theo đúng đường tiến hóa, và sau cùng, chúng ta tìm thấy ở đỉnh của cột sống, và vượt trên tất cả là cơ quan nhỏ được gọi là tuyến tùng quả (ỳung quả : quả thông), mà khi được làm linh hoạt, sẽ giúp con mắt thứ ba khai mở, và các vẻ thanh tú mỹ miều của các cõi cao và tinh anh sẽ bộc lộ ra. Mọi sự kiện tâm-sinh-lý này đều có thể xảy ra với con người nhờ bởi một số biến cố vốn đã xảy ra đối với Thiên Xà (Heavenly Serpent) trong cuộc tuần hoàn thứ hai, hay xà tuần hoàn. Các biến cố này đòi hỏi việc tạo thành và sự tiến hóa của gia đình đặc biệt và huyền bí đó mà chúng ta gọi là giới bò sát. Các hình thức của sự sống thiêng liêng này có liên quan rất mật thiết với hành tinh hệ thứ hai, vốn chịu trách nhiệm cho năng lượng phát ra từ hệ thống đó, và đi đến trái đất thông qua bầu thứ hai trong dãy thứ hai.
Một nhóm devas đặc biệt (liên quan với âm thanh khai mở đặc biệt trong Linh Từ hành tinh), hoạt động với sự tiến hóa của loài bò sát.
Ở đây cần ghi nhận rằng sự tiến hóa này trên các cõi dĩ thái, có một ảnh hưởng chặt chẽ trên con người hơn là trên vật chất. Nếu các đạo sinh tự áp dụng chính mình vào việc xem xét các sự kiện này, vào việc tìm tòi truyền thuyết về rắn trong mọi nước, các thần thoại và các sách kinh, và nếu họ cố công kiên kết hết thảy kiến thức này với những gì liên quan đến các chòm sao trên bầu trời mà có tên gọi liên quan đến rắn (chẳng hạn chòm sao Thiên Long-Dragon), nhiều tỏ ngộ có thể xuất hiện. Nếu có đủ trực giác, lúc đó tri thức có thể được truyền đạt sẽ giúp làm sáng tỏ hơn sự liên hệ giữa các thể hồng trần và các bí huyệt của chúng với bản chất thông linh.
Giới điểu cầm có liên quan đặc biệt với cơ tiến hóa thiên thần. Đó là giới nối liền giữa cơ tiến hóa hoàn toàn thiên thần với hai biểu lộ khác của sự sống.
Thứ nhất. Một vài nhóm devas muốn chuyển qua giới nhân loại, nhờ đã phát triển một vài kỷ năng, họ có thể làm như thế, xuyên qua giới chim chóc, và một số devas muốn giao tiếp với con người cũng có thể làm như thế xuyên qua giới điểu cầm. Chân lý này được nói bóng gió đến trong Thánh Kinh Cơ Đốc giáo và các tranh tượng Thiên Chúa giáo bằng các angels hay devas thường được mô tả như là có cánh. Các trường hợp này không có nhiều vì phương pháp thông thường là để cho thiên thần dần dần tự hoạt động hướng tới biệt ngã hóa (individualisation) qua cảm xúc mở rộng, nhưng trong các trường hợp xảy ra như trên, các devas này chuyển qua nhiều chu kỳ trong giới điểu cầm, tạo nên một đáp ứng với một rung động mà rốt cuộc sẽ đặt họ vào gia đình nhân loại. Theo cách này, họ trở nên quen thuộc với việc sử dụng một hình hài thô thiển không có các giới hạn và các pha tạp /bất thuần khiết (impurities) mà giới động vật sản sinh ra.
Thứ hai. Nhiều devas chuyển ra khỏi nhóm các sự sống thụ động với cố gắng trở thành các sự sống chi phối/điều khiển xuyên qua điểu giới, và trước khi trở thành tiên nữ, thảo tinh linh, thổ tinh linh hoặc các tinh linh thiên nhiên khác, trải qua một số chu kỳ trong lĩnh vực chim (bird realm).
Lý do tại sao hai biến cố trên xảy ra sẽ không rõ rệt đối với độc giả không có chủ đích, cũng như sự nối tiếp thực sự giữa loài chim với thiên thần cũng không được đạo sinh huyền môn hiểu một cách chính xác, nếu y không tự đặt chính mình vào việc xem xét “chim hoặc thiên nga ra ngoài thời gian và không gian”, và vị trí mà loài chim nắm giữ trong các bí pháp. Đối với y, manh mối nằm nơi đây. Y cũng phải nhớ sự kiện rằng mọi sự sống thuộc mọi trình độ, từ một vị thần (god) đến một deva tầm thường nhất trong các devas cấp thấp, hay các thần tạo tác (builders), vào lúc này hoặc lúc khác, đều phải vượt qua gia đình nhân loại.
Như H.P.B. có nêu ra (GLBN, Đoạn X, quyển I, 384, 435; II, 306), loài chim và rắn đều có liên quan chặt chẽ với minh triết, và do đó liên quan với bản chất thông linh của Thượng Đế, của con người và của devas. Việc nghiên cứu về thần thoại học sẽ tiết lộ một vài giai đoạn và các mối liên hệ vốn sẽ làm cho vấn đề này rõ ràng hơn.
2. Các tinh linh và các devas cấp thấp của chất lỏng (896/ 367).
Một minh họa rất lý thú về sự hòa nhập của mọi chất sáng tạo sinh động có thể được nhìn thấy có liên quan với bầu khí quyển bao quanh hành tinh chúng ta. Trong khí quyển đó người ta sẽ thấy :
a/ Sự ẩm ướt, hay là các tinh túy sinh động vốn là các tinh hoa chất của chất lỏng (liquid elementals).
b/ Chất hơi, hay là các sinh linh vốn liên kết với mọi tinh túy của lửa (fiery essences) vốn dễ bay hơi và là kết quả của sức nóng.
c/ Chất dĩ thái, hay là các đẳng cấp thấp nhất của các devas của các dĩ thái (ethers).
Khi ở trạng thái liên kết, tam bộ chính yếu này tạo ra cái mà chúng ta hít thở, và cái mà trong đó chúng ta sống, hoạt động và hiện tồn. Đối với đạo sinh có suy tư, không khí thì đầy dẫy biểu tượng, vì đó là một sự tổng hợp và là những gì nối liền các tầng lớp cao và các tầng lớp thấp của biểu lộ.
Trước tiên, chúng ta phải tập trung sự chú tâm của chúng ta vào các sinh linh (lives) đang tạo ra toàn bộ của tất cả những gì thuộc về nước và chất lỏng qua khắp biểu lộ, và khi bàn đến việc này, chúng ta phải nhớ rằng chúng ta đang đề cập đến cái huyền bí nhất trong các tìm kiếm, và đến các vấn đề có liên quan rất chặt chẽ với cơ tiến hóa của con người.
Nhiều nhóm thủy thần (water devas) thuộc lớp hoạt động đã được phân nhóm một cách sơ lược bởi các văn sĩ viết chuyện thần tiên, dưới tên nàng tiên cá (undines), nhân ngư (mermaids) và các diễn tả khác, nhưng chúng có thiên hình vạn trạng, và điều này hẳn lộ rõ khi người ta nhớ rằng toàn bộ nước trên địa cầu (biển to, biển nhỏ, sông, hồ, suối), đều vượt xa chỗ khô hay đất liền, đã vậy mỗi giọt nước đọng (drop of moisture) chính là một sự sống bé nhỏ, đang hoàn thành chức năng của nó và đang trải qua chu kỳ của nó. Các hình thức thần thoại được nói ở trên, chỉ là vô số các sự sống được tạo thành một hình hài nhờ đó một deva đang tiến hóa tìm cách biểu lộ.
Sự cực kỳ lý thú của đề tài này có thể được trình bày dưới một vài phát biểu mà sẽ đem lại cho nhà nghiên cứu một ý tưởng nào đó về sự chú ý kỹ càng mà sau rốt cần và sẽ đặt vào đề tài này về các sự sống thiên thần biểu lộ qua nước (deva lives of watery manifestation). Như đã nói ở trên, toàn thể các sự sống này thì vĩ đại hơn là toàn thể các sự sống đang hợp thành toàn bộ địa cầu rắn đặc theo như chúng ta hiểu thuật ngữ đó, cho dù chúng không vượt quá con số các sự sống đang tạo ra phần chất khí của biểu lộ; phần chất khí này nằm trong bầu khí quyển, xuyên thấu qua chất đặc, và lắp đầy ở một mức độ lớn các hang động bên trong của hành tinh. Sự giống nhau về mặt tiểu thiên địa với Sự Sống vĩ đại của hành tinh được thấy ở sự kiện là cả hai hình thức chỉ là các vỏ ngoài hay là các khung sườn, bảo vệ cho cái “mái vòm” bên trong; cả hai hình thức đều lõm, cả hai đều có các điểm tận cùng âm và dương, có thể nói các cực của chúng về mặt trong tiếp tục ảnh hưởng nhiều đến các tiến hóa bên ngoài.
Một trong các hành tinh huyền bí nhất, Neptune (Hải Vương tinh), cai quản các “thủy thần”; Thần Quân đứng đầu các thủy thần, tức Varuna, Vị Chúa của cõi cảm dục, vốn là một phân thân (emanation) từ hành tinh đó. Vì vậy các nhà nghiên cứu sẽ thấy vô cùng lý thú khi nghiên cứu sự tương tác chặt chẽ giữa (898):
1. Cõi thứ sáu, tức cõi cảm dục, và cõi phụ thứ sáu của cõi trần, tức cõi phụ chất lỏng.
2. Cõi phụ thứ sáu của mỗi cõi chính trong thái dương hệ và sự liên hệ của chúng với nhau.
Ở đây, người ta sẽ tìm thấy một lý do giải thích tại sao con người thuộc loại tương đối thấp về thể xác, và có một thể cảm dục với một ít vật chất thuộc cõi phụ thứ sáu trong đó đáp ứng với các sự việc cao siêu hơn, và có một hoài bão tâm linh. Ảnh hưởng phát ra từ cõi phụ thứ sáu của cõi bồ đề làm thức động một đáp ứng hỗ tương từ vật chất cõi phụ thứ sáu trong các thể khác, và nguyên khí thứ sáu, tức nguyên khí bồ đề, theo Định Luật Tương Ứng làm mạnh thêm rung động đó.
Danh xưng Neptune là danh xưng mà theo đó Hành Tinh Thượng Đế của một trong ba hành tinh hệ chính yếu được biết trên hành tinh chúng ta. Một số các ảnh hưởng và năng lượng của Ngài tác động rất lớn đến tinh chất thiên thần của vật chất cõi phụ thứ sáu này, đạt đến chúng thông qua Thần Quân Varuna. Tri thức này có giá trị thực tiễn về mặt chiêm tinh, vì nó sẽ giúp cho con người hiểu được bản chất của các thể vật chất của họ, nhất là thể cảm dục của họ. Đó là một sự kiện huyền bí mà loại chất cảm dục trong cơ thể con người định đoạt tính chất của chất nước (watery substance) của thể xác của y. Theo huyền linh học, không hề có sự tách ra nào của các bản chất tâm linh-sinh lý, vì cái sau ấn định cái trước. Do đó, hành tinh Neptune có một ảnh hưởng sâu xa và một liên hệ chặt chẽ theo Định Luật Tương Ứng với cõi thứ sáu, hay cõi cảm dục, vốn là cõi của phần chất lỏng của thể xác Thượng Đế, với cõi phụ thứ sáu của cõi trần, hay với phần chất lỏng của xác thân con người và của thể xác hành tinh, cũng với loại năng lượng thứ sáu hay lực, hay cung thứ sáu.
Hành tinh hệ chính yếu mà Neptune cai quản, hợp thành một tam giác của thái dương hệ rất đáng chú ý đối với các nhà chiêm tinh học nội môn với hành tinh hệ thứ sáu và một hành tinh hệ khác nữa. Điều này được hình tượng hóa trong cây chĩa có ba gạc mà thần Neptune luôn luôn được vẽ là đang nắm giữ, các mũi chĩa theo nghĩa đen là các tam giác biểu tượng liên kết với nhau bằng ba đường thần lực.
Hành tinh này cũng có một liên hệ thiết yếu với nguyên khí thứ sáu của Thượng Đế, hay Buddhi và do đó cũng là nguyên khí thứ sáu của con người. Không một ai bắt đầu phối kết hiện thể Buddhi cho tới khi y tiến đến dưới ảnh hưởng của Neptune trong kiếp sống này hoặc kiếp sống khác. Khi xảy ra trường hợp này, lá số tử vi của phàm ngã y sẽ chỉ ra ảnh hưởng của Neptune đang chi phối ở nơi nào đó...........
Hành tinh Neptune, cùng với Hành Tinh Thượng Đế của Cung Sáu chi phối các bí huyệt của thể cảm dục trong con người. Diễn đạt này bao hàm nhiều ý nghĩa huyền bí thuộc đại thiên địa. Khi nhớ lại rằng mọi bí huyệt – con người và thiêng liêng – được tạo ra bằng tinh hoa thiên thần (deva essence), thì điểm nối tiếp giữa ảnh hưởng này với các devas, và tác dụng phản xạ của chúng trên con người, sẽ trở nên rõ ràng ngay tức khắc.
Trong cái bí ẩn của biển và cái bí mật của trạng thái “khô cạn” huyền bí hay thu hút huyền bí của nó, sau rốt ý nghĩa ẩn bên dưới sẽ được tiết lộ (900):
a/ Sự thúc đẩy phái tính, diễn dịch về mặt đại và tiểu thiên địa.
b/ Chấm dứt dục vọng.
c/ Chiều hướng của luồng hỏa đến bí huyệt cổ họng thay vì đến các cơ quan sinh sản.
d/ Qui nguyên (pralaya) và lẩn khuất (obscuration).
e/ Ý nghĩa của các lời: “Sẽ không còn biển nữa” được tìm thấy trong Thánh kinh Thiên Chúa giáo.
Khi suy tư về các ý tưởng này, các nhà nghiên cứu sẽ thấy cần ghi nhớ kỹ rằng Neptune là một trong các hành tinh chính yếu hay tổng hợp, rằng nó là một hành tinh “thu hút” (“absorbing”) hay là hành tinh “tách ra” (“abstracting”), và rằng nó tiếp nối với tiến trình mà theo đó sự hoàn thiện cuối cùng được minh chứng. Đấng Con được làm cho hoàn thiện, và cuộc lâm phàm vũ trụ được kết thúc.
Có một liên hệ huyền bí rất chặt chẽ giữa sự kiện nằm đàng sau các lời trong Thánh Kinh “Thần Đức của Chúa Trời vận hành trên mặt nước” (“the Spirit of God moved upon the face of the waters”-Thánh Kinh Cựu Ước, Sáng Thế Ký, 1:2- Bản dịch của NXB Tôn Giáo, 2003) với hoạt động hợp pháp được ban ra của Đại Mẫu (Great Mother) khi bà hoàn thành công việc kiến tạo-xác thân dưới sự thôi thúc của dục vọng. Mối liên hệ đích thực giữa cõi cảm dục với cõi trần sẽ chỉ trở nên lộ rõ khi các đạo sinh ghi nhớ cẩn thận rằng cõi cảm dục của thái dương hệ là cõi phụ thứ sáu của cõi hồng trần vũ trụ, và tạo thành toàn bộ chất lỏng của thể xác Thượng Đế. Khi điều này được hiểu rõ thì công việc của tinh hoa chất thiên thần sẽ chiếm đúng chỗ; yếu tố của dục vọng, hay của hoạt động cảm dục, và tác động phản xạ của nó trên thể xác xuyên qua cõi phụ thứ sáu sẽ trở nên rõ ràng và Đại Mẫu sẽ được thấy bị lôi cuốn một cách tích cực, dưới ảnh hưởng của dục vọng, trong việc kiến tạo, nuôi dưỡng và tạo ra hơi ấm và ẩm ướt giúp cho sự biểu lộ xảy ra. Ngôi Mẹ là vị thần lớn nhất trong số các devas và có liên kết chặt chẽ với các thủy thần, vì sự ẩm ướt (moiture) đủ loại rất cần thiết cho mọi sự sống.
Các thiên thần hoạt động của cõi dĩ thái thứ tư vũ trụ, vào đúng lúc, sẽ thể hiện thiên cơ trong sự hoàn thiện không lệch lạc nhờ môi trường vật chất linh hoạt của các devas cấp thấp của cõi chất lỏng hay cõi cảm dục. Khi họ đã thực hiện xong điều này, thì hai kết quả sẽ được nhận thấy: thứ nhất, cõi cảm dục sẽ hoàn toàn phản chiếu cõi bồ đề, và thứ hai, kết quả của điều đó sẽ là cõi trần sẽ tạo ra hiện thể chính xác cần thiết cho sự biểu lộ tiểu thiên địa hoặc đại thiên địa qua mãnh lực của nước, hay dục vọng.
Mọi điều này đều được mở ra cho các nhà huyền bí học trong biểu tượng học về hệ tuần hoàn trong con người. Giống như hệ thống máu, với hai loại vận hà của nó (động và tĩnh mạch) và hai loại nhà kiến tạo (hồng và bạch huyết cầu), được khảo cứu theo quan điểm huyền môn, nhiều điều sẽ được xác định có bản chất cách mạng. Các định luật về con đường thoát ra, và về con đường trở lại, với hai nhóm có các sự sống deva liên quan trong đó sẽ được con người hiểu rõ. Thêm một gợi ý nữa có thể được đưa ra ở đây. Trong thể xác của con người có liên quan với hệ tuần hoàn, trong ba yếu tố – tim, động mạch và tĩnh mạch –, chúng ta tìm thấy manh mối cho ba loại thiên thần, và cũng cho tam giác thái dương hệ mà chúng tượng trưng, và sau đó, cho ba cách biểu lộ thiêng liêng. Có một hệ tuần hoàn hành tinh, cũng như một hệ tuần hoàn thái dương, và nó được xúc tiến qua môi trường của thần chất ở khắp nơi, về mặt đại thiên địa cũng như tiểu thiên địa.
Các devas thuộc cõi phụ thứ sáu của cõi trần có thể được chia thành ba nhóm, rồi các nhóm này lại chia thành 7 và thành 49, thế là tương ứng với tất cả các nhóm trong thái dương hệ.
Trong bản chất chủ yếu của chúng, các nhóm này đáp ứng với những gì “vốn nằm ở trên nhiều hơn những gì vốn nằm bên dưới”, đó chỉ là một cách diễn tả theo huyền môn mối liên hệ có bản chất mật thiết giữa các hỏa thần với các thủy thần, và một phủ nhận về sự liên hệ chặt chẽ giữa các thủy thần với địa cầu. Diễn tả về mặt huyền linh, qua tác động của các hỏa thần, các thủy thần tìm được sự giải thoát.
Các thủy thần tìm cho chính họ con đường phụng sự trong công việc to tát của họ là nuôi dưỡng mọi sự sống thực vật và động vật trên hành tinh; mục tiêu đối với họ là để nhập vào nhóm thiên thần cao cấp hơn mà chúng ta gọi là các khí thiên thần (gaseous devas) hay hỏa thần (fire devas). Qua tác động của lửa của họ lên nước, các thần này tạo ra trình tự bay hơi, ngưng tụ và cuối cùng kết tủa (precipitation, đột hiện) – qua hoạt động không ngừng của nó – sẽ bảo dưỡng mọi sự sống trên địa cầu. Như thế, một lần nữa, có thể thấy các định luật bác ái tâm linh đang tác động trong giới thiên thần, cũng như trong giới nhân loại; trước tiên, sự triệt thoái hay rời khỏi của đơn vị ra khỏi nhóm (được gọi là biệt ngã hóa nơi con người, và bay hơi trong lĩnh vực nước). Kế đến sự ngưng tụ (condensation) hay là sự hỗn hợp của đơn vị với một nhóm mới hơn hay là cao hơn, chúng ta gọi điều này là ngưng tụ đối với các thủy thần và sự khai mở (initiation, điểm hóa) trong con người; sau cùng, sự hy sinh của nhóm các nguyên tử nhân loại hay thiên thần cho cái tốt lành của tổng thể. Như thế, định luật phụng sự và hy sinh chi phối mọi khía cạnh thiêng liêng thứ yếu trong tất cả các phần hành của nó lớn hoặc nhỏ. Đó là thiên luật......... 903 (1)
Trong trường hợp của các devas, tình thương là làm tròn thiên luật mà không đau khổ hoặc phiền não. Đó là con đường dễ nhất đối với họ, vì họ là trạng thái mẹ, phương diện âm của biểu lộ, và con đường dễ dàng cho họ là cống hiến, bảo dưỡng và chăm sóc. Vì lẽ đó, các thủy thần tự hiến mình cho việc phụng sự giới thực vật và động vật, đồng thời trong các lửa chuyển hóa, tất cả những gì nắm giữ chúng trên cõi phụ thứ sáu, sau rốt sẽ bị vượt qua, và nhờ “sự chưng cất và bay hơi” huyền bí, các devas này sau rốt sẽ hợp thành một phần của nhóm hơi lửa và trở thành các luồng hỏa vốn là nền tảng của siêu chuyển thiêng liêng (divine alchemy).
Nói một cách tổng quát, nên nhớ rằng thần đất (earth devas) của vật chất trọng trược nhất, vào đúng diễn trình tiến hóa, trở thành các thủy thần (devas of the waters), và sau rốt tìm con đường của họ tiến lên cõi cảm dục, tức chất lỏng vũ trụ; thủy thần của cõi trần tìm con đường của họ, qua việc phụng sự, tiến lên cõi phụ chất hơi và kế đó đến chất hơi vũ trụ, trở thành devas của cõi trí. Theo nghĩa đen và về mặt huyền linh, điều này tạo thành sự chuyển hóa của dục vọng thành tư tưởng.
Sau rốt, các thiên thần chất hơi (gaseous devas) trở thành devas của dĩ thái thứ tư, và từ đó, trong các vô lượng thời dài, tìm con đường của họ tiến đến chất dĩ thái thứ tư của vũ trụ, tức cõi bồ đề. Do đó, về mặt vũ trụ, cả ba nhóm này đều có liên hệ với :
1. Cõi cảm dục vũ trụ và chòm sao mà từ đó các năng lượng tình cảm và dục vọng phát xuất.
2. Cõi trí vũ trụ, và do đó với chòm sao Sirius (Thiên Lang).
3. Cõi bồ đề vũ trụ và chòm sao Pleiades (Tua Rua).
Như vậy toàn bộ diễn trình có thể được thể hiện, nếu con người cẩn thận nghiên cứu bản thể của chính mình và luật tương đồng.
3. Các devas của cõi phụ chất hơi. Khi bàn đến các tinh linh (elementals) hay là các devas cấp thấp, dưới quyền các devas điều khiển của nhóm rộng lớn này, chúng ta đang bàn đến các hỏa thần (devas of fire) và bàn đến các hỏa tinh linh (fiery essences) có bản chất thiết yếu mà có thể được thấy biểu lộ trong vô số hình hài. Một vài tế phân của nhóm này mà các nhà nghiên cứu biết đến như là :
Các Salamanders hay là các sinh vật chịu lửa (fiery lives) mà những nhà có nhãn thông nhìn thấy chúng đang nhảy nhót trong các ngọn lửa của lò sưởi hoặc của hỏa sơn; nhóm này có thể được chia thành bốn nhóm nhỏ tùy theo màu sắc – đỏ, cam, vàng, tím – nhóm cuối cùng rất gần với các devas của dĩ thái thứ tư.
Các Agnichaitans; đây là một thuật ngữ áp dụng cho các sinh vật chịu lửa (sinh vật nại hỏa), vốn là toàn thể vật chất của cõi, như đã thấy ở phần thứ nhất của bộ luận này và cũng áp dụng cho các tinh hoa bé tí vốn tạo thành lửa của biểu lộ. Khi bản chất của điện ở cõi trần được tìm hiểu và nghiên cứu, và tình trạng đích thực của nó được hiểu rõ, bấy giờ, thực tại về sự sống của các agnichaitans này sẽ lộ ra (905).
Khi nhân loại trở nên có nhãn thông, khi chắc chắn việc đó sẽ diễn ra ở mức độ lớn trước cuối căn chủng này, các devas của chất hơi này sẽ hiển lộ, và con người sẽ hiểu rằng họ đang hoạt động với các sinh linh chịu lửa và rằng chính họ có liên kết chặt chẽ với các sinh linh này qua các luồng hỏa của các thể của chính họ. Nhãn thông vốn ở trong tiến trình phát triển trong căn chủng này thì hoàn toàn thuộc cõi trần, và, theo thiên luật, sự phát triển của nó phải được báo trước, vì căn chủng Aryan là loại căn chủng mà trong đó con người – trong cuộc tuần hoàn thứ tư này – tiến đến chỗ có ngã thức đầy đủ. Điều này bao hàm nhãn thông hồng trần đầy đủ, và việc sử dụng một cách hoàn hảo ba giác quan hồng trần là thính giác, xúc giác và thị giác.
Các agnichaitans của cõi phụ thứ ba này đặc biệt chịu ảnh hưởng của năng lượng Saturne (Thổ Tinh). Các thần này là các tác nhân dung hợp (fusers) lớn của vật chất và chính do liên hệ với họ mà sự chuyển hóa của các kim loại mới có thể xảy ra. Các thần này có liên hệ với giới khoáng chất tương tự với những gì mà các thủy thần đang có với giới thực vật và động vật.
Như người ta thấy rõ, họ có liên quan với trung tâm lực cổ họng của một Hành Tinh Thượng Đế và của một Thái Dương Thượng Đế, và chính nhờ hoạt động của họ mà sự truyền chuyển âm thanh qua không khí mới có thể xảy ra. Điều đó có thể làm kinh ngạc các nhà nghiên cứu và nhà phát minh chỉ khi nào họ hiểu rằng sự phát triển nhanh chóng hiện nay của phương tiện liên lạc vô tuyến ở mọi nơi là do hiện tượng lao vào tiếp xúc với rung động con người của một nhóm các sinh linh hỏa thiên thần (fiery deva lives) mà từ trước đến giờ chưa được tiếp xúc (906).
Giống như mỗi cõi chính có bảy cõi phụ, cũng thế mỗi cõi phụ có thể được chia nhỏ, như vậy tạo thành 49 luồng hỏa trên mỗi cõi chính, hay là 343 luồng hỏa của thái dương hệ. Nơi đây có thể thấy manh mối cho cái bí ẩn của “cõi thứ tư giữa ba cõi” (“fourth between the three”) mà đôi khi đã làm cho các nhà nghiên cứu về các kinh sách huyền linh học phải bối rối. Có nhiều cách hiểu các con số này, số 343, nhưng chỉ có phương pháp huyền linh học mới có thể được ám chỉ ở đây, cách này nằm trong nhận thức về ba cõi cao, ba cõi thấp, cõi tiếp giáp thứ tư giữa chúng. Cõi thứ tư này, về mặt huyền linh được gọi là “chỗ gặp gỡ” (“the meeting place”). Khi người ta nhớ rằng mục tiêu đối với các thiên thần chất khí là chất dĩ thái thứ tư của vũ trụ hay là cõi bồ đề và rằng các thần này (trong các nhóm chính và phụ của họ) là các lửa bên trong của đại thiên địa và tiểu thiên địa, một số ý tưởng có thể nhận được về ý nghĩa thực sự của sự nhất quán cuối cùng giữa hai đường tiến hóa vì mục tiêu cho con người cũng là cõi bồ đề.
Hiện nay, con người có ý thức đầy đủ, qua giác quan này hoặc giác quan khác của mình, trên ba cõi phụ thấp; có dự kiến rằng con người sẽ hoàn toàn có ý thức trên bốn cõi phụ cao. Điều này phải được thể hiện bằng sự kích hoạt của thần chất đang tạo nên các thể của con người. Điều này sẽ được hoàn thành nhờ ý chí năng động của các thiên thần truyền dẫn (transmitting devas) vì các thần này cung cấp năng lượng (energise, kích hoạt) các thiên thần điều khiển (manipulatory devas), và như thế tác động đến vô số các sự sống thứ yếu đang tạo thành cơ thể của con người, và cũng bằng một sự đáp ứng ngày càng tăng của con người nội tâm hay là chủ thể suy tưởng đối với sự tiếp xúc được tạo ra trên cơ thể y. Việc hiểu biết gia tăng này sẽ xảy ra bằng sự năng động của vòng xoắn ốc thứ năm, bằng việc khai mở của cánh thứ năm trong hoa sen Chân Ngã và bằng việc mở ra từ từ của con mắt thứ ba qua hoạt động khơi hoạt và đồng nhất của năm yếu tố: bí huyệt ở đáy xương sống, ba vận hà trong cột sống và tùng quả tuyến.
Tất cả các yếu tố này đều liên quan đến hoạt động của tinh hoa chất thiên thần cộng thêm sự hiểu biết theo sau đó của chủ thể suy tưởng. Điều này sẽ được noi theo bằng việc sử dụng hữu thức các năng lực mới được khơi hoạt. Bằng cách này mối tương quan chặt chẽ và sự tương thuộc của hai đường tiến hóa sẽ trở nên lộ rõ một cách tuyệt diệu.
Thứ hai, vào lúc này Đức Mahachohan đang hoạt động một cách đặc biệt (đồng hợp tác với Đức Manu), với các devas của cõi phụ chất hơi; điều này có liên hệ với công việc hủy diệt mà các Ngài phải thực hiện vào cuối căn chủng này, để giải thoát Tinh Thần ra khỏi các hình hài đang siết chặt.
Do đó tác động hỏa sơn có thể được hy vọng, đang được chứng minh trong các địa điểm bất ngờ, cũng như bên trong phạm vi của các vùng có động đất và hỏa sơn hiện nay. Sự xáo động trầm trọng có thể chờ đợi ở California trước cuối thế kỷ, và ở Alaska cũng thế.
+ Đức Văn Minh Bồ Tát: Công việc của Đức Văn Minh Bồ Tát cũng có thể được nhìn thấy với hiệu quả là các devas của hỏa xà đang được tạo ra trên con người. Các thần này là một nhóm các Agnichaitans đặc biệt, họ đạt tới một giai đoạn tiến hóa cho phép bản thể (being) của họ tách ra khỏi nhóm của họ đi vào một nhóm có liên hệ với một luồng hỏa nào đó trong các thể của con người. Nhờ bởi hoạt động hiện tại của nó và hướng của hoạt động đó, luồng hỏa này chịu trách nhiệm cho phản ứng chống lại sự phối hợp thể chất (physical marriage) và cho ước muốn hiện rõ của những người tiến hóa cao ở mọi nơi để né tránh liên hệ hôn nhân, và giới hạn chính họ vào việc sáng tạo trên cõi trí hoặc cõi cảm dục. Điều này là do khuynh hướng hiện tại của các thiên thần điều khiển của các cơ quan sinh sản hạ đẳng muốn tìm bí huyệt cổ họng và hoạt động ở đó, vận dụng sức mạnh của luồng hỏa xà để tạo ra việc đó. Mọi điều này đều ở dưới luật tiến hóa, nhưng trong thời gian chuyển tiếp giữa nhân với quả được biện minh, nhiều tổn hại, né tránh thiên luật, tất nhiên là gây đau khổ có thể được nhìn thấy. Do đó, nhờ phản ứng dữ dội vào lúc này chống lại với các định luật bảo vệ của nền văn minh, có quyết định rằng bản chất và chức năng của các devas phải được phần nào tiết lộ cho con người, và vị trí của các thần đó trong cơ tiến hóa, sự liên hệ chặt chẽ của con người và sự lệ thuộc vào họ, phải được kết thúc ( ). Đồng thời, phương tiện mà nhờ đó họ có thể được tiếp xúc và các ngôn từ mà nhờ đó họ có thể được kiềm chế, sẽ được giữ lại.
Sự lơ là (laxness) trong liên hệ hôn nhân, do mối nguyên nhân đặc biệt này, chỉ được nhìn thấy trong số những người tiến hóa cao và trong số các tư tưởng gia độc lập của nhân loại. Sự lơ là tương tự ở trong quần chúng và các hạng người thấp kém của nhân loại, được dựa vào một lý do khác, và quan hệ bừa bãi (promiscuity) của họ là do một vài phát triển của bản chất con vật trong biểu lộ thấp nhất của nó. Hai nguyên nhân này sẽ chịu sự duyệt xét của những người có nhu cầu hiện tại của nền văn minh đích thực. Lúc bấy giờ họ có thể hợp tác với Đức Mahachohan trong công việc để thực hiện sự chuyển tiếp thần lực rất cần thiết từ một trung tâm thấp đến một trung tâm cao, và ngăn chận (nhờ sự hiểu biết) sự phóng túng có thể xảy ra. Điều này sẽ mang lại việc khước từ làm hoen ố tình thương cao cả hay là sự thôi thúc về phái tính đối với thiên nhiên.
Cung nghi lễ thường được gọi là “nghi thức hôn phối của Con”, bởi vì Tinh thần và vật chất có thể đáp ứng và hợp nhất trên cung này. Sự kiện này cũng sẽ được ghi nhớ trong một trăm năm tới đây, vì chúng sẽ chứng kiến các thay đổi lớn trong các luật hôn nhân. ...... Thế hệ đang lên sẽ được giảng dạy và bảo vệ thích đáng, còn hôn nhân thiếu suy tính, vội vã, sẽ không được phép, những kẻ vị thành niên cũng sẽ không được phép đi vào bổn phận hôn nhân một cách thiếu suy nghĩ. Không cần bàn rộng thêm về đề tài này, vì trong khi giải quyết các vấn đề của chính họ, con người trở nên thông thạo, và tất cả những ai ở trên khía cạnh nội môn đều được phép làm để đưa ra một ngụ ý hoặc một chỉ dẫn.
Vào lúc này, một khía cạnh khác của công việc của Đức Mahachohan là liên kết với âm thanh, và do đó với các devas đặc biệt mà chúng ta đang xem xét. Do sự quản lý kém của con người, và sự phát triển thiếu cân bằng của họ, các âm thanh của địa cầu, như là các âm thanh của các thành phố lớn, của các nhà máy, và của các công cụ về chiến tranh, đã mang lại một tình trạng rất hệ trọng trong số các thiên thần chất khí. Điều này phải được hóa giải bằng cách nào đó và các nỗ lực tương lai của nền văn minh sẽ được hướng về phía mở rộng sự cải tổ chống lại các tệ trạng của cách sống chen chúc và .... loại bỏ tiếng ồn, do sự nhạy cảm ngày càng tăng của nhân loại. ..... Điều này sẽ có một tác động mạnh không những trên con người mà còn trên các devas.
c/ Các Elementals của các Dĩ thái chất.
Giờ đây, chúng ta hãy xem xét các cõi phụ dĩ thái của cõi trần tức là bốn cõi phụ cao nhất của cõi trần. Các phân cảnh dĩ thái này chỉ là các mức độ của vật chất cõi trần thuộc loại loãng hơn và được thanh luyện hơn, nhưng dù sao đi nữa vẫn thuộc cõi trần. Trong số các sách giáo khoa, chúng được gọi là:
1. Dĩ thái thứ nhất, hay vật chất-nguyên tử (atomic matter).
2. Dĩ thái thứ hai, hay vật chất-hạ-nguyên tử (sub-atomic matter).
3. Dĩ thái thứ ba, hay vật chất siêu-dĩ thái (super-etheric matter).
4. Dĩ thái thứ tư, hay vật chất dĩ thái đơn thuần.
Dĩ thái thứ tư, cho đến nay là chất dĩ thái duy nhất được các nhà khoa học nhận biết, và là chủ đề của việc tìm kiếm hiện tại của họ, mặc dù họ có thể hiểu chút ít về nó.
Các vi tử thường tồn hồng trần của tất cả nhân loại đều ở trên cõi phụ nguyên tử cũng như các nguyên tử chuyên dụng (appropriated atoms) của giới thiên thần. Các devas không phát triển như nhân loại đang làm. Họ hóa nhập (reincarnate) trong các nhóm, chớ không với tư cách các cá nhân, dù mỗi nhóm được tạo bằng nhiều đơn vị và không có chút gì thuộc bản chất của hồn khóm giáng hạ tiến hóa.........
Có nhiều loại sự sống cần được tiếp xúc trên bốn cõi phụ dĩ thái, nhưng hiện nay, chúng ta chỉ có thể quan tâm đến sự sống thiên thần, nên nhớ rằng cơ tiến hóa thiên thần thì quan trọng ngang với cơ tiến hóa nhân loại. Các thiên thần thì nhiều vô số, đều có bản chất tiến hóa giáng hạ lẫn tiến hóa thăng thượng, và thuộc mọi đẳng cấp và chủng loại. Chưởng quản các thiên thần trên cõi trần là đại thiên thần Kshiti. Ngài là một deva có đẳng cấp và quyền năng ngang với một Chohan (Đế Quân) của một Cung. Ngài cai quản mọi sự việc ở ngoài giới nhân loại trên cõi trần, trong ban quản trị của Ngài, Ngài có bốn thần quân phụ tá (subordinate deva lords) của bốn cõi phụ dĩ thái. Với các devas phụ tá này, Ngài cai quản một hội đồng nhỏ hơn gồm bảy devas, họ vận dụng tất cả những gì liên quan đến cơ tiến hóa thiên thần và công việc của các thần tạo tác (builder) cấp cao lẫn thấp.
Thiên Thần Điều Hành (deva Ruler) của dĩ thái thứ tư hay dĩ thái thấp nhất đã ủy thác cho một thành viên thuộc ban điều hành của Ngài gặp một vài Chân Sư vào lúc này cho hai mục tiêu đặc biệt, thứ nhất là xét coi việc đem đến gần của hai đường lối tiến hóa, nhân loại và thiên thần, hiện nay có thể được phép thử nghiệm hay không, thứ hai là tiết lộ một vài phương pháp chữa trị và các nguyên nhân yếu kém về xác thân vốn có sẵn trong thể dĩ thái.
Các devas thuộc mọi thứ loại và sắc màu đều được tìm thấy trên các phân cảnh dĩ thái của cõi trần, nhưng màu thường gặp nhất là tím (violet), do đó mà có tên gọi rất thường dùng là “thiên thần bóng tối” (“devas of the shadows”). Cùng với sự tiến nhập của Cung nghi thức thuộc màu tím, do đó chúng ta có sự khuếch đại của rung động tím, luôn luôn có sẵn trên các phân cảnh này, và do đó có nhiều cơ hội để tiếp xúc giữa hai giới. Chính trong việc phát triển nhãn thông (vision) dĩ thái (vốn là một khả năng của con mắt xác thịt của con người) chớ không phải bằng nhãn thông khá cao (clairvoyance) mà việc thông hiểu lẫn nhau (mutual apprehension) này sẽ trở nên có thể xảy ra. Với sự tiến nhập cũng của Cung này mà những người thuộc về cung đó sẽ đạt được một năng khiếu tự nhiên, đó là thấy được chất dĩ thái.
Trẻ con được sinh ra sẽ thường thấy được chất dĩ thái một cách dễ dàng như người bình thường thấy được chất hồng trần. Khi các tình trạng hài hòa dần dần phát triển thoát ra khỏi tình trạng hỗn mang hiện tại trên thế giới, các thần và người sẽ gặp gỡ như những người bạn.
Khi hai cõi, cảm dục và hồng trần, hòa nhập và phối hợp lại, sự liên tục về tâm thức được trải qua trên cả hai cõi, sẽ khó cho con người phân biệt trước tiên giữa các devas của cõi cảm dục với các devas của cõi trần. Khi bắt đầu, giai đoạn nhận thức này, con người sẽ phần lớn tiếp xúc với các thiên thần tím (violet devas), vì các cấp đẳng cao trong số các thiên thần màu tím đều rõ rệt cố gắng tiếp xúc với con người. Các thiên thần bóng tối này đều có màu tím sẫm trên phân cảnh dĩ thái thứ tư, có màu tím nhạt, nhiều màu tương tự như tím trên cõi phụ dĩ thái thứ ba, màu tím rất nhạt (light violet) trên cõi phụ dĩ thái thứ hai, trong khi trên cõi phụ nguyên tử (tức cõi phụ dĩ thái thứ nhất -ND) các thần lại có màu oải hương đục mờ lộng lẫy (glorious translucent lavender).
Một số nhóm devas tiếp xúc được trên cõi trần gồm:
Bốn nhóm devas tím, kết hợp với các thể dĩ thái của tất cả những cái hiện hữu trên cõi trần. Bốn nhóm này gồm hai phân chi, các phân chi này kết hợp với việc kiến tạo các thể dĩ thái, và các phân chi mà nhờ có chất liệu của họ, các thể dĩ thái mới được tạo ra.
Các devas xanh lục của giới thực vật. Các devas này cũng có hai phân chi. Họ ở trình độ phát triển cao và sẽ được tiếp xúc phần lớn theo các đường lối từ điển. Các devas cao cấp hơn thuộc đẳng cấp này cai quản các vị trí từ điển của địa cầu, bảo vệ sự cô tịch (solitude) của các khu rừng, dành riêng các không gian nguyên vẹn trên hành tinh vốn cần phải giữ bất khả xâm phạm; các thần này bảo vệ các địa điểm đó khỏi sự quấy rầy, và với các devas tím lúc này đang hoạt động một cách rõ ràng, dù là tạm thời, dưới quyền Đức Di Lặc (Lord Maitreya). Vị Thần Quân (Raja Lord, Thần Chủ Quản) của cõi cảm dục, tức Varuna, và huynh đệ của Ngài là Kshiti, đã kêu gọi Hội Đồng Huyền Linh của Thánh Đoàn để tham vấn đặc biệt, và giống như các Chân Sư đang nỗ lực để chuẩn bị nhân loại cho việc phụng sự khi Đức Chưởng Giáo tái lâm, cũng thế, các Thần Quân này theo các đường lối tương tự liên quan đến các devas. Các Ngài dũng cảm trong công việc của Các Ngài, có nhiệt tâm mạnh mẽ, nhưng gặp nhiều trở ngại do con người.
Các bạch-thần (white devas) của không khí và nước, đang cai quản khí quyển, các thần này hoạt động với vài trạng thái của hiện tượng điện, và đang kiểm soát các biển, các sông và các dòng suối. Ở một giai đoạn nào đó trong diễn trình tiến hóa của các Ngài, từ trong các Ngài, các thiên thần bảo vệ của nhân loại được tập hợp lại khi đang lâm phàm ở cõi trần. Mỗi thành phần của gia đình nhân loại đều có thiên thần bảo vệ (guardian deva) của mình.
Mỗi nhóm devas đều có phương pháp phát triển đặc thù nào đó và một số phương tiện mà theo đó các Ngài tiến hóa và đạt mục tiêu riêng biệt.
Đối với thiên thần màu tím, con đường thành đạt trải dài qua cách cảm nhận (feeling) và qua việc rèn luyện nhân loại trong việc làm hoàn thiện xác thân ở hai lĩnh vực.
Đối với thiên thần màu xanh lục, con đường phụng sự lộ ra trong việc từ hóa/ lôi cuốn (magnetisation), mà cho đến nay, nhân loại chả biết tí gì về việc đó. Qua quyền năng này, các Ngài hành động như là các tác nhân bảo vệ của đời sống thực vật và bảo vệ các địa điểm linh thiêng của địa cầu. Trong công việc của các Ngài có ẩn tàng sự an toàn cho sự sống con người, vì đối với phần còn lại của cuộc tuần hoàn này, việc nuôi dưỡng con người xuất phát từ giới thực vật.
Đối với thiên thần màu trắng, con đường phụng sự nằm trong việc bảo vệ các cá nhân của gia đình nhân loại, chăm sóc và phân chia các kiểu mẫu, kiểm soát các tinh linh của nước và không khí, và nhiều điều có liên quan đến giới (loài) cá.
Như vậy việc phụng sự nhân loại ở một số hình thức này hoặc hình thức khác có ẩn tàng việc thành đạt đối với các thiên thần thuộc cõi trần này. Các thần này có nhiều điều cần cống hiến và làm cho nhân loại, và vào đúng lúc, điều trở nên rõ ràng cho từng con người đó là những gì mà con người đưa ra cần phải hướng tới sự hoàn thiện của giới thiên thần. Một sự hối thúc lớn lao về sự tiến hóa của các thiên thần hiện đang diễn tiến trùng hợp với sự tiến hóa của nhân loại.
Có một nhóm devas khác mà cho đến nay có nhiều điều không thể được truyền đạt về nhóm này. Họ đã đến từ một hành tinh hệ khác, và là các nhà chuyên môn theo đường lối riêng biệt của họ. Họ đã đạt đến hay đã trải qua giới nhân loại, và có cấp đẳng ngang bằng một số thành viên của Thánh Đoàn, đã chọn để ở lại và làm việc có liên quan đến sự tiến hóa cõi trần. Các thần này không có nhiều, chỉ có mười hai vị.
Bốn vị làm việc trong nhóm thiên thần màu tím, năm vị hoạt động trong nhóm xanh lục, còn hai vị trong nhóm màu trắng, với một thần cai quản có cấp bậc ngang với một Chohan (Đế Quân, sáu lần điểm đạo – ND). Con số của cuộc tiến hóa thiên thần là sáu, cũng như con số cuộc tiến hóa con người hiện giờ là năm, và vì số mười tượng trưng cho con người hoàn thiện, thế nên số mười hai tượng trưng cho sự hoàn thiện trong giới thiên thần. Nhóm này (12 vị thần nói trên – ND) cai quản ba nhóm thiên thần có màu đã nói ở trên. Một số phụ thuộc gồm có :
Dưới quyền nhóm một là các elementals làm việc với các thể dĩ thái của con người, tất cả các elementals này tạo ra các thể dĩ thái mà trong đó là sự sống, và tất cả các elementals (tiểu thần, tinh linh) đều đang làm việc với các đối phần (counterparts) dĩ thái của cái được gọi là các đối tượng không linh hoạt/ vô tri giác (inanimate objects). Các đối tượng này được đặt tên theo cấp đẳng và tầm quan trọng của sự phát triển của họ. Các devas màu tím đang ở trên con đường tiến hóa thăng thượng; các elementals đang ở trên con đường tiến hóa giáng hạ, mục tiêu đối với các tiểu thần này là tiến vào giới thiên thần có màu tím.
Dưới quyền nhóm hai là các tiểu tiên (fairies) của sự sống cây cỏ, các thảo tinh linh (elves) đang nắn tạo và tô điểm (build and paint) loài hoa, các sinh linh bé nhỏ rạng rỡ này sống trong các khu rừng và các cánh đồng, các tinh linh tác động tới các loại quả trái, rau cỏ và với tất cả những gì đưa đến việc bao phủ mặt đất bằng cây xanh. Kết hợp với chúng là các devas có từ khí cấp thấp (lesser devas of magnetisation), các tiểu thần này gắn liền với các địa điểm Linh thiêng, với các linh phù và các linh thạch và cũng là một nhóm đặc biệt được tìm thấy chung quanh chỗ ở của các Chân Sư bất cứ nơi nào Ngài ở lại.
Dưới quyền nhóm ba là các tiểu thần/ tinh linh của không khí và biển, các phong tinh linh (sylphs), các thủy tiên (water fairies) và các devas bảo vệ mỗi con người.
Ở đây chỉ có các lời bóng gió khái quát được đưa ra. Danh sách này không đầy đủ và không bao gồm các elementals thô thiển (grosser), các tiên nữ phúc hậu (brownies) và các tinh linh sống trong các không gian tối tăm của địa cầu, các đô thị và các địa điểm dưới mặt đất của vỏ địa cầu.
Các devas của chất dĩ thái mang trên trán của họ một biểu tượng mờ nhạt có hình trăng lưỡi liềm, và do vậy họ có thể được phân biệt với các thiên thần cảm dục (astral devas) bởi người có nhãn thông.
Khi xem xét các devas dĩ thái, chúng ta thấy rằng một cách tự nhiên – khi nào xét về mặt biểu lộ - họ rơi vào hai nhóm chính. Mỗi nhóm được tiêu biểu trên mỗi một trong bốn cõi phụ, và việc tạo nhóm này phải được xét như là phương pháp phân biệt duy nhất trong số nhiều nhóm có thể có. Thứ nhất, các nhóm này là các devas nguyên là các tác nhân truyền prana đến mọi hình thức sự sống; các thần này là một nhóm các devas trung gian và có thể được xem như là các tác nhân cung cấp năng lượng trong các biến phân khác nhau của họ; thứ hai, các devas tạo ra các thể dĩ thái của mọi hình hài đang biểu lộ. Các thần này tạo ra đa số các devas cấp thấp.
Dĩ nhiên có nhiều sự thông minh có tổ chức khác nữa trong Đạo Quân Âm Thanh vĩ đại có liên quan với cách phân chia sơ đẳng của cõi trần, nhưng nếu môn sinh xem xét hai nhóm này và cố truy tìm mối liên hệ của chúng với con người và với Hành Tinh Thượng Đế mà chúng nằm trong cơ thể Ngài, y sẽ học hỏi nhiều điều giúp y hiểu được các vấn đề mà từ trước đến giờ được xem như nan giải, và sẽ tìm thấy nhiều điều được tiết lộ sẽ đưa tới cách mạng hóa các phát hiện của khoa học hiện đại, và mang lại các thay đổi trong việc chăm sóc thể xác.
Devas và Năng Lượng.
Trước khi xem xét hai nhóm này, ở đây, nên khôn ngoan mà nhấn mạnh điều cần thiết là nhớ lại rằng khi chúng ta nghiên cứu các cõi phụ dĩ thái của cõi trần, chúng ta đang bàn đến các cõi mà hình hài thực sự (true form) có trên đó, và đang tiến đến việc giải cái bí ẩn về Chúa Thánh Thần (Holy Spirit) và Đức Mẹ. Trong nhận thức này và mở rộng nó để bao gồm toàn bộ thái dương hệ, chúng ta sẽ tiến đến việc minh giải sự nối tiếp giữa bốn cõi cao của thái dương hệ với ba cõi thấp của nỗ lực con người. Trong đại thiên địa (macrocosm), chúng ta có bốn cõi của sự sống siêu thức, hay là bốn rung động chính yếu vốn là căn bản của sự sống và năng lượng của thể dĩ thái của một Hành Tinh Thượng Đế và của một Thái Dương Thượng Đế và ba cõi của sự sống hữu thức và của sự sống hữu ngã thức vốn hợp thành hiện thể vật chất trọng trược của Hành Tinh Thượng Đế và của Thái Dương Thượng Đế.
Bằng sự xem xét thật kỹ về các điều kiện này trong đại và tiểu thiên địa, chúng ta sẽ tiến đến hiểu biết về lý do tại sao thể xác không bao giờ được các nhà huyền linh học xem là một nguyên khí..............
Chỉ khi nào các nhà khoa học được chuẩn bị để chấp nhận sự thật rằng có một thể chứa sinh lực (body of vitality), thể này tác động như một điểm tập trung trong mọi hình hài có tổ chức, và chỉ khi nào họ sẵn sàng xem xét mỗi yếu tố và hình hài thuộc mỗi mức độ như là thành phần cấu tạo của một thể sinh lực còn vĩ đại hơn nữa, thì chừng đó các phương pháp đích thực của nữ thần vĩ đại Thiên Nhiên mới trở thành các phương pháp của họ. Muốn làm được điều này, họ phải được chuẩn bị để chấp nhận sự phân hóa bảy lần của cõi trần như huyền linh học Đông Phương đã nói, để nhận biết bản chất tam phân của biểu lộ thất phân.
a. Năng lượng nguyên tử hay năng lượng Shiva, năng lượng của cõi phụ thứ nhất hay cõi dĩ thái thứ nhất.
b. Năng lượng kiến tạo hình hài thiết yếu của ba cõi phụ dĩ thái tiếp theo sau.
c. Năng lượng thụ nhận âm tính của ba cõi thuộc hồng trần, đó là cõi chất hơi, cõi chất lỏng và cõi chất đặc thật sự.
........... Tất cả những gì đang biểu lộ (từ Thượng Đế đến con người)( ) đều là kết quả của ba kiểu mẫu năng lượng hay thần lực này, của kết hợp của chúng, sự tương tác của chúng và tác động với phản tác động về mặt thông linh của chúng. .......
Tôi chỉ bàn đến hai nhóm đang tạo thành “Đạo binh Thanh Âm” (“Army of the Voice”). Sở dĩ gọi thế là do sự kiện rằng, trong đoạn này chúng ta chỉ bàn đến đạo binh đó, hay là bàn đến các thần tạo tác, lớn lẫn nhỏ, họ bị lôi cuốn vào hoạt động khi Linh Ngôn (Word) của cõi trần được phát ra. “Các Thần Truyền Linh Ngôn” trên cõi phụ thứ nhất hay cõi phụ nguyên tử là những kẻ vận dụng rung động của âm thanh khi âm thanh đi đến họ từ cõi cảm dục và – chuyển nó qua thân thể của họ - phóng vào các cõi phụ còn lại. Với mục đích minh giải các Vị Thần Phát (Transmitters) này có thể được xem như gồm có bảy. Toàn thể các vị này hợp thành các thể nguyên tử hồng trần (atomic physical bodies) của Vương Thần Chủ Quản (Raja Lord) của cõi và theo một ý nghĩa huyền linh đặc biệt, bảy vị này hợp thành (trong các biến phân thấp của các Ngài trên các cõi phụ dĩ thái) toàn thể các trung tâm lực dĩ thái của tất cả nhân loại, giống như trên các cõi phụ dĩ thái vũ trụ có các trung tâm lực của một Hành Tinh Thượng Đế (920).
Sự tiếp nối giữa các trung tâm lực với chất dĩ thái, của thái dương hệ và của con người, mở ra một phạm vi rộng lớn cho tư tưởng..........
Thần Truyền Linh Từ vĩ đại trên cõi trần, vốn là vị thần mà chúng ta xem xét, chính là yếu tố truyền năng lượng của trung tâm lực cổ họng của Brahma. Một liệt kê lý thú về các trung tâm lực tam phân và ba trạng thái thiêng liêng có thể được nêu ra ở đây vốn có thể tỏ ra hữu ích đối với người nghiên cứu, dù y nên thận trọng ghi nhớ rằng các trung tâm lực này được dành cho mục đích phát ra và truyền chuyển năng lượng.
1. Thần truyền dẫn năng lượng trên cõi trần hợp thành trung tâm lực cổ họng trong cơ thể của Brahma, Ngôi Ba.
2. Thần truyền dẫn năng lượng trên cõi cảm dục hợp thành trung tâm lực tim của Brahma.
3. Thần Truyền Linh Ngôn trên cõi trí hợp thành trung tâm lực đầu của Brahma, Ngôi Ba.
Ba Vương Thần Chủ Quản, devas, hay Thần Truyền Dẫn, hợp thành ba trung tâm lực của Thượng Đế lực (logoic force) trong ba cõi thấp. Các Ngài là trạng thái năng lượng thấp nhất của Brahma.
4. Thần Truyền Linh Từ trên cõi Bồ đề hợp thành trung tâm lực cổ họng của Vishnu, Ngôi Hai. Từ cõi đó, Linh Từ phát ra vốn tạo thành hình hài vật chất trọng trược của một Hành Tinh Thượng Đế hoặc của một Thái Dương Thượng Đế.
5. Thần Truyền Dẫn Năng Lượng trên cõi Chân Thần hợp thành trung tâm lực tim của Vishnu, Ngôi Hai.
6. Thần Truyền Dẫn mãnh lực trên cõi Niết Bàn hợp thành trung tâm lực đầu của Vishnu.
Bảng liệt kê này sẽ làm rối trí các nhà nghiên cứu trừ phi người ta hiểu rằng ở đây chúng ta đang xem xét các trạng thái này chỉ với tư cách nhị nguyên và đang bàn đến một trong các thành phần nhị nguyên đó. Điều sẽ rõ rệt là trong trạng thái Vishnu, chẳng hạn, vốn biểu lộ trên cõi thứ nhì, năng lượng của cõi đó sẽ tác động như trung tâm lực đầu đối với các cõi nối tiếp, và nếu hiểu đúng, thì nhận thức này sẽ làm sáng tỏ các điều khác.........
Các nhà nghiên cứu cần nhớ kỹ khi nghiên cứu thái dương hệ, các cõi, các hành tinh hệ, con người và nguyên tử, đó là việc phân nhóm của các đường hoặc các dòng năng lượng trong các chu kỳ tiến hóa đương nhiên rơi vào bốn phân chia :
1/ 1 - 3 - 3; 2/ 4 - 3; 3/ 3 - 4; 4/ 3 - 1 - 3.
Cách chia 1 có thể được hiểu dưới định luật về các tương ứng khi bản chất của cõi nguyên tử của thái dương hệ, ba cõi dĩ thái vũ trụ, và ba cõi nỗ lực của con người được điều nghiên liên quan với nhau.
Cách chia 2 trở nên dễ hiểu hơn khi sự liên lạc chặt chẽ giữa bốn cõi dĩ thái vũ trụ và ba cõi thấp được hiểu rõ. Việc này có thể trở nên sáng tỏ bằng việc nghiên cứu về bốn chất dĩ thái hồng trần và ba cõi phụ thấp của cõi trần chúng ta.
Cách chia 3 có manh mối đối với bí ẩn của nó trong cấu tạo của cõi trí, với ba cõi phụ vô sắc tướng và bốn cõi phụ hữu sắc tướng của cõi đó.
Cách chia 4 có thể hiểu được khi người nghiên cứu đi đến việc hiểu biết về bản chất riêng của nó như là một Tam Thượng Thể Tinh Thần, một thể chân ngã và một con người tam phân hạ đẳng. Nhà nghiên cứu cũng có thể tiến tới phân chia thứ nhất một cách tương tự và xem chính mình như một mãnh lực đầu tiên hay Chân Thần, một mãnh lực tam phân hay Ego và một năng lượng tam phân hạ đẳng, hay là phàm ngã, nên nhớ rằng ở đây chúng ta chỉ bàn đến năng lượng sáng tạo và bàn đến trạng thái biểu lộ của Brahma khi trạng thái đó tự kết hợp với trạng thái Vishnu............
Các Thần Truyền Chuyển (Transmitters) Prana. Trong một đoạn trước của bộ luận này, chúng ta đã xét qua các devas vốn là các Thần Truyền Chuyển Prana cho thể dĩ thái của con người và của hành tinh. Các Thần này là hình ảnh trên cõi thấp nhất của trạng thái Vishnu của Đấng Thánh Linh (divinity); bảy cõi phụ của cõi hồng trần của chúng ta phản chiếu một cách mờ nhạt và lệch lạc ba trạng thái, và là một cái bóng, tối đen và không lộ ra của Đức Chúa (Godhead). Nhóm Thần Truyền Chuyển này chịu trách nhiệm cho ba hiệu quả chính và linh hoạt theo ba đường chính.
Họ là các thiên thần đem lại sinh khí và tạo ra năng lượng của mọi hình hài của sự sống có tri giác (sentient life). Sự sống của các Ngài là sự sống đang đập nhịp nhàng qua thể dĩ thái của mọi thực vật và động vật và của tất cả mọi hình thức trung gian của sự sống, và nó tạo thành ngọn lửa cuồng nhiệt vốn được thấy chạy quanh mọi thể dĩ thái. Giữa nhiều chức năng khác, các Ngài còn tạo ra hơi ấm của mặt trời và của mọi cơ thể; các Ngài là nguyên nhân của bức xạ thái dương, hành tinh và con người, đồng thời các Ngài nuôi dưỡng và bảo tồn mọi hình hài. Về mặt huyền linh, các thần này làm trung gian giữa Cha và Mẹ trên mỗi cõi, dù là vũ trụ hoặc thái dương hệ. Các Ngài xuất phát trong mặt trời, có liên kết chặt chẽ với bí huyệt đan điền của Thượng Đế và hành tinh, đối với diễn trình tiến hóa, cũng như trong mọi biểu lộ, là kết quả của dục vọng, tác động trên các năng lực sáng tạo và tạo ra những gì biểu lộ ra ngoại cảnh.
Các Ngài là các devas vốn cung cấp năng lượng/ kích hoạt vô số các sinh linh bé nhỏ, kiến tạo các thể dĩ thái của tất cả những gì thấy được và hữu hình, và các Ngài là các tác nhân khởi xướng (instigators) các tiến trình sáng tạo trên ba cõi phụ thấp nhất của cõi trần. Về mặt thái dương hệ, các devas dấn thân vào đường lối hoạt động này có thể được chia nhỏ thành hai nhóm:
a. Các devas hoạt động trên bốn cõi cao của thái dương hệ và từ đó ảnh hưởng xuống ba cõi thấp, tạo ra qua tác động phản xạ các kết quả mong muốn.
b. Các devas làm việc trong ba cõi nỗ lực của con người, tạo ra một cách trực tiếp biểu lộ hồng trần trọng trược.
Tất cả các thiên thần giữ nhiệm vụ truyền chuyển năng lượng trên cõi trần, đều tùy thuộc vào phân chi thứ hai được liệt kê ở trên, và tùy theo cõi phụ mà các thần này hoạt động trên đó ở dưới sự dẫn dắt của một vị thần thông tuệ cao cấp hơn trên cõi tương ứng.
Cũng có các devas tạo thành lực hút của mọi hình hài dưới nhân loại, giữ cho các hình hài của ba giới thấp của thiên nhiên ở tình trạng cố kết chung nhau, nhờ thế tạo ra thể biểu lộ của Đại Thực Thể Thông Linh vốn là toàn thể sự sống của giới và của các sinh linh kém cỏi hơn đang đem lại sinh khí cho các hệ tộc và các nhóm khác bên trong bất cứ giới đặc biệt nào.
Các devas của thể dĩ thái. Chủ đề mà hiện chúng ta đang bàn có liên quan đến các devas vốn là các thể dĩ thái của mọi vật đang hiện hữu. Do đó lúc nào cũng có lợi cho đạo sinh sáng suốt, vì việc đó làm hiện ra phương pháp mà nhờ đó mọi hình hài hiện ra trên cõi trần.
Không phải mục tiêu của bộ luận này là tìm ra cách xuất hiện của một hình hài như nó phát sinh trên cõi nguyên hình (xin xem lại định nghĩa của cõi này ở trang 397 – ND), qua môi giới/ phương tiện (agency) của tư tưởng thiêng liêng và từ đó (qua các dòng năng lượng thông tuệ có điều khiển) thu được loại vật chất như nó đã sản xuất ra trên mỗi cõi, cho đến khi sau rốt (trên cõi trần) hình hài bộc lộ ra ở mức độ biểu lộ trọng trược nhất của nó. Cho đến nay, không có một hình hài nào được hoàn hảo, và chính vì sự kiện này mà cần phải có sự tiến hóa theo chu kỳ, và việc sản xuất các hình hài liên tục cho đến khi chúng đạt gần được giống như thật trong thực tế và trong hành động. Phương pháp tạo ra hình hài có thể được liệt kê như sau (926):
VIỆC TẠO RA HÌNH HÀI (Form production)
1. Tư tưởng thiêng liêng ........... Cõi trí vũ trụ
2. Ước muốn thiêng liêng ........ Cõi cảm dục vũ trụ
3. Hoạt động thiêng liêng ........ Cõi hồng trần vũ trụ
(7 cõi thuộc thái dương hệ của chúng ta).
+ Linh Khí Thượng Đế… Cõi thứ nhất … Âm A (70)
[(70)- Sức mạnh của một thần chú tùy thuộc vào mức tiến hóa của người vận dụng nó. Khi được phát ra bởi một người thông thường, nó dùng để kích thích phần tốt lành bên trong các thể của y, bảo vệ y, và nó cũng sẽ chứng tỏ ảnh hưởng có lợi lên chung quanh người này. Khi được phát ra bởi một adept hoặc điểm đạo đồ, năng lực của nó đối với sự tốt lành càng rõ rệt và có ảnh hưởng sâu rộng.
Có nhiều loại thần chú và nói chung có thể liệt kê như sau:
1. Một số thần chú rất huyền bí, có trong tiếng Senza nguyên thủy, dưới sự giám sát của Thánh Đoàn (Great White Lodge).
2. Một số thần chú bằng tiếng Bắc Phạn được các điểm đạo đồ và các adepts sử dụng.
3. Các thần chú có liên quan với các Cung khác nhau.
4. Các thần chú dùng trong việc chữa bệnh.
5. Các thần chú dùng trong các phần hành của hoặc là Đức Bàn Cổ (Manu), Đức Bồ Tát hoặc Đức Mahachohan.
6. Các thần chú được dùng có liên quan với các thiên thần và các giới tinh hoa chất (elemental kingdom).
7. Các thần chú đặc biệt có liên quan với lửa.
Tất cả các thần chú này có được sức mạnh của chúng là tùy thuộc vào âm thanh và tiết điệu và tùy thuộc sự nhấn mạnh vào âm tiết được truyền cho chúng khi phát ra và ngân lên (intoning). Chúng cũng tùy thuộc vào năng lực của người sử dụng chúng để hình dung (visualise) và để mong mỏi (will) hiệu quả muốn có được]
Đây là sự xuất hiện đầu tiên bằng dĩ thái của thái dương hệ trên cõi phụ nguyên tử của cõi hồng trần vũ trụ. Các mầm sự sống hoàn toàn còn tiềm tàng. Năng lực vốn có từ tinh hoa thái dương hệ trước.
Linh Âm Thượng Đế … Cõi thứ nhì … Âm A U
Đây là thể xác (body) của thái dương hệ trong chất dĩ thái thứ hai. Cõi này là cõi nguyên hình (archetypal plane). Các mầm sự sống đang rung động hay đang nảy sinh. Bảy trung tâm năng lượng lộ rõ. Vị deva duy nhất được nhìn thấy dưới hình thức bảy. Giờ đây hình hài có khả năng hoàn hảo một cách tiềm năng.
Linh Ngôn tam phân của Thượng Đế... Cõi thứ ba... Âm A U M.
Thể xác của thái dương hệ bằng vật chất của cõi dĩ thái thứ ba được nhìn thấy và ba chức năng dưới hình thức một. Năng lượng tam phân của Thượng Đế được phối kết, và giờ đây không gì có thể cản trở công việc tiến hóa. Ba nhóm devas đều linh hoạt, và hình tướng nguyên hình đang ở trong diễn trình cụ thể hóa (materialization, xuất hiện).
Linh từ Thượng Đế thất phân… Cõi thứ tư… Linh Ngôn bảy vần. Các trung tâm dĩ thái của Thượng Đế trở nên linh hoạt.
Thể dĩ thái của thái dương hệ giờ đã đầy đủ, dù nó sẽ không được hoàn chỉnh cho đến cuối kỳ khai nguyên nữa. Thể sinh lực vĩ đại đã sẵn sàng đem lại sinh lực cho thể xác trọng trược. Bảy trung tâm lực với bốn mươi chín cánh hoa chính của chúng trở nên rung động, và tâm thức rung động nhẹ qua mọi nguyên tử trong thái dương hệ. (927)
Một thời gian tạm nghỉ xảy ra ở giai đoạn phát triển này; trong giai đoạn đó các tiến trình phối kết và ổn cố được xúc tiến;....... Lý do có rất nhiều người thất bại trong việc thể hiện ý niệm của họ, và do đó được kể như thất bại là do sự kiện về sự bất lực của họ khi tạo ra một cố gắng được áp dụng có kết hợp, và như vậy khởi động vật chất thuộc ba cõi phụ thấp của cõi trần. Họ thành công trong việc đưa quan niệm của họ vượt qua từ cõi trí (như Thượng Đế đang làm trên các mức độ vũ trụ) cho đến tận phân cảnh dĩ thái thứ tư của cõi trần, và nơi đó năng lượng của họ trở nên cạn kiệt do ba sự việc:
a. Thiếu ý chí chịu đựng hay tập trung,
b. Thiếu sự chỉnh hợp với Chân Ngã,
c. Yếu đuối trong việc phối kết giữa hai phần của thể xác.
Cụm Từ của Thượng Đế ..... Cõi thứ 5 ..... Cõi của thần chú Thượng Đế với 35 câu kinh. Thể chất hơi.........
Đối với những người không sáng tạo gì cả, mà họ chỉ bị lôi cuốn vào hành động dưới sự thôi thúc của hoàn cảnh – và những người này chiếm đa số của nhân loại – cần nêu ra rằng họ là thành phần của hoạt động sáng tạo của một số lớn thực thể tiến hóa. Khi sự tiến hóa ngã thức tiếp tục, ngày càng nhiều người của gia đình nhân loại sẽ trở thành những kẻ sáng tạo và những người hoạt động sáng suốt liên quan tới thần chất. Do đó, trong các giai đoạn mở đầu của việc họ tách ra khỏi thái độ thụ động, sẽ có một sự nổi loạn chống lại luật lệ và trật tự, một sự khước từ bị cai quản, và một khả năng bị thuyết phục noi theo một quan niệm cá nhân có hại cho tập thể, lớn hoặc nhỏ. Thiếu sót bề ngoài này, chính sự tiến hóa và kinh nghiệm sẽ sửa chữa lại, và khi tâm thức bắt đầu nhận biết các rung động cao siêu, con người sẽ bắt đầu biết được mục tiêu và kế hoạch của Đấng Thông Tuệ thuộc nhóm của y. Y sẽ thức tỉnh trước cái mỹ lệ của kế hoạch đó và sẽ bắt đầu nhấn chìm các quan tâm riêng của mình vào trong cái vĩ đại hơn và bắt đầu hợp tác một cách sáng suốt. Năng lực sáng tạo mà từ trước có bản chất riêng rẽ, sẽ được xuất hiện dưới hình thức sẵn sàng hy sinh cho năng lượng vĩ đại hơn, còn kế hoạch nhỏ nhoi của y và các ý tưởng của y sẽ bị hòa nhập vào trong các kế hoạch và ý tưởng lớn hơn. Tuy nhiên, y sẽ không còn là một đơn vị thụ động, bị cuốn đi mọi hướng bởi năng lượng của nhóm y, mà sẽ trở thành một mãnh lực tích cực, linh hoạt, tự hủy diệt qua nhận thức sáng suốt của kế hoạch vĩ đại hơn.
Y sẽ trở nên linh hoạt trước sự kiện là có các mãnh lực sinh động trong thiên nhiên. Khi năng lượng vĩ đại hơn kích động qua y, các năng lực tiềm tàng của chính y được khơi hoạt. Y thấy và biết được các mãnh lực của devas và tất nhiên có thể hoạt động với các lực đó một cách sáng suốt. Một vài lực y sẽ kiểm soát và vận dụng, với các lực khác y sẽ hợp tác, còn các lực khác nữa y vẫn sẽ tuân theo.
Chính việc hiểu được các sự kiện này có liên quan với thần chất (deva substance), sức mạnh của âm thanh, định luật rung động, và khả năng tạo ra hình hài phù hợp với định luật này, mà nhà pháp thuật chân chính có thể nhận biết. Ở đây cũng có ẩn tàng một trong các phân biệt phải được tìm thấy giữa các nhà huyền thuật của Chính Phái và với các nhà Hắc Thuật. Nhà huyền thuật chính phái có thể kiểm soát và vận dụng thần chất, và vị này tiếp tục làm điều đó qua sự hợp tác sáng suốt với các thần tạo tác cấp cao. Nhờ sự trong sạch và thánh thiện của đời sống của Ngài, cao độ của rung động của chính Ngài, Ngài có thể tiếp xúc với các thần tạo tác ở cấp này hoặc cấp khác trong các cấp đẳng của họ. Nhà hắc thuật kiểm soát và vận dụng thần chất trên cõi cảm dục và cõi trần và trên các cõi phụ thấp của cõi trí qua mãnh lực của rung động riêng và tri thức riêng của y, mà không qua sự hợp tác với các thần tạo tác chỉ huy (directing builders). Y không thể tiếp xúc với các thần này, vì tính chất của y là không trong sạch do ích kỷ và rung động của y quá thấp kém; do đó năng lực của y bị hạn chế và có tính chất tiêu cực, tuy lại rộng lớn trong một vài giới hạn.
Các devas của thể dĩ thái thuộc về hai nhóm. Đó là các thần kiến tạo cấp thấp, và dưới sự chỉ đạo từ các thần kiến tạo cao cấp, các thần cấp thấp tạo ra các thể dĩ thái của tất cả những gì có thể thấy được và tất cả những gì thuộc vật chất hữu hình (tangible) trên cõi vật chất trọng trược. Họ rất đông đảo và có mặt khắp nơi, họ gom góp và tạo nên chất liệu cần có để tạo thành thể dĩ thái của mọi vật, và họ làm điều này theo một số định luật và làm việc dưới một vài hạn chế. Trong thuật ngữ huyền linh học, họ được gọi là “thiên thần lắng nghe” (“the listening devas”) vì họ là những thần góp nhặt loại nốt và cung bậc (tone) đặc biệt từ các tác nhân truyền dẫn (transmitters) âm thanh cõi trần vốn cần để tập hợp vật chất cho bất cứ hình hài vật chất được hoạch định nào. Lại nữa, họ được nói đến như là “có tai nhưng không thấy”. Họ làm việc trong sự hợp tác chặt chẽ với các elementals của nhục thân. Nhóm thứ hai này được nói đến như là các “tinh linh thấy” (“seeing elemental”), vì họ hiện hữu trong vật chất của ba cõi phụ thấp và do đó có thể thấy được trên cõi biểu lộ (objective plane) theo ý nghĩa huyền linh vốn bao hàm một tương đồng giữa sự thấy với tri thức. Các “thần tạo tác nghe” gom góp chất liệu; các “tinh linh thấy” lấy chất liệu được gom vào đó, rồi kiến tạo nó thành bất cứ hình thể đặc biệt nào. Có nhiều nhóm thần này tùy theo mức tiến hóa, và một số có thể được liệt kê như sau:
1. Các thần kiến tạo hiện thể con người (các “mụ bà”).
Đây là nhóm cao nhất trong số các thần kiến tạo cấp thấp, họ có chuyên môn cao. Các thần này sẽ được bàn đến với ít nhiều chi tiết sau này.
2. Các thần kiến tạo các hình hài trong giới của thiên nhiên với hai phân chi (divisions).
Thứ nhất. Các thần kiến tạo của giới khoáng chất. Đây là các thần hoạt động mà về mặt huyền linh được gọi là “các tinh linh luyện đan” (“the elemental alchemists”). Họ thuộc nhiều nhóm có liên hệ với các tố chất (elements), các kim loại, các hóa chất và khoáng chất khác nhau, và liên hệ với những gì được gọi là các chất linh hoạt và phóng xạ. Các thần này là các tác nhân bảo quản hai bí ẩn, bí ẩn về việc nhập thể vào khoáng chất (immetalisation) của Chân Thần, và cái bí ẩn của việc chuyển hóa (transmutation) của các kim loại.
Thứ hai. Các thần kiến tạo của giới thực vật. Các thần này hiện hữu trong nhiều nhóm và được đặt tên là “các nhà luyện đan mặt ngoài” (“the surface alchemists”) và “các đơn vị bắc cầu (“the bridging units”). Các thần này kiến tạo các bản sao (doubles) của mọi hình hài của sự sống thực vật, và cũng như “các nhà luyện đan” của giới khoáng chất hầu hết có liên quan tới hoạt động của lửa, các nhà làm công việc luyện đan khác này có liên quan với hoạt động chất lỏng của biểu lộ thiêng liêng. Do đó, các Ngài làm việc kết hợp với các devas của nước, hay chất lỏng, trong khi nhóm nói đến trước hoạt động với các devas chất hơi. Ở đây một ẩn ngôn được nói đến, mà không thể bàn rộng ra được, do cái nguy hiểm của sự hiểu biết được đạt tới. Có ba bí ẩn được che giấu :
Một bí ẩn có liên quan với thái dương hệ trước đây hay là thái dương hệ xanh lục;
Một bí ẩn nữa liên quan đến các định luật bắc cầu hay là sự tương tác giữa các giới của thiên nhiên,
và bí ẩn thứ ba có liên quan đến lịch sử của cuộc tuần hoàn thứ hai; bí mật này khi được tiết lộ, sẽ minh giải lý do tại sao con người (theo thiên luật) sẽ là một người ăn thực vật chớ không ăn thịt. Các nhà khoa học đã đang học được một vài điều liên quan đến bí ẩn thứ hai, và họ có thể hy vọng, khi tri thức về ý nghĩa của màu sắc được mở rộng để góp nhặt được các ẩn ngôn về cái bí ẩn thứ nhất. Bí ẩn thứ ba sẽ không được chỉ ra rõ ràng hơn cho đến khi giống dân thứ sáu xuất hiện trên địa cầu.
Thứ ba. Các thần kiến tạo của tất cả các hình hài dĩ thái động vật. Các thần này là một nhóm có liên kết chặt chẽ với các thần kiến tạo hình hài con người. Họ hoạt động từ một nguồn dự trữ năng lượng đang được giữ trong trạng thái tĩnh lặng cho đến khi tình trạng vật chất của bất cứ hành tinh hệ đặc biệt nào được phép hoạt động. Đã xảy ra nhiều phiền toái cho các thần này; điều đó giải thích cho tình trạng tệ hại hiện nay, vì nhiều nỗi sợ hãi, ác cảm và tình trạng hủy diệt được thấy xảy ra trong các động vật là do bởi các thể của động vật được tạo thành, và công việc tiến hóa được xúc tiến bởi “các thần chưa hoàn thiện” (theo cách diễn tả của H.P.B.) hoạt động trong vật chất kém hoàn bị mà cho đến nay được vận dụng một cách không hoàn hảo. Bí ẩn của sợ sệt được ẩn giấu trong thể dĩ thái, và loại vật chất đặc biệt mà thể đó được tạo ra.
3. Các thần kiến tạo lưới dĩ thái hành tinh.
Công việc của các thần này cực kỳ khó hiểu (obscure) và có ba phân chia:
a. Xuất hiện mạng lưới.
b. Giữ gìn mạng lưới hành tinh:
c. Hủy diệt mạng lưới.
4. Các thần kiến tạo thể dĩ thái của Thực Thể hành tinh.
5. Các thần kiến tạo thể hành tinh.
6. Thể dĩ thái của mọi vật mà con người tạo ra.
Có một nhóm đặc biệt thần kiến tạo dĩ thái mà, theo karma, các thần này bị bắt buộc hành động phối hợp với con người. .............