MINH TRIẾT CHÂN SƯ
SÁCH ĐIỂM ĐẠO TRONG NHÂN LOẠI VÀ THÁI DƯƠNG HỆ
49 DẪN GIẢI SƠ ĐỒ CÁC HUYỀN GIAI THÁI DƯƠNG VÀ HÀNH TINH
HUYỀN GIAI THÁI DƯƠNG
Thái Dương Thượng Đế
Ba Ngôi Thái Dương
I. Đức Chúa Cha . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .Ý chí.
II. Đức Chúa Con . . . . . . . . . . . Bác ái - Minh triết.
III. Đức Chúa Thánh Thần . . . . Thông tuệ Linh hoạt.
Bảy Cung
Ba Cung Trạng thái.
Bốn Cung Thuộc tính.
I. Ý chí hay Quyền lực . . . . . . . . II. Bác ái-Minh triết . . . . . . . . . III. Thông tuệ Linh hoạt
4. Điều hòa hay Mỹ lệ.
5. Kiến thức Cụ thể.
6. Sùng tín hay Lý tưởng.
7. Pháp thuật Nghi lễ.
HUYỀN GIAI HÀNH TINH
S. Đức Sanat Kumara, Đức Chúa Tể Hoàn Cầu.
( Đấng Thái Cổ,
Đấng Điểm Đạo Duy Nhất. )
Ba vị Kumara.
( Các Hoạt Phật. ) [1] 2 3
Phản ánh của 3 Cung chính và 4 Cung phụ.
Ba vị Trưởng Ngành.
I. Trạng thái Ý chí. . . . . . . . . II. Trạng thái Bác ái-Minh triết. . . . . . . . .III. Trạng thái Thông tuệ.
A. Đức Bàn Cổ. B. Đức Bồ-tát. C. Đức Mahachohan.
(B. Đức Chưởng Giáo Thế Gian, Đức; C. Đức Văn Minh Đại Đế)
b. Chân sư Jupiter. b. Một Chân sư người U.
c. Chân sư M−. c. Chân sư K. H. c. Chân sư người Venice.
d. Chân sư D. K. 4. Chân sư Serapis.
5. Chân sư Hilarion.
6. Chân sư Jesus.
7. Chân sư R —.
Bốn cấp điểm đạo đồ.
Các cấp đệ tữ.
Những người trên Đường Dự Bị.
Nhân loại bình thường đũ mọi trình độ.
ĐIỂM ĐẠO TRONG NHÂN LOẠI VÀ THÁI DƯƠNG HỆ
CHƯƠNG I
NHẬN XÉT MỞ ĐẦU
Trong các phần sau đây, trước khi bàn đến chủ đề Điểm đạo, bàn đến các Con Đường mở ra trước bậc đã hoàn thiện, và Đại Đoàn Chưởng Giáo (ĐĐCG), chúng ta nên xác định một số vấn đề tỏ ra thiết yếu cho việc nghiên cứu kỹ và hiểu thấu đáo các ý tưởng được trình bày.
Phải nhìn nhận rằng trong sách này có đưa ra những sự kiện và những điều minh định mà độc giả chưa thể có được bằng chứng. Vì e ngại có thể bị qui kết là tự xưng mình có uy tín hay thẩm quyền cá nhân nào đó về các kiến thức hàm chứa trong sách, nên tác giả xin đặc biệt chối bỏ mọi cao vọng thuộc loại này. Tác giả không thể làm sao khác hơn là trình bày những điều đó như các sự kiện có thực. Tuy nhiên, tác giả muốn khuyên những ai nhận thấy sách này có phần nào giá trị, là chớ nên bất bình vì bất cứ điều gì có vẻ giáo điều trong lối trình bày; cũng như đừng để cho sự bất toàn của phàm nhân tác giả ngăn cản việc cứu xét một cách cởi mở, vô tư bức thông điệp mà tên tuổi của tác giả tình cờ được gắn vào. Trong các vấn đề tinh thần, thì [2] danh xưng, những lời chỉ trích cá nhân, và tiếng nói của thẩm quyền từ bên ngoài đều không có gì quan trọng. Chỉ có những điều nào được bảo đảm bởi các nhận thức và định hướng nội tâm mới là sự hướng dẫn an toàn. Bởi vậy, dù cho độc giả có đón nhận thông điệp chứa trong các trang sách này như là lời kêu gọi tinh thần dưới một hình thức lý tưởng, hoặc là việc trình bày các sự kiện giả định, hay là một luận thuyết do một môn sinh thảo ra và trao cho các bạn đồng môn xem xét, thì cũng chẳng sao. Sách này được hiến cho mỗi độc giả, để xem nó có có khơi dậy được sự ứng đáp nào trong tâm họ, hay nó có thể mang lại cho họ những nguồn ánh sáng và cảm hứng nào không.
Trong thời đại hiện nay, khi các hình thức cũ đang tan rã và hình thức mới được tạo nên, chúng ta cần có tính thích nghi. Chúng ta phải tránh nguy cơ đông cứng, bằng thái độ uyển chuyển và cởi mở. “Trật tự cũ đã thay đổi,” nhưng đó chính yếu là là một sự thay đổi kích thước và chiều hướng chứ không phải ở bản chất hay nền tảng. Những điều cơ bản vẫn luôn luôn đúng. Mỗi thế hệ có phận sự bảo tồn các tinh hoa của hình thức cũ đã được mến yêu, nhưng cũng phải khôn ngoan mà phát triển và làm cho chúng thêm phong phú. Mỗi chu kỳ phải góp thêm thành quả của mình trong các nỗ lực khoa học, các công trình khảo cứu sâu rộng hơn, và loại bỏ những gì đã lỗi thời, không còn giá trị. Mỗi thời đại phải thêm vào đó những sản phẩm, những thành tựu vẻ vang trong giai đoạn của mình, và loại trừ những cặn bã của quá khứ có thể làm lu mờ các đường lối thiêng liêng. Trên hết mọi sự, mỗi thế hệ được ban cho niềm vui khi biểu dương sức mạnh của các nền tảng cũ và có cơ hội xây dựng trên đó một cấu trúc mới đáp ứng được các nhu cầu của sự sống nội tại thường hằng tiến hoá.
Những ý tưởng minh định trong sách này được xác nhận qua một số sự kiện đã phát biểu trong các tác phẩm huyền bí đến nay vẫn còn. Các sự kiện này có ba, được kể ra như sau:
a. Để tạo nên mặt trời và bảy hành tinh thánh thiện hợp thành thái dương hệ chúng ta, Đức Thái Dương Thượng Đế sử dụng vật chất đã thấm nhuần một số phẩm tính nào đó. Trong [3] cuốn sách “Avataras” (Các Đấng Hoá Thân) của Bà (mà một số người trong chúng ta cho là có giá trị nhất trong tất cả các tác phẩm của bà, vì nó gợi ý nhiều nhất), Bà Besant khẳng định rằng “Thái dương hệ của chúng ta được kiến tạo bằng loại vật chất đã hiện hữu, bằng loại vật chất đã được phú cho một số đặc tính . . . “ (trang 48 bản tiếng Anh). Vì thế, chúng ta suy ra rằng vật chất này hàm chứa một số năng lực tiềm ẩn bị buộc phải biểu lộ một cách đặc thù theo luật nhân quả cũng như vạn hữu trong vũ trụ.
b. Toàn cuộc biểu hiện có bản tính thất phân, và Ánh sáng Trung ương mà chúng ta gọi là Thượng Đế, Cung (Ray) duy nhất của Sự Sống Thiêng Liêng, trước nhất biểu hiện thành Tam Vị Nhất Thể, rồi sau đó là Thất Nguyên. Đấng Thượng Đế Duy Nhất biểu lộ thành Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần, và cả ba lại được phản ánh qua Bảy Tinh Quân trước Ngôi Chí Tôn, hay là bảy vị Hành Tinh Thượng Đế. Các môn sinh huyền bí học không có nguồn gốc Thiên Chúa giáo có thể gọi các Đấng này là Cung Duy Nhất, phát biểu qua ba Cung chính yếu và bốn Cung thứ yếu, tạo thành một Thất Nguyên thiêng liêng. Cung Tổng Hợp hoà trộn tất cả là Cung Bác Ái-Minh Triết vĩ đại, bởi vì quả thực “Thượng Đế là Bác ái”. Đây là Cung màu chàm và là Cung hoà hợp. Đây là Cung mà vào cuối đại chu kỳ sẽ hấp thu các cung kia khi đã thành tựu được sự hoàn thiện tổng hợp. Đây là sự biểu hiện trạng thái thứ hai của sự sống Thượng Đế. Chính trạng thái này, là trạng thái Xây dựng Hình thể, khiến cho thái dương hệ chúng ta trở thành hệ thống cụ thể nhất trong ba hệ thái dương chính yếu. Trạng thái Bác ái hay Minh triết phát biểu thông qua việc kiến tạo hình hài, bởi vì “Thượng Đế là Tình thương” và trong Đấng Thượng Đế Bác Ái này chúng ta “sống, vận chuyển và hiện tồn” và sẽ tiếp tục như thế cho đến cuối cuộc biểu hiện của đại chu kỳ.
c. Bảy cảnh giới Biểu hiện Thiêng liêng, hay bảy cảnh giới chính của Thái dương hệ chúng ta chỉ là bảy cõi phụ của cảnh [4] giới vũ trụ thấp nhất. Tương tự như vậy, Bảy Cung mà chúng ta rất thường nghe nói, đang rất quan tâm và thấy còn quá nhiều bí ẩn, cũng chỉ là bảy phụ cung của Cung vũ trụ duy nhất. Chính mười hai Huyền giai sáng tạo cũng chỉ là các chi nhánh phụ thuộc của Huyền giai vũ trụ duy nhất, tạo thành chỉ một hợp âm trong bản đại hoà tấu vũ trụ. Khi hợp âm vũ trụ này, mà trong đó chúng ta chỉ là một phần rất nhỏ, ngân vang trong sự hoàn thiện tổng hợp, thì chừng đó và chỉ chừng đó chúng ta mới hiểu được các lời trong Thánh thư Job: “Những ngôi sao mai cùng hoà ca.” Hiện nay, sự bất hoà vẫn còn vang rền và sự xung khắc vẫn còn nổi lên từ nhiều thái dương hệ, nhưng qua những chu kỳ lâu dài một sự hài hoà sẽ tuần tự kết thành, rồi sẽ đến ngày mà (nếu chúng ta có thể dùng thời gian để nói về các chu kỳ vĩnh cửu) âm thanh của vũ trụ hoàn thiện sẽ vang dội đến tận những ranh giới ngoài cùng của các chòm sao xa xôi nhất. Bấy giờ người ta sẽ biết được bí nhiệm của “ca khúc phối ngẫu thiêng liêng.”
Cũng xin độc giả ghi nhớ và cân nhắc một số ý tưởng trước khi tiến hành nghiên cứu về Điểm đạo. Vì vấn đề hết sức sâu xa tế nhị nên chúng ta hoàn toàn không thể làm gì hơn là đạt đến một ý niệm tổng quát về cơ tiến hoá; bởi vậy có thái độ giáo điều cũng chỉ vô ích. Chúng ta chỉ có thể cảm nhận một phần của cái toàn thể kỳ diệu, hoàn toàn vượt quá tầm nhận thức của chúng ta,— một toàn thể mà ngay đến vị Thiên thần cao cả nhất hay một Đấng Trọn Lành cũng chỉ mới bắt đầu ý thức được. Khi chúng ta nhận ra sự thực là hiện nay một người bình thường chỉ hoàn toàn có ý thức trên cảnh giới hồng trần, có ý thức gần đầy đủ trên cảnh giới xúc cảm, và chỉ đang phát triển tâm thức trên cảnh giới trí tuệ, thì hiển nhiên y chỉ hiểu được những điều cơ bản của các dữ kiện vũ trụ. Khi chúng ta nhận biết thêm rằng có ý thức trên một cảnh giới và chế ngự được cảnh giới đó là hai điều kiện rất khác nhau, thì rõ ràng là còn biết bao lâu nữa chúng ta mới có thể thấu hiểu được nhiều hơn cái ý niệm tổng quát về hệ thống vũ trụ. [5] Chúng ta phải nhận ra mối nguy ẩn trong giáo điều và các sự kiện hẹp hòi bảo thủ trong sách vở, và biết rằng chúng ta chỉ được an toàn khi có ý thức linh động và nhìn vấn đề dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Chẳng hạn, một sự kiện xét theo lập trường của nhân loại ( từ “sự kiện” được dùng theo nghĩa khoa học, tức là điều đã được chứng minh, không còn gì nghi ngờ thắc mắc) thì có thể không phải là một sự kiện, theo lập trường của một vị Chân sư. Đối với Ngài, nó có thể chỉ là một phần của một sự kiện lớn hơn, chỉ là một bộ phận của cái toàn thể. Vì tầm nhìn của Ngài thấu đến bề đo thứ tư và thứ năm, nên nhận thức của Ngài về giá trị của thời gian trong vĩnh cửu phải đúng đắn hơn chúng ta. Ngài thấy các sự vật từ trên xuống dưới, và ở cương vị của một người thấy thời gian không có thực.
Một nguyên lý biến dịch chưa thể giải thích được vẫn tồn tại trong Trí tuệ của Đức Thượng Đế của thái dương hệ của chúng ta, và chi phối mọi hành động của Ngài. Chúng ta chỉ thấy các hình thể mãi mãi thay đổi, và thoáng thấy sự sống thường hằng tiến hoá bên trong các hình thể đó, nhưng vẫn chưa tìm ra manh mối của cái nguyên lý tác động xuyên qua chiếc kính vạn hoa luôn luôn biến chuyển gồm các thái dương hệ, các cung, các huyền giai, hành tinh, cảnh giới, hệ thống, các vòng tiến hoá, các giống dân chính, và các giống dân phụ. Tất cả đều đan vào nhau, liên kết nhau, xuyên thấu lẫn nhau, khiến chúng ta hoàn toàn sững sờ trước mô hình kỳ diệu của chúng bày ra trước mắt. Chúng ta biết rằng giới nhân loại chúng ta có một vị thế nào đó trong đại cuộc. Thế nên, tất cả những gì chúng ta có thể làm là nắm lấy bất cứ dữ kiện nào có vẻ ảnh hưởng đến lợi lạc, liên quan đến cuộc tiến hoá của chính chúng ta, và từ việc nghiên cứu về con người trong tam giới (), tìm cách thấu hiểu phần nào về đại vũ trụ. Chúng ta không biết cách nào mà một có thể trở thành ba, ba trở thành bảy, và cứ thế mà tiếp diễn đến mức biến phân vô tận. Với tầm mắt của nhân loại thì sự đan kết cấu thành thái dương hệ thật phức tạp không thể tưởng, mà chìa khoá thì dường như chưa thể tìm thấy trong thời gian tới. Từ tầm nhìn của một vị Chân sư, chúng ta thấy tất cả đều đang diễn tiến trong một trình tự chuẩn mực. Theo quan điểm thiêng liêng, ta sẽ thấy toàn thể [6] đang vận hành một cách nhất quán hài hoà, tạo nên một hình thể có vóc dáng hoàn toàn chính xác. Browning đã thấu được một phần chân lý này khi ông viết:
“Tất cả đều biến đổi, tuy nhiên lại thường tồn”. . . .và ông tiếp:
“Chân lý ở nội tâm, và ở ngoại cảnh, đều là chân lý; trong đó cái giả tạm thì biến đổi, còn chân lý thì thường tồn.”
“Chân lý liên tục biểu hiện, luôn luôn ở một mức cao hơn cách phô bày trước đó . . . . . . .”
Chúng ta cũng phải nhớ rằng vượt quá một giới hạn nào đó thì không an toàn hay khôn ngoan mà tiết lộ các sự kiện về thái dương hệ. Nhiều điều còn phải được giữ kín ở cấp nội môn. Biết quá nhiều còn nguy hiểm hơn là biết quá ít. Kiến thức bao hàm trách nhiệm và quyền lực,— hai điều mà nhân loại còn chưa sẵn sàng. Thế nên, chúng ta chỉ có cách là nghiên cứu và liên hệ lại với mức độ minh triết và phán đoán đúng đắn có được nơi mình, sử dụng phần kiến thức có thể nhận được cho lợi ích của những người mà ta tìm cách giúp đỡ, và nhận biết rằng khi sử dụng kiến thức một cách khôn ngoan chúng ta sẽ càng ngày có khả năng tiếp nhận nguồn minh triết ẩn tàng. Song song với việc áp dụng khôn ngoan các kiến thức và nhu cầu của môi trường chung quanh, còn phải phát triển tính dè dặt cẩn trọng và dùng khả năng phân biện. Khi chúng ta có thể sử dụng khôn ngoan, thận trọng giữ gìn các hiểu biết, và phân biện đúng đắn, thì đó là bảo đảm chắc chắn nhất đối với các Huấn sư đang trông nom nhân loại, rằng chúng ta đã sẵn sàng cho một sự thiên khải mới.
Chúng ta phải chấp nhận sự kiện rằng việc nghiên cứu luật tương ứng hay tương đồng là phương cách duy nhất để có thể tìm ra manh mối bí nhiệm của các cung, các hệ thống và các huyền giai. Đó là sợi chỉ duy nhất có thể giúp chúng ta tìm đường qua [7] mê lộ, là tia sáng duy nhất chiếu xuyên qua sự tối tăm của bức màn vô minh bao phủ chúng ta. H. P. Blavatsky đã nói như thế trong “Giáo Lý Bí Nhiệm,” nhưng cho đến nay, các môn sinh vẫn chưa cố gắng bao nhiêu để ích dụng được manh mối đó. Khi nghiên cứu Luật này, chúng ta cần nên nhớ rằng sự tương ứng vốn ở trong nền tảng, chứ không ở sự thể hiện của các chi tiết bề ngoài như chúng ta tưởng mình thấy được theo quan điểm hiện nay. Một lẽ là yếu tố thời gian làm chúng ta lạc hướng; chúng ta sai lầm khi cố ấn định rõ những thời khoảng hoặc giới hạn; trong cuộc tiến hoá, tất cả đều tiến triển thông qua sự hoà hợp, với một diễn trình luôn luôn chồng chéo và pha trộn lẫn nhau. Người môn sinh bình thường chỉ có thể nhận ra các điểm tương đồng cơ bản và những điều tổng quát mà thôi. Ngay khi y toan giản lược các điều đó thành những sơ đồ và bảng biểu chi tiết, là y bước vào các lãnh vực dễ bị sai lầm, đi quanh co qua đám sương mù mà cuối cùng sẽ lạc lối trong đó.
Tuy nhiên, khi nghiên cứu luật tương đồng một cách khoa học, kiến thức của chúng ta sẽ tăng dần, và khi từ từ được tích lũy, các sự kiện sẽ dần dà hợp thành một hình thể ngày càng rộng lớn, chứa đựng nhiều chân lý. Bấy giờ, người môn sinh sẽ nhận biết rằng sau tất cả các cố gắng nghiên cứu, ít ra y cũng có được một ý niệm tổng quát về hình tư tưởng của Thượng Đế để có thể gắn vào đó các chi tiết y hoạch đắc qua nhiều kiếp luân hồi. Điều này đưa chúng ta đến điểm chót cần được xem xét, trước khi đi vào chính chủ đề, đó là:
Sự phát triển của con người chỉ là chuyển từ một trạng thái tâm thức này sang một trạng thái khác. Đó là một loạt những sự mở mang, phát triển khả năng ý thức vốn là đặc tính quan trọng nhất của Chủ thể Tư tưởng ở nội tâm. Đó là sự tiến triển từ mức tâm thức phân cực trong phàm nhân, phàm ngã hay hình thể, đến mức tâm thức phân cực trong Chân ngã, Chân nhân, hay linh hồn, rồi đến mức phân cực trong Chân thần, hay Tinh thần, mãi [8] cho đến mức rốt ráo là tâm thức Thiêng liêng. Trong quá trình phát triển của con người, trước hết, năng lực ý thức vượt qua những giới hạn giữ nó lại trong các giới hạ đẳng của thiên nhiên (khoáng vật, thực vật và động vật), đến ba cõi giới tiến hoá của phàm nhân, đến hành tinh mà y có vai trò trong đó, rồi đến thái dương hệ mà hành tinh này vận chuyển bên trong, cho đến cuối cùng nó vượt khỏi chính thái dương hệ và trở nên tâm thức đại đồng. [9]
CHƯƠNG II
ĐỊNH NGHĨA ĐIỂM ĐẠO
Điểm đạo là một vấn đề ngày càng được công chúng biết đến nhiều hơn. Chẳng còn mấy thế kỷ nữa các bí nhiệm thời cổ sẽ được phục hồi, và trong Giáo hội tương lai, mà hạt nhân nay đã tạo lập, sẽ có một nhóm nội môn trong đó cuộc điểm đạo thứ nhất trở nên công truyền; chúng tôi muốn nói là chẳng bao lâu nữa việc điểm đạo lần thứ nhất sẽ là thánh lễ cao nhất của Giáo hội, được thực hiện ở ngoại môn, như là một trong các bí nhiệm được truyền đạt vào những thời kỳ nhất định, với sự tham dự của những người liên hệ. Nó cũng sẽ giữ vai trò tương tự trong nghi thức của các hội viên Tam Điểm. Trong cuộc lễ này, những người đã sẵn sàng cho cuộc điểm đạo lần thứ nhất sẽ được công khai nhận vào Huyền giai bởi một trong các thành viên của Huyền giai, hành động có ủy quyền từ chính Đấng Điểm Đạo.
Định nghĩa bốn từ.
Chúng ta muốn nói đến điều gì khi đề cập đến Điểm đạo, minh triết, kiến thức và con Đường dự bị? Chúng ta dùng các từ này quá đỗi hời hợt mà không xem xét đúng mức ý nghĩa của chúng. Ví dụ như hãy xét từ thứ nhất. Có biết bao nhiêu định nghĩa và giải thích đã đưa ra về phạm vi, các bước chuẩn bị, về công việc phải làm giữa các cuộc điểm đạo, với các kết quả và hiệu quả. Điều trước hết mà một người môn sinh dù tầm thường nhất cũng thấy rõ là vấn đề này rộng lớn đến đỗi muốn bàn về [10] nó một cách thoả đáng, thì cần phải có khả năng viết theo quan điểm của một điểm đạo đồ; nếu không thì bất cứ điều gì nói ra dù hữu lý, hợp lý, thú vị hoặc nhiều gợi ý, vẫn không đủ sức thuyết phục.
Từ Điểm đạo (Inititation) do hai từ La-tinh, in, là nhập vào và ire, là đi; do đó, nó có nghĩa là khởi sự, hay nhập vào một điều gì. Trong trường hợp chúng ta đang nghiên cứu, nó biểu thị nghĩa rộng nhất là sự nhập vào đời sống tinh thần, hay nhập vào một giai đoạn mới của cuộc sống này. Đó là bước đầu tiên, và những bước tiếp theo trên Thánh Đạo. Thế nên, một người đã được điểm đạo lần thứ nhất, đích thực là người đã tiến bước đầu tiên vào giới tinh thần, đã dứt khoát ra khỏi giới nhân loại để nhập vào giới siêu nhân loại. Giống như y đã chuyển từ giới động vật sang giới nhân loại vào lúc biệt lập ngã tính, y cũng đã nhập vào cuộc sống tinh thần, và lần đầu tiên có quyền được gọi là “người tinh thần” hiểu theo nghĩa chuyên môn của từ này. Y nhập vào giai đoạn thứ năm hay là giai đoạn cuối cùng của cuộc tiến hoá năm giai đoạn của chúng ta hiện nay. Sau khi đã lần mò tìm đường đi qua Phòng Vô Minh trong nhiều thời đại, và đã học hỏi trong Phòng Học Tập, nay y vào đại học, tức là Phòng Minh Triết. Khi tốt nghiệp trường này, y trở thành một Chân sư Từ bi.
Tưởng cũng hữu ích nếu trước hết chúng ta nghiên cứu sự khác biệt và liên hệ giữa Kiến thức, sự Thông hiểu và Minh triết. Dù rằng trong ngôn ngữ thông thường, chúng thường được dùng thay đổi lẫn nhau, nhưng chúng không giống nhau khi dùng theo nghĩa chuyên môn.
Kiến thức là sản phẩm của Phòng Học Tập. Có thể định nghĩa từ này là toàn thể những phát minh và kinh nghiệm của con người, những gì có thể được nhận biết bằng năm giác quan, có thể dùng trí năng của con người để liên hệ, giải đoán và định [11] nghĩa. Đó là những điều mà ta cảm thấy chắc chắn trong trí và có thể biết được qua thí nghiệm. Đó là toàn bộ các nghệ thuật và khoa học, bao gồm tất cả những gì liên quan đến việc kiến tạo và phát triển phương diện hình hài sắc tướng của sự vật. Vì thế, kiến thức liên quan đến khía cạnh vật chất của cuộc tiến hoá, vật chất trong thái dương hệ, trong hành tinh này, trong ba cảnh giới tiến hoá của nhân loại, và trong các thể của con người.
Minh triết là sản phẩm của Phòng Minh Triết. Nó liên quan đến sự phát triển của sự sống bên trong hình thể, đến sự tiến bộ của tinh thần thông qua các vận cụ vô thường, và đến những cuộc phát triển tâm thức nối tiếp nhau từ đời này sang đời khác. Nó liên hệ đến phương diện sự sống của cuộc tiến hoá. Nó liên hệ đến tinh hoa của sự vật chứ không phải chính sự vật; đó là sự thấu hiểu chân lý bằng trực giác, độc lập với khả năng lý luận, và là nhận thức bẩm sinh biết phân biệt đúng với sai, hư với thực. Minh triết còn hơn thế, bởi vì đó cũng là khả năng của Chủ thể tư tưởng có thể ngày càng thâm nhập vào trí tuệ của Thượng Đế, nhận thức được phẩm tính tinh thần của cuộc biểu hiện vũ trụ vĩ đại, hình dung được mục tiêu, và ngày càng hài hoà với tiêu chuẩn cao hơn. Đối với mục đích hiện nay của chúng ta (là nghiên cứu phần nào về Thánh Đạo và các giai đoạn khác nhau trong đó) có thể mô tả minh triết là nhận thức được “Thiên giới ở nội tâm” và hiểu được “Thiên giới ở ngoại cảnh” trong thái dương hệ. Cũng có thể nói đó là sự dần dần hoà hợp các đường lối của nhà huyền học và nhà huyền bí học,—việc xây dựng ngôi đền minh triết trên nền tảng kiến thức.
Minh triết là khoa học về tinh thần, cũng như kiến thức là khoa học về vật chất. Kiến thức thì có tính phân cách và thuộc ngoại cảnh, còn minh triết thì có tính tổng hợp và thuộc nội tâm. [12] Kiến thức phân chia, minh triết kết hợp. Kiến thức thì phân biệt trong khi minh triết hoà hợp. Vậy thì từ thông hiểu được dùng với ý nghĩa gì?
Có thể định nghĩa thông hiểu là là năng lực của Chủ thể tư tưởng hoạch đắc kiến thức để làm nền tảng cho minh triết, giúp y có thể làm cho các sự vật sắc tướng thích ứng với sự sống tinh thần, có thể đón nhận các tia chớp hứng khởi đến với y từ Phòng Minh Triết và liên kết chúng với các sự kiện của Phòng Học Tập. Toàn bộ ý niệm này có thể được diễn đạt như sau:
Minh triết liên hệ đến Đại Ngã duy nhất, kiến thức liên hệ đến phi-ngã, trong khi sự thông hiểu là quan điểm của Chân nhân hay Chủ thể tư tưởng, hay là mối liên hệ của chủ thể này giữa hai điều trên.
Trong Phòng Vô Minh, chính hình hài và phương diện vật chất của sự vật chiếm phần ưu thắng. Ở đó, con người phân cực trong phàm nhân hay phàm ngã. Trong Phòng Học Tập, Chân nhân, hay chân ngã phấn đấu để thống ngự hình thể cho đến khi dần dần đạt được một mức thằng bằng, khi con người không hoàn toàn bị bên nào chi phối. Về sau, Chân nhân ngày càng chế ngự, cho đến khi,trong Phòng Minh Triết, nó thống ngự được ba cõi thấp và thiên tính nội tàng ngày càng chủ trị nhiều hơn.
Các khía cạnh của Điểm Đạo.
Theo quan điểm đại thể, Điểm đạo hay quá trình triển khai tâm thức là một phần của diễn trình phát triển tiến hoá bình thường. Khi xét theo lập trường cá thể, nó đã bị thu hẹp thành giây phút mà Chủ thể tiến hoá hiểu rõ rằng (nhờ nỗ lực của chính mình, và nhờ những lời khuyên bảo, gợi ý của các Huấn sư đang trông nom nhân loại) y đã đến mức đạt được một phạm vi kiến thức có [13] bản chất nội tâm, xét theo quan điểm của cảnh giới hồng trần. Điều đó có tính cách giống như kinh nghiệm của một học sinh ở trường thình lình nhận thấy mình đã lãnh hội được một bài học, đã thấu đáo được cơ sở lý luận và phương pháp, diễn tiến của vấn đề, để sử dụng một cách thông minh. Những phút giây nhận thức sáng suốt này xảy đến với Chân thần đang tiến hoá trong suốt cuộc hành hương lâu dài. Ở giai đoạn ý thức này, những gì đã bị phần nào diễn giải sai lầm là vào các thời kỳ khác nhau người ta đã chú trọng đến những trình độ phát triển khác biệt, trong khi ĐĐCG luôn luôn cố gắng đưa nhân loại đến mức mà các cá nhân ý niệm được đôi phần về bước kế tiếp cần thực hiện.
Mỗi cuộc điểm đạo đánh dấu việc người môn sinh chuyển đến một lớp cao hơn trong Phòng Minh Triết, đánh dấu mức chói rạng hơn của ngọn lửa nội tâm và chuyển từ một điểm phân cực này sang điểm khác, bao gồm nhận thức về sự hợp nhất ngày càng rõ rệt với tất cả chúng sinh, và tính duy nhất trong bản thể của cái “tôi” với mọi cái “tôi” khác. Nó mang lại một chân trời không ngừng rộng mở cho đến mức bao gồm trường sáng tạo; đó là một năng lực ngày càng tăng để nghe, thấy trên mọi cảnh giới.
Đó là một ý thức tăng dần về Thiên Cơ cho thế giới, và khả năng ngày càng thấu đáo và thực hiện được các kế hoạch này. Đó là nỗ lực trong trí trừu tượng để vượt qua một kỳ thi. Đó là lớp danh dự trong trường của Chân sư, ở trong tầm thành đạt của những linh hồn nào nghiệp quả họ cho phép, và có đủ nỗ lực để hoàn tất mục tiêu.
Điểm đạo đưa đến ngọn núi, nơi có được linh thị về Hiện tại Vĩnh cửu, trong đó quá khứ, hiện tại và tương lai cùng hiện hữu như một; linh thị về hàng loạt các giống dân với sợi chỉ vàng tộc hệ xuyên suốt nhiều mẫu người; linh thị về khối cầu vàng kết hợp tất cả các trường tiến hoá trong thái dương hệ chúng ta, là giới thiên thần, nhân loại, cầm thú, thảo mộc, khoáng vật, và loài tinh tinh, thông qua đó chúng ta có thể thấy rõ sự sống tiết điệu [14] đang rung động đều đặn nhịp nhàng; một linh thị về hình tư tưởng của Thượng Đế trên cảnh giới nguyên hình; một linh thị phát triển từ cuộc điểm đạo này sang cuộc điểm đạo khác, cho đến khi bao trùm cả thái dương hệ.
Điểm đạo đưa con người đến dòng sống, và một khi đã nhập lưu, giúp y đi tới mãi cho đến dưới chân Đức Chúa Tể Hoàn Cầu, đến dưới chân Cha của y ở trên Trời, và đến dưới chân Đức Thượng Đế Ba Ngôi.
Điểm đạo đưa đến hang động sâu thẳm, bên trong các bức tường bao bọc nó chúng ta biết được các cặp đối cực, và được tiết lộ bí ẩn của thiện và ác. Nó đưa đến Thập tự giá và đến sự hy sinh trọn vẹn, phải được thực hiện trước khi đạt mức giải thoát hoàn toàn, vị điểm đạo đồ thoát khỏi mọi ràng buộc của thế gian, và không còn gì giữ y lại trong tam giới nữa. Điểm đạo đưa y đi qua Phòng Minh Triết và tuần tự đặt vào tay y chìa khoá của mọi hiểu biết về hệ thái dương vàvũ trụ. Nó hiển lộ bí nhiệm ẩn trong tâm thái dương hệ. Nó đưa y từ trạng thái tâm thức này đến trạng thái tâm thức khác. Mỗi lần đi vào tâm thái mới thì chân trời nới rộng, tầm mắt mở mang, và sự thông hiểu bao quát ngày càng nhiều cho đến khi sự phát triển đạt mức cái ngã bao trùm mọi cái ngã khác, kể cả những gì “đang chuyển động và bất động,” nói theo lời trong một Thánh kinh xưa.
Điểm đạo bao gồm cả nghi lễ. Chính khía cạnh này đã bị nhấn mạnh trong trí tuệ mọi người, nên có lẽ người ta đã phần nào hiểu sai thực nghĩa. Chính yếu nó bao gồm năng lực thấy, nghe, hiểu, tổng hợp và liên hệ các kiến thức với nhau. Điểm đạo không nhất thiết bao hàm việc phát triển các quan năng thần thông, mà nó lại đòi hỏi phải có sự thấu hiểu nội tâm để thấy được giá trị tiềm ẩn trong hình thể, và nhận ra được chủ đích của các trường hợp phổ cập. Đó là năng lực cảm nhận được bài học cần thiết trong mỗi diễn biến, sự kiện, và nhờ các thấu hiểu, nhận thức này mà tạo được sự tăng trưởng, mở mang hằng giờ, [15] hằng tuần, hằng tháng, hằng năm. Tiến trình mở mang phát triển tuần tự này—vốn là thành quả nỗ lực kiên trì của chính người tìm đạo và sự liêm chính tích cực trong tư tưởng và cuộc sống, chứ không phải là kết quả của việc cử hành một nghi lễ huyền linh do một vị đạo sư nào—đưa đến điều có thể gọi là một cuộc khủng hoảng.
Vào thời gian khủng hoảng này—rất cần có sự giúp đỡ của một vị Chân sư—một hành vi điểm đạo xác định được thực hiện (tác động vào một luân xa nhất định) để tạo kết quả ở một trong các thể. Nó nâng âm điệu của các nguyên tử đến một cao độ nhất định, và giúp đạt đến một nhịp điệu rung động mới.
Nghi lễ điểm đạo này đánh dấu một mức độ thành đạt. Nó không mang lại sự thành đạt, như người ta thường lầm tưởng. Nó đánh dấu sự công nhận của các Huấn sư đang trông nom nhân loại, rằng người đệ tử đã đạt đến một trình độ tiến hoá nào đó, và cho y hai điều:—
1. Một sự mở mang tâm thức giúp phàm nhân nhập vào nguồn minh triết do Chân nhân đạt được, và, trong những cuộc điểm đạo cao hơn, nhập vào tâm thức của Chân thần.
2. Một thời gian giác ngộ ngắn ngủi, trong đó vị điểm đạo đồ thấy được giai đoạn sắp tới của Đường Đạo cần phải bước vào, và trong đó y hữu thức tham dự vào kế hoạch tiến hoá vĩ đại.
Sau khi được điểm đạo, công việc cần thiết chủ yếu là phải làm sao cho việc mở mang tâm thức ấy thành một lợi khí để thực sự sử dụng được cho phàm nhân, và chủ yếu cần chế ngự được đoạn đường đạo hãy còn phải vượt qua.
Nơi chốn và hiệu quả của Điểm đạo.
Lễ điểm đạo diễn ra trên ba phân cảnh cao của cõi trí, và trên ba cảnh giới cao hơn nữa, tùy theo mỗi cuộc điểm đạo. Vào các cuộc điểm đạo trên cõi trí, ngôi sao năm cánh bừng sáng [16] bên trên đầu của điểm đạo đồ. Điều này liên quan đến các cuộc điểm đạo đầu tiên được tiếp nhận trong thể nguyên nhân. Người ta đã nói rằng hai cuộc điểm đạo đầu tiên xảy ra trên cảnh giới cảm dục nhưng điều này không đúng, và lời tuyên bố này đã gây ngộ nhận. Hai cuộc điểm đạo này được cảm nhận sâu đậm đối với các thể: cảm dục, thể xác và hạ trí, và ảnh hưởng đến sự chủ trị các thể này. Vì rằng hiệu quả chính yếu được cảm thấy trong các thể này, và vì lực sinh động của nó cũng như sức kích thích của hai cuộc điểm đạo đầu tiên được biểu lộ nhiều nhất là trong thể cảm dục, nên điểm đạo đồ có thể tưởng rằng chúng diễn ra trên các cảnh giới tương ứng. Nhưng chúng ta cần phải luôn luôn nhớ rằng các cuộc điểm đạo chính yếu đều được tiếp nhận trong thể nguyên nhân hoặc—tách rời khỏi thể này—trên cảnh giới bồ-đề hay niết-bàn. Vào hai cuộc điểm đạo sau cùng giải thoát con người ra khỏi tam giới, giúp y có thể hoạt động trong thể sinh lực của Thượng Đế và vận dụng được thiên lực này, điểm đạo đồ trở thành ngôi sao năm cánh, nó giáng xuống y, hoà hợp với y, và y ở chính trung tâm của nó. Sự giáng hạ này do hành động của Đấng Điểm Đạo, Ngài vận dụng Quyền trượng và để cho điểm đạo đồ tiếp xúc với trung tâm lực trong Cơ thể của Đức Hành Tinh Thượng Đế mà y là một phần tử, và hữu thức thực hiện điều này. Hai cuộc điểm đạo gọi là thứ sáu và thứ bảy diễn ra trên cảnh giới bồ-đề và niết-bàn; ngôi sao năm cánh “cháy sáng rực rỡ từ bên trong Chính nó,” nói theo ngôn từ nội môn, và trở thành ngôi sao bảy cánh; nó giáng xuống điểm đạo đồ và vị này thâm nhập vào trong ngọn lửa.
Vả lại, bốn cuộc điểm đạo trước cuộc điểm đạo của bậc Chân sư, lần lượt đánh dấu sự đạt được những tỷ lệ vật chất nguyên tử nhất định trong các thể—ví dụ như, vào cuộc điểm đạo thứ nhất đạt được một phần tư vật chất nguyên tử, vào cuộc điểm đạo thứ hai đạt một nửa, vào cuộc điểm đạo thứ ba đạt ba phần tư, và cứ thế cho đến mức hoàn toàn bằng vật chất nguyên tử. Vì bồ-đề là nguyên khí thống nhất (hay là nguyên khí hoà hợp tất [17] cả), nên vào cuộc điểm đạo thứ năm, vị Chân sư bỏ các hiện thể thấp, và ở trong thể bồ-đề. Từ đó, Ngài tạo ra thể biểu hiện của Ngài.
Có thể nói mỗi cuộc điểm đạo giúp chúng ta có thêm khả năng chế ngự các cung, dù rằng cách diễn đạt này không đầy đủ ý nghĩa. Ngôn từ rất thường gây nhầm lẫn. Vào cuộc điểm đạo thứ năm, khi vị Chân sư trở thành Chủ nhân trong tam giới, Ngài đã ít nhiều chế ngự được (tùy theo đường hướng phát triển của Ngài) năm cung đang đặc biệt biểu hiện vào thời gian Ngài được điểm đạo. Vào cuộc điểm đạo thứ sáu—nếu Ngài được điểm đạo cấp cao hơn—Ngài sẽ có quyền năng đối với một cung khác, và vào cuộc điểm đạo thứ bảy, Ngài có quyền năng vận dụng tất cả các cung. Cuộc điểm đạo thứ sáu đánh dấu trình độ thành đạt của Đức , và giúp Ngài chế ngự được cung tổng hợp của thái dương hệ. Chúng ta cần nên nhớ rằng cuộc điểm đạo ban cho điểm đạo đồ quyền năng sử dụng năng lượng các cung, chứ không phải quyền năng thống ngự các cung, bởi vì hai điều này khác hẳn nhau. Tất nhiên là mỗi điểm đạo đồ đều có cung nguyên thủy hay cung tinh thần là một trong ba cung chính yếu, và cung của Chân thần là cung mà sau một thời gian lâu dài y mới đạt được quyền năng của nó. Cung bác ái, hay cung tổng hợp của thái dương hệ, là cung cuối cùng y đạt được.
Các vị rời địa cầu sau cuộc điểm đạo thứ năm, hay là các vị không trở thành Chân sư trong thể xác hồng trần, thì nhận những cuộc điểm đạo kế tiếp ở các nơi khác trong thái dương hệ. Tất cả đều ở trong tâm thức của Thượng Đế. Một sự kiện trọng đại cần ghi nhớ là các cuộc điểm đạo của hành tinh hay của thái dương hệ chỉ là những cuộc điểm đạo chuẩn bị cho việc thu nhận vào Huyền giai vĩ đại hơn trên Sirius. Hội Tam Điểm đã giữ gìn khá cẩn mật các biểu tượng này, và khi phối hợp những phương pháp của Hội Tam Điểm với những điều đã truyền dạy cho chúng ta về các giai đoạn của Thánh Đạo, chúng ta sẽ hình dung được gần đúng vấn đề. Vậy hãy quảng diễn thêm đôi chút:—
Bốn cuộc điểm đạo đầu tiên của thái dương hệ tương ứng với [18] bốn “cuộc điểm đạo ở Ngưỡng cửa,” trước cuộc điểm đạo vũ trụ thứ nhất. Cuộc điểm đạo thứ năm tương ứng với lần điểm đạo thứ nhất cấp vũ trụ, cuộc điểm đạo “tập sự nhập môn” trong Hội Tam Điểm; khiến một vị Chân sư thành một người “tập sự nhập môn” vào Huyền giai trên Sirius. Cuộc điểm đạo thứ sáu tương ứng với cấp hai trong Hội Tam Điểm, trong khi cuộc điểm đạo thứ bảy khiến bậc Toàn thiện trở thành một Chân Sư Tam Điểm của Huyền giai trên Sirius.
Như vậy, Chân sư là một vị đã được cuộc điểm đạo thứ bảy của hành tinh, cuộc điểm đạo thứ năm của thái dương hệ, và cuộc điểm đạo thứ nhất của Sirius hay vũ trụ.
Sự nhất quán, kết quả của điểm đạo.
Một điểm chúng ta cần phải thấu triệt là mỗi cuộc điểm đạo kế tiếp đều mang lại một sự thống nhất hoàn toàn hơn của phàm nhân với Chân nhân, và trên các cấp độ cao hơn nữa, với Chân thần. Toàn bộ cuộc tiến hoá của tinh thần con người là một sự nhất quán ngày càng tăng tiến. Trong sự nhất quán giữa Chân nhân và phàm nhân có ẩn bí nhiệm về sự Chuộc tội trong giáo lý Thiên Chúa giáo. Một sự thống nhất xảy ra vào lúc biệt lập ngã tính, khi con người trở thành một thực thể hữu thức, có lý trí, khác với loài vật. Khi cuộc tiến hoá tiếp diễn, những sự nhất quán kế tiếp nhau xảy ra.
Sự nhất quán trên mọi cấp độ—xúc cảm, trực giác, tinh thần và Thiêng liêng—có tính chất là hoạt động hữu thức, liên tục. Trong mọi trường hợp, trước đó luôn luôn có sự đốt cháy, bởi ngọn lửa nội tâm, và sự hủy diệt, qua sự hy sinh, tất cả các yếu tố chia rẽ. Chúng ta tiến đến hợp nhất bằng cách hủy diệt những gì thấp thỏi, và tất cả những gì tạo thành chướng ngại. Để minh giải, hãy xét bức mạng ngăn cách thể dĩ thái và thể tình cảm. Khi bức mạng này đã bị đốt cháy bởi ngọn lửa nội tại, sự liên giao giữa các thể của phàm nhân trở nên liên tục, trọn vẹn, và ba [19] hạ thể hoạt động như một. Trên các cảnh giới cao, chúng ta cũng có tình trạng phần nào tương tự, dù rằng không giống trong từng chi tiết. Cảnh giới trực giác (bồ-đề) tương ứng với cảnh giới xúc cảm, và bốn cấp cao của cảnh giới trí tuệ tương ứng với các cấp dĩ thái. Việc hủy diệt thể nguyên nhân vào cuộc điểm đạo thứ tư (gọi theo khoa biểu tượng là “Thập giá hình”) là một tiến trình tương tự với sự đốt cháy bức mạng, đưa đến việc thống nhất các thể của phàm nhân. Sự tan rã này là một phần của cuộc điểm đạo la-hán và đưa đến sự hợp nhất giữa Chân nhân và Chân thần, tự biểu hiện trong Tam nguyên thượng. Đó là sự hợp nhất hoàn toàn.
Như vậy, toàn thể tiến trình này có mục đích làm cho hành giả hữu thức hợp nhất:—
Một là: Với chính mình và với các huynh đệ đồng giáng trần.
Hai là: Với Chân ngã nơi mình, và do đó hợp nhất với tất cả các Chân ngã.
Ba là: Với Tinh thần của y, hay là “Cha ở trên Trời,” và do đó hợp nhất với tất cả các Chân thần.
Bốn la: Với Thượng Đế, Ba trong Một và Một trong Ba.
Hành giả trở thành một con người hữu thức nhờ sự trợ giúp của các Hoả Tinh Quân, do sự hy sinh thường xuyên của các Ngài.
Hành giả trở thành một Chân nhân hữu thức, với tâm thức của Chân ngã vào cuộc điểm đạo thứ ba, nhờ sự trợ giúp của Chân sư và của Đức , và do các Ngài hy sinh lâm phàm để giúp đỡ thế gian.
Hành giả hợp nhất với Chân thần vào cuộc điểm đạo thứ năm, nhờ sự trợ giúp của Đức Chúa Tể Hoàn Cầu, Đấng Quan Phòng Cô Đơn, Đấng Đại Hy Sinh.
Hành giả hợp nhất với Thượng Đế nhờ sự trợ giúp của Đấng Bất Khả Tư Nghị.
[20]
CHƯƠNG III
CÔNG TÁC CỦA ĐẠI ĐOÀN CHƯỞNG GIÁO
Dù rằng chủ đề Đại Đoàn Chưởng Giáo ( ĐĐCG ) của hành tinh này được người bình thường quan tâm rất sâu xa, nhưng người ta sẽ không bao giờ hiểu được thực nghĩa của vấn đề nếu chưa nhận thức được ba điều liên hệ. Một là, toàn thể Huyền giai của các Đấng tinh thần tiêu biểu cho sự tổng hợp các mãnh lực hay năng lượng được hữu thức vận dụng để tăng cường cuộc tiến hoá của hành tinh. Khi tìm hiểu thêm, chúng ta sẽ thấy rõ điều này. Hai là, các mãnh lực này, biểu hiện trong hệ thống hành tinh của chúng ta thông qua các Siêu Nhân họp thành ĐĐCG, liên kết hệ thống này cùng tất cả những gì trong đó với huyền giai vĩ đại hơn mà chúng ta gọi là Huyền giai Thái dương. ĐĐCG của chúng ta chỉ là kiểu mẫu thu nhỏ của sự tổng hợp lớn hơn của các Thực thể hữu ngã thức, các Vị này vận dụng, điều khiển, và biểu hiện thông qua mặt trời và bảy hành tinh thánh thiện, cũng như các hành tinh khác, lớn hay nhỏ, tạo thành thái dương hệ chúng ta. Ba là, Huyền giai với các mãnh lực này có bốn đường hướng làm việc chủ yếu:—
Phát triển ngã thức trong tất cả chúng sinh.
ĐĐCG tìm cách tạo những điều kiện thích hợp cho sự phát triển ngã thức trong tất cả chúng sinh. Nơi con người, cơ bản là các Ngài thực hiện điều này bằng công tác sơ khởi nhằm hoà hợp ba trạng thái cao của tinh thần với bốn trạng thái thấp; bằng cách nêu gương phụng sự, hy sinh, từ bỏ và qua những dòng ánh [21] sáng liên tục (hiểu theo nghĩa huyền môn) phóng phát từ các Ngài. Trên hành tinh chúng ta, ĐĐCG có thể được xem là toàn bộ các mãnh lực của giới thứ năm trong thiên nhiên. Chúng ta nhập vào giới này bằng cách phát triển đầy đủ và làm chủ được nguyên khí thứ năm là trí tuệ, và chuyển hoá nó thành minh triết, tức là áp dụng trí thông minh vào mọi trạng thái, qua việc hoàn toàn hữu thức sử dụng năng lực bác ái có phân biện.
Phát triển tâm thức trong ba giới hạ đẳng.
Năm giới tiến hoá của thiên nhiên trên cung thăng thượng tiến hoá, chúng ta đều biết là:— giới khoáng vật, giới thực vật, giới động vật, giới nhân loại và giới tinh thần. Tất cả các giới này đều thể hiện một loại tâm thức nào đó, và công tác của ĐĐCG chính là phát triển các loại tâm thức này cho đến mức hoàn toàn, bằng cách điều chỉnh nghiệp quả, qua tác nhân của mãnh lực, và bằng cách cung ứng những điều kiện đúng đắn. Chúng ta có thể đạt được một ý niệm nào đó về công tác này, nếu tóm tắt sơ lược các trạng thái tâm thức khác nhau phải được phát triển trong các giới khác nhau.
Trong giới khoáng vật, công tác của ĐĐCG hướng về việc phát triển hoạt động phân biệt và chọn lọc. Một đặc tính của toàn bộ vật chất là một loại hoạt động nào đó, và ngay khi hoạt động đó hướng về việc kiến tạo hình thể, dù là loại sơ cấp nhất, thì khả năng phân biệt sẽ biểu lộ. Điều này được các nhà khoa học ở khắp nơi thừa nhận, và khi công nhận như vậy họ đang tiến gần đến các khám phá của Minh triết Thiêng liêng.
Trong giới thực vật, ngoài khả năng phân biệt này còn có thêm khả năng ứng đáp với cảm giác, và cần phải biểu lộ sơ khởi trạng thái thứ hai của thiên tính, cũng như trong giới khoáng vật [22] một phản ánh thô sơ của trạng thái thứ ba là hoạt động đang tự biểu lộ.
Trong giới động vật, hoạt động và cảm xúc thô sơ này gia tăng, và có những dấu hiệu (tạm gọi như vậy) của trạng thái thứ nhất, hay là ý chí còn phôi thai; chúng ta có thể gọi nó là bản năng di truyền, nhưng thực ra đó là thể hiện của Thiên ý trong thiên nhiên.
H. P. Blavatsky đã nói rất đúng rằng con người là đại vũ trụ đối với ba giới hạ đẳng, vì nơi con người ba đường lối phát triển này được tổng hợp và đến mức thành tựu mỹ mãn. Con người thực sự là thông tuệ, được biểu hiện một cách tích cực và kỳ diệu; y bắt đầu biểu lộ bác ái và minh triết, dù rằng đó có thể chỉ là mục tiêu mà y cố đạt; và y có ý chí sơ khởi, phôi thai, năng động, sẽ phát triển đầy đủ hơn sau khi y đã nhập vào giới thứ năm.
Trong giới thứ năm, tâm thức cần được phát triển là tâm thức tập thể, và tâm thức này tự biểu lộ trong sự khai mở hoàn mãn của bác ái-minh triết. Trên một vòng xoắn cao hơn, con người chỉ lặp lại công việc của ba giới hạ đẳng, vì trong giới nhân loại y biểu lộ trạng thái thứ ba là thông tuệ hoạt động. Trong giới thứ năm—mà con người nhập vào khi được điểm đạo thứ nhất, gồm toàn cả thời kỳ y được năm cuộc điểm đạo đầu tiên, và thời gian y làm việc với tư cách một Chân sư, một thành viên của ĐĐCG —bác ái-minh triết, hay trạng thái thứ nhì, đạt mức thành tựu viên mãn. Vào các cuộc điểm đạo thứ sáu và thứ bảy, trạng thái thứ nhất là ý chí chói rạng, và từ địa vị một Chân sư Từ bi và một vị Chúa Bác ái, bậc trọn lành trở thành một Đấng cao cả hơn nữa. Ngài nhập vào trạng thái tâm thức còn cao hơn tâm thức tập thể, và trở nên ý thức được Thượng Đế. Ngài có được ý chí vĩ đại hay là Ý chí của Thượng Đế.
Bồi dưỡng các thuộc tính khác nhau của thiên tính, chăm [23] sóc hạt giống ngã thức trong tất cả chúng sinh, đó là công tác của các Đấng đã đạt đến, đã nhập vào giới thứ năm, và ở đó các Ngài đã có quyết định từ bỏ vô cùng lớn lao khiến các Ngài ở lại trong phạm vi hành tinh chúng ta để cộng tác với các kế hoạch của Hành Tinh Thượng Đế trên cảnh giới hồng trần.
Truyền đạt ý chí của Hành Tinh Thượng Đế.
Các Ngài đóng vai trò truyền đạt cho loài người và thiên thần, ý chí của Hành Tinh Thượng Đế, và thông qua Hành Tinh Thượng Đế, truyền đạt ý chí của Thái Dương Thượng Đế. Mỗi hệ thống hành tinh, như hệ thống của chúng ta trong số các hệ thống khác, là một trung tâm trong cơ thể của Thượng Đế, và đang phát biểu một dạng năng lượng hay mãnh lực nào đó. Mỗi trung tâm phát biểu loại mãnh lực đặc biệt của mình, trong thể cách tam phân, để tạo nên ba trạng thái biểu hiện phổ quát. Một trong những nhận thức quan trọng của người nhập vào giới thứ năm là nhận thức được loại mãnh lực đặc biệt mà Hành Tinh Thương Đế của chính chúng ta thể hiện. Người môn sinh khôn ngoan sẽ suy gẫm kỹ lời phát biểu này, vì nó mang manh mối của nhiều sự kiện có thể thấy được trên thế giới ngày nay. Bí quyết tổng hợp đã bị thất truyền, và chỉ khi nào con người tìm lại được kiến thức mà họ đã có trong các chu kỳ trước (đã bị thu hồi do lòng nhân từ vào thời Châu Atlantis), kiến thức về loại năng lượng mà hệ thống của chúng ta cần phải biểu hiện, thì các vấn đề khó khăn của thế giới mới có thể tự điều chỉnh, và nhịp điệu của thế giới mới được ổn cố. Điều này chưa có thể được, vì đây là một loại kiến thức nguy hiểm, và hiện nay toàn nhân loại chưa có ý thức tập thể, nên chưa có thể được tín nhiệm để làm việc, suy tư, hoạch định, và hành động vì tập thể. Con người còn quá ích kỷ, nhưng không có lý do gì để nản lòng về điều này; tâm thức tập thể đã không còn chỉ là viễn tưởng, trong khi tình huynh đệ và [24] sự công nhận các nghĩa vụ của tình huynh đệ, đang bắt đầu thấm nhuần tâm thức của mọi người ở khắp nơi. Đây là công việc của ĐĐCG Ánh sáng,—là biểu dương cho mọi người thấy thực nghĩa của tình huynh đệ và bồi dưỡng trong họ sự đáp ứng với cái lý tưởng vốn đang ẩn tàng trong mỗi người và trong tất cả.
Nêu gương cho nhân loại.
Điều cơ bản mà mọi người cần biết và nhận thức là ĐĐCG gồm những vị đã thắng được vật chất và đã đạt được mục đích qua chính các giai đoạn mà mọi người đang dấn bước hiện nay. Các nhân vật tinh thần, các bậc trọn lành và các Chân sư này đã phấn đấu và chiến đấu đến mức thắng lợi, chế ngự được cảnh giới hồng trần, và tranh đấu trong chướng khí, sương mù, hiểm nghèo, gian nan, đau buồn và thống khổ của cuộc sống hằng ngày. Các Ngài đã bước qua mọi giai đoạn của con đường đau khổ, đã trải qua mọi kinh nghiệm, đã khắc phục được mọi khó khăn và đã chiến thắng. Tất cả Các vị Huynh trưởng này của nhân loại đều đã phải chịu cuộc thập giá hình của phàm ngã, và biết được sự xả thân hoàn toàn, trọn vẹn mà vốn là số phận của mọi người chí nguyện hiện nay. Không có giai đoạn thống khổ nào, không có sự hy sinh đau đớn nào, không có con đường gian khổ nào vào thời đó các Ngài đã không trải qua, do thế các Ngài mới có quyền phụng sự và phương pháp kêu gọi của các ngài mới có sức mạnh. Vì thấu hiểu được cái tinh túy của sự đau đớn và hiểu được ý nghĩa sâu sắc của tội lỗi và khổ đau, nên các Ngài có những phương pháp có thể đáp ứng một cách tốt đẹp các nhu cầu của cá nhân; đồng thời, do nhận thức được sự giải thoát phải đạt qua đau thương, hình phạt, thống khổ, và do hiểu được sự tự do chỉ đến do hy sinh hình hài sắc tướng nhờ các loại lửa thanh luyện, nên các Ngài có đủ khả năng hành động cương quyết, vẫn kiên trì ngay cả khi hình thể dường như đã chịu đau [25] khổ đúng mức, và có đủ tình thương để thắng lướt mọi trở ngại, bởi vì nó dựa trên đức kiên nhẫn và kinh nghiệm. Những vị Huynh trưởng này của nhân loại có các đặc trưng là một tình thương không hề dời đổi, mãi mãi hành động vì lợi ích của tập thể; là một kiến thức đã hoạch đắc qua muôn ngàn kiếp sống, trong đó các Ngài đã đi hết con đường sống và tiến hoá từ mức thấp nhất cho đến mức gần như tột đỉnh; là một kinh nghiệm trưởng thành qua thời gian và dựa trên vô số phản ứng và tương tác của phàm nhân; là một sự can đảm vốn do kết quả của kinh nghiệm đó, đã được tạo nên qua nhiều thời đại nỗ lực, thất bại, rồi tiếp tục nỗ lực cho đến rốt cuộc đã chiến thắng, và nay có thể được dùng để phụng sự nhân loại; là một chủ đích thông minh, giác ngộ, hợp tác, tự thích ứng với tập thể và kế hoạch của ĐĐCG và do thế mà phù hợp với chủ đích của Hành Tinh Thượng Đế; và đặc trưng cuối cùng là các Ngài có kiến thức sâu sắc về quyền năng âm thanh. Sự kiện cuối cùng này là cơ sở của câu châm ngôn rằng tất cả các nhà huyền bí học chân chính đều có những đặc tính hiểu biết, ý chí mạnh mẽ, can đảm và điềm tĩnh. “Hiểu biết, cương quyết, quảcảm và yên lặng.” Đã thấu đáo được Thiên Cơ với một tầm mắt trongsáng, tỏ rõ, các Ngài có thể tập trung ý chí của mình một cách quả quyết và không hề lay chuyển vào công tác sáng tạo vĩ đại bằng quyền năng của âm thanh. Do đó thế mà các Ngài im lặng khi người thường nhân nói, và nói khi kẻ thường nhân im lặng.
Khi mọi người đã thấu hiểu bốn sự kiện vừa được trình bày, và các sự kiện đó trở nên các chân lý được công nhận trong tâm thức của nhân loại, bấy giờ mới mong vãn hồi một chu kỳ thái bình, yên ổn và công chính mà tất cả các Thánh kinh trên thế giới đã tiên tri. Bấy giờ Ngôi Mặt Trời Công Chính sẽ lố dạng với đôi cánh chữa trị và nguồn thái hoà vô lượng sẽ ngự trị tâm hồn mọi người. [26] Bàn về công tác của ĐĐCG huyền bí, trong một cuốn sách dành cho đại chúng, thì có nhiều điều không thể nói ra. Người thường nhân rất quan tâm và đầy lòng hiếu kỳ về các Đấng cao cả này, nhưng mọi người chưa sẵn sàng để được biết nhiều hơn các kiến thức hoàn toàn tổng quát. Với những người đã từ lòng hiếu kỳ chuyển sang có ý muốn hiểu biết và tìm cách hiểu biết thực tính của chân lý, thì họ sẽ được cho biết thêm, khi chính họ đã thực hiện được công tác và cuộc nghiên cứu cần thiết. Cần có việc khảo cứu, và thái độ trí tuệ mà sách này hy vọng khơi dậy có thể tóm tắt bằng những lời như sau;—Các điều phát biểu này có vẻ thú vị và có thể đúng thật. Các tôn giáo của mọi quốc gia, kể cả Thiên Chúa giáo đều đưa ra những chỉ dẫn dường như xác nhận các điểm này. Vậy chúng ta hãy tìm kiếm chân lý như là một sự kiện thực trong tâm thức của chính chúng ta. Mọi tín ngưỡng tôn giáo đều đưa ra lời hứa hẹn rằng những ai thiết tha tìm kiếm điều gì sẽ tìm thấy điều đó; bởi vậy, chúng ta hãy tìm kiếm. Nếu khi khảo xét chúng ta thấy ra rằng tất cả những lời phát biểu này chỉ là mơ mộng hảo huyền, không chút gì lợi ích, chỉ đưa chúng ta vào chốn tối tăm, thì tuy thế thời gian cũng không đến đỗi mất đi, vì chúng ta hẳnsẽ xác định được nơi nào khỏi phải tìm kiếm. Mặt khác, nếu trong khi tìm xét, chúng ta thấy các giáo huấn được xác nhận dần dần, và ánh sáng ngày càng tỏ rạng hơn, thì chúng ta hãy tiếp tục cố gắng cho đến ngày mà ánh ánh chói rạng trong bóng tối sẽ chiếu rọi tâm hồn và trí não; bấy giờ người tìm chân lý sẽ bừng tỉnh và nhận thức ra rằng toàn cả khuynh hướng của cuộc tiến hoá là nhằm đưa y đến sự mở mang tâm thức và khai ngộ này; y cũng nhận ra rằng sự thành đạt của tiến trình điểm đạo và việc nhập vào giới thứ năm không phải là điều hoang tưởng kỳ quặc, mà là một sự kiện thật có sẵn trong tâm thức. Mỗi người phải tự mình xác nhận sự kiện [27] này. Người đã hiểu biết có thể nói lên một sự kiện như thế này, thế kia, nhưng lời khẳng định của một người khác và việc phát biểu một lý thuyết không giúp gì khác hơn là cho người tìm chân lý một sự chỉ dẫn xác nhận. Mỗi linh hồn phải xác định cho chính mình, và phải tìm thấy điều đó trong chính mình, luôn luôn nhớ rằng Thiên giới vốn ở nội tâm, và chỉ những điều nào được nhận biết trong tâm thức mỗi cá nhân như là chân lý thì mới có đôi phần chân giá trị. Trong khi chờ đợi, có thể đưa ra ở đây những gì mà nhiều người đã biết, và đã xác nhận trong tâm họ là những chân lý không thể chối cải; bấy giờ người độc giả sáng suốt sẽ có cơ hội và trách nhiệm xác định cho chính mình rằng đó là những điều giả dối hay chân lý.[28]
CHƯƠNG IV
SỰ THÀNH LẬP ĐẠI ĐOÀN CHƯỞNG GIÁO
Sự xuất hiện của ĐĐCG trên hành tinh.
Sách này không bàn về những bước đã đưa đến việc thành lập ĐĐCG trên hành tinh chúng ta, hoặc xem xét các điều kiện trước khi có sự giáng lâm của các Đấng cao cả này. Chúng ta có thể nghiên cứu những điều nói trên trong các sách huyền môn khác ở phương Tây và trong các Thánh kinh phương Đông. Chỉ cần nói là vào giữa thời kỳ Lemuria, cách đây khoảng mười tám triệu năm, đã xảy ra một biến cố vĩ đại mà ngoài những điều khác còn bao gồm các phát triển sau đây:— Đức Hành Tinh Thượng Đế của hệ địa cầu chúng ta, một trong Bảy vị Tinh quân trước ngôi Thượng Đế, đã lâm phàm, và dưới hình thể của Đức Kumara, Đấng Thái Cổ, Chúa Tể Hoàn Cầu, đã giáng lâm xuống hành tinh bằng vật chất hồng trần trọng trược này và ở lại với chúng ta kể từ đó. Vì bản chất của Ngài cực kỳ thanh khiết và vì Ngài tương đối vô nhiễm (theo quan điểm nhân loại), do đó không thể ứng đáp với bất cứ điều gì trên cảnh giới hồng trần trọng trược, và Ngài không thể khoác lấy một xác phàm trọng trược như chúng ta, nên Ngài phải hoạt động trong thể dĩ thái. Ngài là Đấng cao cả nhất trong các Đấng hoá thân đã có hoặc sau này, vì Ngài là phản ánh trực tiếp của Đấng cao cả Vĩ đại đang sống, thở và hoạt động thông qua mọi giới tiến hoá trên hành tinh này, giữ vạn vật trong hào quang hay là phạm vi ảnh hưởng từ lực của Ngài. Nơi Ngài, chúng ta sống, vận chuyển, tồn tại, và không ai trong chúng ta có thể vượt qua phạm vi hào quang của Ngài. Ngài là Đấng Đại Hy Sinh, đã từ bỏ sự vinh diệu của các cảnh giới cao siêu, và vì những đứa con nhân loại [29] đang tiến hoá, Ngài đã khoác lấy một hình thể vật chất hồng trần và trở nên giống như con người. Ngài là Đấng Trông Nom Im Lặng trực tiếp đối với nhân loại chúng ta, dù rằng đúng ra chính Đức Hành Tinh Thượng Đế trên cảnh giới tâm thức cao siêu nơi Ngài đang hoạt động, mới thực sự là Tịnh Quan Thượng Đế của hệ hành tinh này. Có thể nói rằng:— Đức Chúa Tể Hoàn Cầu, Đấng Điểm Đạo Duy Nhất, có vị thế liên hệ với Hành Tinh Thượng Đế, giống như biểu hiện hồng trần của một Chân sư liên hệ với Chân thần của Vị này trên cảnh giới Chân thần. Trong cả hai trường hợp, trạng thái tâm thức trung gian của Chân nhân hay Chân ngã đã bị thay thế, và những gì chúng ta thấy và biết là sự biểu hiện trực tiếp tự tạo của chính tinh thần thuần khiết. Vì thế mà có sự hy sinh. Ở đây xin ghi nhớ rằng trong trường hợp của Đức Sanat Kumara có một mức độ khác biệt vô cùng lớn lao, bởi vì trình độ tiến hoá của Ngài cao siêu hơn một vị Chân sư, giống như trình độ cao cả của Vị này so với con người thú. Điều này sẽ được trình bày sơ lược trong phần kế tiếp của vấn đề.
Cùng với sự giáng lâm của Đấng Thái Cổ, có một nhóm các Đấng khác tiến hoá rất cao, tiêu biểu cho nhóm nghiệp quả của chính cá nhân Đấng Thái Cổ, và những Đấng là thành quả của bản tính tam phân của Hành Tinh Thượng Đế. Có thể nói các Ngài thể hiện những mãnh lực xuất phát từ các trung tâm ở đầu, tim và cổ họng của Hành Tinh Thượng Đế, và các Ngài đã đến cùng với Đức Sanat Kumara để hình thành những tụ điểm mãnh lực của hành tinh để trợ giúp vào kế hoạch vĩ đại nhằm khai mở ngã thức của chúng sinh. Địa vị của các Ngài đã dần dần được thay thế bởi những người con nào của nhân loại có đủ điều kiện, dù rằng cho đến thời gian gần đây số người từ nhân loại trên địa cầu của chúng ta hiện nay hãy còn rất ít. Các vị hiện là nhóm nội môn chung quanh Đức Chúa Tể Hoàn Cầu đã được tuyển chọn chính yếu từ hàng ngũ những vị đã được điểm đạo trong dãy [30] nguyệt cầu (chu kỳ tiến hoá trước chu kỳ của chúng ta), hoặc những vị đã đến từ các hệ thống hành tinh khác, nhờ một số dòng năng lượng mặt trời, được qui định theo chiêm tinh; tuy nhiên, số người thành đạo trong nhân loại chúng ta đang gia tăng nhanh chóng và giữ các chức vụ thứ yếu dưới nhóm nội môn trung ương gồm Sáu Vị, cùng với Đức Chúa Tể Hoàn Cầu hợp thành trung tâm nỗ lực của ĐĐCG.
Hiệu quả tức thời.
Kết quả sự giáng lâm của các Ngài cách đây hàng nhiều triệu năm thật là lớn lao kỳ diệu, với các hiệu quả hiện còn đang được cảm nhận. Có thể kể ra các hiệu quả này như sau:— Đức Hành Tinh Thượng Đế trên cảnh giới của chính Ngài đã có thể dùng một phương pháp trực tiếp hơn nhằm tạo ra những kết quả Ngài muốn để thực hiện kế hoạch của Ngài. Như chúng ta đã biết, hệ thống hành tinh với bầu trọng trược và các bầu nội tàng tinh anh hơn, đối với Hành Tinh Thượng Đế cũng giống như thể xác và các thể tinh anh hơn đối với con người. Vì thế, có thể nói theo lối minh họa rằng sự lâm phàm của Đức Sanat Kumara tương tự như sự chủ trị vững chắc, hữu ngã thức của Chân nhân một con người trên các thể của y khi đã đạt được một giai đoạn tiến hoá cần thiết. Người ta nói rằng bên trong đầu mỗi người có bảy trung tâm lực liên kết với các trung tâm khác của cơ thể, thông qua đó mãnh lực của Chân nhân được phân phối và luân chuyển để thực hiện kế hoạch. Sanat Kumara với sáu vị Kumara khác cũng giữ một vị thế tương tự. Nhóm trung ương gồm bảy Đấng này giống như bảy trung tâm trong đầu đối với toàn cơ thể. Các Ngài là các tác nhân chỉ đạo, truyền năng lượng, mãnh lực, chủ đích và ý chí của Hành Tinh Thượng Đế trên cảnh giới của chính Ngài. Trung tâm hành tinh đỉnh đầu này hoạt động trực tiếp thông qua các trung tâm ở tim và cổ họng, và nhờ đó mà điều động tất cả các trung tâm khác. Đây là một cố gắng dùng [31] minh hoạ để trình bày sự liên hệ của ĐĐCG với nguồn cội hành tinh của các Ngài, cũng như tính cách hết sức tương đồng giữa phương pháp hoạt động của một vị Hành Tinh Thượng Đế và của con người, tiểu vũ trụ.
Giới thứ ba của thiên nhiên, giới động vật, đã đạt đến một trình độ tiến hoá tương đối cao, và người thú đã chiếm hữu trái đất; đó là một sinh vật có thể xác cường tráng, một thể cảm dục (hay thể cảm giác và xúc cảm) đã điều hợp, và một mầm mống trí tuệ thô sơ mà một ngày kia có thể hình thành một hạt nhân của thể trí. Nếu để cho tự phát triển qua nhiều thời đại lâu dài, chắc chắn rốt cuộc người thú cũng đã trở thành một thực thể có lý trí, hoạt động hữu ngã thức, nhưng tiến trình này có thể tỏ ra chậm chạp biết bao khi chúng ta nghiên cứu các thổ dân trong rừng ở Nam Phi, người Veddha ở Tích Lan và người Ainu nhiều lông lá ở Nhật.
Việc Đức Hành Tinh Thượng Đế quyết định khoác lấy một hiện thể hồng trần, đã tạo nên một sức kích thích phi thường trong diễn trình tiến hoá, và bằng cách lâm phàm cũng như sử dụng các phương pháp phân phối thần lực, Ngài đã mang lại, trong một chu kỳ ngắn ngủi, những điều mà nếu làm khác đi thì hẳn đã xảy ra vô cùng chậm chạp. Mầm mống trí tuệ trong người thú đã được kích thích. Con người hạ đẳng có bốn thành phần,
a. Thể xác gồm hai phương diện, dĩ thái và trọng trược,
b. Sinh lực, mãnh lực của sự sống, hay prana,
c. Thể cảm dục hay tình cảm,
d. Mầm mống trí tuệ đang nảy nở.
đã được điều hợp, kích thích, và trở thành một nơi thích hợp để tiếp nhận các thực thể hữu ngã thức giáng nhập, là các tam nguyên tinh thần (phản ánh của ý chí tinh thần, trực giác hay minh triết, và thượng trí) từ lâu đã chờ đợi một cơ hội thích hợp [32] như thế. Giới thứ tư tức là giới nhân loại đã ra đời theo cách này, và đơn vị hữu ngã thức hoặc có lý trí, tức là con người, bắt đầu tiến hoá.
Một kết quả khác nhờ sự giáng lâm của ĐĐCG là một sự phát triển tương tự, dù ít được nhận biết, trong tất cả các giới của thiên nhiên. Ví dụ như trong giới khoáng vật, một số khoáng chất hay nguyên tố đã được kích thích nhiều hơn, trở nên có tính phóng xạ, và một sự biến đổi hoá học bí nhiệm đã diễn ra trong giới thực vật. Điều này đã tạo điều kiện dễ dàng cho tiến trình nối kết giữa các giới thực vật và động vật, cũng như tính phóng xạ của khoáng chất là phương pháp bắt nhịp cầu giữa các giới khoáng vật và thực vật. Theo thời gian, các nhà khoa học sẽ đi đến mức thừa nhận rằng mỗi giới của thiên nhiên đều được liên kết và nhập vào khi các đơn vị trong đó trở nên có tính phóng xạ. Tuy nhiên, chúng ta không cần phải đi xa hơn về vấn đề này. Một gợi ý nhỏ cũng đủ cho những người có mắt thấy được, và có trực giác thấu được ý nghĩa truyền đạt bởi những từ bị hạn chế do chúng chỉ có các ngụ ý thuần vật chất.
Vào thời kỳ Châu Lemuria (), sau khi các Đấng của giới tinh thần giáng xuống thế gian, công việc các Ngài trù định thực hiện được tổ chức chu đáo. Các chức vụ được phân bổ, và các diễn trình tiến hoá trong tất cả các lĩnh vực của thiên nhiên đều được đặt dưới sự hướng dẫn khôn ngoan, hữu thức của Đại đoàn Nguyên thủy này. Đại đoàn Huynh đệ Quang minh này vẫn còn hiện hữu, và công việc tiến triển đều đặn. Tất cả các Ngài đều hiện diện trên cảnh giới hồng trần, hoặc là trong thể xác trọng trược, như nhiều vị Chân sư sử dụng, hoặc trong thể dĩ thái, như các vị phù trợ cao cả hơn và Đức Chúa Tể Hoàn Cầu đang dùng. Thật là điều tốt đẹp khi mọi người nhớ rằng các Ngài đang hiện diện ở cõi trần, và tâm niệm rằng các Ngài đang sống với chúng ta trên hành tinh này, chi phối các vận mệnh, hướng dẫn các công việc, và đưa các trường tiến hoá trên hành tinh tiếp tục tiến đến sự hoàn thiện tối hậu. [33] Tổng hành dinh của ĐĐCG ở Shamballa, một trung tâm trong sa mạc Gobi, mà các cổ thư gọi là “Bạch Đảo.” Trung tâm này hiện hữu trong chất dĩ thái, và khi nhân loại trên địa cầu đã phát triển được nhãn quan dĩ thái thì người ta sẽ nhận ra vị trí của trung tâm này và thừa nhận là có thật. Nhãn quan này đang được phát triển nhanh chóng, như chúng ta có thể thấy qua báo chí, và các sách vở hiện nay, tuy nhiên, vị trí của Shamballa sẽ là một trong những thánh địa dĩ thái được hiển lộ sau cùng, vì nó hiện hữu trong chất dĩ thái thứ nhì. Nhiều vị Chân sư mang xác phàm ở trong dãy Hy-mã-lạp-sơn, ở một nơi ẩn dật gọi là Shigatse, cách xa sinh hoạt của mọi người, nhưng phần đông các Ngài rải rác khắp thế giới, ở nhiều nơi khác nhau trong các quốc gia khác nhau, ẩn danh và không ai nhận biết, dù vậy, ở những nơi này,mỗi Vị đều là một tụ điểm cho năng lượng của Đức Chúa Tể Hoàn Cầu và toả chiếu chung quanh Ngài nguồn bác ái và minh triết của Thiêng liêng.
Mở Cửa Điểm Đạo.
Bàn về lịch sử của ĐĐCG qua những thời kỳ hoạt động lâu dài của các Ngài, chúng ta không thể làm gì hơn là đề cập đến một số biến cố nổi bật và nêu lên một số kết quả. Nhiều thời đại ngay sau khi ĐĐCG được thành lập, công việc tiến hành thật chậm chạp, dễ gây nản lòng. Nhiều ngàn năm trôi qua, bao lần các giống dân xuất hiện và biến đi trên địa cầu, trước khi có thể giao phó cho những người con của nhân loại đang tiến hoá, ngay cả loại công việc thực hiện bởi các điểm đạo đồ cấp thứ nhất. Nhưng vào giữa căn chủng thứ tư, là giống dân Atlantis, một biến cố đã xảy ra khiến cần phải thay đổi, hay canh tân phương pháp làm việc của ĐĐCG. Một số thành viên đã được vời đi nhận công tác cấp cao hơn ở một nơi nào khác trong thái dương hệ, và [34] điều này, do cần thiết, đưa vào ĐĐCG một số người tiến hoá cao của gia đình nhân loại. Để cho người khác có thể nhận địa vị của các Ngài, tất cả các thành viên cấp thấp của ĐĐCG đều được nâng lên một cấp, để tạo chỗ trống cho các chức vụ thứ yếu. Vì thế, đã có ba điều đã được quyết định trong Hội đồng của Đức Chúa Tể Hoàn Cầu.
1. Đóng cánh cửa mà người thú vượt qua để nhập vào giới nhân loại, trong một thời gian không cho phép có thêm Chân thần trên cảnh giới cao thu nhận hạ thể. Điều này giới hạn số lượng của giới thứ tư hay nhân loại, ở mức vào lúc đó.
2. Mở ra một cánh cửa khác, và cho phép các thành viên của gia đình nhân loại, những ai tự nguyện tuân thủ các giới luật cần thiết và thực hiện được nỗ lực lớn lao cần có, được nhập vào giới thứ năm hay giới tinh thần. Bằng cách này, hàng ngũ của ĐĐCG có thể được điền khuyết bởi những thành viên nào của nhân loại thuộc địa cầu có đủ điều kiện. Cửa này được gọi là Cửa Điểm Đạo, và vẫn còn mở ra theo các điều kiện như Đức Chúa Tể Hoàn Cầu đã ấn định vào thời kỳ Atlantis. Các điều kiện đó sẽ được đưa ra trong chương cuối cùng của sách này. Cánh cửa ngăn cách các giới nhân loại và động vật sẽ lại được mở ra trong đại chu kỳ tới, hay một số sách khác gọi là “Vòng tiến hoá”, nhưng vì điều này còn phải đợi đến nhiều triệu năm nữa, nên chúng ta khỏi phải bận tâm.
3. Cũng có quyết định vạch rõ đường ranh giới giữa hai thế lực vật chất và tinh thần; tính lưỡng nguyên cố hữu của toàn cuộc biểu hiện đã được nhấn mạnh, nhằm mục đích dạy mọi người làm cách nào tự giải thoát ra khỏi các giới hạn của giới thứ tư, tức là nhân loại, để chuyển sang giới thứ năm là giới tinh thần. Vấn đề thiện hay ác, ánh sáng hay bóng tối, đúng hay sai, đã được minh định chỉ vì lợi ích cho nhân loại, và để giúp con [35] người có thể dẹp bỏ được các chướng ngại giam hãm tinh thần, để nhờ đó đạt được sự tự do tinh thần. Vấn đề này không có trong các giới dưới nhân loại hay các bậc siêu nhân. Con người phải học, qua kinh nghiệm và đau khổ, để biết sự thực về tính lưỡng nguyên của toàn thể cuộc hiện tồn. Khi đã học được, y bèn chọn những gì liên quan đến trạng thái tinh thần hữu thức viên mãn của thiên tính, và học cách tập trung vào trạng thái này. Khi đã đạt mức giải thoát này, y thực sự thấy ra rằng tất cả là một, vật chất và tinh thần vốn duy nhất, và tất cả chúng sinh đều hiện hữu bên trong tâm thức của Hành Tinh Thượng Đế, và—ở những phạm vi rộng hơn—trong tâm thức của Thái Dương Thượng Đế.
Bằng cách này, ĐĐCG lợi dụng năng lực phân biện của trí tuệ, vốn là đặc tính rõ rệt của nhân loại, để giúp con người có thể đạt đến mục đích của mình, bằng cách cân bằng các cặp đối cực, và tìm ra con đường phản bổn hoàn nguyên.
Quyết định này đã đưa đến cuộc chiến đấu rộng lớn, là đặc trưng của nền văn minh Atlantis, lên đến tột đỉnh vào cuộc hủy diệt gọi là trận đại hồng thủy mà tất cả các Thánh kinh trên thế giới đã đề cập. Các lực lượng của ánh sáng và các lực lượng của bóng tối đã giao chiến với nhau, để trợ giúp nhân loại. Cuộc tranh đấu vẫn còn tiếp diễn, và Thế Chiến mà chúng ta vừa trải qua là một sự tái phát của nó. Trên mọi phương diện của Thế Chiến đều có hai nhóm, những người chiến đấu cho một lý tưởng theo mức thấy và hiểu cao nhất của họ, và những người đấu tranh vì các quyền lợi vật chất ích kỷ. Nhiều người bị lôi cuốn vào trong cuộc chiến của những nhóm theo chủ nghĩa lý tưởng hay những kẻ xu phụng vật chất đầy thế lực đó, đã chiến đấu một cách mù quáng và thiếu hiểu biết, và do thế đã bị chìm đắm trong nghiệp quả và thảm họa của nhân loại.
Ba quyết định này của ĐĐCG đang và sẽ có một hiệu quả sâu xa đối với nhân loại, nhưng đang đạt được kết quả mong [36] muốn, diễn trình tiến hoá được thúc đẩy mau chóng, và đã có thể thấy được một hiệu quả quan trọng sâu xa trong trạng thái trí tuệ của con người.
Ở đây cũng nên nêu ra rằng một số đông các sinh linh mà người Thiên Chúa giáo gọi là thiên thần, và người Đông phương gọi là chư thần () cũng hoạt động với tư cách là thành viên của ĐĐCG. Nhiều vị này đã trải qua giai đoạn nhân loại từ lâu, hiện làm việc trong hàng ngũ của cuộc tiến hoá rộng lớn song hành với trường tiến hoá nhân loại, và được gọi là trường tiến hoá thiên thần. Ngoài những nhân tố khác, cuộc tiến hoá này bao gồm các vị thần kiến tạo phương diện ngoại cảnh của hành tinh, và các mãnh lực thông qua các vị thần kiến tạo này, tạo nên mọi hình thể mà chúng ta đã biết hoặc còn xa lạ. Thế nên, các thiên thần hợp tác với nỗ lực của ĐĐCG chú tâm đến phương diện hình hài sắc tướng, trong khi các thành viên khác của ĐĐCG thì chăm lo việc phát triển tâm thức bên trong hình thể.
[37]
CHƯƠNG V
BA NGÀNH CỦA ĐẠI ĐOÀN CHƯỞNG GIÁO
Chúng ta đã bàn về chủ đề sự thành lập của ĐĐCG trên địa cầu, và đã thấy bằng cách nào Huyền giai này ra đời, cũng như đề cập đến một số cuộc khủng hoảng đã xảy ra, và vẫn còn ảnh hưởng đến các biến cố hiện nay. Khi bàn về công việc và những mục đích của các thành viên trong ĐĐCG, chúng ta sẽ không thể nêu rõ các mục đích này đã là những gì, và cũng không thể xét chi tiết về các nhân vật nào đã chủ động công việc trong nhiều ngàn năm qua, từ khi có ĐĐCG.
Nhiều Đấng cao cả đã đến từ các nguồn hành tinh và thái dương, và một đôi khi đến từ các nguồn vũ trụ, thỉnh thoảng các Ngài cũng trợ giúp và lưu lại hành tinh này một thời gian ngắn. Với năng lượng lưu chuyển qua các Ngài, cùng với kinh nghiệm minh triết sâu xa, các Ngài đã kích thích các trường tiến hoá của địa cầu, và đưa các mục đích của Hành Tinh Thượng Đế mau đến gần mức hoàn tất. Sau đó, các Ngài ra đi và địa vị của các Ngài được thay thế bởi các thành viên nào của ĐĐCG đồng ý nhận một cuộc rèn luyện và phát triển tâm thức đặc biệt. Đến lượt các vị trọn lành và Chân sư này lại được các điểm đạo đồ thay thế, và do đó những người đệ tử và những người nam, nữ tiến hoá cao luôn luôn có cơ hội nhập vào hàng ngũ của ĐĐCG, và do đó luôn luôn có sự luân chuyển của nguồn sống mới và máu huyết, và sự giáng nhập của những vị thuộc về một thời đại hay thời kỳ nào đó.
Một số bậc đại danh vào các thời kỳ gần đây được biết đến [38] trong lịch sử, như Shri Sankaracharya, Vyasa, Mahommet, Jesus người Nazareth, và Krishna, xuống đến các điểm đạo đồ cấp thấp hơn, Paul người Tarsus, Luther, và một số điểm sáng nổi bật trong lịch sử u châu. Luôn luôn những người nam và nữ này đã là các tác nhân thực hiện mục đích dành cho nhân loại, mang lại các điều kiện tập thể, và trợ giúp cuộc tiến hoá của nhân loại. Đôi khi họ đã xuất hiện như mãnh lực nhân ái, mang theo hoà bình và hài mãn. Thường thì họ đã đến với tư cách các tác nhân hủy diệt, phá vỡ các hình thức cũ kỹ của tôn giáo và chính quyền để cho sự sống bên trong hình thể đang kết tinh mau chóng, có thể được giải phóng và tạo cho mình một vận cụ mới mẻ, tốt đẹp hơn. Nhiều điều trình bày ở đây đã được biết rõ, và đã được đưa ra trong những cuốn sách huyền bí khác nhau. Nhưng khi phát biểu các sự kiện được thu thập một cách khôn ngoan, thận trọng, và liên hệ chúng với những điều có thể là mới đối với một số môn sinh, thì cuối cùng chúng ta sẽ có được sự thấu hiểu tổng hợp về đại Thiên Cơ, và một nhận thức khôn ngoan đồng nhất về công tác của đoàn thể vĩ đại gồm các linh hồn giải thoát, trong sự từ bỏ hoàn toàn, các Ngài đang yên lặng ở đằng sau diễn trường thế giới. Bằng quyền năng ý chí, mãnh lực tham thiền, minh triết trong các kế hoạch, và kiến thức khoa học về năng lượng, các Ngài lèo lái những dòng thần lực, và điều khiển những tác nhân kiến tạo hình thể đang tạo ra tất cả những gì thấy được và không thấy được, vận chuyển và bất động trong trường sáng tạo thuộc ba cõi thấp. Những điều trên, cùng với kinh nghiệm bao la của các Ngài, khiến các Ngài đủ điều kiện làm tác nhân phân phối năng lượng của Hành Tinh Thượng Đế.
Như đã trình bày, đứng đầu các sự vụ, chi phối và điều động mọi sinh linh và toàn cuộc tiến hoá, có ĐẤNG THÁNH ĐẾ, Chúa Tể Hoàn Cầu, Sanat Kumara, Đấng Vĩnh cửu Thanh xuân, Nguồn cội của Ý chí (biểu hiện thành Bác ái) của Hành Tinh Thượng Đế. Cộng tác với Ngài ở vai trò cố vấn, có ba Đấng gọi [39] là Pratyeka Buddha, hay là các vị Hoạt Phật. Cả bốn Vị đều là hiện thân của ý chí hoạt động thông minh và yêu thương. Các Ngài là sự thành tựu viên mãn của Đức thông tuệ và, trong một thái dương hệ trước đây, đã thành đạt được những điều mà hiện nay con người đang nỗ lực làm cho hoàn thiện. Trong các chu kỳ ban đầu của thái dương hệ này, các Ngài đã bắt đầu biểu dương tình bác ái thông minh, và theo quan điểm của con người bình thường, các Ngài là bác ái hoàn toàn và trí thông minh toàn vẹn, dù rằng theo lập trường của Đấng đang bao gồm ngay cả hệ hành tinh của chúng ta trong hiện thể của Đấng này, thì trạng thái bác ái đó vẫn còn trong quá trình phát triển, và ý chí đó chỉ mới phôi thai. Trong một thái dương hệ khác, trạng thái ý chí sẽ đến mức thành tựu, cũng như bác ái sẽ hoàn thành trong thái dương hệ này.
Ở chung quanh Đức Chúa Tể Hoàn Cầu nhưng ẩn tàng ở cấp nội môn hơn, có thêm ba vị Kumara khác nữa, hợp thành bảy Đấng biểu hiện của hành tinh này. Công việc của các Ngài đối với chúng ta tất nhiên là còn bí ẩn. Ba vị Phật hay là các vị Kumara ở ngoại môn hơn, là tổng thể của hoạt động hay là năng lượng hành tinh, và ba vị Kumara nội môn thể hiện các loại năng lượng còn chưa biểu lộ đầy đủ trên hành tinh chúng ta. Mỗi một trong sáu vị Kumara này là phản ánh và là tác nhân phân phối cho năng lượng và mãnh lực của một trong sáu Hành Tinh Thượng Đế khác, sáu Đấng Tinh Quân trước Ngôi Thượng Đế. Chỉ có Đức Sanat Kumara, trong hệ thống này, là tự tồn, tự túc, là sự giáng lâm hồng trần của một trong các Vị Hành Tinh Thượng Đế, vị này ta chưa được phép tiết lộ, vì đó là một trong những bí mật của điểm đạo. Mãnh lực sự sống của một trong sáu cung đi qua mỗi Vị, và khi cứu xét về các Ngài, chúng ta có thể tóm tắt công việc và địa vị của các Ngài như sau:
1. Mỗi vị thể hiện một trong sáu loại năng lượng, mà Đức Chúa Tể Hoàn Cầu là Đấng tổng hợp và thể hiện loại thứ bảy hoàn thiện, là loại của hành tinh chúng ta. [40] 2. Mỗi vị được phân biệt bởi một trong sáu màu, mà Đức Chúa Tể Hoàn Cầu là Đấng biểu lộ màu sắc đầy đủ của hành tinh, còn sáu màu kia là màu phụ.
3. Thế nên, công việc của các Ngài, không chỉ liên quan đến sự phân phối thần lực, mà còn liên quan đến việc các Chân nhân từ các hệ thống hành tinh khác chuyển vào hệ thống của chúng ta để thu thập kinh nghiệm địa cầu.
4. Mỗi Ngài có liên giao trực tiếp với một trong các hành tinh thánh thiện.
5. Tùy theo các điều kiện chiêm tinh, và tùy theo sự xoay chuyển của chu kỳ sống của hành tinh, mà một trong các vị Kumara này sẽ hoạt động tích cực. Ba vị Hoạt Phật thỉnh thoảng lại thay đổi, và lần lượt ở ngoại môn hay nội môn tùy theo trường hợp. Chỉ có Đấng Thánh Đế là duy trì liên tục và thường xuyên trông nom trong sự lâm phàm tích cực của Ngài ở cõi trần.
Ngoài các Đấng chủ trì chính yếu kể trên trong Đại Hội Đồng ở Shamballa, còn có một nhóm bốn Vị là đại diện trên địa cầu của Tứ Đại Thiên Vương (Maharaja), tức là bốn vị Nghiệp Quả Tinh Quân trong thái dương hệ, các Ngài đặc biệt quan tâm đến cuộc tiến hoá của giới nhân loại hiện nay. Bốn Vị này lo về:
1. Sự phân phối nghiệp qủa hay vận mệnh của con người, khi nó ảnh hưởng đến các cá nhân, và thông qua các cá nhân, ảnh hưởng đến các nhóm.
2. Việc trông nom và sắp xếp các tiên thiên ký ảnh. Các Ngài trông nom những Phòng Ký Ảnh hay “việc lưu trữ sổ bộ,” theo cách nói trong Thánh Kinh Thiên Chúa giáo. Trong giới này, người ta gọi các Ngài là các thiên thần ký ảnh. [41] 3. Việc tham dự vào các hội đồng thái dương hệ. Chỉ có các Ngài, trong chu kỳ thế giới hiện nay, mới có quyền vượt ra ngoài biên giới của hệ thống hành tinh và tham dự các hội đồng của Thái Dương Thượng Đế. Bằng cách này, các Ngài thật sự là những Đấng trung gian của hành tinh, đại diện cho Hành Tinh Thượng Đế của chúng ta và tất cả những gì liên hệ đến Ngài trong hệ thống lớn hơn nữa mà Ngài chỉ là một phần trong đó.
Cộng tác với các Nghiệp Quả Tinh Quân này, có những nhóm đông đảo các điểm đạo đồ, chăm lo việc điều chỉnh đúng đắn:
a. Nghiệp quả của thế giới,
b. Nghiệp quả của giống dân,
c. Nghiệp quả của quốc gia,
d. Nghiệp quả của nhóm,
e. Nghiệp quả của cá nhân,
và chịu trách nhiệm với Hành Tinh Thượng Đế về việc vận dụng đúng đắn các mãnh lực và các công tác xây dựng, giúp những Chân nhân thuộc các cung khác nhau giáng trần hợp thời, đúng lúc.
Chúng ta không mấy liên hệ đến tất cả các nhóm này, vì chỉ có các điểm đạo đồ cấp ba và các vị còn cao cả hơn nữa mới tiếp xúc với các nhóm đó.
Các nhân viên còn lại của ĐĐCG chia làm ba nhóm chính và bốn nhóm phụ, mỗi nhóm được chủ trì bởi một trong những Đấng mà chúng ta gọi là ba vị Chúa Cao Cả.
Công việc của Đức Bàn Cổ.
Đức Bàn Cổ chủ trì nhóm thứ nhất. Ngài được gọi là Đức Bàn Cổ Vaivasvata, và là Bàn Cổ của căn chủng thứ năm. Ngài [42] là con người lý tưởng hay tư tưởng gia lý tưởng, ấn định kiểu mẫu cho giống dân Aryan hiện nay, và đã chủ trì vận mệnh của giống dân này từ lúc nó còn phôi thai, cách đây gần một trăm ngàn năm trước. Các vị Bàn Cổ khác đã đến và đã ra đi, và địa vị của Ngài sẽ do một vị khác thay thế, trong một tương lai tương đối gần. Bấy giờ Ngài sẽ chuyển sang một loại công tác khác cao cả hơn. Đức Bàn Cổ vốn là kiểu mẫu nguyên thủy của căn chủng thứ tư, đang hợp tác chặt chẽ với Ngài, và Vị này có trung tâm ảnh hưởng ở Trung Quốc. Ngài là vị Bàn Cổ thứ hai của căn chủng thứ tư, và đã giữ địa vị của Đức Bàn Cổ trước vào các giai đoạn cuối cùng của cuộc hủy diệt Châu Atlantis. Ngài còn tại vị để giúp sự phát triển của kiểu mẫu chủng tộc này, và để làm cho nó tan biến vào lúc chung cuộc. Nhiệm kỳ của các vị Bàn Cổ có những khoảng giao nhau, nhưng hiện nay trên địa cầu không còn đại diện của căn chủng thứ ba. Đức Bàn Cổ Vaivasvata ở trong vùng núi Hy-mã-lạp-sơn, và đã qui tụ chung quanh Ngài ở Shigatse một số người đang liên hệ trực tiếp với các sự vụ của giống dân Aryan ở Ấn Độ, u Châu và Mỹ Châu, và những người sau này sẽ lo cho căn chủng thứ sáu sắp đến. Các kế hoạch được thảo ra cho nhiều thời đại tới đây, các trung tâm năng lượng được hình thành hàng ngàn năm trước khi cần đến, và với sự tiên tri sáng suốt của các Đấng Thiêng Liêng này không có điều gì là kết cuộc bất ngờ, mà tất cả đều vận chuyển trong các chu kỳ trật tự, theo qui luật và định luật, dù rằng ở bên trong các giới hạn nghiệp quả.
Công việc của Đức Bàn Cổ phần lớn liên quan đến chính quyền, đến chính trị hành tinh, và đến việc thành lập, điều hành và giải tán các kiểu mẫu và hình thể các giống dân. Ý chí và chủ đích của Hành Tinh Thượng Đế được giao phó cho Ngài. Ngài biết đâu là mục tiêu trước mắt của chu kỳ tiến hoá mà Ngài phải chủ trì, và công tác của Ngài cốt ở việc thực hiện hoàn tất ý chí này. Ngài cộng tác chặt chẽ với các thiên thần kiến tạo hơn vị Huynh đệ của Ngài là Đức , vì Ngài được giao cho công [43] việc ấn định kiểu mẫu chủng tộc, việc tách riêng ra các nhóm mà từ đó các giống dân sẽ phát triển, việc điều động các thần lực để dời chuyển vỏ địa cầu, việc nâng cao và hạ thấp các lục địa, hướng dẫn trí tuệ của các chính khách ở khắp nơi để việc quản trị nhân loại sẽ tiến triển như mong muốn, và mang lại các điều kiện để tạo nên những gì cần thiết cho việc phát triển một kiểu mẫu nào đó.Một công cuộc như thế nay chúng ta có thể thấy đang diễn ra ở Bắc Mỹ và Úc Châu.
Năng lượng lưu chuyển qua Ngài phát xuất từ trung tâm ở đầu của Đức Hành Tinh Thượng Đế và truyền đến Ngài qua não bộ của Đức Sanat Kumara, là Đấng hội tụ tất cả năng lượng hành tinh trong Đấng này. Ngài làm việc bằng một lối tham thiền mạnh mẽ, tiến hành trong luân xa ở đầu, và tạo nên các kết quả qua việc Ngài hoàn toàn nhận thức được những điều phải thành tựu, qua năng lực hình dung những điều phải thực hiện để mang lại thành tựu, và qua khả năng truyền chuyển năng lượng sáng tạo và hủy diệt đến các vị phụ tá của Ngài. Tất cả những điều này được hoàn thành nhờ quyền năng của âm thanh phát ra rõ ràng minh bạch.
Công việc của Đức Chưởng Giáo Thế Gian, Đức .
Đức Chưởng Giáo là vị Chủ trưởng của nhóm thứ hai. Ngài là Đấng Cao Cả mà người Thiên Chúa giáo gọi là Đức ; ở Đông phương, Ngài cũng được biết dưới danh hiệu Đức Bồ-Tát, Đức Di Lạc, và là Đấng mà người tín đồ Hồi giáo thuần thành tìm kiếm, dưới danh xưng Imam Mahdi. Chính Ngài đã chủ trì các vận hội trong cuộc sống kể từ khoảng 600 năm trước Công nguyên, và chính Ngài trước đây đã giáng lâm giữa nhân loại, và nay Ngài đang được mong chờ. Ngài là Đức Chúa Từ Bi, Bác Ái, cũng như vị tiền nhiệm của Ngài, Đức Phật, đã là Đức Chúa [44] Minh Triết. Năng lượng và trạng thái thứ hai, trực tiếp từ luân xa tim của Hành Tinh Thượng Đế, qua tim của Sanat Kumara, đến Ngài và lưu chuyển thông qua Ngài. Ngài làm việc bằng tham thiền tập trung trong luân xa tim. Ngài là Đức Chưởng Giáo Thế Gian, là Chân sư của các Chân sư, là Huấn sư của các Thiên thần, và Ngài được giao phó việc hướng dẫn vận mệnh tinh thần của nhân loại, và việc phát triển sự nhận thức trong mỗi người rằng mình là con của Thượng Đế, là con của Đấng Chí Tôn.
Giống như Đức Bàn Cổ chăm lo việc cung ứng kiểu mẫu và các hình hài thông qua đó tâm thức có thể tiến hoá và thu thập kinh nghiệm, để mang lại ý nghĩa sâu xa nhất của cuộc hiện tồn, thì Đức Chưởng Giáo Thế Gian cũng chỉ đạo cái tâm thức ẩn nội đó trong trạng thái sự sống hay tinh thần của nó, tìm cách tăng cường cho nó bên trong hình hài, để đúng lúc hình hài này có thể bị loại bỏ và tinh thần được giải phóng có thể quay về nguồn cội của mình. Kể từ khi Ngài rời trần thế, như được tường thuật gần đúng trong câu chuyện Thánh Kinh (mặc dù có nhiều chi tiết sai lầm), Ngài luôn ở kề cận những người con nhân loại; Ngài chưa hề bao giờ thực sự ra đi, mà chỉ có vẻ như vậy thôi, và những ai biết cách đều có thể tìm thấy Ngài khoác thánh thể hồng trần ở trong dãy Hy-mã-lạp-sơn, và đang làm việc cộng tác chặt chẽ với hai vị Huynh đệ Cao cả của Ngài, là Đức Bàn Cổ và Đức Văn Minh Đại Đế. Hằng ngày Ngài ban phước lành cho thế gian, và hằng ngày vào lúc mặt trời lặn, Ngài đứng dưới gốc thông lớn trong vườn đưa tay ban phước lành cho tất cả những ai chân thành và thiết tha tìm đạo. Ngài biết tất cả những người tìm chân lý, và dù họ có thể còn chưa biết được Ngài, nhưng ánh sáng Ngài ban rải vẫn kích thích đạo tâm, nuôi dưỡng điểm linh quang của sự sống đang phấn đấu và thôi thúc người chí nguyện tiến lên cho đến ngày trọng đại khi họ đối diện với Đấng, do được “thăng hoá” (hiểu theo nghĩa nội môn), đang hấp dẫn mọi người đến với Ngài, là Đấng Điểm Đạo các bí nhiệm thiêng liêng. [45]
Công việc của Đức Văn Minh Đại Đế, tức là Đức Mahachohan.
Đứng đầu nhóm ba là Đức Mahachohan. Thời gian Ngài ngự trị nhóm này lâu hơn thời gian của hai vị Huynh đệ Ngài, và Ngài có thể giữ chức vụ với nhiệm kỳ qua nhiều căn chủng. Ngài là toàn bộ trạng thái thông tuệ. Đức Văn Minh hiện nay không phải là vị đầu tiên giữ chức vụ này khi thành lập ĐĐCG vào thời kỳ Lemuria—bấy giờ chức vụ này được đảm nhận bởi một trong các vị Kumara, hay là các Hoả Chân Quân, đã lâm phàm cùng với Sanat Kumara—mà Ngài nhận chức vụ này trong khoảng phân chủng thứ nhì của căn chủng Atlantis. Ngài đã đạt quả vị Chân sư trên dãy nguyệt cầu, và chính do tác động của Ngài mà một số đông nhân loại tiến hoá cao hiện nay đã lâm phàm vào khoảng giữa căn chủng Atlantis. Các liên hệ nghiệp quả của họ với Ngài đã là một trong những nguyên nhân tiền định khiến cho điều này cuối cùng có thể xảy ra.
Công việc của Ngài liên quan đến sự bồi dưỡng và tăng cường mối quan hệ giữa tinh thần và vật chất, giữa sự sống và hình thể, giữa cái ngã và cái phi-ngã, tất cả kết thành những gì chúng ta gọi là nền văn minh. Ngài vận dụng các mãnh lực của thiên nhiên, và do đó phần lớn là nguồn phát ra điện năng như hiện chúng ta biết. Ngài là phản ánh của trạng thái thứ ba hay sáng tạo, nên năng lượng của Hành Tinh Thượng Đế lưu chuyển đến Ngài từ trung tâm cổ họng, và bằng nhiều cách, Ngài đã giúp cho công việc của các vị Huynh đệ Ngài có thể thực hiện được. Những kế hoạch và ý muốn của các Vị này đều được chuyển đến Ngài, và những chỉ thị truyền qua Ngài đến với một số lớn các tác nhân thiên thần.
Thế nên, chúng ta có Ý chí, Bác ái và Thông tuệ được tiêu biểu trong ba vị Chúa cao cả này; ta có ngã, phi ngã và mối liên hệ giữa ngã-phi ngã được tổng hợp trong tính hợp nhất của cuộc biểu hiện; ta có sự quản trị nhân loại, tôn giáo và văn minh tạo thành một toàn thể cố kết; và ta có sự biểu hiện hồng trần, trạng [46] thái bác ái hay ý muốn, và trí tuệ của Hành Tinh Thượng Đế thể hiện thành thực tại khách quan. Có sự hợp nhất và hợp tác hết sức chặt chẽ giữa ba Đấng này, và mọi biện pháp, kế hoạch và biến cố đều có trong sự tiên tri kết hợp của các Ngài. Hằng ngày các Ngài tiếp xúc với Đức Chúa Tể Hoàn Cầu ở Shamballa, và toàn bộ việc hướng dẫn các sự vụ đều ở trong tay các Ngài và trong tay Đức Bàn Cổ của căn chủng thứ tư. Đức Chưởng Giáo giữ chức vụ này đối với cả căn chủng thứ tư và căn chủng thứ năm.
Mỗi vị trưởng ngành này điều hành một số các phòng ban phụ thuộc, và ngành của Đức Mahachohan được chia làm năm phân ngành, nhằm bao gồm bốn trạng thái thứ yếu trong việc quản trị của ĐĐCG.
Dưới quyền của Đức Bàn Cổ có các vị nhiếp chính của các khu vực khác nhau trên thế giới, ví dụ như Chân sư Jupiter, vị kỳ cựu nhất trong các Chân sư hiện đang làm việc cho nhân loại, trong xác phàm, là vị nhiếp chính cho Ấn Độ, và Chân sư Rakoczi, là vị nhiếp chính cho u Châu và Mỹ Châu. Ở đây, chúng ta cần phải nhớ rằng, ví dụ như mặc dù Chân sư R. thuộc về cung bảy, và do thế mà tùy thuộc ngành năng lượng của Đức Mahachohan, nhưng trong công việc của ĐĐCG, Ngài có thể và lại giữ chức vụ tạm thời dưới quyền Đức Bàn Cổ. Các vị nhiếp chính này nắm quyền cai trị các lục địa và các quốc gia, và bằng cách đó hướng dẫn vận mệnh của họ, cho dù họ không hề biết. Các Ngài ảnh hưởng đến và gây hứng khởi cho các chính khách và các nhà cai trị; các Ngài toả chiếu năng lượng trí tuệ trên các nhóm chính quyền, để mang lại các kết quả mong muốn ở nơi nào có sự cộng tác và trực giác bén nhạy trong số các tư tưởng gia.
Đức Chưởng Giáo chủ trì vận mệnh của các tôn giáo lớn qua trung gian của một nhóm các Chân sư và điểm đạo đồ điều khiển các hoạt động của các trường phái tư tưởng khác nhau này. Chẳng hạn như Chân sư Jesus, Vị tạo cảm hứng và trông nom [47] các giáo hội Thiên Chúa giáo ở khắp nơi, hiện đang làm việc dưới quyền Đức để giúp Thiên Chúa giáo, dù Ngài là một Chân sư cung sáu trong ngành của Đức Mahachohan; các Chân sư khác cũng giữ các địa vị tương tự, đối với các tôn giáo lớn ở Đông phương, và các trường phái tư tưởng khác nhau ở Tây phương.
Trong ngành của Đức Mahachohan, một số đông các Chân sư, trong năm phân bộ, làm việc với trường tiến hoá thiên thần, và với trạng thái thông tuệ nơi con người. Các phân bộ này tương ứng với bốn cung thuộc tính thứ yếu:
1. Cung điều hoà hay mỹ lệ.
2. Cung khoa học hay kiến thức cụ thể.
3. Cung sùng tín hay lý tưởng trừu tượng.
4. Cung định luật nghi lễ hay pháp thuật,
cũng như ba vị trưởng các ngành đại diện cho ba cung chính yếu:
I. Ý chí và quyền lực.
II. Bác ái hay minh triết.
III. Thông tuệ linh hoạt, hay thích nghi.
Bốn cung hay bốn thuộc tính của trí tuệ, cùng với cung ba của thông tuệ, được Đức Mahachohan tổng hợp lại, cấu thành toàn bộ nguyên khí thứ năm là trí tuệ hay manas.[50]
CHƯƠNG VI
HUYỀN GIAI CÁC CHÂN SƯ
Các phân bộ.
Chúng ta đã xem xét ít nhiều về các chức vụ cao nhất trong hàng ngũ ĐĐCG của hành tinh chúng ta. Giờ đây chúng ta sẽ bàn đến những điều có thể gọi là hai phân bộ gồm các thành viên còn lại. Thực sự, các vị này hình thành hai Huyền giai bên trong ĐĐCG là Đoàn thể rộng lớn hơn:—
a. — Giai, gồm các điểm đạo đồ trên mức điểm đạo thứ năm, và một nhóm các thiên thần.
b. Thanh Giai, gồm tất cả các điểm đạo đồ được ba, bốn, năm lần điểm đạo.
Dưới hai phân bộ này có một nhóm đông đảo các điểm đạo đồ được một và hai lần điểm đạo, rồi đến các cấp đệ tử. Các đệ tử được xem như là liên kết với Huyền giai nhưng không thực sự là thành viên của Huyền giai này. Cuối cùng là những người ở giai đoạn dự bị, và họ hy vọng được liên kết với Huyền giai, qua nỗ lực kiên cường.
Từ một quan điểm khác, chúng ta có thể xem các thành viên của Huyền giai như gồm trong bảy nhóm, mỗi nhóm tiêu biểu cho một loại thuộc năng lượng hành tinh thất phân xuất phát từ Hành Tinh Thượng Đế. Trước hết sự phân chia làm ba được đưa ra, như trong cuộc tiến hoá bao giờ chúng ta cũng có bộ ba chủ yếu (biểu hiện qua ba ngành) rồi đến bảy, bộ bảy này được biểu lộ như là một biến phân gồm ba phần và một thất phân. Các môn sinh cần phải ghi nhớ rằng tất cả mọi điều được truyền đạt ở đây đều nói về công việc của ĐĐCG, liên quan [51] đến giới thứ tư hay giới nhân loại, và đặc biệt đề cập đến các Chân sư có hoạt động liên hệ đến nhân loại. Nếu bàn đến cuộc tiến hoá thiên thần, thì toàn bộ cách phân chia và lập đồ biểu sẽ phải khác đi.
Ngoài ra, có một phương diện công việc của ĐĐCG lại ảnh hưởng đến, ví dụ như, giới động vật; công việc này cần các hoạt động của những sinh linh, những phụng sự viên và các Chân sư hoàn toàn khác với các phụng sự viên của giới thứ tư, là nhân loại. Do đó, các môn sinh nên nhớ kỹ rằng tất cả các chi tiết này đều tương đối, và công việc cũng như các nhân viên của ĐĐCG thì vô cùng lớn hơn và quan trọng hơn là những điều họ có vẻ thấy được khi chỉ hời hợt đọc qua các trang sách này. Chắc chắn rằng chúng ta đang bàn đến những gì có thể xem là công việc chính yếu của ĐĐCG, bởi vì trong công việc phục vụ giới nhân loại chúng ta đang quan tâm đến sự biểu hiện của ba trạng thái của thiên tính, nhưng các ngành khác đều tùy thuộc lẫn nhau, và công việc tiến triển như một toàn thể tổng hợp.
Các phụng sự viên, hay các Chân sư, trông nom cuộc tiến hoá của gia đình nhân loại, gồm sáu mươi ba vị, nếu kể cả ba vị Chúa cao cả, hợp thành chín lần bảy là con số cần thiết cho công việc. Trong số đó có bốn mươi chín vị hoạt động, tạm gọi là, ngoại môn, và mười bốn vị hoạt động nội môn, có quan hệ nhiều với sự biểu lộ nội tại. Công chúng ít biết đến danh hiệu của các Ngài, và trong nhiều trường hợp thật không khôn ngoan mà tiết lộ lai lịch, chỗ ở và trường hoạt động đặc biệt của các Ngài. Một số rất ít các vị, vì công nghiệp và vì các Ngài tự nguyện hy sinh như vậy, đã xuất hiện công khai trong hàng trăm năm qua, và do đó mà một số hiểu biết về các Ngài mới được phổ biến. Có khá nhiều người trên thế giới hiện nay, độc lập với mọi trường phái tư tưởng, đang biết được sự hiện diện của các Ngài, và sự nhận thức rằng các Đấng mà cá nhân họ biết được theo cách đó, vốn là [52] các phụng sự viên trong một hệ thống nỗ lực kết hợp vĩ đại, có thể khích lệ các thức giả thực sự này đưa ra bằng chứng về sự hiểu biết của mình, để chứng minh thực tính công việc của các Ngài, vượt qua tất cả các bất đồng tranh cãi. Một số trường phái huyền bí học và cố gắng của hội Thần Triết đã tuyên bố rằng chỉ có họ là những người duy nhất nắm giữ giáo huấn của các Ngài, và chỉ có họ là phương tiện để thực hiện những nỗ lực của các Ngài, và do thế đã giới hạn những gì các Ngài đang làm, và đưa ra những giả thuyết mà theo thời gian không có trường hợp nào chứng minh được. Chắc chắn các Ngài làm việc thông qua các nhóm những nhà tư tưởng như thế, và đổ nhiều mãnh lực của các Ngài vào công việc của các tổ chức đó, tuy nhiên, các Ngài có các đệ tử và những người ủng hộ các Ngài ở khắp nơi, và làm việc thông qua nhiều cơ quan và nhiều phương diện của giáo huấn. Trên khắp thế giới, những đệ tử của các Chân sư này đã xuống trần trong thời kỳ hiện tại với chủ đích duy nhất là tham gia vào các hoạt động, các công tác và việc phổ truyền chân lý của các giáo hội, các khoa học và các nền triết học khác nhau, và bằng cách này tạo ra trong chính tổ chức đó một sự triển khai, mở rộng, và một sự phân hủy nếu cần, mà theo cách khác thì không thể có được. Các môn sinh huyền bí học ở khắp nơi nên khôn ngoan nhận ra các sự kiện này, và phát triển khả năng nhận ra được sự rung động của ĐĐCG khi rung động này biểu lộ qua trung gian của các đệ tử ở những nơi và trong các đoàn nhóm bất ngờ nhất.
Cần nêu ra ở đây một điểm liên quan đến công việc của các Chân sư thông qua đệ tử của các Ngài, đó là: Tất cả các trường phái tư tưởng khác nhau được năng lượng của Huyền giai nuôi dưỡng, trong mọi trường hợp, đều do một hay một số các đệ tử thành lập và, chính các đệ tử này chứ không phải Chân sư, chịu trách nhiệm về các kết quả và nghiệp quả của công việc đó. Phương pháp tiến hành phần nào giống như sau:−
Chân sư tiết lộ cho một đệ tử biết mục tiêu cần nhắm đến cho một chu kỳ ngắn hạn ngay trước mắt, và gợi ý cho một sự phát triển như thế nào là đáng mong muốn. Cộng việc của người đệ tử là xác định [53] phương pháp nào tốt nhất để mang lại các kết quả mong muốn, và lập ra các kế hoạch để khả dĩ đạt được một mức độ thành công nào đó. Bấy giờ y mới bắt đầu thực hiện kế hoạch, lập hội hay tổ chức của mình và phổ truyền giáo huấn cần thiết. Y chịu trách nhiệm chọn các cộng sự đúng đắn, giao phó công việc cho những người thích hợp nhất, và diễn giải các giáo huấn trong một hình thức có thể trình bày được. Tất cả những gì Chân sư làm là theo dõi cố gắng này với quan tâm và thiện cảm, ngày nào mà cố gắng này còn giữ được lý tưởng cao cả ban đầu và tiến hành với tư tưởng hoàn toàn vị tha. Chân sư không cần phải trách cứ nếu người đệ tử tỏ ra thiếu phân biện khi chọn những người cộng sự, hoặc tỏ ra thiếu khả năng trình bày chân lý. Nếu y làm việc tốt, và công việc tiến triển như ý muốn, thì Chân sư sẽ tiếp tục ban rải ân điển của Ngài cho cố gắng này. Nếu y thất bại, hoặc người kế nhiệm y tách ra khỏi động lực ban đầu, và do thế gieo rắc một sự sai lầm nào đó, thì với tình thương và lòng thiện cảm của Ngài, Chân sư sẽ thu hồi ân điển đó, giữ lại năng lượng của Ngài, để ngưng việc kích thích những gì mà tốt hơn là nên chấm dứt. Các hình hài có thể sinh ra và tan biến đi, và mối quan tâm cũng như ân huệ của Chân sư có thể ban rải thông qua vận hà này hay vận hà khác; công việc có thể tiến hành qua trung gian này hay trung gian khác, nhưng mãnh lực của sự sống luôn luôn tồn tại, làm tan rã sắc tướng khi sắc tướng không còn thích hợp, hoặc sử dụng nó khi nó đủ điều kiện đáp ứng được nhu cầu ngay trước mắt.
Một số Chân sư và Công việc của các Ngài.
Trong nhóm thứ nhất do Đức Bàn Cổ lãnh đạo, chúng ta thấy có hai Chân sư, là Chân sư Jupiter và Chân sư Morya. Cả hai đều đã hơn năm lần điểm đạo, và Chân sư Jupiter, cũng là vị Nhiếp chính của Ấn Độ, được toàn thể Huyền giai các Chân sư xem là vị kỳ cựu nhất trong các Ngài. Ngài ở trong vùng Đồi núi Nilgherry ở Nam Ấn và không phải là một vị Chân sư thường thu [54] đệ tử, vì trong số các đệ tử Ngài gồm có các điểm đạo đồ cao cấp và một số các Chân Sư. Ngài nắm quyền ngự trị Ấn Độ, gồm cả phần lớn vùng biên giới phía Bắc, và Ngài được giao cho nhiệm vụ khó khăn là cuối cùng hướng dẫn Ấn Độ ra khỏi tình trạng xáo trộn và bất ổn hiện nay, và hàn gắn các dân tộc khác nhau của Ấn thành một khối tổng hợp chung cuộc. Chân sư Morya là một trong các Chân sư Đông phương được biết đến nhiều nhất, và trong các môn đồ của Ngài có một số lớn những người u, người Mỹ. Ngài là một ông Hoàng của chủng tộc Rajput, và trong nhiều thập niên đã giữ một địa vị đầy thẩm quyền trong các sự vụ Ấn Độ.
Ngài hoạt động cộng tác chặt chẽ với Đức Bàn Cổ, và rốt cuộc chính Ngài sẽ giữ chức vụ Bàn Cổ của căn chủng thứ sáu. Cũng như vị Huynh đệ của Ngài là Chân sư K. H., Ngài ở tại Shigatse trong vùng núi Hy-mã-lạp-sơn, và dân chúng trong làng xa xôi hẻo lánh này biết Ngài nhiều. Ngài là một người tầm vóc cao, dáng điệu uy nghi, râu tóc nâu và mắt nâu, và có thể dường như nghiêm khắc nếu không có nét biểu lộ trong đôi mắt Ngài. Ngài và Huynh đệ của Ngài là Chân sư K. H. hoạt động gần như một đơn vị, đã từ nhiều thế kỷ rồi và trong tương lai sẽ vẫn tiếp tục, vì Chân sư K. H. rất có thể sẽ giữ chức vụ Chưởng Giáo Thế gian khi Đức Chưởng Giáo hiện nay rời chức vụ này để nhận công việc cao cả hơn, và căn chủng thứ sáu ra đời. Cả hai Ngài ở trong những ngôi nhà gần nhau, và các Ngài dùng phần lớn thì giờ để cộng tác mật thiết với nhau. Vì Chân sư M. thuộc Cung một, là cung Ý chí hay Quyền lực, nên công việc của Ngài phần lớn liên quan đến việc thực hiện các kế hoạch của Đức Bàn Cổ hiện nay. Ngài tạo hứng khởi cho các chính khách trên thế giới, Ngài vận dụng các mãnh lực, thông qua Đức Mahachohan, mang lại những điều kiện cần thiết để giúp cuộc tiến hoá của nhân loại phát triển nhiều hơn. Ở cõi trần, Ngài ảnh hưởng đến [55] các đại lãnh tụ quốc gia có tầm nhìn xa rộng và lý tưởng quốc tế; có một số các đại thiên thần của cõi trí cộng tác với Ngài, và ba nhóm lớn các thiên thần làm việc với Ngài trên những cấp độ trí tuệ, có liên quan đến các vị thần cấp thấp hơn đang làm sinh động các hình tư tưởng, để giúp tồn tại những hình tư tưởng của các vị Dẫn đạo nhân loại cho phúc lợi của toàn thể loài người.
Chân sư M. giáo huấn một số lớn các đệ tử, và làm việc với nhiều tổ chức thuộc loại huyền bí và nội môn, cũng như thông qua các chính trị gia và các chính khách trên thế giới.
Chân sư Koot Humi cũng được biết nhiều ở Tây phương; Ngài có nhiều môn đồ ở khắp nơi, và gốc người Kashmir, mặc dù nguyên thủy gia đình Ngài đến từ Ấn Độ. Ngài cũng là một điểm đạo đồ cao cấp và thuộc Cung hai, Cung Bác ái-Minh triết. Ngài là người có dáng quí phái, cao lớn, dù tầm vóc không cường tráng bằng Chân sư M. Ngài có nước da sáng, râu tóc màu nâu vàng, đôi mắt màu xanh thẳm tuyệt diệu, dường như qua đó tuôn tràn nguồn bác ái và minh triết ngàn xưa. Ngài có kinh nghiệm rộng rãi và học vấn uyên bác, xưa kia đã học ở một viện đại học Anh quốc, và nói tiếng Anh lưu loát. Ngài đọc rất rộng và tất cả các tác phẩm cũng như văn phẩm hiện có bằng nhiều thứ tiếng khác nhau đều được đưa đến phòng làm việc của Ngài trong dãy Hy-mã-lạp-sơn. Ngài quan tâm nhiều đến việc làm sinh động một số các nền triết học lớn và chú ý đến một số cơ quan từ thiện. Ngài được giao phó cho công việc phần lớn là kích thích sự biểu lộ tình thương đang tiềm ẩn trong tâm của tất cả mọi người, và giúp nhân loại nhận thức được sự kiện nền tảng vĩ đại về tình huynh đệ.
Đặc biệt vào thời gian hiện nay, Chân sư M., Chân sư K.H. và Chân sư Jesus đang rất quan tâm đến việc kết hợp, đến mức [56] tối đa, các tư tưởng Đông và Tây, để cho các tôn giáo ở Đông phương, cùng với sự phát triển về sau của tín ngưỡng Thiên Chúa giáo trong tất cả các chi phái, có thể giúp ích lẫn nhau. Bằng cách này, hy vọng rằng cuối cùng sẽ có được Giáo hội Đại đồng duy nhất. Chân sư Jesus là tụ điểm của năng lượng lưu chuyển qua nhiều giáo hội Thiên Chúa giáo khác nhau, Ngài hiện đang sống trong một thể xác người Syria, và ở một nơi nào đó trong vùng Thánh Địa. Ngài du hành rất nhiều và thường lưu lại nhiều xứ khác ở u châu. Ngài đặc biệt hoạt động với quần chúng hơn là với các cá nhân, dù Ngài đã qui tụ quanh Ngài một số lớn các môn đồ. Ngài thuộc về Cung sáu, Sùng tín hoặc Lý tưởng Trừu tượng, và các môn đồ của Ngài thường có tính cuồng tín và sùng tín rõ rệt, đã biểu lộ trong các thánh tử đạo vào những thời gian đầu của Thiên Chúa giáo. Chính Ngài là một nhân vật khá hùng dũng, một người rất có kỹ luật, có uy quyền lớn lao và ý chí sắt đá. Ngài cao lớn và mảnh khảnh, khuôn mặt mảnh mai và dài, tóc đen, nước da trắng xanh và mắt xanh sắc sảo. Công việc của Ngài hiện nay mang trách nhiệm rất nặng, vì Ngài được giao phó vấn đề lèo lái tư tưởng Tây phương ra khỏi tình trạng bất ổn hiện nay đến các tầm mức an bình, xác tín và hiểu biết, và dọn đường ở u châu và Mỹ châu để cuối cùng Đức Chưởng Giáo Thế Gian giáng lâm. Ngài rất nổi tiếng trong lịch sử Kinh Thánh, xuất hiện lần đầu tiên dưới tên Joshua Con trai của Nun, rồi lại là Jeshua vào thời Ezra, được điểm đạo lần thứ ba dưới tên Joshua như được đề cập trong sách của Zechariah, và trong câu chuyện Phúc m Ngài được biết với hai cuộc hy sinh lớn, trong đó Ngài trao thể xác cho Đức sử dụng, và sự từ bỏ lớn lao vốn là đặc trưng của cuộc điểm đạo thứ tư. Với tên Appollonius [57] người Tyana, Ngài được điểm đạo lần thứ năm và đã trở thành một Chân sư Minh triết. Từ đó trở đi, Ngài đã ở lại làm việc với Giáo hội Thiên Chúa, bồi dưỡng mầm mống của sự sống tinh thần thực sự, có trong các thành viên của tất cả các chi phái, môn phái, và cố gắng hết sức hoá giải những sai lạc, lỗi lầm của các giáo sĩ và các nhà thần học. Rõ ràng Ngài là nhà Lãnh đạo Vĩ đại, là vị Giáo trưởng, là nhà Hành pháp khôn ngoan, và trong các vấn đề của giáo hội, Ngài cộng tác chặt chẽ với Đức , gánh vác cho Đức nhiều công việc, và đóng vai trò trung gian cho Đức bất cứ khi nào có thể được. Không ai hiểu biết một cách minh triết như Ngài về các vấn đề của Tây phương, không ai liên lạc mật thiết như Ngài với những người tiêu biểu cho tất cả những gì tốt đẹp nhất trong các giáo huấn Thiên Chúa giáo, và không ai biết rõ bằng Ngài về nhu cầu của thời buổi hiện nay. Một số vị đại giám mục của các giáo hội Anh và Công giáo là các nhân viên sáng suốt của Ngài.
Chân sư Djwhal Khul, hay Chân sư D.K. như người ta thường gọi, là một Chân sư khác thuộc Cung hai Bác ái-Minh triết. Ngài là vị Chân sư được điểm đạo gần đây nhất, Ngài được điểm đạo lần thứ năm vào năm 1875, và do thế còn đang giữ thể xác Ngài khoác lúc được điểm đạo; phần lớn các Chân sư khác đã được điểm đạo lần thứ năm khi ở trong các hiện thể trước kia. Ngài là một người Tây Tạng và thể xác Ngài không còn trẻ nữa. Ngài rất tận tụy với Chân sư K. H., và ở trong một ngôi nhà nhỏ không xa ngôi nhà lớn hơn của Sư phụ Ngài, và do sốt sắng phục vụ cũng như sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần phải làm, mà Ngài đã được gọi là “Sứ giả của các Chân sư.” Ngài có kiến thức uyên bác, và hiểu biết về các cung và các Huyền giai hành tinh trong thái dương hệ nhiều hơn bất cứ vị nào khác trong hàng ngũ các Chân sư. Ngài làm việc với các nhà trị liệu, và cộng tác một cách vô danh và vô hình với những người tìm kiếm chân lý trong các phòng thí nghiệm lớn trên thế giới, tất cả những người dứt khoát nhắm đến việc chữa lành, an ủi thế gian, và với các phong trào [58] từ thiện lớn trên thế giới như Chữ Thập Đỏ. Ngài chăm nom những môn đồ nào của các Chân sư khác ích dụng được giáo huấn của Ngài, và trong vòng mười năm qua Ngài đã gánh vác cho cả Chân sư M. và Chân sư K. H. nhiều công tác giáo huấn, và vào những thời khoảng nhất định Ngài đã nhận lãnh một số môn đồ và đệ tử của hai vị này. Ngài cũng làm việc nhiều với một số nhóm thiên thần dĩ thái, là các thiên thần chữa bệnh, và do thế họ hợp tác với Ngài trong việc chữa trị một số bệnh thể xác của nhân loại. Chính Ngài đã đọc cho viết phần lớn của bộ sách quan trọng là Giáo Lý Bí Nhiệm, Ngài đã cho H. P. Blavatsky nhiều bức ảnh và cung cấp cho bà nhiều dữ liệu có ghi trong bộ sách này.
Chân sư Rakoczi là Vị đặc biệt lo cho việc phát triển tương lai của các sự vụ chủng tộc u châu và sự tăng trưởng trí tuệ ở Mỹ châu và Úc châu. Ngài người Hungary, có nhà trong vùng núi Carpath, có lúc Ngài đã là một nhân vật nổi tiếng ở triều đình Hungary. Các sách xưa có đề cập đến Ngài, và Ngài đã đặc biệt xuất hiện trước công chúng khi Ngài là Bá tước St. Germain, và trước hơn nữa khi Ngài vừa là Roger Bacon và sau đó là Francis Bacon. Thật là thú vị mà ghi nhận rằng trong khi ở nội giới Chân sư R. đảm nhận các sự vụ u châu, thì tên tuổi Ngài là Francis Bacon lại xuất hiện trước mắt công chúng trong cuộc tranh cãi Bacon-Shakespeare. Ngài là một người hơi nhỏ nhắn, mảnh khảnh, chòm râu nhọn đen nhánh, tóc đen mượt, và Ngài không thu nhiều môn đồ như các Chân sư kể trên. Hiện nay, kết hợp với Chân sư Hilarion, Ngài lo cho phần đông các môn đồ thuộc cung ba, ở Tây phương. Chân sư R. thuộc Cung bảy, Cung Pháp thuật hay Trật tự Nghi lễ, và Ngài làm việc phần lớn thông qua nghi lễ và nghi thức nội môn. Ngài rất quan tâm đến hiệu quả, [59] cho đến nay còn chưa được nhận thấy, về nghi lễ của các Hội Tam Điểm, các giáo phái và các Giáo hội khác nhau ở khắp nơi. Trong Huyền giai, Ngài thường được gọi là “Bá tước,” và ở Mỹ và u châu Ngài hành động thực sự như là vị tổng quản trị cho việc thực hiện các kế hoạch của hội đồng chấp hành của Huyền giai. Một số các Chân sự hợp thành một nhóm nội môn chung quanh ba Đức Chúa Cao Cả, và rất thường nhóm họp hội đồng.
Trên Cung năm, Kiến thức Cụ thể hay Khoa học, có Chân sư Hilarion, trong một kiếp trước Ngài là Paul người Tarsus. Ngài đang khoác một xác thân người Crete, nhưng phần lớn thời gian Ngài ở Ai Cập. Chính Ngài đã trao cho thế giới bộ luận huyền môn “Ánh Sáng Trên Đường Đạo,” và công việc của Ngài đặc biệt thú vị đối với đại chúng trong cuộc khủng hoảng hiện tại, vì Ngài làm việc với những ai đang phát triển trực giác, điều hành và thăng hoá các phong trào lớn có khuynh hướng vén bức màn che thế giới vô hình. Thông qua các đệ tử, Ngài là năng lượng đang kích thích các nhóm đang Khảo cứu Tâm linh ở khắp nơi, và chính Ngài đã phát khởi phong trào Thông thần. Ngài quan sát tất cả những người có thần thông cấp cao, giúp họ phát triển các quyền năng của họ vì lợi ích tập thể, và kết hợp với một số thiên thần ở cảnh giới cảm dục Ngài làm việc để mở ra cho những người tìm chân lý thấy được thế giới nội tại ẩn sau thế giới vật chất thô thiển.
Chỉ có thể đưa ra đôi điều về hai vị Chân sư người Anh. Không vị nào thu đệ tử giống như cách thu đệ tử của Chân sư K. H. hay Chân sư M. Một trong hai Vị, sống ở Anh, thực sự giữ việc hướng dẫn giống dân Anglo-Saxon, và Ngài làm việc với các kế hoạch phát triển tương lai và cuộc tiến hoá của giống dân này. Ngài đứng đằng sau phong trào Lao động trên toàn thế giới, [60] thăng hoá và lèo lái nó, và trong triều sóng dân chủ hiện nay đang dâng cao có bàn tay dìu dắt của Ngài. Từ sự bất ổn của nền dân chủ, từ tình trạng xáo trộn, hỗn loạn hiện nay, sẽ nảy sinh điều kiện của thế giới tương lai mà chủ âm sẽ là hợp tác chứ không cạnh tranh, không phải tập trung mà là phân phối.
Ở đây chúng ta có thể đề cập ngắn gọn về một vị Chân sư khác là Chân sư Serapis, Ngài thường được gọi là Chân sư Ai Cập. Ngài là vị Chân sư thuộc Cung bốn, và các phong trào nghệ thuật lớn của thế giới, sự tiến triển của âm nhạc, và hội hoạ, kịch nghệ đều nhận được sức thúc đẩy mạnh mẽ của Ngài. Hiện nay, Ngài dành phần lớn thì giờ và chú tâm vào công việc của giới thiên thần hay cuộc tiến hoá của họ, cho đến khi công việc của giới này giúp thực hiện được cuộc hiển lộ lớn lao trong lãnh vực âm nhạc và hội họa sắp đến. Không thể nói thêm điều gì về Ngài, và chỗ ở của Ngài cũng không thể được tiết lộ.
Chân sư P. làm việc dưới quyền của Chân sư R. ở Bắc Mỹ. Chính Ngài đã có nhiều liên hệ với các khoa học khác nhau về trí tuệ như Khoa học Công giáo và Tư tưởng Mới, cả hai đều là những nỗ lực của Huyền giai cố gắng dạy người đời biết sự thật của thế giới vô hình, và quyền năng sáng tạo của trí tuệ. Vị Chân sư này khoác thể xác người Ái Nhĩ Lan, thuộc Cung bốn, và chỗ ở của Ngài không được phép tiết lộ. Ngài đảm nhiệm phần lớn công việc của Chân sư Serapis khi vị này tập trung chú ý vào cuộc tiến hoá của giới thiên thần.
Công việc hiện nay.
Một sự kiện liên quan đến các Chân sư này, đến công việc của các Ngài trong hiện tại và tương lai, có thể được trình bày thích hợp ở đây. Trước hết, công tác huấn luyện các môn sinh và đệ tử của các Ngài để họ có đủ điều kiện trở nên hữu dụng khi [61] hai biến cố vĩ đại xảy ra, một là sự giáng lâm của Đức Chưởng Giáo Thế Gian vào khoảng giữa hoặc cuối thế kỷ này, và sự kiện kia là huấn luyện để họ có thể hữu ích cho việc thành lập phân chủng mới thứ sáu và tái tạo các điều kiện thế giới hiện tại. Giống dân hiện nay là phân chủng thứ năm của căn chủng thứ năm, và áp lực của công việc rất lớn trên năm cung thuộc trí tuệ do Đức Mahachohan kiểm soát. Các Chân sư đang gánh vác công việc nặng nề quá mức, và phần lớn việc giáo huấn đệ tử của các Ngài đã được giao phó cho các điểm đạo đồ, các đệ tử cao cấp, và một số Chân sư thuộc cung một và cung hai đã tạm thời đảm nhận các môn sinh trong ngành của Đức Mahachohan.
Hai là, chuẩn bị thế giới trên qui mô lớn cho cuộc giáng lâm của Đức Chưởng Giáo, và thực hiện một số bước cần thiết trước khi chính các Chân sư xuất hiện giữa mọi người, như nhiều Vị chắc chắn sẽ làm thế vào cuối thế kỷ này. Hiện một nhóm chuyên trách đang được lập ra trong các Ngài, gồm những vị đang chuẩn bị rõ rệt cho công việc này. Chân sư M., Chân sư K. H. và Chân sư Jesus sẽ chuyên lo về phong trào hướng đến phần tư cuối thế kỷ này. Các Chân sư khác cũng sẽ tham gia, nhưng đây là ba vị mà tên tuổi và chức vụ của các Ngài quần chúng cần nên biết đến càng nhiều càng tốt. Hai Chân sư khác, đặc biệt quan tâm đến cung bảy hay cung nghi lễ mà công việc của hai Vị này là giám sát việc phát triển một số hoạt động trong vòng mười lăm năm tới đây, và làm việc dưới quyền Chân sư R. Ở đây có thể bảo đảm chắc chắn là trước khi Đức giáng lâm, sẽ có những điều chỉnh sao cho đứng đầu tất cả các tổ chức lớn sẽ có hoặc là một vị Chân sư, hoặc một điểm đạo đồ đã được ba lần điểm đạo. Sẽ có các điểm đạo đồ hay các Chân sư cầm đầu một số các đoàn thể huyền môn lớn, các Hội Tam Điểm trên thế giới, nhiều môn phái khác nhau của Giáo hội, và có mặt ở trong nhiều [62] nước lớn. Công việc này của các Chân sư hiện đang được tiến hành, và tất cả nỗ lực của các Ngài đang hướng đến việc hoàn thành mục đích. Ở khắp nơi, các Ngài đang qui tụ những người mà bằng cách nào đó đã tỏ ra có khuynh hướng ứng đáp với các rung động cao, tìm cách giúp họ tăng cường rung động đủ điều kiện để có thể hữu ích vào thời gian Đức giáng lâm. Thật là những ngày tháng đầy cơ hội tốt đẹp, bởi vì đến thời gian đó, qua mãnh lực phi thường của sức rung động bấy giờ được ban rải cho những người con nhân loại, những ai hiện nay đang làm công việc cần thiết sẽ có thể tiến tới một bước dài và vượt qua cửa điểm đạo.[63]
CHƯƠNG VII
CON ĐƯỜNG DỰ BỊ
Chuẩn bị cho Điểm đạo.
Con Đường Dự Bị (thử thách) có trước Con Đường Điểm Đạo hay là Thánh Đạo, và đánh đấu thời kỳ của cuộc sống một người khi y dứt khoát đứng về phía các lực tiến hoá, và làm việc để đào luyện đức hạnh. Y tự chủ trị, vun bồi các đức tính y còn thiếu, và chuyên cần ra sức chế ngự phàm nhân của mình. Y chủ tâm xây dựng thể nguyên nhân, lấp đầy các khoảng còn trống, và tìm cách biến nó thành chỗ thích hợp cho nguyên khí . Sự tương đồng giữa thời kỳ tiền sản trong cuộc đời con người và giai đoạn tương tự trong sự phát triển của tinh thần nội tàng, thì thật là thú vị. Chúng ta có thể xét vấn đề theo cách này:
1. Lúc thụ thai, tương ứng với lúc biệt lập ngã tính.
2. Chín tháng mang thai, tương ứng với vòng sinh tử luân hồi.
3. Cuộc điểm đạo lần thứ nhất, tương ứng với giờ sinh.
Con đường dự bị tương ứng với giai đoạn sau của thời kỳ thai nghén, với sự giáng sinh của hài nhi trong tâm hồn. Vào cuộc điểm đạo lần thứ nhất, hài nhi này bắt đầu cuộc hành hương trên Đường Đạo. Cuộc điểm đạo thứ nhất chỉ tượng trưng cho sự khởi đầu. Một cấu trúc sinh hoạt, suy tư và hạnh kiểm đúng đắn đã được phát triển dần. Chúng ta gọi hình thức này là đức hạnh. Nay, đức hạnh này phải được làm sinh động và có chủ nhân ngự trị. Thackeray đã khéo mô tả quá trình xây dựng này bằng những lời rất thường được trích dẫn:− [64]
“Hãy gieo một tư tưởng và gặt một hành động; gieo một hành động và gặt một thói quen; gieo một thói quen và gặt được tính nết; gieo tính nết và gặt được số phận.”
Vận mệnh bất tử của mỗi người và tất cả mọi người trong chúng ta là đạt được tâm thức của chân ngã và sau đó là tâm thức của Tinh thần Thiêng liêng. Khi hình thể đã sẵn sàng, khi ngôi đền Solomon đã được xây dựng bằng nguồn vật liệu của cuộc sống phàm nhân, bấy giờ sự sống- giáng nhập, và vinh quang của Chúa bao trùm ngôi đền của Ngài. Hình thể trở nên sinh động mạnh mẽ. Ở đây ta thấy sự khác biệt giữa lý thuyết và việc thực hiện lý thuyết nơi chính bản thân. Người ta có thể đưa ra một bức tranh hay hình ảnh hoàn hảo, nhưng thiếu sự sống. Sự sống có thể hết sức được nắn đúc theo kiểu mẫu thiêng liêng; nó có thể là một bản sao tốt đẹp nhưng thiếu nguyên khí ngự bên trong. Mầm sống đã có ở đó nhưng vẫn còn yên ngủ. Giờ đây nó được nuôi dưỡng cho đến mức chào đời và đạt được cuộc điểm đạo thứ nhất.
Trong khi hành giả ở trên Đường Dự Bị, y được chỉ dạy chính yếu là để tự biết mình, để xác định được các khuyết điểm của mình và để sửa đổi chúng. Lúc đầu, y được dạy để làm việc như một người cứu trợ vô hình, và thường được giữ làm loại công việc này trong khá nhiều kiếp sống. Về sau, khi tiến bộ hơn, y có thể được chuyển đến những công việc chọn lọc hơn. Y được dạy những điều sơ đẳng của Minh triết Thiêng liêng và bước vào các cấp chót trong Phòng Học Tập. Y được một vị Chân sư lưu ý, và được sự trông nom (để được giáo huấn cụ thể) của một vị đệ tử của Chân sư này hoặc một điểm đạo đồ, nếu y có nhiều triển vọng đặc biệt.
Mỗi đêm trong khoảng từ mười giờ tối đến năm giờ sáng trên khắp thế giới, có các lớp học được những điểm đạo đồ cấp một và cấp hai tổ chức cho các đệ tử nhập môn và các đệ tử dự bị, để việc giáo huấn được hoàn toàn liên tục. Họ qui tụ trong Phòng Học Tập và phương pháp rất giống như trong các trường Đại học lớn,—các lớp theo thời khoá, công việc thực nghiệm, thi [65] cử, tuần tự được lên lớp và tiến tới khi vượt qua được các cuộc trắc nghiệm. Một số Chân nhân trên Đường Dự Bị theo học ngành tương tự như trường Trung học; những người khác thì được thu nhận ngay vào Đại học. Tốt nghiệp khi được điểm đạo, và vị điểm đạo đồ chuyển sang Phòng Minh Triết.
Các Chân nhân tiến bộ và những người có khuynh hướng tinh thần nhưng chưa ở trên Đường Dự Bị, thì dự các buổi giảng huấn của các đệ tử, và đôi khi các điểm đạo đồ cũng tổ chức những lớp học lớn để giúp ích họ. Công việc của họ có tính sơ đẳng hơn, dù vẫn là huyền môn theo quan điểm thế gian, và họ được trông nom học tập để trở thành các vị cứu trợ vô hình. Các vị cứu trợ vô hình thường được tuyển chọn trong số các Chân nhân tiến bộ. Những người rất tiến hoá, những người đang trên Đường Dự Bị và gần được điểm đạo, thường làm việc nhiều hơn trong những việc có thể gọi là công tác ngành, họp thành một nhóm trợ lý cho các thành viên của ĐĐCG.
Phương pháp giảng huấn.
Ba ngành giảng huấn trông nom ba thành phần phát triển của con người.
Thứ nhất: Đưa ra giáo huấn theo hướng áp dụng giới luật trong đời sống, tăng tiến đức hạnh, và phát triển tiểu vũ trụ theo các đường hướng vũ trụ. Hành giả được chỉ dạy ý nghĩa của chính mình; y đến mức tự biết mình là một đơn vị toàn vẹn, phức hợp, một hình ảnh thu nhỏ của thế giới bên ngoài. Khi học hỏi các luật của sự sống nơi chính mình, y đến mức thấu hiểu được Đại Ngã, và nhận thức được các định luật cơ bản của thái dương hệ.
Thứ nhì: Đưa ra giáo huấn về đại vũ trụ, mở rộng sự am hiểu trí thức của y về vận hành của vũ trụ. Kiến thức về các giới trong thiên nhiên, giáo huấn về những định luật của các giới ấy, và y được truyền dạy sự vận hành của các luật đó trong tất cả [66] các giới và trên mọi cảnh giới. Y đạt được một nguồn sâu xa các kiến thức tổng quát, và khi đã đến mức giới hạn của mình, y được gặp những người giúp y tiếp tục tiến tới kiến thức bách khoa. Khi đã đạt được mục tiêu, y có thể không biết hết mọi chi tiết còn cần phải biết trong toàn bộ ba cảnh giới, nhưng y đã thủ đắc phương cách để hiểu biết, các nguồn kiến thức và những kho chứa các thông tin. Một vị Chân sư bất cứ lúc nào cũng có thể tìm ra bất cứ điều gì trong bất cứ vấn đề nào, không chút khó khăn.
Thứ ba: Đưa ra giáo huấn về những điều có thể gọi là tổng hợp. Người môn sinh chỉ có thể nhận được kiến thức này khi thể trực giác của y đã điều hợp. Đó là khả năng lãnh hội thực sự nội môn về định luật trọng trường hay hấp dẫn (luật căn bản của thái dương hệ này, là hệ thứ hai) với tất cả các hệ luận của nó. Người đệ tử học ý nghĩa của sự cố kết huyền bí và sự thống nhất nội tại đang giữ thái dương hệ thành một đơn vị đồng nhất. Phần lớn giáo huấn này thường được truyền thụ sau cuộc điểm đạo thứ ba, nhưng phần sơ khởi đã có trong các giai đoạn đầu của cuộc huấn luyện.
Chân sư và Đệ tử.
Các đệ tử và các Chân nhân tiến hoá cao trên Đường Dự Bị nhận giáo huấn vào thời gian đặc biệt này nhằm hai mục đích nhất định:−
(a) Để trắc nghiệm mức thích ứng của họ cho công tác đặc biệt trong tương lai, loại công việc mà chỉ có các vị Dẫn đạo nhân loại biết rõ. Họ được thử nghiệm khả năng sinh hoạt cộng đồng để nhằm chọn những người thích hợp đưa vào nhóm phân chủng thứ sáu. Họ được thử nghiệm trong các đường hướng công tác khác nhau, nhiều việc hiện nay chúng ta không thể hiểu, nhưng theo thời gian sẽ trở nên các phương pháp phát triển bình thường. Các Chân sư cũng trắc nghiệm để tìm những người mà trực giác đã đạt đến một mức phát triển cho thấy thể bồ-đề bắt [67] đầu phối kết, hoặc—nói đúng hơn—đã đến lúc các phần tử thuộc phân cảnh thứ bảy của cảnh giới bồ-đề có thể nhận thấy được trong hào quang của Chân nhân. Khi được như vậy, các Ngài mới có thể tin tưởng tiến hành công tác giáo huấn, và biết rằng môn sinh sẽ thấu hiểu một số sự kiện truyền đạt cho họ.
(b) Hiện nay giáo huấn đang được truyền cho một nhóm đặc biệt, họ đã đầu thai vào thời kỳ hệ trọng này của lịch sử thế giới. Họ đã đến, tất cả đều cùng một lúc, trên khắp thế giới, để làm công việc nối liền hai cảnh giới hồng trần và cảm dục, qua các cấp dĩ thái.
Hãy xem xét câu này một cách nghiêm chỉnh, vì nó bao gồm công việc mà một số người trong thế hệ mới đã đến để thực hiện. Trong việc nối liền hai cảnh giới này cần có những người đang phân cực trong thể trí của họ (hoặc nếu không phân cực trong đó thì cũng đã phát triển khá đầy đủ và thăng bằng) và do đó có thể làm loại công việc này một cách an toàn và thông minh. Chính yếu là cần có những người mà các thể của họ có chứa một tỷ lệ nhất định của vật chất phân cảnh nguyên tử, để có thể thực hiện sự truyền thông trực tiếp giữa cấp cao và cấp thấp, qua thiết diện nguyên tử của thể nguyên nhân. Điều này không dễ gì giải thích cho rõ ràng, nhưng việc xem xét sơ đồ trong cuốn “Học về Tâm thức” của Bà Besant, trang 27, có thể giúp giải rõ một số vấn đề dễ gây lầm lẫn.
Chúng ta phải nhận ra hai điều khi suy gẫm về chủ đề các Chân sư và Đệ tử. Một là, trong ĐĐCG không điều gì bị mất đi do thiếu nhận thức luật tiết kiệm. Mọi sự chi dụng thần lực của vị Chân sư hay Huấn sư đều do dự kiến sáng suốt và phân biện khôn ngoan. Giống như chúng ta không để cho các giáo sư đại học dạy những học viên sơ cấp, chính các Chân sư cũng không làm việc với cá nhân mọi người cho đến khi họ đạt được một trình độ tiến hoá nào đó và sẵn sàng để ích dụng được giáo huấn của các Ngài. [68] Hai là, chúng ta phải nhớ rằng mỗi người trong chúng ta đều được nhận biết do độ chói rạng của ánh sáng nơi chính mình. Đây là một sự kiện huyền môn. Khi cấp độ vật chất kiến tạo các thể của chúng ta càng tinh tế thì ánh sáng nội tại sẽ càng chiếu rực rỡ. Ánh sáng là rung động, và qua sự đo lường rung động người ta xác định được trình độ của các môn sinh. Vì thế, không điều gì có thể ngăn cản hành giả tiến tới nếu y quan tâm thanh luyện các hiện thể của mình. Ánh sáng bên trong sẽ chói rạng và ngày càng rực rỡ hơn, khi tiến trình thanh luyện tiếp tục, cho đến khi chất liệu nguyên tử chiếm đa số và nguồn vinh quang của con người nội tâm sẽ rất lớn lao. Do đó, có thể nói rằng tất cả chúng ta đều được xếp hạng tùy theo cường độ ánh sáng, tùy theo mức độ rung động, tùy theo sự thanh khiết của âm điệu và sự trong sáng của màu sắc. Bởi vậy, vị Huấn sư của chúng ta là ai sẽ tùy theo trình độ của chúng ta. Bí quyết là sự tương đồng rung động. Người ta thường bảo rằng khi sự yêu cầu đã đủ mạnh mẽ thì vị Huấn sư sẽ xuất hiện. Khi chúng ta đã tạo được các rung động đúng đắn, và tự hoà hợp được với âm giai đúng đắn, thì không điều gì có thể ngăn cản việc chúng ra tìm được Chân sư.
Các nhóm Chân nhân được thành lập:−
1. Tùy theo cung của họ.
2. Tùy theo cung phụ của họ.
3. Tùy theo mức độ rung động của họ.
Họ cũng được xếp thành nhóm để phân loại:
1. Với tư cách là Chân nhân, tùy theo cung của Chân nhân.
2. Với tư cách là phàm nhân, tùy theo cung phụ đang ngự trị phàm nhân.
Tất cả đều được xếp hạng và ghi vào đồ biểu. Các Chân sư có những Phòng Hồ sơ, với một hệ thống các bảng biểu mà chúng ta không hiểu do quá lớn lao và tất nhiên là phức tạp, trong đó có giữ các đồ biểu nói trên. Tất cả đều ở dưới sự trông nom của [69] một vị Đế quân của một Cung, và mỗi Cung có bộ sưu tập các đồ biểu của riêng họ. Các đồ biểu này, ở trong nhiều phân bộ (liên quan đến Chân nhân đang giáng trần, đã từ trần và đã hoàn thiện), và tất cả lại được những vị phụ tá trông nom gìn giữ. Các Đấng Nghiệp Quả Tinh Quân, với đoàn phù trợ đông đảo của các Ngài, rất thường sử dụng các đồ biểu này. Nhiều Chân nhân đã bỏ xác đang chờ đầu thai hoặc vừa mới từ trần, hy sinh thì giờ của họ ở cõi trên để giúp vào việc này. Những Phòng Hồ sơ này hầu hết ở các cấp thấp nhất của cõi trí và các cấp cao nhất của cõi cảm dục, vì ở đó các hồ sơ này có thể được sử dụng nhiều nhất và dễ tiếp cận nhất.
Các điểm đạo đồ nhận giáo huấn trực tiếp từ các Chân sư hay từ một số đại thiên thần. Các giáo huấn này thường được truyền đạt ban đêm trong những nhóm nhỏ hoặc cho từng cá nhân (nếu cần) trong phòng làm việc riêng của Chân sư. Điều trên áp dụng cho các điểm đạo đồ đang đầu thai hay ở các nội giới. Nếu ở trên các cấp thượng thiên thì họ nhận giáo huấn vào bất cứ lúc nào Chân sư thấy đáng nên truyền trực tiếp cho Chân nhân ở các cấp này.
Các vị đệ tử được dạy theo từng nhóm trong đạo viện của Chân sư hoặc trong lớp học vào ban đêm nếu họ đang sống ở cõi trần. Ngoài những cuộc nhóm họp đều đặn này, để nhận được giáo huấn trực tiếp từ Chân sư, vì một lý do cụ thể, một người đệ tử có thể được gọi đến phòng làm việc của Chân sư để tham vấn riêng. Việc này xảy ra khi Chân sư muốn gặp đệ tử để khen ngợi, khuyến cáo hoặc để quyết định xem y đáng được điểm đạo hay không. Phần lớn việc giáo huấn một đệ tử được giao phó cho một điểm đạo đồ hay một đệ tử tiến hoá hơn, vị này trông nom đàn em của mình, chịu trách nhiệm đối với Chân sư về sự tiến bộ của y, và gởi cho Ngài các phúc trình đều đặn. Hầu như nghiệp quả là nhân tố quyết định trong quan hệ này.
Hiện nay, do nhu cầu lớn lao của thế giới, người ta thực hiện một phương sách hơi khác hơn. Một số đệ tử được huấn luyện cấp [70] tốc bởi một số vị Chân sư từ trước đến nay chưa hề thu đệ tử. Các Chân sư đảm nhận thu đệ tử đang bị áp lực công việc nặng nề đến đỗi các Ngài đã giao phó một số đệ tử triển vọng nhất của các Ngài cho vài Chân sư khác, tạm thời tập hợp họ thành những nhóm nhỏ. Cuộc thí nghiệm đang nhằm thử tăng cường giáo huấn, và đặt các đệ tử, chứ không phải các điểm đạo đồ, dưới sự rung động mạnh mẽ thường xuyên của Chân sư. Điều này có hàm chứa nguy cơ, nhưng nếu thí nghiệm tỏ ra thành công thì sẽ mang lại sự trợ giúp lớn lao hơn cho nhân loại.[71]
CHƯƠNG VIII
CON ĐƯỜNG ĐỆ TỬ
Mô tả người đệ tử.
Trước hết, một người đệ tử tự nguyện làm ba điều:−
a. Phụng sự nhân loại.
b. Cộng tác với kế hoạch của các Đấng Cao Cả theo mức y thấy được, và làm hết khả năng mình.
c. Phát triển các quyền năng của Chân nhân, mở rộng tâm thức cho đến khi có thể hoạt động trên ba cảnh giới trong tam giới cũng như trong thể nguyên nhân, và tuân theo sự hướng dẫn của chân ngã chứ không theo mệnh lệnh của cuộc biểu hiện tam thể hạ.
Một đệ tử là người đang bắt đầu hiểu được công tác tập thể, và bắt đầu đổi trung tâm hoạt động từ chính mình (như một trụ cốt để mọi sự xoay quanh theo đó) đến trung tâm của nhóm.
Một đệ tử là người đồng thời nhận thức được sự tương đối vô nghĩa của mỗi đơn vị tâm thức cũng như tầm quan trọng lớn lao của nó. Ý thức tỉ lệ của y được điều chỉnh, và y thấy được thực tính của sự vật; y thấy được thực tính của mọi người; y thấy được chân tính bẩm sinh của chính mình và tìm cách thực hiện chân tính đó.
Người đệ tử nhận thức được sự sống hay phương diện mãnh lực của thiên nhiên, và hình thể không còn hấp dẫn được y. Y làm việc với mãnh lực và bằng mãnh lực; y nhận thấy chính mình là [72] một trung tâm lực bên trong một trung tâm mãnh lực vĩ đại hơn, và y có trách nhiệm lèo lái những năng lượng nào có thể tuôn đổ qua mình, vào các vận hà để mang phúc lợi cho tập thể.
Người đệ tử tự biết mình—dù ở mức độ nhiều hay ít—là một tiền đồn của tâm thức của Chân sư, và quan niệm Chân sư trong một ý nghĩa lưỡng phân:
a. Là tâm thức của Chân nhân chính y.
b. Là trung tâm của nhóm y; là mãnh lực làm sinh động các đơn vị trong nhóm và gắn bó họ thành một toàn thể đồng nhất.
Một đệ tử là người đang chuyển tâm thức ra khỏi cuộc sống tư kỷ để nhập vào cuộc sống vô kỷ, và trong giai đoạn chuyển tiếp tất nhiên là phải chịu nhiều khó khăn đau khổ. Các khó khăn này nảy sinh từ nhiều nguyên nhân khác nhau.
a. Phàm ngã của người đệ tử chống đối việc bị chuyển hoá.
b. Tập thể thân cận người này, bạn bè, hay gia đình, chống đối việc y ngày càng trở nên vô kỷ. Họ không thích được thừa nhận là một với y về phương diện sự sống mà lại tách biệt với y về các quan tâm và những điều ham muốn. Tuy nhiên, định luật bao giờ cũng đúng, và tính duy nhất đích thực có thể được nhận thức trong cuộc sống chính yếu của linh hồn. Trong khi khám phá ra thực chất của hình hài sắc tướng, người đệ tử phải chịu nhiều đau khổ, nhưng rốt cuộc con đường đạo sẽ đưa đến sự hợp nhất hoàn toàn.
Một đệ tử là người nhận thức được trách nhiệm của mình đối với tất cả những người đến với ảnh hưởng của y—một trách nhiệm cộng tác với kế hoạch tiến hành cho họ, để mở mang tâm thức họ và dạy họ sự khác biệt giữa điều thật và điều giả, giữa sự sống và hình thể. Y làm điều này rất dễ dàng bằng cách biểu dương trong cuộc sống, cái mục tiêu, chủ đích và tâm điểm tâm thức của chính y.
[73]
Công việc phải thực hiện.
Do đó, người đệ tử nhằm thực hiện nhiều việc:−
Đáp ứng nhạy bén với rung động của Chân sư.
Thực sự thanh khiết trong cuộc sống, chứ không chỉ thanh khiết trên lý thuyết.
Không còn âu lo. Ở đây nên nhớ rằng sự âu lo vốn căn cứ trên phàm nhân, và là kết quả của việc thiếu hạnh vô dục và quá sẵn sàng ứng đáp với các rung động của những cảnh giới thấp.
Hoàn thành bổn phận. Điều này gồm việc vô tư thực hiện tất cả các nghĩa vụ, và quan tâm thích đáng đến các món nợ nghiệp quả. Tất cả những người đệ tử đều nên đặc biệt chú trọng đến giá trị của hạnh vô dục. Hiện nay, do sự phát triển trí tuệ, nên việc thiếu phân biện không quá thường gây trở ngại cho các đệ tử như thiếu hạnh vô dục. Đây có nghĩa là đạt đến một trạng thái tâm thức cân bằng, trong đó lạc thú và đau khổ đều không chế ngự, vì chúng được thay thế bằng sự hoan hỉ và chân phúc. Chúng ta rất đáng nên suy gẫm điều này, vì phải cần nhiều cố gắng mới đạt được hạnh vô dục.
Người đệ tử phải nghiên cứu thể trí cảm (Kama-manasic body). Điều này rất đáng được quan tâm, vì, trong nhiều phương diện, đây là thể quan trọng nhất trong thái dương hệ, khi liên quan đến con người trong tam giới. Trong thái dương hệ sắp tới, thể trí của các sinh linh hữu ngã thức sẽ có vị thế tương tự, cũng như vị thế của xác thân trong thái dương hệ trước đây.
Y cũng phải làm việc, có thể gọi là một cách khoa học, để kiến tạo thể xác. Y phải cố gắng thế nào để cho trong mỗi kiếp sống y có thể tạo được một thể xác là một vận cụ phục vụ tốt hơn cho các mãnh lực. Bởi vậy, không có điều gì thiếu thực tế trong việc truyền đạt kiến thức về điểm đạo, như một số người có [74] thể nghĩ. Không có giây phút nào trong ngày mà người đệ tử không thể tưởng nghĩ đến mục tiêu đó và không thể tiến hành việc chuẩn bị. Một trong những khí cụ quan trọng nhất cho việc phát triển thực sự, nằm trong tay của mọi người từ thấp đến cao, là LỜI NÓI. Người nào biết giữ gìn lời nói của mình, và chỉ nói với mục đích vị tha, để dùng ngôn ngữ làm trung gian truyền năng lượng Bác ái, là người đang nhanh chóng đạt được các bước đầu cần thực hiện để chuẩn bị cho điểm đạo. Lời nói là biểu lộ huyền bí nhất đang hiện hữu; nó là phương tiện của sự sáng tạo và vận cụ của các mãnh lực. Hiểu theo nghĩa nội môn, giữ gìn được lời nói tức là giữ gìn được sức mạnh; sử dụng lời nói, đã chọn kỹ và thốt ra đúng đắn, tức là phân phối mãnh lực bác ái của thái dương hệ,—là mãnh lực bảo toàn, tăng cường và kích thích. Chỉ có người phần nào hiểu được hai khía cạnh này của lời nói, mới có thể được tín nhiệm để đứng trước Đấng Điểm Đạo, và từ sự Hội kiến với Ngài có thể áp dụng một số âm thanh và bí nhiệm được truyền đạt cho y với lời thệ nguyện giữ im lặng.
Người đệ tử phải học cách giữ im lặng trước những gì độc ác xấu xa. Y phải học cách giữ im lặng trước những sự đau khổ của thế giới, không phí thì giờ để phàn nàn vô ích và tỏ ra buồn rầu, mà chăm lo nâng đỡ gánh nặng của thế gian; làm việc, và không phí năng lượng trong lời nói. Tuy nhiên, y lại nên nói khi cần để khích lệ, dùng lời nói cho mục tiêu xây dựng; phát biểu mãnh lực yêu thương của thế giới, theo mức có thể lưu chuyển qua y, khi nào nó phụng sự tốt nhất để làm nhẹ đi một trọng trách hay nâng đỡ một gánh nặng, và nhớ rằng khi nhân loại tiến bộ thì tình yêu giữa hai phái và biểu lộ của nó sẽ được chuyển hoá lên một cảnh giới cao hơn, Bấy giờ, qua lời nói, chứ không qua biểu lộ trên cảnh giới hồng trần như hiện nay, người ta sẽ nhận thức được tình thương chân chính, kết hợp những người đồng nhất trong phụng sự và nguyện vọng tìm đạo. Bấy giờ, tình thương giữa các thành viên của gia đình nhân loại sẽ biểu lộ dưới hình [75] thức sử dụng lời nói để sáng tạo trên mọi cảnh giới, và năng luợng hiện trong đa số đang phát biểu qua các luân xa thấp để sinh sản, sẽ được chuyển lên luân xa cổ họng. Đây là một lý tưởng hãy còn xa vời, nhưng ngay cả hiện nay một số người có thể hình dung lý tưởng đó, và tìm cách định hình tạo dạng cho nó —thông qua phụng sự kết hợp, cộng tác yêu thương, và thống nhất nguyện vọng, tư tưởng và nỗ lực—dù rằng vẫn còn chưa đầy đủ.
Các quan hệ tập thể.
Con đường của người đệ tử là một con đường chông gai; gai gốc cản trở mỗi bước đi, và ở mỗi khúc quanh y phải gặp các khó khăn. Tuy nhiên, khi dấn bước trên đường đạo, vượt qua các trở ngại, một lòng gắn bó với phúc lợi tập thể, quan tâm đúng mức đến các cá nhân và sự phát triển tiến hoá của họ, rốt cuộc sẽ mang lại thành quả và giúp đạt được mục tiêu. MỘT NGƯỜI PHỤNG SỰ NH N LOẠI đang trỗi bước. Y là người phụng sự vì y không có các mục đích riêng tư khi phụng sự, và các hạ thể của y không phát ra rung động nào có thể khiến y đi lệch con đường đã chọn. Y phụng sự, bởi vì y biết được tính chất của con người, và vì trong nhiều kiếp sống y đã làm việc với các cá nhân và các tập thể, từ từ mở rộng phạm vi cố gắng của mình cho đến khi y đã qui tụ được quanh mình các đơn vị tâm thức mà y có thể trợ lực, sử dụng, và thông qua họ y có thể thực thi các kế hoạch của thượng cấp. Đó là mục đích, nhưng các giai đoạn trung gian lại đầy những nỗi khó khăn cho những người sắp sửa tự biết mình, và sắp trở thành chính Con Đường Đạo.
Ở đây, tưởng cũng hữu ích mà đưa ra một vài lời khuyên thiết thực:−
Hãy nghiên cứu kỹ ba cuốn đầu của Chí Tôn Ca (Bhagavad Gita). Vấn đề khó khăn của Arjuna là vấn đề của tất cả các đệ tử và giải pháp thì bao giờ cũng vậy.
Hãy sẵn sàng và quán xét tâm hồn mình. Việc chuyển lửa từ nhật tùng đến luân xa tim gây ra nhiều đau khổ. Không dễ gì mà thương yêu như các Đấng Cao Cả thương yêu, với tình thương thuần khiết, không đòi hỏi điều gì đáp lại; một tình thương vô tư, hân hoan khi được đáp ứng, nhưng không tìm kiếm sự đáp ứng, và liên tục yêu thương, thâm trầm, sâu sắc qua tất cả các dị biệt ở bề ngoài, biết rằng khi mỗi người đã tìm được con đường về quê cũ, thì họ sẽ thấy đó là nơi hợp nhất. [76]Hãy sẵn sàng để đón nhận sự cô đơn. Đó là định luật. Khi hành giả tự tách rời khỏi tất cả những gì liên quan đến các thể hồng trần, cảm dục và trí tuệ của y, và tự tập trung trong Chân nhân, thì điều đó gây nên một sự chia cách tạm thời. Người đệ tử phải chịu đựng và trải qua tình trạng này, nó đưa đến một mối liên kết chặt chẽ hơn về sau với những người cộng sự với y do nghiệp quả của các tiền kiếp, qua công tác tập thể, và qua hoạt động của y (lúc đầu được tiến hành hầu như vô thức) để qui tụ lại những người mà sau này y sẽ làm việc thông qua họ.
Hãy vun trồng hạnh phúc, và hiểu rằng sự buồn nản, sự khảo xét quá bệnh hoạn về động cơ nội tâm, và nhạy cảm quá đáng đối với những lời chỉ trích của người khác, sẽ đưa đến một tình trạng khiến người đệ tử gần như vô dụng. Hạnh phúc vốn dựa trên niềm tin vào Thượng Đế nội tâm, do đánh giá đúng đắn được thời gian, và hoàn toàn quên đi tư ngã. Hãy nhận lấy tất cả những điều vui vẻ có thể đến với bạn, xem đó là những điều được uỷ thác cho bạn để ban rải niềm vui; đừng chống đối hạnh phúc và niềm vui, và đừng xem đó là dấu hiệu của những gì không lành mạnh. Đau khổ nảy sinh khi phàm ngã nổi loạn. Hãy chủ trị phàm ngã, loại trừ dục vọng, và tất cả sẽ là hoan hỉ.
Hãy kiên nhẫn. Nhẫn nại là một đặc tính của Chân nhân. Chân nhân kiên trì vì biết mình bất tử. Phàm nhân trở nên buồn nản vì biết rằng thời gian ngắn ngủi. [77]Đối với người đệ tử, không có gì xảy ra ở ngoài kế hoạch, và khi động cơ và nguyện vọng duy nhất ở nội tâm là nhằm thực hiện ý muốn của Chân sư và phụng sự nhân loại, thì thành quả sẽ có mang mầm giống của công tác kế tiếp và tạo điều kiện cho bước tiến tiếp theo. Vị thế này giải rõ được nhiều điều, và đây có thể là cơ sở để người đệ tử an trụ vào đó khi tầm nhìn bị che án, khi sự rung động bị hạ thấp hơn mức cần có, và khi trí phán đoán bị phủ mờ bởi ảnh hưởng xấu xa nổi lên từ các tình huống ở cõi trần. Đối với nhiều người, phần lớn những điều nảy sinh trong thể cảm dục đều dựa trên các rung động cũ kỹ và không có cơ sở gì thực tế, và cuộc chiến là nhằm chế ngự được tình huống cảm dục, để từ những băn khoăn lo lắng hiện tại có thể phát triển niềm tin và thái hoà, và từ các bạo hành, tranh chấp có thể tạo được sự thanh bình như đã định.
Chúng có thể đạt đến mức mà không điều gì xảy ra có thể làm xáo trộn được sự an tĩnh nội tâm; trong đó ta biết được và thể nghiệm được sự bình an còn ở ngoài tầm hiểu biết, bởi vì tâm thức được tập trung trong Chân nhân, mà Chân nhân chính là bình an, là phạm vi của sự sống bồ-đề; trong đó ta cảm biết được chính sự điềm tĩnh, và sự quân bình ngự trị, bởi vì trung tâm của sự sống ở trong Chân nhân, mà Chân nhân cốt yếu là thăng bằng; trong đó sự an tịnh chế ngự, không hề bị xáo trộn và lay chuyển, và vị Thức giả thiêng liêng cầm quyền ngự trị, không cho phép có sự khuấy rối nào từ phàm ngã; trong đó chúng ta đạt đến chân phúc, vốn không dựa vào các hoàn cảnh trong tam giới mà căn cứ vào nhận thức nội tâm về sự sống hằng hữu độc lập với phi ngã, một sự sinh tồn vẫn duy trì khi thời gian, không gian và tất cả những gì hàm chứa trong đó không còn hiện hữu; đó là điều chúng ta biết được khi đã thể nghiệm, trải qua, chuyển hoá và vượt lên khỏi tất cả các ảo tưởng của những cảnh giới thấp; đó là điều vẫn thường tồn khi thế giới bé nhỏ của nỗ lực con người đã [78] tiêu tan, trước mắt hành giả không còn giá trị; và là điều căn cứ trên hiểu biết rằng TÔI LÀ CÁI ĐÓ.
Một thái độ và kinh nghiệm như thế dành để cho những ai kiên trì trong nỗ lực cao thượng, xem tất cả mọi sự đều không đáng kể, miễn sao có thể đạt được mục tiêu, tiến tới liên tục qua mọi hoàn cảnh, chăm chú vào viễn ảnh trước mắt, tai lắng nghe tiếng nói của Thượng Đế nội tại, vang lên trong sự tĩnh lặng của tâm hồn, dấn bước vững vàng trên con đường đưa đến Cửa Điểm Đạo, đôi tay sẵn sàng trợ giúp thế gian, và trọn cả cuộc đời phụ thuộc vào tiếng gọi phụng sự. Bấy giờ, tất cả những gì xảy đến đều nhằm mang lại điều tốt đẹp nhất—bệnh tật, cơ hội, thành công, thất bại, những lời chế nhạo và các mưu đồ đen tối của kẻ thù, thiếu sự thông cảm về phía những người chúng ta thương yêu—tất cả đều được sử dụng, tất cả đều hiện hữu chỉ để được chuyển hoá. Sự liên tục của tầm nhìn tinh thần, của chí nguyện và sự tiếp xúc nội tâm được xem là quan trọng hơn tất cả các điều trên. Đó là sự liên tục cần nhắm tới, mặc dù và bất chấp các hoàn cảnh có thế nào.
Khi người tìm đạo tiến bộ, không những y cân bằng được các cặp đối cực mà điều bí mật trong tâm hồn của người huynh đệ cũng được tiết lộ cho y. Y trở thành một sức mạnh được thừa nhận trên thế giới và được công nhận là một người đáng tin cậy trong phụng sự. Mọi người hướng về y để được phù trợ và giúp đỡ theo đường lối được công nhận của y, và y bắt đầu phát ra âm điệu của mình để được nghe thấy trong hàng ngũ các thiên thần và nhân loại. Vào giai đoạn này, y thực hiện điều trên bằng ngòi bút trong văn chương, bằng lời nói trong diễn thuyết và giảng dạy, qua âm nhạc, hội họa và nghệ thuật. Bằng cách này hay cách khác, y thấu đến tâm hồn mọi người, và trở thành một người phù trợ và phụng sự chủng tộc của mình. Ở đây có thể kể ra thêm hai đặc điểm của giai đoạn này:−
Người tìm đạo ý thức được giá trị huyền bí của tiền bạc trong phụng sự. Y không tìm kiếm điều gì cho riêng mình, trừ những [79] gì có thể giúp y thực hiện được công việc cần phải làm, và y xem tiền bạc cũng như những gì tiền bạc có thể mua được là những điều cần được sử dụng cho người khác, và là một phương tiện để hoàn thành những kế hoạch của Chân sư, theo mức y cảm nhận được các kế hoạch đó. Ý nghĩa huyền bí của tiền bạc ít được mọi người thấu hiểu, tuy nhiên, một trong những thử thách lớn nhất đối với vị thế của hành giả trên Đường Dự Bị liên quan đến thái độ và cách hành xử của y đối với những gì mà mọi người đều tìm kiếm để thỏa mãn lòng ham muốn. Chỉ người nào không ham muốn gì cho riêng mình mới có thể nhận được tài chánh dồi dào, và làm người phân phối nguồn phong phú của vũ trụ. Trong các trường hợp khác, khi tài sản gia tăng, chúng không mang lại điều gì ngoài nỗi buồn rầu, đau khổ, bất mãn và lạm dụng.
Cũng vào giai đoạn này. cuộc sống của người tìm đạo trở thành một khí cụ hủy diệt, hiểu theo nghĩa huyền bí của từ đó. Bất cứ nơi nào y đi đến, mãnh lực lưu chuyển qua y từ các cảnh giới cao và từ Thượng Đế nội tâm của chính y, đôi lúc tạo ra những kết quả đặc biệt lên môi trường chung quanh. Nó tác động như một lực kích thích cho cả điều thiện lẫn điều ác. Các Nguyệt thần, hay là các sinh linh bé nhỏ tạo thành các thể của huynh đệ y và của chính y đều cùng bị kích thích, hoạt động của chúng bị gia tăng, và năng lực của chúng được tăng cường mạnh mẽ. Sự kiện này được các Đấng làm việc ở nội giới sử dụng để mang lại một số mục tiêu mong muốn. Đây cũng là điều thường gây nên sự sa ngã tạm thời của các linh hồn tiến hoá. Họ không thể chịu đựng nỗi các mãnh lực tuôn đổ vào họ hay trên họ, và trở nên bất lực do các luân xa và các hiện thể của họ tạm thời bị kích thích quá độ. Chúng ta có thể thấy điều này xảy ra trong các đoàn thể cũng như các cá nhân. Nhưng trái lại, nếu các Nguyệt thần, hay các sinh linh của phàm ngã đã sớm được khuất phục và chế ngự, thì bấy giờ các mãnh lực và năng lực tiếp xúc được sẽ có hiệu quả kích thích ý thức của não bộ hồng trần và các luân [80] xa ở đầu để tiếp xúc với Chân nhân. Bấy giờ mãnh lực có tính hủy diệt trong các trường hợp khác, lại trở thành một yếu tố lành thiện, một sự kích thích hữu ích, và có thể sử dụng bởi các Đấng biết phương cách, để đưa mọi người tiếp tục tiến xa hơn trên đường giác ngộ.
Tất cả các bước này đều phải thể hiện trên cả ba cảnh giới thấp, trong ba hạ thể, và được thực hiện tùy theo cung và phụ cung của riêng từng người. Theo lối này, công việc của người đệ tử được xúc tiến, việc thử thách và huấn luyện y được thực hiện. Do thế, thông qua việc lèo lái năng lượng đúng đắn và vận dụng khôn ngoan các dòng mãnh lực, y được đưa đến Cửa Điểm Đạo và tốt nghiệp từ Phòng Học Tập sang Phòng Minh Triết. Trong phòng này y dần dần trở nên “ý thức” được các mãnh lực và các quyền năng tiềm tàng trong chính Chân nhân và nhóm chân nhân của y; trong phòng này, mãnh lực của nhóm chân nhân được trao cho y sử dụng, bởi vì giờ đây y được tin cậy để vận dụng mãnh lực đó chỉ cho việc trợ giúp nhân loại, và cũng trong phòng này, sau lần điểm đạo thứ tư, y được dự vào, và được uỷ thác một phần năng lượng của Đức Hành Tinh Thượng Đế, và nhờ thế mà có khả năng xúc tiến các kế hoạch tiến hoá của Ngài.
Chúng ta nên nhớ rằng các đệ tử thuộc cung một hiểu con đường đạo phần lớn trong phạm vi năng lượng, mãnh lực hay hoạt động, trong khi các đệ tử thuộc cung hai hiểu con đường đạo nhiều hơn trong phạm vi tâm thức hay điểm đạo. Vì thế mà có sự khác biệt trong những lối phát biểu thường dùng và thiếu sự thông cảm giữa các nhà tư tưởng. Hẳn là hữu ích khi chúng ta phát biểu ý niệm về con đường đệ tử trong phạm vi các cung khác nhau—theo đó cho thấy ý nghĩa của con đường đệ tử như nó biểu hiện trong cuộc phụng sự trên cảnh giới hồng trần:
Cung 1...Mãnh lực............Năng lượng ...Hành động..........Nhà Huyền bí học.
Cung 2...Tâm thức............Triển khai......Điểm đạo............Nhà thần thông chân chính.
Cung 3...Tính thích nghi...Phát triển ......Tiến hoá.............Thuật sĩ.
Cung 4...Rung động .........Ứng đáp ........Phát biểu............Nghệ sĩ.
Cung 5...Trí năng ............ Kiến thứ c .....Khoa học............Nhà khoa học.
Cung 6...Sùng tín............. Họat động......Theo đuổi...........Người sùng tín. trừu tượng Lý tưởng
Cung 7...Thần chú............Pháp thuật .....Nghi thức............Nhà nghi thức. [81]
Xin nhớ kỹ rằng ở đây chúng ta đang bàn đến các đệ tử. Về sau, khi họ tiến bộ, thì nhiều đường lối khác nhau sẽ trở nên tương tự và hoà hợp. Có một thời tất cả đã là thuật sĩ vì mọi người đều đã trải qua cung ba. Vấn đề này hiện nay liên quan đến nhà thần bí học và nhà huyền bí học, và sự tổng hợp chung cuộc của họ. Khi nghiên cứu kỹ các điều nói trên, chúng ta sẽ nhận biết rằng sở dĩ có những nỗi khó khăn giữa các nhà tư tưởng và giữa những người đệ tử trong tất cả các nhóm, vì họ tự đồng hoá với một hình thức nào đó, và vì họ không thể thông cảm được các quan điểm khác của tha nhân. Theo thời gian, khi họ liên lạc mật thiết hơn với hai vị Chân sư mà họ có quan hệ (vị Thượng Đế ở nội tâm là Chân sư của cá nhân họ), thì họ sẽ không còn thiếu khả năng cộng tác và hoà hợp quyền lợi của mình trong lợi ích tập thể, và nỗ lực chung, mục đích giống nhau, cùng nhau hợp tác, sẽ thay thế cho các dị biệt, là những gì quá thường thấy hiện nay. Chúng ta đáng nên suy gẫm kỹ điều này vì nó soi tỏ được nhiều điều đang gây nan giải và đau khổ cho biết bao người.
CHƯƠNG IX
CON ĐƯỜNG ĐIỂM ĐẠO
Sau một thời gian ngắn hoặc dài, người đệ tử sẽ đứng trước Cửa Điểm Đạo. Chúng ta phải nhớ rằng khi hành giả tiến đến Cửa này và đến gần Chân sư hơn, thì đó là lúc chân y thấm máu của trái tim, như có nói trong “Ánh Sáng trên Đường Đạo.” Mỗi bước đi lên bao giờ cũng thông qua sự hy sinh tất cả những gì lòng ta quyến luyến trên cảnh giới này hay cảnh giới khác, và sự hy sinh này phải luôn luôn là tự nguyện. Kẻ tiến bước trên Đường Dự Bị và Thánh Đạo là người đã tính được cái giá phải trả, có ý thức về giá trị đã được điều chỉnh, và do đó không xét đoán sự việc như cách xét đoán của thế nhân. Y là người đang cố dùng “cường lực để chiếm thiên giới”, và trong cố gắng này y chuẩn bị cho hậu quả đau khổ. Y là người thà mất tất cả để đạt mục tiêu, và trong khi chiến đấu cho chân ngã chủ trị phàm ngã thì sẵn sàng hy sinh dù phải vào cõi chết.
Hai cuộc điểm đạo đầu tiên.
Vào cuộc điểm đạo thứ nhất, việc Chân nhân chế ngự thể xác phải đạt đến mức cao. “Các tội lỗi của xác thịt”, nói theo ngôn từ của Thiên Chúa giáo, phải được thống trị; tính tham ăn uống, và lối sống buông thả không được còn ảnh hưởng. Hành giả không còn chìu theo các đòi hỏi của tinh linh hồng trần; sự chế ngự phải hoàn toàn và sự cám dỗ phải chấm dứt. Phải đạt [83] được một thái độ tuân hành chung đối với Chân nhân và sự tự nguyện tuân hành phải rất mạnh mẽ. Vận hà giữa Chân ngã và phàm ngã được mở rộng và sự tuân phục của thân xác phải thực sự là tự động.
Sự kiện rằng không phải tất cả các điểm đạo đồ đều đạt tiêu chuẩn này, có thể được giải thích bằng nhiều lý do, tuy nhiên, âm điệu họ phát ra cần phải ở trên phương diện ngay chánh; họ sẽ tỏ ra thành thật và công khai nhìn nhận các khuyết điểm của chính mình, và người ta sẽ biết rằng họ đang phấn đấu để tuân thủ tiêu chuẩn đến mức cao nhất, dù có thể là chưa đạt được sự hoàn thiện. Các điểm đạo đồ có thể, và vẫn có thể sa ngã, và do thế phải gánh lấy tác động trừng phạt của định luật. Do sự sa ngã này, họ có thể, và thực sự làm tổn thương cả nhóm và vì thế phải gánh chịu nghiệp quả điều chỉnh, phải đền bù sự tổn hại bằng việc phụng sự kéo dài về sau, trong đó chính các thành viên của nhóm áp dụng định luật, dù rằng một cách vô thức; sự tiến bộ của họ bị trở ngại nghiêm trọng, và họ phải mất nhiều thì giờ để giải quyết nghiệp quả với các phần tử bị tổn thương. Chính sự kiện một người là điểm đạo đồ, và do đó làm trung gian cho loại mãnh lực được tăng cường lớn lao, khiến các lệch lạc của y ra ngoài con đường chánh có các hiệu quả mạnh mẽ hơn là trường hợp của một người kém tiến hóa; sự báo phục và hình phạt của y cũng sẽ lớn hơn. Tất nhiên là y phải trả giá cho các lỗi lầm, trước khi được phép tiến xa hơn trên Đường Đạo. Về phần tập thể y bị làm tổn thương, thái độ của họ sẽ như thế nào? Nhận thức mức nghiêm trọng của lỗi lầm, khôn ngoan chấp nhận các sự kiện thực của trường hợp này, kiềm chế việc chỉ trích thiếu huynh đệ, và ban rải tình thương cho người anh em lầm lỗi:− tất cả những điều trên, cùng với hành động thế nào để làm tỏ rõ trước mắt công chúng rằng các tội lỗi và những vi phạm định luật như thế không thể tha thứ được. Thêm vào đó, thái độ trí tuệ của nhóm liên hệ sẽ hướng dẫn họ (trong khi có hành động cương quyết) giúp người huynh đệ lầm lỗi thấy được sự sai phạm của mình, giải quyết nghiệp quả báo phục, và sau đó phục hồi lòng yêu [84] mến, kính trọng đối với y, khi y đã thực hiện được những sửa đổi thích đáng.
Không phải tất cả mọi người đều phát triển theo cùng đường lối, hay theo các đường lối song hành, và do thế không thể ấn định các qui luật cứng nhắc về tiến trình chính xác cho mỗi cuộc điểm đạo, ấn định đúng các luân xa nào cần được khơi hoạt, hoặc linh thị nào cần ban cho họ. Có quá nhiều điều tùy thuộc vào cung của người đệ tử, hoặc sự phát triển của y theo một chiều hướng nào đó (vì mọi người thường không phát triển đồng đều), tùy theo nghiệp quả riêng của y và cũng tùy các nhu cầu cấp thiết của từng thời kỳ. Tuy nhiên, có thể đề nghị như thế này: Vào cuộc điểm đạo thứ nhất, ứng với cuộc giáng sinh của Đức , luân xa tim là luân xa thường được khơi hoạt, để nhằm chế ngự thể cảm dục hữu hiệu hơn, và phụng sự nhân loại lớn lao hơn. Sau cuộc điểm đạo này, điểm đạo đồ được dạy dỗ chính yếu về các sự kiện của cảnh giới cảm dục; y phải ổn định thể tình cảm của mình và học cách làm việc trên cảnh giới cảm dục cũng dễ dàng như trên cảnh giới hồng trần; y được phép tiếp xúc với các thiên thần cõi cảm dục; y học cách chế ngự các tinh linh của cõi cảm dục; y phải hoạt động dễ dàng trên các phân cảnh thấp, và giá trị và phẩm chất của công việc y làm trên cảnh giới hồng trần càng tăng. Vào cuộc điểm đạo này, y chuyển từ Phòng Học Tập sang Phòng Minh Triết. Vào thời gian này, sự phát triển thể cảm dục được liên tục chú trọng, dù rằng thể trí của y vẫn tăng trưởng đều đặn.
Giữa các cuộc điểm đạo thứ nhất và thứ nhì có thể hành giả phải trải qua nhiều kiếp sống. Có thể phải cần một thời gian dài nhiều lần đầu thai trước khi hoàn toàn chế ngự thể cảm dục, và điểm đạo đồ sẵn sàng cho bước kế tiếp. Có sự tương đồng thú vị trong cuộc đời của vị điểm đạo đồ Jesus trong Kinh Tân Ước. Nhiều năm trôi qua giữa lúc Giáng sinh và lễ Rửa tội, nhưng ba bước còn lại đã được thực hiện trong ba năm. Một khi đã được [85] điểm đạo lần thứ hai, sự tiến bộ của điểm đạo đồ sẽ mau lẹ, cuộc điểm đạo thứ ba và thứ tư có thể theo sau trong cùng kiếp sống, hay kiếp kế tiếp.
Cuộc điểm đạo thứ nhì tạo nên sự khủng hoảng trong việc chế ngự thể cảm dục. Giống như vào cuộc điểm đạo thứ nhất việc chủ trị thể xác đã được chứng tỏ, thì trong cuộc điểm đạo này, việc chủ trị thể cảm dục cũng được chứng tỏ tương tự. Sự hy sinh và chết dứt dục vọng là mục tiêu của nỗ lực. Chính dục vọng đã được Chân nhân chế ngự, và hành giả chỉ còn mong muốn những gì tốt đẹp cho toàn thể, phù hợp với ý chí của Chân nhân và của Chân sư. Tinh linh cảm dục được chế ngự, thể tình cảm trở nên tinh khiết và trong sáng, phàm tính tàn lụi nhanh chóng. Bấy giờ, Chân nhân lại chế ngự hai hạ thể và uốn nắn chúng theo ý chí của mình. Chí nguyện và mong muốn phụng sự, yêu thương, tiến bộ trở nên mạnh mẽ đến đỗi thường thấy có phát triển nhanh chóng. Đó là lý do tại sao lần điểm đạo này và lần điểm đạo thứ ba, thường (nhưng không phải luôn luôn) nối tiếp nhau trong chỉ một kiếp sống. Vào thời kỳ hiện nay của lịch sử thế giới, cuộc tiến hoá đã được kích thích mạnh mẽ đến đỗi các linh hồn chí nguyện—cảm biết được nhu cầu lớn lao và khẩn thiết của nhân loại—đang hy sinh tất cả để đáp ứng nhu cầu đó.
Một lần nữa, chúng ta không nên hiểu lầm rằng toàn cả tiến trình này đi theo cùng những bước vào những giai đoạn bất biến, kế tiếp nhau. Nhiều điều được thực hiện kết hợp, đồng thời, bởi vì công tác chế ngự rất chậm chạp và khó khăn; nhưng trong khoảng thời gian giữa ba cuộc điểm đạo đầu tiên phải đạt được và giữ được một mức độ tiến hoá nhất định của mỗi thể trong ba hạ thể, trước khi vận hà có thể được phép mở rộng thêm một cách an toàn. Nhiều người trong chúng ta hiện đang làm việc trên tất cả ba hạ thể, khi dấn bước trên Đường Dự bị.
Vào cuộc điểm đạo này, nếu theo đường lối thông thường, (là điều cũng không có gì chắc chắn) thì luân xa cổ họng sẽ được khơi hoạt. Nó tạo khả năng sử dụng các thành đạt của hạ trí vào [86] công việc phụng sự Chân sư và trợ giúp nhân loại. Nó cũng tạo khả năng cho ra và phát ra những gì hữu ích, có thể bằng lời nói, nhưng chắc chắn là bằng một lối phụng sự nào đó. Hành giả cũng được cho thấy nhu cầu của thế giới, và thấy thêm một phần của Thiên Cơ. Bấy giờ, việc phải làm trước khi được điểm đạo lần thứ ba là hoàn toàn hoà nhập quan điểm của cá nhân vào trong nhu cầu của toàn thể. Nó bao gồm việc Chân nhân hoàn toàn chế ngự thể trí cụ thể.
Hai cuộc điểm đạo tiếp theo.
Sau cuộc điểm đạo thứ hai, giáo huấn được nâng cao thêm một cảnh giới. Điểm đạo đồ học cách chế ngự thể trí của mình; y phát triển khả năng vận dụng chất liệu tư tưởng, và học các luật xây dựng tư tưởng sáng tạo. Y hoạt động tự do trên bốn phân cảnh thấp của cõi trí, và trước cuộc điểm đạo thứ ba—dù hữu thức hay không—y phải hoàn toàn làm chủ bốn phân cảnh thấp của mỗi cõi trong tam giới. Kiến thức của y về tiểu vũ trụ trở nên sâu xa, và về mặt lý thuyết cũng như thực hành, y đã thành thạo, đến mức cao, các luật của bản tính nơi chính mình; do đó, về mặt thực nghiệm, y có khả năng chế ngự được bốn phân cảnh thấp của cõi trần, cõi cảm dục và cõi trí. Điều sau cùng này rất đáng quan tâm. Việc chế ngự ba phân cảnh cao hơn vẫn chưa hoàn tất, và đây là một trong những lý do tại sao có các thất bại và những lầm lẫn của các điểm đạo đồ. Họ vẫn chưa hoàn toàn chủ trị được vật chất của ba phân cảnh cao, và các loại vật chất này còn cần được chế ngự.
Vào cuộc điểm đạo thứ ba, đôi khi được gọi là sự Biến dung, toàn thể phàm nhân chìm ngập trong ánh sáng từ trên xuống. Chỉ sau cuộc điểm đạo này, Chân thần mới dứt khoát hướng dẫn Chân nhân và ngày càng tuôn đổ sự sống thiêng liêng của Ngài vào trong vận hà đã được chuẩn bị và thanh luyện; cũng như trong dãy hành tinh thứ ba là Dãy Nguyệt Cầu, Chân nhân đã [87] giúp phàm nhân biệt lập ngã tính qua tiếp xúc trực tiếp, một phương pháp khác với phương pháp biệt lập ngã tính được thấy trong dãy thứ tư này. Nếu được áp dụng ở đây, luật tương ứng có thể tỏ ra có khả năng hiển lộ nhiều điều, và có thể cho thấy một sự tương đồng thú vị giữa các phương pháp cá nhân hoá trong các dãy hành tinh khác nhau và những triển khai tâm thức xảy ra vào các cuộc điểm đạo khác nhau.
Một lần nữa, điểm đạo đồ được cho thấy trước những gì sẽ xảy ra, luôn luôn ở vị thế nhận biết các thành viên khác của ĐĐCG (Huyền Môn Chánh Đạo), và các quan năng thần thông của y được kích thích bằng cách làm sinh động các luân xa trên đầu. Không cần thiết và không nên phát triển các quan năng tổng hợp, hoặc thần nhĩ và thần nhãn, cho đến khi sau cuộc điểm đạo này. Mục đích của toàn cuộc phát triển là khơi dậy trực giác tinh thần; khi điều đó đã được thực hiện, khi thể xác thanh khiết, thể cảm dục ổn định vững vàng và thể trí được chế ngự, thì bấy giờ điểm đạo đồ có thể an toàn vận dụng và khôn ngoan sử dụng được các quan năng thần thông để trợ giúp nhân loại. Không những y có thể sử dụng các quan năng này và giờ đây y còn có khả năng sáng tạo và làm sinh động các hình tư tưởng rõ rệt và chính xác, rung động với tinh thần phụng sự và không bị chế ngự bởi hạ trí hay dục vọng. Các hình tư tưởng này sẽ không (như các hình tư tưởng tạo bởi đại chúng) có tính rời rạc, không liên kết, không liên quan với nhau, mà sẽ đạt một mức độ tổng hợp khá cao. Hành giả phải làm việc khó nhọc, không ngừng trước khi có thể thực hiện được điều này, nhưng khi bản tính dục vọng đã được ổn định và thanh lọc, thì việc chế ngự thể trí sẽ trở nên dễ dàng hơn. Vì thế, con đường của người sùng tín, trong vài phương diện, thì dễ dàng hơn con đường của nhà trí thức, bởi vì y đã học được các biện pháp thanh lọc dục vọng và tiến lên theo các giai đoạn cần thiết.
Nay phàm nhân đã đạt đến một mức rung động rất cao, vật chất trong cả ba hạ thể tương đối thanh khiết, và mức thấu hiểu của phàm nhân về công việc phải làm trong tiểu vũ trụ, cũng như [88] về phần chia sớt công tác của đại vũ trụ đều rất tiến bộ. Vì thế, chúng ta mới hiểu rõ tại sao chỉ đến cuộc điểm đạo thứ ba thì vị Đại Giáo Trưởng, Đức Chúa Tể Hoàn Cầu, mới đích thân làm chủ lễ. Đó là lần đầu tiên Ngài tiếp xúc với điểm đạo đồ và điều này không thể sớm hơn. Trong hai cuộc điểm đạo đầu tiên, vị Chủ lễ là Đức , Đức Chưởng Giáo, Người Anh Cả trong nhiều vị huynh trưởng, là một trong những người được điểm đạo sớm nhất của nhân loại. Browning đã diễn tả tư tưởng này thật đẹp đẽ bằng những lời lẽ trong bài thơ “Saul” của ông:−
. . . . . . . Đó sẽ là
Một khuôn mặt giống khuôn mặt tôi đón tiếp bạn;
Một người giống như tôi mà bạn sẽ yêu mến
Và một người sẽ yêu mến bạn mãi mãi;
Một bàn tay giống như bàn tay này
Sẽ mở ra những cánh cửa của cuộc sống mới cho bạn!
Trông kìa Đức đang chờ!
Nhưng khi điểm đạo đồ đạt được sự tiến bộ còn xa hơn nữa và đã được hai lần điểm đạo, thì có sự thay đổi. Đức Chúa Tể Hoàn Cầu, Đấng Thái Cổ, Đấng Thánh Đế siêu việt, đích thân Ngài điều hành cuộc điểm đạo thứ ba. Tại sao điều này có thể xảy ra? Bởi vì nay thể xác được hoàn toàn hiến dâng có thể an toàn chịu đựng các rung động của hai thể kia khi chúng trở lại chỗ trú sau khi diện kiến Đấng THÁNH ĐẾ; bởi vì nay thể cảm dục được thanh lọc và thể trí được chế ngự có thể an toàn đứng trước NGÀI. Khi được thanh lọc và chế ngự, chúng chịu đựng được và lần đầu tiên hữu thức rung động theo Cung của Chân thần; bấy giờ, với các thể được chuẩn bị sẵn sàng y được phép đạt khả năng thấy và nghe trên mọi cảnh giới, và sử dụng an toàn năng lực đọc hiểu các ký ảnh, bởi vì có kiến thức đầy đủ hơn tức là có thêm quyền năng. Tâm hồn y nay đã đủ thanh khiết và yêu thương, và trí tuệ đã đủ vững vàng để chịu được sức căng thẳng của hiểu biết. [89] Trước cuộc điểm đạo thứ tư, việc huấn luyện được tăng cường, và sự xúc tiến tích lũy kiến thức phải mau lẹ không thể tưởng. Điểm đạo đồ thường đến thư viện có chứa sách huyền bí, và sau cuộc điểm đạo này, không những y có thể giao tiếp với vị Chân sư mà từ lâu y đã hữu thức liên kết và làm việc với Ngài, mà y còn có thể tiếp xúc và phần nào trợ giúp các vị Đế quân, Đức Bồ-tát và Đức Bàn Cổ.
Y cũng phải dùng trí hiểu thấu các luật của ba cõi thấp, đồng thời vận dụng chúng để trợ giúp cơ tiến hoá. Y nghiên cứu các đồ án vũ trụ và phải thấu đáo các sơ đồ; y trở nên thành thạo các thuật ngữ huyền bí và phát triển thị giác bề đo thứ tư nếu chưa làm điều này. Y học cách điều khiển những hoạt động của các thiên thần xây dựng, và đồng thời làm việc liên tục để phát triển bản tính tinh thần của mình. Y bắt đầu mau chóng điều hợp thể bồ-đề, và trong sự phối hợp này y phát triển năng lực tổng hợp, lúc đầu ở mức độ nhỏ, và dần dần đầy đủ hơn.
Vào thời gian được điểm đạo lần thứ tư, điểm đạo đồ đã phải hoàn toàn làm chủ được phân cảnh thứ năm, và do đó trở nên toàn thông—xin dùng nhóm thuật ngữ này,—trên năm phân cảnh thấp của cõi trần, cõi cảm dục và cõi trí, và đang trên đà làm chủ phân cảnh thứ sáu. Thể bồ-đề của y có thể hoạt động trên hai phân cảnh thấp của cảnh giới bồ-đề.
Cuộc đời của người được điểm đạo lần thứ tư, hay Thập giá hình, là một cuộc đời hy sinh lớn lao và đầy đau khổ. Đó là cuộc sống của người thực hiện hạnh Đại Từ Bỏ, và ngay cả ở phương diện ngoại môn cũng có vẻ gian lao, khó khăn và đầy đau khổ. Y đã đặt tất cả, ngay đến phàm nhân đã hoàn hảo của mình, trên bàn thờ hy sinh, và không còn gì nữa. Tất cả đều bị từ bỏ, bạn bè, tiền bạc, danh vọng, tiếng tăm, địa vị trong đời, gia đình, và ngay cả chính sự sống.
[90]
Các cuộc Điểm đạo cuối cùng.
Sau cuộc điểm đạo thứ tư, không còn nhiều điều phải làm. Việc ngự trị phân cảnh thứ sáu tiến hành nhanh chóng, và vật chất của các phân cảnh cao của cõi bồ-đề được phối kết. Điểm đạo đồ được nhận vào vòng liên giao mật thiết hơn trong Huyền giai và tiếp xúc hoàn hảo hơn với các thiên thần. Y đang mau chóng học hết các nguồn giáo huấn của Phòng Minh Triết và thấu đáo được các đồ án và đồ biểu phức tạp nhất. Y trở nên thành thạo ý nghĩa của màu sắc và âm thanh, có thể vận dụng định luật trong tam giới, và có thể tiếp xúc với Chân thần của mình dễ dàng hơn là phần đông nhân loại có thể tiếp xúc với Chân nhân của họ. Y cũng được giao phó công tác lớn lao là giáo huấn nhiều môn sinh, trợ giúp nhiều kế hoạch, và qui tụ quanh y những người sẽ trợ giúp y trong tương lai. Đây là chỉ đề cập đến những vị ở lại để giúp đỡ nhân loại trên hành tinh này; về sau chúng ta sẽ bàn đến một số đường lối công tác mở ra trước vị Chân sư khi Ngài không còn phục vụ trên địa cầu.
Sau cuộc điểm đạo thứ năm, hành giả đạt mức hoàn thiện cao nhất của hệ thống hành tinh này, dù rằng nếu muốn thì Vị này có thể nhận hai cuộc điểm đạo cao hơn.
Để đạt được cuộc điểm đạo thứ sáu, vị Chân sư phải dự một khoá đặc biệt về huyền bí học hành tinh. Một vị Chân sư vận dụng định luật trong tam giới, trong khi một vị Đế quân được điểm đạo lần thứ sáu vận dụng định luật trên mọi cấp độ của dãy hành tinh; một vị Đế quân được điểm đạo lần thứ bảy vận dụng định luật trong thái dương hệ.
Hiển nhiên là nếu khảo xét kỹ các vấn đề này để áp dụng, người môn sinh sẽ tìm thấy nhiều điều liên quan đến cá nhân y, dù rằng y còn cách xa chính cuộc lễ điểm đạo. Nhờ nghiên cứu tiến trình và mục đích, y có thể biết được sự kiện chính đại cơ bản rằng phương pháp điểm đạo là phương pháp của sự:− [91]
a. Nhận thức mãnh lực.
b. Áp dụng mãnh lực.
c. Sử dụng mãnh lực.
Điểm đạo đồ ở mọi cấp, từ vị khiêm tốn ở cấp thứ nhất, lần đầu tiên tiếp xúc với một loại mãnh lực chuyên biệt, lên đến vị Phật được giải thoát ở cấp thứ bảy, đều đang vận dụng một loại năng lượng nào đó. Có thể trình bày các giai đoạn phát triển của người chí nguyện tìm đạo như sau:−
1. Qua phân biện, y phải ý thức được năng lượng hay mãnh lực của chính phàm ngã y.
2. Y phải áp đặt lên nhịp điệu mạnh mẽ đó một nhịp điệu cao hơn, cho đến khi nhịp điệu thấp được thay thế bởi nhịp điệu cao, và phương pháp phát triển năng lượng theo lối cũ hoàn toàn tan biến.
3. Sau đó, nhờ các nhận thức dần dần phát triển, y được phép tiếp xúc và được hướng dẫn sử dụng một số năng lượng tập thể, cho đến khi đạt vị thế vận dụng được mãnh lực hành tinh một cách khoa học. Khoảng thời gian cần cho giai đoạn cuối cùng này hoàn toàn tùy thuộc sự tiến bộ của y trong việc phụng sự nhân loại và phát triển các quyền năng của linh hồn, là trình tự đương nhiên của sự khai mở tinh thần.
Việc áp dụng Điểm đạo Thần trượng bởi Đức Bồ-tát trong hai cuộc điểm đạo đầu tiên giúp điểm đạo đồ có thể kiểm soát và sử dụng mãnh lực của phàm ngã, năng lượng được thánh hoá thực sự của phàm nhân trong phụng sự; vào cuộc điểm đạo thứ ba, việc áp dụng Điểm đạo Thần trượng bởi Đấng Điểm Đạo Duy Nhất giúp y có thể sử dụng mãnh lực của Chân ngã hay Chân nhân một cách rộng rãi hơn rất nhiều, và đem vận dụng ở [92] cõi trần toàn bộ năng lượng tích lũy qua nhiều kiếp sống trong thể nguyên nhân. Vào cuộc điểm đạo thứ tư, năng lượng của nhóm Chân nhân được giao cho y sử dụng để trợ giúp cuộc tiến hoá hành tinh, và vào cuộc điểm đạo thứ năm, y được tùy nghi sử dụng mãnh lực và năng lượng hành tinh (hiểu theo nghĩa nội môn, chứ không chỉ là mãnh lực hay năng lượng của bầu vật chất). Trong suốt năm cuộc điểm đạo, hai Đấng Cao Cả—trước hết là Đức Bồ-tát và sau đó là Đấng Điểm Đạo Duy Nhất, Đức Chúa Tể Hoàn Cầu, hay Đức Sanat Kumara—là Đấng điều hành hay Chủ lễ. Sau các cuộc lễ này, nếu điểm đạo đồ quyết định nhận hai cuộc điểm đạo cuối cùng khả dĩ nhận được trong thái dương hệ này, thì một loại năng lượng còn cao hơn nữa biểu lộ Đại ngã Duy nhất bắt đầu tác động, và chỉ có thể được gián tiếp đề cập đến. Vào cuộc điểm đạo thứ bảy, Đấng mà Đức Sanat Kumara biểu hiện, Đức Thượng Đế của hành tinh chúng ta trên cảnh giới của Ngài, trở thành Đấng Điểm Đạo. Vào cuộc điểm đạo thứ sáu, biểu hiện của Đấng này trên một cảnh giới trung gian—một Đấng mà hiện còn được giữ kín danh hiệu—vận dụng Thần trượng, nhận lời thệ nguyện và truyền bí nhiệm. Ba biểu lộ này của chính phủ huyền giai—Đức Sanat Kumara ở phạm vi của tam giới, Đấng Vô Danh ở lĩnh vực các cõi cao của cuộc tiến hoá nhân loại, và chính Đức Thượng Đế của địa cầu ở giai đoạn cuối —là ba sự biểu hiện vĩ đại của chính Đức Hành Tinh Thượng Đế. Vào cuộc điểm đạo cuối cùng năng lượng của Đức Thái Dương Thượng Đế lưu chuyển thông qua Hành Tinh Thượng Đế, và chính Ngài khải thị cho điểm đạo đồ biết rằng Đấng Tuyệt Đối là tâm thức phát biểu ở mức viên mãn nhất, dù rằng vào giai đoạn hiện hữu của nhân loại, Đấng Duy Nhất phải được xem như là vô thức.
Mỗi cuộc điểm đạo lớn thực ra chỉ là tổng hợp của các cuộc điểm đạo nhỏ hơn, và chỉ khi nào hành giả liên tục tìm cách triển khai tâm thức trong các vấn đề của cuộc sống hằng ngày thì y mới mong đạt được các giai đoạn sau mà chẳng gì khác hơn là các thành quả của nhiều giai đoạn trước. Các môn sinh phải loại bỏ cái ý tưởng rằng nếu họ “thật tốt và vị tha” thì vào một ngày [93] bất ngờ nào đó họ sẽ đến trước Đức Chúa Vĩ Đại. Suy nghĩ như thế là đặt cái quả trước cái nhân. Đức tốt và lòng vị tha là kết quả của nhận thức và phụng sự, và đức hạnh thánh thiện là thành quả của các triển khai tâm thức mà hành giả tự thực hiện, thông qua cố gắng và nỗ lực lớn lao. Bởi vậy chính ở đây và ngay bây giờ, chúng ta có thể tự chuẩn bị cho điểm đạo, và làm điều này, không phải dựa trên khía cạnh nghi lễ, như nhiều người thiết tha mong mõi, mà bằng cách làm việc có hệ thống, kiên trì liên tục phát triển thể trí, và bằng quá trình gian lao khó nhọc là chế ngự thể cảm dục để nó ứng đáp được với ba loại rung động:−
a. Rung động đến từ Chân nhân.
b. Rung động đến từ Chân sư.
c. Rung động đến từ các huynh đệ của y ở khắp chung quanh. Y trở nên nhạy cảm đối với tiếng nói của Chân ngã, và do thế thanh toán nghiệp quả dưới sự hướng dẫn khôn ngoan của Chân nhân chính y. Qua Chân nhân, y trở nên ý thức được sự rung động phát ra từ Chân sư y; y học cách ngày càng cảm nhận được rung động đó và đáp ứng lại ngày càng đầy đủ hơn; cuối cùng, y trở nên ngày càng nhạy cảm với những sự hân hoan, đau thương và buồn khổ của những người y tiếp xúc hằng ngày; y cảm thấy đó là những hân hoan, đau thương và buồn khổ của y, nhưng không vì đó mà giảm suy năng lực.[94]
CHƯƠNG X
TÍNH ĐẠI ĐỒNG CỦA ĐIỂM ĐẠO
Trong các giáo huấn huyền bí, đã có nhiều lần nhấn mạnh rằng tiến trình điểm đạo, như người ta thường hiểu, vốn không bình thường mà là một tiến trình khác thường. Mọi sự tiến triển trong lãnh vực tâm thức đương nhiên là do một loạt các giác ngộ tăng dần, nhưng điều này hẳn sẽ phải diễn tiến một cách tuần tự hơn rất nhiều và qua một thời kỳ lâu dài hơn là theo các điều kiện hiện nay của hành tinh chúng ta. Phương cách phát triển tâm thức đặc biệt này của gia đình nhân loại đã được ĐĐCG mở ra trong căn chủng Atlantis vào giai đoạn cuối của phân chủng thứ tư, và sẽ kéo dài cho đến giữa vòng tiến hoá sắp tới. Đến chừng đó, sức kích thích cần thiết đã được truyền đạt, và bấy giờ, khi ba phần năm gia đình nhân loại đã “bước trên đường đạo” về mặt nội môn, và một số lớn họ đang trong tiến trình trở thành chính Đường Đạo, thì phương thức bình thường hơn sẽ lại được sử dụng.
Điểm đạo trên các hành tinh khác nhau.
Tiến trình kích thích các Chân nhân trong nhân loại bằng các giáo huấn tăng dần, và bằng việc áp dụng mãnh lực động điện của Thần trượng đang được dùng trên ba hành tinh của thái dương hệ chúng ta. Tiến trình này được lập ra trong chính vòng tiến hoá thứ tư, và điều thú vị đặc biệt là trong mỗi dãy hành tinh và bầu thứ tư của vòng tiến hoá thứ tư, sự chú trọng của huyền giai sáng tạo thứ tư được đặt vào cuộc điểm đạo thứ tư, là cuộc điểm đạo Thập giá hình. Huyền giai Sáng tạo thứ tư là sự biểu lộ vĩ đại của ý chí hữu [95] thức và sự hy sinh của Đức Thái Dương Thượng Đế, và là đại biểu tượng của sự hợp nhất thông minh giữa tinh thần và vật chất. Do thế, cuộc điểm đạo thứ tư có vị thế nổi bật, vì trình bày các chân lý vũ trụ, và tóm tắt mục đích của sự hy sinh cơ bản này.
Người môn sinh cần nên nhớ rằng các hệ thống hành tinh khác, dù trong cơ bản vẫn giống như hệ thống thứ tư của chúng ta, nhưng khi biểu hiện có những dị biệt sâu xa, do các đặc tính biến thiên và nghiệp quả riêng của vị Hành Tinh Thượng Đế hay Cung đang lâm phàm. Các dị biệt này ảnh hưởng đến:−
a. Tiến trình điểm đạo, cả trong các phương diện nghi lễ và vị tha.
b. Việc áp dụng Thần trượng, bởi vì loại mãnh lực nó thể hiện, khi được liên kết với loại mãnh lực phân biệt của hành tinh, thì tạo nên những kết quả có tính chất và mức độ khác nhau.
c. Những thời kỳ điểm đạo. Các Chân nhân đang lâm phàm trên một hành tinh nào—tùy theo cung—sẽ được kích thích dễ dàng hay không là tùy trường hợp, theo những điều kiện chiêm tinh, và việc này sẽ khiến có các thời kỳ phát triển ngắn hay kéo dài hơn, trước hoặc giữa mỗi cuộc điểm đạo.
d. Các hiện tượng điện được tạo ra trên những cảnh giới cao, khi ngày càng thêm nhiều người trong nhân loại “rực sáng” về mặt nội môn. Chúng ta nên nhớ rằng toàn thể thái dương hệ, với tất cả những gì bao hàm trong đó, đều tự biểu hiện trong phạm vi ánh sáng, và vì thế tiến trình điểm đạo có thể được xem là một tiến trình mà trong đó những điểm sáng khác nhau (hay các điểm linh quang nhân loại) được kích thích; mức chói rạng, nhiệt độ của họ được tăng cường và phạm vi ảnh hưởng của mỗi tia sáng được nới rộng. [96] Ba hệ thống hành tinh mà trong đó cuộc thí nghiệm quan trọng về mặt điểm đạo đang được tiến hành là Địa cầu, Kim tinh, và một hành tinh khác. Kim tinh là bầu thứ nhất được thí nghiệm, và sự thành công của cố gắng này cũng như mãnh lực phát ra đã khiến có một nỗ lực tương tự đang được thực hiện trên hành tinh chúng ta. Không có hành tinh nào gia tăng dự trữ mãnh lực, và do đó gia tăng phạm vi ảnh hưởng của mình mà không gánh thêm các nghĩa vụ và không ảnh hưởng đến các hệ thống khác; sự trao đổi mãnh lực và năng lượng giữa hai hành tinh này, là Địa cầu và Kim tinh, vẫn liên tục. Chỉ mới gần đây, một tiến trình tương tự đã được phát khởi trong một hệ thống hành tinh khác, và trong vòng tiến hoá tới khi Địa cầu chúng ta đạt mức tiến hoá tương tự với trình độ của hệ Kim tinh vào thời gian mà chúng ta đã cảm thấy ảnh hưởng của hệ này, thì bấy giờ chúng ta sẽ giúp kích thích thêm một nhóm Chân nhân hành tinh khác; chúng ta sẽ giúp phát khởi một phương sách tương tự, trong những người con nhân loại của một hệ thống khác.
Trên ba hệ hành tinh lớn, Hải vương tinh, Thiên vương tinh và Thổ tinh, phương pháp điểm đạo sẽ không được dùng. Các hệ này sẽ là nơi tiếp nhận những người “đã được cứu rỗi” về mặt nội môn từ trong các hệ hành tinh khác. Điều này có nghĩa là tất cả những ai, trong một hệ thống nào đó, đã đạt mức triển khai tâm thức cần thiết (như phần đông nhân loại sẽ đạt được trước giữa đại chu kỳ hay vòng tiến hoá tới) thì sẽ được xem là “đã được cứu rỗi” trong khi những người còn lại sẽ bị xem là thất bại, và sẽ bị giữ lại để phát triển thêm trong các thời kỳ sau, hoặc chuyển sang các hệ hành tinh mà theo quan điểm thời gian thì không tiến hoá bằng hệ Địa cầu chúng ta. Ba hệ chánh đại này hấp thu và tổng hợp năng lượng của các hệ kia.
Điểm đạo và các Thiên thần.
Câu hỏi đặt ra là liệu các thiên thần có được điểm đạo không, và ở đây chúng ta có thể vắn tắt bàn qua điều này. [97] Điểm đạo liên quan đến sự phát triển hữu thức của tiểu ngã, và phương diện minh triết của Đại Ngã Duy Nhất. Điểm đạo cần có sự phát triển của nguyên khí thông minh, và bao gồm việc con người lãnh hội được mục đích và ý chí, và sáng suốt tham dự vào đó thông qua tình thương và phụng sự. Các Thiên thần chưa có ngã thức, ngoại trừ các thiên thần cao cả hơn trong các chu kỳ trước đã trải qua giới nhân loại và hiện đang cộng tác trong cuộc tiến hoá của con người. Họ tăng trưởng và phát triển nhờ cảm giác chứ không qua năng lực tư tưởng hữu thức. Tuy nhiên, con người lại tăng trưởng qua các mở mang nhận thức hữu ngã thức, tự phát và tự áp dụng. Đó là con đường của chí nguyện tinh thần và nỗ lực hữu thức, và là đường lối phát triển khó khăn nhất trong thái dương hệ, vì không đi theo con đường ít trở ngại nhất, mà tìm cách phát khởi và áp đặt một nhịp điệu cao hơn. Các thiên thần thì đi theo con đường ít trở ngại nhất, tìm cách chiếm dụng và thể nghiệm sự rung động đích thực của các sự vật, trong triều sóng cao nhất của cảm giác và cảm thức. Vì thế, phương pháp của họ là mãi tăng cường đánh giá cảm giác của phút giây hiện tại, chứ không như con người, là ngày càng xem nhẹ hơn bản tính của sự vật và phương diện vật chất, đưa đến một cố gắng khai mở và bao gồm trong tâm thức cái thực tại chủ quan, hay những điều tinh thần— vốn trái ngược với cái khách quan không thực tại, hay những gì thuộc về vật chất. Các thiên thần tìm cách cảm giác, trong khi con người tìm cách hiểu biết. Bởi vậy, đối với thiên thần thì không có những sự triển khai tâm thức mà chúng ta gọi là Điểm đạo, trừ trường hợp những vị tiến hoá cao, đã trải qua giai đoạn nhân loại. vừa cảm giác vừa hiểu biết, và theo luật tiến hoá họ ngày càng mở mang kiến thức nhiều hơn.
[98]
Những ảnh hưởng vũ trụ và các cuộc điểm đạo trong thái dương hệ.
Khi bàn về chủ đề sâu xa này thì tất cả những gì có thể làm ở đây là vắn tắt kể ra một số ảnh hưởng vũ trụ tác động rõ rệt đến địa cầu chúng ta, tạo những kết quả trong tâm thức của con người ở khắp nơi, và mang lại một số hiện tượng cụ thể trong suốt tiến trình điểm đạo.
Trước hết là năng lượng hay mãnh lực phát ra từ mặt trời Sirius. Có thể nói là tổng thể năng lượng của tư tưởng, hay mãnh lực trí tuệ từ một trung tâm vũ trụ xa xăm đến thái dương hệ thông qua Sirius. Sirius đóng vai trò truyền chuyển hay là trung tâm hội tụ, từ đó phát xuất các ảnh hưởng tạo nên ngã thức nơi con người. Trong thời gian điểm đạo, nhờ Điểm đạo Thần trượng (tác động như một vật truyền chuyển phụ và một nam châm mạnh mẽ) năng lượng này nhất thời được tăng cường, và được áp dụng vào các luân xa của điểm đạo đồ với mãnh lực phi thường; nếu Đấng Điểm Đạo và hai vị bảo trợ cho điểm đạo đồ không để cho mãnh lực này đi qua cơ thể của các Ngài trước, thì điểm đạo đồ sẽ không chịu nỗi nó. Việc tăng cường năng lượng trí tuệ này giúp mở mang tâm thức, thấu hiểu được chân lý đích thực, và có các hiệu quả lâu bền. Chính yếu, nó được cảm thấy trong luân xa cổ họng, là cơ quan sáng tạo quan trọng bằng âm thanh.
Một loại năng lượng khác đến với con người từ chòm sao Pleiades, đi qua hệ Kim tinh đến với chúng ta, cũng như năng lượng của Sirius đi qua Thổ tinh vậy. Nó có hiệu quả rõ rệt đối với thể nguyên nhân, và dùng để kích thích luân xa tim.
Loại năng lượng thứ ba được áp dụng cho điểm đạo đồ, và ảnh hưởng đến luân xa ở đầu. Năng lượng này phát xuất từ một trong bảy ngôi sao của chòm sao Đại Hùng, Đấng phú linh cho ngôi sao này có quan hệ với Hành Tinh Thượng Đế của chúng ta giống như Chân nhân đối với phàm nhân. Do vậy, năng lượng này là thất phân và khác biệt tùy theo cung hay mẫu người.
[99] Ở đây không thể nêu rõ thứ tự của việc áp dụng các loại năng lượng khác nhau này, hay cuộc điểm đạo nào mà trong đó hành giả tiếp xúc với những loại năng lượng khác nhau. Các sự kiện này bao gồm những bí mật của các bí pháp, và tiết lộ chúng ra không ích gì. Những loại mãnh lực khác từ một số hệ hành tinh cũng như từ các trung tâm vũ trụ, được Đấng Điểm Đạo đưa vào tác động và truyền qua trung gian của Thần trượng đến các luân xa khác nhau trong ba thể của điểm đạo đồ, là các luân xa của thể trí, thể cảm dục và thể dĩ thái. Vào cuộc điểm đạo thứ tư, một loại mãnh lực chuyên biệt từ một trung tâm còn phải giữ kín tên, được áp dụng vào thể nguyên nhân, và là một trong các nguyên nhân làm cho thể này cuối cùng phải tan rã.
Khi suy gẫm về vấn đề thành đạt này của những người con nhân loại, chúng ta phải nhận thức rằng khi nhân loại hoàn tất được từ sự thống nhất này đến sự thống nhất khác, thì các vị “Thiên Nhân” trên các cấp trực giác và tinh thần cũng được hoàn thiện, và đến lượt các vị này hình thành những luân xa trong các vị “Thiên Nhân” vĩ đại của thái dương hệ. Mỗi Chân thần của con người và mỗi thiên thần đều ở trong cơ thể của bảy vị Thiên Nhân này, các vị hình thành bảy luân xa trong cơ thể của Thái Dương Thượng Đế. Đến lượt Ngài hình thành luân xa Tim (vì Thượng Đế là Bác ái) của một Đấng còn cao cả hơn nữa. Đối với thái dương hệ này, sự thành tựu viên mãn của tất cả sẽ là khi Đức Thái Dương Thượng Đế được điểm đạo lần thứ năm. Khi tất cả những người con nhân loại được điểm đạo lần thứ năm, thì Ngài sẽ đạt được mục đích. Đây là một bí nhiệm vĩ đại mà chúng ta còn chưa có thể hiểu.
[100]
CHƯƠNG XI
CÁC ĐẤNG THAM DỰ VÀO CÁC BÍ NHIỆM
Thường thì mọi người đều biết được các Đấng tham dự vào các bí nhiệm và không cần phải giữ kín kiến thức tổng quát về nhân sự và phương pháp. Ở đây chúng tôi chỉ tìm cách làm cho các sự kiện đã được đưa ra có ý nghĩa thực tế lớn lao hơn bằng cách trình bày đầy đủ hơn và đề cập rõ rệt hơn về các phần hành của những vị đó trong suốt cuộc lễ. Ở giai đoạn này, người môn sinh nên khôn ngoan ghi nhớ một số điều khi suy gẫm về các bí nhiệm được bàn đến ở đây:—
Phải thận trọng diễn giải tất cả những điều được truyền đạt ở đây trong phạm vi tinh thần chứ không thuộc về vật chất hay hình thể. Chúng tôi đang bàn hoàn toàn về phương diện tâm thức hay khía cạnh nội tại của cuộc biểu hiện, và với những gì ẩn trong hình thể ở bên ngoài. Nhận thức này sẽ giúp môn sinh tránh được nhiều lầm lẫn về sau.
Chúng tôi đang xét đến các sự kiện có thực trên cảnh giới trí tuệ—cảnh giới mà trên đó diễn ra tất cả các cuộc điểm đạo chính yếu—nhưng không được thể hiện trên cảnh giới hồng trần và không phải là các hiện tượng trên cảnh giới hồng trần. Mối liên kết giữa hai cảnh giới này hiện hữu trong sự liên tục tâm thức mà bấy giờ điểm đạo đồ đã phát triển, sẽ giúp y có thể đưa vào não bộ hồng trần các sự kiện và những diễn biến trên các cảnh giới nội tại của cuộc sống.
Bằng chứng xác nhận các diễn biến này và tính chính xác của kiến thức được truyền đạt sẽ biểu thị như sau:
− [101] Bên trong các luân xa dĩ thái. Các luân xa này sẽ được kích thích mạnh mẽ và, qua năng lượng cố hữu của chúng được gia tăng, sẽ giúp điểm đạo đồ có thể hoàn tất được nhiều trên đường phụng sự hơn là trước đây y đã từng mơ tưởng có thể làm. Các ước mơ và lý tưởng của y không còn là những khả năng mà trở thành các sự kiện thực tế biểu hiện trong cuộc sống.
Các trung tâm của thể xác, như tuyến tùng và tuyến yên, sẽ bắt đầu phát triển nhanh chóng, và y sẽ trở nên ý thức được sự khơi dậy các “siddhis” hay là các quyền năng của linh hồn, hiểu theo nghĩa cao siêu của từ này. Y sẽ biết được tiến trình chế ngự hữu thức và tùy ý vận dụng các quyền năng này. Y sẽ biết các phương pháp tiếp xúc với chân ngã và điều khiển các mãnh lực đúng cách.
Hệ thần kinh, qua đó thể tình cảm hay cảm dục tính tác động, sẽ trở nên rất bén nhạy và mạnh mẽ. Não bộ sẽ ngày càng mau chóng trở nên một phương tiện truyền đạt chính xác cho các xung lực nội tâm. Sự kiện này có tầm quan trọng thực sự và khi ý nghĩa của nó trở nên rõ rệt, sẽ mang lại một cuộc cách mạng trong thái độ của các nhà giáo dục, các y sĩ và những người khác, đối với sự phát triển của hệ thần kinh và việc chữa trị các bệnh thần kinh.
Ký ức huyền bí. Cuối cùng, điểm đạo đồ trở nên ngày càng ý thức được sự tăng trưởng của hồi ức nội tâm, hay là “ký ức huyền bí,” liên quan đến công tác của ĐĐCG và chính yếu là phần hành của y trong kế hoạch tổng quát. Khi điểm đạo đồ hồi ức về mặt huyền bí một sự kiện của cuộc lễ, trong ý thức tỉnh táo, và nhận thấy nơi chính mình tất cả các biểu hiện này của sự phát triển tăng dần và nhận thức sáng tỏ, thì bấy giờ niềm xác tín ở nội tâm được chứng minh và chứng thực đối với y.
Hãy nên nhớ rằng sự chứng thực nội tâm này không có giá trị cho ai hơn là điểm đạo đồ. Y phải tự chứng tỏ cho thế giới bên ngoài biết điều này, qua cuộc sống phụng sự của y và công tác [102] đã hoàn tất, và bằng cách đó khơi dậy nơi tất cả những người phụ tá quanh y một sự nhận thức , tự biểu lộ trong cuộc thi đua đúng đắn và nỗ lực lớn lao để dấn bước trên cùng một con đường, bao giờ cũng được thúc đẩy bởi cùng một động cơ—là động cơ phụng sự và tình huynh đệ, chứ không phải tính tự tôn tự đại và ý muốn thu đạt vị kỷ. Cũng cần nên nhớ rằng nếu các điều trên đúng với công việc phụng sự, thì còn đúng hơn nữa đối với chính điểm đạo đồ. Điểm đạo là một vấn đề hoàn toàn cá nhân có ứng dụng đại đồng. Nó dựa trên sự thành đạt nội tâm của y. Điểm đạo đồ sẽ tự biết được khi nào sự kiện này xảy ra, và không cần phải có ai nói cho y biết điều đó. Sự mở mang tâm thức gọi là điểm đạo phải bao gồm não bộ hồng trần, nếu không thì chẳng có giá trị gì cả. Giống như các triển khai tâm thức nhỏ hơn mà bình thường chúng ta trải qua mỗi ngày, và gọi là “học” một điều này hay điều khác, có liên quan đến việc não bộ hồng trần thấu hiểu được một sự kiện đã truyền đạt hay một trường hợp đã lĩnh hội, thì các phát triển tâm thức rộng lớn hơn, là thành quả của nhiều cuộc triển khai nhỏ này, cũng có liên quan như vậy.
Đồng thời, khả dĩ có những người đang hoạt động ở cõi trần, được tích cực sử dụng trong việc phụng sự thế giới, và không hề nhớ là đã trải qua quá trình điểm đạo, dù rằng có thể là họ đã được điểm đạo lần thứ nhất hay thứ nhì trong một tiền kiếp hay kiếp vừa qua. Đây chỉ đơn giản là do thiếu “cầu nối” giữa các kiếp sống, hoặc có thể là do một quyết định dứt khoát của Chân nhân. Có thể hành giả sẽ có khả năng tốt hơn để thanh toán một nghiệp quả nào đó và thực hiện một công tác nhất định cho Huyền giai nếu y không có các chú ý huyền môn và quan tâm thần bí, trong một kiếp sống nào đó ở trần gian. Trong nhân loại hiện nay có nhiều người như thế, kiếp trước họ đã được điểm đạo lần thứ nhất, và một số ít đã được điểm đạo lần thứ hai, nhưng họ hoàn toàn không biết điều đó, dù rằng các luân xa và hệ thần kinh của họ có mang những bằng chứng mà người có nội nhãn [103] thông thấy được. Nếu hành giả được điểm đạo lần đầu tiên trong một kiếp sống nào đó, thì hồi ức về điểm đạo sẽ truyền đến bộ óc hồng trần.
Tính tò mò, hoặc ngay cả cuộc sống tốt đẹp bình thường, không bao giờ đưa hành giả đến Cửa Điểm Đạo. Khi khơi dậy một rung động mạnh trong phàm tính của con người, tính hiếu kỳ chỉ đẩy cách xa, thay vì giúp y tiến gần mục tiêu mà y quan tâm đến; trong khi đó, nếu chỉ sống tốt đẹp bình thường mà không tiến xa hơn bằng một đời sống hoàn toàn hy sinh vị tha, bằng sự dè dặt, khiêm tốn, và bất vị kỷ đến mức phi thường, thì cũng có thể tạo được các vận cụ tốt sẽ hữu ích trong một kiếp khác, nhưng sẽ không giúp dẹp tan các chướng ngại ở ngoại cảnh và nội tâm, và khắc phục được các lực, các năng lượng đối nghịch, ngăn cách giữa một người “tốt” và cuộc lễ điểm đạo.
Con Đường Đệ Tử là con đường khó đi, và Con Đường Điểm Đạo còn gian nan hơn nữa; mỗi điểm đạo đồ đúng là một chiến sĩ mang nhiều thương tích, là người chiến thắng trong nhiều cuộc chiến rất gian lao; y không nói đến các thành tích của mình, vì quá bận rộn với công tác quan trọng đang đảm nhận; y không hề đề cập đến bản thân hay tất cả những điều y đã hoàn thành, trừ việc tiếc rằng y đã làm quá ít. Tuy nhiên, đối với thế gian, y luôn luôn là một người có ảnh hưởng lớn, là người vận dụng quyền năng tinh thần, là hiện thân của lý tưởng, là người phục vụ nhân loại, luôn luôn mang lại những kết quả mà hậu thế sẽ công nhận. Dù với tất cả các thành tựu như vậy, y ít khi được người đương thời thông cảm. Y thường làm bia cho tiếng đời đàm tiếu, và thường những điều y làm bị diễn giải sai lạc; y đặt trên lên bàn thờ phụng sự vị tha, tất cả—thì giờ, tiền bạc, ảnh hưởng, danh tiếng, cùng tất cả những điều người đời xem là giá trị—và thường hiến dâng sự sống của mình như món quà tặng cuối cùng, để rồi thấy rằng những người y đã phụng sự ném trả món quà trở lại, khinh miệt sự xả thân của y và gắn cho y những cái tên bất hảo. [104] Nhưng điểm đạo đồ không bận tâm, vì y có đặc ân nhìn thấy được phần nào tương lai và do đó biết rằng mãnh lực mà y đã phát ra, đến đúng lúc, sẽ giúp hoàn thành kế hoạch; y cũng biết rằng tên tuổi và nỗ lực của y được ghi vào văn khố của Huyền giai và “Đấng Im Lặng Trông Nom” các sự vụ nhân loại Ngài đã lưu ý.
Các Đấng Hành Tinh.
Giờ đây, khi xét đến những Vị tham dự các cuộc lễ điểm đạo, trước hết nên đề cập đến những Đấng cao cả gọi là các Đấng Hành Tinh. Từ này chỉ về những Đấng cao cả che chở hay ở lại với nhân loại chúng ta, trong một thời kỳ biểu hiện hành tinh. Các Đấng này không nhiều lắm, vì lẽ phần đông các Đấng cao cả ngày càng liên tục chuyển sang công tác khác cao siêu hơn, khi địa vị và chức vụ của các Ngài có thể đảm nhận và kế tục bởi các thành viên từ trường tiến hoá địa cầu, cả giới thiên thần và nhân loại.
Trong các Đấng liên kết trực tiếp với Huyền giai các Chân sư của chúng ta trong nhiều phân bộ khác nhau trên hành tinh, có thể kể ra các Đấng sau đây:−
Đức Tịnh Quan Thượng Đế, “Đấng Trông Nom Im Lặng”, là Đấng Cao Cả có sự sống làm linh hoạt hành tinh này; địa vị của Ngài đối với Đức Chúa Tể Hoàn Cầu, Đức Sanat Kumara, cũng như Chân nhân đối với phàm ngã của con người. Chúng ta có thể hiểu được phần nào trình độ tiến hoá cao siêu của Đấng Cao Cả này tương tự như sự khác biệt trình độ tiến hoá giữa một người thường và một Chân sư toàn thiện. Theo quan điểm của hệ thống hành tinh chúng ta, thì Đấng này là cao cả nhất, và đối với chúng ta, Ngài tương ứng với Đấng Thượng Đế nhân hoá của người Thiên Chúa giáo. Ngài hoạt động thông qua đại diện của Ngài ở cõi trần là Đức Sanat Kumara, là tụ điểm cho năng lượng và sự sống của Ngài. Ngài giữ thế giới trong hào quang của Ngài. Chỉ có bậc hoàn thiện đã được điểm đạo lần thứ năm và đang tiến [105] lên để nhận hai cuộc điểm đạo thứ sáu và thứ bảy mới tiếp xúc trực tiếp được với Đấng Cao Cả này. Mỗi năm một lần, vào cuộc Lễ Wesak, được sự chuẩn y của Đức Chúa Tể Hoàn Cầu, Đức Phật mang đến cho tập thể nhân loại một dòng mãnh lực nhị phân, phát xuất từ Tịnh Quan Thượng Đế, được bổ sung bằng năng lượng tập trung hơn của Đức Chúa Tể Hoàn Cầu. Ngài phóng rải năng lượng nhị phân này khi ban ân huệ cho dân chúng tụ tập tại cuộc lễ ở Hy-mã-lạp-sơn, và đến lượt từ họ mãnh lực đó lưu chuyển đến tất cả các dân tộc, nói đủ mọi thứ tiếng, thuộc mọi sắc dân. Nói chung, có lẽ chúng ta không thể biết rằng đến một mức khủng hoảng nhất định trong Đại Thế Chiến, ĐĐCG của hành tinh chúng ta đã cho rằng hầu như cần phải thỉnh cầu sự trợ giúp của Tịnh Quan Thượng Đế,—sử dụng đại thần chú để thấu đến Đức Phật, để được Ngài chú ý—và nhờ Ngài làm trung gian tiếp xúc với Hành Tinh Thượng Đế. Trong cuộc tham vấn giữa Hành Tinh Thượng Đế, Đức Chúa Tể Hoàn Cầu, một trong các vị Hoạt Phật, Đức Phật, Đức Văn Minh Đại Đế, Đức Bàn Cổ (các danh xưng này được đưa ra theo thứ tự trình độ tiến hoá tương đối của các Ngài) đã có quyết định theo dõi các diễn biến thêm một thời gian ngắn trước khi can thiệp vào xu thế các sự vụ, vì nghiệp quả hành tinh hẳn đã bị trì hoãn nếu cuộc xung đột đã được kết thúc quá sớm. Sự tin cậy của các Ngài vào khả năng của con người có thể điều chỉnh đúng đắn được các điều kiện, đã được chứng minh, và việc can thiệp đã tỏ ra không cần thiết. Cuộc hội nghị này đã diễn ra ở Shamballa. Điều này được nêu lên để cho thấy rằng các Đấng Hành Tinh quan tâm xem xét kỹ đối với mọi điều liên quan đến các sự vụ của con người. Về mặt huyền bí, thực sự đúng là” không một con chim sẻ nào rơi xuống” mà sự chết của nó không được lưu ý đến.
Người ta có thể hỏi tại sao Đức Bồ-tát đã không tham dự hội nghị. Lý do là vì chiến tranh thuộc ngành của Đức Bàn Cổ, và các thành viên của ĐĐCG quan tâm đến những gì hoàn toàn là phần việc của các Ngài; Đức Văn Minh Đại Đế, vì là hiện thân [106] của nguyên khí thông tuệ hay trí tuệ, nên tham dự tất cả các cuộc hội nghị. Trong cuộc xung đột lớn sắp đến, ngành tôn giáo sẽ liên hệ, và Đức Bồ-tát sẽ có liên quan mật thiết. Bấy giờ, Đạo Huynh của Ngài là Đức Bàn Cổ sẽ tương đối được miễn tham dự, và sẽ tiếp tục công việc riêng của Ngài. Tuy nhiên, vẫn có sự hợp tác chặt chẽ nhất giữa các ngành mà không hề bị hao hụt năng lượng. Do sự hợp nhất tâm thức của những vị đã tự do đối với ba cảnh giới thấp, nên những gì xảy ra trong một ngành đều được các ngành kia hiểu biết.
Vì Đức Hành Tinh Thượng Đế chỉ liên quan đến hai cuộc điểm đạo cuối cùng, vốn không có tính bắt buộc như năm cuộc điểm đạo đầu, nên không ích gì mà nói thêm về công việc của Ngài. Hai cuộc điểm đạo này được nhận trên cảnh giới bồ-đề và niết-bàn, trong khi năm cuộc điểm đạo đầu diễn ra trên cõi trí.
Đức Chúa Tể Hoàn Cầu, Đấng Điểm Đạo Duy Nhất, trong Kinh Thánh gọi là Đấng Thái Cổ, và trong Thánh kinh Ấn giáo gọi là Đệ Nhất Kumara, Ngài chính là Đức Sanat Kumara, từ ngôi của Ngài ở Shamballa trong sa mạc Gobi, Ngài chủ trì Huyền giai các Chân sư, và giữ quyền quản trị cả ba ngành. Một số Thánh kinh gọi Ngài là “Đấng Đại Hy Sinh” vì Ngài đã chọn việc trông nom cuộc tiến hoá của nhân loại và thiên thần cho đến khi tất cả đã “được cứu độ” về mặt huyền bí. Chính Ngài quyết định “sự thăng tiến” trong các ngành, và định đặt nhân viên thế vào các chỗ khuyết. Chính Ngài, mỗi năm bốn lần, dự hội nghị với tất cả các vị Đế quân và Chân sư, và chuẩn y những gì sẽ được thực hiện để đẩy nhanh các mục tiêu tiến hoá.
Đôi khi Ngài cũng hội kiến với các điểm đạo đồ cấp thấp hơn, nhưng chỉ vào những thời gian có các khủng hoảng lớn, khi một cá nhân được ban cho cơ hội mang lại hòa bình từ cuộc xung đột, và đốt lên ngọn lửa để các hình thể đang mau chóng kết tinh sẽ bị hủy diệt, và do đó sự sống bị giam hãm bên trong sẽ được tự do.
Vào khoảng thời gian nhất định trong năm, Huyền giai nhóm [107] họp, và vào Lễ Wesak tụ hội dưới thẩm quyền của Ngài, nhằm ba mục đích:
1.Tiếp xúc với mãnh lực hành tinh qua trung gian của Đức Phật.
2.Tổ chức cuộc hội nghị chính của mỗi quí.
3. Nhận vào lễ điểm đạo những người đã đủ điều kiện, ở mọi cấp.
Ba lễ điểm đạo khác diễn ra trong năm:−
1. Cho các cuộc điểm đạo thứ yếu, do Đức Bồ-tát hành lễ, tất cả đều ở trong ngành của Đức Văn Minh Đại Đế, và thuộc một trong bốn cung phụ, tức là các cung thuộc tính.
2. Cho các cuộc điểm đạo chính yếu thuộc một trong ba cung chính, là các cung trạng thái, do Đức Bồ-tát hành lễ, tức là hai cuộc điểm đạo đầu tiên.
3.Cho ba cuộc điểm đạo cao hơn, trong đó Đức Sanat Ku- mara vận dụng Thần trượng.
Đức Chúa Tể Hoàn Cầu vẫn hiện diện trong tất cả các cuộc điểm đạo, nhưng ở hai cuộc điểm đạo đầu tiên, Ngài giữ vị thế tương tự như vị thế của Tịnh Quan Thượng Đế, khi Đức Sanat Kumara nhận lời tuyên thệ vào các cuộc điểm đạo thứ ba, thứ tư và thứ năm. Quyền năng của Ngài tuôn tràn và sự chói rạng của ngôi sao trước điểm đạo đồ là dấu hiệu Ngài chấp thuận, nhưng mãi đến lần điểm đạo thứ ba điểm đạo đồ mới diện kiến Ngài.
Chức năng của ba vị Kumara, hay ba vị Hoạt Phật, trong cuộc điểm đạo, thật thú vị. Các Ngài là ba trạng thái của trạng thái duy nhất, và là các môn đồ của Đức Sanat Kumara. Dù rằng các Ngài có nhiều chức năng khác nhau, chính yếu liên quan đến các mãnh lực và năng lượng của thiên nhiên, và điều hành [108] các cơ quan kiến tạo, nhưng các Ngài có mối liên kết thiết yếu với ứng viên điểm đạo, vì mỗi Vị là hiện thân của mãnh lực hay năng lượng của một trong ba phân cảnh cao của cõi trí. Vì thế, vào cuộc điểm đạo thứ ba một trong các Vị này truyền một loại năng lượng vào thể nguyên nhân của điểm đạo đồ, làm tiêu hủy vật chất của phân cảnh thứ ba, khiến cho thể này bị hủy hoại một phần; vào cuộc điểm đạo thứ tư, một vị Phật khác truyền mãnh lực phân cảnh thứ nhì, và đến cuộc điểm đạo thứ năm, mãnh lực của phân cảnh thứ nhất cũng được đưa vào các nguyên tử còn lại của thể này, khiến có được sự giải thoát chung cuộc. Công việc do vị Kumara thứ nhì dùng lực của phân cảnh thứ nhì thực hiện, trong thái dương hệ này là quan trọng nhất đối với thể của Chân nhân, khiến nó hoàn toàn tan rã, trong khi việc áp dụng lần cuối làm tan rã chính các nguyên tử (tạo nên thể này).
Trong cuộc lễ điểm đạo, khi điểm đạo đồ đứng trước Đức Chúa Tể Hoàn Cầu, thì ba Đấng cao cả này hợp thành một tam giác mà điểm đạo đồ ở bên trong các đường thần lực của tam giác đó. Trong hai cuộc điểm đạo đầu tiên, khi Đức Bồ-tát giữ phần hành của Đấng Điểm Đạo, thì Đức Văn Minh Đại Đế, Đức Bàn Cổ và một vị Đế quân tạm thời đại diện cho ngành thứ hai cũng thực hiện nhiệm vụ tương tự. Vào hai cuộc điểm đạo cao nhất, ba vị gọi là “các Kumara nội môn” hợp thành một tam giác mà điểm đạo đồ đứng trong đó, khi đối diện với Đức Hành Tinh Thượng Đế.
Các sự kiện này được truyền đạt nhằm giáo huấn hai điều, một là sự đồng nhất trong phương pháp, hai là, công lý hiển nhiên rằng “trên sao dưới vậy” là một điều thực tế trong thiên nhiên.
Nhiều thành viên trong ĐĐCG—có thể nói là ngoại hành tinh, và hoạt động bên ngoài bầu vật chất trọng trược và dĩ thái của hành tinh chúng ta—có tham dự vào hai cuộc điểm đạo cuối cùng, nhưng không cần nêu rõ thêm. Đức Sunat Kumara vẫn là [109] Đấng Điểm Đạo, dù trong một ý nghĩa rất nội môn thì chính Đức Hành Tinh Thượng Đế mới là Chủ lễ. Vào lúc đó, các Ngài hoà hợp thành một Đấng Duy Nhất, biểu hiện các trạng thái khác nhau.
Để kết thúc phần trình bày ngắn gọn này, có thể nói rằng việc đào tạo một điểm đạo đồ là một sự vụ có hiệu quả hai mặt, vì bao giờ điều này cũng bao gồm việc một vị Chân sư hay điểm đạo đồ chuyển lên một cấp cao hơn hay một công tác khác, và việc gia nhập theo luật định của một con người đang trong tiến trình thành đạt. Thế nên, đây là một điều rất quan trọng, bao gồm hoạt động tập thể, lòng trung thành với tập thể, nỗ lực kết hợp, và nhiều điều có thể tùy thuộc vào sự minh triết khi nhận một người vào chức vụ cao cấp, và một địa vị trong các hội đồng của ĐĐCG.
Các vị Trưởng Ngành.
Đức Bàn Cổ
Đức Bồ-tát.
Đức Văn Minh Đại Đế.
Như đã trình bày, ba Đấng Cao Cả này tượng trưng cho tam nguyên của toàn cuộc biểu hiện, và có thể được phát biểu dưới hình thức sau đây, xin lưu ý rằng toàn bộ vấn đề này liên quan đến phương diện chủ quan, và do đó đến sự tiến hoá của tâm thức, chính yếu là ngã thức nơi con người.
Tâm thức
Đức Bàn Cổ Đức Bồ-tát Đức Văn Minh Đại Đế
Trạng thái vật chất ... Trạng thái tinh thần.... Trạng thái thông tuệ.
Hình thể.................... Sự sống.......................Trí tuệ.
Phi-ngã...................... Ngã.............................Sự liên lạc giữa.
Cơ thể....................... Tinh thần.....................Linh hồn. [110]
Hoặc theo ngôn từ hoàn toàn đề cập đến nhận thức hữu ngã:
Chính trị................... Tôn giáo..................... Khoa học.
Chính quyền............. Tín ngưỡng.................Văn minh.
Chủng tộc ................. Niềm tin..................... Giáo dục.
Tất cả mọi người đều thuộc về một trong ba ngành này, và tất cả đều có tầm quan trọng ngang nhau, vì Tinh thần và vật chất là một. Tất cả đều tùy thuộc lẫn nhau, chỉ là các phát biểu của sự sống duy nhất, nên khi cố gắng trình bày những chức năng của ba ngành trong hình thức bảng biểu, thì có thể đưa đến sai lầm.
Ba Đấng Cao Cả này cộng tác chặt chẽ trong công việc, vì đó là công việc duy nhất, cũng như con người, dù là tam nguyên, nhưng vẫn là một đơn vị cá nhân. Con người là một hình thể qua đó sự sống hay thực thể tinh thần đang biểu hiện, sử dụng trí thông tuệ theo luật tiến hoá.
Vì thế, các Đấng này liên quan mật thiết với các cuộc điểm đạo của con người. Các Ngài quá bận rộn với những sự vụ lớn lao hơn và các hoạt động tập thể nên không thể liên lạc với một cá nhân cho đến khi người đó bước vào con đường dự bị (thử thách). Một khi y đã tiến đến Con đường Đệ Tử, qua nỗ lực của chính mình, thì vị Chân sư đặc biệt giám sát y sẽ báo cáo lên vị trưởng của một trong ba ngành (điều này tùy theo cung của hành giả) rằng y đang đến gần Cửa Điểm Đạo, và có thể sẽ đủ điều kiện đạt bước tiến quan trọng này trong một kiếp sống nhất định. Cứ mỗi kiếp sống, và về sau thì cứ mỗi năm, lại có bản báo cáo cho đến năm cuối cùng trên Đường Dự Bị, khi ngày càng có các báo cáo tỉ mỉ hơn và thường xuyên hơn. Cũng trong năm cuối này, tên tuổi của ứng viên được đệ trình cho Huyền giai, và sau khi Chân sư của chính y đã phúc trình về y, và hồ sơ của y đã được tóm tắt, thì tên y được bỏ phiếu, và các vị bảo trợ được sắp xếp . [111] Các nhân tố quan trọng trong cuộc lễ điểm đạo là:−
1. Đấng Điểm Đạo.
2. Tam giác lực tạo bởi ba vị Chân sư hay ba Vị Kumara.
3. Các vị bảo trợ.
Vào hai cuộc điểm đạo đầu tiên, hai vị Chân sư đứng mỗi vị một bên ứng viên, trong tam giác; vào các cuộc điểm đạo thứ ba, thứ tư và thứ năm, Đức Văn Minh Đại Đế và Đức Bồ-tát là các vị bảo trợ; vào cuộc điểm đạo thứ sáu và thứ bảy, thì hai Đấng cao cả, còn ẩn danh, đứng trong tam giác nội môn này. Phần việc của các vị bảo trợ là để cho mãnh lực hay điện năng phát ra từ Điểm đạo Thần trượng đi qua thánh thể các Ngài. Qua bức xạ, mãnh lực này luân chuyển quanh tam giác và được bổ sung bằng mãnh lực của ba vị bảo hộ; kế đó nó đi qua những luân xa của các vị bảo trợ, và được truyền sang điểm đạo đồ bằng một tác động của ý chí.
Ở những phần khác trong sách này, đã có trình bày khá đủ về Huyền giai các Chân sư và liên hệ của các Ngài với ứng viên điểm đạo, trong khi công việc của chính điểm đạo đồ cũng đã được đề cập. Công việc này không phải là mọi người ở khắp nơi không biết đến, nhưng vẫn chỉ là một lý tưởng và một khả năng còn xa vời. Tuy nhiên, khi một người nỗ lực đạt đến lý tưởng đó, khiến nó thành một sự kiện thực tế sáng tỏ nơi chính mình, thì y sẽ thấy rằng lý tưởng đó trở nên không chỉ là một khả năng. mà là một điều có thể đạt được, miễn là y phấn đấu đúng mức. Cuộc điểm đạo thứ nhất ở trong tầm tay của nhiều người, nhưng sự nhất tâm cần phải có, niềm tin vững chắc vào thực tại sắp đến, cùng với quyết tâm thà hy sinh tất cả chứ không hề thối lui, là những điều làm nhiều người nản lòng. Nếu sách này không phục vụ mục đích nào khác hơn là thúc đẩy được một độc giả có thêm nỗ lực đổi mới trong tư tưởng, thì nó đã được viết ra không phải là uổng vậy. [112]
CHƯƠNG XII
HAI SỰ KHẢI THỊ
Giờ đây, chúng ta có thể xét đến các giai đoạn của cuộc lễ điểm đạo, tất cả có năm giai đoạn như sau:−
1. Sự khải thị “Bản tính Thiêng liêng.”
2. Thấy được “Linh ảnh.”
3. Việc áp dụng Thần trượng, ảnh hưởng đến:−
a. Các thể.
b. Các luân xa.
c. Thể nguyên nhân.
4. Sự tuyên thệ.
5. Truyền thụ “Bí nhiệm” và Linh từ.
Các điểm này được đưa ra theo đúng thứ tự, và chúng ta nên nhớ rằng thứ tự này không phải được sắp xếp không mục đích, mà nhằm đưa điểm đạo đồ tiến tới từ sự khải thị này đến khải thị khác, cho đến giai đoạn kết thúc, khi y được truyền một trong các bí nhiệm và một trong năm quyền lực từ để mở ra cho y các cảnh giới khác nhau, với tất cả những trường tiến hoá trong đó. Những gì trình bày ở đây đều nhằm nêu lên năm phần chính mà lễ điểm đạo tự nhiên phân chia, và người môn sinh cần ghi nhớ rằng chính mỗi giai đoạn trong năm giai đoạn này là một cuộc lễ toàn vẹn, có thể phân chia chi tiết hơn.
Giờ đây chúng ta hãy xét đến các điểm khác nhau này, vắn tắt bàn qua mỗi điểm, và nhớ rằng ngôn từ chỉ làm cho thực nghĩa bị giới hạn.
[113]
Sự hiển lộ “Bản tính Thiêng liêng.”
Qua các giai đoạn sau của chu kỳ luân hồi, khi hành giả dao động với các cặp đối cực, và nhờ phân biện, trở nên ý thức được điều chân, lẽ giả, trong trí y có sự nhận thức ngày càng tăng, rằng y chính là Sự Sống bất tử, một vị Thượng Đế vĩnh cửu, và là một phần của Nguồn Sống Vô Cùng. Mối liên kết con người ở cõi trần và vị Chúa tể nội tâm ngày càng sáng tỏ hơn cho đến khi sự hiển lộ quan trọng xảy ra. Rồi đến một lúc nào đó trong cuộc sống, hành giả hữu thức đối diện với Đại Ngã thực sự của y và biết y chính thực là Đại Ngã đó chứ không chỉ trong lý thuyết; y trở nên ý thức được Thượng Đế nội tâm, không qua thính giác, hoặc nhờ chú ý vào sự điều khiển và hướng dẫn của tiếng nói nội tâm, gọi là “tiếng nói của lương tâm.” Lần này, y nhận biết bằng thị giác và trực kiến. Nay, y không chỉ đáp ứng với những gì nghe được, mà còn đáp ứng với những gì y thấy được.
Chúng ta biết rằng các giác quan đầu tiên được phát triển nơi đứa trẻ là thính giác, xúc giác, và thị giác; đứa bé sơ sinh nhận biết âm thanh và quay đầu về hướng đó, nó cảm giác và sờ soạng; cuối cùng nó nhìn thấy một cách ý thức, và phàm ngã được phối kết trong ba giác quan này. Đây là ba giác quan thiết yếu. Vị giác và khứu giác phát triển sau, nhưng chúng ta có thể sống mà không có hai giác quan này, và nếu thiếu chúng, con người vẫn thực sự không bị trở ngại trong các giao tiếp ở cõi trần. Trên đường phát triển nội tâm, trình tự cũng giống như vậy.
Thính giác−đáp ứng với tiếng nói của lương tâm, khi nó hướng dẫn, điều khiển và chế ngự. Điều này bao gồm thời kỳ tiến hoá hoàn toàn bình thường.
Xúc giác−đáp ứng với các hướng dẫn hay rung động, và nhận [114] biết được những gì ở bên ngoài cá nhân trên cảnh giới hồng trần. Điều này bao gồm thời kỳ tuần tự khai mở tinh thần, Con Đường Dự Bị và Con Đường Đệ Tử, thẳng lên đến cửa điểm đạo. Hành giả tiếp xúc từng lúc với những gì cao siêu hơn chính y; y dần dần ý thức được “sự tiếp xúc” với Chân sư, với rung động của chân nhân và với tập thể, và qua xúc giác huyền bí này y làm quen với những điều nội tại và tinh tế. Y vươn lên tìm kiếm những gì liên quan đến chân ngã, và nhờ tiếp xúc với những điều chưa thấy được, y trở nên quen thuộc với chúng.
Cuối cùng là Thị giác−là nội nhãn thông tạo được qua tiến trình điểm đạo, tuy nhiên đó vẫn chỉ là việc nhận ra một quan năng luôn luôn hiện hữu nhưng chưa được biết. Như đứa trẻ từ lúc mới sinh đã có đôi mắt hoàn toàn tốt và trong sáng, nhưng phải đến một ngày nào đó lần đầu tiên nó mới hữu ý nhận thức, ghi nhận được những điều nó thấy, thì con người trải qua cuộc phát triển tinh thần cũng vậy. Cơ quan của nội nhãn vẫn luôn luôn hiện hữu, và những điều có thể thấy vẫn luôn luôn có sẵn, nhưng phần đông người ta vẫn chưa nhận ra được.
Sự “nhận thức” này của điểm đạo đồ là bước quan trọng đầu tiên trong cuộc lễ điểm đạo, và tất cả các giai đoạn khác đều phải đợi cho đến khi đã qua được bước này. Trong các cuộc điểm đạo khác nhau, những điều được nhận thức cũng khác, và có thể tóm tắt khái quát như sau:−
Chân nhân, phản ánh của Chân thần, chính nó là một tam nguyên như vạn hữu trong thiên nhiên, và phản ánh ba trạng thái thiêng liêng, cũng như trên cõi cao Chân thần phản ánh ba trạng thái—ý chí, bác ái-minh triết, và thông tuệ linh hoạt—của Thượng Đế. Thế nên:
Vào cuộc điểm đạo thứ nhất, điểm đạo đồ ý thức được trạng thái thứ ba, thông tuệ linh hoạt, là trạng thái thấp nhất của Chân nhân. Y được đối diện với sự biểu hiện đó của thần thái dương [115] cao cả (là Từ phụ) là chân ngã, là chính y. Nay không còn là mơ hồ lẫn lộn, y biết rằng sự biểu hiện thông tuệ đó là Thực thể vĩnh cửu, qua bao thời đại đã và đang biểu dương các quyền năng ở cõi trần, trong các kiếp sống liên tiếp của y.
Vào cuộc điểm đạo thứ hai, y thấy Bản tính Thiêng liêng cao cả này là lưỡng nguyên, và một trạng thái khác chói rạng. Y ý thức được rằng Sự Sống quang huy này, vốn đồng nhất với chính y, không chỉ là thông tuệ đang tác động mà còn có nguồn gốc bác ái-minh triết. Y hoà hợp tâm thức với Sự Sống này và hợp nhất với Nó đến mức, ở cõi trần, thông qua phàm ngã, chúng ta thấy Sự Sống này là bác ái thông tuệ tự biểu lộ.
Vào cuộc điểm đạo thứ ba, Chân nhân hiện ra trước điểm đạo đồ như một tam nguyên hoàn thiện. Không những y biết được Đại Ngã là bác ái thông tuệ, linh hoạt mà Nó cũng được hiển lộ như là ý chí hay chủ đích nền tảng; y lập tức tự đồng nhất với ý chí này và biết rằng trong tương lai tam giới đối với y không còn gì khác hơn là một trường phụng sự tích cực, thực hiện trong tình thương, hướng đến hoàn thành một chủ đích đã ẩn tàng trong tâm của Đại Ngã qua nhiều thời đại. Nay, chủ đích này được hiển lộ để y có thể cộng tác một cách thông minh và hoàn thành.
Những khải thị thâm sâu này chói rạng trước điểm đạo đồ theo ba cách:−
Như một vị thiên thần sáng ngời. Nội nhãn thấy được vị này với tầm nhìn và phán đoán chính xác như khi hành giả đối diện với một người khác trong nhân loại. Vị Thần thái dương cao cả, hiện thân của Chân nhân và là biểu lộ của Chân nhân trên cảnh giới thượng trí, thực sự là tổ phụ thiêng liêng của y,”Vị trông nom,” qua các chu kỳ luân hồi lâu dài, đã hy sinh ban bố sự sống của chính Ngài, để phàm nhân có thể HIỆN TỒN. [116]
Như một khối cầu lửa chói rạng, được nối kết với điểm đạo đồ đứng trước nó bởi sợi dây từ lực bằng lửa, xuyên suốt tất cả các thể của y và tận cùng ở trung tâm của não bộ hồng trần. Sợi “chỉ bạc” này (như được gọi phần nào thiếu chính xác trong Kinh Thánh,khi mô tả nó tách rời thể xác và sau đó rút khỏi thể này) phát ra từ luân xa tim của Thần thái dương, để liên kết tâm hồn và trí não,—là lưỡng nguyên vĩ đại, bác ái và thông tuệ, biểu hiện trong thái dương hệ này. Khối cầu lửa này cũng được liên kết với nhiều khối cầu khác thuộc cùng nhóm và cung, và do thế nói rằng trên cảnh giới cao chúng ta là một, là một sự kiện thực tế. Sự sống duy nhất nhịp nhàng lưu chuyển qua tất cả, xuyên qua những đường dây bằng lửa. Đây là một phần của sự khải thị cho người trụ vào “Bản tính Thiêng liêng” với tầm mắt khai mở một cách huyền bí.
Như một Hoa sen chín cánh đa sắc. Các cánh hoa sen này được xếp thành ba vòng quanh một bộ ba cánh hoa khép kín ở trung tâm, che chở cho “Viên Ngọc quí trong Hoa sen” như tên gọi trong các kinh sách Đông phương. Hoa sen này cực kỳ xinh đẹp, với sự sống rung động nhịp nhàng và chói rạng tất cả các màu sắc của cầu vồng; trong ba cuộc điểm đạo đầu tiên, ba vòng này được hiển lộ theo thứ tự, cho đến cuộc điểm đạo thứ tư, điểm đạo đồ đứng trước một sự hiển lộ còn lớn lao hơn nữa, và học được điều bí ẩn trong nụ hoa ở trung tâm. Về phương diện này, cuộc điểm đạo thứ ba hơi khác với hai cuộc điểm đạo trước, vì nhờ quyền năng của một Đấng Điểm Đạo còn cao cấp hơn Đức Bồ-tát mà lần đầu tiên điểm đạo đồ tiếp xúc được với lửa điện của Tinh thần thuần khiết ẩn trong Hoa sen.
Tất cả các từ này, “thần thái dương,” “khối cầu lửa,” và “hoa sen,” che giấu một phương diện của bí nhiệm trọng tâm của sự sống con người, nhưng chỉ tỏ rõ đối với những ai có mắt thấy được. Ý nghĩa huyền nhiệm của các nhóm từ hình tượng này sẽ chỉ là cái bẩy hay là cơ sở khiến người ta không còn tin tưởng [117] khi tìm cách cụ thể hoá chúng quá đáng. Trong các thuật ngữ này có ẩn ý tưởng về một sự hiện tồn bất tử, một Thực thể thiêng liêng, một đại trung tâm hỏa năng, và sự bừng nở toàn vẹn của cuộc tiến hoá, và ta phải xem xét chúng theo ý nghĩa đó.
Vào cuộc điểm đạo thứ tư, điểm đạo đồ được đối diện với sự Hiện hữu của trạng thái nơi chính y, gọi là “Cha ở trên Trời.” Y được đối diện với Chân thần của chính mình, là tinh hoa thuần khiết của tinh thần trên cảnh giới cao siêu thứ nhì, đối với Chân nhân hay chân ngã cũng giống như Chân nhân đối với phàm nhân hay phàm ngã vậy.
Chân thần đã tự biểu hiện trên cõi trí qua ba trạng thái của Chân nhân, nhưng tất cả những trạng thái của trí tuệ, như chúng ta biết, nay không còn nữa. Vị Thần thái dương từ trước đến giờ y tiếp xúc, nay đã triệt thoái, và hình thể vị này dùng để hoạt động (thể của chân nhân hay thể nguyên nhân) nay đã tiêu tan, chẳng có gì còn lại ngoại trừ bác ái-minh triết và ý chí mãnh liệt vốn là đặc trưng chủ yếu của Tinh thần. Phàm ngã đã phục vụ xong các mục đích của Chân nhân, và đã bị loại bỏ; Chân nhân cũng đã phục vụ xong các mục đích của Chân thần và không còn cần thiết; nay điểm đạo đồ trở nên tự do đối với cả hai và hoàn toàn giải thoát, có thể tiếp xúc với Chân thần, như trước kia y đã học cách tiếp xúc với Chân nhân vậy. Thời gian còn lại để hiện diện trong tam giới, y chỉ chịu sự chi phối của ý chí hay mục đích tự đề xuất, tạo ra thể biểu hiện của y để tự quyết định thời cơ hoạt động của chính mình (trong các giới hạn nghiệp quả). Nghiệp quả đề cập ở đây là nghiệp quả hành tinh, chứ không phải nghiệp quả cá nhân.
Vào cuộc điểm đạo thứ tư này, y tiếp xúc với trạng thái bác ái của Chân thần, và với trạng thái ý chí vào cuộc điểm đạo thứ năm; do thế y hoàn tất các giao tiếp, ứng đáp được tất cả các rung động cần thiết, và là chủ nhân trên năm cảnh giới tiến hoá của nhân loại.
Ngoài ra, ngay trong các cuộc điểm đạo thứ ba, thứ tư và thứ năm, y cũng trở nên ý thức được “Đấng Hằng Hữu” bao gồm ngay cả Thực thể tinh thần, là Chân thần của Chính y. Y thấy [118] Chân thần của mình hợp nhất với Đức Hành Tinh Thượng Đế. Qua vận hà của Chân thần, y thấy cũng cùng những trạng thái (mà Chân thần thể hiện) nhưng trên một qui mô rộng lớn hơn, và Đức Hành Tinh Thượng Đế, Đấng phú linh cho tất cả các Chân thần trong cung Ngài, được hiển lộ cho y theo cách đó. Chân lý này hầu như không thể phát biểu bằng lời, và chỉ về mối liên hệ của điểm lửa điện, tức là Chân thần, với ngôi sao năm cánh, giúp cho điểm đạo đồ thấy được sự Hiện hữu của Đức Hành Tinh Thượng Đế. Đây là điều thực sự không thể hiểu được đối với người độc giả bình thường, là đối tượng của sách này.
Vào cuộc điểm đạo thứ sáu, hoạt động hữu thức như là trạng thái bác ái của Chân thần, điểm đạo đồ (thông qua “Từ phụ” của y) được đưa vào một sự nhận thức còn rộng lớn hơn nữa, và biết được ngôi sao bao trùm ngôi sao hành tinh của y, cũng như trước đây y đã thấy ngôi sao hành tinh bao trùm “Điểm Linh Quang” nhỏ bé của y. Bằng cách này y hữu thức tiếp xúc với Đức Thái Dương Thượng Đế, và ở nội tâm nhận thức được tính Duy nhất của toàn cuộc sống và cuộc biểu hiện.
Sự nhận thức này được mở rộng vào cuộc điểm đạo thứ bảy, khiến cho hai trạng thái của Sự Sống Duy Nhất trở thành hiện thực đối với vị Phật đã giải thoát.
Thế là, nhờ một loạt các bước tiến tăng dần, điểm đạo đồ được trực kiến Chân lý và Sự Sống Hằng Hữu. Các môn sinh suy gẫm sâu xa sẽ hiểu rõ được tại sao sự hiển lộ này của Bản tính Thiêng liêng phải có trước tất cả các cuộc hiển lộ khác, giúp cho trí tuệ điểm đạo đồ nhận thức được những điều cơ bản sau đây:−
Tín ngưỡng của y qua nhiều thời đại nay đã được chứng minh, niềm tin và hy vọng hoà hợp thành một thực kiện tự khẳng định. Đức tin được thay thế bằng thị kiến, và điều chưa thấy thì nay được thấy và biết. Y không còn có thể nghi ngờ điều gì, và thay vào đó, nhờ tự nỗ lực, y trở thành một thức giả.
Y được chứng tỏ cho thấy là một với các huynh đệ, và nhận biết được mối liên hệ bất diệt ràng buộc y với đồng bào của mình ở khắp nơi. Tình huynh đệ không còn là lý thuyết mà là một sự [119] kiện khoa học được chứng minh; không còn điều gì phải bàn cãi hơn là tính chia rẽ của con người ở cõi trần.
Y được xác định và chứng minh cho thấy tính bất tử của linh hồn và thực tại của các thế giới vô hình. Trong khi, trước cuộc điểm đạo, niềm tin này chỉ căn cứ trên tầm nhìn ngắn ngủi, thoáng qua và các tin tưởng mạnh mẽ ở nội tâm (là kết quả của suy luận hợp lý và trực giác phát triển tăng dần), thì nay nó được căn cứ trên mắt thấy và sự nhận biết bản tính bất tử của chính y, không cách nào phủ nhận được.
Y nhận thức được ý nghĩa và nguồn cội của năng lượng, và có thể bắt đầu vận dụng quyền lực với sự lèo lái chính xác khoa học. Nay y biết rút năng lượng từ đâu, và thoáng thấy những tài nguyên năng lượng khả dụng. Trước kia, y đã biết rằng năng lượng vốn hiện hữu, và sử dụng nó một cách mù quáng và đôi khi thiếu khôn ngoan; nay y thấy nó theo sự hướng dẫn “của trí tuệ rộng mở” và có thể cộng tác một cách thông minh với các mãnh lực của thiên nhiên.
Thế là, theo nhiều lối, sự hiển lộ Bản tính Thiêng liêng tạo nên các kết quả rõ rệt nơi điểm đạo đồ, và do đó được ĐĐCG xem là phần mở đầu cần thiết cho tất cả các cuộc hiển lộ về sau.
Sự hiển lộ Linh thị.
Sau khi đã đưa điểm đạo đồ đối diện với Đấng Duy Nhất mà từ vô số thời đại y đã có liên hệ, và sau khi đã khơi dậy nơi y một sự nhận thức không thể lay chuyển về tính duy nhất của sự sống nền tảng khi nó biểu hiện qua tất cả những đời sống nhỏ bé hơn, thì kế tiếp là sự hiển lộ quan trọng về Linh thị. Sự hiển lộ thứ nhất liên quan đến cái không thể định nghĩa, không thể giới hạn, và là vô hạn (đối với trí tuệ hữu hạn) vì có tính trừu tượng và tuyệt đối. Sự khải thị thứ nhì liên quan đến thời gian và không gian, và bao gồm nhận thức của điểm đạo đồ—qua thị giác huyền [120] bí mới được khai mở—về phần việc của y đã làm và đang phải làm trong Thiên Cơ, và về sau thì nhận thức được chính Thiên Cơ, trong liên hệ với:−
a. Chân nhân của y.
b. Nhóm Chân nhân của y.
c. Nhóm thuộc cung của y.
d. Đức Hành Tinh Thượng Đế của y.
Bốn mức thấu hiểu này cho thấy sự nhận thức tăng dần của điểm đạo đồ trong quá trình bốn cuộc điểm đạo, đưa đến sự giải thoát cuối cùng.
Vào cuộc điểm đạo thứ nhất, y trở nên ý thức đến mức nào đó về phần việc, tương đối chưa rõ ràng, mà y phải thi hành trong đời sống cá nhân y, trong khoảng thời gian sau đó, từ lúc được khải thị cho đến cuộc điểm đạo thứ nhì. Điều này có thể cần thêm một hay nhiều kiếp sống. Y biết được chiều hướng mà các kiếp sống này nên theo, phần nào nhận thức được phận sự của mình trong việc phụng sự nhân loại; y thấy Thiên Cơ là toàn thể, trong đó y là một miếng khảm nhỏ bé bên trong mô hình tổng quát; y ý thức được làm cách nào với loại trí tuệ của mình, với khả năng, trí năng và những kiến thức khác, y có thể phục vụ, và phải hoàn tất những gì trước khi y có thể lại an trụ vào Bản tính Thiêng liêng và nhận được một sự khải thị rộng lớn hơn.
Vào cuộc điểm đạo lần thứ hai, y được cho thấy phần hành mà nhóm chân ngã của y thực hiện trong đại cuộc. Y ngày càng hiểu biết nhiều hơn về các thành viên của nhóm mà y đương nhiên liên kết; y nhận biết cá nhân họ là ai, nếu họ đang lâm phàm, và phần nào thấy được những liên hệ nghiệp quả giữa các nhóm, các thành viên và chính y; y được thấu hiểu mục đích cụ thể của nhóm, và mối liên hệ của nhóm với các nhóm khác. Giờ đây, y có thể làm việc một cách tự tin hơn, và có quan hệ vững chắc hơn với mọi người ở cõi trần; y có thể vừa giúp họ và chính mình điều chỉnh nghiệp quả, và do thế giúp họ tiến nhanh hơn [121] đến mức giải thoát cuối cùng. Các liên hệ tập thể được củng cố,
các kế hoạch và mục đích có thể được tiến hành một cách thông minh hơn. Khi các quan hệ tập thể này thêm củng cố, chúng tạo nên hành động hợp tác ở cõi trần và sự hợp nhất minh triết trong mục đích, giúp thực hiện các lý tưởng cao siêu, thích dụng những mãnh lực để khôn ngoan đẩy nhanh các mục tiêu tiến hoá. Khi điều này đã đạt đến một giai đoạn nhất định, những thành viên hợp thành các nhóm đã học được cách làm việc với nhau, và do đó đã khích lệ lẫn nhau, thì giờ đây họ có thể tiến đến mức mở mang kiến thức rộng lớn hơn, tạo thêm nhiều khả năng trợ giúp.
Vào cuộc điểm đạo thứ ba, điểm đạo đồ được khai thị mục đích của cung phụ của cung y, tức là cung của Chân nhân. Mọi Chân nhân đều ở một cung phụ nào đó của cung Chân thần. Hiểu biết này được ban bố cho điểm đạo đồ để giúp y rốt cuộc có thể tự tìm thấy cung Chân thần của mình (theo con đường ít trở ngại nhất). Cung phụ này mang trong dòng năng lượng của nó nhiều nhóm Chân nhân, và do đó điểm đạo đồ được ý thức không những nhóm Chân nhân của y và mục đích sáng suốt của nhóm, mà còn biết được nhiều nhóm khác có thành phần tương tự. Năng lương hợp nhất của họ đang hoạt động hướng đến một mục đích đã xác định rõ ràng.
Sau khi đã học được phần nào các mối liên giao của nhóm, và đã phát triển khả năng làm việc với các thành viên trong hình thức tập thể, giờ đây điểm đạo đồ học đến bí quyết để cả nhóm phục vụ cho lợi ích của toàn thể các nhóm. Điều này sẽ biểu thị ở cõi trần thành một khả năng làm việc khôn ngoan, thông minh và hoà hợp với nhiều mẫu người khác nhau, có thể cộng tác trong các kế hoạch lớn và vận dụng ảnh hưởng rộng rãi.
Một phần các kế hoạch của Hành Tinh Thượng Đế được tiết [122] lộ cho y, và khi linh thị bao gồm sự hiển lộ Thiên Cơ và Thiên Ý dành cho hành tinh này, dù rằng cho đến nay linh thị về các kế hoạch đó vẫn còn ẩn tàng trong quan hệ hành tinh. Điều này đưa điểm đạo đồ qua một loạt các nhận thức tăng dần đến cửa điểm đạo thứ tư. Khi điểm đạo đồ hoàn toàn giải thoát khỏi mọi chướng ngại trong tam giới và đoạn lìa các xiềng xích giới hạn nghiệp quả thì lúc này tầm mắt của y được mở mang rộng lớn, và có thể nói rằng lần đầu tiên y ý thức được tầm mức của Thiên Ý hành tinh và nghiệp quả bên trong hệ thống. Nghiệp quả không quan trọng của riêng cá nhân y nay đang được điều chỉnh, y có thể chú ý đến việc thanh toán nghiệp quả hành tinh và các kế hoạch rộng lớn của Đấng Cao Cả bao gồm mọi sự sống nhỏ bé trong Ngài. Y không chỉ nhận thức đầy đủ về các mục đích và kế hoạch dành cho tất cả những trường tiến hoá trong hệ thống hành tinh của chính y, là địa cầu, mà còn có khả năng hiểu được hệ thống hành tinh bổ túc hay là đối cực của địa cầu chúng ta. Y nhận thức được mối tương quan tồn tại giữa hai hệ thống, và Thiên Ý lưỡng phân rộng lớn được tiết lộ cho y. Y cũng được thấy làm thế nào Thiên Ý lưỡng phân này phải trở thành một Thiên Cơ hợp nhất, và từ đó về sau y dồn hết năng lượng vào cuộc hợp tác hành tinh khi nó được xúc tiến bằng công việc thực hiện với vàqua hai trường tiến hoá lớn trên hành tinh chúng ta, là nhân loại và giới thiên thần. Việc làm này liên quan đến các điều chỉnh, và dần dần áp dụng năng lượng để kích thích các giới khác nhau trong thiên nhiên, để nhờ sự kết hợp tất cả các mãnh lực trong thiên nhiên mà tương tác năng lượng giữa hai hệ thống thêm nhanh chóng. Theo cách này, các kế hoạch của Đức Thái Dương Thượng Đế, đang được hai vị Hành Tinh Thượng Đế thực hiện, có thể thành tựu. Do đó, nay y có được đặc quyềnvận dụng năng lượng thái dương trên qui mô nhỏ, và không những y được nhận vào các hội đồng của ĐĐCG, mà cũng được phép tham dự khi các sứ giả từ những hệ hành tinh khác đến hội nghị với Đức [123] Chúa Tể Hoàn Cầu và hai Đấng Cao Cả trưởng ngành.
Vào cuộc điểm đạo thứ năm, linh thị giúp điểm đạo đồ có được một tầm nhìn còn rộng lớn hơn nữa và thấy được một hệ hành tinh thứ ba, hợp với hai hệ hành tinh kia thành một trong những tam giác lực cần thiết để thực hiện cuộc tiến hoá thái dương. Giống như toàn cuộc biểu hiện tiến triển qua lưỡng nguyên và tam nguyên cho đến mức tổng hợp chung cuộc, thì các hệ thống này, vốn chỉ là các trung tâm lực trong cơ thể của Đức Thái Dương Thượng Đế, trước hết cùng hoạt động như những đơn vị riêng rẽ tự sống cuộc sống hoàn toàn của chính mình, sau đó hoạt động như những lưỡng nguyên, qua tương tác mãnh lực giữa hai hệ thống, để trợ giúp, kích thích và bổ túc lẫn nhau, và cuối cùng hoạt động như một tam giác thái dương, luân chuyển mãnh lực từ điểm này đến điểm khác, từ trung tâm này đến trung tâm khác cho đến khi năng lượng được hoà hợp, tổng hợp và cả ba hệ thống cùng hoạt động hợp nhất.
Khi vị Chân sư được điểm đạo lần thứ năm có thể làm việc phù hợp với các kế hoạch của ba vị Hành Tinh Thượng Đế liên hệ, cộng tác cùng các Đấng này với khả năng ngày càng lớn lao theo thời gian, thì Ngài trở nên sẵn sàng để được điểm đạo lần thứ sáu, được nhận vào các hội đồng còn cao cấp hơn nữa, và được tham dự vào các mục đích của thái dương hệ chứ không chỉ các mục đích hành tinh.
Vào cuộc điểm đạo thứ sáu, Ngài có được linh thị kỳ diệu nhất trong tất cả các linh thị. Ngài thấy thái dương hệ là một đơn vị, và ngạc nhiên hiểu ra sự tiết lộ ngắn ngủi về mục đích cơ bản của Đức Thái Dương Thượng Đế; lần đầu tiên Ngài thấy toàn bộ các kế hoạch và tất cả các chi tiết.
Vào cuộc điểm đạo thứ bảy, tầm mắt của Ngài vượt xa hơn vòng hạn định thái dương, và Ngài thấy được điều mà từ lâu Ngài đã nhận thức là sự kiện lý thuyết cơ bản, rằng Đức Thái Dương Thượng Đế của chúng ta được bao gồm trong các kế hoạch và mục đích của một Đấng còn vĩ đại hơn nữa, và thái [124] dương hệ chỉ là một trong nhiều trung tâm lực mà qua đó một Thực thể vũ trụ cao siêu vĩ đại hơn Đức Thái Dương Thượng Đế của chúng ta, đang tự phát biểu. Trong tất cả các viễn ảnh này có ẩn một mục đích vĩ đại duy nhất,—sự hiển lộ tính đồng nhất cốt yếu và phô bày các mối quan hệ nội tại, mà khi biết được, điểm đạo đồ sẽ ngày càng hoàn toàn xả thân phụng sự, và làm việc hướng đến sự tổng hợp, hướng đến sự điều hòa, và hướng đến sự hợp nhất cơ bản.
Trong lễ điểm đạo, việc khai mở linh thị để điểm đạo đồ có thể thấy và hiểu, tự chia thành ba phần, nhưng vẫn thuộc về một tiến trình duy nhất:
1. Quá khứ diễn ra trước mắt điểm đạo đồ, y thấy mình giữ nhiều phận sự, và hiểu rằng tất cả chỉ nhằm từ từ đưa các mãnh lực và năng lực của y đến mức có thể phục vụ cho nhóm và với nhóm. Tùy theo từng cuộc điểm đạo, y thấy được và tự đồng nhất với
a. Chính y trong nhiều kiếp trước.
b. Nhóm của y trong các kiếp trước.
c. Cung Chân nhân của y khi nó biểu lộ qua nhiều chu kỳ thời gian.
d. Đức Hành Tinh Thượng Đế của y khi Ngài hoạt động trong quá khứ qua nhiều trường tiến hoá và giới tiến hoá trong toàn hệ thống,
và cứ thế cho đến khi y tự đồng nhất với quá khứ của sự sống duy nhất lưu chuyển qua tất cả các hành tinh hệ và các trường tiến hoá trong thái dương hệ. Điều này khiến y quyết tâm trả sạch nghiệp quả, và (nhờ thấy được các nguyên nhân quá khứ) y biết cách phải thanh toán thế nào.
2. Hiện tại. Y được tiết lộ cho biết công tác cụ thể cần phải thực hiện trong suốt chu kỳ ngắn hạn mà y đang sống. Điều này có nghĩa là y không chỉ thấy được những gì liên quan đến mình [125] trong một kiếp sống, mà y cũng biết đâu là phần việc ngay trước mắt trong Thiên Cơ—có lẽ bao gồm nhiều chu kỳ ngắn ngủi gọi là những kiếp sống của y—mà Đức Hành Tinh Thượng Đế muốn thấy được hoàn tất. Bấy giờ có thể nói là điểm đạo đồ đã hoàn toàn biết được công tác của mình, có thể chú tâm làm nhiệm vụ, và biết rõ lý do, phương cách và thời cơ hành động.
3. Tương lai. Rồi y được khích lệ bằng cách cho thấy hình ảnh sự thành tựu chung cuộc của một nguồn vinh quang khôn tả, với một số điểm nổi bật, chỉ rõ các bước chính yếu để đi đến đó. Trong phút giây ngắn ngủi, y thấy được nguồn vinh quang tiền định, và con đường mỹ lệ quang huy càng thêm chói rạng cho đến ngày hoàn mãn. Trong các giai đoạn đầu, y thấy được sự vinh quang của nhóm Chân nhân hoàn thiện; về sau là nguồn quang huy của cung bao gồm những người con hoàn thiện của nhân loại thuộc một kiểu mẫu hay màu sắc riêng biệt; sau nữa, y thoáng thấy sự hoàn thiện của Đấng Cao Cả là Đức Hành Tinh Thượng Đế của y, cho đến cuối cùng y được thấy sự hoàn thiện với tất cả vẻ mỹ lệ, quang huy bao gồm tất cả các cung ánh sáng khác—mặt trời chói sáng rực rỡ, mục đích của Đức Thái Dương Thượng Đế đã đến mức hoàn thành viên mãn.
[126]
CHƯƠNG XIII
CÁC ĐIỂM ĐẠO THẦN TRƯỢNG
Có bốn loại điểm đạo Thần trượng:−
1. Cấp vũ trụ, được một vị Thượng Đế cấp vũ trụ dùng để điểm đạo cho một vị Thái Dương Thượng Đế và ba vị Hành Tinh Thượng Đế chính yếu.
2. Cấp thái dương, được một vị Thái Dương Thượng Đế dùng để điểm đạo cho một vị Hành Tinh Thượng Đế. Chúng ta không bàn đến điểm đạo cấp vũ trụ, vì nó liên quan đến các nhận thức ở ngoài tầm hiểu biết của ngay cả vị điểm đạo đồ cao cấp nhất trong thái dương hệ chúng ta. Chúng ta chỉ đề cập khái quát về các cuộc điểm đạo trong thái dương hệ, vì chúng có qui mô rộng lớn đến đỗi trí tuệ người bình thường chưa thể tưởng tượng được. Con người chỉ đánh giá được các cuộc điểm đạo này ở mức chúng tạo ra các hiệu quả trong hệ hành tinh liên hệ đến y. Điều này đặc biệt đúng, nếu hệ thống mà y đang có vai trò bé nhỏ trong đó lại là trung tâm trong cơ thể Thượng Đế, đang được kích thích. Trong trường hợp đó, vị Hành Tinh Thượng Đế của y đang được điểm đạo, và do thế (với tư cách một tế bào) cùng với những người con khác của nhân loại, y nhận được một sự kích thích bổ sung.
3. Cấp hành tinh, được một vị Hành Tinh Thượng Đế dùng cho các cuộc điểm đạo lớn thứ ba, thứ tư và thứ năm, với hai cuộc điểm đạo cao hơn. Vào cuộc điểm đạo hành tinh, Điểm đạo Thần trượng, do Đức Thái Dương Thượng Đế vận dụng, được nạp điện lực thuần khiết từ Sirius, và đã được Thái Dương Thượng Đế chúng ta tiếp nhận trong thời kỳ sáng tạo thứ nhì, từ tay Đấng Cao Cả vốn là Đấng chủ trì các vị Nghiệp Quả Tinh Quân. Ngài là Đấng chấp chưởng thiên luật trong suốt cuộc biểu hiện, và [127] chính Ngài là đại diện, trong thái dương hệ này, của Huyền giai Sirius vĩ đại hơn với các chi nhánh Huyền môn đang hoạt động như là những ĐĐCG huyền bí trên các hành tinh khác nhau. Ngoài ra, với sự trợ giúp của Đức Thái Dương Thượng Đế, chính Ngài trao quyền năng cho các Đấng Điểm Đạo, truyền linh từ bí nhiệm để các Vị này có thể thu được điện lực phải dùng nạp vào các thần trượng chức vụ của các Ngài, và giao cho các Ngài giữ bí nhiệm đặc biệt của hệ hành tinh của chính các Ngài.
4. Cấp ĐĐCG, được một ĐĐCG huyền bí sử dụng trong các cuộc điểm đạo nhỏ, và cho hai cuộc điểm đạo đầu tiên trên cõi trí do Đức Bồ-tát chủ trì.
Khi con người biệt lập ngã tính vào thời kỳ Lemuria, thì điều đó đã thông qua việc áp dụng Điểm đạo Thần trượng cho vị Thượng Đế của dãy địa cầu chúng ta, khơi hoạt một số trung tâm lực, với các nhóm tương ứng, trong cơ thể Ngài. Áp dụng này thực sự giúp cho sự sống thức tỉnh để hoạt động một cách thông minh trên cõi trí. Người thú đã có ý thức ở cõi trần và cõi cảm dục. Do sự kích thích của điện lực thần trượng, tâm thức của người thú này bừng tỉnh trên cõi trí. Nhờ thế ba thể được điều hợp, và Chủ thể tư tưởng đã có khả năng hoạt động trong chúng.
Tất cả các Điểm đạo Thần trượng đều gây nên những hiệu quả nhất định:−
a. Kích thích các loại lửa tiềm tàng cho đến khi chúng bừng lên.
b. Bằng một tác động huyền bí, tổng hợp các loại lửa và giúp chúng giao thoa với nhau.
c. Tăng cường sự rung động của một luân xa nào đó, dù trong con người, một vị Thiên Nhân, hay một vị Thái Dương Thượng Đế.
d. Mở mang tất cả các thể, nhưng chính yếu là thể nguyên nhân.
e. Khơi dậy luồng lửa Kundalini (hay là lửa ở chót xương sống), và hướng dẫn nó tiến lên trên. Lửa này và lửa của [128] trí tuệ được điều khiển theo những đường nhất định—hay là các tam giác—bằng cách đi theo Thần trượng khi nó di chuyển một cách chính xác đặc biệt. Theo các định luật về điện, có một lý do huyền bí nhất định trong sự kiện đã biết là mỗi điểm đạo đồ khi được trình diện cho Đấng điểm đạo đều có hai vị Chân sư kèm theo, mỗi Vị đứng một bên điểm đạo đồ. Cả ba Vị hợp thành một tam giác, khiến cho công việc có thể thực hiện.
Mãnh lực của Thần trượng vốn lưỡng phân và quyền năng của nó thật phi thường. Nếu đứng tách rời một mình, điểm đạo đồ không thể tiếp nhận điện thế của Thần trượng mà không bị nguy hại nghiêm trọng, nhưng khi được truyền qua tam giác thì an toàn. Ở đây, chúng ta cần nên nhớ rằng hai vị Chân sư bảo trợ tất cả các ứng viên điểm đạo và tiêu biểu cho hai đối cực của Toàn thể điện lực. Một phần chức năng của các Ngài là đứng cùng với ứng viên điểm đạo khi họ đến trước Đấng Điểm Đạo cao cả.
Khi Đấng Điểm Đạo ở địa vị quyền lực vào những thời điểm đã định và cầm giữ các thần trượng, thì chúng tác động như vật truyền điện lực từ các cấp độ rất cao, thực sự cao siêu đến đỗi, vào một số cuộc điểm đạo cuối cùng, lần thứ sáu và thứ bảy, “Viên Kim Cương Cháy Rực” thực sự truyền, thông qua Đức Thái Dương Thượng Đế, điện lực hoàn toàn từ bên ngoài thái dương hệ. Thần trượng chính yếu này là thần trượng được dùng trên hành tinh chúng ta, nhưng trong thái dương hệ còn có nhiều Quyền Trượng như thế, và có thể nói là gồm ba cấp.
Một Điểm đạo Thần trượng được dùng cho hai cuộc điểm đạo đầu tiên và do Đức Chưởng Giáo vận dụng. Nó được từ hoá nhờ áp dụng “Viên Kim Cương Cháy Rực” và được tái từ hoá cho mỗi vị Chưởng giáo mới. Vào lúc một vị Chưởng giáo mới nhận chức vụ, có cử hành một cuộc lễ kỳ diệu, trong đó Ngài nhận Quyền Trượng của Ngài—chính là Thần trượng được dùng kể từ khi thành lập ĐĐCG của hành tinh chúng ta—và trình lên Đức [129] Chúa Tể Hoàn Cầu, để Ngài dùng Thần trượng mãnh liệt của Ngài chạm vào tái nạp điện năng cho nó. Cuộc lễ này diễn ra ở Shamballa.
Điểm đạo Thần trượng gọi là “Viên Kim Cương Cháy Rực” được Đức Chúa Tể Hoàn Cầu là Đấng Điểm đạo Duy Nhất, sử dụng. Thần trượng này ẩn tàng “ở phương Đông,” có chứa lửa tiềm tàng soi sáng Tôn giáo Minh triết. Thần trượng này được Đức Chúa Tể Hoàn Cầu mang đến từ Kim tinh, và cứ mỗi thời kỳ của thế giới một lần, nó được tích điện lại theo tiến trình tương tự như được áp dụng cho Thần trượng thứ yếu, chỉ có điều nó được tái nạp điện do chính Đức Thượng Đế của thái dương hệ chúng ta. Chỉ có Đức Chúa Tể Hoàn Cầu và các vị Đế quân của các cung mới biết được vị trí chính xác của Thần trượng này, và vì nó là linh phù của cuộc tiến hoá này nên vị Đế quân của cung hai—dưới quyền của Đức Chúa Tể Hoàn Cầu—là vị quản thủ chính, với sự trợ giúp của vị Chúa các thiên thần ở cảnh giới thứ nhì. Các vị Hoạt Phật chịu trách nhiệm trông nom thần trượng này, và dưới quyền các Ngài là vị Đế quân của cung. Nó chỉ được đưa ra vào những thời gian đã định, khi có công tác cụ thể cần thực hiện. Nó không chỉ được dùng để điểm đạo cho con người, mà còn dùng cho một số chức năng hành tinh mà hiện nay chúng ta chưa biết được. Nó có vai trò chức năng trong một số cuộc lễ liên quan đến vòng tiến hoá nội tại, và tam giác hợp bởi Địa cầu, Hoả tinh và Thủy tinh.
Mục đích của các Quyền Trượng.
Trong vương trượng của một vị vua đang trị vì hiện nay có ẩn biểu tượng của các loại Thần trượng này. Các thần trượng được công nhận đúng đắn là biểu tượng của chức vụ và quyền lực, nhưng nói chung chúng không được đánh giá là có nguồn gốc điện lực, và thực nghĩa của chúng liên quan đến sự kích thích mạnh mẽ tất cả các thuộc cấp đương nhiệm, khi họ tiếp xúc với chúng, để giúp họ thêm hứng khởi, gia tăng hoạt động và phụng sự cho nhân loại. [130] Quyền Trượng vĩ đại của chính Đức Thái Dương Thượng Đế ẩn tàng trong mặt trời.
Tóm lại, vị trí huyền bí của các thần trượng khác nhau như sau:−
1. Thần trượng của Đức Bồ-tát ẩn trong “tâm của minh triết” tức là ở Shamballa.
2. Thần trượng của Đấng Điểm Đạo Duy Nhất được giữ kín ở “Phương Đông,” một địa điểm xác định trên hành tinh này.
3. Thần trượng của Đức Thái Dương Thượng Đế được giữ trong “tâm mặt trời,” là khối cầu huyền bí nội tại ẩn trong ngôi mặt trời vật chất của chúng ta, và ngôi mặt trời vật chất chỉ là lớp màng bao bọc của nó.
4. Thần trượng của Đấng Thượng Đế cấp vũ trụ liên hệ đến Đức Thái Dương Thượng Đế của chúng ta, được giữ kín ở một trung tâm trên trời mà thái dương hệ chúng ta xoay quanh đó, gọi là “ngôi mặt trời tinh thần trung ương.”
Một thần trượng được nạp lại ở Shamballa cho mỗi vị Chưởng giáo mới; Thần trượng của Đức Sanat Kumara được nạp lại vào mỗi thời kỳ mới của thế giới, và vì thế được nạp bảy lần trong lịch sử của một hệ hành tinh. Quyền Trượng của Đức Thái Dương Thượng Đế được tích điện vào lúc tái diễn một thời kỳ sáng tạo mới, hay là cho mỗi thái dương hệ mà Ngài biểu hiện thông qua đó, như một con người biểu hiện thông qua cuộc sống thân xác hồng trần. Hai cuộc lễ đầu tiên diễn ra ở Shamballa, địa điểm linh thánh của cuộc biểu hiện hành tinh, là địa điểm trung ương của hành tinh vật chất này, tương ứng với trái tim của con người. Ví dụ như có nhiều địa điểm trên mặt địa cầu trở nên nổi tiếng vì có những đặc tính chữa bệnh, và được lưu ý vì chúng là những địa điểm được từ hoá, với các đặc tính từ lực toả ra những ảnh hưởng chữa bệnh. Việc con người nhận ra các đặc tính này chỉ là bước đầu cho sự nhận biết rõ rệt hơn về sau sẽ có khi nhãn thông dĩ thái của y được phát triển bình thường. [131] Các điểm từ lực này được từ hoá theo ba cách:−
1. Bởi Đức Sanat Kunara làm việc thông qua Đức Bàn Cổ. Việc này xảy ra khi cần lập nên một điểm từ lực trung tâm, để nhờ quyền năng hấp dẫn của nó làm cho một chủng tộc, quốc gia hay tổ chức lớn trở thành một toàn thể cố kết. Mỗi quốc gia đều có “điểm từ lực” của mình, được tạo nên trong chất dĩ thái, nhờ áp dụng “Viên Kim cương Cháy rực” vào các chất dĩ thái; đó là tâm của quốc gia và là cơ sở của quốc tính. Thường thì thành phố chính của một nước được xây dựng chung quanh điểm này, nhưng không phải bao giờ cũng vậy.
2. Bởi Đức Sanat Kumara làm việc thông qua Đức Bồ-tát. Trong trường hợp này, điện lực của Thần trượng được vận dụng để kết hợp chặt chẽ các ảnh hưởng biểu lộ trong các tôn giáo lớn trên thế giới. Ở đây, Quyền Trượng thứ yếu được dùng phối hợp với Quyền Trượng cấp cao hơn. Nhờ các phương tiện này mà có thể khơi động phẩm tính hấp dẫn hay chủ âm của một tôn giáo, và của một tổ chức có căn bản tôn giáo.
3. Bởi Đức Sanat Kumara làm việc thông qua Đức Văn Minh Đại Đế. Bằng cách vận dụng Quyền Trượng, các tụ điểm từ lực của các tổ chức lớn ảnh hưởng đến nền văn minh và văn hoá của dân chúng, được đưa vào hoạt động kết hợp.
Tất cả các tổ chức ở cõi trần—thuộc chính quyền, tôn giáo hay văn hoá—đều là sự thể hiện của các mãnh lực và những nguyên nhân nội tại, và trước khi các tổ chức này biểu hiện rõ rệt ở cõi trần thì có thể nói là sự hội tụ của các ảnh hưởng và năng lượng đã xảy ra ở các cấp dĩ thái. Tổ chức Tam Điểm là một trường hợp điển hình. Tổ chức này có hai trung tâm từ lực, mà một ở Trung u. Trong tất cả trường hợp vừa kể, Đức Chúa Tể Hoàn Cầu đều là vị chủ trì, cũng như trong trường hợp thành lập [132] các phong trào lớn và quan trọng. Trong tất cả các phong trào nhỏ hơn khởi xướng bởi các Chân sư hoạt động thông qua đệ tử của Ngài để giúp đỡ nhân loại, thì Đức Bồ-tát được thỉnh cầu trợ giúp và Quyền Trượng thứ yếu được sử dụng.
Khi các đệ tử phát khởi phong trào có qui mô tương đối nhỏ, thì vị Chân sư mà họ cộng tác, có thể giúp họ theo cách tương tự, và dù không vận dụng Quyền Trượng, Ngài có những phương pháp để có thể kích thích và cố kết nỗ lực yếu ớt của các môn đệ trung thành.Theo cách này, các Điểm đạo Thần trượng và các Quyền lực từ được sử dụng trong mọi lãnh vực của đời sống nhân loại. Chính quyền toàn cầu hoạt động theo định luật và trật tự, và toàn hệ thống hành tinh đều phụ thuộc lẫn nhau.
Xin trở lại vấn đề điểm đạo trong nhân loại, và các Quyền Trượng. Vào thời gian lễ Điểm đạo, sau hai sự khải thị lớn, có một khoảnh khắc hoàn toàn yên lặng, trong đó tự tâm điểm đạo đồ nhận thức được ý nghĩa của “Sự An Tịnh.” Có thể nói là y đứng trong một khoảng không, hay trong chân không, nơi mà chừng như không có gì đến được với y; trong giây phút ngắn ngủi y đứng giữa đất và trời; không ý thức điều gì ngoài thực nghĩa của sự vật, nhận thức được thiên tính chính yếu nơi mình, và phần việc y phải thực hiện, khi từ Phòng Hội đồng ở Thiên giới y trở lại phụng sự thế gian. Y không còn thấy lo âu, sợ hãi, hay nghi ngờ. Y đã tiếp xúc được với “Đấng Hằng hữu” thiêng liêng, và thấy được linh ảnh. Y biết phải làm những gì và làm cách nào, và tâm y tràn ngập niềm an tịnh và hân hoan khôn tả. Đây là một thời khoảng yên tĩnh trước một thời kỳ hoạt động đổi mới, bắt đầu vào lúc áp dụng thần trượng. Trong khi y đã rút vào nội tâm như thế, với tất cả các mãnh lực của y được tập trung ở tâm, thì Huyền giai các Chân sư tham dự đã thực hiện một số nghi lễ và xướng lên một số linh từ, chuẩn bị cho sự xuất hiện của Đấng [133] Điểm Đạo trên ngôi của Ngài, và việc vận dụng Thần trượng. Đấng Điểm Đạo đã hiện diện từ lúc đầu, nhưng công việc đã được thực hiện bởi Huyền giai và các vị Bảo trợ. Bấy giờ Ngài đến địa vị quyền lực, và Thần trượng được những vị quản thủ chính thức đưa đến cho Ngài.
Ở đây không thể công bố các chi tiết của giai đoạn kế tiếp, ngoài việc mô tả bằng những lời “lửa từ trên trời giáng xuống.” Nhờ xướng lên một số từ và nhóm từ, vốn là một trong những bí mật của điểm đạo và thay đổi theo từng cuộc điểm đạo, mà điện lực cần được sử dụng giáng xuống trên Thần trượng, truyền qua tâm và bàn tay của Đấng Điểm Đạo, đến với Ba Vị đứng theo hình tam giác trước ngôi của Ngài. Đến lượt các vị này nhận điện lực và dùng tác động của ý chí luân chuyển nó qua tâm các Ngài rồi truyền sang các vị Bảo trợ. Các vị Bảo trợ lại dùng tác động của ý chí, chuẩn bị truyền mãnh lực đó đến luân xa cần được kích thích trong cơ thể điểm đạo đồ (tùy từng cuộc điểm đạo). Kế đến là một thời khoảng thú vị, trong đó ý chí thống nhất của ĐĐCG được hoà hợp để truyền mãnh lực mà Thần trượng đã làm luân chuyển. Đấng Điểm Đạo xướng lên linh từ, và mãnh lực được thực sự phóng vào các thể và các luân xa của điểm đạo đồ, tuôn xuống qua các luân xa trên cõi trí, qua các luân xa cảm dục, đến các luân xa cấp dĩ thái, là nơi cuối cùng nó được hấp thụ. Đây là khoảnh khắc tuyệt diệu đối với điểm đạo đồ, giúp y thấu hiểu chân lý tuyệt đối thực sự của câu nói “Thượng Đế là một ngọn lửa đang thống ngự”. Không còn chút nghi ngờ, y biết rằng hoả năng và điện lực tạo thành toàn thể vạn hữu. Y thực sự tắm trong lửa thanh luyện; y thấy lửa ở mọi phía, tỏa ra qua Thần trượng, luân chuyển quanh Tam giác, và đi qua các thể của hai vị Chân sư bảo trợ. Trong phút giây ngắn ngủi, toàn thể Huyền giai các Chân sư và các điểm đạo đồ đứng ở các vị trí hành lễ bên ngoài Tam giác, đều bị che khuất bởi một bức tường lửa thuần [134] khiết. Điểm đạo đồ không thấy ai ngoài Đấng Điểm Đạo, và không biết gì hơn là sự bừng cháy mãnh liệt của ngọn lửa trắng xanh, thuần khiết, nó thiêu đốt nhưng không hủy diệt, nó tăng cường hoạt động của mọi nguyên tử trong cơ thể y mà không làm tan rã, và thanh luyện toàn bộ bản tánh y. Lửa thử thách bất cứ loại công việc nào của y, và y đi qua Ngọn lửa thiêng.
Hiệu quả của việc áp dụng Thần trượng.
A. Trên các thể của Điểm đạo đồ: Hiệu quả này gồm bốn phần và lâu bền nhưng thay đổi tùy theo cuộc điểm đạo. Tác động của Thần trượng được điều chỉnh một cách hết sức khoa học và cẩn thận, và vào mỗi cuộc điểm đạo kế tiếp điện thế được tăng gia, và tác động của lửa và nhiệt do đó được tăng cường. Nhờ việc áp dụng Thần trượng, điểm đạo đồ thấy rằng:−
1. Hoạt động của mỗi nguyên tử trong các thể khác nhau đều được tăng cường, mang lại một mức độ năng lượng thần kinh lớn lao hơn và sức đề kháng cùng tính thích nghi sẽ giúp y khi cần trong cuộc sống phụng sự tích cực về sau.
2. Loại vật chất bất hảo trong các thể của y được tách rời, và thành của nguyên tử bị hủy diệt một phần, khiến có thể nói là chúng có tính phóng xạ, và do thế dễ bị loại bỏ hơn.
3. Các loại lửa của cơ thể được kích thích, và toàn bộ năng lượng của ba thể phàm nhân đã được phối hợp, do đó năng lượng ít bị hao phí hơn, có thêm sự cố kết và thống nhất trong hành động.
4. Các thể khác nhau được giúp chỉnh hợp với thể nguyên nhân hay thể của Chân nhân, do đó có khả năng liên tục tâm thức và đón nhận được các mệnh lệnh của Chân nhân. [135] Khi từ cuộc lễ trở lại và bắt đầu công tác ở thế gian, điểm đạo đồ thấy rằng sự kích thích đã nhận được sẽ mang lại cho các thể y một thời kỳ hoạt động mạnh mẽ cũng như sự xung đột. Sự xung đột này, kéo dài cho đến khi y chiến thắng, sẽ có kết quả loại bỏ vật chất bất hảo ra khỏi cơ thể y, và tái tạo nó bằng các vật liệu mới tốt đẹp hơn; y sẽ thấy các năng lực phụng sự của y gia tăng lớn lao, và năng lượng thần kinh của y được tăng cường, do đó trong phụng sự y có thể sử dụng những mãnh lực dự trữ mà từ trước đến nay y không ngờ. Y cũng thấy rằng sự đáp ứng của não bộ hồng trần đối với tiếng nói của Chân ngã, và tính thụ cảm của nó đối với ấn tượng cao siêu, tinh tế hơn cũng tăng tiến rất nhiều. Rốt cuộc, khi việc này hoàn tất, y sẽ loại bỏ được toàn bộ vật chất hạ nguyên tử, và sau đó sẽ tạo các thể bằng chất liệu của phân cảnh cao nhất trên mỗi cảnh giới; y sẽ dần dần ý thức rằng y có thể hữu ý điều khiển được tất cả các năng lượng của mình một các xây dựng, biết được thực nghĩa của sự liên tục tâm thức, và có thể hoạt động đồng thời trên ba cảnh giới với nhận thức đầy đủ ở nội tâm.
B. Trên thể nguyên nhân hay thể của Chân nhân.
Chỉ có thể bàn thật vắn tắt về hiệu quả của việc áp dụng Thần trượng cho thể nguyên nhân của điểm đạo đồ. Chủ đề này rất rộng, và sẽ được đề cập đầy đủ hơn trong Luận về Lửa Vũ Trụ. Chỉ có hai cách để truyền đạt một ý niệm nào đó về chân lý nền tảng đến trí tuệ của môn sinh, mà chúng ta có thể xem xét ở đây.
Thứ nhất, người môn sinh nên ghi nhớ sự kiện có ý nghĩa thú vị rằng y là một phàm nhân đang hoạt động ở cõi trần, với [136] các đặc tính đã biết, và đồng thời y cũng là Sự Sống ở nội tâm, sử dụng phàm nhân này làm một trung gian để phát biểu, và−nhờ hoạt động của thể xác, thể tình cảm và thể trí hợp thành phàm nhân tam phân−y tiếp xúc với cõi trần và phát triển bằng cách đó. Cũng chính khái niệm này về phát triển, nay phải được nới rộng đến Chân ngã, là Chân nhân trên cảnh giới của mình. Chân nhân này là một vị thần thái dương cao cả, làm trung gian phát biểu cho Chân thần hay tinh thần thuần khiết, cũng như phàm nhân làm trung gian cho Chân nhân ở cấp thấp hơn. Theo quan điểm của con người trong tam giới, Chân nhân, hay Thần thái dương, là vĩnh cửu; Chân nhân tồn tại trong toàn chu kỳ của các kiếp luân hồi, cũng như phàm nhân tồn tại trong suốt chu kỳ sống ngắn ngủi ở cõi trần. Tuy nhiên, thời kỳ hiện tồn này chỉ trường cửu tương đối, và sẽ đến lúc sự sống tự phát biểu qua trung gian của Chân nhân, là Chủ thể tư tưởng, Thần thái dương hay Thần trí tuệ, tìm cách thoát khỏi ngay cả giới hạn này, và quay về với nguồn cội, nơi xuất phát nguyên thủy của mình.
Sự sống vốn đã biểu hiện như một thần thái dương, và nhờ năng lượng cố hữu, đã gắn bó với hình thể Chân nhân qua những thời đại lâu dài. bấy giờ tự rút lui dần và hình thể từ từ tan rã; các sinh linh bé nhỏ vốn đã tạo nên hình thể này, bèn quay về nguồn chung của chất liệu thiên thần, cùng với tâm thức và hoạt động tăng cường mà chúng đã hoạch đắc qua kinh nghiệm được kết hợp trong một hình thể và được sử dụng bởi một trạng thái hiện tồn cao siêu hơn. Trường hợp của phàm nhân cũng vậy, khi sự sống Chân nhân triệt thoái thì phàm ngã tam phân tan rã; các sinh linh nhỏ bé tạo nên cơ thể của cái gọi là nguyệt ngã (khác với nhật ngã mà nó chỉ là phản ánh), được hấp thu vào kho chứa chung của chất liệu thiên thần có mức rung động thấp hơn loại chất liệu tạo thành thể chân nhân. Sự tiến hoá của chúng [137] cũng đã tăng thêm nhờ được kết hợp thành một hình thể cho Chân ngã sử dụng.
Nhờ áp dụng Điểm đạo Thần trượng, việc tách rời linh ngã tinh thần khỏi chân ngã được tiến triển, và sự sống bị giam hãm từ từ thoát ra, trong khi thể nguyên nhân bị hấp thu hay tan biến dần.
Điều này khiến có lối phát biểu, đôi khi được dùng trong các sách huyền bí, là “sự rạn nứt của thể nguyên nhân” vào mỗi cuộc điểm đạo, và ý niệm về ngọn lửa ở trung tâm từ từ xuyên thấu và hủy hoại các bức tường giới hạn, cũng như sự hủy hoại Ngôi Đền Solomon do sự triệt thoái của Đấng Thiêng Liêng (Shekinah). Tất cả những câu này là những lối nói biểu tượng, để cố gắng truyền đạt chân lý cơ bản cho trí tuệ con người, từ nhiều phương diện khác nhau.
Vào thời gian đạt được cuộc điểm đạo thứ tư, việc tiêu hủy đã hoàn tất, thần thái dương đã làm xong phận sự và quay về vị trí của mình, và các sinh linh thái dương trở lại điểm xuất phát của chúng. Bấy giờ sự sống bên trong hình thể vươn lên trong khải hoàn đến tâm của “Cha ở trên Trời”, giống như lúc chết sự sống bên trong thể xác tìm về nguồn của mình là Chân ngã, cũng theo bốn giai đoạn:−
1. Rút lui khỏi thể xác trọng trược.
2. Rút lui khỏi thể dĩ thái.
3. Sau đó bỏ thể cảm dục.
4. Cuối cùng bỏ thể hạ trí.
Một cách khác để làm sáng tỏ chính chân lý này là xem thể của chân nhân như một trung tâm lực, một luân xa năng lượng, hoặc một hoa sen, và hình dung nó như một hoa sen có chín cánh, bao bọc một đơn vị gồm ba cánh ở trung tâm; các cánh này lại che kín sự sống trung tâm, hay là “ngọc quí trong hoa sen.” Khi cuộc tiến hoá tiếp diễn, ba vòng mỗi vòng có ba cánh hoa này khai mở dần, có hiệu quả đồng thời đối với một trong ba [138] cánh hoa ở trung tâm. Ba vòng này được lần lượt gọi là các cánh hoa Hy sinh, Bác ái, và Kiến thức. Vào lúc điểm đạo, Thần trượng được áp dụng cho các cánh hoa một cách khoa học, và được điều chỉnh theo cung và khuynh hướng của điểm đạo đồ. Việc này làm khai mở nụ hoa ở trung tâm, giúp viên ngọc ra khỏi lớp vỏ từ lâu đã bao bọc nó, và nói theo nghĩa huyền bí là được chuyển đến “vương miện”, tức là trở về với Chân thần là cội nguồn của nó.
Chúng ta nên hiểu rõ rằng tất cả những điều trên đây chỉ là một cố gắng, dùng ngôn từ giới hạn, để mô tả phương pháp và các nghi thức nhờ đó cuối cùng đạt được sự giải thoát tinh thần trong chu kỳ này; trước hết, bằng phương pháp khai mở tiến hoá hay là phát triển dần dần, và sau đó nhờ Điểm đạo Thần trượng trong các giai đoạn cuối.
C. Trên các luân xa.
Vào thời gian điểm đạo, tất cả các luân xa đều linh hoạt, và bốn luân xa ở dưới (tương ứng với phàm nhân) đang bắt đầu tiến trình chuyển lửa vào ba luân xa trên. Sự quay lưỡng phân trong các luân xa dưới trở nên rõ rệt, và ba luân xa trên cũng bắt đầu hoạt động tương tự. Việc áp dụng Điểm đạo Thần trượng trong thời gian hành lễ điểm đạo, tạo ra những kết quả rõ rệt liên quan đến các luân xa, có thể kể ra như sau:−
Lửa ở chót xương sống được dứt khoát hướng đến luân xa nào là mục tiêu chú ý đặc biệt. Việc này thay đổi tùy theo cung, hay công tác chuyên biệt của điểm đạo đồ.
Luân xa này được tăng cường hoạt động, gia tăng vận tốc quay, và một số nan hoa ở trung tâm bánh xe trở nên chói rạng [139] hơn. Các nan hoa này của bánh xe, hay là các cánh hoa sen, có liên quan mật thiết, ví dụ như với những vòng xoắn khác nhau trong các nguyên tử trường tồn, và việc kích thích chúng làm khởi hoạt một hay nhiều vòng xoắn tương ứng trong các nguyên tử trường tồn ở ba cõi thấp. Sau cuộc điểm đạo thứ ba, một sự kích thích tương ứng xảy ra trong các nguyên tử trường tồn của Tam nguyên thượng, đưa đến sự phối kết thể bồ-đề, và chuyển sự phân cực từ thấp lên cao.
Việc áp dụng Điểm đạo Thần trượng tăng gấp ba dòng mãnh lực phóng hạ từ Chân nhân đến phàm nhân, việc điều khiển mãnh lực đó tùy theo các luân xa được chú ý là thuộc dĩ thái hay cảm dục vào các cuộc điểm đạo thứ nhất và thứ nhì, hoặc điểm đạo đồ có đứng trước Đức Chúa Tể Hoàn Cầu hay không. Trong trường hợp sau, các luân xa thể trí của y, hoặc các xoáy mãnh lực tương ứng của chúng ở các cấp cao hơn, sẽ được kích thích. Khi Đức Chưởng Giáo Thế Gian thực hiện các cuộc điểm đạo thứ nhất và thứ nhì, thì mãnh lực tam nguyên thượng được điều khiển chuyển sang làm linh hoạt các luân xa tim và cổ họng ở vị trí của chúng là tổng hợp các luân xa thấp hơn. Khi Đấng Điểm Đạo Duy Nhất áp dụng Quyền Trượng của Ngài, thì mãnh lực phóng hạ từ Chân thần, và dù luân xa tim và cổ họng cũng tăng cường rung động để đáp lại, mãnh lực này được chính yếu hướng đến bảy luân xa ở đầu, và cuối cùng (vào lúc giải thoát) hướng đến luân xa chói rạng trên đỉnh đầu, tổng hợp bảy luân xa thứ cấp này.
Lúc điểm đạo, các luân xa nhận được một khả năng và năng lực rung động mới mẽ, và điều này có kết quả trong đời sống ngoại môn là:−
1. Một sự nhạy cảm và tinh luyện các thể, lúc đầu có thể khiến điểm đạo đồ phải chịu nhiều đau khổ, nhưng tạo được một khả năng ứng đáp, đền bù rất nhiều cho nỗi đau khổ phụ thuộc này.
1402. Sự phát triển khả năng thần thông, cũng có thể tạm thời gây đau khổ, nhưng rốt cuộc giúp điểm đạo đồ nhận biết chân ngã duy nhất trong mọi cái ngã, là mục tiêu cố gắng của y.
3. Sự đốt cháy mạng lưới dĩ thái, nhờ dần dần khơi dậy kundalini, đưa nó tiến lên theo đúng dạng hình học, và kết quả là sự liên tục tâm thức, giúp điểm đạo đồ có thể hữu ý sử dụng yếu tố thời gian trên các cảnh giới tiến hoá.
4. Điểm đạo đồ dần dần thấu hiểu được luật rung động, là phương diện của luật cơ bản về xây dựng, luật hấp dẫn, và học cách hữu thức kiến tạo, vận dụng chất liệu tư tưởng để hoàn thành các kế hoạch của Thượng Đế; học cách làm việc bằng tinh chất trí tuệ, áp dụng định luật trên các cấp cõi trí, và do thế ảnh hưởng đến cõi trần. Trong đại vũ trụ, sự vận động bắt nguồn từ các cấp vũ trụ, và trong tiểu vũ trụ ta cũng sẽ thấy chính điều này. Ở đây có một ngụ ý huyền bí mà khi suy gẫm kỹ, chúng ta sẽ được tiết lộ nhiều điều. Trong cuộc điểm đạo, vào lúc áp dụng Thần trượng, điểm đạo đồ hữu thức nhận biết ý nghĩa của Luật Hấp Dẫn trong việc kiến tạo hình thể, và trong sự tổng hợp ba loại lửa. Năng lực tiến bộ của y tùy theo khả năng duy trì sự nhận thức đó và tự áp dụng định luật.
5. Đấng điểm đạo truyền năng lượng thượng trí cho điểm đạo đồ, khiến y có thể hữu thức biết được và nhận thức được kế hoạch dành cho trung tâm tập thể y, nhờ sức kích thích gia tăng lớn lao. Mãnh lực này từ nguyên tử trường tồn thượng trí giáng xuống qua antahkarana, và được hướng đến luân xa mà Đấng Điểm Đạo− xét theo luật−thấy cần được kích thích.
6. Đấng Điểm Đạo làm ổn định và điều hoà dòng mãnh lực, khi nó luân chuyển qua thể của chân nhân, nhờ thế khi việc khai [141] mở hoàn tất, nguyên khí thứ bảy ở Tâm Hoa Sen có thể hiển lộ. Sau mỗi cuộc điểm đạo, hoa sen này được khai mở nhiều hơn, và ánh sáng ở trung tâm bắt đầu tỏa rực−một loại ánh sáng hay ngọn lửa cuối cùng đốt cháy ba cánh hoa bao bọc, phô bày hoàn toàn nguồn vinh quang bên trong, và biểu hiện lửa điện của tinh thần. Khi điều này được thực hiện trên phân cảnh thứ nhì của cõi trí (nơi hoa sen chân ngã hiện đang an trụ) thì một sự kích thích tương ứng cũng xảy ra trong chất liệu trọng trược hình thành các cánh hoa hay bánh xe của những trung tâm lực trên các cấp cảm dục và dĩ thái.
[142]
CHƯƠNG XIV
THỰC HIỆN TUYÊN THỆ
Công việc của Huyền giai trong cuộc Điểm đạo.
Bây giờ chúng ta bàn đến phần trang nghiêm nhất của lễ điểm đạo. Theo một quan điểm thì cuộc lễ này tự phân chia thành ba phần:
Thứ nhất: Phần liên quan đến điểm đạo đồ, trong đó y nhận thức được Đại ngã, Bản tính Thiêng liêng của chính mình, thấy được linh ảnh và Thiên Cơ.
Thứ nhì: Phần liên quan đến Đấng Điểm Đạo, trong đó Ngài vận dụng Thần trượng Lửa, và tạo ra một số kết quả rõ rệt trong cơ thể của ứng viên.
Thứ ba: Đấng Điểm Đạo truyền một số linh từ và công thức cho điểm đạo đồ gìn giữ trong tâm thức để thực hiện tốt hơn phần việc trong Thiên Cơ có liên quan đến y.
Trong suốt cuộc lễ, Huyền giai các Chân sư tụ họp ở bên ngoài Tam giác lực đảm nhận một công việc gồm ba phần, nhằm tạo ra một số kết quả trong tâm thức của điểm đạo đồ, để trợ giúp Đấng Điểm Đạo trong cố gắng tích cực của Ngài. Chúng ta nên nhớ rằng theo luật tiết kiệm, khi nào có áp dụng hay truyền lực này từ một trung tâm lực này đến một trung tâm khác thì có hậu quả giảm thiểu ở trung tâm bị thu mãnh lực. Đây là căn bản [143] để ấn định thời gian thuận tiện cho cuộc lễ điểm đạo. Mặt trời là nguồn của mọi năng lượng và quyền lực, và công việc của Đấng Điểm Đạo được dễ dàng hơn khi lợi dụng được các điều kiện thuận tiện từ mặt trời. Những thời điểm thích hợp được xác định nhờ khoa chiêm tinh nội môn cấp thái dương và vũ trụ; việc này dĩ nhiên là dựa trên những con số đúng đắn, trên ý niệm toán học đích thực, và kiến thức thực tiễn về những sự kiện cơ bản liên quan đến các hành tinh và thái dương hệ. Cũng phải lập lá số tử vi của điểm đạo đồ để xem xét ngày giờ cho một cuộc điểm đạo cá nhân, và chỉ khi nào các cung hoàng đạo của cá nhân đó phù hợp và trùng hợp với giản đồ nghi lễ dùng làm tài liệu hướng dẫn cho Đấng Điểm Đạo, thì bấy giờ mới có thể hành lễ. Đây là lý do tại sao đôi khi phải dời cuộc điểm đạo đến một kiếp sau, cho dù điểm đạo đồ đã hoàn tất công tác cần thiết.
Có thể mô tả ba phần công việc của Huyền giai trong suốt cuộc lễ như sau:−
Thứ nhất: Xướng lên một số câu thần chú để giải phóng năng lượng từ một trung tâm hành tinh nhất định. Ở đây, chúng ta nên nhớ rằng mỗi hệ hành tinh là một trung tâm trong cơ thể của Đức Thái Dương Thượng Đế, và thể hiện một loại năng lượng hay mãnh lực đặc biệt. Tùy theo loại năng lượng cần cho một cuộc điểm đạo nhất định mà năng lượng này được chuyển từ trung tâm hành tinh đó đến điểm đạo đồ, qua mặt trời, với tiến trình như sau:−
a. Năng lượng được khởi động từ trung tâm hành tinh nhờ quyền năng của Hành Tinh Thượng Đế, với sự trợ giúp của Huyền giai bằng kiến thức khoa học, và việc sử dụng một số quyền lực từ.
b. Từ đó nó đến mặt trời và kết hợp với năng lượng thái dương thuần túy.
c. Nó được truyền từ mặt trời đến dãy hành tinh đặc biệt trong hệ Địa cầu chúng ta tương ứng về số với hệ hành tinh đặc biệt phát xuất ra nó. [144] d. Từ đó, nó được chuyển đến bầu hành tinh tương ứng, rồi đến hành tinh vật chất hồng trần trọng trược. Bằng cách sử dụng một câu thần chú đặc biệt, bấy giờ Đấng Điểm Đạo hội tụ năng lượng đó trong cơ thể của chính Ngài, dùng thánh thể này làm một trạm vừa thu vừa truyền đạt. Cuối cùng, nó đến điểm đạo đồ, qua Tam giác và các vị Bảo trợ. Như vậy, người môn sinh sẽ thấy rõ rằng khi Đấng Điểm Đạo là Đấng Chúa Tể Hoàn Cầu, tức là phản ảnh hồng trần của Đức Hành Tinh Thượng Đế của hệ địa cầu của chúng ta, thì mãnh lực đến với điểm đạo đồ trực tiếp hơn là vào hai cuộc điểm đạo đầu tiên, khi Đức Bồ-tát là vị Chủ lễ. Chỉ đến cuộc điểm đạo thứ ba, điểm đạo đồ mới đủ điều kiện nhận được trực tiếp mãnh lực của hành tinh.
Thứ hai: Sự tập trung do Huyền giai đảm trách giúp điểm đạo đồ nhận thức được ở nội tâm y những tiến trình khác nhau mà y đã trải qua. Điều này được hoàn tất bằng cách tác động rõ rệt vào thể trí y, để kích thích tất cả các nguyên tử, qua quyền năng tư tưởng kết hợp của các Chân sư. Do đó, y được trực tiếp trợ giúp để thấu hiểu. Sư tập trung này không hề giống như ám thị thôi miên, hoặc sự áp đặt mãnh liệt của những trí tuệ mạnh mẽ đối với trí tuệ yếu hơn. Đó là một hình thức tham thiền chuyên chú của tập thể các Chân sư và các điểm đạo đồ về những thực tại liên hệ và về Đại Ngã; mãnh lực được giải phóng như thế giúp điểm đạo đồ có thể chuyển tâm thức y dễ dàng hơn ra khỏi phi-ngã đến những điều thiết yếu thiêng liêng mà y lập tức quan tâm đến. Quyền năng tư tưởng của các Chân sư đạt kết quả đóng kín rung động của tam giới, thực sự giúp ứng viên có thể “bỏ lại sau lưng” tất cả quá khứ, có tầm nhìn xa rộng, thấy được chung cuộc ngay từ đầu, và thấy những sự vật trong vòng thời gian như thể chúng không hiện hữu.
Thứ ba: Huyền giai trợ giúp rất nhiều cho công tác điểm [145] đạo, qua một số tác động nhịp nhàng theo nghi lễ. Giống như trong cuộc Lễ Wesak các kết quả biểu dương mãnh lực được mang lại nhờ xướng lên các câu thần chú và sử dụng các bước tới lui, đan chéo của tập thể trong các dạng hình học, thì trong cuộc lễ điểm đạo người ta cũng theo cách tiến hành tương tự. Các dạng hình học này khác nhau, thích hợp với các cuộc điểm đạo khác nhau, và đây là một trong những cách bảo vệ cho cuộc lễ. Người điểm đạo đồ chỉ biết được các dạng hình học dành cho cuộc lễ của chính y, chứ không hơn.
Tập hợp các Chân sư và các điểm đạo đồ của Huyền giai chú tâm vào cả ba phương diện của công việc cho đến khi Thần trượng đã được áp dụng. Qua việc áp dụng Thần trượng, điểm đạo đồ đã trở nên một thành viên của Huyền giai, và bấy giờ toàn bộ các nghi thức đều thay đổi, trước khi thực hiện tuyên thệ và khải thị Linh từ và Bí nhiệm.
Các vị Bảo trợ rời vị trí hai bên điểm đạo đồ và trở về hàng ngũ của mình, trong khi ba vị Hoạt Phật (hay đại diện của các Ngài vào hai cuộc điểm đạo đầu tiên) đến vị trí phía sau bửu tọa của Đấng Điểm Đạo. Các thành viên của Huyền giai được sắp xếp khác đi, và các điểm đạo đồ cùng cấp bậc với ứng viên mới được thu nhận, đứng chung quanh y, và trợ giúp phần cuối của cuộc lễ; các điểm đạo đồ và các vị Chân sư khác thì đứng theo đẳng cấp.
Ba giai đoạn đầu của lễ điểm đạo đều giống nhau trong mọi cuộc điểm đạo. Vào hai giai đoạn cuối, những thành viên không ngang cấp với tân điểm đạo đồ (như các điểm đạo đồ cấp một vào cuộc điểm đạo cho thành viên cấp ba) lui về phía sau của Phòng Điểm Đạo ở Shamballa, và một “bức tường im lặng” được dựng lên giữa hai nhóm bằng năng lượng thần chú; có thể nói là một khoảng cách chân không được tạo ra, và bấy giờ không điều gì có thể truyền từ nhóm bên trong đến nhóm bên ngoài. Nhóm [146] bên ngoài tự giới hạn trong trạng thái tham thiền sâu xa và xướng lên một số công thức từ, và ở nhóm bên trong chung quanh Đấng Điểm Đạo, có hai điều đang được thực hiện:−
a. Tân điểm đạo đồ đang tuyên thệ.
b. Một số linh từ và Bí nhiệm được truyền cho y.
Hai loại Tuyên thệ.
Tất cả những lời tuyên thệ liên quan đến ĐĐCG có thể được chia làm hai nhóm:−
1. Tuyên thệ điểm đạo. Điểm đạo đồ tự cam kết bằng những lời thệ nguyện trân trọng nhất không bao giờ tiết lộ—nếu vi phạm sẽ chịu những hình phạt rất đau khổ—bất cứ điều bí mật nào của huyền môn, hoặc nói ra ở bên ngoài Phòng Điểm Đạo, về những điều đã ủy thác cho y.
2. Tuyên thệ nhậm chức, được thực hiện khi một thành viên của Huyền giai nhận một chức vụ nhất định trong công tác của ĐĐCG. Lời thề đó đề cập đến các chức năng và liên hệ của vị này với
a. Đức Chúa Tể Hoàn Cầu,
b. Thượng cấp trực tiếp của vị này,
c. Các bạn đồng sự trong Huyền giai,
d. Thế giới nhân quần mà vị này sẽ phục vụ.
Ở đây không cần phải nói thêm về loại tuyên thệ thứ nhì, vì nó chỉ liên quan đến các giới chức của ĐĐCG.
Tuyên thệ Điểm đạo.
Lời Tuyên thệ điểm đạo, mà chúng ta đang bàn đến, được chia thành ba phần, và do Đấng Điểm Đạo truyền cho điểm đạo [147] đồ để y lặp lại từ câu theo Ngài; nó được ngắt quãng ở nhiều chỗ khi các điểm đạo đồ cùng cấp bậc xướng lên những lời bằng tiếng Sensar, tương đương với câu “Xin được như thế.”
Có thể mô tả đại khái ba phần của lời tuyên thệ như sau:−
1. Một câu long trọng phát biểu chủ đích thiêng liêng, nguyên nhân hành động của điểm đạo đồ, cho thấy rõ thái độ-ý chí không dời đổi của y, long trọng xác nhận rằng y hiểu được chủ đích đó, cũng như hứa không tiết lộ điều gì về chủ đích y đã hiểu, ngoại trừ mức tỏ ra cần thiết trong đời sống hằng ngày khi y phụng sự nhân loại. Điều này bao gồm lời thề giữ kín phần Thiên Cơ tiết lộ cho y thấy trong “sự hiển lộ của linh thị.”
2. Một sự cam kết hết sức trang nghiêm về mối liên hệ của y đối với những cái ngã khác của y, với Huyền giai mà y là một thành viên, và với những cái ngã trong mọi người ở khắp nơi. Cam kết này bao gồm thái độ của y đối với các huynh đệ của y thuộc mọi trình độ, và cũng bao gồm một lời cam kết trân trọng không bao giờ tiết lộ thực tính của trạng thái Đại Ngã như y đã được cho thấy trong cuộc điểm đạo. Cam kết này gồm lời thề giữ kín mối liên hệ mà y đã hiểu của Đức Thái Dương Thượng Đế với Đức Hành Tinh Thượng Đế, và mối liên hệ của Đức Hành Tinh Thượng Đế của hệ thống chúng ta với chính hệ thống này.
3. Thốt lên lời cam kết trang nghiêm không bao giờ tiết lộ cho bất kỳ ai, những điều y đã biết về các nguồn năng lượng và mãnh lực mà y đã được tiếp xúc. Đây là lời thệ nguyện gồm ba điểm: hoàn toàn giữ kín thực tính của năng lượng, các luật vận dụng năng lượng, và thề chỉ dùng mãnh lực mà qua cuộc điểm đạo y được giao quyền sử dụng để phụng sự nhân loại và xúc tiến các kế hoạch của Đức Hành Tinh Thượng Đế. [148] Lời tuyên thệ trọng đại này được phát biểu bằng nhiều thuật ngữ khác nhau tùy từng cuộc điểm đạo, và, như đã nêu trên, được thực hiện trong ba phần với những khoảng xen giữa để cho nhóm điểm đạo đồ chung quanh người huynh đệ mới được thu nhận, làm một vài nghi thức.
Ở đây, chúng ta có thể lưu ý rằng, mỗi phần tuyên thệ đều thực sự liên hệ đến một trong ba trạng thái biểu hiện thiêng liêng, và khi điểm đạo đồ tuyên thệ thì một trong ba vị Trưởng các Ngành hợp tác với Đấng Điểm Đạo trong việc điều hành. Theo cách này, có thể sử dụng năng lượng với bản tính tam phân, tùy theo những phần khác nhau khi tuyên thệ. Vào hai cuộc điểm đạo đầu tiên, năng lượng này từ ba cung chính tuôn xuống, qua Đấng Điểm Đạo và vị Trưởng Ngành tương ứng, đến với điểm đạo đồ, qua nhóm điểm đạo đồ cùng cấp bậc, do đó mỗi cuộc điểm đạo là một phương tiện kích thích và phát triển cho tất cả. Vào năm cuộc điểm đạo sau cùng, mãnh lực lưu chuyển qua ba vị Hoạt Phật thay vì các vị Trưởng Ngành.
Ở đây, tưởng cũng thú vị mà nêu ra rằng trong phần này của cuộc lễ, cả nhóm được bao bọc trong màu sắc, tương ứng với loại năng lượng và hệ hành tinh nó xuất phát, và công việc của Đấng Điểm Đạo là giúp điểm đạo đồ tiếp xúc với năng lượng này. Từ khi đã có sự phân cách, năng lượng này tuôn xuống trên nhóm và được mang lại do Đấng Điểm Đạo sử dụng một số linh từ và đưa cao Quyền Trượng của Ngài. Ba vị Hoạt Phật, là các trung tâm năng lượng vĩ đại trên hành tinh chúng ta, bấy giờ mới dùng gậy chức vụ của các Ngài chạm vào đầu Thần trượng, cùng xướng lên một Linh từ huyền bí, và năng lượng bắt đầu tuôn đổ, tiếp tục cho đến hết cuộc lễ.
Câu hỏi đặt ra là liệu có điểm đạo đồ nào phạm thệ hay không. Rất hiếm khi, vì chúng ta nên nhớ rằng hành giả không [149] hề được điểm đạo nếu không đạt đến một giai đoạn nào đó. Một ít trường hợp đã xảy ra, nhưng vì Đức Chúa Tể Hoàn Cầu biết rõ tất cả những gì xảy ra trong tương lai, cũng như hiện tại và quá khứ, nên điểm đạo đồ không bao giờ có được cơ hội tiết lộ những điều ẩn giấu. Có thể y có ý định nhưng sẽ không có cơ hội. Người điểm đạo đồ cố ý phạm tội như thế sẽ bị làm cho câm, và đôi khi chết, trước khi phạm thệ.
[150]
CHƯƠNG XV
TRUYỀN THỤ LINH TỪ
Linh từ Thái dương.
Cơ sở của mọi hiện tượng biểu lộ là âm thanh được phát ra, hay Linh từ được xướng lên với quyền lực, nghĩa là với đầy đủ chủ đích của ý chí ẩn trong đó. Như chúng ta biết, ở điểm này có giá trị của tham thiền, vì tham thiền rốt cuộc tạo được chủ đích và ký ức mạnh mẽ ở nội tâm, hay là sự hình thành ý tưởng ở bên trong mà bao giờ cũng phải có trước khi phát ra một âm thanh sáng tạo. Khi nói rằng Đức Thái Dương Thượng Đế đã tạo nên các bầu thế giới qua tham thiền thì điều đó có nghĩa là ở trong chính tâm thức của Ngài đã có một thời kỳ Ngài suy tư và tham thiền về các chủ đích và các kế hoạch Ngài đã nhắm đến; trong thời kỳ đó Ngài đã hình dung cho Ngài thấy trọn cả diễn trình của thế giới như một toàn thể hoàn tất, thấy được chung cuộc ngay từ đầu và biết được các chi tiết của phạm vi thành tựu. Bấy giờ, khi đã kết thúc tham thiền và thấy hình ảnh toàn thể hoàn tất trước nội nhãn thông, Ngài mới sử dụng một Quyền Lực Từ đã được giao phó cho Ngài bởi Đấng Bất Khả Tư Nghị, là Thượng Đế của hệ vũ trụ mà thái dương hệ chúng ta chỉ là một thành phần. Chúng ta không liên quan đến các cuộc điểm đạo cho các vị Thượng Đế và cấp vũ trụ, ngoại trừ mức phản ánh những nguyên kiểu huy hoàng của các cuộc điểm đạo này trong các cuộc điểm đạo của nhân loại, nhưng thật là điều thú vị khi người môn sinh biết rằng giống như vào cuộc điểm đạo một Quyền Lực Từ được giao phó cho điểm đạo đồ, thì Đức Thái Dương Thượng Đế cũng được giao phó cho Quyền Lực Từ vĩ đại [151] đã tạo nên thái dương hệ chúng ta, gọi là “Thánh ngữ” hay là AUM. Ở đây chúng ta nên nhớ rằng âm thanh AUM là cố gắng của con người nhằm phỏng theo, trên qui mô vô cùng nhỏ, âm thanh tam phân cấp vũ trụ đã giúp cho cuộc sáng tạo có thể thực hiện. Các Quyền lực Từ ở mọi cấp đều có một trình tự tam phân.
Thứ nhất. Chúng được phát ra bởi một thực thể hữu ngã thức đầy đủ, và điều này luôn luôn xảy ra sau một thời kỳ cứu xét thận trọng hay tham thiền trong đó toàn bộ chủ đích được hình dung.
Thứ hai. Chúng ảnh hưởng đến giới thiên thần và mang lại sự sáng tạo các hình thể. Hiệu quả này có tính lưỡng phân:−
a. Các thiên thần trên đường tiến hoá thăng thượng, các vị kiến tạo vĩ đại của thái dương hệ, và những thuộc cấp đã trải qua giai đoạn nhân loại, đáp ứng với âm thanh của Linh từ, cộng tác một cách hữu thức và hiểu biết với vị đã phát ra Linh từ, và công việc được thực hiện theo cách đó.
b. Các thiên thần trên cung tiến hoá giáng hạ, các vị kiến tạo hạ đẳng chưa trải qua giai đoạn nhân loại cũng đáp ứng với âm thanh này, nhưng một cách vô thức, hoặc tất yếu, và kiến tạo các hình thể cần thiết bằng chất liệu của chính họ, qua năng lực của các rung động được phát khởi.
Thứ ba. Chúng đóng vai trò một yếu tố ổn định, và chừng nào mãnh lực của âm thanh còn duy trì, thì các hình thể vẫn còn cố kết. Ví dụ như, khi Đức Thái Dương Thượng Đế chấm dứt việc phát ra Linh từ AUM, và sự rung động ngưng lại, thì sau đó các hình thể sẽ tan rã. Điều này cũng đúng với từ Đức Hành Tinh Thượng Đế cho đến các cấp thấp hơn.
Các Quyền Lực Từ hay là các chuyển vị của AUM, có trong mọi âm độ, mọi âm phụ, mọi âm phần tư, và công tác sáng tạo cũng như duy trì đều dựa trên các sắc thái âm thanh này. Có vô số âm thanh khác nhau trong mỗi âm lớn hơn, chúng ảnh hưởng [152] đến nhiều nhóm khác nhau. Cũng nên nhớ rằng, nói chung và nói rộng ra, các âm thanh trong thái dương hệ gồm hai nhóm:−
1. Các âm thanh phát khởi, hay những âm thanh tạo ra sự biểu hiện hoặc đủ loại hiện tượng trên mọi cảnh giới.
2. Các âm thanh hệ quả, hay những âm thanh được tạo ra từ bên trong chính các hình thể trong suốt diễn trình tiến hoá, và là toàn bộ các âm điệu của mỗi hình thể trong một giới nào đó của thiên nhiên. Mỗi hình thể cũng đều có một âm điệu tạo bởi các âm thanh bé nhỏ của những nguyên tử hợp thành hình thể đó. Các âm thanh này vượt ra ngoài nhóm và ảnh hưởng các nhóm hay các giới hạ đẳng, nếu từ “hạ đẳng” có thể dùng để nói về một ngành nào đó của cuộc biểu hiện thiêng liêng. Ví dụ như, giới nhân loại (Huyền giai sáng tạo thứ tư) đã được sinh ra bởi một từ AUM tam phân, được kết hợp phát ra trong một chủ âm đặc biệt bởi ba ngôi của Tam Vị Nhất Thể—Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con, và Đức Chúa Thánh Thần, hay là Shiva, Vishnu, và Brahma. m thanh này vẫn còn ngân vang; sự tương tác và phối hợp của nhiều nốt nhỏ bé của mỗi con người tạo nên một âm thanh kết hợp lớn lao có thể nghe được ở các cõi cao, và chính âm thanh đó đang có một hiệu quả rõ rệt trên giới động vật. Đây là một trong những yếu tố tạo ra các hình hài động vật dùng cho con người và loài thú trú ngụ, vì chúng ta nên luôn luôn nhớ rằng con người liên kết loài vật với sự sống thiêng liêng.
Không thể và cũng không nên liệt kê các Quyền lực Từ, nhưng có thể đưa ra một số chỉ dẫn tổng quát để giúp môn sinh nhận thức được phần nào mức lớn lao và tính phức tạp của vấn đề. [153] 1. Đại Linh từ được Đức Thái Dương Thượng Đế phát ra, và do thượng cấp truyền đạt cho Ngài.
2. Ba Linh từ được Đức Thái Dương Thượng Đế giao phó cho ba vị Hành Tinh Thượng Đế như sau:−
a. m A linh thánh cho Shiva, Đấng thể hiện tinh thần hay trạng thái ý chí. Đó là Linh từ mà Đức Chúa Cha dùng hoạt động.
b. m U cho Vishnu, là Đức Chúa Con. Ngài là Đấng kiến tạo hình hài và cung ứng cơ thể cho tinh thần trú ngụ, để giúp khả dĩ thực hiện sự lâm phàm thiêng liêng. A là âm thanh của sự sống, U là âm thanh của hình thể.
c. m M cho Brahma, với công tác cung cấp năng lượng Ngài nối kết tinh thần và hình thể hay cái ngã và phi-ngã trong thông tuệ linh hoạt.
Ở đây có thể nêu ra rằng người môn sinh nào khôn ngoan suy gẫm về các chức năng này sẽ nhận được nhiều thông tin về ba ngành của ĐĐCG của hành tinh chúng ta.
3. Bảy đại Linh từ lại căn cứ trên ba âm thanh của Linh từ AUM. Các Linh từ này giúp sự sáng tạo hay biểu hiện của bảy cảnh giới của thái dương hệ chúng ta. Chúng không được giao phó cho con người, mà cho bảy đại Thiên thần hay Tinh quân, các Ngài là sự sống phú linh cho một cảnh giới; vì thế, trong các cuộc điểm đạo khác nhau, rất cần có sự cộng tác của các Ngài, trước khi các Linh từ then chốt này có thể được giao phó cho điểm đạo đồ.
4. Bốn mươi chín Linh từ liên quan đến bốn mươi chín loại Lửa hay phân cảnh giới. Các Linh từ này lại được giao phó cho bốn mươi chín vị Kiến tạo bằng Lửa thiêng.
Hai nhóm Linh từ nói trên thuộc thẩm quyền của trạng thái thứ ba, và được Brahma ban ra.
5. Cũng có năm đại Linh từ với các thiên tượng thuộc ngành [154] của Vishnu, hay Đức Chúa Con, và do Ngài phát ra. Nhờ các linh từ này mà năm giới của Thiên nhiên trên cung tiến hoá thăng thượng đã ra đời:−
a. Giới khoáng vật.
b. Giới thực vật.
c. Giới động vật.
d. Giới nhân loại.
e. Giới tinh thần.
Năm giới này là các biến đổi của âm U hay được phát triển dựa trên âm U, cũng như các nhóm kể trên được phát triển dựa trên âm M.
Với ba giới đầu tiên tưởng cũng thú vị khi ghi nhận rằng chúng dựa trên hai âm, âm U được phát ra trên chủ âm cơ bản của M. Trong giới thứ tư âm M đang tắt dần và hai nốt trổi lên là U và A. Trong giới thứ năm, âm M đã lắng xuống thành một âm thấp và xa cách, âm U hoà lẫn với nó đến mức không thể phân biệt, và âm A, nốt của Shiva đang vang lên mạnh mẽ và thực tế là nốt duy nhất nghe được. Bằng cách ngân lên nốt này,—nốt của Shiva, Đấng Hủy Diệt,—phi-ngã bị vô hiệu hoá, và tất cả những gì không thuộc tinh thần đều tan rã. Chính sự can thiệp của âm A giúp điểm đạo đồ tách rời hay giải thoát khỏi tam giới.
6. Cũng có một số Linh từ được giao phó cho mỗi vị Hành Tinh Thượng Đế, và là cơ bản của cuộc biểu hiện hành tinh. Như chúng ta đã rõ, âm của trạng thái Brahma, hay trạng thái thứ ba của Đức Hành Tinh Thượng Đế của chính chúng ta, là một nốt FA, và điều này cho thấy trình độ tiến hoá của Ngài, vì rõ ràng là âm A đang thấu đến ngay cả cảnh giới hồng trần trọng trược.
7. Bên trong ĐĐCG của chính chúng ta có một số Linh từ dựa trên Đại Linh Từ của Đức Hành Tinh Thượng Đế của chúng [155] ta, và các Từ này được giao phó cho các vị Trưởng Ngành, rồi các Ngài lại truyền chúng theo thứ tự chuyển vị cho các cấp điểm đạo đồ. Ở đây, người môn sinh nên khôn ngoan phân biệt cẩn thận trong trí giữa các từ và các âm thanh, bởi vì từ gói ghém tư tưởng, định ý hay mục đích, và âm thanh khiến cho chủ đích đó có thể phát biểu trong một loại vật chất nào đó trên một trong bảy cảnh giới.
Ở đây, chúng ta không thể theo dõi sự triển khai của các linh từ căn bản từ khi chúng được phát ra bởi các Đấng ở cấp độ vũ trụ cho đến các biến phân vô cùng nhỏ trong lời nói của con người, tiếng của loài vật, và tiếng hót của loài chim. Mỗi loại đều là một sự phát biểu tâm thức ở mức độ nào đó, và mỗi loại đều tạo nên một hiệu quả. Những điều điểm đạo đồ đang học cách thực hiện là phát ra âm thanh một cách hữu thức, để tạo nên kết quả như dự tính và mong muốn; là phát ra các từ và hoàn toàn ý thức được hậu quả của chúng trên tất cả các cảnh giới; là sáng tạo các hình thể và điều khiển năng lượng bằng các âm thanh linh thánh, để giúp thực hiện các mục tiêu tiến hoá.
Trước khi tiếp tục nói về việc truyền thụ các linh từ cho điểm đạo đồ, cần phải bàn ngoài đề như thế để nhấn mạnh đến tầm quan trọng cơ bản của vấn đề, và để giải thích lý do phải giữ gìn cẩn thận phương diện này của công tác thiêng liêng.
Việc sử dụng các Linh từ.
Chúng ta đã đề cập vắn tắt đến ý nghĩa của các Quyền Lực Từ. Giờ đây chúng ta có thể tóm lược một số các định đề suy ra từ đó, rồi bàn phần nào về cuộc lễ điểm đạo và các Linh từ được giao phó cho điểm đạo đồ. Ở đây có nêu ra chín định đề, nếu được người chí nguyện suy gẫm kỹ, sẽ tiết lộ cho y nhiều điều về tiến trình sáng tạo và quyền năng của lời nói.
1. Tất cả các Quyền Lực Từ đều bắt nguồn từ Đại Linh Từ đã được giao phó cho Đức Thái Dương Thượng Đế vào lúc khởi đầu cuộc biểu hiện. [156] 2. Tất cả Quyền Lực Từ đều là các chuyển vị hay khai triển của ba âm thanh cơ bản, và tăng dần trường độ qua các cảnh giới, cho đến mức trở thành các câu và ngôn từ của đơn vị hữu hạn, là con người, trong vô số biến phân của chúng.
3. Vì thế, trên con đường phản bổn hoàn nguyên, lời nói trở nên ngày càng ngắn gọn, ngôn từ được dùng một cách tiết chế hơn, cho đến khi rốt cuộc vị Chân sư sử dụng các công thức từ chỉ do cần thiết để thực hiện các mục đích cụ thể theo hai đường hướng:—
a. Các tiến trình sáng tạo nhất định.
b. Điều khiển năng lượng một cách chính xác.
Dĩ nhiên là điều này được thực hiện trong tam giới.
4. Vì thế người chí nguyện chính yếu có ba điều phải làm khi chuẩn bị cho điểm đạo:—
a. Chủ trị mọi hoạt động của phàm tính tam phân. Điều này bao gồm việc áp dụng năng lượng thông tuệ vào mọi nguyên tử trong ba thể của y—thể hồng trần, thể cảm dục và thể trí. Đây đúng là sự chói rạng của Brahma, hay trạng thái thứ ba của Thượng Đế nội tâm.
b. Hằng ngày làm chủ lời nói trong từng giây phút. Điều này dễ nói nhưng rất khó thực hành, và người nào đạt được sẽ mau chóng đến gần mức giải thoát. Điều này không áp dụng cho tính kín miệng, lầm lì, im lặng, ít nói, thường là đặc trưng cho bản tính kém tiến hoá, và thực ra chỉ là tình trạng thiếu khả năng diễn đạt. Đây là việc cẩn thận sử dụng ngôn ngữ để đạt những mục tiêu nhất định, và tiết kiệm năng lượng lời nói khi không cần thiết,—một vấn đề khác hẳn. Điều này bao gồm sự nhận thức về chu kỳ, thời cơ và mùa tiết, kiến thức về quyền năng của âm thanh, và [157] các hiệu quả do lời nói tạo ra; gồm sự thấu hiểu các mãnh lực kiến tạo của thiên nhiên cũng như vận dụng chúng một cách đúng đắn, và dựa trên khả năng vận dụng vật chất trí tuệ, phát động nó để tạo trong vật chất hồng trần các kết quả phù hợp với mục đích đã minh định của Thượng Đế nội tâm. Đó là sự chói rạng của trạng thái thứ hai của Đại Ngã, là trạng thái Vishnu hay phương diện kiến tạo hình thể, vốn là đặc tính chủ yếu của Chân nhân trên cảnh giới của chính nó. Rất đáng nên suy gẫm điều này.
c. Tham thiền, để hiểu được mục đích của Chân nhân. Nhờ tham thiền cách này, trạng thái thứ nhất ngày càng trở nên nổi bật, và ý chí hữu thức của Thượng Đế nội tại có thể biểu lộ ở cõi trần.
Ba hoạt động này của người chí nguyện tìm đạo phải song hành với nhau và chúng ta sẽ lưu ý rằng hoạt động thứ nhì là kết quả của hoạt động thứ nhất, và sẽ biểu hiện như là năng lượng ở cõi trần. Chỉ khi nào người chí nguyện đã thực sự tiến bộ trong ba đường lối cố gắng này thì Từ đầu tiên của các Đại Linh Từ mới được truyền thụ cho y.
5. Mỗi Đại Linh Từ bao gồm trong nó các biến phân, các khai triển và các chuyển vị, và khi xướng lên, điểm đạo đồ dùng rung động của từ lớn hơn phát động từ nhỏ hơn. Vì thế trách nhiệm rất lớn và các kết quả đạt được rất quan trọng. Mỗi Linh từ được uỷ thác cho điểm đạo đồ bằng khẩu truyền và thị kiến. Trước hết nó được phát âm cho y nghe dưới hình thức bảy vần, mỗi vần y phải nhớ như một từ riêng biệt. Sau đó y được chỉ cách phối hợp bảy vần này thành một âm thanh ba vần, và như thế tạo được các kết quả thống nhất hơn và sâu rộng hơn. Cuối cùng ba vần được phối hợp thành một Linh từ duy nhất và truyền cho y. Bảy từ tạo thành Đại Linh Từ vào một cuộc điểm đạo được truyền cho điểm đạo đồ bởi các điểm đạo đồ ngang cấp với y. Nhóm này tự phân thành bảy nhóm, tùy theo sự hình thành của [158] cung hay phụ cung, và bấy giờ mỗi nhóm mau chóng thay phiên nhau xướng lên một từ. Đồng thời, các màu sắc và các biểu tượng của những âm thanh khác nhau đi qua trước mắt y, do đó y nghe và thấy những gì được giao phó cho y. Nhóm cao cấp hơn chung quanh ngôi vị Chủ lễ (là ba vị Trưởng Ngành trong hai cuộc điểm đạo đầu tiên, và các vị Hoạt Phật trong các cuộc điểm đạo cuối cùng) bấy giờ mới xướng lên cho y Linh từ tam phân kết hợp bảy từ trên, và y lại thấy được trước nội nhãn của mình. Sau cùng, Đấng Điểm đạo xướng lên Linh từ và điểm đạo đồ trở nên ý thức được âm thanh lớn duy nhất bên trong chính mình với kinh nghiệm thực tế, và biết được rung động của nó trong một luân xa đặc biệt. Như chúng ta đã biết, mỗi luân xa liên kết với một cảnh giới, một hệ hành tinh, một cung nào đó và những thất phân khác, và do đó ý nghĩa phản ứng nội tại của nó trở nên rõ ràng.
6. Trong công tác trợ giúp cuộc tiến hoá trong tam giới, các Chân sư và các điểm đạo đồ chính yếu quan tâm đến bảy vần của Linh từ thuộc cấp điểm đạo của Ngài. Ba Linh từ hoà hợp bảy từ thì ít khi được sử dụng trừ khi được sự chuẩn y trực tiếp của một trong các vị Trưởng Ngành (tùy theo vần liên hệ mà mỗi Linh từ được kết hợp trực tiếp với Linh từ AUM tam phân, và do đó kết hợp với trạng thái Brahma, Vishnu, hay Shiva mà ba vị Trưởng Ngành là đại diện cấp hành tinh).
Khi một điểm đạo đồ nào muốn sử dụng toàn bộ Linh từ như một đơn vị cho các mục đích tiến hoá thì phải được sự chuẩn y của toàn thể Huyền giai, bởi vì một Linh từ như thế ảnh hưởng đến vật chất toàn cả một cảnh giới bên trong một hệ hành tinh, và do đó ảnh hưởng đến vật chất của các cảnh giới phụ thuộc cảnh giới liên hệ. Ví dụ như, một điểm đạo đồ cấp ba khi phát ra Linh từ của cấp y, ảnh hưởng đến vật chất của các phân cảnh thấp cõi trí, và do đó ảnh hưởng đến vật chất cõi cảm dục và cõi trần. Tương tự, một điểm đạo đồ cấp hai ảnh hưởng đến cõi cảm [159] dục, và do đó ảnh hưởng đến cõi trần. Bằng cách này có thể đạt được những kết quả sâu rộng và ảnh hưởng đến công việc của nhiều sinh linh.
7. Mỗi Linh từ, dù đã biến phân hay tổng hợp, đều ảnh hưởng đến giới thiên thần, và do đó ảnh hưởng đến các phương diện kiến tạo hình thể trong cuộc biểu hiện. Không âm thanh nào được phát ra mà không tạo nên một sự ứng đáp tương ứng trong chất liệu của thiên thần, và khiến cho rất nhiều sự sống nhỏ bé khoác lấy những hình thể nhất định. Các hình thể này vẫn tồn tại và thực hiện chức năng của chúng ngày nào âm thanh tạo ra chúng còn được kéo dài, và năng lượng ý chí xác định của vị phát khởi âm thanh đó vẫn hướng đến hình thể sinh động này. Điều này cũng đúng với việc Đức Thái Dương Thượng Đế phát ra Linh từ AUM để tạo nên thái dương hệ; với việc một Hành Tinh Thượng Đế phát ra Linh từ hành tinh của Ngài và tạo nên một hành tinh hệ; với một vị Chân sư tạo các kết quả để trợ giúp nhân loại ở cõi trần; và cũng đúng với một thường nhân—bằng ngôn ngữ biến phân rất đa dạng—phát biểu một mục đích hay trạng thái trí tuệ nội tại để kiến tạo một hình thể hay vận cụ bằng chất liệu thiên thần. Đa số nhân loại vẫn còn kiến tạo một cách vô thức và hình thể tạo được thì hoặc là một phương tiện tốt lành hay xấu xa tai hại, tùy theo mục đích hay động cơ tiềm ẩn của người đó, và sẽ thực hiện ý chí của y ngày nào nó còn tồn tại.
8. Mỗi Linh từ khi được xướng lên, được phân biệt bởi:−
a.Một màu sắc nhất định.
b.Một âm thanh riêng biệt.
c. Một hình thể đặc biệt.
d. Một mức độ năng lượng hay hoạt động.
e.Bản tính của sự sống làm linh động nó, hữu ngã thức, hũu thức hay vô thức, Thượng Đế, con người, hay thiên thần.
Một lần nữa, người môn sinh sẽ thấy điều này cũng đúng với một thái dương hệ, một hành tinh hệ, một con người, một hình tư tưởng được làm linh động bởi một sự sống tinh hoa chất, và một nguyên tử của nhà vật lý hay hoá học. Người biết được và hữu ý [160] nhận thức được sự kiện này, là một nhà huyền bí học thực sự. Đức Thái Dương Thượng Đế xướng lên một Linh từ, hình thể của thái dương hệ chúng ta đã xuất hiện với màu xanh dương, và nốt của nó là một nhạc điệu vũ trụ đặc biệt. Mức độ hoạt động của nó là một ký hiệu toán học xác định ở ngoài tầm hiểu biết của trí tuệ con người ở trình độ phát triển hiện nay; và bản tính của Sự Sống phú linh vĩ đại cho thái dương hệ, của Thượng Đế ba ngôi, là Bác ái thông tuệ, linh hoạt.
9. Đại Linh từ của thái dương hệ chúng ta có thể nói là hài hoà với các Linh từ khác, và chỉ là một Linh từ trong Linh từ thất phân, được biết bởi Đấng vĩ đại có quan hệ với Thái Dương Thượng Đế giống như quan hệ của Ngài với Hành Tinh Thượng Đế vậy. Các Linh từ của bảy thái dương hệ (mà hệ của chúng ta chỉ là một) hợp thành âm thanh thất phân này, hiện đang ngân lên trong các bầu vũ trụ.
Chín đoạn phát biểu trên tóm tắt sơ lược các chân lý chính yếu về các tiến trình sáng tạo trong thái dương hệ. Trong đó có ẩn bí quyết của pháp thuật chân chính, và khi thấu đáo được chúng, người có trực giác tinh thần, có động cơ nội tâm và cuộc sống thanh khiết, chủ đích vị tha, có lòng can đảm và tính tự chủ nghiêm nhặt, sẽ có được năng lực xúc tiến các mục đích của Chân nhân, là cộng tác viên hữu thức trong công cuộc tiến hoá và tham dự phần nào các kế hoạch của Đức Thượng Đế của hành tinh hệ chúng ta. Những điều đó được đưa ra trong hình thức vắn tắt này vừa để bảo vệ các chân lý được giữ kín mà vẫn tiết lộ chúng cho những ai sẵn sàng.
Bảy linh từ này của thái dương hệ, hợp thành linh từ của Thượng Đế mà chúng ta chỉ biết trong hình thức tam phân của nó là AUM, được khải thị trong bảy cuộc điểm đạo.
Vào cuộc điểm đạo thứ nhất, truyền Linh từ dành cho cõi trần. [161] Vào cuộc điểm đạo thứ nhì, truyền Linh từ dành cho cõi cảm dục.
Vào cuộc điểm đạo thứ ba, truyền Linh từ dành cho cõi hạ trí.
Vào cuộc điểm đạo này, như trước đây đã nói, Đấng Điểm Đạo là Đức Chúa Tể Hoàn Cầu, và không những điểm đạo đồ được truyền linh từ dành cho cõi hạ trí, mà còn được giao phó một Linh từ tổng hợp ba Linh từ dùng cho tam giới. Y được truyền Từ này để làm chủ đề tham thiền cho đến khi được điểm đạo lần thứ tư, nhưng bị cấm, không được sử dụng nó cho đến mức giải thoát cuối cùng, vì nó cho khả năng hoàn toàn chế ngự ba cõi thấp.
Vào cuộc điểm đạo thứ tư, truyền thụ Linh từ dùng cho cõi thượng trí.
Vào cuộc điểm đạo thứ năm, truyền thụ Linh từ dùng cho cõi bồ-đề.
Vào cuộc điểm đạo thứ sáu, truyền thụ Linh từ dùng cho cõi của atma (niết-bàn).
Vào cuộc điểm đạo thứ bảy, truyền thụ Linh từ dùng cho cõi của Chân thần.
Vào cuộc điểm đạo thứ sáu, Đấng Điểm Đạo truyền Linh từ tổng hợp các Từ thứ tư, thứ năm và thứ sáu, và nhờ thế điểm đạo đồ hoàn toàn chế ngự được, bằng quyền năng của âm thanh, vật chất trên năm cảnh giới tiến hoá của nhân loại. Vào cuộc điểm đạo thứ bảy, vị Phật khai ngộ được tiết lộ cho biết thực tính Linh từ AUM tam phân, và bấy giờ Ngài có thể vận dụng năng lượng trên sáu cõi hay sáu cảnh giới.
Điểm đạo đồ có thể nhận thêm hai cuộc điểm đạo nữa, nhưng trên hệ địa cầu chúng ta ít có bao giờ nói đến chúng, vì hệ hành tinh của chúng ta chưa phải là “thánh thiện,” và nếu có thì cũng ít có người nào trong nhân loại chúng ta đạt được các cuộc điểm đạo thứ tám và thứ chín. Muốn được như thế, trước hết họ phải chuyển sang một hệ thống khác để phụng sự và học [162] tập trong một thời gian dài. Tất cả những gì có thể gợi ý là tính lưỡng nguyên của linh từ AUM tam phân được truyền đạt vào cuộc điểm đạo thứ tám, cuộc điểm đạo thứ chín giúp hiển lộ âm thanh duy nhất của Đấng Tuyệt Đối và điểm đạo đồ nghe và thấy được ý nghĩa của nó. m thanh này đưa vào tâm thức của điểm đạo đồ phần nào năng lượng và quyền năng của “Đấng Bất Khả Tư Nghị,” hay là Thượng Đế của Đức Thái Dương Thượng Đế của chúng ta. Bấy giờ, đơn vị tâm thức đã hoàn thiện như Thượng Đế hoàn thiện, và chuyển sang công việc song hành với công việc của Đức Thái Dương Thượng Đế. Vâng, đó là chương trình vĩ đại và cơ hội rộng mở trước những người con nhân loại, cũng như mọi nguyên tử ở khắp nơi.
[163]
CHƯƠNG XVI
TRUYỀN THỤ CÁC BÍ NHIỆM
Nay chúng ta xét đến các bí nhiệm được truyền cho điểm đạo đồ trong cuộc lễ điểm đạo. Dĩ nhiên, rõ ràng là chúng ta chỉ có thể đề cập đến sự có thật của điều bí nhiệm, cũng như nêu lên vấn đề chính nó liên hệ, và ngay cả vấn đề này cũng sẽ không được đưa ra nếu sự hiểu biết tổng quát về vấn đề đó không khiến cho ứng viên điểm đạo có thể nghiên cứu vấn đề kỹ lưỡng hơn và trang bị kiến thức cho thể trí y một cách chu đáo hơn. Nhờ đó (khi đứng trước Đấng Điểm Đạo đúng lúc) y sẽ không mất thì giờ khi sử dụng điều bí nhiệm được giao.
Bí nhiệm Thất phân.
Sau khi tuyên thệ giữ kín điều bí nhiệm và không vi phạm, tân điểm đạo đồ một mình tiến đến gần vị Chủ lễ, rồi đặt tay lên phần dưới của Điểm đạo Thần trượng mà vị Chủ lễ cầm ở phần giữa. Bấy giờ, ba Vị đứng chung quanh ngôi chủ lễ mới đặt tay các Ngài lên viên kim cương chói rạng gắn trên đầu Thần trượng, và khi cả năm vị được liên kết theo cách này bởi năng lượng luân chuyển, phát ra từ Thần trượng, thì Đấng Điểm Đạo giao phó bí nhiệm cho điểm đạo đồ. Lý do của điều này là: Mỗi một trong năm cuộc điểm đạo trực tiếp liên quan đến chúng ta (hai cuộc điểm đạo cao hơn không có tính bắt buộc, nên chúng ta không xét đến) đều ảnh hưởng đến một trong năm luân xa nơi con người, [164]
1. Luân xa ở đầu,
2. Luân xa tim,
3. Luân xa cổ họng.
4. Luân xa nhật tùng,
5. Luân xa chót xương sống,
và tiết lộ cho y kiến thức về các loại mãnh lực và năng lượng khác nhau làm sinh động thái dương hệ, và đến với y qua một luân xa dĩ thái đặc biệt. Khi áp dụng Thần trượng, các luân xa của y được ảnh hưởng một cách đặc biệt. Qua việc truyền thụ Bí nhiệm, y được cho biết lý do của nó và cho thấy nó đồng nhất với lý do nhất thiết tạo nên một sự biểu lộ hành tinh đặc biệt, và gây nên một chu kỳ đặc biệt lớn hơn.
Có thể nói rằng:−
1. Mỗi bí nhiệm liên quan đến một trong bảy cảnh giới của thái dương hệ.
2. Mỗi bí nhiệm liên quan đến và phát biểu một trong bảy định luật của thiên nhiên. Vì thế chúng liên hệ đến một trong các trường tiến hoá cơ bản của mỗi hành tinh hệ. Mỗi hệ thể hiện một trong các định luật là luật chính yếu của nó, và tất cả các trường tiến hoá của nó đều có khuynh hướng biểu dương sự hoàn thiện của định luật đó với sáu biến thái phụ thuộc của nó, sáu biến thái này khác nhau một chi tiết trong mỗi trường hợp, tùy theo định luật chính được phát biểu.
3. Mỗi bí nhiệm truyền đạt chìa khoá để hiểu bản tính của một vị Hành Tinh Thượng Đế, và do đó đưa ra manh mối để biết những đặc tính của các Chân thần thuộc cung hành tinh đó. Hiển nhiên là sự hiểu biết như thế rất cần cho vị Chân sư đang cố gắng làm việc cho nhân loại, vận dụng các dòng mãnh lực đang ảnh hưởng đến họ và do họ phát ra. [165] 4. Mỗi bí nhiệm liên quan đến một cung hay một màu sắc nào đó và cho biết con số, nốt nhạc và sự rung động tương ứng.
Bảy bí nhiệm này chỉ là những công thức ngắn gọn, không có giá trị của thần chú, như trong trường hợp của Linh từ, mà có tính chất toán học, ngôn từ được dùng chính xác để truyền đạt đúng đắn ý định của người nói. Đối với người chưa được điểm đạo thì các bí nhiệm này trông có vẻ và nghe giống như các công thức đại số, ngoại trừ (khi thấy bằng thần nhãn) thì mỗi bí nhiệm gồm một hình bầu dục với một màu nhất định, tùy theo bí nhiệm được truyền đạt, có chứa năm chữ tượng hình hay biểu tượng đặc biệt. Một biểu tượng chứa công thức của định luật liên hệ, một biểu tượng khác cho biết khoá và âm độ hành tinh, biểu tượng thứ ba đề cập đến rung động, trong khi biểu tượng thứ tư cho biết con số và ngành của cung liên hệ. Chữ tượng hình cuối cùng đưa ra một trong bảy chìa khoá của ĐĐCG để các thành viên của ĐĐCG hành tinh chúng ta có thể liên lạc với các cấp thái dương. Đây hiển nhiên là những chi tiết rất mơ hồ và tối nghĩa, nhưng để nêu rõ rằng, như trong trường hợp các Linh từ, phải dùng hai giác quan để hiểu, muốn nhận thức được các bí nhiệm cũng phải sử dụng hai giác quan, để nghe, và thấy các biểu tượng bằng nội nhãn.
Giờ đây mới rõ ràng là tại sao có nhiều chú trọng đến việc nghiên cứu các biểu tượng, và tại sao người ta khuyến khích các môn sinh hãy suy gẫm và tham thiền về các thiên tượng thái dương hệ và vũ trụ. Điều đó chuẩn bị cho họ thấu hiểu và ghi nhớ trong tâm các biểu tượng và công thức thể hiện kiến thức mà rốt cuộc nhờ đó họ có thể làm việc. Các công thức này dựa trên chín biểu tượng được biết hiện nay:
1. Các dạng thập tự giá.
2. Hoa sen.
3. Tam giác.
4. Khối vuông.
5. Hình cầu và điểm.
6. Tám hình thể động vật: dê, bò mộng, voi, người, rồng, gấu, sư tử, và chó.
7. Đường thẳng.
8. Một số thiên tượng của Hoàng đạo, do đó cần phải nghiên cứu khoa chiêm tinh.
9. Cái ly có chân hay chén thánh.
Tất cả các biểu tượng này liên kết, xen lẫn nhau, hoặc dùng một phần, được phối hợp, để phát biểu một trong bảy Bí nhiệm. Điểm đạo đồ phải nhận ra chúng bằng thị giác cũng như thính giác, và dùng nỗ lực của ý chí để gắn ghi chúng trong trí nhớ không thể xoá nhoà. Có ba cách giúp y thực hiện điều này:−Thứ nhất, bằng việc rèn luyện trước đó trong một thời gian dài; tất cả những người chí nguyện đều có thể bắt đầu làm việc ngay từ bước hiện tại, và khi học cách ghi khắc chính xác các chi tiết vào trí nhớ, họ đặt nền tảng cho sự lãnh hội chính xác được ngay những điều Đấng Điểm Đạo bày tỏ cho họ; thứ hai, nhờ đã tự phát triển năng lực hình dung lại những điều đã có lần họ thấy. Ở đây, chúng ta thấy rõ tại sao các vị thiền sư minh triết đã chú trọng vào khả năng kiến tạo thận trọng các hình tư tưởng.
Mục đích này có hai mặt:−
a. Dạy người môn sinh hình dung chính xác các hình tư tưởng của y, để khi bắt đầu sáng tạo hữu thức, y có thể không bị mất thì giờ do biến đổi thiếu chính xác.
b. Giúp y có thể hình dung lại chính xác bí nhiệm y đã được truyền đạt , để bất cứ khi nào cần y có thể sử dụng được ngay.
Cuối cùng, nhờ sự mạnh mẽ áp dụng ý chí của bốn Vị đang cầm [167] Thần trượng cùng một lúc với điểm đạo đồ, sự định trí kiên cường và điêu luyện của các Ngài giúp y lãnh hội hết sức dễ dàng.
Trong trường hợp cuộc tiến hoá của nhân loại, một số loại mãnh lực được sản xuất, xử lý, đồng hoá và sử dụng, lúc đầu thì vô thức và cuối cùng với trí thông minh đầy đủ.
a. Trong Phòng Vô Minh, mãnh lực hay năng lượng của Brahma (sự hoạt động thông tuệ của vật chất) được xử lý nhiều nhất, và con người phải học biết ý nghĩa của hoạt động dựa trên:
a. Năng lượng cố hữu.
b. Năng lượng được hấp thụ.
c. Năng lượng tập thể.
d. Năng lượng vật chất, hay năng lượng ẩn trong vật chất hồng trần.
b. Trong Phòng Học Tập, y trở nên ý thức được, và sử dụng năng lượng của trạng thái thứ nhì trong việc kiến tạo hình thể, trong các quan hệ xã hội và các liên hệ gia đình. Y đến mức nhận thức được giới tính và các quan hệ giới tính, nhưng cho đến bây giờ vẫn còn xem mãnh lực này là điều phải được chủ trị, mà không thấy nó cần được sử dụng một cách hữu thức và xây dựng.
c. Trong Phòng Minh Triết, y đến mức biết được trạng thái thứ nhất của năng lượng, công dụng năng động của ý chí trong hy sinh, và y được giao phó chìa khoá của bí nhiệm tam phân của năng lượng. Trong hai phòng kia y đã biết được trạng thái tam phân của năng lượng này. Vào cuộc điểm đạo thứ ba, thứ tư và thứ năm, y được trao cho ba chìa khoá của ba bí nhiệm.
Y được trao cho chìa khoá của bí nhiệm mà y đã cảm thấy trong Phòng thứ nhất, bí nhiệm của Brahma, và bấy giờ y có thể mở ra các năng lượng ẩn tàng của chất liệu [168] nguyên tử. Chìa khoá của bí nhiệm giới tính, hay là các cặp đối cực, được trao vào tay y, và bấy giờ y có thể khai mở các mãnh lực ẩn tàng của trạng thái ý chí. Có thể nói là y được cho thấy bộ máy phát điện của thái dương hệ và được tiết lộ cho biết những sự phức tạp của cơ cấu này.
Ba Bí nhiệm Thái dương.
Ba bí nhiệm của thái dương hệ là:−
1. Bí nhiệm về Điện. Bí nhiệm của Brahma. Bí mật của trạng thái thứ ba, ẩn tàng trong mặt trời hồng trần
2. Bí nhiệm của sự Phân Cực, hay là xung lực tính dục vũ trụ. Bí mật của trạng thái thứ hai, ẩn tàng trong Tâm Mặt trời, hay Mặt trời nội tại.
3. Bí nhiệm của Lửa, hay là động lực trung ương của thái dương hệ, bí mật của trạng thái thứ nhất, ẩn tàng trong Mặt trời Tinh thần Trung ương.
Sự Khải thị Tuần tự các Bí nhiệm.
Các bí nhiệm được tuần tự truyền đạt cho điểm đạo đồ, nói chung gồm có ba, dù trong đó có thể có những bí nhiệm thứ yếu được tiết lộ sớm hơn. Vào cuộc điểm đạo thứ ba, bí nhiệm đầu tiên trong ba bí nhiệm cơ bản của thái dương hệ được truyền cho điểm đạo đồ, ngay sau khi đã tuyên thệ. Chúng ta có thể gọi đây là “Bí nhiệm về điện,” vì thiếu thuật ngữ. Nó liên quan đến những hiện tượng biểu lộ khách quan của Thượng Đế. Ở đây, người môn sinh nên sáng suốt nhớ rằng ba cõi của tam giới, là cõi trần, cõi cảm dục và cõi trí, hợp thành thể xác trọng trược của [169] Đức Thái Dương Thượng Đế, còn bốn cõi cao hơn hợp thành thể dĩ thái của Ngài. Các môn sinh thường quên rằng bảy cõi của chúng ta là bảy phân cảnh của cảnh giới hồng trần vũ trụ. Điều này có liên hệ rõ rệt đến bí nhiệm về điện. Đây là lý do tại sao bí nhiệm này không được tiết lộ trước cuộc điểm đạo thứ ba và được chuẩn bị bằng việc truyền đạt hai bí nhiệm thứ yếu liên hệ đến cõi trần và cõi cảm dục, do Đức Bồ-tát truyền đạt vào hai cuộc điểm đạo đầu tiên.
Khoa học công nhận các hiện tượng điện là có bản tính lưỡng phân, nhưng tính tam phân cố hữu của điện vẫn còn chỉ là vấn đề phỏng đoán đối với khoa học hiện tại. Vào cuộc điểm đạo thứ nhất, điểm đạo đồ được cho thấy tính tam phân của điện, và được tiết lộ cho biết bí nhiệm của cách làm cân bằng các lực ở cõi trần, để nhờ đó tạo được sự quân bình. Bí nhiệm này cũng giúp y tiếp xúc được với một số vị Kiến tạo ở cõi trần—tức là trên các cấp dĩ thái—và bấy giờ y có thể tạo ra các hiện tượng ở cõi trần, nếu y thấy đó là điều khôn ngoan. Y ít khi làm điều này, vì những kết quả đạt được do đó thực tế là không quan trọng và y không phí năng lượng như vậy. Những kẻ làm việc với các mãnh lực giáng hạ tiến hoá, là các huynh đệ bóng tối, sử dụng phương pháp này để làm kinh ngạc và mê hoặc những người bất cẩn. Các vị huynh đệ của nhân loại không làm như thế.
Bí nhiệm về sự kết hợp của nguyên tử được tiết lộ cho điểm đạo đồ, và bấy giờ y ở vị thế nghiên cứu tiểu vũ trụ theo luật tương ứng, một cách mới mẻ và sáng tỏ hơn. Tương tự, qua sự khải thị này liên quan đến phần trọng trược nhất của cơ thể Thượng Đế, y có thể xác định được nhiều điều về thái dương hệ trước, và các sự kiện về vòng tiến hoá thứ nhất của hành tinh hệ chúng ta. Bí nhiệm này cũng gọi là “bí nhiệm của vật chất.”
Vào cuộc điểm đạo thứ nhì “bí nhiệm của biển” được mở ra cho y, và qua sự hiển lộ này hai vấn đề rất đáng quan tâm trở [170] nên sáng tỏ với nội nhãn của y. Đó là:
a. Bí nhiệm của ánh sáng cảm dục.
b. Luật Nghiệp Quả.
Sau đó, y có khả năng làm được hai điều, mà nếu không, y không thể dẹp tan các chướng ngại để đạt giải thoát; y có thể đọc được các tiên thiên ký ảnh và xác định được quá khứ, để có thể làm việc một cách sáng suốt trong hiện tại, có thể bắt đầu thanh toán nghiệp quả, giải quyết các nghĩa vụ của mình, và biết cách hoá giải nghiệp quả trong tam giới. Điểm đạo đồ được cho biết sự liên hệ với các đẳng cấp tinh thần là các Đấng liên quan đến Luật Nghiệp Quả khi nó ảnh hưởng đến con người; y cũng trực tiếp biết rằng các vị Nghiệp Quả Tinh Quân không phải là chuyện thần thoại hay chỉ có tính cách tượng trưng, mà là những Đấng rất cao minh, vận dụng định luật vì lợi ích của nhân loại, để giúp mọi người trở nên hữu ngã thức đầy đủ và độc lập theo nghĩa huyền bí, và trở thành những vị sáng tạo qua kiến thức hoàn toàn.
Vào cuộc điểm đạo thứ ba, điểm đạo đồ được trao cho “bí nhiệm của fohat,” và bấy giờ y biết được bí nhiệm của cơ thể tam phân của Thượng Đế ba ngôi, và nguyên do của các hiện tượng trong các thể đặc, lỏng, và hơi của Đấng Tối Cao mở ra trước tầm mắt ngạc nhiên của y. Hai bí nhiệm trước đã truyền đạt và kiến thức trong đó đã được sử dụng, và giờ đây điểm đạo đồ đến mức ích dụng được sự khải thị lớn lao này, và hiểu được phần nào các sự kiện sau:−
1. Tiến trình sáng tạo trong việc tạo hình tư tưởng.
2. Việc truyền năng lượng của Chân nhân đến thể xác qua các trung tâm lực trên các cõi khác nhau. [171] 3. Sự đi lên của Kundalini, nó tiến lên theo đường hình học và khơi hoạt tất cả các luân xa.
Nhờ kiến thức được truyền đạt, và tiến bộ trong việc nghiên cứu luật tương đồng, điểm đạo đồ có thể biết cách vận dụng cũng cùng những mãnh lực này trên qui mô rộng lớn hơn, trong hành tinh hệ và thái dương hệ. Y được tiết lộ cho biết phương pháp phát triển trong ba vòng tiến hoá trước, và y hiểu được các giai đoạn đầu của diễn trình tiến hoá, về mặt thực hành cũng như lý thuyết. Y nắm trong tay chìa khoá của ba giới hạ đẳng trong thiên nhiên, và bắt đầu ý thức được một số ý niệm về vấn đề phân cực, sự hoà hợp và hợp nhất cơ bản, chỉ chờ đến cuộc điểm đạo thứ tư để được tiết lộ hoàn toàn.
Bí nhiệm này của điện, chủ yếu là có tính tam phân, liên quan đến Brahma hay trạng thái thứ ba, và đôi khi được gọi bằng những tên sau đây:
1. Bí mật của Brahma.
2. Sự hiển lộ của Đức Mẹ.
3. Bí mật của Lực Fohat.
4. Bí nhiệm của Đấng Tạo Hoá.
5. Bí mật của Ba phát xuất từ (thái dương hệ) thứ Nhất,
và cũng được gọi bằng bốn nhóm từ thần bí, mang nhiều ánh sáng đến cho trực giác:
6. Con Tàu Bí nhiệm vượt Đại dương.
7. Chìa khoá của Kho tàng Thiêng liêng.
8. Ánh sáng Hướng dẫn qua ba động U minh.
9. Đầu mối đưa đến Năng lượng kết hợp Lửa và Nước.
[172] Trong tất cả các tên gọi này có nhiều kiến thức sẽ đến với người môn sinh suy gẫm chúng cẩn thận, nhớ rằng chúng chỉ về trạng thái Brahma ở mức biểu hiện thấp nhất, và chỉ về ba cảnh giới nỗ lực của nhân loại; khi tham thiền như thế, người môn sinh phải liên hệ thái dương hệ hiện nay với thái dương hệ trước, trong đó trạng thái Brahma chế ngự, cũng như trạng thái tâm thức hay Vishnu chế ngự trong thái dương hệ này.
Qua kiến thức được truyền đạt, nay điểm đạo đồ đến mức hiểu được phàm tính tam phân của chính mình, và do đó làm nó thăng bằng trong quan hệ với bản tính cao siêu, đọc được các ký ảnh và biết được vị trí của y trong tập thể, vận dụng được các mãnh lực trong tam giới để tự giải thoát, nhờ đó trợ giúp các mục tiêu tiến hoá, và cộng tác một cách thông minh với các kế hoạch của Đức Hành Tinh Thượng Đế, khi các kế hoạch đó được phép tiết lộ cho y trong từng giai đoạn. Giờ đây y có thể vận dụng quyền lực, và trở nên một trung tâm năng lượng với mức độ gia tăng lớn lao, có thể phân phối hay thu hồi các dòng mãnh lực. Khi một người trở nên mạnh mẽ một cách hữu thức trên cõi trí, thì năng lực hành thiện của y gia tăng gấp trăm lần.
Vào cuộc điểm đạo thứ tư, một bí nhiệm trọng đại khác nữa được tiết lộ cho y, gọi là “bí nhiệm về sự phân cực,” và y được trao cho manh mối ý nghĩa của giới tính trong mọi phân bộ của thiên nhiên trên tất cả các cảnh giới. Không thể nói nhiều theo các đường hướng này. Điều có thể làm là kể ra một vài chủ đề mà bí nhiệm này cho manh mối, và nói thêm rằng trong hệ hành tinh chúng ta, bí nhiệm này hết sức quan trọng, do trình độ tiến hoá của Đức Hành Tinh Thương Đế của chúng ta. Ngài đang ở giai đoạn hữu ý tìm cách hoà hợp với đối cực của Ngài, là một vị [173] Hành Tinh Thượng Đế khác. Các chủ đề mà bí nhiệm này soi sáng là:
a. Giới tính ở cõi trần. Nó cho chúng ta chìa khoá của bí nhiệm về sự phân chia nam nữ vào thời kỳ Lemuria.
b. Sự cân bằng các mãnh lực trong mọi phân bộ của thiên nhiên.
c. Manh mối về hệ hành tinh hợp với hệ của chúng ta thành một lưỡng nguyên.
d. Danh hiệu thật của Hành Tinh Thượng Đế chúng ta và quan hệ của Ngài với Thái Dương Thượng Đế.
e.”Cuộc Hôn phối của con Chiên” và vấn đề của cô dâu thiên giới. Manh mối của vấn đề này ẩn tàng trong thái dương hệ S. . . . phải được đọc theo khoa chiêm tinh.
f. Bí nhiệm của Song Nam, và sự liên kết của Hành Tinh Thượng Đế của chúng ta với chòm sao đó.
Trên qui mô nhỏ hơn, và đối với tiểu vũ trụ, những chủ đề sau đây được soi sáng khi điểm đạo đồ nhận đại bí nhiệm thứ nhì, hoặc bí nhiệm thứ tư bao gồm các bí nhiệm thứ yếu trước đó:−
g. Các tiến trình hoà hợp trong các giới khác nhau của thiên nhiên. Y được cho thấy sự nối kết giữa các giới tiến hoá, và thấy sự thống nhất của hệ hành tinh.
h. Y được tiết lộ cho thấy rõ phương pháp hoà hợp với Chân nhân, được cho thấy thực tính của antahkarana, và khi đã được tiết lộ như thế, nó không cần thiết nữa.
i. Y thấy được tính duy nhất cốt yếu giữa Chân nhân và phàm nhân.
j. Mối liên hệ giữa hai giới tiến hoá, nhân loại và thiên thần, không còn là điều bí nhiệm nữa, và y thấy vị trí của hai giới này trong cơ thể của Đấng Thiên Nhân (Thượng Đế) là một sự kiện thật. [174] Chúng ta có thể chú trọng thêm đến nhiều vấn đề mà bí nhiệm phân cực, khi được tiết lộ, sẽ giúp điểm đạo đồ hiểu rõ, nhưng những điều nói trên là đủ. Bí nhiệm này chính yếu là liên quan đến Vishnu, hay trạng thái thứ nhì. Nó tóm tắt trong một câu ngắn gọn toàn bộ kiến thức thu được trong Phòng Minh Triết, cũng như các bí nhiệm trước tóm lược hoàn toàn những gì đã đạt trong Phòng Học Tập. Nó đề cập đến tâm thức và sự phát triển của tâm thức nhờ và thông qua trạng thái vật chất. Nó thực sự liên quan đến sự thống nhất của ngã và phi-ngã cho đến khi chúng thực sự là một.
Vào cuộc điểm đạo thứ năm, đại bí nhiệm về lửa hay trạng thái tinh thần được tiết lộ cho vị Chân sư đang ngạc nhiên, thắc mắc, và Ngài hiểu, theo một ý nghĩa mà người phàm không thể hiểu được, sự kiện tất cả là lửa và lửa là tất cả. Có thể nói là bí nhiệm này tiết lộ cho điểm đạo đồ những điều giúp Ngài hiểu rõ:−
a. Danh hiệu bí mật của Đức Hành Tinh Thượng Đế, và thế là tiết lộ một vần trong danh hiệu của Thái Dương Thượng Đế.
b. Công tác và phương pháp của trạng thái hủy diệt của thiêng liêng.
c. Các tiến trình dùng để tạo nên thời kỳ tiềm sinh hay ngơi nghỉ.
d. Công thức toán học tóm tắt tất cả các chu kỳ biểu hiện.
e. Bản tính tam phân của lửa, và ảnh hưởng của đại hoả trên tiểu hoả.
Vì trạng thái Shiva hay trạng thái thứ nhất này sẽ đạt được mức hoàn thiện, hay đúng ra là đến mức có thể thấu hiểu trong thái dương hệ tới, nên tiếp tục xem xét bí nhiệm này không có lợi gì. Bảng kê sau đây có thể giúp cho người môn sinh hiểu rõ toàn bộ vấn đề:−
[175] Bí nhiệm của Điểm đạo Ngôi Thượng Đế Nguồn năng Cõi liên hệ lượng
Fohat BaBrahma Mặt trời Bảy
Đấng Sáng Tạo Vật chất Sáu Năm
Sự Phân cực Bốn Vishnu Mặt trời Bốn
Đấng Bảo Tồn Nội tại Ba
Lửa Năm Shiva Mặt trời Hai
Đấng Hủy Diệt Tinh thần Trung ương
Như người môn sinh sẽ nhận thấy, nguồn năng lượng cụ thể liên hệ là một trạng thái của năng lượng mặt trời. Vào các cuộc điểm đạo thứ sáu và thứ bảy thêm hai bí nhiệm được tiết lộ, một là bí nhiệm thứ yếu mở đường cho sự hiển lộ bí nhiệm thứ tư. Chỉ có bốn bí nhiệm chính yếu được tiết lộ cho điểm đạo đồ trên hành tinh này, và đây là manh mối của vị thế chúng ta trong hệ thống tiến hoá thái dương. Tất cả chỉ có năm bí nhiệm chính yếu được tiết lộ trong thái dương hệ này, do sự kiện đây là một hệ thống trong đó chủ yếu nguyên lý thứ năm, trí tuệ, là cơ sở phát triển. Điều thiên khải thứ năm này chỉ truyền thụ cho những vị nào chuyển sang các Hệ tổng hợp. [176]
CHƯƠNG XVII
CÁC CUỘC ĐIỂM ĐẠO KHÁC NHAU
Các cuộc Điểm đạo Chính yếu và Thứ yếu.
Khi bàn về các cuộc điểm đạo khác nhau, người môn sinh nên nhớ rằng phút giây trọng đại khi con người ra khỏi giới động vật để nhập vào nhân loại, mà nhiều sách huyền bí gọi là “lúc biệt lập ngã tính,” chính là một trong các cuộc điểm đạo vĩ đại nhất. Biệt lập ngã tính là khi cái ngã hữu thức thấu hiểu mối quan hệ của nó với tất cả những gì thuộc về phi-ngã, và trong đại tiến trình điểm đạo này, cũng như trong các tiến trình về sau, sự bừng tỉnh của tâm thức xảy ra sau một thời kỳ phát triển dần dần; sự bừng tỉnh xảy ra tức khắc vào lúc tự nhận thức lần đầu tiên, và luôn luôn sau đó là một thời kỳ tiến hoá tuần tự. Đến lượt thời kỳ tiến hoá tuần tự này, về sau lại đưa đến một cuộc khủng hoảng gọi là Điểm đạo. Trường hợp đầu là điểm đạo vào cuộc sống hữu ngã thức, còn trường hợp sau là điểm đạo vào cuộc sống tinh thần.
Những nhận thức này, hay các mở mang tâm thức lĩnh hội được, đều theo định luật thiên nhiên, và xảy đến đúng lúc với mọi linh hồn, không ngoại trừ ai cả. Ở mức độ thấp hơn, chúng xảy ra hằng ngày cho mỗi người, khi sự thấu đáo của trí tuệ họ về cuộc sống và kinh nghiệm từ từ tăng trưởng, nhưng chúng chỉ trở nên những cuộc điểm đạo vào minh triết (khác với các mở mang kiến thức) khi kiến thức đã đạt, được:− [177]
a. Hữu ý tìm kiếm.
b. Áp dụng vào đời sống bằng cách tự hy sinh.
c. Tự nguyện sử dụng trong phụng sự tha nhân.
d. Sử dụng một cách thông minh trên phương diện tiến hoá.
Chỉ những linh hồn có một mức độ kinh nghiệm và phát triển nhất định mới thực hiện được cả bốn điều này một cách kiên trì, đều đặn, để chuyển hoá kiến thức thành minh triết, và kinh nghiệm thành phẩm tính. Người thường nhân chuyển hoá vô minh thành hiểu biết, và kinh nghiệm thành năng khiếu. Thật là hữu ích khi tất cả chúng ta suy gẫm sự khác nhau giữa phẩm tính cố hữu và năng khiếu bẩm sinh; một đằng là chính bản tính bồ- đề hay minh triết, và đằng kia là manas, hay trí tuệ. Sự kết hợp cả hai, qua nỗ lực hữu thức của hành giả, tạo thành một cuộc điểm đạo chính yếu.
Các kết quả này được mang lại bằng hai cách:− Thứ nhất, bằng tự nỗ lực của chính hành giả, đúng lúc đưa y đến mức tìm thấy trung tâm tâm thức của chính mình, hoàn toàn được sự dẫn dắt của Chân nhân tức là vị chủ tể ở nội tâm, qua nỗ lực mạnh mẽ và cố gắng khó nhọc, giải rõ được bí nhiệm của vũ trụ, ẩn giấu trong chất liệu vật chất được truyền năng lượng Fohat. Thứ hai, bằng những nỗ lực của hành giả, bổ trợ bởi sự cộng tác yêu thương và thông minh của các Thức giả của nhân loại, là các Chân sư Minh triết. Trong trường hợp này diễn tiến sẽ nhanh hơn, vì, nếu muốn, hành giả sẽ được giáo huấn, và do đó, nếu phần y đã có được những điều kiện đúng đắn, thì y sẽ được phép sử dụng kiến thức và sự giúp đỡ của các Đấng đã thành đạt. Để ích dụng được sự trợ giúp này, y phải làm việc với vật chất của cơ thể chính mình, kiến tạo loại vật chất đúng đắn thành hình thể có trật tự, vì thế phải học cách phân biện khi chọn lựa vật chất, và phải hiểu các định luật rung động và kiến tạo. Điều này bao [178] gồm sự thấu đáo phần nào những định luật quản trị các trạng thái Brahma và Vishnu; nó có nghĩa là khả năng rung động chính xác ở cấp nguyên tử, và phát triển phẩm tính hấp dẫn, vốn là cơ sở của kiến tạo, hay là trạng thái Vishnu.
Y cũng phải trang bị thể trí của mình để nó có thể giải thích và truyền đạt, chứ không phải là một yếu tố trở ngại như hiện nay. Y cũng phải phát triển hoạt động tập thể, và học cách làm việc phối hợp với các thành viên khác. Đây là những điều chính yếu mà hành giả phải hoàn tất trên đường điểm đạo; khi đã thực hiện được chúng, y sẽ tìm thấy Đường Đạo, sẽ thấy được rõ ràng, và bấy giờ sẽ nhập vào hàng các vị Thức giả.
Một điểm khác cần ghi nhớ là nỗ lực này khiến mọi người cộng tác một cách thông minh với ĐĐCG, và huấn luyện để họ có thể gia nhập hàng ngũ Huyền giai, như trước đã có nói, là một nỗ lực đặc biệt (đã phát khởi vào thời Atlantis và tiếp tục cho đến ngày nay) do ĐĐCG của hành tinh này thực hiện, và phần lớn là có tính chất thí nghiệm. Phương pháp để một người nhận vị trí hữu thức trong cơ thể của một Đấng Thiên Nhân trong các hệ hành tinh khác nhau, đều khác biệt. Đấng sử dụng hệ hành tinh chúng ta làm thể biểu hiện, chọn cách làm việc đặc biệt này trong thời kỳ đặc biệt này cho các mục đích cụthể của Ngài; đó là một phần của tiến trình làm sinh động một trong các luân xa của Ngài, và nối kết luân xa tim của Ngài với phần liên kết của nó trong luân xa ở đầu. Khi các luân xa khác của Ngài được làm sinh động và hoạt động đầy đủ, thì có thể theo những phương pháp khác nhau nhằm kích thích các tế bào trong cơ thể Ngài (các Chân thần của nhân loại và thiên thần), nhưng hiện nay thì Điểm đạo Thần trượng vũ trụ—áp dụng cho Đấng Thiên Nhân theo cách gần y như cách các thần trượng thứ yếu được áp dụng cho con người—đang được sử dụng theo cách nào để tạo được sự kích thích rõ rệt biểu lộ trong hoạt động của con người trên Đường Dự Bị và trên Đường Điểm Đạo. [179] Thế nên hành giả phải nhận ra tính chất chu kỳ của điểm đạo, vàvị trí của tiến trình này trong thời gian và không gian. Đây là một thời kỳ hoạt động đặc biệt trong chu kỳ của Đấng Thiên Nhân, và nó thể hiện trên hành tinh chúng ta thành một thời kỳ rộng lớn gồm các thử thách hay trắc nghiệm điểm đạo; tuy nhiên, đây cũng là một thời kỳ làm sinh động và mang đến nhiều cơ hội.
Chúng ta cũng phải cố gắng nhận thức sự kiện rằng điểm đạo có thể được thấy xảy ra trên ba cõi trong tam giới, và bao giờ cũng phải ghi nhớ giá trị và vị trí tương đối của đơn vị, hay tế bào, trong cơ thể của Đấng Thiên Nhân. Ở đây, điểm cần nhấn mạnh là các cuộc điểm đạo chính yếu, hay các cuộc điểm đạo trí tuệ, là những cuộc điểm đạo nhận được trên cõi trí và trong thể nguyên nhân. Chúng đánh dấu trình độ tiến hoá mà đơn vị nhận thức được thực sự, chứ không chỉ trên lý thuyết, sự đồng nhất của y với Vị Con của Trí tuệ thiêng liêng mà y giữ một vị trí trong cơ thể của Ngài. Có thể nhận các cuộc điểm đạo ở cõi trần, cõi cảm dục, và cõi hạ trí, nhưng chúng không được xem là các cuộc điểm đạo chính yếu, và không phải là một sự kích thích hữu thức, được phối hợp và thống nhất, liên hệ đến toàn thể con người.
Do đó, hành giả có thể được điểm đạo trên mỗi cảnh giới, nhưng chỉ cuộc điểm đạo nào đánh dấu sự chuyển dời của y từ bốn thể thấp lên ba thể cao mới được xem là điểm đạo theo đúng nghĩa, và chỉ những cuộc điểm đạo nào trong đó hành giả chuyển tâm thức từ bốn nguyên khí thấp lên tam nguyên thượng mới là các cuộc điểm đạo chính yếu. Do đó, chúng ta có ba cấp điểm đạo:—
Thứ nhất, các cuộc điểm đạo trong đó hành giả chuyển tâm thức từ bốn phân cảnh thấp của cõi trần, cõi cảm dục và cõi trí theo thứ tự, lên ba phân cảnh cao. Khi điều này được thực hiện trên cõi trí, thì hành giả là một đệ tử, một điểm đạo đồ, một vị cao đồ theo nghĩa chuyên môn. Bấy giờ vị [180] này dùng mỗi một trong ba phân cảnh cao của cõi trí làm một điểm từ đó tìm cách hoàn toàn ra khỏi tam giới của cuộc biểu hiện nhân loại và nhập vào tam nguyên thượng. Thế nên, rõ ràng là các cuộc điểm đạo được xem là thứ yếu đều có thể nhận ở cõi trần và cõi cảm dục, có sự chế ngự hữu thức ba phân cảnh cao của các cõi này. Đây là các cuộc điểm đạo thực sự, nhưng không giúp hành giả trở thành một Chân sư Minh triết hiểu theo nghĩa chuyên môn. Y chỉ là một cao đồ ở cấp thấp hơn.
Thứ hai, các cuộc điểm đạo trong đó hành giả chuyển tâm thức từ cảnh giới này đến cảnh giới khác, thay vì từ phân cảnh đến phân cảnh. Đây là một điểm cần được nhận thức cẩn thận. Một vị Chân sư Minh triết thực sự không những đã đạt được các cuộc điểm đạo thứ yếu nêu trên, mà còn đạt được năm bước gồm trong việc chế ngự hữu thức năm cảnh giới tiến hoá của nhân loại. Bấy giờ, Ngài còn phải đạt hai cuộc điểm đạo cuối cùng, giúp Ngài thành một vị Đế quân ở cấp thứ sáu, và một vị Phật, trước khi sự chế ngự đó được nới rộng đến hai cảnh giới còn lại của thái dương hệ. Thế nên, hiển nhiên là đúng khi nói đến bảy cuộc điểm đạo, nhưng cũng vẫn đúng khi kể ra năm, mười, hay mười hai cuộc điểm đạo. Vấn đề này thật rắc rối đối với môn sinh huyền bí học, vì đương nhiên là họ không biết gì về một số yếu tố huyền bí mà cho đến nay đối với họ vẫn hoàn toàn không thể hiểu. Các yếu tố này được tạo nên trong cá tính của chính Đấng Thiên Nhân, và gồm các bí nhiệm về nghiệp quả của riêng Ngài, mục tiêu Ngài có thể nhắm đến cho một chu kỳ nào đó, và sự chuyển hướng chú ý của Chân nhân cấp vũ trụ của một vị Thiên Nhân đến phản ảnh của Ngài, là vị Thiên Nhân đang tiến hoá của một thái dương hệ.
Một yếu tố khác nữa cũng có thể thấy trong một số thời kỳ kích thích, và tăng cường sinh động, như khi một cuộc [181] điểm đạo vũ trụ tạo ra. Các ảnh hưởng ngoại lai này đương nhiên tạo những kết quả nơi các đơn vị hay các tế bào trong cơ thể của Đấng Thiên Nhân, và thường đưa đến những biến cố bất ngờ và có vẻ không thể giải thích được.
Thứ ba, những cuộc điểm đạo mà trong đó một vị Thiên Nhân có thể nhận một cuộc điểm đạo thứ yếu hay chính yếu, và do thế bao gồm trọn cả bản tính Ngài. Ví dụ như, khi cuộc biệt lập ngã tính xảy ra trong thời kỳ Lemuria, hay căn chủng thứ ba, và gia đình nhân loại đã dứt khoát xuất hiện trong chu kỳ này; đây là một cuộc điểm đạo chính yếu cho Đấng Thiên Nhân của chúng ta. Sự kích thích hiện nay trong nỗ lực của ĐĐCG đang đưa đến một cuộc điểm đạo thứ yếu. Mỗi đại chu kỳ có một cuộc điểm đạo chính yếu của Đấng Thiên Nhân, xảy ra trên một trong các bầu hành tinh, và đây cũng là điều phức tạp rất đáng cho chúng ta suy gẫm.
Ngoài ba điểm nói trên chúng ta cũng có thể vắn tắt nói thêm về sự xảy đến hay ra đi của một cung nào đó. Không thể nói nhiều về điều này, vốn là một điều hết sức khó khăn, và có thể tóm tắt trong ba phần phát biểu sau đây:
Thứ nhất, các cuộc điểm đạo nhận được trên bốn cung thứ yếu không ngang cấp với các cuộc điểm đạo nhận được trên ba cung chính yếu. Điều này hơi khó hiểu do sự kiện là bên trong hệ hành tinh, trong cuộc tiến hoá theo chu kỳ, một cung phụ có thể tạm thời được xem là một cung chính yếu. Ví dụ như, vào lúc đặc biệt này của hệ hành tinh chúng ta, Cung bảy, cung Định luật Nghi lễ hay Trật tự, được xem là một cung chính, là cung tổng hợp, và là cung trên đó Đức Văn Minh Đại Đế đang phối hợp công việc của Ngài.
Thứ hai, ba cuộc điểm đạo đầu tiên được nhận trên cung của Chân nhân, và liên kết hành giả với Huyền Môn Chánh Đạo; hai cuộc điểm đạo sau được nhận trên cung của Chân thần, và có một hiệu quả rõ rệt trên con đường phụng sự mà vị Chân sư chọn về sau. Lời phát biểu này phải được kết hợp với lời phát biểu trước đây, nói [182] rằng cuộc điểm đạo thứ năm giúp hành giả trở nên một thành viên của Huyền giai hay Huyền môn vĩ đại hơn trên Sirius, và thực sự là cuộc điểm đạo thứ nhất của Sirius. Cuộc điểm đạo thứ tư là tổng hợp các cuộc điểm đạo Ngưỡng cửa trong Huyền giai Sirius. Cuối cùng, tùy theo cung hành giả được điểm đạo, mà phần lớn con đường phụng sự về sau thuộc vào đó.
Ngày Cơ hội.
Câu hỏi có thể dặt ra ở đây là kiến thức này có phần nào giá trị đối với môn sinh chăng. Để minh giải điều này, các môn sinh nên khôn ngoan suy gẫm kỹ ý nghĩa sự giáng nhập của Cung hiện nay, là cung Định luật Nghi lễ hay Pháp thuật. Đó là cung vận dụng các mãnh lực kiến tạo của thiên nhiên, liên quan đến việc trạng thái sự sống sử dụng hình thể một cách thông minh. Đây chính yếu là cung của công tác chấp hành, có mục đích kiến tạo, phối hợp và tạo sự nối kết trong bốn giới thấp của thiên nhiên. Nó được phân biệt chính yếu bởi năng lượng tự biểu hiện trong nghi lễ, nhưng từ nghi lễ này không được thu hẹp đến mức sử dụng hiện nay của nó trong nghi lễ của hội Tam Điểm hay tôn giáo. Áp dụng của nó thì rộng lớn hơn rất nhiều, và gồm các phương pháp tổ chức được phô diễn trong tất cả các cộng đồng văn minh, như trong giới thương mại hay tài chính, và các tổ chức kinh doanh lớn ở khắp nơi. Trên hết mọi sự, điều thú vị ở chỗ đây là cung mang cơ hội đến cho các giống dân Tây phương, và qua trung gian của mãnh lực sự sống của tổ chức thừa hành, của sự quản trị bằng luật lệ và trật tự, bằng tiết điệu và nghi thức, sẽ đến lúc các chủng tộc Tây phương (với trí tuệ cụ thể, tích cực và năng lực làm việc rộng lớn của họ) có thể được điểm đạo— một cuộc điểm đạo mà chúng ta phải nhớ là trên một cung tạm thời được thừa nhận là một cung chính. Phần đông các điểm đạo [183] đồ và những vị đã đạt được trình độ Chân sư trong chu kỳ trước, là người Đông phương và trong xác thân người Ấn. Chu kỳ đó đã do cung sáu cùng hai cung trước thống ngự, và đang trôi qua. Để giữ thế quân bình, nay sẽ đến một thời kỳ thành đạt của người Tây phương, trên một cung thích hợp với loại trí tuệ của họ. Nên ghi nhận điều thú vị là mẫu người Đông phương đạt mục tiêu của họ qua tham thiền, với một phần nhỏ tổ chức chấp hành và nghi thức, còn người Tây phương sẽ thành đạt phần lớn qua tổ chức mà hạ trí tạo ra, và một lối tham thiền mà sự tập trung cao độ trong công việc có thể xem là một ví dụ. Sự áp dụng trí tuệ chuyên nhất của một thương gia người U hay người Mỹ có thể được xem là một loại tham thiền. Nếu sự áp dụng này dựa trên động lực nội tâm trong sạch, thời cơ tốt đẹp sẽ đến với người Tây phương.
Nếu chính họ ích dụng được thời cơ hiện nay, và tuân thủ các qui luật để tiến bước trên Đường Đạo, nhiều người Tây phương sẽ có cơ hội đạt được các bước tiến xa hơn này. Người nào cũng có thể tìm thấy cơ hội đó nếu họ có đủ điều kiện sẵn sàng, ở ngay nơi họ đang sống, trong các hoàn cảnh quen thuộc của đời thường. Họ sẽ tìm thấy cơ hội đó khi chú tâm làm tròn bổn phận, khi vượt qua các trắc nghiệm và thử thách, khi tuân hành tiếng nói của Thượng Đế nội tâm vốn là dấu hiệu của mọi ứng viên điểm đạo. Điểm đạo bao gồm mọi điều được thực hiện hết ngày này sang ngày khác bởi những ai hữu thức cố gắng tự rèn luyện:− y sẽ được Chân sư (hoặc Thượng Đế nội tâm hay là Chân sư của hành giả, nếu y hữu thức biết được Ngài) chỉ rõ điểm kế tiếp cần đạt, phần việc kế tiếp cần hoàn thành, và lý do tại sao. Rồi vị Huấn sư đứng qua một bên và theo dõi mức thành đạt của người chí nguyện. Trong lúc trông nom, Ngài nhận ra [184] các thời điểm khủng hoảng của y, khi việc áp dụng trắc nghiệm sẽ thực hiện được một trong hai việc—xin tạm gọi—là hội tụ và phân tán bất cứ điều tà vạy nào còn chưa được chế ngự, và cho người đệ tử thấy được cả các nhược điểm và ưu điểm của y. Chính phương pháp này cũng có thể thấy trong các cuộc điểm đạo lớn, và khả năng của người đệ tử có thể vượt qua được các trắc nghiệm và các giai đoạn này tùy theo khả năng y đáp ứng và vượt qua các trắc nghiệm nhỏ hơn trong đời thường. “Người nào trung thực trong việc nhỏ nhất thì cũng trung thực trong việc lớn lao,” là lời phát biểu huyền bí đúng thực tế, và nên thấm nhuần tất cả các hoạt động thường ngày của người chí nguyện chân chính; cái “lớn lao” được chế ngự và vượt qua, bởi vì nó được xem chỉ là một sự tăng cường của cái bình thường, và không điểm đạo đồ nào đã từng vượt qua được cuộc trắc nghiệm lớn của điểm đạo mà chưa hề quen tự mình vượt qua được các trắc nghiệm nhỏ mỗi ngày trong cuộc sống; bấy giờ y sẽ xem các thử thách là bình thường, và khi gặp phải, y xem chúng là một phần của cấu trúc bình thường trong đời sống của y. Khi y đã đạt và giữ được thái độ trí tuệ này, thì sẽ không có điều ngạc nhiên hay thất bại nào khả dĩ xảy ra.
185
CHƯƠNG XVIII
BẢY CON ĐƯỜNG
Như chúng ta đã thấy, trong kinh sách ít có đề cập đến bảy Con Đường mở ra trước người đã được điểm đạo lần thứ năm. Hiển nhiên là không thể, và cũng không cần đưa vào trí tuệ chúng ta bất cứ ấn tượng nào về tầm quan trọng của các con đường này, hay các thuộc tính cần có để dấn bước lên đó. Theo thời gian, và khi nhân loại đạt được trình độ phát triển cao hơn, chúng ta sẽ có thể hiểu biết nhiều hơn, nhưng theo luật tiết kiệm thì các Huấn sư của nhân loại không ích gì phải cố gắng dạy chúng ta về các đặc tính cần có để bước lên bảy Con Đường này, trước khi chúng ta còn phải thấu đáo hay phát triển những điều cần thiết để vượt qua Con Đường Dự Bị, chứ đừng nói là Con Đường Điểm Đạo.
Sự kiện tổng quát duy nhất chúng ta đã biết, là trước khi có thể bước lên những Con Đường này, hành giả phải là một Chân sư Minh triết, phải là một Huynh trưởng Từ ái, và phải có khả năng vận dụng định luật, qua thông tuệ và bác ái. Phần việc của chúng ta hiện nay là tự chuẩn bị đủ điều kiện để bước vào Con Đường Điểm Đạo, bằng giới luật của Con Đường Dự Bị, bằng cách thận trọng điều hành cuộc sống, tuân hành định luật theo mức mình hiểu biết, và phụng sự nhân loại. Khi đã được giải thoát, bấy giờ bảy Con Đường này sẽ mở ra trước mắt, và chúng ta sẽ thấy rõ mình nên bước lên Con đường nào. Trong thái [186] dương hệ này, tất cả đều vận hành theo đại luật hấp dẫn, thế nên, rất có thể sự chọn lựa của chúng ta tùy theo mức độ rung động, màu sắc và âm điệu của chúng ta. Ý chí tự do vĩ đại hơn của hệ vũ trụ cũng có giới hạn, giống như ý chí tự do của hệ thái dương mà chúng ta là một thành phần, và ý chí tự do của chính con người. Chiều hướng bước tiến tương lai của chúng ta sẽ tùy theo phẩm tính bẩm sinh.
Có thể kể ra bảy Con Đường này như sau, và có thể đưa ra một số suy diễn, căn cứ trên luật tương ứng, luôn luôn chúng ta cần phải nhớ rằng ngôn từ chỉ dùng để che giấu hơn là minh giải, và chỉ có thể đưa ra những chi tiết vắn tắt nhất.
1. Con Đường Phụng Sự trên Địa Cầu.
Đây là Con Đường khiến hành giả liên kết với ĐĐCG, các Ngài thệ nguyện phụng sự và trợ giúp cuộc tiến hóa của hành tinh chúng ta. Đoàn gồm những vị làm việc dưới quyền Đức Chúa Tể Hoàn Cầu, với các Chân sư Minh triết được phân thành bảy nhóm. Không có nhiều Chân sư đi theo Con Đường này như các vị trên những Con Đường khác, và chỉ đủ số vị được phép chọn Con Đường này để xúc tiến thỏa đáng cuộc tiến hóa hành tinh. Chúng ta biết nhiều về Con Đường này hơn các Con Đường khác, và sẽ biết được nhiều hơn khi các thành viên của nhân loại hội đủ điều kiện tiếp xúc với Đại Đoàn Huynh Trưởng. Phạm vi các Ngài thu dụng nhân viên, phương pháp các Ngài làm việc, cuối cùng sẽ trở thành kiến thức ngoại môn, và khi bảy nhóm này được công nhận và biết đến, thì trình tự hợp lý sẽ là các trường phái phát triển để điền khuyết các chức vụ trong những nhóm này.
2. Con Đường Công Tác Từ Lực.
Những vị nào làm công việc vận dụng các mãnh lực, hay lực điện từ để các Đấng Cao Cả sử dụng trên các cảnh giới, thì đi theo Con Đường này. Họ điều động năng lượng tạo hình tinh hoa chất; vận dụng vật chất thuộc mọi tỉ trọng và mức độ rung động. [187] Họ vận dụng các đợt sóng tư tưởng lớn, các trào lưu công luận trên các cấp cảm dục, cũng như trên các cấp cao hơn, nơi các Đấng Cao Cả hoạt động. Một số đông những người thuộc cung năm, những người có cung Chân thần là Cung Kiến thức Cụ thể, đi theo đường lối cố gắng này. Phẩm tính cố hữu của loại Chân thần thường quyết định đường lối hoạt động, và nghiệp quả của cung năm là một trong những yếu tố tạo nên điều này. Các Chân thần này làm việc với Fohat, và phải làm việc cho đến cuối đại giai kỳ biểu hiện. Bấy giờ họ sẽ ở trên cõi trí vũ trụ, nhưng cho đến nay khả năng suy tư trừu tượng phát triển còn quá ít nên chúng ta không thể hiểu được ý nghĩa lời phát biểu này.
3. Con Đường Đào Tạo các Hành Tinh Thượng Đế.
Đây là Con Đường dành cho các vị sẽ nhận công tác của bảy vị Hành Tinh Thượng Đế của hệ thống tới, và những Phụ tá của các Ngài là bốn mươi chín vị Phó Hành Tinh Thượng Đế, cũng như các Đấng khác làm việc trong ngành đặc biệt này. Sẽ có bảy hệ thống, dù chúng ta chỉ liên quan đến ba hệ thống chính yếu, trong đó thái dương hệ của chúng ta hiện nay là hệ chính yếu thứ nhì. Mỗi vị Đế quân của một cung nhận một số điểm đạo đồ sáu lần điểm đạo và huấn luyện các vị đó đặc biệt cho công tác này; năng khiếu đặc biệt về màu sắc và âm thanh đưa đến sự chọn lựa này, và khả năng làm việc với “tâm hồn” hay các linh hồn đang tiến hóa là đặc điểm của ứng viên vào chức vụ cao cả này. Có thể nói các Hành Tinh Thượng Đế là các nhà tâm lý học thiêng liêng, nên trong việc đào tạo cho chức vụ này thì tâm lý học là môn căn bản, dù rằng đó là một môn tâm lý học mà cho đến nay chúng ta chưa thể quan niệm được. Trong hành tinh đặc biệt của chính Ngài, mỗi vị Hành Tinh Thượng Đế đều có những trường để phát triển các vị phụ tá Thượng Đế, ở đó huấn luyện các Vị cho chức vụ cao cả này, cho các Vị có cơ hội đạt kinh nghiệm [188] rộng lớn. Ngay cả các vị Thượng Đế cũng tiếp tục tiến tới, và địa vị của các Ngài cần được thay thế.
4. Con Đường đến Sirius.
Rất ít điều gì có thể truyền đạt về Con Đường này, và chỉ có thể nêu lên mối quan hệ mật thiết lạ lùng giữa con đường này và Pleiades (Chòm sao Thất tinh), chứ không thể suy đoán thêm. Đa số những người trong nhân loại đã giải thoát đều đi theo đường này, và triển vọng mang lại những khả năng vinh diệu. Bảy ngôi sao của Pleiades là mục tiêu cho bảy mẫu người, và điều này được ngụ ý bằng câu nói trong Cổ Thư của Job, “Người có thể nào giữ được ảnh hưởng dịu dàng của chòm sao Thất tinh?” Trong bí nhiệm của ảnh hưởng này và trong bí mật của mặt trời Sirius, có ẩn các sự kiện thực về cuộc tiến hóa của vũ trụ chúng ta, và do đó, của thái dương hệ chúng ta.
5. Con Đường của Các Cung.
Thật khó biết tên nào khác để gọi Con Đường này, vì chúng ta biết về nó quá ít. Đi theo đường này, hành giả tiếp tục ở trên cung của mình, và làm việc theo đó trong các giới khác nhau, trên tất cả các cõi, thi hành các mệnh lệnh của Đức Chúa Tể Hoàn Cầu, và làm việc theo sự điều hành của Ngài. Nó đưa hành giả đến khắp nơi trong thái dương hệ, nhưng vẫn dứt khoát liên kết y với cung tổng hợp. Đây là một con đường rất khó khăn, phức tạp, vì nó cần một năng lực toán học tinh vi, cao cấp, và khả năng làm việc bằng phương pháp hình học, theo cách mà bộ óc thuộc ba bề đo của chúng ta không thể thấu hiểu. Vị nào chọn con đường này thì thấy luật rung động có tầm quan trọng sâu xa. Trước hết, Ngài làm việc trong phòng hội đồng của Đức Chúa Tể Hoàn Cầu ở Shamballa, vận dụng luật rung động trên cung của chính Ngài. Về sau, Ngài sẽ ở trên một hành tinh tương ứng với [189] cung của chính Ngài, và không ở địa cầu, trừ khi Ngài có cùng cung với vị Hành Tinh Thượng Đế cai quản địa cầu. Về sau, khi tiến bộ hơn, Ngài lại chuyển đến mặt trời; bấy giờ, khi đã thấu đáo được tất cả những gì liên quan đến sự rung động trong thái dương hệ này, Ngài sẽ chuyển đến một hệ vũ trụ, rời cung của chính Ngài (vốn là một cung phụ của một cung vũ trụ), để tiếp tục chuyển đến cung vũ trụ tương ứng.
Giống như cuộc tiến hóa của con người trong thái dương hệ này có năm giai đoạn, trên đây chúng ta cũng đã kể năm Con Đường chính mà một vị Chân sư phải chọn. Chúng ta chỉ có thể đề cập đến hai con đường còn lại một cách vắn tắt hơn nữa, vì chỉ rất ít những người thật tiến hóa mới bước vào đó, do phải cần mức thành đạt cao khi nhập vào, và vị nào đi vào những con đường đó đều hoàn toàn ra khỏi thái dương hệ. Chúng không đưa đến Sirius như một số con đường khác.
Xin nhớ là bốn nhóm còn lại trong thái dương hệ, cuối cùng sau những kỳ gian lâu dài, xa xăm, sẽ chuyển đến các cảnh giới vũ trụ. Một nhóm chuyển trực tiếp đến Sirius, và hai nhóm còn lại, sau khi được điểm đạo, chuyển trực tiếp đến cảnh giới vũ trụ, không có thời kỳ công tác trung gian trên địa cầu, trong thái dương hệ, hay trên Sirius. Hai Con Đường này là:
6. Con Đường chính Đức Thái Dương Thượng Đế đang đi.
Tất cả các môn sinh huyền bí đã nghiên cứu cẩn thận các tiến trình của thế giới sẽ thấy rõ trong ánh sáng của luật tương ứng, rằng Đức Thái Dương Thượng Đế trên các cảnh giới vũ trụ đang phát triển nội nhãn thông vũ trụ, giống như con người ở cấp độ thấp hơn đang nhằm phát triển nhãn quan tương tự trong thái dương hệ. Có thể gọi điều này là sự phát triển con mắt thứ ba cấp vũ trụ. Trong cấu trúc của con mắt ở cõi trần có ẩn sự bí mật này, và khi nghiên cứu nó, chúng ta có thể được khải thị phần nào bí nhiệm. [190] Một bộ phận nhất định của mắt là trung tâm của thị giác, và chính là dụng cụ để nhìn; phần còn lại của mắt giữ vai trò lớp vỏ bảo vệ, cả hai phần đều cần thiết, và không phần nào có thể tồn tại mà thiếu phần kia. Trong trường hợp vĩ đại hơn cũng vậy, nhưng sự tương đồng trên các cấp cao siêu đến đỗi nếu dùng ngôn từ diễn tả thì chỉ làm lu mờ chân lý. Một số người con của nhân loại, một nhóm trung tâm đã đạt một cấp điểm đạo rất cao trong thái dương hệ trước, đã hình thành một nhóm nội môn chung quanh Đức Thái Dương Thượng Đế khi Ngài quyết định tiến bước xa hơn. Kết quả là Ngài tạo thành thái dương hệ này, vì ý muốn lâm phàm cấp vũ trụ thúc đẩy Ngài đi tới. Nhóm nội môn này ở lại với Đức Thượng Đế trên cõi nguyên tử, hay cõi thứ nhất của thái dương hệ, trên phương diện chủ quan nội tại, và trong một ý nghĩa huyền bí, nhóm này tương ứng với đồng tử của mắt. Quê hương thật của các Đấng Cao Cả này ở trên cõi bồ-đề vũ trụ.
Dần dần, nhờ nỗ lực lớn lao, một số Chân sư đã hội đủ điều kiện, hoặc đang tự chuẩn bị cho đủ điều kiện để nhận địa vị các thành viên nguyên thủy của nhóm này, cho phép các Ngài trở về một trung tâm vũ trụ mà thái dương hệ chúng ta và hệ vĩ đại hơn là Sirius đang quay chung quanh. Thỉnh thoảng mới có một vị Chân sư hội đủ các điều kiện cần thiết, vì điều này bao gồm sự phát triển một lối ứng đáp nhất định với các rung động vũ trụ, tức là chuyên về nội nhãn thông và phát triển nhãn thông vũ trụ đến mức nào đó. Nhiều vị trong trường tiến hóa thiên thần đi vào con đường này hơn là nhân loại. Nhân loại đi theo con đường này qua trường tiến hóa thiên thần, mà có thể nhập vào nhờ chuyển đến Con Đường thứ năm, Con Đường của các cung. Hai trường tiến hóa trên có thể hợp nhất trên Con Đường thứ năm, và từ Con Đường thứ năm có thể nhập vào Con Đường thứ sáu.
7. Con Đường Địa Vị Chúa Con Tuyệt Đối.
Địa vị Chúa Con này là tương ứng trên cảnh giới Cao nhất với cấp bậc trên Đường Đệ Tử mà chúng ta gọi là “Con của Chân [191] sư.” Đó là địa vị Chúa Con của một Đấng cao siêu hơn Đức Thái Dương Thượng Đế chúng ta, mà chúng ta không được phép đề cập đến. Đây là con đường vĩ đại điều hành nghiệp quả. Các vị Nghiệp Quả Tinh Quân ở trên Con Đường này, tất cả những vị nào thích hợp với đường lối làm việc này, và thân cận với Đức Thái Dương Thượng Đế theo nghĩa mật thiết cá nhân, đều chuyển vào Con Đường Địa Vị Chúa Con Tuyệt Đối. Đây là Con Đường của những vị thân thiết đặc biệt với Đức Thượng Đế, và Ngài trao vào tay Họ việc thanh toán nghiệp quả trong thái dương hệ. Họ biết các mong muốn, ý chí và mục đích của Ngài và được giao cho thi hành các mệnh lệnh của Ngài. Nhóm này cộng sự với Đức Hành Tinh Thượng Đế, tạo thành một nhóm đặc biệt, được liên kết với một vị Thượng Đế còn cao siêu hơn nữa.
[192]
CHƯƠNG XIX
CÁC QUI LUẬT DÀNH CHO ỨNG VIÊN ĐIỂM ĐẠO
Có một số câu châm ngôn và huấn thị mà ứng viên điểm đạo cần nghiên cứu và tuân hành. Giữa các thuật ngữ “người chí nguyện tìm đạo” và “ứng viên điểm đạo” có sự khác biệt rất lớn. Người có chí nguyện và phấn đấu hướng về con đường đệ tử không hề bị ràng buộc có cùng một thái độ hay giới luật đặc biệt như trường hợp ứng viên điểm đạo, và nếu muốn, y có thể đi Con Đường Dự Bị bao lâu cũng được. Người muốn được điểm đạo thì ở trong một vị thế khác hẳn, và một khi đã dấn thân, y phải đặt cuộc đời mình theo một qui luật nhất định, với một chế độ nghiêm nhặt, mà đối với người đệ tử chỉ là nhiệm ý.
Mười bốn qui luật được đưa ra ở đây, trích từ một loạt các giáo huấn, sưu tập cho những người cố gắng để được điểm đạo lần thứ nhất.
CÁC QUI LUẬT DÀNH CHO ỨNG VIÊN
Qui luật 1.
Người đệ tử hãy tìm trong chốn sâu thẳm của tâm hồn mình. Nếu ở đó có ngọn lửa cháy sáng, sưởi ấm cho huynh đệ y chứ không sưởi ấm cho chính y, thì đã đến lúc y xin được đứng trước Cửa Đạo.
Khi tình thương dành cho cả chúng sinh, không phân biệt, bắt đầu là một sự kiện thực trong tâm hồn người đệ tử, và y [193] không dành tình thương cho chính mình, thì đó là dấu hiệu cho thấy y đang đến gần Cửa Điểm Đạo, và có thể đưa ra những lời cam kết sơ bộ cần thiết. Cần có những điều này, trước khi Chân sư y đưa tên y vào danh sách các thí sinh điểm đạo. Nếu y không bận tâm đến sự khổ đau của phàm ngã, nếu y vẫn điềm nhiên dù hạnh phúc có đến trên đường của y hay không, nếu mục đích duy nhất của đời y là phụng sự và cứu độ thế gian, và nếu y thấy nhu cầu của huynh đệ y là quan trọng hơn chính mình, thì bấy giờ ngọn lửa bác ái tỏa sáng cuộc sống y, và thế gian có thể sưởi ấm ở nơi y đến. Tình thương này phải là một sự biểu lộ thực tế, đã được trắc nghiệm, chứ không chỉ là lý thuyết, hay chỉ là lý tưởng thiếu thực tế và tình cảm vui thích. Đó là điều đã tăng trưởng qua các thử thách và trắc nghiệm của đời sống, vì thế sức thôi thúc nền tảng này của cuộc sống hướng đến sự xả kỷ và hy sinh phàm tính.
Qui luật 2.
Khi đã cầu xin dưới ba hình thức, bấy giờ người đệ tử hãy rút lại lời cầu xin, và quên đi việc làm đó.
Đây là một trong những trắc nghiệm sơ khởi. Thái độ trí tuệ của người đệ tử phải là không bận tâm đến việc y có được điểm đạo hay không. Động cơ vị kỷ không được xen vào. Những lời cầu xin chỉ đến được Chân sư, khi năng lượng được phát khởi bởi động lực vị tha thuần khiết và được Ngài chuyển đến thiên thần lưu trữ hồ sơ của ĐĐCG. Chỉ những người đệ tử nào tìm cách được điểm đạo vì muốn được cấp thêm quyền năng để giúp đỡ và ban phúc, mới thấy lời kêu cầu của họ được đáp ứng. Những ai không quan tâm đến điểm đạo thì không nhận được phần thưởng huyền bí này, và những kẻ do ích kỷ hay tò mò, nôn nóng muốn tham dự các bí nhiệm, thì không vào được cửa Đạo, và phải gõ cửa ở bên ngoài. Những người nào quyết tâm phụng sự, những người nào nặng lòng nghĩ đến nhu cầu của thế giới, do [194] thế khơi dậy trách nhiệm cá nhân, và đã hoàn thành bổn phận theo luật, họ gõ cửa và được đáp ứng, họ cầu xin và được công nhận. Đó là những người phát ra lời kêu cầu được thêm quyền năng để trợ giúp, nó sẽ thấu đến các Đấng đang chờ trong im lặng.
Qui luật 3.
Lời kêu gọi phải tam phân, và phải phát ra trong thời gian lâu dài. Người đệ tử hãy thốt lên lời kêu gọi qua sa mạc, qua biển cả và qua những ngọn lửa chia cách y với cánh cửa bị che kín và ẩn giấu.
Qua các biểu tượng này, người đệ tử nhận được huấn thị hãy làm cho sa mạc của cuộc sống ở cõi trần bừng nở như hoa hồng, do đó từ khu vườn của đời sống hạ đẳng có thể trỗi lên những âm thanh, những mùi hương, và mức độ rung động đủ mạnh để vượt qua khoảng không gian ở giữa cõi trần và cửa Đạo; huấn thị hãy làm yên lặng những dòng nước xao động của cuộc sống xúc cảm, để mặt nước trong trẻo của nó có thể phản ánh cửa Đạo, và cuộc sống phàm nhân phản chiếu được sự sống tinh thần của thiên tính nội tại; huấn thị hãy đưa vào lò lửa thanh luyện các động cơ nội tâm, lời nói, và tư tưởng, vốn là nguồn gốc của hoạt động, để chúng có nguồn gốc từ cõi trí. Khi ba trạng thái biểu hiện này của Chân nhân, vị Thượng Đế nội tại, đã được chế ngự, điều hợp và sử dụng, thì bấy giờ dù rằng chính y chưa ý thức được, tiếng nói của người đệ tử sẽ được nghe thấy, với lời yêu cầu mở cửa Đạo. Khi cuộc sống phàm nhân ở cõi trần trở nên phong phú, sinh hoạt xúc cảm được ổn định và hoạt động trí tuệ được chuyển hóa, bấy giờ không điều gì có thể ngăn cản then gài cửa Đạo được cất lên cho người đệ tử đi qua. Chỉ nhờ rung động đồng bộ với rung động bên trong cửa Đạo mới khiến nó mở ra, và khi chủ âm của đời sống người đệ tử hòa hợp với sự sống [195] của ĐĐCG, thì bấy giờ các cánh cửa sẽ lần lượt mở ra, và không điều gì có thể giữ chúng còn đóng kín.
Qui luật 4.
Người đệ tử hãy trông nom cho ngọn lửa thiêng phát triển, hãy nuôi dưỡng các sinh linh hạ đẳng, để giữ cho bánh xe quay mãi.
Đây là huấn thị khiến người đệ tử nhớ trách nhiệm của mình đối với nhiều sinh linh hạ đẳng, tất cả hợp thành thể biểu hiện tam phân của y. Nhờ thế cuộc tiến hóa có thể thực hiện, và nhờ thế mà mỗi sinh linh trong các giới khác nhau của thiên nhiên, dù hữu thức hay không, đều hoàn thành chức năng của nó là làm sinh động đúng cách những gì mà đối với nó như hành tinh đối với mặt trời. Nhờ đó mà Thiên Cơ được triển khai một cách chính xác hơn. Thiên giới vốn ở nội tâm, và bổn phận của Chủ thể nội tâm gồm hai phần, một là đối với các sinh linh tạo thành thể xác, thể cảm dục và thể trí của y, và kế đó là đối với đại vũ trụ, thế giới mà trong đó tiểu vũ trụ chỉ là một phần vô cùng nhỏ.
Qui luật 5.
Ứng viên hãy để cho nhật thần làm lu mờ ánh sáng của nguyệt thần, chỉ còn lại nguồn sáng duy nhất trên bầu trời tiểu vũ trụ.
Muốn hoàn thành huấn thị này, tất cả các ứng viên cần thực hiện hai điều,
thứ nhất, nghiên cứu nguồn gốc của mình, nhận biết được tâm thái thật sự của chính mình hiểu theo huyền bí, và ý thức được một cách khoa học về thực tính của Chân nhân, hay Chân ngã, đang hoạt động trong thể nguyên nhân. Bấy giờ họ phải khẳng định thiên tính bẩm sinh của họ, ở cõi trần, qua trung gian của ba hạ thể, và ngày càng bày tỏ giá trị căn bản của mình. [196]
Thứ hai, nghiên cứu sự cấu tạo của con người, thấu hiểu cách hoạt động trong phàm tính, nhận thức được mối tương quan và tùy thuộc lẫn nhau của mọi sinh vật, và do đó chế ngự được các sinh linh hạ đẳng hợp thành ba thể biểu lộ. Do đó, Nhật thần, Thực tại nội tâm, Con của Đấng Cha Lành, và là Chủ thể Tư tưởng trên cảnh giới của mình trở thành trung gian giữa những gì thuộc về trần thế và những gì có nguồn gốc bên trong mặt trời. Có hai câu trong Kinh Thánh hàm chứa phần nào ý tưởng này, và rất hữu ích nếu được các môn sinh Tây phương dùng để tham thiền:− “Các nước trên thế gian này trở thành nước của Chúa Trời và của Đức Con Ngài.” “Lạy Chúa, Đấng Thượng Đế chúng con, các thần khác Ngài đã thống trị chúng con, nhưng chỉ bởi Ngài mà chúng con kêu cầu đến Thánh danh Ngài.” Câu sau đặc biệt thú vị, vì nó biểu thị sự chế ngự của cái có nguồn gốc cao siêu trên âm thanh và lực sáng tạo cấp thấp.
Qui luật 6.
Những ngọn lửa thanh luyện cháy yếu ớt khi giới thứ ba bị hy sinh cho giới thứ tư. Thế nên, người đệ tử hãy thôi, không chiếm lấy mạng sống, và hãy nuôi dưỡng phần thấp nhất bằng sản phẩm của giới thứ hai.
Có thể tóm tắt qui luật này bằng giáo huấn thông thường rằng mỗi đệ tử phải là người ăn chay nghiêm nhặt. Phàm tính trở nên trì trệ, nặng nề, và ngọn lửa nội tâm không thể chói rạng khi có thịt trong thực phẩm. Đây là một nghiêm luật đối với các ứng viên và không được phép vi phạm. Người tìm đạo có thể chọn việc ăn thịt hay không tùy thích, nhưng đến một giai đoạn nhất định trên đường đạo thì điều thiết yếu là phải ngưng mọi lối ăn thịt, và phải hết sức nghiêm nhặt chú ý đến thực phẩm. Người đệ tử phải tự giới hạn trong việc sử dụng rau đậu, ngũ cốc, trái cây và hạt có dầu. Chỉ bằng cách này y mới có thể kiến tạo được một [197] loại thể xác có thể chịu đựng nổi sự giáng nhập của Chân nhân đã đứng trước Đấng Điểm Đạo trong các thể thanh của mình. Nếu y không thực hiện qui luật này, và nếu y có thể được điểm đạo mà không tự chuẩn bị trước như thế, thì chắc hẳn thể xác sẽ bị tan vỡ do năng lượng tuôn đổ qua các luân xa mới được kích thích, và có thể mang lại mối nguy hiểm lớn lao cho não bộ, xương sống hoặc tim.
Dĩ nhiên ở đây chúng ta phải công nhận rằng không bao giờ có thể đưa ra những qui luật nào cứng nhắc hay cố định, ngoại trừ qui luật đầu tiên là đối với tất cả các ứng viên điểm đạo tuyệt đối cấm thịt, cá, và tất cả các thức uống có lên men cũng như thuốc lá. Những người nào có thể chịu được thì đôi khi tốt hơn nên loại bỏ trứng và phó-mát ra khỏi thực phẩm, nhưng điều này không hề bắt buộc. Luôn luôn có lời khuyên những người đang trong tiến trình phát triển mọi loại quan năng thần thông không nên ăn trứng và rất ít phó-mát. Sữa và bơ thì thuộc loại khác, và hầu hết các điểm đạo đồ và các ứng viên thấy cần phải duy trì chúng trong thực phẩm. Một số ít người phi thường có thể tiếp tục duy trì đầy đủ năng lượng thể chất bằng chế độ ăn uống nêu trong đoạn trước, nhưng đó là sự thể hiện có tính cách lý tưởng, và như chúng ta đều biết, điều lý tưởng ít khi đạt được trong thời kỳ chuyển tiếp hiện nay.
Trong vấn đề này, có hai điều cần được chú trọng:
Một là, tất cả các ứng viên đều phải có lương tri, trí phán đoán thông minh, thực tế; yếu tố này thường khi bị thiếu, và các môn sinh nên nhớ rằng những kẻ cuồng tín mất thăng bằng thì không phải là những thành viên tốt của ĐĐCG. Thăng bằng, ý thức tỉ lệ đúng đắn, xem xét thích đáng các điều kiện hoàn cảnh, và lương tri lành mạnh, là những dấu hiệu của huyền bí gia chân chính. Khi có thêm một ý thức hài hước thực sự, thì sẽ tránh được nhiều nguy hiểm.
Hai là, nhận thức được yếu tố thời gian, và khả năng tiến hành chậm rãi khi thực hiện các thay đổi chế độ ăn uống và những thói quen trong một kiếp sống. Mọi sự trong thiên nhiên [198] đều tiến triển chậm rãi, và các ứng viên phải biết chân lý huyền bí của câu nói: − “Hãy hành động nhanh chóng một cách chậm rãi.” Một tiến trình loại bỏ dần dần thường là con đường minh triết, và thời kỳ loại trừ này—theo những điều kiện lý tưởng rất ít khi có được—nên bao gồm giai đoạn gọi là giai đoạn của người chí nguyện, nhờ đó khi hành giả trở thành ứng viên điểm đạo thì bấy giờ y đã thực hiện được sự thanh lọc chuẩn bị cần thiết về thực phẩm.
Qui luật 7.
Người đệ tử hãy chú ý đến việc phát ra các âm thanh vang dội ở những nơi các Chân sư đang hoạt động. Y chớ nên phát ra những nốt hạ cấp khơi dậy sự rung động bên trong các phòng Ảo ảnh.
Người đệ tử nào tìm cách vào bên trong Cửa Điểm Đạo, không thể thực hiện điều đó cho đến khi y đã học được quyền năng của lời nói và quyền năng của sự im lặng. Điều này có một ý nghĩa sâu, rộng hơn là có lẽ chúng ta chỉ thấy ở bề ngoài, bởi vì nếu được diễn giải đúng đắn, nó cho chúng ta chìa khóa của cuộc biểu hiện, manh mối của các đại chu kỳ, và hiển lộ mục đích của thời kỳ ngơi nghỉ. Trước khi hành giả thấu hiểu được ý nghĩa của lời nói, và trước khi y sử dụng được sự im lặng của những chốn cao siêu để mang lại các kết quả mong muốn trên cõi này hay cõi khác, y không thể được nhận vào các lĩnh vực mà trong đó mỗi âm thanh và mỗi lời được thốt ra đều tạo nên những kết quả mạnh mẽ trong một loại vật chất nào đó, được làm sinh động bởi hai yếu tố chính, (a) ý chí mạnh mẽ, được áp dụng một cách khoa học, và (b) động cơ đúng đắn, được thanh luyện trong lửa.
Một vị Chân sư là một vị sáng tạo bằng vật chất cõi trí, phát khởi các động lực trên cõi trí, để tạo các kết quả trong cuộc biểu hiện cảm dục hay hồng trần. Những kết quả này rất mạnh mẽ và hữu hiệu, do đó vị sáng tạo phải có tư tưởng thanh khiết, lời nói [199] chính xác, và hành động khéo léo. Khi ứng viên nhận thức được các ý niệm này, thì hậu quả tức thời sẽ là những thay đổi quan trọng trong đời sống hằng ngày. Để sử dụng thực tế, chúng ta có thể kể ra những thay đổi này như sau:
a. Các động lực nội tâm sẽ được xem xét kỹ và các xung lực phát khởi hành động sẽ được kiểm tra nghiêm nhặt. Vì thế, trong năm đầu tiên khi ứng viên dốc lòng chuẩn bị cho điểm đạo, mỗi ngày ba lần,y viết ra những khảo xét của mình về các động cơ nội tâm, hay là nguồn chính yếu của hành động.
b. Y sẽ xem chừng lời nói, và cố gắng loại bỏ tất cả những lời bất hảo, uổng phí, và không cần thiết. Y sẽ nghiên cứu các hiệu quả của lời nói, truy nguyên các xung lực mà trong mọi trường hợp đều phát khởi hành động ở cõi trần.
c. Ứng viên sẽ vun bồi sự im lặng, cẩn thận giữ gìn sự im lặng nghiêm nhặt về bản thân, công tác hoặc kiến thức huyền bí của họ, công việc của những người cộng sự, và công tác của nhóm huyền bí của họ. Chỉ trong phạm vi của nhóm hay trong quan hệ với thượng cấp, mới được phép có một mức độ tự do nào đó trong lời nói thật khôn ngoan. Cũng có thời gian cần nói. Đó là khi có thể phục vụ nhóm bằng những lời nói khôn ngoan, bằng cách thận trọng nêu lên những điều kiện, tốt hay xấu, và có những lời, tuy hiếm khi nhưng cần thiết, nói với một huynh đệ về đời sống nội tâm, hoặc với thượng cấp hay một nhóm viên chức, trong những trường hợp một huynh đệ có thể là do một sự sai lầm nào đó mà đang gây trở ngại, hoặc có thể trợ giúp nhóm nếu được đưa vào công tác khác.
d. Y sẽ nghiên cứu hiệu quả của Thánh Ngữ và chuẩn bị các [200] điều kiện để sử dụng nó một cách không ngoan. Việc xướng, đọc Thánh Ngữ, và hiệu quả của nó đối với một luân xa nào đó (bất luận trường hợp nào cũng không phải là một trung tâm trong thể xác) sẽ được theo dõi, nhờ đó cuộc sống y sẽ được ảnh hưởng và điều chỉnh.
Ứng viên điểm đạo phải bắt đầu toàn bộ vấn đề nghiên cứu âm thanh và ngôn từ, linh từ hay những loại khác, là điều mà tất cả các nhóm huyền bí được lập nên phải nỗ lực nhiều hơn để thực hiện.
Qui luật 8.
Khi người đệ tử đến gần Cửa Điểm Đạo, Bảy cái chính yếu phải được thức động và mang lại sự đáp ứng từ bảy cái thứ yếu trên vòng kép.
Qui luật này thật rất khó khăn, và hàm chứa các yếu tố nguy hiểm cho người nào đảm nhận quá sớm việc dấn bước lên con đường cuối cùng. Có thể diễn giải nó đúng nghĩa như sau: Vị điểm đạo đồ tương lai phải phát triển phần nào sự rung động của bảy luân xa bên trong đầu, do đó làm gia tăng hoạt động rung động của bảy luân xa trong thể dĩ thái; qua rung động hỗ tương, cũng ảnh hưởng đến bảy trung tâm trong thể xác, chúng không khỏi bị kích thích khi các luân xa dĩ thái gần đến mức rung động tối đa. Không cần phải quảng diễn điểm này ngoài việc nêu ra rằng khi bảy luân xa bên trong đầu trở nên ứng đáp được với Chân nhân, thì bảy trung tâm sau đây,
1. Đầu, xem như một đơn vị,
2. Tim,
3. Cổ họng,
4. Nhật tùng,
5. Chót xương sống, [201]
6. Lá lách,
7. Cơ quan sinh dục,
cũng chịu ảnh hưởng nhưng ảnh hưởng về mặt thanh lọc và chế ngự. Điều này sẽ tạo ra các kết quả trong các cơ quan dứt khoát thuộc về thể xác, qua đó con người hoạt động ở cõi trần. Ví dụ: − Bấy giờ người ta có thể hữu ý chuyển lửa và năng lượng sáng tạo từ các cơ quan sinh dục đến luân xa cổ họng, hoặc, qua sự hữu ý chế ngự luân xa tim, khiến thể xác ngưng hoạt động. Điều này không đạt được qua cái gọi là những cách thực hành Hatha Yoga, hoặc do tập trung chú ý vào các cơ quan của thể xác, mà nhờ phát triển sự chế ngự của Thượng Đế nội tâm, hoạt động qua luân xa đầu và do đó chi phối tất cả các luân xa khác.
Vì thế, ứng viên sẽ hướng mọi năng lượng của mình về việc phát triển sự sống tinh thần, sự phát triển này sẽ là thành quả của suy tư đúng đắn, tham thiền, và phụng sự. Nhờ nghiên cứu sâu xa tất cả những điều cần biết liên quan đến năng lượng và các tụ điểm năng lượng, y sẽ điều hợp cuộc sống của mình để sự sống tinh thần có thể lưu chuyển qua đó. Hiện nay, sự nghiên cứu này chỉ có thể được thực hiện một cách an toàn trong công tác tập thể, dưới sự hướng dẫn của một vị Huấn sư; các môn sinh sẽ tự cam kết không cho phép thí nghiệm trên sự sống của chính họ, và không bất cẩn đùa với các loại lửa trong cơ thể. Họ chỉ việc chú tâm vào việc tìm hiểu lý thuyết và cuộc sống phụng sự.
Bấy giờ, các luân xa sẽ phát triển một cách bình thường, trong khi ứng viên dồn hết chú tâm hoàn toàn thực sự yêu thương huynh đệ mình, hết lòng phụng sự, suy tư một cách thông minh, và luôn luôn xem xét bản thân kỹ lưỡng. Y sẽ ghi lại tất cả những điều gì trong cuộc sống nội tâm của mình có vẻ như liên quan đến sự phát triển của các luân xa. Sự ghi chép này có thể [202] được vị Huấn sư xem xét, bình luận, suy diễn, và phần kiến thức thu hoạch như thế sẽ được lưu trữ cho cả nhóm tham khảo. Theo cách này, có thể lưu trữ nhiều kiến thức để sử dụng.
Ứng viên nào lạm dụng kiến thức, mê theo những lối tập như là “luyện hơi thở để phát triển,” hoặc tập trung vào các luân xa, thì sẽ không khỏi thất bại trong cố gắng đi đến cửa điểm đạo, và sẽ trả giá nơi bản thân bằng triệu chứng điên cuồng, suy nhược thần kinh, và các bệnh tật khác nhau của thể xác.
Qui luật 9.
Người đệ tử hãy tự hòa nhập trong nhóm của y gồm những Chân ngã khác. Hãy để cho chỉ một màu sắc hòa hợp họ, và tính thống nhất của họ biểu lộ. Chỉ khi nào nhóm được biết và cảm nhận thì năng lượng mới có thể được phát ra một cách khôn ngoan.
Có một điều mà tất cả những người đệ tử và ứng viên điểm đạo phải làm là tìm ra nhóm phụng sự viên nào mà họ thuộc vào đó trong nội giới, nhận ra những người đó ở cõi trần, và kết hợp với họ trong công cuộc phụng sự nhân loại. Sự nhận biết này sẽ dựa trên:
a. Sự thống nhất mục đích.
b. Sự rung động duy nhất.
c. Cùng thuộc về một nhóm.
d. Những mối liên hệ nghiệp quả lâu dài.
e. Khả năng làm việc trong quan hệ hòa hợp.
Xem qua, qui luật này có thể có vẻ là một trong những qui luật dễ dàng nhất, nhưng trong thực hành thì không phải vậy. Rất dễ vấp phải những sai lầm, và vấn đề làm việc hài hòa trong sự cộng tác tập thể không phải là điều quá đơn giản như ta có thể thấy ở bề ngoài. Sự rung động và mối quan hệ giữa các Chân nhân có thể hiện hữu, nhưng các phàm nhân bên ngoài có thể không hòa hợp. Vậy, công việc của ứng viên là tăng cường sự chế ngự của Chân nhân y đối với phàm nhân y, do đó quan hệ [203] của nhóm nội môn có thể thực hiện được ở cõi trần. Y sẽ làm điều này bằng cách áp dụng giới luật vào phàm nhân của chính y, chứ không phải bằng cách sửa đổi các huynh đệ y.
Qui luật 10.
Đạo quân âm thanh, hàng ngũ đông đảo các thiên thần, đang làm việc không ngừng. Người đệ tử hãy chú tâm xem xét các phương pháp của họ; y hãy học các qui luật mà Đạo quân này dùng làm việc bên trong các bức màu Ảo ảnh.
Qui luật này nói về công tác khảo cứu huyền bí, mà đến lúc nào đó mọi ứng viên điểm đạo đều phải theo đuổi. Dù rằng đối với người chưa được điểm đạo thì việc can thiệp vào cuộc tiến hóa song hành của các thiên thần là không an toàn, nhưng điều cần thiết và an toàn là khảo cứu phương cách các thần kiến tạo sử dụng, và các phương pháp họ làm theo, khi, từ mô hình nguyên thủy, qua các cấp dĩ thái, họ tạo nên điều mà chúng ta gọi là sự biểu hiện hồng trần; ứng viên phải hiểu biết các nhóm thiên thần này phần nào về mặt lý thuyết, và phải xem xét những âm thanh khiến họ hoạt động. Vì thế, điều này bao gồm việc nghiên cứu có hệ thống của các ứng viên, về:
1. Mục đích của âm thanh.
2. Ý nghĩa của nội môn của các từ, của ngữ pháp, và cú pháp.
3. Các định luật về rung động và điện, cũng như nhiều cuộc nghiên cứu phụ thuộc khác, liên quan đến sự biểu hiện của thiên tính và tâm thức qua trung gian của chất liệu thiên thần và hoạt động của các thiên thần điều khiển. Ứng viên sẽ khảo cứu các định luật của đại vũ trụ, và nhận thức được sự tương ứng giữa các hoạt động của tiểu vũ trụ, và cuộc biểu hiện linh hoạt của đại vũ trụ. [204]
Qui luật 11.
Người đệ tử hãy chuyển lửa từ tam giác thấp lên tam giác cao, và bảo tồn những gì được tạo ra nhờ lửa của điểm trung gian.
Qui luật này thực sự có nghĩa là vị điểm đạo đồ phải chế ngự xung lực giới tính, như chúng ta thường hiểu, và chuyển lửa hiện đang bình thường làm sinh động các cơ quan sinh dục, lên luân xa cổ họng, để có thể dùng trí tuệ sáng tạo trên cõi trí. Bấy giờ, những gì được sáng tạo phải được nuôi dưỡng và bảo tồn bằng năng lượng bác ái của thiên nhiên, phát ra từ luân xa tim.
Tam giác thấp được đề cập đến là:−
1. Nhật tùng.
2. Chót xương sống.
3. Các cơ quan sinh dục.
Trong khi tam giác cao được nêu ra là:
1. Đầu.
2. Cổ họng.
3. Tim.
Vừa xem qua, độc giả có thể giải thích rằng đây là huấn thị hãy sống độc thân, và ứng viên phải cam kết kiêng cử mọi biểu hiện của xung lực tính dục ở cõi trần, nhưng không phải vậy. Nhiều điểm đạo đồ đã đạt được mục tiêu khi đang dự vào quan hệ hôn nhân một cách khôn ngoan và thích đáng. Vị điểm đạo đồ vun bồi một thái độ trí tuệ đặc biệt, nhìn nhận rằng mọi hình thể biểu hiện đều thiêng liêng, và cõi trần cũng là một hình thức biểu lộ thiêng liêng như bất cứ cảnh giới nào cao siêu hơn. Vị này nhận thức rằng sự biểu hiện thấp nhất của thiên tính phải được đặt [205] dưới sự chế ngự hữu thức của thiên tính đó ở nội tâm, và mọi loại hành vi đều nên được điều hòa bằng cách cố gắng hoàn thành mọi bổn phận và nghĩa vụ, chế ngự mọi hành động và việc làm, sử dụng thể xác để giúp ích cho sự tiến bộ tinh thần của tập thể và hoàn thành định luật.
Không phủ nhận rằng, vào một số giai đoạn, đáng nên tạm thời kiêng cữ để hành giả hoàn toàn tự chủ theo một đường hướng đặc biệt nào đó, nhưng đó chỉ là một phương tiện để tiến đến một mục đích, và khi đã đạt được tự chủ, thì sẽ tiếp đến những giai đoạn hành giả phát biểu được các thuộc tính thiêng liêng một cách hoàn toàn qua thể xác, mỗi luân xa sẽ được sử dụng một cách bình thường và sáng suốt, và do đó giúp các mục đích của nhân loại tiến triển hơn.
Trong nhiều trường hợp các điểm đạo đồ và các Chân sư vẫn kết hôn, và thực hiện các bổn phận của mình một cách bình thường với tư cách người chồng, người vợ, và người gia trưởng, nhưng tất cả mọi sự đều được chế ngự, điều chỉnh bởi mục tiêu và chủ đích, và không có gì bị lung lạc bởi đam mê hay dục vọng. Nơi người hoàn thiện ở cõi trần, tất cả các luân xa đều được hoàn toàn chế ngự, và năng lượng của chúng được sử dụng một cách đúng đắn hợp lý. Ý chí tinh thần của Đấng Thượng Đế nội tâm là yếu tố chính, và sẽ có một nỗ lực thống nhất biểu lộ trên mọi cảnh giới qua tất cả các luân xa để mang lại lợi ích lớn nhất cho tuyệt đại đa số.
Sở dĩ điểm này được bàn đến vì có quá nhiều môn sinh lầm lẫn về các vấn đề này, và hoặc là vun bồi một thái độ trong trí tuệ khiến cho trọn cả bản tính bình thường của thân xác bị suy nhược, hoặc buông thả trong đam mê, trụy lạc, viện cớ là để “kích thích các luân xa,” và do đó làm phát triển bản tính cảm dục nhiều hơn. Vị điểm đạo đồ đích thực sẽ được nhận biết do tính cách bình thường khôn ngoan và thánh thiện, do y luôn luôn theo đúng những gì tốt đẹp nhất cho tập thể như các luật tập thể của đất nước đã chú trọng, do tính tự chủ và tránh mọi [206] hình thức thái quá, và do y nêu gương cho những người cộng sự chung quanh về sinh hoạt tinh thần và đạo hạnh chân chính, cũng như giới luật của cuộc sống y.
Qui luật 12.
Người đệ tử hãy học cách dùng bàn tay trong phụng sự; y hãy tìm nơi đôi bàn chân mình dấu hiệu của vị sứ giả, và hãy học cách thấy bằng con mắt nhìn ra ngoài từ giữa hai mắt kia.
Khi đọc lần đầu, qui luật này có vẻ dễ giải thích, và dường như dạy điểm đạo đồ hãy dùng đôi bàn tay để phụng sự, dùng đôi chân để đi lo công việc của ĐĐCG, và phát triển thần nhãn. Nhưng thực nghĩa có tính nội môn hơn nhiều. Hiểu theo nghĩa huyền bí, “dùng đôi bàn tay” là sử dụng các luân xa trong lòng bàn tay để:
a. Chữa trị các loại bệnh của thể xác.
b. Ban phúc lành, và do đó chữa trị các loại bệnh tình cảm.
c. Đưa lên khi cầu nguyện, hoặc dùng các luân xa của bàn tay trong tham thiền để vận dụng vật chất cõi trí và các dòng tư tưởng.
Cần phải xem xét cẩn thận ba điểm này, và các môn sinh Tây phương có thể học hỏi được nhiều khi nghiên cứu cuộc đời của Đức, và xem xét các phương pháp Ngài sử dụng đôi bàn tay. Không thể bàn nhiều hơn ở đây, vì vấn đề này quá rộng lớn nên không thể quảng diễn trong phần bình luận vắn tắt này.
“Dấu hiệu của sứ giả” ở bàn chân, là nói đến biểu tượng quen thuộc về đôi cánh trên gót chân của thần Mercury. Nhiều chi tiết về vấn đề này sẽ được tiết lộ cho những môn sinh nào trong các trường bí giáo cố gắng thu thập tất cả những gì có thể tìm được về vị Sứ giả của các Thần, cũng như cố gắng nghiên [207] cứu kỹ lưỡng những hiểu biết mà các môn sinh chiêm tinh đã thu thập được về Thủy tinh, và các môn sinh huyền bí đã thu được về vòng tiến hóa nội tại.
Theo bề ngoài, lời phát biểu “Con mắt nhìn ra từ giữa hai mắt kia” dường như có nghĩa là Con mắt thứ ba mà những nhà nhãn thông sử dụng, nhưng thực nghĩa còn sâu xa hơn thế rất nhiều và ẩn trong các sự việc sau đây:
a. Nội nhãn thông là điều mà mọi sinh linh hữu ngã thức, từ một vị Thượng Đế đến con người, đều đang trong tiến trình phát triển.
b. Chân nhân, hay Chân ngã, đối với Chân thần cũng như con mắt thứ ba đối với con người, thế nên, được mô tả là nhìn ra từ giữa một bên là Chân thần, cái ngã tinh thần, và bên kia là phàm ngã.
Vì vậy, với ý nghĩa đầy đủ nhất, qui luật này khuyến khích ứng viên phát triển tâm thức Chân ngã để học cách hoạt động trong thể nguyên nhân ở các cấp cao của cõi trí, từ đó chế ngự tất cả các hạ thể, và thấy rõ được tất cả những gì có thể thấy trong tam giới, từ quá khứ đến tương lai.
Qui luật 13.
Có bốn điều người đệ tử phải học và hiểu trước khi y có thể được cho thấy bí nhiệm sâu kín nhất:
thứ nhất, các định luật của nguồn phát quang;
hai là năm ý nghĩa của sự từ hóa;
ba là sự chuyển hóa hay là bí nhiệm thất truyền của khoa luyện kim;
và sau hết là chữ đầu tiên của Linh từ đã được truyền thụ, hay là danh xưng ẩn giấu của Chân nhân.
Không thể quảng diễn qui luật này vì nó liên quan đến các [208] bí nhiệm, và những chủ đề quá rộng lớn không thể bàn đầy đủ ở đây. Nó được bao gồm trong các qui luật này để có thể trở thành một chủ đề cho tham thiền, nghiên cứu, và thảo luận tập thể.
Qui luật cuối cùng rất ngắn chỉ gồm có năm từ.
Qui luật 14.
Lắng nghe, tiếp xúc, thấy, áp dụng, biết.
Các từ này liên quan đến điều mà người Thiên Chúa giáo có thể gọi một cách thích hợp là sự hiến dâng ba giác quan chính yếu, và sử dụng chúng trong cuộc tiến hóa của sự sống tinh thần nội tại; sau đó áp dụng những gì đã học và biết , với thành quả là kiến thức được thấu đáo. [209]
VẤN ĐÁP GIÁO HUẤN NỘI MÔN
Sau đây là những lời trích từ Văn khố XIII, Hồ sơ của các Chân sư, có mang bức thông điệp cho người đang phấn đấu trên Đường Đạo. Phần nào đó,chúng giống như một cuốn sách phần cổ xưa, thường được những người tham dự các bí nhiệm cấp thấp xướng tụng, trước khi họ chuyển vào các bí nhiệm cao trọng hơn.
Hởi Hành giả, bạn thấy gì? Hãy ngước mắt nhìn lên và nói cho biết những gì bạn thấy.
Tôi thấy một cái thang, vươn lên trong vòm trời xanh biếc, chân thang bị che khuất trong những đám sương mù bao quanh hành tinh chúng ta.
What seest thou, O Pilgrim? Lift up thine eyes and tell what thou beholdest.
I see a ladder, mounting within the vault of blue, its feet lost sight of in the mists and fogs that circle round our planet.
Hởi Hành giả, bạn đứng ở đâu? Bạn đang đặt chân trên những gì?
Tôi đang đứng trên một nấc thang, gần đạt được phần thứ tư; phần kế tiếp trải dài trước mắt tôi, vào trong bóng tối của đêm giông tố. Cao hơn phạm vi hoàn toàn u tối đó, tôi thấy chiếc thang lại vươn lên, rực rỡ và chói lọi ở phần thứ năm.
Where standest thou, O Pilgrim? On what are placed thy feet?
I stand upon a portion of the ladder, the fourth division well nigh mounted; its latter part stretches before me into the darkness of a stormy night. Beyond that sphere of utter gloom I see the ladder rise again, radiant and glowing in its fifth division.
Điều gì đánh dấu các phần mà bạn vừa mô tả là riêng biệt nhau? Chẳng phải tất cả hợp thành chỉ một cái thang đầy đủ duy nhất, gồm những phần được đánh dấu rõ rệt, hay sao?
Luôn luôn có một khoảng trống trước mắt, mà (khi chúng ta đến gần hơn) nó tự phân giải thành một Thập tự giá, nhờ đó chúng ta vượt lên phần kế tiếp. [210]
What marks those portions which you thus describe as separated from another part? Do not all form but one completed ladder of clearly marked proportions
Always a gap appeareth to the eye, which (when approached more closely) resolveth then itself into a Cross, by which one mounteth to the next division.
Vậy thì điều gì tạo nên Thập tự giá này? Nó giúp bạn vượt lên cách nào?
Thập tự giá được tạo bằng những nguyện vọng tinh thần, ghi khắc bởi sự thôi thúc thiêng liêng, cắt ngang qua các dục vọng hạ giới, do cuộc sống phát triển ở cõi thấp tạo ra.
What causeth then the Cross? How mount you by its aid?
The Cross is formed by aspirations, instilled by Godlike urge, which cut athwart the lower world desires, implanted by the life developed from below.
Hãy giải thích rõ hơn điều bạn muốn nói, và làm thế nào Thập tự giá ấy trở thành Đường Đạo.
Các cánh cửa của Thập tự giá trở thành đường phân chia vĩ đại giữa cái thấp và cái cao. Đôi tay bị đóng đinh trên các cánh này, −là những bàn tay nắm và giữ, phục vụ cho các nhu cầu thấp thỏi, đã quen làm thế qua nhiều thời kỳ lâu dài. Xem kìa, khi đôi tay trở nên bất lực, không thể nắm và giữ, thì sự sống nội tại thoát khỏi lớp vỏ của nó và leo lên cánh thẳng đứng. Nó vượt khỏi phần thứ tư thấp kém, và Thập tự giá bắt cầu qua khoảng trống.
Explain more clearly what you mean, and how that Cross becomes the Way.
The arms that form the Cross become the great dividing line, placed twixt the lower and the higher. Upon those arms the hands are nailed,—the hands that grasp and hold, ministering to the lower needs, trained thus through many aeons. Lo, when the hands are helpless held, and cannot grasp and hold, the inner life slips from its sheath, mounting the limb upright. It passeth from the lower fourth, and the Cross doth bridge the gap.
Người ta có dễ dàng leo lên cánh thẳng đứng và vượt khỏi phần thứ tư hay không?
Họ vượt qua những giai đoạn đầy nước mắt, qua mây che và sương mù; họ đau khổ và tử vong. Họ giả từ tất cả các bạn bè ở trần gian; họ đơn độc bước lên Đường Đạo; họ bắt cầu qua khoảng trống bằng những hành động yêu thương được thực hiện trong nỗi đau khổ của cuộc sống; họ đưa một tay lên với Vị đứng ngay phía trên; họ đưa tay xuống cho người đứng ngay phía dưới. Những bàn tay, được tháo gỡ khỏi các cánh nằm ngang, thì được tự do nhưng lại bị cầm giữ. Chỉ có những bàn tay còn dấu đinh và trống không mới có thể giữ cho dây chuyền liên tục.
Pass they with ease that mount that limb, and leave the fourth behind?
They pass through tears, through clouds and mists they suffer and they die. They bid adieu to all earth's friends; they mount the way alone they bridge the gap with loving deeds done in the pain of living; they lift one hand aloft to Him who standeth just above; they lean one downward to the man who standeth next below. The hands, freed from the transverse arms, are freed but to be held. Only the empty nail-marked hands can keep the chain complete.
Chiều dài của cái thang chấm dứt ở đâu? Nơi tối tăm nào nó xuyên qua và phần cuối thang phóng đến đâu?
Nó cắt ngang bầu trời trong sáng với vô vàn hình thể trong đó; [211] nó xuyên qua cõi của nước, bị những triều sóng xoáy cuốn trôi; nó đi qua địa ngục sâu thẳm, đắm chìm vào ảo ảnh dày đặc nhất, và tận cùng trong ngọn lửa tiềm ẩn, hồ lửa tan chảy bừng cháy dữ dội, tiếp xúc với các cư dân của lửa, là các hoả thần của nguồn nhiệt đỏ rực.
Where ends the ladder's length? What point of gloom is pierced by it and where projects its end?
It cuts the crystallising sphere with all its myriad forms; it [Page 211] pierces through the watery plane, washed by the swirling tides; it passes through the nethermost hell, down into densest maya, and ends within the latent fire, the molten lake of fiercest burning, touching the denizens of fire, the Agnichaitans of the scarlet heat.
Cái thang kéo dài đến tận đâu? Đâu là tuyệt đích của nó?
Nó vượt qua các bầu trời chói rạng, qua tất cả sáu phần của chúng. Nó vươn lên đến Ngôi đại hùng trong phần thứ năm cuối cùng, và từ đó đến một Ngôi khác còn cao hơn.
Where mounts the ladder's length? Where is its consummation?
It mounteth through the radiant spheres, through all their six divisions. It riseth to the mighty Seat within the final fifth, and passeth from that mighty Seat to yet another greater.
Đấng nào ngự trên Ngôi đại hùng trong phần thứ năm cuối cùng?
Thánh danh Ngài chúng ta không nên đề cập đến, trừ khi với lòng hoàn toàn sùng kính; Đấng Vĩnh Cửu Thanh Xuân, Ánh Sáng của chính Sự Sống, Đấng Kỳ Diệu, Đấng Thái Cổ, vị Chúa Bác Ái của Kim tinh, vị Đại Thiên Tôn với Thanh gươm Sáng rực, Đấng Hòa Bình của hoàn cầu.
Who sits upon that mighty Seat within the final fifth?
He with the Name we mention not, save in utter adoration; the Youth of Endless Summers, the Light of Life itself, the Wondrous One, the Ancient One, Lord of Venusian Love, the great Kumara with the Flaming Sword, the peace of all the Earth.
Chỉ có Đấng Kỳ Diệu ngự trên ngôi lam ngọc của Ngài sao?
Chỉ có mình Ngài, nhưng kế bên Ngài trên các bậc cầu vồng có ba vị Chúa khác, đang thu thập thành quả công việc của các Ngài và hiến dâng mọi điều đạt được để trợ giúp vị Chúa Tể Bác Ái.
Sits He alone, this Wondrous One, upon His sapphire throne?
He sits alone, yet close upon the rainbow steps there stand three other Lords, garnering the product of Their work and sacrificing all Their gain to aid the Lord of Love.
Trong công tác, các Ngài được phù trợ hay chăng? Có Đấng nào quyền năng cao cả hơn chúng ta cũng đứng trên cái thang này không?
Bốn Đấng Đại Hùng, là Hành động và Bác ái, hợp tác sáng suốt với những Huynh đệ cấp thấp của các Ngài, là ba vị Chúa Cao cả mà chúng ta đều biết. [212]
Are They assisted in Their work? Do other Ones of greater powers than ours stand too upon the ladder?
These mighty Four, Action and Love, in wise co-operation work with Their brothers of a lesser grade, the three Great Lords We know.
Ai trợ giúp những vị Chúa đại hùng này? Ai thực hiện công tác của các Ngài là nối kết cái thấp với cái cao?
Các Huynh đệ của Bác ái Thiêng liêng đủ mọi cấp bậc. Các vị này ở bên trong phần thứ năm cuối cùng cho đến khi nó hấp thu được tất cả phần thứ tư.
Who aid these mighty Lords Who carry on Their work, linking the lower with the higher?
The Brothers of Logoic Love in all Their many grades. They stay within the final fifth till it absorbeth all the fourth.
Rồi cái thang vươn lên đến đâu?
Đến Đấng Chúa Tể vĩ đại của tất cả, trước Ngài, ngay cả Đấng Thái Cổ cũng nghiêng mình tuân phục; trước Ngôi ánh sáng huy hoàng của Ngài, các Thiên thần cao cấp nhất, các Chân sư và các vị Chúa Từ Bi toàn vẹn đều phủ phục, và nghiêng mình kính cẩn, chờ đợi Linh từ trỗi lên.
Where mounts the ladder then?
To the greatest Lord of all, before Whom e'en that Ancient One bends in obeisance low; before Whose throne of effulgent light Angels of highest rank, Masters and Lords of uttermost compassion, prostrate Themselves and humbly bend, awaiting the Word to rise.
Khi nào Linh từ đó trỗi lên và điều gì xảy ra khi nó vang dội qua các bầu thế giới?
Linh từ đó chỉ ngân lên khi tất cả đã được thực hiện, khi Đấng Chúa Tể Bác ái Vô tận cho rằng công tác đã đúng đắn, tốt đẹp. Bấy giờ Ngài xướng lên một Linh từ thứ yếu rung động xuyên qua hệ thống. Đấng Chúa Tể vĩ đại hơn của nguồn Bác ái vũ trụ, khi nghe âm thanh này luân chuyển, bèn thêm vào cho hòa âm hoàn tất và làm rung chuyển toàn thể.
When sounds that Word and what transpires when it echoes through the spheres?
That Word sounds not till all is done, until the Lord of endless love deemeth the work correct. He uttereth then a lesser Word that vibrateth through the scheme. The greater Lord of cosmic Love, hearing the circling sound, addeth completion to the chord, and breatheth forth the whole.
Hởi Hành giả trên Đường Đạo, chúng ta sẽ thấy gì khi hòa âm cuối cùng này ngân lên?
Nhạc khúc của các bầu thế giới vô tận, sự hòa hợp của bảy; sẽ không còn nước mắt, tội lỗi, tranh chấp, các hình hài tan rã; cái thang đã hoàn tất, sự hòa hợp trong Tất cả, các bầu thế giới luân chuyển đã thành tựu viên mãn và đi vào thái bình.
What will be seen, O Pilgrim on the Way, when sounds that final chord?
The music of the endless spheres, the merging of the seven; the end of tears, of sin, of strife, the shattering of forms; the finish of the ladder, the blending in the All, completion of the circling spheres and their entry into peace.
Hởi Hành giả trên Đường Đạo, bạn đóng vai trò nào trong hệ thống này? Bạn sẽ nhập vào sự bình an bằng cách nào? Làm thế nào để đứng trước Đấng Chúa Tể?
Tôi thực hiện phần việc của mình với lòng kiên quyết và nguyện [213] vọng thiết tha; tôi nhìn lên trên, tôi giúp kẻ dưới; tôi không mơ tưởng cũng không ngơi nghỉ; tôi tận lực làm việc; tôi phụng sự; tôi thu hoạch; tôi cầu nguyện; tôi là Thập tự giá; tôi là Đường Đạo; tôi dấn bước trên công trình tôi thực hiện; tôi vượt lên trên phàm ngã của tôi đã chết; tôi diệt trừ dục vọng và nỗ lực, quên hết mọi phần thưởng. Tôi từ bỏ bình an; tôi giả từ sự ngơi nghỉ, và trong đau thương thống khổ tôi mất đi phàm ngã, tìm thấy Chân ngã của chính mình và nhập vào sự bình an.
What part, O Pilgrim on the Way. play you within this scheme? How will you enter into peace? How stand before your Lord?
I play my part with stern resolve, with earnest aspiration; [Page 213] I look above, I help below; I dream not, nor I rest; I toil; I serve; I reap; I pray; I am the Cross; I am the Way; I tread upon the work I do; I mount upon my slain self; I kill desire, and I strive, forgetting all reward. I forego peace; I forfeit rest, and in the stress of pain I lose myself and find Myself and enter into peace.
ĐẠI THỈNH NGUYỆN
( LỜI THỈNH NGUYỆN CỦA TOÀN THẾ GIỚI )
Từ điểm Ánh sáng trong Trí Thượng Đế
Cầu xin Ánh sáng tuôn rải vào trí con người.
Cầu xin Ánh sáng giáng xuống Trần gian.
Từ nguồn Tình thương trong Tâm Thượng Đế
Cầu xin Tình thương tuôn rải vào tâm con người.
Cầu mong Đức Chưởng Giáo * trở lại Trần gian.
Từ trung tâm biết được Ý chí Thượng Đế
Cầu xin Thiên ý hướng dẫn ý chí nhỏ bé của con người −
Thiên ý mà các Chân sư đều biết và phụng sự.
Từ trung tâm chúng ta gọi là nhân loại
Cầu xin Thiên Cơ Ánh sáng và Tình thương thực thi
Và cầu mong Thiên Cơ đóng kín cửa vào nẻo ác.
Cầu xin Ánh sáng và Tình thương và Quyền năng
phục hồi Thiên Cơ trên Trần gian.
“Lời Thỉnh nguyện hay Cầu nguyện trên đây không thuộc về bất cứ người nào hay đoàn nhóm nào, mà thuộc về toàn nhân loại. Vẻ đẹp và sức mạnh của Đại Thỉnh Nguyện nằm trong tính đơn giản, và do nó phát biểu một số chân lý trọng tâm mà tất cả mọi người bình thường đều chấp nhận một cách hồn nhiên:− Chân lý nói rằng vốn có một Đức Thông Tuệ nền tảng mà chúng ta gọi với danh xưng mơ hồ là Thượng Đế;− Chân lý nói rằng ẩn trong toàn cuộc biểu hiện có quyền năng phát động vũ trụ, là Tình thương;− Chân lý nói rằng có một Đấng Cao Cả đã đến thế gian, mà người Thiên Chúa giáo gọi là Đức , Ngài đã thể hiện tình thương đó để chúng ta có thể hiểu được;− Chân lý nói rằng cả Tình thương và Thông tuệ đều là những hiệu quả của Ý chí Thượng Đế; và cuối cùng là− Chân lý hiển nhiên rằng chỉ thông qua chính nhân loại Thiên Cơ mới có thể thực thi.”
ALICE A. BAILEY
* Phụ chú: Ngài là Đức của Thiên Chúa giáo, là Đức Di Lạc của Phật giáo, Đức Maitreya của An giáo, và là Đức Imam Mahdi của Hồi giáo....
NGỮ GIẢI
− Antahkarana (215). Con đường, hay cầu nối, giữa thượng trí và hạ trí, dùng làm phương tiện truyền thông giữa hai bên. Nó được kiến tạo do chính người chí nguyện, bằng vật chất trí tuệ.
− Ảo ảnh (Maya, 221). Từ Bắc Phạn nghĩa là “Ảo tưởng.” Thuộc về nguyên lý của hình thể hay giới hạn. Kết quả của sự biểu hiện. Thông thường được dùng theo nghĩa tương đối cho các hiện tượng hay những xuất lộ khách quan do trí tuệ tạo nên.
− Atlantis (215 ). Lục địa đã bị nhận chìm dưới Đại Tây Dương, theo giáo huấn huyền bí và Plato. Châu Atlantis là nơi sinh sống của Căn Chủng thứ tư, nay chúng ta gọi là dân Alantis.
− Atma (216). Tinh thần Đại đồng; Chân thần thiêng liêng; Nguyên khí thứ bảy; được gọi như thế trong sự cấu tạo thất phân của con người. (Xem sơ đồ trong phần Giới thiệu.)
− Bàn Cổ (Đức) (Manu, 221). Danh hiệu tượng trưng của Đấng Cao Cả là Nhà Cai Trị, tổ phụ nguyên thủy và là vị lãnh đạo nhân loại. Từ này theo ngữ căn Bắc Phạn là “man”—suy tư.
− Bản chất (Prakriti, 222). Sở dĩ có tên này do chức năng của nó là nguyên nhân vật chất của cuộc tiến hóa đầu tiên của vũ trụ. Có thể nói từ này gồm hai ngữ căn, “pra” là biểu hiện, và”krita” là khiến cho; có nghĩa là cái đã khiến cho vũ trụ tự biểu hiện.
− Bồ-đề (Buddhi, 217). Linh hồn hay Trí tuệ đại đồng. Đó là linh hồn tinh thần nơi con người (Nguyên khí thứ sáu), và do đó là vận cụ của Atma, nguyên khí thứ bảy, tức là Tinh thần.
− Bồ-tát (Bodhisattva, 216). Nghĩa đen, người mà tâm thức đã trở thành thông tuệ, hay bồ-đề. Những vị chỉ cần thêm một lần lâm phàm để trở thành vị Phật trọn lành. Như được dùng trong các sách này, Đức Bồ-tát là danh xưng chỉ chức vụ hiện do Đức Di Lạc giữ. Ở Tây phương Ngài được biết là Đức. Có thể gọi chức vụ này là Chưởng Giáo Thế Gian. Đức Bồ-tát là Chưởng Giáo của tất cả các tôn giáo trên thế giới, và là Chân sư của các Chân sư và thiên thần.
− Căn chủng (Root Race, 224). Một trong bảy giống người tiến hóa trên một hành tinh trong chu kỳ hiện tồn vĩ đại của hành tinh đó. Chu kỳ này gọi là một thời kỳ thế giới. Căn chủng Aryan, gồm người Ấn, người u, và các dân tộc Mỹ châu hiện nay, là căn chủng thứ năm; người Hoa và người Nhật thuộc về căn chủng thứ tư.
− Chân ngã tinh thần (Purusha, 223). Cái ngã được hiện thể. Từ này có nghĩa đen là “Người ở trong thành phố”—tức là ở trong cơ thể. Nó do từ Bắc Phạn “Pura” nghĩa là thành phố hay cơ thể, và “usha” phát sinh từ động từ “vas,” là ở.
— Chân sư (Adept, 215). Một vị Chân sư, hay một người đã vượt qua con đường tiến hóa, và tiến đến giai đoạn cuối của Đường Đạo, là Con Đường Điểm Đạo, đã được năm lần Điểm đạo, và do đó đã nhập vào giới thứ Năm, hay là giới Tinh thần, chỉ còn phải nhận thêm hai cuộc Điểm đạo nữa.
− Chân thần (Monad, 221). Đấng Duy nhất. Tinh thần tam phân trên cõi của mình. Trong huyền bí học, từ này thường có nghĩa là tam nguyên hợp nhất—Atma, Buddhi, Manas; Ý chí tinh thần, Trực giác và Thượng trí—hay là phần bất tử của con người, luân hồi trong các giới thấp và tiến bộ dần qua các giới này, đến nhân loại và từ đó đạt được mục đích cuối cùng.
− Cung (Ray, 223). Một trong bảy dòng mãnh lực của Thượng Đế; bảy nguồn ánh sáng vĩ đại. Mỗi nguồn sáng là hiện thể của một Đấng vũ trụ vĩ đại. Bảy Cung có thể phân thành ba Cung Trạng thái và bốn Cung Thuộc tính, như sau:
Các Cung Trạng thái
1. Cung Ý chí, hay Quyền lực.
2. Cung Bác ái-Minh triết.
3. Cung Hoạt động hay Thích nghi.
Các Cung Thuộc tính
4. Cung Điều hòa, Mỹ lệ, Nghệ thuật, hay Hợp nhất.
5. Cung Kiến thức Cụ thể hay Khoa học.
6. Cung Lý tưởng Trừu tượng hay Sùng tín.
7. Cung Pháp thuật Nghi lễ, hay Định luật.
Các tên kể trên chỉ là một số được chọn trong nhiều tên gọi, và thể hiện các trạng thái khác nhau của mãnh lực mà Đức Thượng Đế dùng để biểu hiện.
− Đại Đoàn Chưởng Giáo (ĐĐCG, Hierarchy, 218). Tập thể các Đấng tinh thần trên các cảnh giới nội tại của thái dương hệ, là các mãnh lực thông minh trong thiên nhiên, điều khiển các diễn trình tiến hóa. Chính các Ngài được phân thành mười hai Huyền giai. Trong hệ hành tinh chúng ta, là hệ địa cầu, có phản ánh của Huyền giai này, mà huyền bí gia gọi là ĐĐCG Huyền môn. ĐĐCG gồm các vị Đế quân, các Chân sư, và các điểm đạo đồ, hoạt động trên thế giới nhờ phương tiện và thông qua đệ tử của các Ngài. (Xin xem sơ đồ trang 48).
− Đại giai kỳ sinh hóa (Mahamanvantara, 220). Những thời khoảng vĩ đại giữa hai thái dương hệ. Từ này thường được áp dụng cho các chu kỳ thái dương vĩ đại hơn. Nó có hàm nghĩa một thời kỳ hoạt động của vũ trụ.
− Đại vũ trụ (Macrocosm, 220). Nghĩa đen là vũ trụ lớn; hay Thượng Đế biểu hiện qua cơ thể của Ngài là thái dương hệ.
− Đạo viện (Ashram, 215). Trung tâm mà Chân sư qui tụ các đệ tử và những người chí nguyện vào đó để giáo huấn từng cá nhân.
− Đế quân (Chohan, 217). Vị Chúa, Chân sư, lãnh đạo. Trong sách này Đế quân là vị Chân sư đã tiến tới và được điểm đạo lần thứ sáu.
− Điểm đạo (Initiations, 218). Theo gốc tiếng La- tinh có nghĩa là những nguyên lý đầu tiên của một ngành khoa học. Tiến trình thấu nhập các bí nhiệm của khoa học về Đại Ngã, về Đại Ngã duy nhất trong mọi cái ngã. Con Đường Điểm Đạo là giai đoạn cuối của con đường tiến hóa mà nhân loại đi theo, được chia thành năm giai đoạn, gọi là Năm cuộc Điểm đạo.
− Fohat (218). Điện lực vũ trụ; ánh sáng nguyên thủy; điện năng hằng hữu; mãnh lực thiết yếu thúc đẩy vũ trụ; năng lực không ngừng hủy diệt và tạo thành; tổng hợp của nhiều dạng hiện tượng điện.
− Giai kỳ sinh hóa (Manvantara, 221). Một thời kỳ hoạt động, đối lại với thời kỳ ngơi nghỉ, không kể là chu kỳ dài hay ngắn. Thường được dùng để chỉ một thời kỳ hoạt động của hành tinh và bảy giống dân trên đó.
− Hành Tinh Thượng Đế (Đức) (Planetary Logos, 222). Từ này thông thường được áp dụng cho bảy Đấng Cao Cả nhất tương ứng với bảy vị đại thiên thần của người Thiên Chúa giáo. Tất cả các Ngài đều đã trải qua giai đoạn nhân loại và hiện đang biểu hiện qua một hành tinh và các trường tiến hóa trên hành tinh đó, theo cách giống như con người biểu hiện qua thể hồng trần của y. Đấng cao cả nhất của hành tinh hoạt động qua một bầu hành tinh nào đó thì thực sự là Đấng Thượng Đế của hành tinh ấy.
− Hào quang (Aura, 216). Tinh hoa hay lưu chất tế vi và vô hình phát ra từ các thể của con người và động vật, và thậm chí từ đồ vật. Đó là sự phóng phát tâm linh, có đặc tính vừa trí tuệ vừa thể chất. Nó vừa thuộc về sinh lực điện vừa là trí tuệ điện.
− Hoả Đức Tinh Quân (Agni, 215). Như có ghi trong Kinh Vệ Đà. Vị thần cổ xưa nhất và được tôn kính nhất trong các vị thần ở Ấn Độ. Một trong ba vị thần là Agni, Vayu và Surya, và cũng là cả ba vị này, vì Ngài là trạng thái tam phân của lửa; lửa là tinh hoa của thái dương hệ. Trong Kinh Thánh có nói: “Đấng Thượng Đế của chúng ta là ngọn lửa đang thống ngự”. Đây cũng là biểu tượng của cõi trí mà Agni là chúa tể tối cao của cõi này.
− Hoả thần (Agnichaitans, 215). Một nhóm hoả thần cõi hồng trần.
− Hoả Tinh Quân (Lords of the Flame, 220). Một trong những Huyền giai vĩ đại gồm các Đấng tinh thần đang chỉ đạo thái dương hệ. Các Ngài cầm quyền điều hành cuộc tiến hóa của nhân loại trên hành tinh này cách đây khoảng 18 triệu năm, vào giữa căn chủng thứ ba, giống dân Lemuria.
− Jiva (219). Chân thần, một đơn vị tâm thức riêng biệt.
− Kumaras (219). Bảy Đấng hữu ngã thức cao cả nhất trong thái dương hệ. Bảy vị Kumara này biểu hiện qua trung gian của một hệ hành tinh theo cách giống như một con người biểu hiện qua thể xác. Ngoài những danh xưng khác, người Ấn giáo còn gọi các Ngài là “những người con sinh ra từ trí tuệ của Brahma.” Các Ngài là tổng thể của thông tuệ và minh triết. Bên trong hệ hành tinh, chúng ta thấy có phản ánh trật tự thái dương hệ. Đứng đầu cuộc tiến hóa của thế giới chúng ta có vị Đệ nhất Kumara với sự trợ giúp của sáu vị Kumara khác, ba vị ngoại môn và ba vị nội môn, các Ngài là những tụ điểm để phân phối mãnh lực của các vị Kumara thái dương hệ.
− Lemuria (219). Một thuật ngữ hiện đại, trước hết được một số nhà tự nhiên học sử dụng, và nay được các nhà Thần triết chọn dùng để chỉ một lục địa mà theo Giáo Lý Bí Nhiệm của Đông phương thì có trước Châu Atlantis. Đó là nơi cư ngụ của căn chủng thứ ba.
− Luồng hoả hậu (Kundalini, 219). Quyền năng của Sự Sống: một trong các mãnh lực của thiên nhiên. Chỉ những người nào thực hành định trí theo yoga mới biết được quyền năng này, nó được tập trung bên trong cột sống.
− Mayavi Rupa (221). Từ Bắc Phạn, nghĩa là “Thể ảo.” Đó là thể biểu hiện do vị Chân sư tạo nên, bằng tác động của ý chí, để sử dụng trong tam giới. Nó không liên kết về mặt vật chất với thể xác. Nó thuộc về tinh thần, siêu phàm, và đi khắp nơi không trở ngại. Nó được kiến tạo bởi quyền năng của hạ trí, bằng loại vật chất cảm dục cao nhất.
− Nguyên khí thứ Năm (Fifth Principle, 218). Nguyên khí trí tuệ; khả năng này nơi con người là nguyên khí suy tư thông minh, phân biệt con người với loài vật.
− Nghiệp quả (Karma, 219). Hành động ở cõi trần. Theo siêu hình học, là định luật báo phục; luật nhân quả hay luật tạo hậu quả theo đạo đức. Có nghiệp quả của hành động tốt và nghiệp quả của hành động xấu. Đó là quyền năng điều hành mọi sự, hậu quả của hành động đạo đức, hay là hiệu quả về mặt đạo đức của một việc làm, được thực hiện để đạt một điều gì làm thỏa mãn ham muốn cá nhân.
− Ngôi Lời (Logos, 220). Thượng Đế biểu hiện thông qua mọi quốc gia và dân tộc. Sự biểu lộ ra ngoài, hay là hiệu quả của nguyên nhân mãi mãi được che giấu. Do thế, lời nói là biểu hiện của tư tưởng, và vì vậy được chuyển dịch một cách thích hợp là “lời nói” và “linh từ” theo ý nghĩa siêu hình của nó. (Xem John 1: 1-3.)
− Nguyên sơ (Adi, 215). Thứ nhất; nguyên thủy; cõi nguyên tử của thái dương hệ; cõi cao nhất trong bảy cõi; tối đại niết-bàn.
− Nguyên tử trường tồn (Permanent atom, 222). Năm hạt nguyên tử, cùng với nguyên tử trường tồn hạ trí, mỗi nguyên tử trên một trong năm cõi tiến hóa của nhân loại (nguyên tử trường tồn hạ trí cũng ở trên cõi trí) được Chân thần thu dụng cho các mục đích biểu hiện. Chúng hình thành một trung tâm ổn định và tương đối trường tồn. Chung quanh chúng, các lớp áo hay các thể được kiến tạo. Chúng thực sự là những trung tâm lực nhỏ.
− Nhóm Chân nhân (Egoic Groups, 217). Trên phân cảnh thứ ba của cảnh giới thứ năm, tức là cõi trí, có những thể nguyên nhân của các cá nhân nam, nữ. Các thể này, là sự biểu lộ của Chân nhân, hay của ngã thức cá nhân hóa, được qui tụ lại thành từng nhóm tùy theo cung hay phẩm tính đặc biệt của Chân nhân liên hệ.
− Noãn hào quang (Auric egg, 216). Một tên gọi thể nguyên nhân, do nó có hình trứng.
− Phân cảnh nguyên tử (Atomic subplane, 216) . Vật chất của thái dương hệ được các huyền bí gia phân thành bảy cảnh giới, cõi, hay trạng thái, cõi cao nhất là cõi nguyên tử. Tương tự, mỗi một trong bảy cảnh giới được chia thành bảy phân cảnh, phân cảnh cao nhất gọi là phân cảnh nguyên tử. Như vậy, có bốn mươi chín phân cảnh, trong đó có bảy phân cảnh nguyên tử.
− Phật (Đức) (Buddha, 216). Danh xưng để chỉ Đức Gautama. Ngài sinh ở Ấn Độ vào khoảng 621 trước Công nguyên và hoàn toàn thành Phật vào năm 592 trước Công nguyên. Đức Phật là “Đấng Giác Ngộ,” và đã đạt trình độ kiến thức cao nhất khả dĩ có được cho con người trong thái dương hệ này.
− Senzar (Tiếng) (Sensa hay Senzar, 224). Tên gọi của ngôn ngữ bí mật của giới tăng lữ, hay là “tiếng nói bí nhiệm” của các bậc đắc đạo trên khắp thế giới. Đó là một ngôn ngữ đại đồng, và phần lớn là các mật mã tượng hình.
− Shamballa (225). Thành phố của các vị Thần, ở phía Tây đối với một số quốc gia, ở phía Đông đối với các nước khác, ở phía Bắc hay phía Nam đối với các quốc gia khác nữa. Đó là thánh đảo ở trong sa mạc Gobi, là quê hương của khoa thần bí và Giáo lý Bí nhiệm.
− Sinh lực (Prana, 222). Nguyên khí của Sự Sống, hơi thở của Sự Sống. Huyền bí gia tin tưởng vào lời phát biểu sau:”Sự Sống mà chúng ta xem là một hình thức tồn tại duy nhất, biểu hiện trong cái gọi là vật chất, hoặc là những gì mà, do phân tách sai lầm, chúng ta gọi là Tinh thần, Linh hồn, và Vật chất trong con người. Vật chất là thể biểu hiện của linh hồn trên cõi đời này; linh hồn là thể biểu hiện của tinh thần, và cả ba là tam vị nhất thể được Sự Sống tổng hợp và thấm nhuần tất cả.”
− Tam giới (Three Worlds). Còn gọi là ba cõi thấp. Có ba cảnh giới gồm sự hiện hữu hồng trần, kinh nghiệm tình cảm và nỗ lực thông hiểu trí tuệ. (Xem Chương 4, “Luân hồi,” trang 30.)
− Tam nguyên thượng (Triad, 225). Con người Tinh thần; sự biểu hiện của Chân thần. Đó là tinh thần còn phôi thai chứa đựng các tiềm năng của thiên tính. Các tiềm năng này sẽ được khai mở trong suốt cuộc tiến hóa. Tam nguyên này tạo thành cái ngã riêng biệt hay cá nhân hóa, hay Chân nhân.
− Thần (hay Thiên thần, Deva or Angel, 217). Một vị thần. Tiếng Bắc Phạn có nghĩa là một vị thần hào quang rực rỡ. Thần là một sinh linh thuộc thiên giới, có thể tốt, xấu hay vô hại. Thiên thần được chia thành nhiều nhóm, không những được gọi là các thiên thần và đại thiên thần, mà còn được gọi là các thần kiến tạo cấp cao hay thấp.
− Thần chú (Mantrams, 221). Các câu lấy từ Kinh Vệ Đà. Theo nghĩa ngoại môn thì một câu thần chú (hay là khả năng, quyền năng thần thông truyền đạt nhận thức hoặc tư tưởng) là phần cổ xưa hơn của Kinh Vệ Đà, phần thứ nhì là các Kinh Brahmanas. Trong ngữ thức nội môn thì thần chú là linh từ được cụ thể hóa, hoặc làm cho biểu lộ khách quan nhờ pháp thuật thiêng liêng. Một hình thức ngôn từ hay các âm vận được sắp xếp có tiết điệu, để khi xướng lên thì phát ra những rung động nhất định.
− Thể dĩ thái (Etheric body, Etheric double, 218). Theo giáo huấn huyền môn, thể hồng trần của con người gồm hai phần, thể xác trọng trược và thể dĩ thái. Thể xác gồm vật chất của ba phân cảnh thấp của cõi trần. Thể dĩ thái gồm bốn phân cảnh cao nhất hay phân cảnh dĩ thái của cõi trần.
− Thể nguyên nhân (Causal Body, 217). Theo lập trường cõi trần thì đây không phải là một thể, không thuộc chủ quan hay khách quan. Tuy nhiên, nó là trung tâm của tâm thức Chân nhân, và được hình thành do sự kết hợp của bồ-đề và trí tuệ. Thể này tương đối trường cửu, tồn tại trong suốt chu kỳ các kiếp luân hồi, và chỉ bị làm tan rã sau cuộc điểm đạo thứ tư, khi về phần con người không còn nhu cầu phải tái sinh thêm.
− Thiên vương (Raja Lord, 223). Từ “Raja” chỉ có nghĩa là Vua hay Ông Hoàng; từ này đã được áp dụng cho các đại thiên thần hay những Đấng phú linh cho bảy cảnh giới. Đây là các đại thiên thần là tổng thể và là sự thông tuệ chế ngự một cảnh giới.
− Thời đại Hắc ám (Kali Yuga, 219). “Yuga” là một thời đại hay chu kỳ. Theo triết học Ấn Độ, cuộc tiến hóa của chúng ta được chia thành bốn thời đại hay chu kỳ. “Thời đại Hắc ám” là thời đại hiện nay, một thời kỳ 432.000 năm.
− Tiểu vũ trụ (Microcosm, 221). Vũ trụ nhỏ, hay là con người biểu hiện qua cơ thể của mình, thể hồng trần.
− Tinh linh (Elementals, 217). Các tinh linh của các đại nguyên tố, Địa, Thủy, Hoả, Phong. Ngoại trừ một ít vị cấp cao và các tổng lãnh, họ là những mãnh lực trong thiên nhiên hơn là những người nam, nữ ở trong thể dĩ thái.
− Tôn sư (Guru, 218). Vị Huấn sư Tinh thần. Một vị Chân sư trong các giáo lý đạo đức và siêu hình.
− Trí tuệ, hay nguyên khí trí tuệ (Manas, or Manasic Principle, 220). Nghĩa đen là trí tuệ, khả năng trí tuệ; điều phân biệt giữa con người với tình trạng chỉ là con vật. Đó là nguyên khí cá nhân hóa; nguyên khí giúp con người có thể biết rằng y hiện hữu, cảm giác, và hiểu biết. Trong một số trường phái, nó được chia làm hai phần, thượng trí hay trí trừu tượng, hạ trí hay trí cụ thể.
− Tứ thể hạ (Quaternary, 223). Phàm ngã tứ phân, hay là con người, trong tam giới. Vấn đề này có nhiều cách phân chia, nhưng có lẽ cách tốt nhất cho mục đích của chúng ta là kể ra bốn phần này như sau:
1. Hạ trí.
2. Thể tình cảm hay cảm dục.
3. Sinh lực, hay Nguyên khí Sự sống.
4. Thể dĩ thái, hay là phần cao nhất của thể hồng trần nhị phân.
− Ứng thân (Vị) (Nirmanakaya, 222). Các Đấng trọn lành từ bỏ Niết-bàn (trạng thái chân phúc tinh thần cao siêu nhất) và chọn cuộc đời tự hy sinh, trở nên thành viên của một đoàn quân vô hình, mãi mãi bảo vệ nhân loại trong các giới hạn nghiệp quả.
− Văn Minh Đại Đế (Đức) (Lord of Civilisation, Mahachohan, 220). Vị Trưởng Ngành chánh đại thứ ba của ĐĐCG. Đấng Cao Cả này là vị Chúa của Văn minh, và là sự bừng nở của nguyên khí thông tuệ. Ngài là hiện thân trên hành tinh này của trạng thái thứ ba hay là trạng thái thông tuệ của thiêng liêng, trong năm lãnh vực hoạt động của nó.
− Viveka (225). Từ Bắc Phạn nghĩa là “phân biện.” Chính bước đầu tiên trên đường huyền bí học . . . là phân biện giữa sự thật và không thật, giữa thực chất và hiện tượng, giữa Ngã và Phi- ngã, giữa Tinh thần và Vật chất.
− Vòng hạn định (Ring-pass-not, 224). Hạn định này ở tại chu vi của thái dương hệ được biểu hiện, và là ranh giới ảnh hưởng của mặt trời, hiểu theo nghĩa vừa nội môn vừa ngoại môn. Giới hạn phạm vi hoạt động của mãnh lực sự sống trung ương.
− Wesak (225). Một cuộc lễ xảy ra trong dãy Hi-mã-lạp-sơn vào lúc trăng tròn tháng Năm dương lịch. Người ta nói rằng trong cuộc lễ này, tất cả các nhân viên của ĐĐCG đều có mặt, trong một thời khoảng ngắn, Đức Phật đổi mới sự tiếp xúc và liên kết của Ngài với công tác của hành tinh chúng ta.
− Yoga (225). 1. Một trong sáu trường phái của Ấn Độ, người ta cho là do Patanjali sáng lập, nhưng thực ra có nguồn gốc xưa hơn nhiều. 2. Việc thực hành tham thiền như một phương tiện đưa đến sự giải thoát tinh thần.
− Yoga Chúa (Rajs Yoga, 223). Hệ thống thực sự để phát triển các quyền năng thần thông và tinh thần, và hợp nhất với Chân ngã hay Chân nhân của mỗi người. Nó gồm việc tập luyện, điều hòa, và tập trung tư tưởng.
− Ghi chú: Phần ngữ giải này không được xem là giải thích đầy đủ tất cả các thuật ngữ trên. Đây chỉ là một cố gắng nhằm chuyển dịch sang tiếng Anh (Và sang tiếng Việt, ND) một số từ dùng trong sách này, nhờ thế độc giả có thể hiểu được nghĩa rộng của chúng. Đa số các định nghĩa ở đây đều được chọn từ Ngữ Giải Thần Triết, Giáo Lý Bí Nhiệm, và Tiếng Nói Vô Thanh. (Các số trong ngoặc ghi sau mỗi từ ở phần này, và các số bên lề trái trang sách ở phần trước, là số trang nguyên bản tiếng Anh. ND.)
Trường Arcane
Cung ứng cuộc huấn luyện trên Đường Đạo trong kỷ nguyên mới.
Các nguyên lý của nền Minh Triết Ngàn Đời được trình bày thông qua tham thiền nội môn, học hỏi, nghiên cứu và phụng sự, như là một lối sống.
Muốn biết thêm chi tiết xin biên thư về:
Arcane school [120] Wall Street, 24th Floor
New York, NY 10005 USA.
(Dành cho sinh viên học bằng Anh ngữ, ở Á Châu và Mỹ Châu.)
arcane school
Suite 54 [3] Whitehall Court
London SW1A 2 EF ENGLAND
(Dành cho sinh viên học bằng Anh ngữ, ở u Châu và các vùng lân cận.)
ÉCOLE ARCANNE
Case Postale 31 [1] Rue Varembé (3e)
1211 Geneva 20 SWITZERLAND
( Dành cho các sinh viên học bằng Pháp ngữ và các ngôn ngữ khác.)