BÍ QUYẾT LÀM CHỦ VẬN MỆNH
THỜI VẬN KHÔNG THÔNG - MƯU CẦU VÔ ÍCH
=========
PHẦN MỘT
NHÂN QUẢ LUÂN HỒI - SỐ MỆNH VÀ VẬN MỆNH
Đức Phật dậy: Con Người mang theo Nghiệp báo như hình với bóng
PHẦN HAI
NHỮNG TẤM GƯƠNG LÀM CHỦ VẬN MỆNH
+ Ông Sư Trong Mộ - Im lặng chờ thời cơ đến
HT Tuyên Hóa: Có một số người muốn biết về cuộc đời quá khứ của tôi, cho nên bây giờ tôi sẽ sơ lược vài điểm để quý vị rõ. Tôi sanh trưởng ở vùng Đông Bắc và xuất gia từ nơi đó. Sau đó tôi bị gió nghiệp thổi đến Thiên Tân, rồi thổi tiếp đến Võ Hán, Hồ Bắc, Phổ Đà Sơn, Tô Châu Linh Nham Sơn. Sau đó nó lại thổi tôi đến Quảng Đông ở chùa Nam Hoa, và được thân cận với Lão Hòa Thượng Hư Vân. Đến năm 1950, tôi lại đến Hồng Kông. Và tại Hồng Kông tôi đã có một khoảng nhân duyên không lớn cũng không nhỏ. Trong thời gian tôi ẩn cư tại đó, tôi rất ít tiếp xúc với người ngoài. Năm 1962, tôi lại đơn độc một mình đến nước Hoa Kỳ.
Lúc tôi mới đến San Francisco, Hoa Kỳ, cuộc sống ở đấy rất là khốn khổ. Tôi sống trong căn phòng dưới hầm (basement). Trong căn hầm nầy có cửa, nhưng không có cửa sổ, vì vậy ánh sáng mặt trời không soi thấu vào được. Vả lại nơi đó rất ẩm thấp, giống hệt như một ngôi mộ phần. Do đó tôi đặt tên riêng cho mình là “Mộ Trung Tăng,” tức là Ông Sư Trong Mộ. Tuy vẫn còn sống, nhưng tôi giống như người đã chết, có nghĩa là tôi không tranh chấp với bất cứ người nào. Chuyện gì người ta thích làm, tôi sẽ không tranh mà cứ để cho họ làm. Những gì người ta không thích, hoặc những thứ không tốt lành thì tôi thâu thập lại, giống như là đi nhặt rác rến vậy đó. Tôi ở trong “phần mộ” như thế được sáu năm. Đến mùa hè năm 1968, nhân duyên thành tựu là từ vùng Seattle, có ba, bốn mươi sinh viên với đủ cả các văn bằng: tiến sĩ, thạc sĩ, học sĩ, mời tôi giảng kinh Lăng Nghiêm. Thế là tôi chui ra khỏi ngôi mộ để bắt đầu hoằng dương Phật Pháp tại Tây phương.
Tôi cũng xin nói thêm về chí nguyện và sự thực hiện việc phiên dịch kinh điển của tôi. Tôi là một người tài mọn ít học, cả đời chỉ được học tại trường hai năm rưỡi thôi. Tôi nhập học lúc mười lăm tuổi, nhưng đến mười bảy tuổi lại thôi học. Đến năm mười lăm tuổi tôi mới bắt đầu đi học. Lúc mười sáu, mười bảy tuổi thì tôi tham gia vào Hội Đạo Đức. Mười sáu tuổi, tôi đã giảng thuyết Lục Tổ Đàn Kinh. Một người bất học vô thuật như tôi mà biết giảng kinh, quý vị nói là có tức cười hay không!
Khi ở Đông Bắc, tôi thường quan sát cách thức truyền bá giáo lý của các tôn giáo khác. Chẳng hạn như đạo Thiên Chúa và đạo Tin Lành, tôi thấy giáo nghĩa của họ được phổ biến một cách sâu rộng và có rất đông giáo đồ. Nguyên nhân chủ yếu là vì họ đã phiên dịch Thánh Kinh thành ra nhiều thứ tiếng trên thế giới và phổ biến một cách rộng rãi. Lời lẽ văn tự và giáo lý trong Kinh Thánh thì ngắn gọn, rõ ràng và dễ hiểu. Vả lại, nguyên toàn bộ giáo lý của họ đã được cô động, thâu gọn vào trong một bộ Kinh Thánh, không có rườm rà nên khiến cho nhiều người dễ dàng tiếp nhận. Đó là một nhân tố lớn khiến cho đạo Thiên Chúa và Tin Lành rất thịnh hành. Còn một nhân tố lớn khác cũng giúp cho họ được thành công, đó là họ đề xướng về ngành giáo dục. Họ thành lập rất nhiều trường học để truyền bá giáo lý, cho nên điều đó đã có sự ảnh hưởng rộng rãi vô cùng.
Qua sự xem xét nầy, tôi bèn quyết định rằng: Nếu muốn trùng hưng Phật Pháp, chúng ta phải bắt đầu từ hai phương diện như: tự lưu truyền quảng bá kinh điển và đề xướng việc giáo dục. Bởi nhân đó mà tôi sớm phát nguyện, muốn phiên dịch Tam Tạng Kinh Điển thành ra các thứ tiếng ngoại quốc, ngõ hầu truyền bá đến toàn thế giới.
Phiên dịch Tam Tạng Kinh Điển là nhiệm vụ rất khó khăn. Ngày xưa, việc nầy đều do sự ủng hộ tận tâm của nhà Vua và các quan đại thần, chớ đâu phải do năng lực của một số dân chúng bá tánh mà làm được. Tôi là người không tự lượng sức mình. Tự bản thân tôi, một chữ ngoại ngữ cũng không thông, thế mà lại muốn gánh lấy trách nhiệm vĩ đại nầy. Đã không hiểu ngoại ngữ, vậy tôi làm sao phiên dịch đây? Tôi bèn tìm đến các vị học giả hiểu biết tiếng ngoại ngữ, để mà cúi đầu hoặc thăm hỏi. Thấy tôi trịnh trọng như thế, họ đều lấy làm vinh dự. Bởi vậy, tuy phiên dịch kinh điển là công việc rất khó khăn, song họ cũng dốc lòng làm.
Từ năm 1968 đến nay, bổn hội chúng ta xuất bản có hơn trăm bộ kinh điển đã được dịch sang các ngôn ngữ Tây phương. Những kinh sách đó đã được lưu hành khắp các nước, và được nhân sĩ các nước xem rất trọng. Mặc dù công việc phiên dịch chưa thể nói là hoàn hảo lắm, nhưng đúng thật là nó đã thức tỉnh được rất nhiều người đang mê mộng, khiến họ sanh lòng chánh tín đối với Phật Pháp. Vả lại, qua cách thử nghiệm nầy cũng có tác dụng giống như chúng ta ném bỏ hòn đá để lấy vào viên ngọc quý.
Chúng ta hy vọng trong tương lai, người ta sẽ làm công tác phiên dịch càng tinh thâm hơn, và càng đạt tới chỗ viên mãn hơn.
Mãi đến hôm nay, tôi vẫn còn đeo mang canh cánh trong lòng mối hoài bão phiên dịch kinh điển và tổ chức giáo dục. Nếu tôi không thực hiện được, thời chết sẽ không nhắm mắt.
+ Mời xem chi tiết....Tại đây
+ SƠ TỔ BỒ ĐỀ ĐẠT MA - ĐỨC TỔ SƯ THIỀN TÔNG THỨ NHẤT - TỔ THỨ HAI MƯƠI TÁM CỦA ĐỨC PHẬT
Nhưng quyển Kinh Lục Tổ Pháp Bảo Đàn là Kinh Trung Quốc, không phải Kinh Ấn Độ, cho nên ngoài bảy loại lập đề ra, còn có thêm một loại là Xứ lập đề. Lục Tổ là người, Pháp Bảo là pháp, Đàn là xứ sở, vì thế quyển Kinh này là Nhân Pháp Xứ lập đề, không thể giảng theo bảy loại lập đề kể trên.
Ngôi vị Lục Tổ không phải dễ thừa kế, đảm trách. Vì sao vậy? Vì có rất nhiều người muốn giết Ngài. Ngay cả đệ tử của Ngài là Chí Triệt cũng tìm cách giết hại Ngài. Vì thế Đại sư sau khi đắc pháp đã tỵ nạn mười sáu năm trong nhóm thợ săn. Thậm chí sau khi kiến lập Pháp đàn tại Nam Hoa Tự, vẫn còn có ngoại đạo công khai muốn giết Ngài. Cho nên Đại sư chạy lên núi ẩn trong núi đá tọa thiền, hòn đá mà Đại sư tỵ nạn, đến nay vẫn còn thấy ở Nam Hoa Tự.
Lục Tổ Đại sư từ đâu mà có danh hàm Lục Tổ? Điều này bắt đầu từ Ngài Bồ Đề Đạt Ma. Bồ Đề có nghĩa là Giác, Đạt Ma có nghĩa là Pháp. Ngài Bồ Đề Đạt Ma là Tổ thứ hai mươi tám tại Ấn Độ, nhưng tại sao Ngài không ở Ấn Độ làm Tổ mà đi đến Trung Quốc làm gì? Vì xưa kia Phật đã thọ ký: Đến đời Tổ thứ hai mươi tám, Đại thừa Phật pháp sẽ truyền đến Trung Quốc. Do nhân duyên như thế, Ngài Bồ Đề Đạt Ma ngồi thuyền đến Trung Quốc truyền đạo. Nhưng lúc đó Phật Pháp tại Trung Quốc, dường như có dường như không, bởi vì chỉ làm công tác bên ngoài như tụng kinh, nghiên cứu kinh điển, giảng kinh v.v.., ngay cả việc bái sám cũng không có. Đương thời các học giả đều cho Phật giáo như là một loại học vấn để nghiên cứu thảo luận.....
Trước khi Tổ sư Đạt Ma đến Trung Quốc, Ngài có phái hai người đệ tử là Phật Đà và Da Xá đến Trung Quốc truyền pháp môn đốn ngộ, tức là Thiền tông. Ai ngờ hai Ngài đến Trung Quốc lại gặp phải cảnh trái ý nghịch lòng, tất cả các Tăng sĩ thời đó đều không xem trọng hai Ngài. Sau đó hai Ngài đến Lư Sơn gặp Đại sư Huệ Viễn; Ngài Huệ Viễn chuyên giảng về pháp môn niệm Phật. Đại sư Huệ Viễn hỏi:
– Hai vị là các Tăng sĩ Ấn Độ, hai vị truyền pháp môn gì mà sao không có ai theo học?
Ngài Phật Đà và Da Xá chỉ biết nói rất ít tiếng Trung Quốc, bèn đưa tay ra nói:
– Hãy nhìn xem! Bàn tay tôi nắm vào và giở ra có nhanh không?
– Rất nhanh.
– Bồ đề và phiền não cũng nhanh giống như vậy.
Đại sư Huệ Viễn lập tức khai ngộ, biết ra Bồ đề và phiền não vốn không có gì sai khác. Bồ đề tức phiền não, phiền não tức là Bồ đề! Ngài Huệ Viễn sau khi khai ngộ, rất cung kính cung dưỡng Ngài Phật Đà và Da Xá. Nhưng không lâu hai bậc cao Tăng Ấn Độ này đều vãng sanh trong cùng một ngày. Phần mộ của hai Ngài đến nay vẫn còn ở Lư Sơn.
Tổ sư Đạt Ma nhìn thấy căn tánh Đại thừa ở Trung Quốc đã chín muồi, bèn không ngại gian khổ, đường sá xa xôi, đem Phật pháp Đại thừa đến Trung Quốc. Nhưng lúc đó vì ngôn ngữ không thông, người Trung Quốc gọi Ngài là "Ma-la-sát." Trẻ con nhìn thấy gương mặt Ngài với bộ râu dài đều hoảng sợ chạy mất. Người ta cho rằng Ngài đến để bắt trẻ con vì thế không cho trẻ con đến gần Ngài.
Sau đó Tổ sư Đạt Ma đến Nam Kinh nghe Pháp sư Thần Quang giảng Kinh, nhìn thấy cảnh giới thù thắng: "Chư thiên rải hoa cúng dường, dưới đất sen vàng hiện ra." Cảnh giới này chỉ có người đã đắc Ngũ nhãn Lục thông mới thấy được. Sau khi giảng Kinh xong, là đến phần thỉnh pháp, hỏi pháp, Tổ sư Đạt Ma hỏi:
–Pháp sư! Ông ở đây làm gì?
Thần Quang trả lời:
–Tôi ở đây giảng Kinh.
–Ông giảng Kinh làm gì?
–Tôi giảng Kinh, đưa người liễu ngộ sinh tử.
–Làm sao có thể liễu ngộ được sanh tử? Kinh mà ông giảng đều là giấy trắng mực đen, ông dùng cái gì mà có thể giúp người liễu đoạn sanh tử ?
Thần Quang bị hỏi không có cách nào trả lời, vì thế xấu hổ mà tức giận. Tuy Pháp sư Thần Quang giảng kinh được chư thiên rải hoa cúng dường nhưng vẫn còn tính nóng giận như vậy. Vì thế tôi nói Phật Pháp đương thời dường như có dường như không. Pháp sư Thần Quang tức giận liền cầm lấy xâu chuỗi niệm Phật làm bằng sắt nói:
–Ông dám hủy báng pháp à!
Nói xong liền dùng xâu chuỗi đánh vào mặt Đạt Ma. Tổ sư Đạt Ma tuy biết võ thuật, nhưng không ngờ Thần Quang lợi hại như thế, nói không lại liền động võ, kết quả bị đánh gãy hai cái răng. Nghe nói, răng của bậc Thánh nếu bị đánh gãy, nhổ xuống chỗ nào thì chỗ đó bị hạn hán ba năm. Đạt Ma nghĩ thầm: "Ba năm không mưa, chết đói biết bao nhiêu người. Ta đến Trung Quốc là muốn độ chúng sanh, không phải là để hại chúng sanh," vì thế Ngài nuốt hai cái răng vào bụng, không nói một lời liền bỏ đi.
Vì Ngài là người xuất gia, lại là bậc Tổ Sư, cho nên đã nhẫn nhục được những việc như vậy. Trên đường đi, Ngài gặp con chim Anh Vũ bị nhốt trong lồng. Chim Anh Vũ còn thông minh hơn Thần Quang vì biết Bồ Đề Đạt Ma là một vị Tổ Sư, nên thưa với Ngài rằng:
–Tây lại ý, Tây lại ý, thỉnh Ngài dạy cho chúng con cách thoát ra khỏi lồng.
Đạt Ma đến Trung Quốc chưa gặp được tri âm, nay Anh Vũ này lại là tri âm của Ngài. Nghe chim thỉnh giáo mình như vậy, Đạt Ma rất vui vẻ dạy cho nó một bí quyết: "Muốn thoát khỏi lồng, hai chân duỗi thẳng, đôi mắt nhắm nghiền, đây là diệu kế, giúp con thoát lồng."
...... Người chủ về liền mở lồng lấy Chim ra xem, vì chim giả chết nên khí nóng vẫn còn. Người chủ vừa mở nắm tay ra Anh Vũ liền bay đi! Kế thoát lồng thật hiệu nghiệm....
Pháp sư Thần Quang đánh gãy hai cái răng của Hòa Thượng mặt đen, nhưng thấy Hòa Thượng Ấn Độ không có phản ứng gì, bèn cho rằng mình thắng. Nhưng không lâu sau đó quỷ vô thường đến gặp Pháp sư nói:
– Pháp sư, hôm nay mạng sống của ngài đã hết. Vua Diêm La sai tôi đến mời ngài đi.
– Tôi mà cũng phải chết à? Tôi giảng Kinh được trời rãi hoa cúng dường, đất hiện ra hoa sen vàng mà còn không thể dứt vòng sanh tử thì thế gian này còn có ai có thể dứt vòng sanh tử?
– Có chứ! Chính là Ngài Hòa Thượng mặt đen mà bị ông đánh gãy hai cái răng đó. Diêm Vương không những không cai quản được số mạng của Ngài mà mỗi ngày còn phải hướng về Ngài khấu đầu đảnh lễ.
– Quỷ đại ca! Bạn có thể chờ tôi một chút được không? Xin nói với Diêm Vương dùm tôi một tiếng, xin cho tôi một thời gian ngắn để tôi đi học pháp môn liễu đoạn sanh tử của Ngài Hòa Thượng mặt đen.
– Nếu ông thật có lòng thành như vậy thì việc này không phải không có thể linh hoạt giải quyết.
Thần Quang nghe nói rất vui mừng, không kịp mang dép, chân đất đuổi theo Tổ sư Đạt Ma. Trên đường gặp chim Anh Vũ đã được Ngài Đạt Ma giúp cho thoát khỏi lồng. Anh Vũ nói cho Thần Quang biết Ngài Đạt Ma đã giúp nó như thế nào. Thần Quang đi theo sau lưng Tổ Sư, nhưng Tổ không để ý đến. Thần Quang đi theo cho đến núi Hùng Nhĩ ở Lạc Dương (Chùa Thiếu Lâm, Tung Sơn, Hà Nam). Tổ sư Đạt Ma ở đó diện bích tọa thiền, Ngài ngồi suốt chín năm, Thần Quang cũng quỳ đủ chín năm. .....
Trong thời gian chín năm diện bích của Đạt Ma có rất nhiều người đến quy y lạy Ngài làm Thầy.
Thần Quang cũng quỳ suốt chín năm. Một ngày kia tuyết lớn, tuyết phủ đến hông. Đạt Ma nói:
– Tuyết lớn như vậy ông quỳ đó làm gì?
– Bạch Tổ Sư, con muốn liễu đoạn sanh tử. Lúc trước con giảng Kinh không thể liễu đoạn sanh tử, nay kính xin Tổ Sư truyền dạy cho con pháp môn liễu đoạn sanh tử.
– Ngươi nhìn, trời hiện rơi cái gì?
– Bạch Tổ Sư, trời đang rơi tuyết.
– Tuyết có màu gì?
– Bạch Tổ Sư, tuyết màu trắng.
– Ngươi đợi đến lúc nào mà trời rơi tuyết màu đỏ thì lúc đó ta sẽ truyền dạy pháp môn liễu đoạn sanh tử cho ngươi. Nếu trời không rơi tuyết đỏ thì ngươi đừng nên hy vọng ta truyền dạy cho. Ngươi là một kẻ xuất gia hung ác như vậy, dùng xâu chuỗi niệm Phật bằng sắt đánh gãy hai cái răng của ta, ta không báo thù cũng là từ bi lắm rồi, làm sao lại có thể truyền pháp cho ngươi được?
Đạt Ma đưa ra vấn đề khó khăn như vậy để khảo nghiệm Thần Quang, nhưng Thần Quang đã giải quyết được. Thần Quang nhìn thấy trên tường có một thanh giới đao của người tu đạo, dùng dự bị lúc phạm giới thì đem đao chặt đứt đầu mình chớ không để phạm đến giới thể. Thần Quang liền lấy thanh đao đó xuống chặt đứt cánh tay mình, máu rơi đầy mặt đất đã làm tuyết trắng biến thành tuyết đỏ. Thần Quang liền bụm lấy một nắm tuyết đỏ đem dâng đến trước mặt Ngài Đạt Ma và nói:
– Bạch Tổ Sư, Ngài xem, đây chính thật là tuyết đỏ.
Điều này vốn đã ở trong dự liệu, chỉ vì muốn thử thách chân tâm của Thần Quang, mà Đạt Ma mới đưa ra vấn đề thử thách này. Vì thế Ngài rất hoan hỷ nói:
– Ta đến Trung Quốc thật không có uổng công, gặp phải ngươi là người chân thành cầu pháp tu hành như vậy, ngay cánh tay của chính mình cũng bỏ đi để cầu pháp, quả là có tâm thành.
Sau đó Ngài Đạt Ma mới đem pháp môn dĩ tâm ấn tâm, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật truyền cho Thần Quang. Sau khi Ngài Đạt Ma giảng xong pháp môn, Thần Quang liền sanh tâm phân biệt nói:
– Con chặt đứt cánh tay, rất đau nhức, tâm cũng rất nhức nhối, xin Tổ Sư an tâm cho con.
– Đem tâm của ông ra đây, ta mới có thể giúp ông an tâm!
Thần Quang bèn đi tìm tâm của mình, Đông Tây Nam Bắc, trên trời dưới đất, tìm hoài mà không thấy tâm của mình. Thần Quang nói:
– Con tìm không ra.
– Ta đã an tâm cho ông rồi.
Thần Quang lập tức hoát nhiên đại ngộ. Vì thế Thần Quang nói:
Vạn pháp quy nhứt, nhứt quy hà xứ ?
Thần Quang bất minh cản Đạt Ma.
Hùng Nhĩ sơn tiền quỵ cửu tái,
Chỉ cầu nhứt điểm đóa Diêm La.
Vạn pháp quy nhứt, vậy nhứt quy về đâu? Thần Quang không rõ nghĩa lý của chữ "hợp," vì thế đuổi theo Đạt Ma, tại núi Hùng Nhĩ quỳ suốt chín năm, chỉ cầu Tổ Sư chỉ điểm cách liễu đoạn sanh tử, thoát khỏi Diêm Vương.
Thần Quang sau khi được Tổ sư Đạt Ma truyền pháp, liền đổi tên là Huệ Khả, tức là trí huệ đầy đủ, thiện căn viên mãn. Đại sư Huệ Khả hỏi Tổ sư Đạt Ma:
– Bạch Tổ Sư, ở Ấn Độ Ngài có đồ đệ đắc pháp chưa? Ở Ấn Độ, khi truyền pháp có đem ca sa, y, bát truyền cho đồ đệ để làm bằng cớ không?
– Không có, ở Ấn Độ ta truyền pháp không có đem ca sa y bát làm vật y cứ, vì tâm người Ấn Độ rất thẳng thắn, tu hành đắc đạo liền nói đắc đạo, chỉ cần có người chứng minh đắc đạo là đủ. Nếu chưa được ấn chứng, họ sẽ không nói là: tôi đã đắc đạo chứng quả, tôi đã chứng A La Hán, hoặc tôi đã là Bồ Tát. Người Trung Quốc không giống như vậy. Ở Trung Quốc, người có căn tánh Đại thừa cũng rất nhiều, nhưng người nói vọng ngữ cũng không ít, tu hành chưa thành tựu đạo nghiệp mà khoe khoang đã thành; chưa chứng quả cũng tự nói đã chứng quả, vì thế cần phải dùng ca sa y bát để chứng minh. Cho nên nay ta truyền ca sa y bát cho ông, ông nên cẩn thận giữ gìn.
Tổ sư Đạt Ma đến Trung Quốc, từng bị đầu độc sáu lần, vì đương thời Bắc Ngụy có hai vị Pháp sư muốn hại Ngài, một vị là Bồ Đề Lưu Chi, một vị là Luật sư Quang Thống. Họ rất đố kỵ Ngài, đã làm ra vài món đồ chay, trong đó có chất độc cực mạnh đem đến cúng dường Ngài. Ngài biết trong thức ăn có độc nhưng vẫn ăn một cách bình thường. Ăn xong kêu người đem một cái mâm lại, Ngài mửa vài mâm một đống rắn. Thì ra chất độc đã biến thành rắn. Bồ Đề Lưu Chi thấy độc không thể giết được Ngài, không hiểu vì duyên cớ gì. Vì thế lần thứ hai bỏ liều lượng thuốc độc gấp đôi. Đạt Ma cũng ung dung thọ dụng, ăn xong liền ngồi tại một tảng đá lớn, phun thuốc độc ra, sức mạnh của thuốc độc đã làm bể tan tảng đá. Sau đó liên tiếp thêm bốn lần hạ độc nữa nhưng đều không thể hại được Ngài.
Một ngày nọ, Tổ sư Đạt Ma nói với Đại sư Huệ Khả rằng:
– Ta đến Trung Quốc, để độ chúng sanh có căn tánh Đại thừa. Nay pháp đã truyền, ta đã có người kế thừa, giờ viên tịch cũng đã đến.
Sau khi Tổ sư Đạt Ma viên tịch, chúng đệ tử dùng quan tài bọc xác Ngài đem chôn. Nhưng lúc ấy, Bắc Ngụy có một sứ quan tên là Tống Vân, tại vùng Thông Lãnh, trên đường đi gặp Tổ sư Đạt Ma. Tổ Sư, tay cầm dép, nói với Tống Vân rằng:
– Quốc Vương nước ông hôm nay băng hà, ông nên mau mau trở về.
Tống Vân hỏi:
– Đại sư, Ngài đi đâu?
– Ta trở về Ấn Độ.
– Đại sư, Ngài đã truyền pháp cho ai?
– Bốn mươi năm sau tại Trung Quốc.
Sau đó Tống Vân trở về đến Bắc Ngụy đem việc này kể cho mọi người nghe, nhưng không ai tin. Vì thế mọi người mới quật mồ của Tổ sư Đạt Ma ra xem, trong quan tài chỉ còn chiếc dép, ngoài ra không có cái gì khác. Như vậy Tổ sư Đạt Ma đi đâu? Mọi người cũng không ai biết, sợ rằng hôm nay đã đến Mỹ quốc không biết chừng, vì Ngài có thể thiên biến vạn hóa, cho nên không ai có thể nhận ra được Ngài. Khi đến Trung Quốc, Ngài nói Ngài đã một trăm năm mươi tuổi, nhưng lúc Ngài ra đi vẫn là một trăm năm mươi tuổi, lịch sử cũng không có cách nào kiểm chứng. .........
Tổ sư Huệ Khả lúc bốn mươi tuổi gặp Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma, sau khi đắc pháp bèn ẩn trốn bốn mươi năm, vì đương thời Bồ Đề Lưu Chi và Luật sư Quang Thống, chuyên gây khó dễ với các đệ tử của Tổ sư Đạt Ma, thậm chí gặp là muốn giết. Bồ Đề Đạt Ma đã bị hai vị ấy dùng thuốc đầu độc, huống chi là đệ tử của Ngài! Đại sư Huệ Khả nghe theo lời Thầy dạy nên đã ẩn núp, trốn tránh những người gây khó dễ này. Cho đến lúc Đại sư Huệ Khả tám mươi tuổi, Ngài mới bắt đầu hoằng dương Phật pháp, giáo hóa chúng sanh. Cho đến khi gặp Tam Tổ Tăng Xán, sau khi phú pháp, dặn dò Tam Tổ phải cẩn thận bảo hộ giữ gìn y bát làm chứng cứ, và cần phải ẩn trốn để tránh những sự tật đố và bức hại.
Đại sư Huệ Khả lúc đó giả dạng điên khùng, nhưng khi gặp chúng sanh hữu duyên, Ngài liền phổ độ giáo hóa họ. Tuy Ngài giả dạng điên khùng, nhưng vì có duyên với chúng sanh cho nên có rất nhiều người tin tưởng Ngài. Tuy Ngài đã giả dạng điên khùng, nhưng bè nhóm của Bồ Đề Lưu Chi vẫn đem lòng ganh ghét, bèn đi đến quan phủ vu cáo Đại sư Huệ Khả, nói Ngài là yêu quái mê hoặc dân chúng, để dân chúng sùng bái. Hoàng đế đương thời lại cả tin bèn hạ thánh chỉ, ra lệnh quan phủ bắt Huệ Khả thẩm vấn:
– Ngươi là người hay là yêu quái?
Huệ Khả Đại sư trả lời:
– Tôi là yêu quái.
Viên quan thẩm vấn vừa nghe Ngài nói như vậy, liền biết Ngài bị oan ức, nên hỏi lại:
– Ông nên nói cho rõ ràng, ông là người hay yêu quái?
– Tôi thiệt đúng là yêu quái.
Vì quốc pháp không cho phép yêu quái mê hoặc thế gian, cho nên đành phải tâu lên Hoàng đế, đem Ngài đi chém để răn chúng. Ôi, thế gian này có chân lý không vậy! Ngài là Tổ Sư đời thứ hai mà quan phủ nói Ngài là yêu tinh.
Đại sư Huệ Khả rơi nước mắt, nói với đồ chúng rằng:
– Quả báo này ta phải thọ thôi!
Nhị Tổ rất nóng tính, cái gì cũng không sợ, nếu sợ chết Ngài đã không tự nhận là yêu quái. Ngài cảm thấy thương tâm là vì Phật Pháp lúc Ngài còn tại thế, chưa được người ta hiểu biết rộng rãi. Ngài nói Phật Pháp đến thời Tứ Tổ sẽ rơi vào danh tướng, có danh có tướng, liền chấp vào danh tướng. Khóc xong Ngài liền nói với tên đao phủ:.........
Đời Tùy, Tam Tổ Tăng Xán, không ai biết thân thế tánh danh của Ngài. Lúc Ngài gặp Nhị Tổ, toàn thân Ngài đều là ghẻ lác giống như người mắc bệnh phong cùi. Nhị Tổ hỏi:
– Ông từ đâu đến đây? Đến đây làm gì?
– Con đến quy y Hòa Thượng cầu học Phật pháp.
– Ông mắc bệnh như vậy thật không thanh tịnh, làm sao có thể học được Phật pháp?
Tam Tổ vốn rất thông minh, còn thông minh hơn Nhị Tổ nữa, bèn thưa:
– Con là người có bệnh, mà Ngài là một bậc Hòa Thượng, nhưng tâm Ngài và con không có gì sai khác.
Nhị Tổ nghe nói liền biết người này không phải tầm thường, liền nói:
– Không cần nói nữa, ta đã biết rồi.
Nói xong bèn truyền pháp cho Tam Tổ và dạy Tam Tổ phải ẩn trốn để tránh sự sát hại của dư đảng Bồ Đề Lưu Chi:
– Không nên để cho người biết ta đã truyền pháp cho ông.
Vì thế Tam Tổ Tăng Xán học cách của Nhị Tổ, giả dạng điên khùng, âm thầm đi các nơi giáo hóa chúng sanh. Lúc đó gặp lúc Bắc Chu Vũ Đế tiêu diệt Phật pháp nên Ngài ẩn cư trong núi hơn mười mấy năm. Trên núi vốn có rất nhiều sài lang hổ báo, nhưng khi Ngài vừa đến ở đây các loài động vật đó đều bỏ đi hết.
Sau khi truyền pháp cho Tứ Tổ Đạo Tín, Tam Tổ bèn thiết Thiên Tăng Trai (thỉnh một ngàn vị Tăng thọ trai cúng dường). Trai đàn hoàn mãn, Ngài bèn nói với đại chúng:
– Các ông cho rằng kiết già ngồi chết là phương pháp hay nhứt, nay ta cho các ông xem một cách chết đặc biệt. Sự sanh tử của tôi rất tự do, không bị hạn chế của thời gian.
Nói xong, tay trái cầm lấy cành cây, chân giơ lên như thế mà an nhiên thị tịch. Lúc Ngài viên tịch, là bao nhiêu tuổi, là người ở địa phương nào, thân thế ra sao, đều không ai biết.
Có người nghe xong rất kinh sợ nghĩ rằng:
– Vị Tổ thứ nhất là Bồ Đề Đạt Ma bị đầu độc chết, vị Tổ thứ hai bị giết chết, vị Tổ thứ ba thì nắm lấy cành cây mà thác. Tôi thiệt không dám làm Tổ Sư, nguy hiểm quá!
Đến canh ba, Huệ Năng nầy thọ pháp, chẳng có ai hay. Tổ Sư truyền pháp Đốn giáo và y bát cho ta mà dạy rằng: "Ngươi là vị Tổ đời thứ sáu. Hãy khéo tự hộ niệm. Phải quảng độ chúng hữu tình, và lưu truyền chánh pháp cho đời sau, đừng để đoạn tuyệt.
Tổ Sư lại nói: "Ngày xưa Đạt Ma Đại sư mới tới xứ này, vì người chưa tin nên phải truyền y này để làm tín thể, nối truyền cho nhau từ đời này qua đời khác. Còn Pháp thì lấy tâm truyền tâm, khiến cho người tự mình tỏ sáng, tự mình hiểu biết. Từ xưa chư Phật chỉ truyền cái Bổn thể, chư Sư chỉ mật trao cái Bổn tâm mà thôi. Y là cái mối của tranh, tới đời ngươi đừng truyền nữa. Nếu truyền y này, thì rất nguy đến tánh mạng. Hãy đi cho chóng, kẻo e có kẻ hại ngươi."
Huệ Năng nầy bạch: "Đi xứ nào?"
Tổ Sư nói: "Gặp Hoài thì ở lại, gặp Hội thì ẩn nương nơi đó."
Canh ba, khi Huệ Năng nhận lãnh y bát rồi bạch rằng: "Huệ Năng vốn là người Lãnh Nam, chẳng biết một con đường nào nơi núi này, làm sao ra đặng sông Cửu Giang?".....
Huệ Năng nầy nói: "Lúc mê thì Thầy độ, ngộ rồi thì tự độ lấy mình."
Tổ Sư nói: "Phải vậy, phải vậy! .....
Huệ Năng nầy từ biệt Tổ Sư, đi về hướng Nam, trong hai tháng tới núi Đại Dưu Lãnh.
Phía sau có mấy trăm người đuổi theo ta, muốn đoạt y bát.
Có một thầy họ Trần, tên Huệ Minh, ngày trước làm Tứ phẩm Tướng quân, tánh tình thô bạo, quyết chí tìm ta. Thầy cầm đầu chúng nhơn và đuổi theo kịp Huệ Năng nầy. Huệ Năng đặt y bát lên tảng đá mà nói rằng: "Y này là vật biểu tín, há dùng sức mà tranh được sao!" Đoạn Huệ Năng nầy ẩn mình trong đám cỏ tranh.
Huệ Minh đến cầm y giở lên mà không nhúc nhích, bèn kêu rằng: "Hành giả, hành giả, tôi vì Pháp mà đến đây, chớ chẳng phải vì y đâu!"
Huệ Năng nầy bèn bước ra, ngồi xếp bằng trên tảng đá. Huệ Minh làm lễ, nói rằng: "Mong ơn hành giả nói pháp cho tôi nghe."
Huệ Năng nầy nói: "Ông vì pháp mà đến đây, thì khá dứt hết trần duyên, chớ sanh một niệm tưởng, tôi sẽ nói rõ Phật pháp cho Ông nghe."
Lẳng lặng một hồi lâu, Huệ Năng nầy nói: "Chẳng nghĩ việc lành, không nghĩ điều dữ, chính khi ấy cái gì là bản lai diện mục của Thượng Tọa Minh?"
Huệ Minh nghe nói rồi, liền đại ngộ.
Huệ Minh lại hỏi: "Ngoài lời nói và ý chỉ diệu mầu Ngài vừa giảng, còn có ý chỉ vi diệu nào nữa chăng?"
Huệ Năng nầy nói: "Điều tôi nói với ông đó chẳng phải là điều vi diệu (mật). Nếu ông phản chiếu, thì cái vi diệu ấy (mật) ở ngay nơi ông."
Huệ Minh nói: "Tôi tuy ở tại Hoàng Mai, nhưng thiệt chưa xét biết cái Diện mục của mình. Nay nhờ hành giả chỉ dạy, tỷ như người uống nước, lạnh nóng tự mình hay. Nay hành giả tức là thầy của Huệ Minh vậy."
Huệ Năng nầy nói: "Nếu như thế, thì tôi cùng ông đồng thờ một thầy là đức Hoàng Mai. Hãy khéo tự hộ trì!"
Huệ Minh lại nói: "Nay và sau Huệ Minh phải đi xứ nào?"
Huệ Năng nầy nói: "Gặp Viên thì ngừng lại, gặp Mông thì ở đó."
Minh làm lễ rồi giã từ.
Huệ Minh trở về tới chơn núi, kêu bọn chúng đuổi theo mà nói rằng: "Kiếm khắp các đường núi mà chẳng thấy dấu vết gì cả, phải đi hướng khác." Bọn chúng đều tin vậy. Huệ Minh về sau đổi tên là Đạo Minh, đó là tránh phạm húy đến Pháp danh của Đại sư.
Huệ Năng nầy sau khi đến Tào Khê lại bị bọn ác nhơn đuổi theo, nên phải lánh nạn, ở chung với bọn thợ săn tại huyện Tứ Hội, trường trải mười lăm năm. Trong thời kỳ ở với bọn chúng, ta cũng tùy nghi nói pháp. Bọn thợ săn thường bảo ta giữ lưới. Mỗi khi thấy các loài súc sanh lọt vào, ta đều thả ra hết. Mỗi khi đến bữa ăn, ta lấy rau gởi luộc trong nồi nấu thịt. Có người hỏi thì ta trả lời rằng chỉ ăn rau luộc nấu chung với thịt mà thôi.
Một ngày kia, ta suy nghĩ đã đến thời kỳ phải hoằng pháp, chẳng nên ẩn trốn mãi. Ta bèn đi tới chùa Pháp Tánh tại Quảng Châu, gặp Pháp sư Ấn Tông đang giảng kinh Niết Bàn. Lúc ấy có luồng gió thổi lay động lá phướng. Một thầy nói gió động, một thầy khác nói phướng động, hai đàng nghị luận hoài chẳng dứt.
Huệ Năng nầy bước tới nói rằng: "Chẳng phải gió động, cũng không phải phướng động, ấy là tâm của nhơn giả động."
Chúng nhơn nghe nói đều kinh hãi. Ấn Tông liền mời ta ngồi chỗ trên hết, và cầu hỏi những nghĩa lý huyền áo.
Thấy Huệ Năng nầy trả lời, ngôn ngữ giản dị, nghĩa lý thích đáng, mà chẳng do văn tự, Ấn Tông nói rằng: "Hành giả hẳn chẳng phải là người thường. Đã lâu tôi có nghe nói y pháp của Hoàng Mai Ngũ Tổ đã về phương Nam, có phải là hành giả chăng?"
Huệ Năng nầy nói: "Tôi đâu dám!"
Nhơn đó, Ấn Tông đảnh lễ, xin ta trao y bát đặng cho đại chúng xem.......
Sư (Lục tổ Huệ Năng trên đường lánh nạn) ở chùa nầy hơn chín tháng, lại bị bọn ác nhơn tìm theo. Sư bèn lánh mình ẩn trong núi phía trước chùa, thì bị bọn ấy phóng hỏa đốt rụi cỏ cây. Sư ráng sức chui vào kẹt đá, nên mới thoát nạn. Nơi tảng đá nay còn dấu Ngài ngồi kiết già và lằn vải áo. Nhơn đó mới gọi là "tảng đá lánh nạn."
Sư nhớ lại lời Ngũ Tổ dặn nơi huyện Hoài Tập và Tứ Hội, Ngài mới đi ẩn nơi hai xứ ấy.
HT Tuyên Hóa giảng:
Quý vị nghĩ xem ở Hoàng Mai lúc đó có mấy trăm người đuổi theo Lục Tổ Đại sư, đuổi đến Đại Du Lĩnh. Từ Hoàng Mai đến Đại Du Lĩnh cần phải chạy hơn hai tháng trời, nếu không có tâm muốn giết Lục Tổ, đuổi một hai ngày không kịp liền trở về. Nhưng mấy trăm người này đều không trở về, có thể thấy đương thời họ rất xem trọng y bát, đều muốn đoạt y bát làm Tổ Sư. Nay Lục Tổ Đại sư trụ ở đây đã hơn chín tháng, đạo trường cũng đã xây dựng xong, lại bị những kẻ ác đồ đó tìm đến, Lục Tổ Đại sư nghe nói ác đồ đã đến, vì Ngài có thần thông, cho nên khi họ chưa đến Ngài liền ẩn núp ở trước núi, nhưng mà đám ác đồ này của Thần Tú lại phóng hỏa đốt núi. Quý vị nghĩ xem, nếu họ đến không đông, thì trong chùa có một hai ngàn người, làm sao để cho họ ngang nhiên đốt núi? May mà Đại sư ẩn vào trong kẹt đá, mới tránh khỏi nạn. Nay hòn đó vẫn còn dấu tích Đại sư kiết già phu tọa và nếp y phục của Ngài mặc vẫn còn. Đại khái Lục Tổ Đại sư tận lực dụng công, cho nên hòn đá vẫn còn in những đường vân rất nhỏ. Chỗ này tôi cũng đã đến qua, cũng đã ngồi một tiếng đồng hồ, nhưng tôi không phải tỵ nạn mà là thử ngồi đó một chút mà thôi. Ngồi bên trong, người bên ngoài không nhìn thấy được. Vì thế động này gọi là đá tỵ nạn. Lục Tổ Đại sư nhớ lại lời dạy của Ngũ Tổ: "Gặp Hoài thì ngừng, gặp Hội thì ẩn," vì thế Lục Tổ Đại sư ẩn núp một thời gian, đến Hoài Hội, Tân Châu tỵ nạn.
Thầy Tăng pháp danh Chí Triệt, người ở Giang Tây, họ Trương, tên Hành Xương, lúc còn trẻ là một hiệp khách.
Từ khi Nam Bắc chia rẽ việc hóa độ, hai vị tông chủ tuy không phân nhơn ngã, nhưng các tông đồ cùng tăng tử của hai phái thường cạnh tranh và sanh lòng yêu ghét nhau. Lúc bấy giờ môn nhơn phái Bắc Tông tôn Sư Thần Tú làm Tổ thứ sáu, nhưng còn hiềm Tổ Sư vì đặng truyền y làm cho thiên hạ đều hay, nên sai Hành Xương đến thích khách Đại sư. Đại sư tâm thông, biết trước việc ấy, liền lấy mười lượng vàng để sẵn nơi chỗ ngồi. Lúc đêm khuya Hành Xương vào phòng của Tổ và toan muốn làm hại. Đại sư đưa ngay cổ ra cho chém ba lần, mà không phạm chỗ nào cả.
Giảng:
Có một vị Tăng pháp danh Chí Triệt, đây là sau khi xuất gia quy y Lục Tổ Đại sư, Lục Tổ Đại sư đặt pháp danh cho. Chí Triệt, người Giang Tây, họ Trương, tên gọi là Hành Xương. Lúc còn trẻ thích làm những việc hành hiệp trượng nghĩa – cướp của nhà giàu cho nhà nghèo, trên đường gặp chuyện bất bình liền rút đao giúp đỡ. Ông biết khinh công và võ nghệ rất giỏi. Đồ đệ Thần Tú liền thuê Hành Xương đến sát hại Lục Tổ Đại sư.
Từ khi có sự phân hóa thành hai tông phái Nam đốn Bắc tiệm, Nam Năng Bắc Tú, hai vị tông chủ tức Lục Tổ Đại sư và Thần Tú Đại sư, tuy không có quan niệm nhân tướng ngã tướng, nhưng đồ đệ của các Ngài (ở đây là chỉ đồ đệ của Thần Tú Đại sư), tranh nhau khởi lòng thương ghét, giống như đoạn trên giảng về việc họ chê cười Lục Tổ Đại sư không biết chữ sao có thể làm Tổ Sư, phỉ báng Lục Tổ Đại sư như thế. Dưới tòa Lục Tổ Đại sư cũng có đệ tử chân thành, nói Lục Tổ Đại sư đã đắc trí vô sư, các ông không nên hủy báng sư phụ của tôi, vì thế chúng đệ tử cùng nhau công kích. Nhưng đồ chúng của Lục Tổ Đại sư không có nghĩ thích khách Thần Tú Đại sư, mà đồ chúng Thần Tú lại ganh ghét Lục Tổ Đại sư là người kế thừa y bát của Ngũ Tổ. Tôi tin tưởng câu "Tranh nhau khởi lòng thương ghét" ở đây, chỉ cho phái Thần Tú Đại sư bên kia thì lợi hại hơn một chút. Lục Tổ Đại sư bên này thì nhẫn nại vượt qua sự ghét bỏ.
Lúc đó đệ tử Bắc tông có mấy ngàn người, tự đưa Thần Tú lên làm Tổ Sư. Thần Tú tuy không có y bát, nhưng đệ tử của Ngài đưa Ngài làm Tổ Sư đời thứ sáu. Tại sao lại đưa sư phụ của họ làm Tổ Sư đời thứ sáu? Vì trong số họ có người muốn làm Tổ Sư đời thứ bảy. Nếu không có đời thứ sáu, thì đời thứ bảy từ đâu sanh ra? Nhưng lại úy kỵ không dám công khai nói trong chùa. Vì thiên hạ đã biết y bát đã truyền cho Lục Tổ Huệ Năng Đại sư, cho nên thuê Hành Xương đến ám sát Lục Tổ Đại sư, muốn đoạt y bát của Tổ. Lúc đó Hành Xương võ nghệ cao cường, người ta đặt cho biệt hiệu "phi miêu," hành tung Hành Xương quỷ dị, không ai biết được. Tin tức này quý vị ở sách nào cũng tìm không ra, trừ phi quý vị ở trong tình cảnh đương thời mới biết Hành Xương có biệt hiệu như thế. Quý vị xem lúc trước họ phái người đi phóng hỏa, nay lại phái một kẻ thích khách. Tại sao họ lại muốn giết Lục Tổ Huệ Năng ? Bởi vì sau khi giết Ngài, thì có thể công nhiên đưa Thần Tú Đại sư lên làm Lục Tổ. Tại Phật Giáo Giảng Đường có một người vốn cũng có tha tâm thông, thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, nhưng vì người này lòng tham không nhỏ, thường muốn chứng tứ quả A la hán, muốn phi hành tự tại. Người nầy đã nhiều lần thỉnh cầu tôi dạy cho pháp thuật phi thân. Tôi nói: "Ông học pháp thuật này có ích dụng gì?" Ông ta nói: "Để đi Đài Loan thọ giới mà không cần vé máy bay." Vì ông ta tham chứng quả, tham thần thông cho nên trí huệ chân chánh chưa có hiện tiền.
Lục Tổ Đại sư lúc đó cũng có tha tâm thông, đã biết trước âm mưu giết người của họ, Ngài dự bị mười lượng vàng để bên cạnh chỗ ngồi của Ngài. Quý vị nghĩ xem tình hình lúc đó hết sức nguy hiểm, hết sức căng thẳng không? Đêm đến, vào khoảng giữa khuya, Phi miêu họ Trương đến nơi, tay chân không một tiếng động, đến liêu phòng của Lục Tổ, đến trước chỗ Ngài ngồi. Ngay lúc hươi gươm chém xuống, Lục Tổ Đại sư liền giơ cổ cho Hành Xương chém vào. Lúc này Hành Xương không kể Ngài là Hòa Thượng, A La Hán, Tổ Sư hay là gì gì đi nữa, Hành Xương đều giết bởi vì Hành Xương chỉ chứa lòng sát, bởi vì muốn hoàn thành sứ mệnh của đồ chúng Thần Tú giao cho. Quý vị nghĩ xem lúc này có căng thẳng không? Căng thẳng giống như lúc bom nguyên tử sắp nổ vậy! Hành Xương tay cầm gươm báu, dùng hết sức mạnh chém vào cổ Lục Tổ Đại sư ba nhát, nhưng Lục Tổ không một chút trầy trụa!
Sư nói: "Gươm chánh không dùng vào việc tà, gươm tà không dùng vào việc chánh được. Ta chỉ thiếu ngươi vàng, chớ chẳng nợ ngươi mạng." Hành Xương hoảng kinh ngã ngửa, hồi lâu mới tỉnh lại, bèn cầu khẩn ăn năn tội lỗi và liền nguyện xuất gia.
Sư lấy vàng cho và nói: "Ngươi hãy đi, sợ e đồ chúng hại ngươi. Một ngày kia ngươi khá đổi hình dạng, rồi đến đây, ta sẽ nhận và độ ngươi." Hành Xương vâng theo ý Đại sư, đêm ấy trốn đi. Sau Hành Xương xuất gia làm Tăng, thọ Cụ túc giới, và tu hành rất tinh tấn. (Nguồn: Lục Tổ Đàn Kinh - HT Tuyên Hóa giảng)