CÁC ĐẠI
THEO PHẬT PHÁP
+ BẢY ĐẠI GỒM
Đạo lý đang được giảng giải sẽ đưa đến sự giải thích về Bảy đại – đất, nước, lửa, gió, không, kiến và thức – trùm khắp cả pháp giới. Năm uẩn, sáu nhập, 12 xứ, 18 giới đã đề cập trước đây được giải thích là tánh chân như nhiệm mầu của Như Lai tạng, nhưng chúng chưa được nói là trùm khắp cả pháp giới.
+ PHẬT GIẢNG VỀ TỨ ĐẠI HÒA HỢP - TÁNH CÁC ĐẠI: Kinh Thủ LN - Q.3 - HT Tuyên Hóa giảng
+ PHẬT DẠY VỀ TƯỚNG TƯƠNG TỤC
+ Kinh Thủ Lăng Nghiêm - Quyển 4 - Chương I - HT Tuyên Hóa giảng giải
+ Kinh Thủ Lăng Nghiêm - Quyển 4 - Chương II - HT Tuyên Hóa giảng giải
+ Kinh Thủ Lăng Nghiêm - Quyển 4 - Chương III - HT Tuyên Hóa giảng giải
+ PHẬT DẬY VỀ VIÊN THÔNG CỦA BẢY ĐẠI: Kinh Thủ Lăng Nghiêm - Quyển 5 - HT Tuyên Hóa giảng giải
+ Định nghĩa về Thể dụng vi diệu: Mời xem tại đây
ĐỨC PHẬT GIẢNG VỀ CÁC ĐẠI - QUYỂN 3
A-nan, như ông đã nói, tứ đại hòa hợp phát ra các thứ biến hoá trong thế gian.
A-nan, nếu tánh của các đại kia không hòa hợp nhau, thì không thể lẫn lộn với các đại khác. Cũng như hư không, không thể hòa hợp với các sắc tướng.
Nếu tính của tứ đại là hòa hợp, thì cũng đồng như các thứ biến hoá, trước sau biến thành nhau, sinh diệt nối nhau, sinh rồi diệt, diệt rồi sinh, sinh sinh diệt diệt, như vòng lửa quay tròn chưa hề dừng nghỉ.
A-nan, như nước thành băng, băng tan thành nước.
Ông hãy quán sát tính của địa đại, thô làm thành đất liền, tế làm thành vi trần, cho đến lân hư trần;
Nếu chẻ chất cực vi có sắc tướng vô cùng nhỏ ra làm bảy phần. Càng chẻ lân hư trần đó nữa, thì thật là tánh hư không.
A-nan, nếu lân hư trần đó chẻ thành hư không, thì nên biết hư không cũng sinh ra sắc tướng.
Nay ông hỏi rằng do hòa hợp mà sinh ra các tướng biến hoá trong thế gian..... (Nguồn: Kinh Thủ LN-Q3- HT Tuyên Hóa)
VI TRẦN - PHÂN TÍCH VỀ ĐỊA ĐẠI
...Ông hãy quán sát tính của địa đại, thô làm thành đất liền, tế làm thành vi trần, cho đến lân hư trần;
Giảng:
"Ông hãy quán sát tính của địa đại. A-nan, nay Như Lai sẽ giảng giải về địa đại cho ông, ông phải nên lắng lòng nghe cho kỹ. Đừng có như trước đây, ông chỉ chú tâm học hiểu mà không công phu trau dồi định lực. Nay Như Lai sẽ chỉ cho ông giáo lý nền tảng để công phu trau dồi định lực.
Hãy xem xét đặc tính của đất: Thành phần thô làm thành đất liền." 'Thô' có nghĩa sự cấu thành của đất phần lớn là do sự hợp lại của nhiều hạt bụi. "Tế làm thành vi trần." Phần nhỏ nhất làm thành vi trần, cho đến lân hư trần.
'Lân hư trần' là những phân tử nhỏ nhất, mắt thường không thấy được. Nó là bạn láng giềng với hư không, ít nhiều gì nó chính là hư không, chứ không là gì khác. Có người nói rằng: "Khi ánh sáng mặt trời chiếu qua khe cửa, tôi thấy những hạt vi trần nhảy múa trong hư không."Đó là cái mà quý vị thấy được. Còn lân hư trần thì không thể nhìn thấy được bằng mắt thường.
Nếu chẻ chất cực vi có sắc tướng vô cùng nhỏ ra làm bảy phần. Càng chẻ lân hư trần đó nữa, thì thật là tánh hư không.
Giảng:
"Nếu chẻ chất cực vi có sắc tướng vô cùng nhỏ."
Lân hư trần là vật vô cùng nhỏ, là vật vi tế nhất trong tất cả mọi vật có hình tướng. Chẳng có gì nhỏ hơn nó nữa. Vậy mà, nó vẫn có một sắc tướng để có thể nhận biết được. "Ra làm bảy phần. Nếu quý vị chia chẻ những lân hư trần này ra làm bảy phần, thì nó rất gần với hư không. Càng chẻ lân hư trần đó nữa, thì thật là tánh hư không. Những lân hư trần đã được chia chẻ ra nầy thực sự là hư không." Cơ bản là không có sắc tướng. Đây là giải thích về tánh của địa đại.
A-nan, nếu lân hư trần đó chẻ thành hư không, thì nên biết hư không cũng sinh ra sắc tướng.(Sắc tướng có thể biến thành hư không, và hư không cũng chứa đựng sắc tướng trong nó.)
Nay ông hỏi rằng do hòa hợp mà sinh ra các tướng biến hoá trong thế gian.
Ông hãy xét kỹ lân hư trần nầy, phải dùng bao nhiêu hư không hợp lại mới thành? Không lẽ lân hư hợp lại sẽ thành lân hư trần?
Lại nữa, lân hư trần chẻ đã thành hư không được, thì phải dùng bao nhiêu sắc (Địa đại) tướng hợp lại mới thành cả hư không?
Nhưng nếu khi hợp sắc tướng lại, thì sắc tướng hợp lại, không thành được hư không. Nếu hợp hư không lại, khi hư không hợp lại thì không thành được sắc tướng. Sắc tướng còn chẻ được, chứ hư không làm sao hợp lại được?
Ông vốn không biết rằng trong Như Lai tạng, tánh sắc là chơn không, tánh không là chơn sắc, xưa nay vốn thường thanh tịnh, trùm khắp pháp giới, biến hiện tuỳ theo mức độ hiểu biết từ TÂM CHÚNG SINH.
Giảng:
"Ông vốn không biết, A-nan, trong Như Lai tạng–Như Lai tạng là Chân tâm, là Thật tướng. Ông không biết rằng nếu ông cứu xét kỹ cho đến tận nguồn cội hư không và lân hư trần, ông sẽ thấy rằng mình không thể nào biết được nó cả. Mà đạo lý ấy lại được tìm thấy trong Như Lai tạng: tánh sắc là chơn không, tánh không là chơn sắc." Ở điểm rốt ráo, sắc tướng chính là chơn không; và tánh không cũng chính là chơn sắc. Nó vốn không nhiễm ô, không thanh tịnh, không sinh, không diệt, không tăng, không giảm. Cơ bản là bất biến. Tự tánh của nó vốn là thường thanh tịnh, trùm khắp pháp giới, chẳng có gì làm cho nó tăng thêm, cũng chẳng bớt đi chút nào.
"Tánh sắc là chơn không, tánh không là chơn sắc." Đây là một hoạt dụng vi diệu "tuỳ theo mức độ hiểu biết từ tâm chúng sinh." Nó đáp ứng tuỳ theo mọi năng lực nhận thức từ tâm chúng sinh: mức độ của sự nhiệm mầu sẽ hiển bày tương ứng với năng lực nhận thức của mỗi chúng sinh.
Theo nghiệp mà biến hiện ra các cảnh giới hiện hữu. Thế gian không biết, lầm cho là tánh nhân duyên và tự nhiên. Tất cả đều là do thức tâm phân biệt suy lường. Chỉ là lời nói, hoàn toàn không có nghĩa chân thật.
VỀ HỎA ĐẠI
A-nan, tánh của hoả đại không có tự thể, nhờ các trợ duyên mà phát sinh. Ông hãy xem các nhà trong thành khi chưa đến bữa ăn, muốn nhóm bếp thì tay cầm tấm kính đưa trước ánh sáng mặt trời để lấy lửa.
A-nan, cái gọi là hòa hợp, cũng như Như Lai và ông cùng 1250 tỷ-khưu họp thành một chúng. Chúng tuy chỉ một, nhưng xét từ căn gốc, thì mỗi người đều có thân riêng biệt, đều có tên gọi họ hàng riêng của mình. Như Xá-lợi-phất thuộc dòng Bà-la-môn, ông Ưu-lâu-tần-loa thuộc dòng Ca-diếp-ba, cho đến A-nan thì thuộc dòng Cồ-đàm.
A-nan, nếu lửa ấy do hòa hợp mà có, thì khi người kia cầm kính lấy ánh sáng mặt trời, lửa đó từ kính ra, từ bùi nhùi có, hay từ mặt trời mà đến?
A-nan, nếu lửa từ mặt trời mà có, thì lửa ấy đã đốt được bùi nhùi trong tay ông rồi. Những rừng cây mà có ánh sáng mặt trời đi qua lẽ ra đều bị thiêu cháy cả.
Nếu lửa từ kính mà ra, thì lửa ấy có thể từ kính đốt cháy bùi nhùi, tại sao kính lại không bị chảy? Cho đến tay ông cầm kính còn không thấy nóng, làm sao kính chảy được?
Nếu lửa do từ bùi nhùi bằng ngải cứu sinh ra, thì đâu cần gì đến mặt trời, kính và ánh sáng tiếp xúc với nhau mới sinh được lửa?
Ông hãy suy xét kỹ, kính do tay cầm, mặt trời thì ở trên cao, bùi nhùi bằng ngải cứu thì từ đất sinh ra, vậy lửa từ đâu mà đến đây?
Mặt trời và kính xa cách nhau, không hòa không hợp. Không lẽ lửa chẳng do đâu mà tự có?
Ông vẫn chưa biết trong Như Lai tạng, tánh lửa là chơn không, tánh không là chơn hỏa, xưa nay vốn thường thanh tịnh, trùm khắp pháp giới, biến hiện tuỳ theo mức độ hiểu biết từ tâm chúng sinh.
A-nan, ông không biết rằng người đời cầm kính ở đâu, thì ở đó phát ra lửa. Khắp pháp giới cầm kính, thì cả pháp giới có lửa. Lửa khắp cả thế gian, đâu có nơi chốn.
Theo nghiệp mà biến hiện ra các cảnh giới hiện hữu. Thế gian không biết, lầm cho là tánh nhân duyên và tự nhiên. Tất cả đều là do thức tâm phân biệt suy lường. Chỉ là lời nói, hoàn toàn không có nghĩa chân thật.
VỀ THỦY ĐẠI:
A-nan, tánh nước không nhất định (Bất định), khi dừng khi chảy không chừng. Như trong thành Thất-la-phiệt, các vị tiên Ca-tỳ-la, Chước-ca-la và các vị đại huyễn thuật Bát-đầu-ma, Ha-tát-đa v.v... muốn cầu tinh thái âm để pha chế huyễn dược. Các vị ấy vào đêm trăng sáng, tay cầm hạt châu phương chư, hứng nước từ mặt trăng.
Giảng
Vào đêm trăng rằm, tức ngày 15 âm lịch mỗi tháng, họ đem dụng cụ ra–một cái mâm vuông và hạt châu phương chư[Xem 88]–để hứng nước tinh khiết. Khi hạt châu phương chư hướng về mặt trăng đêm rằm, nước sẽ tiết ra và đọng lại trong mâm. Nước nầy sẽ dùng để pha chế huyễn dược. Chắc là không có được nhiều.
Nước ấy từ hạt châu mà có, từ hư không ra hay từ mặt trăng đến?
A-nan, nếu nước từ mặt trăng mà có, thì từ xa mặt trăng có thể làm cho hạt châu ra nước. Những rừng cây mà ánh trăng đi qua, lẽ ra đều phải ra nước. Đã ra nước thì đâu cần đợi có hạt châu mới tiết ra nước được. Còn nếu không ra nước thì rõ ràng nước ấy không phải từ mặt trăng mà có.
Nếu nước từ hạt châu thì trong hạt châu ấy thường chảy ra nước. Sao còn phải đợi mặt trăng lúc nửa đêm?
Nếu nước do hư không sinh ra, hư không vốn chẳng ngằn mé, nước cũng vô cùng. Từ cõi người đến cõi trời, lẽ ra đều phải chìm ngập cả. Làm sao còn có thủy lục không hành?
Ông suy xét thật kỹ, mặt trăng từ trên trời xa, hạt châu do tay người cầm, mâm hứng nước do người sắp đặt. Thế nước từ phương nào mà chảy đến đây?
Mặt trăng và hạt châu cách xa nhau, không phải hòa, không phải hợp. Không lẽ nước kia chẳng do đâu mà tự có?
Ông vốn không biết rằng trong Như Lai tạng, tánh nước là chơn không, tánh không là chơn thủy, xưa nay vốn thường thanh tịnh, trùm khắp pháp giới, biến hiện tuỳ theo mức độ hiểu biết từ tâm chúng sinh.
"Giảng: Chúng ta hoàn toàn có đủ trong tâm chúng ta địa đại, thủy đại, hỏa đại, phong đại, không đại, kiến đại , và thức đại là bảy đại. Nhưng, mặc dù chúng hiện hữu ở đó, chúng vẫn không lẫn lộn hay ngăn ngại nhau....Trong chơn không là diệu hữu. Nếu ông quán chiếu sâu vào đạo lý nầy, ông sẽ liễu ngộ được. Nói cách khác, khi chính ông có công phu[89]– khi ông tọa thiền, có được định lực và phát khởi trí huệ, thì ông sẽ nhận ra rằng đạo lý được giảng giải trong kinh nầy là chân thật, không hư ngụy. Nhưng, đạo lý nầy không dễ gì hiểu được nếu ông cố dò tìm nó bằng thức tâm."
Một nơi cầm hạt châu thì nơi ấy nước chảy ra, khắp nơi cầm hạt châu thì khắp pháp giới có nước. Thủy đại sinh khắp thế gian, đâu có nơi chốn.
Theo nghiệp mà biến hiện ra các cảnh giới hiện hữu. Thế gian không biết, lầm cho là tánh nhân duyên và tự nhiên. Tất cả đều là do thức tâm phân biệt suy lường. Chỉ là lời nói, hoàn toàn không có nghĩa chân thật.
+ Thể - Dụng - Tánh Của Nước và Dòng Nước: ... A-nan, tánh của dòng nước (Sóng lớp lớp chồng lên nhau theo chật tự) như vậy chẳng do hư không sinh ra, chẳng phải do nước mà có, cũng chẳng phải tánh nước, cũng chẳng lìa hư không và nước.
- Nếu lìa hư không và nước thì hư không vốn chẳng có trong và ngoài; ngoài nước ra vốn chẳng có dòng nước.
Giảng:
Nếu lìa hư không và nước – ông muốn nói rằng dòng chảy ấy tách rời hẳn hư không và nước mà có. Nhưng hư không vốn chẳng có trong và ngoài; ngoài nước ra vốn chẳng có dòng nước. Tách rời khỏi nước thì chẳng có dòng chảy nào cả. Nên nói lìa khỏi nước mà có dòng chảy là không đúng. Ông sẽ cho rằng chẳng lìa (khỏi nước mà có dòng chảy), điều ấy cũng sai luôn. Phân tích rốt ráo, A-nan, ông nói như thế nào về việc nầy? Đó chẳng phải là cái gì hiện hữu do nước hoặc hư không. Cội nguồn của nó là Như Lai tàng diệu chân như tánh. (Nguồn: HT Tuyên Hóa giảng Kinh Thủ Lăng Nghiêm)
VỀ PHONG ĐẠI:
A-nan, phong đại không có tự thể, động tĩnh không chừng. Như ông thường chỉnh y để vào trong đại chúng, khi chéo y tăng-già-lê chạm vào người bên cạnh, thì có chút gió phất qua mặt người kia.
Gió nầy do chéo áo ca-sa mà ra, do hư không phát sinh, hay do mặt người kia?
A-nan, nếu gió phất ra do chéo áo ca-sa, thì ông đã mặc gió, lẽ ra áo ấy phải bay ra rời khỏi thân ông rồi. Nay Như Lai đang giảng pháp, đại chúng thấy y của Như Lai rũ xuống, hãy xem trong đó gió ở chỗ nào? Không lẽ trong y lại có chứa gió?
Nếu gió do hư không sinh ra, thì khi y ông bất động, cớ sao không phất ra gió? Tánh hư không là thường hằng, gió lẽ ra phải thường sinh; khi không có gió, thì hư không phải diệt. Gió biến mất, thì có thể biết được, còn hư không diệt, thì hình trạng sẽ như thế nào? Lại nếu có sinh diệt, thì không gọi là hư không. Đã gọi là hư không, làm sao lại phát ra gió được?
Nếu gió sinh ra do nơi mặt người bị chéo y phất, đã do nơi mặt người kia sinh ra, lẽ ra phải phất lại ông. Sao tự ông chỉnh y mà gió phất ngược lại người kia?
Ông hãy xét kỹ, sửa áo là do ông, mặt thuộc người kia, hư không tịch lặng, không dự vào sự lay động. Vậy gió từ phương nào giong ruổi đến đây?
Tánh gió và tánh hư không khác biệt nhau, chẳng hòa chẳng hợp. Không lẽ tánh gió kia, không do đâu mà có?
Ông vẫn chưa biết trong Như Lai tạng, tánh gió là chơn không, tánh không là chơn phong, xưa nay vốn thường thanh tịnh, trùm khắp pháp giới, biến hiện tuỳ theo mức độ hiểu biết từ tâm chúng sinh.
A-nan, như một mình ông, khẽ động y áo, gió liền phát ra. Khắp pháp giới đều phất thì cả pháp giới đều có gió. Tánh gió đầy khắp thế gian, đâu có nơi chốn.
Theo nghiệp mà biến hiện ra các cảnh giới hiện hữu. Thế gian không biết, lầm cho là tánh nhân duyên và tự nhiên. Tất cả đều là do thức tâm phân biệt suy lường. Chỉ là lời nói, hoàn toàn không có nghĩa chân thật.
VỀ KHÔNG ĐẠI - TÁNH HƯ KHÔNG:
A-nan, tánh hư không chẳng có hình, nhân sắc tướng mà hiển bày. Như trong thành Thất-la-phiệt, nơi xa bờ sông. Những người thuộc dòng sát-đế-lợi, Bà-la-môn, dòng Tì-xá, dòng Thủ-đà-la hay dòng Phả-la-đọa, dòng chiên-đà-la v.v..., khi dựng nhà mới, họ đào giếng lấy nước. Đào một thước đất, thì có được một thước hư không. Như vậy cho đến đào được một trượng đất, thì có một trượng hư không. Hư không sâu hay cạn là tùy theo đào đất nhiều hay ít.
Giảng:
Ông nói rằng, 'Nếu tôi đào một cái hố trên mặt đất, thì hố ấy sẽ có đầy hư không.' Phải chăng đó là trường hợp hư không nhiều hơn thêm?'
"Trước khi ông đào đất, thì hư không vẫn chẳng ít đi. Hư không vẫn bao hàm trong đất." Cũng giống như đạo lý 'nước là băng và băng là nước.' Mặc dù băng thì cứng, nhưng nước vẫn có trong băng. Trong trường hợp nầy, đất được đào lên mới hiển bày ra hư không, nhưng thực tế là bất kỳ chỗ nào có hình tướng là chỗ ấy có hư không trong đó. Không thể nào có chuyện chẳng có hư không chỉ vì nơi ấy có cái bàn. Chính nó có trong cái bàn. Như vậy, hư không bao trùm khắp pháp giới. Nó ở khắp mọi nơi. Kinh văn nói, "Nó hiển bày vì có sắc tướng." Hư không chẳng có sắc tướng; nên ông không thấy được. Chỉ nhờ sự hiển bày sắc tướng mà ông có thể phân biệt được nơi nào có hư không. Nếu không có sắc tướng, ông sẽ không biết được hư không.
Hư không đó nhân đất mà ra, nhân đào mà có, hay chẳng do đâu mà tự sinh ra?
A-nan, nếu hư không ấy vô nhân tự sinh, sao nơi đó chẳng vô chướng ngại, mà chỉ thấy đất, chẳng thấy thông suốt?
Nếu hư không nhân đất mà ra, thì khi đào ra đất, ắt phải thấy hư không vào. Nếu đất ra trước, mà chẳng thấy hư không vào, thì làm sao hư không nhân đất mà sinh ra được?
Còn nếu không ra không vào, thì hư không và đất vốn không khác nhau, không khác tức đồng. Thì khi đất ra, sao hư không chẳng ra?
Nếu nhân đào đất mà có hư không, thì phải đào ra hư không, chứ chẳng đào ra đất. Nếu không nhân đào mà ra, thì đào là ra đất, làm sao thấy được hư không?
Ông nên suy xét thật kỹ, quán sát thật sâu. Việc đào là do tay người, theo phương hướng mà vận chuyển, đất thì theo việc đào mà dời chỗ. Vậy hư không từ đâu mà ra?
Việc đào đất là có thật thể, hư không là vô thể, chẳng có tác dụng gì với nhau, chẳng hòa chẳng hợp. Không lẽ hư không chẳng do đâu mà tự ra?
Nếu hư không đó, tánh tròn đầy trùm khắp, vốn không lay động, thì nên biết hiện tiền hư không và bốn thứ đất, nước, lửa, gió đều gọi là năm đại, tánh thật viên dung, vốn là tánh Như Lai tạng, không sinh không diệt.
A-nan, tâm ông mê muội, chẳng ngộ được tứ đại vốn là Như Lai tạng. Ông hãy quán sát hư không là ra hay vào, hoặc chẳng ra vào?
Ông hoàn toàn không biết, trong Như Lai tạng, tánh giác là chơn không, tánh không là chơn giác, xưa nay vốn thường thanh tịnh, trùm khắp pháp giới.
"Ứng hiện tuỳ theo mức độ hiểu biết từ tâm chúng sinh."
A-nan, như đào một giếng thì có một giếng hư không. Vậy mười phương hư không cũng lại như thế. Tánh không cùng khắp mười phương, đâu có nơi chốn.
Theo nghiệp mà biến hiện ra các cảnh giới hiện hữu. Thế gian không biết, lầm cho là tánh nhân duyên và tự nhiên. Tất cả đều là do thức tâm phân biệt suy lường. Chỉ là lời nói, hoàn toàn không có nghĩa chân thật.
VỀ KIẾN GIÁC:
A-nan, kiến giác không tự nhận thức được,[98] nhân các thứ sắc không mà hiện hữu. Như ông nay đang ở trong vườn Kỳ-đà, sớm mai thấy sáng, chiều hôm thấy tối, nếu lúc nửa đêm, trăng tròn thì sáng, không trăng thì tối. Những tướng sáng tối ấy, do cái thấy phân tích ra được.
A-nan, nếu cái thấy đó cùng với sáng tối và hư không là một thể hay chẳng phải một thể? Hoặc đồng chẳng đồng? Hoặc khác chẳng khác?
A-nan, nếu cái thấy đó cùng với sáng, tối và hư không vốn là một thể, thì cái sáng cái tối sẽ tiêu diệt lẫn nhau. Khi tối thì chẳng sáng, khi sáng thì chẳng tối. Nếu cái thấy cùng một thể với cái tối, thì khi sáng, cái thấy phải biến mất. Nếu cái thấy cùng một thể với cái sáng, thì khi tối, cái thấy phải biến mất. Đã diệt rồi, làm sao thấy được sáng tối? Còn nếu sáng tối khác nhau, cái thấy thì chẳng sinh diệt, làm sao thành một thể được?
Nếu cái thấy đó không đồng một thể với sáng và tối, thì ngoài cái sáng tối và hư không ra, ông hãy phân tích tánh thấy[100] có hình tướng gì?
Rời cái sáng, tối và hư không ra, tánh thấy đó cũng đồng như lông rùa sừng thỏ. Sáng, tối và hư không, ba cái đều khác biệt, do đâu mà lập thành cái thấy?
Sáng tối nghịch nhau, làm sao nói đồng được. Lìa ba thứ vốn chẳng có, làm sao nói khác được?
Bên hư không, bên cái thấy, vốn không có bờ mé, sao lại chẳng đồng? Thấy cái tối, thấy sáng, tánh chẳng dời đổi, sao lại chẳng khác?
Ông hãy xét cho kỹ, suy gẫm từng chi tiết, quán sát cho tường tận. Sáng là do mặt trời, tối là do đêm không trăng, thông suốt thuộc hư không, bưng bít thuộc đất liền. Như vậy tánh thấy nhân đâu mà ra?
Cái thấy thì có biết[101], hư không thì chẳng hay biết,[102] chẳng hòa chẳng hợp. Không lẽ tánh thấy chẳng do đâu mà tự có?
Nếu như các sự thấy, nghe, hay, biết, bản tính viên mãn cùng khắp, vốn không lay động; thì nên biết kiến đại cùng với hư không vô biên chẳng dao động và bốn thứ vốn lay động là địa, thủy, hỏa, phong, gọi là sáu đại, vốn thật viên dung, đều là tánh Như Lai tạng, vốn không sinh không diệt.
A-nan, tánh ông chìm đắm, không ngộ được tánh thấy, nghe, hay, biết của chính ông vốn là Như Lai tạng. Ông hãy xem xét thử tánh thấy, nghe, hay, biết đó là sinh hay diệt, là đồng hay khác, là chẳng sinh diệt, là chẳng đồng chẳng khác? (Hãy phân biệt vấn đề nầy thật chi tiết.)
Ông chưa từng biết, trong Như Lai tạng, tánh thấy là giác ngộ sáng suốt,[103] tánh giác ngộ là cái thấy sáng suốt, vốn tự nhiên thanh tịnh, cùng khắp pháp giới.
Biến hiện tuỳ theo mức độ hiểu biết từ tâm chúng sinh. Như ở nhãn căn, cái thấy trùm khắp pháp giới. Tánh biết nghe, ngửi, biết nếm, biết xúc chạm, tánh nhận biết các pháp, có công năng, diệu dụng rõ ràng cùng khắp, viên mãn mười phương pháp giới, đâu có xứ sở.
Giảng:
"Tánh thấy nầy.... biết các pháp." Hoạt dụng của tánh thấy ấy vô cùng vi diệu, công đức của nó không thể nghĩ bàn, sáng rực rỡ như ngọc bích, chiếu soi vô ngại. "Có công năng... Đâu có xứ sở." Có một nơi chốn nhất định nào để gán cho nó được? Nó chẳng ở đó cũng chẳng phải không ở đó. Vì nó không có một nơi chốn nhất định. Mà nơi nào cũng là xứ sở của nó. Nó có thể tánh viên mãn và diệu dụng vô cùng.
Theo nghiệp mà biến hiện ra các cảnh giới hiện hữu. Thế gian không biết, lầm cho là tánh nhân duyên và tự nhiên. Tất cả đều là do thức tâm phân biệt suy lường. Chỉ là lời nói, hoàn toàn không có nghĩa chân thật.
A-nan, tánh của thức đại không có nguồn gốc, duyên theo sáu căn trần hư vọng mà có. Nay ông nhìn khắp thánh chúng trong hội nầy, khi mới dùng mắt xem qua; nhìn chung, chỉ thấy như bóng trong gương, chưa phân tích rõ được.
Giảng:
Sáu đại: địa, thủy, hỏa, phong, không, kiến đã được giảng rõ. Nay thêm thức đại để thành bảy đại. 'Thức' là gì? Là sự nhận biết hoặc không nhận biết. Biết cái gì và không biết cái gì? Không biết gì cả chính là biết.
THỨC TÂM
Theo nghiệp mà biến hiện ra các cảnh giới hiện hữu. Thế gian không biết, lầm cho là tánh nhân duyên và tự nhiên. Tất cả đều là do thức tâm phân biệt suy lường. Chỉ là lời nói, hoàn toàn không có nghĩa chân thật.
Giảng:
"Theo nghiệp mà biến hiện ra các cảnh giới hiện hữu. " Theo nghiệp cảm của mỗi chúng sinh, mà các hoạt dụng của tánh thấy sẽ ứng hiện ra. "Thế gian không biết–là hàng phàm phu, những người theo giáo lý quyền thừa, những người theo ngoại đạo–lầm cho là nhân duyên, hoặc họ mê lầm gán cho đó là tánh tự nhiên. Lối suy nghĩ nầy đều sinh khởi từ "Thức tâm phân biệt suy lường. Chỉ là lời nói, hoàn toàn không có nghĩa chân thật. Đạo lý mà họ suy luận ra là không chân thực, nó không căn cứ từ Đệ nhất nghĩa đế, cũng chẳng phải là Thật tướng mà Như Lai đã giảng trước đây.''
THỨC ĐẠI
A-nan, tánh của thức đại không có nguồn gốc, duyên theo sáu căn trần hư vọng mà có. Nay ông nhìn khắp thánh chúng trong hội nầy, khi mới dùng mắt xem qua; nhìn chung, chỉ thấy như bóng trong gương, chưa phân tích rõ được.
Giảng:
Sáu đại: địa, thủy, hỏa, phong, không, kiến đã được giảng rõ. Nay thêm thức đại để thành bảy đại. 'Thức' là gì? Là sự nhận biết hoặc không nhận biết. Biết cái gì và không biết cái gì? Không biết gì cả chính là biết.
Tại sao tôi nói thức không biết gì cả? Ông nghĩ rằng ông biết được cái gì? ...... Thế nên, sáu đại được giảng giải trên đây và đại thứ bảy nầy–thức đại– cũng giống như bảy anh em ruột. .... Quý vị không nhận biết được địa đại, thủy đại, hỏa đại, phong đại - Là Tứ đại; và quý vị không nhận biết được không đại và kiến đại. Ngay cả ngài A-nan cũng không nhận biết được chúng. Thế nên Đức Phật... đã tìm ra bảy anh em của quý vị.... Quý vị đã từ bỏ của báu vốn có của mình, phong cảnh quê hương của mình. Nên khi quý vị đi xa, quý vị lìa bỏ cội gốc mà bám lấy cành nhánh. Quý vị từ bỏ những gì thân thiết gần gũi mà tìm cầu những thứ xa xôi. Quý vị đi ra và kết thân với nhiều người. Vậy chẳng phải điên đảo hay sao? Tại sao quý vị hướng ra bên ngoài kết bạn với người khác mà không nhận ra những người anh em ruột thịt của mình? Vì quý vị nhận cái hư giả làm cái chân thật. Quý vị nhận giặc làm con. Quý vị nhận giặc cướp làm bạn mình và hướng ra bên ngoài dùng thức tâm để ứng xử mọi việc.....
Trong giáo lý Tiểu thừa, khi quý vị nhận những gì hư giả làm cái chân thật và dùng thức tâm để ứng xử mọi việc thì rất là tai hại. Nay quý vị đã nhận ra cái hư giả và cái chân thật. Đã nhận ra được bảy anh em ruột thịt trong nhà, thế là bây giờ, mặc dù thức tâm là hư giả, nhưng nó đã chuyển thành Như Lai tạng. Nó vốn biến hiện từ Như Lai tạng. Đó được gọi là 'chuyển tướng thành tánh.' Trong quá khứ, quý vị đã dính mắc hoàn toàn vào tướng, nhưng nay quý vị đã nhận ra được tự tánh, quý vị sẽ không còn từ bỏ cái thân thiết gần gũi để tìm kiếm cái xa xôi nữa, không còn từ bỏ gốc để chạy theo nắm bắt nhành ngọn nữa, hoặc không còn nhận giặc làm con nữa.
"A-nan, tánh của thức đại không có nguồn gốc."– Nó không đến từ nơi nào cả. Nói cách khác, nó không có nguồn gốc. "Thế thì, nó là cái gì?" Quý vị liền hỏi.
Nó "duyên theo sáu căn trần hư vọng mà có." Để hiện hữu, nó phải mượn nhờ sáu căn: nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân, ý và sáu trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp– là 'kiến phần' và 'tướng phần.[104]'
Đến đây kinh văn sẽ đề cập đến hoạt dụng của thức.
Rồi trong tâm thức ông, theo thứ tự chỉ ra, đây là Văn-thù, Phú-lâu-na, đây là Mục-kiền-liên, đây là Tu-bồ-đề,
Ông phải suy xét thật kỹ, quán sát thật tường tận. Cái thấy phải nương nhờ con mắt ông, sắc tướng là cảnh của tiền trần. Những gì có tướng mới thành có, chẳng có tướng ắt thành không. Cái thức như vậy, do đâu mà có?
Thức thì linh động (Phân biệt, linh hoạt), cái thấy trong lặng, chẳng hòa chẳng hợp. Tánh ngửi, tánh nghe và tánh hay biết cũng đều như vậy. Chẳng lẽ tâm thức không do đâu mà có?
Nếu thức ấy chẳng do đâu sinh ra, thì nên biết tác dụng của kiến văn giác tri vốn vắng lặng cùng khắp, tánh chẳng do đâu mà có. Hai đại ấy (thức đại và kiến đại) cùng với hư không, địa, thủy, hỏa, phong, đều gọi là bảy đại, tánh thật viên dung, đều là tánh Như Lai tạng,
A-nan, tâm ông nông cạn, không ngộ được cái kiến văn, không rõ được cái giác tri vốn là tánh Như Lai tạng. Ông nên quán sát sáu chỗ thức tâm nầy là đồng hay khác, là không hay là có, là chẳng đồng chẳng khác, là chẳng không chẳng có?
Giảng:
"Không ngộ được cái kiến văn–và tánh biết ngửi, tánh biết nếm và tánh hay biết, tác dụng của chúng, và không rõ được cái giác tri đều vốn là tánh Như Lai tạng. Ông không nhận ra được đạo lý Đức Phật đã giảng giải về địa, thủy, hỏa, phong, không và kiến, ông không nhận ra được cái tánh hay biết cũng đồng là tánh Như Lai tạng. Ông không hiểu được rằng tất cả đều là tác dụng lưu xuất từ Như Lai tạng."
"Ông nên quán sát sáu chỗ thức tâm." Sáu chỗ của thức tâm là địa, thủy, hỏa, phong, không và kiến. Sáu lĩnh vực của thức tâm nầy là đồng hay khác, là không hay là có, là chẳng đồng chẳng khác? Nó chẳng đồng hay chẳng khác? Là chẳng không chẳng có? Có phải nó chẳng không mà cũng chẳng hiện hữu? Ông nói sáu thức nầy như cái gì?
Ông vốn không biết, trong Như Lai tạng tánh của thức là rõ biết sáng suốt, tính giác ngộ sáng suốt chính là chơn thức. Bản giác trong sáng nhiệm mầu, vắng lặng cùng khắp pháp giới.
Thức nhận biết (Cái thức có tánh hay biết; hiểu biết và phân biệt được các hiện tượng. Nhưng bản thể của thức nầy sinh khởi từ đâu sinh ra?) đó sinh ra do cái thấy, do các tướng, do hư không hay không nhân gì cả mà đột nhiên sinh ra?
A-nan, nếu thức tánh của ông sinh ra do cái thấy, mà không có bốn tướng sáng tối, cùng sắc không, thì chắc không có được cái thấy. Tánh thấy còn không có, do đâu phát sinh ra thức?
Nếu thức của ông sinh ra do các tướng mà không do cái thấy. Đã không thấy sáng, thì cũng không thấy tối. Sáng tối đã không thấy được, tức là chẳng thấy sắc không. Các tướng kia còn chẳng có thì thức từ đâu mà phát sinh?
Nếu thức sinh ra do hư không, chẳng phải sắc tướng, chẳng phải cái thấy. Nếu chẳng phải là cái thấy thì không thể phân biệt, vốn tự không biết được các tướng sáng tối và sắc không. Nếu chẳng có sắc tướng thì sở duyên tự diệt mất, nên kiến văn giác tri chẳng có nơi an lập.
Giữa hai thứ chẳng phải nêu trên, nếu 'không' thì tâm thức đồng như chẳng có, nếu 'có' thì tâm thức đồng như các vật. Dù cho phát ra tâm thức của ông thì nó sẽ phân biệt được gì?
Nếu thức không do đâu mà phát sinh, tại sao không phân biệt được ánh trăng lúc ban ngày[112]?
Ông phải suy xét thật kỹ, quán sát thật tường tận. Cái thấy phải nương nhờ con mắt ông, sắc tướng là cảnh của tiền trần. Những gì có tướng mới thành có, chẳng có tướng ắt thành không. Cái thức như vậy, do đâu mà có?
Thức thì linh động, cái thấy trong lặng, chẳng hòa chẳng hợp. Tánh ngửi, tánh nghe và tánh hay biết cũng đều như vậy. Chẳng lẽ tâm thức không do đâu mà có?
Nếu thức ấy chẳng do đâu sinh ra, thì nên biết tác dụng của kiến văn giác tri vốn vắng lặng cùng khắp, tánh chẳng do đâu mà có. Hai đại ấy (thức đại và kiến đại) cùng với hư không, địa, thủy, hỏa, phong, đều gọi là bảy đại, tánh thật viên dung, đều là tánh Như Lai tạng,
Nó lưu xuất từ Như Lai tạng và vốn chẳng sinh chẳng diệt. Đó là lí do tại sao nó không do sinh ra và cũng không bị tiêu diệt.
A-nan, tâm ông nông cạn, không ngộ được cái kiến văn, không rõ được cái giác tri vốn là tánh Như Lai tạng. Ông nên quán sát sáu chỗ thức tâm nầy là đồng hay khác, là không hay là có, là chẳng đồng chẳng khác, là chẳng không chẳng có?
Ông vốn không biết, trong Như Lai tạng tánh của thức là rõ biết sáng suốt, tính giác ngộ sáng suốt chính là chơn thức. Bản giác trong sáng nhiệm mầu, vắng lặng cùng khắp pháp giới.
Bao gồm và hiển bày trong khắp mười phương hư không, đâu có phương hướng xứ sở?
Theo nghiệp mà biến hiện ra các cảnh giới hiện hữu. Thế gian không biết, lầm cho là tánh nhân duyên và tự nhiên. Tất cả đều là do thức tâm phân biệt suy lường. Chỉ là tên gọi, hoàn toàn không có nghĩa chân thật.
Lúc bấy giờ A-nan và cả đại chúng, được sự khai thị nhiệm mầu của Đức Phật, khiến thân tâm vắng lặng, chẳng còn ngăn ngại. Trong đại chúng, mọi người đều tự nhận ra tâm mình trùm khắp mười phương. Thấy mười phương hư không như xem một lá cây hay đồ vật trong bàn tay.
Giảng: "Chẳng còn ngăn ngại/ Chướng ngại"
Trong không thấy thân tâm,
Ngoài chẳng có thế giới.
Nếu núi Thái sơn sụp đổ trước mắt,
Cũng xin đừng ngạc nhiên.
Có nghĩa là bất luận tai họa lớn lao nào có xảy ra, dù nhà quý vị sụp đổ, cũng mặc chúng. Nếu quý vị chẳng bận tâm đến nó, thì dù nó có sập, nó sẽ chẳng làm hại đến quý vị. Vì sao quý vị bị sự việc làm hại đến mình? Vì quý vị không buông bỏ được chúng. Quý vị bị vướng bận bởi chúng. Quý vị sợ hãi, nên quý vị bị hại. Nếu quý vị chẳng sợ hãi điều gì, nếu quý vị có được sự tỉnh táo, thì dù có ở đâu cũng chẳng hề hấn gì.
Tất cả mọi vật có trong thế gian, đều là tâm bồ-đề sáng suốt nhiệm mầu (Tất cả các pháp đều là tâm bồ-đề).
Tâm tánh tròn đầy, cùng khắp mười phương.
Giảng:
Tâm chính là tâm bồ-đề. Tánh của tâm tròn đầy. Tính vi diệu nhiệm mầu của tâm bồ-đề là tròn đầy. Không có nơi nào mà nó không bao trùm. Nó chẳng thiếu sót chút nào, nên được gọi là tròn đầy. Nếu nó quá ít, thì nó cũng chẳng tròn đầy. Nó phải nhiều như nó phải có. Thế nên nó mới tùy tâm chúng sinh mà ứng hiện đúng theo sở nguyện. Đó gọi là hoàn toàn viên mãn.
Nhìn lại thân cha mẹ sinh ra, như mảy bụi phất phơ trong mười phương hư không, thoạt còn thoạt mất; như trong đại dương mênh mông, nổi lên hòn bọt nước, chẳng biết sinh diệt từ đâu. Rõ ràng tự nhận biết được chân tâm nhiệm mầu xưa nay thường trụ bất diệt.(Giảng: Cái thân lớn như hư không trong mười phương chính là Pháp thân. Thân bằng xác thịt chỉ là báo thân...)
Nên chắp tay lễ Phật, được điều chưa từng có. Đến trước Như Lai nói kệ tán thán:
Giảng một số câu kệ:
Trừ vọng tưởng điên đảo của con từ ức kiếp.
Chẳng trải qua nhiều a-tăng-kỳ kiếp mà được pháp thân.
Giảng:
"Trừ– làm tiêu tan vọng tưởng điên đảo của con từ ức kiếp." Một kiếp là 139.600 năm,[125] một ngàn kiếp là một tiểu kiếp. Hai mươi tiểu kiếp là một trung kiếp. Bốn trung kiếp là một đại kiếp. Ức kiếp ở đây biểu tượng cho con số không thể tính đếm được về thời gian. Từ vô thủy đến nay, vọng tưởng điên đảo đã tiêu tan sạch, từ ngày nay hoặc ngày mai sẽ không còn sinh khởi nữa. Nó sinh khởi cách đây từ vô lượng vô lượng kiếp, tích lũy dần dần từng chút. Đó là những tập khí. Tập khí là bản chất của vọng tưởng điên đảo. Tập khí làm cho vọng tưởng điên đảo sinh khởi. 'Điên đảo' có nghĩa là xem cái thật thành cái giả và nhận cái giả làm cái thật. Họ nhận cái đen làm trắng. Quý vị nói với họ cái ấy trắng thì họ bảo là đen.
Họ làm mọi chuyện đảo ngược. Người ta nghĩ một đường, thì kẻ điên đảo nghĩ một đường khác. Họ luôn luôn muốn có một cách khác người.
Khiến cho con "Chẳng trải qua nhiều a-tăng-kỳ kiếp mà được pháp thân."
'A-tăng-kỳ[126]' là tiếng Sanskrit có nghĩa là 'vô số lượng.' Phải cần đến ba đại a-tăng-kỳ kiếp mới thành tựu Phật quả. Từ sơ phát tâm đến hàng Sơ địa Bồ-tát phải cần một a-tăng-kỳ kiếp. Từ Sơ địa Bồ-tát đến Thập địa Bồ-tát phải trải qua một a-tăng-kỳ kiếp nữa. Từ Bát địa Bồ-tát đến quả vị Diệu giác, thành tựu quả vị Phật phải cần một a-tăng-kỳ kiếp nữa là ba. Thời gian ba kiếp dài vô số lượng nầy là bao nhiêu? Thật là con số lớn lao vô cùng.
A-nan nghe được pháp môn vi diệu mà Đức Phật vừa khai thị, đã khiến cho A-nan được khai ngộ. Do A-nan đã khai ngộ, nên không cần phải trải qua một thời gian dài ba đại a-tăng-kỳ kiếp như vậy mới thấy được Pháp thân.
Nhưng 'thấy được' pháp thân ở đây không phải là chứng ngộ. Đó chỉ là nhận ra được đạo lý về pháp thân. A-nan còn phải tu hành nhiều hơn nữa mới thực sự gọi là chứng được pháp thân. A-nan phải tinh tấn trong công phu nhiều hơn nữa. A-nan đã biết rằng mình không cần phải trải qua một thời gian dài ba đại a-tăng-kỳ kiếp trước khi tu tập thành Phật. A-nan biết rằng chân tâm thường trú thanh tịnh sáng suốt. A-nan biết rằng chính mình và mọi sắc tướng đều là chân tâm sáng suốt nhiệm mầu của Như Lai tạng. Do A-nan đã nhận ra như vậy, ngài biết rằng mình sẽ nhanh chóng thành tựu Phật quả.
Giảng về: Ngũ trược gồm 5 (Kiếp trược - Kiến trược - Phiền lão trược - Chúng Sinh trược - Mạng trược)
* Kiến trược/ Vọng kiến gồm 5: Thân kiến - Biên kiến - giới cấm thủ - Kiến thủ - Tà kiến
Vào thời ngũ trược ác thế, tâm tính chúng sinh cang cường, khó điều phục, nên vào thời kỳ ấy, chư Phật thường xuất hiện để giáo hóa chúng sinh. (Xem nguồn: HT Tuyên Hóa giảng Kinh Thủ Lăng Nghiêm - Quyển 3)
HẾT QUYỂN 3