+ Chúng sinh cang cường - Ngang bướng thích lấy Địa ngục làm nhà
Rồi Ðức Phật dạy rằng: "Ta ở trong đời ác Ngũ Trược—một thế giới ô trọc xấu ác với năm thứ trược là kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sanh trược, và mạng trược—để giáo hóa những chúng sanh cang cường như thế."
Chúng sanh cang cường" là ai? Có thể là quý vị mà cũng có thể là người khác. Người nào cang cường, bướng bỉnh thì người đó tự biết. "Những chúng sanh cang cường" chính là những chúng sanh ương ngạnh, cứng đầu cứng cổ, không chịu giữ quy củ, chẳng muốn vào khuôn phép. Có một đứa bé còn hỏi rằng: "Tại sao phải có quy củ chứ?" Nghe hỏi như thế cũng đủ thấy rằng đứa bé này không thích có quy củ, luật lệ; và đó cũng là do ảnh hưởng của những người lớn xưa nay chẳng muốn tuân theo quy củ mà ra. Nói tóm lại, những kẻ ngang tàng, không chịu giữ gìn phép tắc quy củ, thích thế nào thì làm thế ấy, thì đó chính là "những chúng sanh cang cường" vậy!
"Làm cho lòng chúng nó điều phục." Ðối với những chúng sanh cang cường ương ngạnh này, muốn khiến cho họ vui vẻ và thành thật cảm phục, thật không phải dễ!
"Ðiều phục." Thế nào gọi là "điều" (làm cho hài hòa)? Cách nấu ăn của người Mỹ thì không cần tới nhiều gia vị rắc rối; song người Trung Hoa thì rất để ý đến gia vị nêm nấu, họ thường trộn thêm các vị chua, ngọt, đắng, hoặc cay vào thức ăn một cách thích đáng, vừa phải, để thành những món ăn thật ngon lành. Ðó gọi là "điều vị" (điều hòa mùi vị).
"Phục" là hàng phục, trong lòng vui vẻ và thành thật phục tòng, không còn phản kháng nữa. Những chúng sanh mà Ðức Phật nói bất luận giáo pháp gì họ cũng ngoan ngoãn nghe theo, hoan hỷ tiếp thọ, chẳng chút hoài nghi, không hề phản đối—thì đó chính là những chúng sanh đã được "điều phục," tánh nết đã thuần thành vậy.
Chớ nói rằng năm trăm năm sau khi Phật nhập Niết Bàn thì chẳng còn ai khai ngộ, hoặc không có ai chứng quả A La Hán nữa. Thật ra, bất cứ lúc nào và ở vào thời nào cũng đều có người được khai ngộ, cũng có bậc A La Hán xuất thế cả; chẳng qua là các bậc A La Hán này sau khi chứng quả đều không muốn thị hiện thần thông, không đi khắp nơi xem xét chuyện thế gian.
Thuở trước, các Pháp Sư từ Ấn Ðộ sang Trung Hoa hoằng Pháp như Tôn Giả Ma Ðằng, Tôn Giả Trúc Pháp Lan, và cả Tổ Sư Ðạt Ma (xuất thế sau khi Phật diệt độ cả ngàn năm) nữa, các ngài đều có thần thông. Gần đây thì có Lão Hòa Thượng Hư Vân, Luật Sư Hoằng Nhất và Lão Pháp Sư Ấn Quang—các ngài đều là những bậc cao tăng thời cận đại của Trung Hoa và là những bậc A La Hán, những bậc Bồ Tát. Ðặc biệt hơn nữa, mọi người đều công nhận Lão Pháp Sư Ấn Quang chính là hóa thân của Ðại Thế Chí Bồ Tát! Như vậy, sau khi Phật nhập Niết Bàn, ở nước Trung Hoa vẫn có rất nhiều bậc đại đức cao tăng xuất hiện. Cho nên, dù Phật vào Niết Bàn đã năm trăm năm, một ngàn năm, hay một vạn năm đi chăng nữa, hễ người nào có thể y theo Phật Pháp mà chân chánh tu hành, thì người đó cũng sẽ được khai ngộ và chứng quả vị như thường.
Sau khi các phân thân của Bồ Tát Ðịa Tạng hợp chung lại thành một hình, Ngài rơi lệ ai luyến ..." "Ai" là bi ai, buồn bã; "luyến" là lưu luyến, quyến luyến chẳng rời, không đành lìa bỏ. Vì sao Ðịa Tạng Vương Bồ Tát lại bi ai, thương cảm? Có bốn điều khiến Ngài bi ai:
1) Thứ nhất, Ðịa Tạng Vương Bồ Tát đau xót bi ai bởi Lục Ðạo chúng sanh mải mê gây nghiệp tạo tội, không biết sửa đổi. Tất cả chúng sanh trong các cõi Trời, Người, A-tu-la, Ðịa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh do tạo nghiệp tội nên cứ luân hồi luẩn quẩn mãi trong sáu nẻo ấy, không biết hối cải, chẳng biết ăn năn sám hối.
2) Thứ hai, Ðịa Tạng Vương Bồ Tát bi ai là vì tất cả chúng sanh đều cứng đầu, khó dạy—giảng Phật Pháp cho họ thì họ không muốn nghe, nhưng nếu nói những điều không phải là Phật Pháp thì họ lại vui vẻ theo dõi câu chuyện ngay!
Thói thường, quý vị nói điều tốt thì chẳng mấy ai chú ý nghe. Chẳng hạn quý vị khuyên: "Các bạn nên chăm chỉ học Phật Pháp," thì không ai để tâm tới và cũng chẳng có ai chịu tu học. Tuy nhiên, nếu quý vị rủ rê: "Hiện nay có một loại thuốc, hễ uống vào thì các bạn sẽ có được một cảm giác rất kỳ diệu," thì sẽ có rất nhiều người tranh nhau để được dùng thử loại thuốc đem lại ảo giác đó ngay. Uống vào rồi thì đầu óc trở nên mơ mơ màng màng, tưởng chừng như mình đang lâng lâng bay bổng đến Cực Lạc Thế Giới vậy! Ðó vốn là một thứ thuốc vô cùng độc hại, thế mà người ta nếm một lần rồi thì liền muốn thêm lần nữa, dần dà không biết đến bao nhiêu lần! Trong lúc "say" thuốc, họ cảm thấy cái gì cũng biến đổi, thậm chí trời đất cũng không lớn bằng họ nữa! Thế nhưng, qua khỏi khoảnh khắc phù du đó rồi thì họ liền cảm thấy cơ thể mệt mỏi dã dượi, khó chịu một cách khổ sở—không đau đầu thì cũng nhức xương, tay chân rã rời, nên không muốn làm gì cả, cứ nằm vật vã một chỗ như cái xác không hồn. Tuy vậy, mặc dù ra đến nông nỗi này, họ cũng chưa tỉnh ngộ, còn thắc mắc: "Tại sao mình lại như thế này?" Ðã thế, họ còn cho rằng dùng thêm một ít thuốc ấy nữa thì sẽ được khai ngộ: "Lần này hẳn là thuốc chưa đủ công lực, chưa đủ mạnh. Nếu tăng liều lượng nhiều hơn chút nữa có lẽ mình sẽ được khai ngộ, sẽ thành công!"
Quý vị nói xem, như thế mà không phải là ngu si đến cực điểm thì là gì? Bảo học Phật Pháp thì không học, cứ lén lút sử dụng độc phẩm. Dù biết là phạm pháp, nhưng họ vẫn muốn làm, thích làm và làm cho bằng được; cho nên đó chính là những chúng sanh cứng đầu, ương ngạnh. "Khó dạy" tức là khó uốn nắn, không dễ giáo hóa, không dễ dạy bảo. Quý vị khuyên họ học Phật Pháp thì họ không thích; nhưng nếu quý vị bày cách lừa đảo, lường gạt kẻ khác thì họ liền vui vẻ bám riết, cắm đầu cắm cổ chạy theo ngay. Quý vị thấy đó, lòng dạ của chúng sanh là như thế!
Vậy, nỗi bi ai thứ hai của Ðịa Tạng Vương Bồ Tát chính là đau xót vì chúng sanh cứng đầu, khó giáo hóa, khó điều phục.
3) Nỗi bi ai thứ ba của Bồ Tát Ðịa Tạng là gì? Ðó là "mặt trời trí huệ" (huệ nhật) Như Lai sắp lặn. Phật ví như vầng thái dương, cho nên Phật sắp nhập Niết Bàn thì chẳng khác nào mặt trời trí huệ sắp lặn mất; do đó Bồ Tát Ðịa Tạng lấy làm bi ai.
4) Nỗi bi ai thứ tư của Bồ Tát Ðịa Tạng là gì? Là việc dặn dò trọng đại ở Ðao Lợi Thiên Cung. Tại cung trời Ðao Lợi, Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni ân cần căn dặn Bồ Tát Ðịa Tạng rằng cho đến trước khi Ðức Phật Di Lặc ra đời, Ngài hãy giáo hóa, độ thoát tất cả chúng sanh và khiến họ được gặp chư Phật, được Phật thọ ký. Ðây là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Ðức Phật Thích Ca Nâu Ni đã giao phó trọng trách này cho Bồ Tát Ðịa Tạng, và đây cũng chính là nỗi bi ai thứ tư của Ngài.
Các phân thân của Bồ Tát Ðịa Tạng hợp chung lại thành một thân, rồi rơi nước mắt mà bạch Phật rằng: "Từ số kiếp lâu xa đến nay, con nhờ Ðức Thế Tôn tiếp độ dắt dìu, được mười phương chư Phật từ bi tiếp dẫn, khiến con có được thần lực chẳng thể nghĩ bàn—thứ thần lực không thể dùng tâm trí để nghĩ suy, không thể dùng ngôn ngữ để luận bàn—và được đầy đủ trí huệ rộng lớn."
"Thần" là thần diệu khôn lường. "Thần lực" là thứ sức mạnh thần diệu, mầu nhiệm khôn lường, quý vị không có cách gì biết được. Muốn cứu độ chúng sanh thì quý vị cần phải có thần lực; song nếu chỉ có thần lực mà không có trí huệ, thì cũng không được; cho nên quý vị cần phải có đầy đủ đại trí đại huệ nữa. Chúng ta dùng đại trí huệ để chi phối thần lực, và dùng thần lực để hỗ trợ trí huệ—trí huệ và thần lực hỗ tương hợp tác, tương trợ lẫn nhau—nhờ vậy mới có thể cứu độ chúng sanh. (Nguồn: HT Tuyên Hóa giảng Kinh Địa Tạng)