+ Nghiệp là gì: Nghiệp là suy nghĩ. Bất cứ hành động, lời nói nào được tạo tác thì đều xuất phát từ suy nghĩ của chúng ta trước.... (Nguồn: Nghiệp là gì _ Đức Phật dạy)
+ 249. Hỏi: Cái gì gọi là nghiệp?
Đáp: Nghiệp là cái gánh nặng của con người, là gánh nặng của sanh mạng và của tinh thần. Nghiệp của mỗi người tạo ra thì thâu cất vào kho chứa riêng của mỗi người, tức là cất chứa trong thửa ruộng của thức thứ tám. Kho chứa này có sức thần thông, cho nên nghiệp nặng hay nghiệp nhẹ gì bỏ vào cũng đều được cả. Nó thì không lớn, không nhỏ, cũng không có gì là phân biệt. Đấy đều là nghiệp của chính mình, không phải của người khác, nên không ai đánh cắp được, cũng không ai cướp đoạt hay lấy đi được. (Nguồn: Gậy Kim Cang Hét 1 - HT Tuyên Hóa)
+ Chữ Nghiệp trong các kinh:
* Kinh Pháp Cú:
"Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nếu tạo nghiệp nói hay làm với tâm ô nhiễm sự khổ sẽ theo nghiệp kéo đến như bánh xe lăn theo chân con vật kéo xe".
"Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nếu tạo nghiệp nói hay làm với tâm trong sạch, sự vui sẽ theo nghiệp kéo đến như bóng theo hình".
"Lành dữ bởi ta, ô nhiễm cũng bởi ta; làm lành bởi ta, thanh tịnh cũng bởi ta. Tịnh hay bất tịnh đều bởi ta, chứ không ai có thể thanh tịnh cho ai được".
* Kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt:
Thanh niên Subha bạch Thế Tôn: "Thưa Tôn giả Gotama, do nhân gì, do duyên gì, giữa loài người với nhau, khi họ là loài người, lại thấy có người liệt, có người ưu? Có người đoản thọ, có người trường thọ? Có người nhiều bệnh, có người ít bệnh? Có người đẹp sắc, có người xấu sắc, có người trí tuệ yếu kém, có người đầy đủ trí tuệ? v.v...
Này Thanh niên, các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Nghiệp phân chia các loại hữu tình, nghĩa là có liệt, có ưu. Ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay đàn ông sát sanh tàn nhẫn, tay lấm máu, tâm chuyên sát hại đả thương, tâm không từ bi đối với các loại chúng sanh. Do nghiệp ấy, khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, địa ngục. Ở đây, khi mạng chung nếu được đi đến loài người, chỗ nào nó sinh ra, nó phải đoản mạng. Nhưng nếu có người đàn bà hay đàn ông từ bỏ sát sanh, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh. Do nghiệp ấy, khi thân hoại mạng chung, được sanh vào thiện thú, thiên giới, ở đời. Ở đây, khi mạng chung nếu nó đi đến loài người, chỗ nào nó sinh ra, nó được trường thọ v.v...".
* Kinh Phân Biệt Ðại Nghiệp:
Này A Nan, vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào nói như sau: "Chắc chắn không có ác nghiệp, không có quả báo ác hạnh, chắc chắn không có thiện nghiệp, không có quả báo thiện hạnh". Như vậy Ta không chấp nhận cho vị ấy". Này A Nan vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào nói như sau: "Chắc chắn có ác nghiệp, có quả báo ác hạnh; chắc chắn có thiện nghiệp, có quả báo thiện hạnh". Như vậy Ta chấp nhận cho vị ấy.
Này A Nan, vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào nói như sau: "Tôi đã thấy ở đây có người sát sinh, lấy của không cho... có tà kiến, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy sinh vào cõi dữ, ác thú, địa ngục". Như vậy Ta chấp nhận cho vị ấy. Nếu vị ấy nói: "Chắc chắn tất cả những ai sát sinh, lấy của không cho... có tà kiến, tất cả đều sanh vào cõi dữ, ác thú, địa ngục". Như vậy Ta không chấp nhận cho vị ấy.
Này A Nan, nếu vị ấy nói như sau: "Tôi đã thấy ở đây có người sát sinh, lấy của không cho... có tà kiến, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy sinh vào thiện thú, thiên giới, cõi đời này". Như vậy Ta chấp nhận cho vị ấy. Nếu vị ấy nói như sau: "Chắc chắn tất cả những ai sát sinh, lấy của không cho... có tà kiến, sau khi thân hoại mạng chung, tất cả đều sinh vào thiện thú, thiên giới, cõi đời này". Như vậy Ta không chấp nhận cho vị ấy".
Này A Nan, nếu vị ấy nói như sau: "Tôi đã thấy ở đây có người từ bỏ sát sinh, từ bỏ lấy của không cho... có chánh kiến, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy sinh vào thiện thú thiên giới, cõi đời này". Như vậy Ta cũng chấp nhận cho vị ấy. Nếu vị ấy nói: "Chắc chắn tất cả những ai từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho... có chánh kiến, sau khi thân hoại mạng chung tất cả đều sinh vào thiện thú, thiên giới, cõi đời này". Như vậy Ta cũng không chấp nhận cho vị ấy.
Này A Nan, nếu vị ấy nói: "Tôi đã thấy ở đây có người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho... có chánh kiến, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy sinh vào cõi dữ, ác thú, địa ngục". Như vậy Ta chấp nhận cho vị ấy. Nếu vị ấy nói: "Chắc chắn tất cả những ai từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho... có chánh kiến, sau khi thân hoại mạng chung tất cả đều sinh vào cõi dữ ác thú, địa ngục". Như vậy Ta cũng không chấp nhận cho vị ấy.
Này Potaliputta, nếu một ai có dụng ý làm thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp, có khả năng đưa đến lạc thọ, nó sẽ cảm giác lạc thọ; nếu một ai có dụng ý làm thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp có khả năng đưa đến khổ thọ, nó cảm giác khổ thọ, nếu một ai có dụng ý làm thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp có khả năng đưa đến bất khổ bất lạc thọ, nó cảm giác bất khổ bất lạc thọ.
Này A Nan, người nào sát sanh, lấy của không cho... có tà kiến, sau khi mạng chung, nó sinh vào cõi dữ, ác thú, địa ngục. Hoặc là một ác nghiệp đưa đến cảm giác khổ thọ do nó làm từ trước, hay do nó làm về sau, hay trong khi mệnh chung, một tà kiến được nó chấp nhận và chấp chặt. Do vậy nó sinh vào cõi dữ, nó phải lãnh thọ quả báo được khởi lên ngay hiện tại trong một đời khác. Này A Nan, người nào sát sanh, lấy của không cho... có tà kiến sau khi mệnh chung được sinh vào thiện thú, thiên giới, cõi đời này. Hoặc là một thiện nghiệp đưa đến cảm giác lạc thọ do nó làm từ trước, hay do nó làm về sau, hay trong khi mệnh chung, một chánh kiến được nó chấp nhận và chấp chặt. Do vậy nó sinh vào thiện, có phải thọ quả báo được khởi lên ngay trong hiện tại hay trong một cuộc đời khác.
(Ðoạn này ý nói một người: phải thọ quả báo dữ ngay trong hiện tại hay trong một đời khác bởi các nghiệp ác của họ tạo ra từ trước, hay tạo ra về sau, hay tạo ra vì là ác niệm khởi lên trong giờ phút lâm chung. Trái lại, có những người cả đời tạo nghiệp ác nhưng do thiện nghiệp của họ tạo ra từ trước, hoặc tạo về sau, hoặc trong giờ phút lâm chung mà khởi lên chánh kiến hướng về điều thiện, thì họ tạo được thọ quả bảo vui ngay trong hiện tại hay trong một đời khác chớ không phải thọ khổ. Ðây là trường hợp làm ác mà thọ vui vậy. Kinh còn dạy về người làm lành được sinh thiện thú, thiên giới, cõi đời này, nhưng cũng có người làm lành mà phải đọa ác thú, địa ngục, ý nghĩa cũng tương tự như vừa giải thích trên đây. Ðó là do trong giờ phút lâm chung họ khởi lên tà kiến hướng về việc ác, và cái ác niệm này rất mạnh nên phải bị đọa lạc. Bởi nghiệp do tâm tạo, trong giờ lâm chung tâm khởi lên chánh kiến thiện niệm hoặc tà kiến ác niệm mạnh hơn các nghiệp đã tạo ra lúc sống, thì các nghiệp này sẽ chuyển theo tâm niệm khi lâm chung mà thọ báo).
* Kinh Tăng Chi tập I:
Ai nói như sau: "Người này làm nghiệp như thế nào, như thế nào nó cảm thọ quả như vậy, như vậy". Nếu sự kiện là vậy, này các Tỷ-kheo, thời không có đời sống phạm hạnh, không có cơ hội để nêu rõ đau khổ được chân chính đoạn trừ. Và này, ai nói như sau: "Người này làm nghiệp được cảm thọ như thế nào, như thế nào nó cảm thọ quả báo như vậy, như vậy". Nếu sự kiện là vậy, này các Tỷ-kheo, thời có đời sống phạm hạnh, có cơ hội để nêu rõ đau khổ được chân chính đoạn trừ. Này các Tỷ-kheo, có những người làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ấy đưa nó vào địa ngục. Có người làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tự, và nghiệp ác ấy đưa đến cảm thọ ngay trong hiện tại cho đến chút ít cũng không được thấy trong tương lai.
Hạng người như thế nào, làm nghiệp ác nhỏ mọn đưa nó vào địa ngục? - Ðó là hạng người thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập, hạn hẹp, tự ngã nhỏ nhen, sống chịu khổ ít ỏi. Người như vậy, làm nghiệp ác nhỏ mọn đưa nó vào địa ngục.
Hạng người như thế nào làm nghiệp ác tương tự, đưa đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được trong tương lai? - Ðó là hạng người thân được tu tập, giới, tâm, tuệ được tu tập, không có hạn hẹp, tự ngã to lớn, sống đời vô lượng. Người như vậy làm việc ác tương tự đưa đến cảm thọ ngay trong hiện tại.
Ví như có người bỏ một nhúm muối vào trong một chén nước nhỏ, nước trong chén nước nhỏ ấy vì nhúm muối này trở thành mặn và không uống được không? - Thưa có, bạch Thế Tôn. Vì nước trong chén nước nhỏ này ít, do nhúm muối này, nước trở thành mặn, không uống được.
Này các Tỷ-kheo, ví như có người bỏ một nhúm muối vào sông Hằng, sông Hằng ấy có vì nhúm muối này trở thành mặn và không uống được không? - Thưa không, bạch Thế Tôn. Vì khối nước sông Hằng rất lớn, khối nước ấy không vì nhúm muối này trở thành mặn và không uống được.
Như nhúm muối, sông Hằng không làm cho nước sông Hằng bị mặn không thể uống được.
(...)
Này các Tỷ-kheo, đối với các Sa-môn, Bà-la-môn thuyết như sau, chấp kiến như sau: "Phàm có cảm giác gì con người lãnh thọ lạc, khổ hay không khổ không lạc, tất cả đều do nhân nghiệp quá khứ". Ðối với vị ấy, ta đến và nói: "Chư Tôn giả, có thiệt chăng, chư Tôn giả có thuyết như sau, chấp kiến như sau: "Phàm có cảm giác gì... (như trên)... đều do nhân nghiệp quá khứ?" - Ðược Ta hỏi như vậy, họ trả lời: "Thưa phải, có như vậy". - Ta nói với họ như sau: "Như vậy, thời các Tôn giả do nhân nghiệp quá khứ sẽ trở thành người sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói láo v.v..." nhưng này các Tỷ-kheo, với những ai trở lại dựa vào nghiệp quá khứ và lý do viên thực, với những người ấy sẽ không có ước muốn, không có tinh tấn, không có "đây là việc phải làm" hay "đây là việc không nên làm". Như vậy sự cần thiết cần phải làm hay không cần phải làm, không được tìm thấy là chân thật, là đáng tin cậy, thời danh tư ø Sa-môn không thể áp dụng đúng pháp cho các ngươi được, vì các ngươi sống thất niệm và các căn không được hộ trì. Như vậy, đây là sự chỉ trích đúng pháp của Ta đối với các vị Sa-môn, Bà-la-môn thuyết như vậy, có chấp kiến như vậy.
(Ðoạn này đức Phật chỉ trích những người cho nghiệp quá khứ giống như một định mệnh. Nhất thiết những cảm thọ gì, hành vi gì trong hiện tại cũng đều cho rằng do nghiệp quá khứ quy định cả, thế thì hiện tại chỉ quay theo quá khứ. Sát sanh, trộm cắp, nói láo v.v... đều do nghiệp quá khứ sai khiến, chứ hiện tại không có trách nhiệm gì. Vậy thì không còn sự lựa chọn: đây là việc nên làm, đây là việc không nên làm, đây là tu, đây không phải tu; thời danh từ Sa-môn, người tu, trở thành vô nghĩa; bởi không thể kể đây là một công phu của một ý chí tự do lựa chọn, mà chỉ là một sự thụ động tuân theo nghiệp quá khứ sai sử, hiện tại chẳng có công lao gì).
* Nghiệp được giải thích theo Luận Cu Xá:
a. Thể tánh của nghiệp - Thuyết minh về thể tánh của nghiệp là đề cập đến hai nghiệp, ba nghiệp, năm nghiệp. Hai nghiệp là Tư nghiệp và Tư dĩ nghiệp. Chính sự hoạt động phân biệt suy từ trong nội tâm, đó là Tư nghiệp. Từ đó phát sinh ra hành động và nói năng nơi thân và miệng, đó là Tư dĩ nghiệp. Lại từ hai nghiệp này chia ra làm ba nghiệp là Thân nghiệp, Ngữ nghiệp và Ý nghiệp. Thân nghiệp, Ngữ nghiệp tức là Tư dĩ nghiệp. (Do tư duy, cố ý rồi mới phát sinh ra hành động) còn ý nghiệp tức là tư nghiệp. Lại từ ba nghiệp này chia ra năm nghiệp, tức từ Thân nghiệp chia ra Thân biểu nghiệp, và Thân vô biểu nghiệp, từ Ngữ nghiệp cũng chia ra Ngữ biểu nghiệp và Ngữ vô biểu nghiệp. Như đồ biểu dưới đây .........
b. Tánh chất của Nghiệp:
Nghiệp có thiện tánh, ác tánh, vô ký tánh. Tuy nhiên chỉ có ác và thiện tánh mới là nghiệp, chứ vô ký tánh không đủ sức mạnh tạo thành quả nên không gọi là nghiệp.
Nhưng sao gọi rằng thiện, ác, vô ký?
* Luận Bà Sa cuốn 11 nói: "Nếu pháp gì hay chiêu cảm quả khả ái, khả lạc thì gọi là thiện, nếu chiêu cảm quả báo không khả ái, không khả lạc thì gọi là ác; trái với cả hai sự đó thì gọi là vô ký".
* Luận Cu Xá 15 nói: "Nghiệp an ổn hay chiêu cảm quả báo khả ái, và Niết-bàn, tạm thời và vĩnh viễn xa lìa thống khổ gọi là thiện. Nghiệp không an ổn hay chiêu cảm quả báo bất khả ái gọi là ác. Còn nghiệp trái hai tánh trên gọi là vô ký. Ðây là căn cứ vào sự cảm quả để phân biệt ba tánh thiện, ác, vô ký.
* Luận Cu Xá 13 lại còn căn cứ vào nguyên do để chia ba tánh thiện, ác, vô ký, mỗi tánh đều có bốn thứ là: Thắng nghĩa, Tự tánh, Tương ưng, Ðẳng khởi.
1. Thắng nghĩa thiện: Chỉ có Niết-bàn, vì Niết-bàn an ổn vĩnh viễn bặt dứt dấu vết thống khổ. Thắng nghĩa có nghĩa là tuyệt đối.
2. Tự tánh thiện: Chỉ cho năm tâm sở: Tàm, quý, vô tham, vô sân, vô si. Năm tâm sở này tự thể nó là thiện chứ không phải nhờ vào cái khác mới thiện. Mọi sự thiện đều lấy nó làm gốc.
3. Tương ưng thiện: Chỉ những tâm sở như: Tín, cần, khinh an v.v... nhờ tương ưng, tương hợp với năm tâm sở tự tánh thiện trên kia mà thành chứ tự thể nó không phải là thiện.
4. Ðẳng khởi thiện: Chỉ cho thân ngữ thiện nghiệp là do sự phối hợp bằng nhau giữa tự tánh thiện và tương ưng thiện mà có.
Bốn thứ ác là:
1. Thắng nghĩa ác: Chỉ cho sanh tử luân hồi. Vì sanh tử tự bản chất nó là rất khổ, xấu xa.
2. Tự tánh ác: Chỉ cho năm tâm sở vô tàm, vô quý, tham, sân, si. Vì tự tánh nó là ác chứ không phải chờ tương ưng, đẳng khởi mới ác.
3. Tương ưng ác: Chỉ cho các tâm sở mà tự tánh không phải ác, nhưng vì tương ưng với năm tâm sở tự tánh ác mà hóa ra ác.
4. Ðẳng khởi ác: Chỉ cho thân ngữ ác nghiệp do sự phối hợp bình đẳng của tự tánh ác và tương ưng ác mà khởi lên.
Vô ký tánh thì chỉ có thắng nghĩa vô ký, đó là chỉ cho hư không vô vi, phi trạch diệt vô vi. Hai vô vi này thể nó thường trú nên gọi là thắng nghĩa. Nhưng nó không phải là kết quả chứng đắc của sự tu đạo, nên không phải là thiện mà chỉ là vô ký. Ngoài ra trong 46 tâm còn lại, không có thứ nào thuần là vô ký, nên không lập tự tánh vô ký, và đã không có tự tánh vô ký thì cũng không có tương ưng và đẳng khởi vô ký.
* Các loại nghiệp:
1. Hữu lậu nghiệp là nghiệp ác hoặc thiện, tạo ra bởi động cơ của tâm chấp ngã, tham ái, nó chỉ đưa quả báo loanh quanh trong vòng ba cõi sáu đường. Trái lại nghiệp thiện tạo ra bởi động cơ của tâm vô ngã, của trí tuệ Bát-nhã thì gọi là vô lậu nghiệp, bởi nghiệp này không làm chúng sanh rơi vào trong ba cõi sáu đường nhưng lại làm cho giải thoát khỏi ba cõi sáu đường, chứng được Niết-bàn an lạc.
2. Phước nghiệp là nghiệp lành thọ quả báo ở cõi Dục: phi phước nghiệp là nghiệp ác thọ quả báo khổ ở cõi Dục; bất động nghiệp là nghiệp tu Thiền thọ quả báo ở cõi Sắc và Vô sắc.
3. Tam thọ nghiệp là nghiệp thuận theo lạc thọ ở cõi Dục và Sơ, Nhị, Tam Thiền; là nghiệp thuận theo khổ thọ ở cõi Dục, là nghiệp thuận theo bất khổ lạc ở Tam Thiền trở lên đến cõi trời Hữu đảnh.
4. Tam thời nghiệp tức là nghiệp thọ quả báo trong ba thời kỳ: Có nghiệp thọ quả ngay trong hiện tại, có nghiệp thọ quả trong đời kế tiếp, có nghiệp thọ quả từ đời thứ ba trở đi. Về điểm này có hai chủ trương như sau:
a. Nhà bốn nghiệp, chủ trương có Thuận hiện nghiệp, Thuận sanh nghiệp, Thuận hậu nghiệp và Thuận bất định nghiệp.
b. Nhà tám nghiệp, chủ trương trong bốn cách thọ quả nêu trên, lại chia ra có quả báo (dị thục) nhất định mà thời kỳ thọ quả không nhất định, có thời ký thọ quả nhất định mà quả báo không nhất định, có cả quả báo và thời kỳ thọ quả đều nhất định v.v... nhân lên thành tám nghiệp.
Trong Luận Tỳ Bà Sa cuốn 114 ghi có ba thuyết:
a. Hai nghiệp Thuận sanh thọ, Thuận hậu thọ có đủ cả tánh chất Dẫn nghiệp và Mãn nghiệp. Còn hai nghiệp Thuận hiện thọ và Thuận bất định thọ thì chỉ giới hạn ở Mãn nghiệp.
b. Ba nghiệp Thuận sanh thọ, Thuận hậu thọ, và Thuận bất định thọ đều có đủ cả Dẫn nghiệp, Mãn nghiệp, còn Thuận hiện nghiệp thì chỉ giới hạn ở Mãn nghiệp.
c. Cả bốn nghiệp đều có đủ Dẫn nghiệp và Mãn nghiệp.
5. Mười nghiệp tạo ác là thân sát sanh, trộm cắp, dâm dục; miệng nói dối, nói hai lưỡi (ly gián); nói thô ác, nói thêu dệt; ý tham lam, sân hận, tà kiến.
Mười nghiệp tạo thiện là thân xa lìa ác, xa lìa trộm, xa lìa dâm, xa nói dối, xa lìa nói hai lưỡi, xa lìa nói thô ác, xa lìa thêu dệt; ý không tham, không sân, chánh kiến........... (Nguồn: Định nghiệp trong phật giáo)
+ Xem thêm: Nghiệp tích trữ ở đâu? (Nguồn: Nghiệp là gì và tích trữ ở đâu)