+ Người ngủ nhiều: Tinh đủ thì không sợ lạnh - Khí đủ thì không thấy đói (Nhưng tiếng nói vẫn tràn đầy khí lực nếu Chân khí đủ) - Thần đủ không buồn ngủ. Người ngủ nhiều là Thần khí bất túc, Âm khí thịnh, Dương khí suy yếu.
+ Pháp trị buồn ngủ - Ngủ gật: Trong Tăng Chi Bộ Kinh ghi: Một hôm Phật dùng thiên nhãn quan sát nơi khu rừng chư Tăng ẩn tu, thấy ngài Mục Kiền Liên đang tọa thiền bị ngủ gật, Phật liền đến dạy:
(Nếu ông ngồi bị ngủ gật nên khởi tưởng để đánh tan ma ngủ gật. Trường hợp khởi tưởng không hết thì quán pháp. Quán pháp không hết thì tụng đọc kệ chú. Tụng đọc kệ chú nếu không hết, dùng hai tay nắm hai trái tai kéo xuống, xoa tay, xoa chân. Nếu còn ngủ nữa thì đi rửa mặt. Nếu rửa mặt không hết ra ngoài xem trăng, xem sao hoặc quán ánh sáng. Quán ánh sáng không hết thì đi kinh hành trụ tâm ở trước. Cuối cùng nếu không hết thì nằm như sư tử (nghiêng phía tay mặt hai chân chồng lên).
Bình: Thùy miên là một món phiền não trong năm món phiền não (ngủ cái) che đậy chân tánh chúng sanh. Nó là cái nhân làm cho chân tánh bị lu mờ, trí tuệ không phát sanh được (dù một món cũng có hại). Vì thế, người tu Thiền định muốn được tam muội phải xua đuổi con ma thùy miên không cho đến gần. Những phương tiện Phật dạy trên là cây roi sắt đập mạnh vào con ma buồn ngủ. Đuổi mạnh và đuổi nó đi xa thật xa, không cho nó bén mảng đến chỗ chúng ta ngồi tu. (Trích sách "Nhặt Lá Bồ Ðề". HT. Thiền Sư Thích Thanh Từ)
+ Thời khóa tu - Ngủ 4 giờ: Người xuất gia ngủ bốn giờ, nhằm lúc trung dạ. Ở Ấn Độ thời gian được chia thành ba thời ban ngày, ba thời ban đêm, một ngày ở Ấn Độ thời cổ là sáu thời. Trung dạ là từ mười giờ đêm đến hai giờ sáng, đó là thời gian để người xuất gia ngủ nghỉ, hai giờ sáng thức dậy tụng khóa sáng, một ngày chỉ ngủ bốn tiếng đồng hồ. Hiện tại, chúng ta nghiệp chướng nặng nề, người Tây Dương đề xướng ngủ tám tiếng. Ngủ hơn tám tiếng là chẳng như pháp! Nếu có thể giảm bớt một, hai tiếng, tôi cho rằng ngủ sáu tiếng là được lắm rồi. Một phần quang âm là một phần thọ mạng đấy nhé! Thế gian thường nói: “Một tấc quang âm, một tấc vàng”. Quang âm trọng yếu như thế đó, cho nên phải gìn giữ quang âm quý báu, nỗ lực tu hành. (Nguồn: Phật Thuyết Thanh Tịnh Tâm Kinh)