nguyện vọng rực lửa

NGUYỆN VỌNG RỰC LỬA

Nguyện vọng rực lửa, tức là sự chế ngự con người hồng trần đến mức mọi nguyên tử trong cơ thể của y đều bừng cháy với lòng nhiệt thành và nỗ lực… phẩm chất “tinh tấn” hướng đến lý tưởng, hoặc tự rèn luyện nhằm đạt mục tiêu phải thật sâu xa trong tâm người chí nguyện thực hành yoga đến mức không khó khăn, trở ngại nào có thể khiến y lùi bước. Chỉ khi phẩm tính này đã phát triển đến mức tốt đẹp, và khi hành giả đã tỏ ra rằng không vấn đề khó khăn nào, không sự tối tăm hay thời gian lâu dài nào ngăn trở được y, thì bấy giờ y mới được phép trở thành đệ tử của một vị Chân sư. Sự cố gắng mãnh liệt, lòng thiết tha kiên định và liên tục, và sự trung thành không dời đổi đối với lý tưởng thấy được qua thị kiến tinh thần, là điều kiện thiết yếu của Con đường Đệ tử. ASCLH Từ “aspiration” (nguyện vọng) có gốc La-tinh là “ad” = (đến), và “spirare” = (thở, thở hướng về) theo từ điển Webster. Từ “spirit” (tinh thần) cũng có cùng ngữ căn này. Nguyện vọng phải phát khởi trước khi có sự lưu nhập của nguồn cảm hứng tinh thần. Phàm ngã phải thở ra trước khi có sự thở vào của Chân ngã cao siêu. Theo quan điểm của khoa thần bí Đông phương, nguyện vọng có ẩn ý là lửa. Nó ngụ ý ước vọng bừng cháy, và quyết tâm nồng nhiệt, rốt cuộc mang lại ba điều cho người chí nguyện. Nó chiếu rọi ánh sáng thấu suốt vào những vấn đề khó khăn của y và là lò lửa tinh luyện mà phàm ngã phải đi qua để mọi thứ cặn bã đều được thiêu sạch, cũng như tiêu hủy tất cả những chướng ngại ngăn trở bước tiến của y. Cũng chính ý niệm về lửa này xuyên suốt toàn bộ các kinh sách về khoa thần bí Thiên Chúa giáo, và hẳn chúng ta cũng còn nhớ nhiều đoạn có tính chất tương tự trong Kinh Thánh. Sẵn sàng “vác thập tự giá,” “đi vào hỏa ngục,” và “chịu chết mỗi ngày,” (dù biểu tượng nào được dùng cũng không quan trọng), là đặc điểm của người chí nguyện chân thực. Thế nên, trước khi đi vào con đường tham thiền, và dấn bước theo dấu của vô vàn những người con của Thượng Đế đã đi trước, chúng ta cần phải đo lường mức cao sâu của vấn đề và chuẩn bị sẵn sàng cho việc leo núi khó khăn, vất vả và những nỗ lực cam go. Chúng ta phải nói như J. C. Earle : “Tôi vượt qua thung lũng. Tôi leo lên dốc núi. Tôi vác thập tự giá: thập tự giá vác tôi. Ánh sáng dẫn đường tiến vào nguồn sáng. Tôi khóc vì mừng khi thấy điều tôi kỳ vọng Khi đã leo lên đỉnh núi sau bao nỗi nhọc nhằn, Vì mỗi bước đớn đau tôi đã trải, Dắt tôi qua bao thế giới quang minh Là một bước tiến sâu hơn vào lòng Thượng Đế.”2 Chúng ta khởi đầu bằng nhận thức xúc cảm về mục tiêu của mình, rồi từ đó, qua ngọn lửa của giới luật, vượt lên những đỉnh cao hiểu biết xác thực của trí tuệ. Điều này được minh họa một cách đẹp đẽ trong Kinh Thánh qua câu chuyện của Shadrach, Meschach và Abednego. Chúng ta đọc thấy rằng họ bị ném vào giữa lò lửa đang bừng cháy. Thế nhưng, kết quả của tình trạng có vẻ bi kịch này là sự xuất hiện giữa họ một Nhân vật thứ tư, có hình dạng giống như Người con của Thượng Đế. Ba người bạn này là biểu tượng của ba hạ thể phàm nhân. Tên Meschach có nghĩa là “linh lợi,” một khả năng của trí phân biện, hay là hạ trí. Shadrach có nghĩa là “hoan hỉ trên Đường Đạo” và cho thấy sự siêu hóa thể tình cảm, chuyển đổi dục vọng thành Đường Đạo. Abednego có nghĩa là “tôi tớ của Mặt trời,” và nhấn mạnh sự kiện thực tế rằng chức năng duy nhất của thân xác là làm tôi tớ cho Con của Thượng Đế (Mặt trời), tức là chân nhân hay là linh hồn (xem Daniel III, 23-24). Hành giả không thể tránh khỏi việc phải trải qua lò lửa tinh luyện, nhưng phần thưởng tương xứng với sự thử thách. Nguồn: Trích từ Chương Trình Tham Thiền Raja Yoga GQ 001.2-04 tiếng Việt của Trường Morya Federation qua trang tiếng Việt minhtrietmoi.org Ví dụ: Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thề nguyện khi ngồi thiền thành Phật: ...... Một hôm Ngài xuống sông Ni-liên-thiền (Nairanjana) nay là sông Lilajan, tắm gội sạch sẽ, rồi lội qua sông, lên bờ vào chừng hơn 100m, đến dưới gốc cây Tất-bát-la (Pippala) có tàng che to lớn. Ngài nhận một bó cỏ Cát tường (Kusa) từ người nông dân chăn trâu tên Svastika, rồi trải cỏ làm tòa ngồi và tuyên thệ: “Nếu ta không tìm ra Chân lý tối thượng, ta quyết không rời khỏi nơi này”. (Nguồn: Xem tại đây)